fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Các Bài học từ Solyndra

Robert P. Murphy*

LGT. Mặc dù bài viết dưới đây phân tích một thí dụ về một sự việc kinh tế tại Mỹ, tác giả đã cho thấy rằng khi nhà nước “dính” vào những hoạt động kinh tế, thì có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Công ty kỹ thuật năng lượng mặt trời Solyndra được chính phủ Liên bang Mỹ cho vay có bảo đảm tới một nửa tỷ Mỹ kim, nhưng chỉ sau vài năm hoạt động đã phải khai phá sản. Tại Mỹ, sự kiểm tra gắt gao của những quy chế và định chế về kế toán và tài chính, dầu sao cũng đã giảm thiểu được phần nào thiệt hại cho người dân đóng thuế. Ngược lại, khi thiếu sự kiểm soát minh bạch và công khai, và nhất là khi nhà nước lại là chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn của nhà nước, thì thiệt hại, khi xảy ra, sẽ vô cùng nghiêm trọng, như trường hợp Vinashin tại Việt Nam chẳng hạn.[1]

Như một viên chức của Toà Bạch Ốc đã mô tả một cách mỉa mai trong một điện thư nói rằng lý do các hãng như Solyndra cần sự hỗ trợ của chính phủ là bởi vì các nhà đầu tư trong lãnh vực tư cho rằng các món tiền cho vay đó có nhiều rủi ro.

Vào tháng 9 năm 2011, đại công ty về năng lượng mặt trời Solyndra đã tuyên bố phá sản và sa thải hơn 1100 nhân viên. Sự phá sản của công ty là một vụ khó ăn khó nói lớn cho chính quyền Obama, bởi vì Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Biden đã công khai nêu ra trường hợp của Solyndra – công ty đã nhận được khoảng 0.5 tỷ dollar từ công quỹ để bảo đảm tiền cho vay – và đã coi công ty đó là một thành công sáng chói trong biện pháp tạo ra công ăn việc làm và thay đổi khí hậu của chính quyền Obama. Sự lúng túng đó chẳng bao lâu trở thành một vụ bê bối khi các nhà lập pháp phát hiện rằng chính quyền hình như đã không nghe những lời cảnh báo sớm hơn về việc cho Solyndra vay. Khi tôi viết bài này, tức là bốn tháng sau khi Solyndra phá sản [vào tháng 9, 2011 – ND], thì các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hoà vẫn đang đòi chính quyền phải tiết lộ thêm những điện thư giữa các viên chức then chốt để quyết định xem vào thời điểm nào họ đã biết được tình trạng thực sự của công ty.

Bài này có hai mục đích. Thứ nhất là tóm lược những sự kiện then chốt trong trường hợp Solyndra và giải thích tại sao đó là một vụ bê bối chứ không phải một vụ đầu tư không đúng chỗ. Mục đích thứ hai là để từ trường hợp Solyndra này đi xa hơn và phê bình quan niệm bảo đảm tiền cho vay của chính quyền cho những công ty. Bởi vì chính quyền của cả Georges Bush và Obama đều ủng hộ những chương trình cho vay bảo đảm đó, vì vậy phần phê bình là phê bình cả hai đảng.

Ngay cả khi chúng ta chấp nhận tiền đề mà các nhà bảo vệ môi trường thường đưa ra, cho rằng chính phủ cần phải khuyến khích đầu tư tư nhân vào những kỹ thuật không sinh ra những khí thải nhà kính, [tức là những chất làm ô nhiểm môi trường – ND], thì ngay cả trong những trường hợp đó, cũng không thể biện minh cho chương trình cho vay của Bộ Năng Lượng. Có những sự lựa chọn về chính sách hữu hiệu hơn, những sự lựa chọn ít bị tham nhũng hơn những chương trình mà trong đó các viên chức của chính quyền liên bang đưa hàng trăm triệu đô-la cho những công ty được hưởng lợi.

Tóm lưc quá trình

Khi Solyndra được thành lập vào tháng 5, 2005, kế hoạch kinh doanh của công ty là chế tạo những tế bào năng lượng bằng loại phim mỏng hình ống và làm bằng những hợp chất CIGS (copper-indium-gallium-selenide). Đây là một phương pháp mới bởi vì những công ty cạnh tranh với Solyndra thường sản xuất các tế bào năng lượng làm bằng silicon. Vào tháng 7 năm 2005 chính quyền Bush lập ra chương trình bảo đảm cho vay theo điều khoản 1703 như có ghi trong Đạo Luật về Chính sách Năng lượng của năm 2005. Theo trang mạng của Bộ Năng Lượng thì:

Điều khoản 1703…của Đạo Luật Chính Sách về Năng Lượng năm 2005 cho phép Bộ Năng Lượng của Hoa Kỳ hỗ trợ các kỹ thuật sáng tạo về năng lượng không ô nhiểm, những kỹ thuật thường không nhận được sự tài trợ của lãnh vực tư, vì có những rủi ro về kỹ thuật cao. Thêm vào đó, các kỹ thuật này phải làm sao tránh, giảm, hay cô lập các chất tạo ô nhiểm hay những sự thoát hơi nhà kính do con người tạo ra.[2]

Vào tháng 12 năm 2006, Solyndra nộp đơn xin được hưởng tiền cho vay có bảo đảm của chính phủ theo chương trình 1703. Sau khi đã làm mọi thủ tục cần thiết, tới tháng 1 năm 2009 Solyndra đã thuyết phục được Ủy Ban Tín Dụng của Bộ Năng Lượng là dự án này “có vẻ có giá trị.” Tuy nhiên, Bộ Năng Lượng cũng vẫn chưa muốn cho vay có bảo đảm mà còn cần phải biết thêm nữa. Tổng Thống Obama, nhậm chức vào tháng 1 năm 2009 đã có chương trình là sẽ chính thức công bố chương trình bảo đảm tiền cho vay vào ngày 19 tháng 3 trong chuyến đi thăm California. Tuy nhiên sự thông báo này đã bị hủy bỏ sau khi các viên chức của Toà Bạch Ốc trình bày những điểm hãy còn thắc mắc, trong đó có một cái điện thư, mà bây giờ trở nên rất là tai tiếng, của một chuyên gia phân tích ngân sách. Hình như điện thư này được gởi cho các đồng nghiệp của người đó đang làm việc với Tổng Thống, mặc dầu những tên của người nhận đã được thay đổi đi. Điện thư gởi vào ngày 10 tháng 3 nói rằng sự kiện này chưa nên loan báo một cách rầm rộ công khai. Và cùng lúc đó, thì một viên chức của Bộ Năng Lượng viết một điện thư nói rằng có “một vấn đề quan trọng hãy còn chưa giải quyết” về số tiền cho vay đó. Vấn đề này xoay quanh các dự phóng cho thấy rằng công ty thực sự nhận số tiền cho vay của Solyndra, tức là công ty phụ Solyndra Fab 2, sẽ bị thiếu tiền vào tháng 9 năm 2011, và do đó sẽ cần sự giúp đỡ của công ty trung ương.

Mặc dầu có những bận tâm này, ngày 20 tháng 3 Solyndra cũng vẫn nhận được sự chấp thuận có điều kiện để được cho vay có bảo đảm. Vào tháng 8 năm 2009, người đứng đầu của văn phòng Tổng Thống ở Toà Bạch Ốc gởi một điện thư cho cơ quan quản lý và ngân sách, nhắc lại rằng Phó Tổng Thống dự định sẽ loan báo về Solyndra và hỏi rằng Toà Bạch Ốc có thể làm gì để vấn đề này có thể tiến triển nhanh hơn không.

Vào đầu tháng 9 năm 2009, sau khi các bên liên hệ đã ký kết, Bộ Năng Lượng chính thức chấp thuận tiền cho vay có bảo đảm cho Solyndra. Ba ngày sau, Phó Tổng Thống Biden, tham dự qua video, và Bộ Trưởng Năng Lượng Steven Chu, cùng với Thống Đốc Schwarzenegger đã chủ trì lễ khởi công của Solyndra tại Fremont, California. Trong bài diễn từ đọc trước những người tham dự buổi lễ đó, Biden nói về chính quyền mới nhậm chức của Obama như sau: “Chúng tôi biết là chúng tôi phải hành động. Và nội trong 200 ngày từ khi chính quyền
nhận chức, chúng tôi đã ban hành đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư tại Huê Kỳ. Đạo luật Phục hồi đã đang được thi hành, chứng cớ là quý vị thấy được áp dụng ngaytại địa điểm này.”  Cũng trong diễn từ đó, Biden nói:

Một phần của kế hoạch của chúng tôi bảo đảm là chúng tôi sẽ tạo công ăn việc làm, chúng tôi tạo công ăn việc làm cho tương lai như là những loại công việc mà quý vị đang tạo ra ngày hôm nay. Những công ăn việc làm mà quý vị tạo ra có thể xây dựng một gia đình, tạo ra những công việc giảm ô nhiểm, những công việc tạo nền móng cho một nền kinh tế Hoa Kỳ lớn mạnh hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho việc đầu tư vào Solyndra, và đầu tư vào những công việc làm của Solyndra là rất quan trọng, không phải cho hiện tại, mà là để cho chúng ta thêm sức mạnh tiến về một tương lai xán lạn hơn… Theo một nghĩa thì chúng ta đang đi trên một cuộc hành trình càng ngày càng gần mặt trời, để đưa Hoa Kỳ tới một nền kinh tế sử dụng năng lượng mặt trời, và trong cuộc hành trình đó chúng ta đã để lại đằng sau cái bóng của quá khứ không hữu hiệu và gây ra những tai hại. Hôm nay tôi rất lấy làm vui mừng cùng với Bộ Trưởng Năng Lượng thông báo rằng chúng tôi đã chấp thuận một khoản tiền cho vay có bảo đảm là 535 triệu đô-la cho công ty Solyndra, tức là hơn nửa tỷ đô-la. Đây là một trong những tin mà Bộ Trưởng Năng Lượng sẽ tiếp tục phổ biến là Bộ sẽ có hơn 30 tỷ để làm tiền cho vay có bảo đảm trong đạo luật Phục hồi để cung cấp ngay bây giờ, và sẽ cung cấp cho các công ty Hoa Kỳ dẫn đầu trong kế hoạch tiến tới một tương lai năng lượng mới và sạch. Số tiền cho Solyndra vay sẽ giúp xây dựng những cơ sở chế xuất mới và cùng với những cơ sở chế xuất này, ngay lập tức, sẽ tạo ra 3000 việc làm có lương tốt cho các công nhân xây dựng. Một khi cơ sở này hoàn tất, sẽ có khoảng 1000 công việc thường xuyên tại Solyndra và tại những vùng doanh nghiệp chung quanh, và hàng trăm công việc làm nữa cho những người làm việc đặt những bảng năng lượng mặt trời trong nước.

Đó là một sự kiện quan trọng. Nó quan trọng bởi vì những công việc làm này là những công việc làm thường xuyên. Đây là những công việc làm cho tương lai, đây là những công việc làm cho môi trường xanh, đây là những công việc làm sẽ không bị mất đi qua xuất khẩu. Đây là những công việc làm điển hình cho thế kỷ 21 và những công việc tạo ra sẽ khiến cho Hoa Kỳ có thể cạnh tranh và dẫn đầu như chúng ta đã từng làm trong thế kỷ thứ 20. [Phần in đậm do tác giả thêm vào]

Sau các lời phát biểu của Biden, Bộ Trưởng Năng Lượng Chu – người đã được giải Nobel về Vật Lý năm 1997 và được nhiều người công nhận là chuyên gia hoàn hảo nhất để hướng những nguồn vốn khan hiếm vào các công trình có ích cho xã hội – đã nói như sau:

Tôi xin cám ơn tất cả những người đã cộng tác chặt chẽ với Bộ Năng Lượng trong việc thực hiện dự án thành công này. Tôi xin cám ơn Phó Tổng Thống Biden cũng đã tham gia vào sự kiện này. Tôi cám ơn Thượng Nghị Sĩ Feinstein… Thượng Nghị Sĩ Boxer, và dĩ nhiên Thống Đốc Schwarzenegger đã giữ vai trò lãnh đạo trong công việc phát triển một nền kinh tế có năng lượng sạch tại California. Như quý vị thấy, nếu chúng ta làm được một tấm năng lượng mặt trời tốt hơn, thì thế giới sẽ đua nhau tìm đến chúng ta. Làm được tấm năng lượng
mặt trời thông minh hơn, chính là điều Solyndra đã làm. So với những tấm năng lượng mặt trời trước kia, thì tấm năng lượng mặt trời làm bằng phim mỏng do Solyndra mới sáng chế sẽ tạo ra năng lượng nhiều hơn với giá rẻ hơn, và giản dị hơn. Chứng cớ cho thấy thế giới đang đòi hỏi một nền kinh tế có năng lượng sạch là hiện tại những đơn đặt hàng về
các (tấm) năng lượng mặt trời đã lên tới 2 tỷ đô-la. Nhờ chương trình bảo đảm tiền vay này, những đơn đặt hàng đó sẽ được thực hiện bởi các công nhân Hoa Kỳ. Gần đây, quý vị đã nghe nói rất nhiều về các công việc trong ngành năng lượng xanh. Ngày hôm nay, quý vị đang được chứng kiến công việc đó trên thực tế[Phần in đậm do tác giả thêm vào].

Ngày 26 tháng 10 năm 2010, Tổng Thống Obama tới thăm cơ xưởng Solyndra tại Fremont và trong lời phát biểu, Tổng Thống nói:[3]

Cũng là một điều rất thích hợp là California đang đi tiên phong trong kỹ thuật này. Lẽ dĩ nhiên là phải ở California chứ. Chính tại đây có những công ty như Solyndra đang đi tiên phong hướng về một tương lai xán lạn và phồn vinh hơn.

Chúng tôi nhìn nhận rằng cũng chỉ có một số việc nào đó mà chính phủ có thể làm được. Động cơ thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế vẫn phải ở trong tay các công ty như Solyndra…Nhưng thế không có nghĩa rằng chính phủ chỉ đứng bên cạnh để nhìn. Chính phủ vẫn còn có trách nhiệm để giúp tạo ra những điều kiện cho các sinh viên được đào tạo để có thể làm việc tại Solyndra, và những nhà kinh doanh cũng có thể được nguồn tài trợ để lập ra một công ty. [Phần in đậm do tác giả thêm vào].

Tới tháng 12 năm 2010, Solyndra hết tiền và tiếp xúc với Bộ Năng Lượng xin vay thêm để tránh bị vỡ nợ. Tuy không có thêm tiền của chính phủ bỏ vào, nhưng chính phủ cũng làm việc với Solyndra. Tháng 2 năm 2011, chính quyền Obama đã thay đổi cơ cấu cho vay với Solyndra, và cho phép những người đầu tư bên ngoài có thể đổ thêm 75 triệu đô-la nữa. Mặc dầu như vậy, đến ngày 4 tháng 9 Solyndra đã tuyên bố phá sản và sa thải khoảng 1100 công nhân.

Có vẻ có tham nhũng

Diễn trình cơ bản vừa nói trên cho thấy rằng chính quyền Obama đã nhận và coi Solyndra như một trường hợp tốt đẹp để quảng cáo chương trình gói kích thích kinh tế và quảng cáo cho nỗ lực chống lại sự thay đổi khí hậu. Vì công ty sụp đổ, để cho những người dân đóng thuế một món nợ có lẽ là lên tới nửa tỷ đô-la, nên câu chuyện đó không những chỉ là một điều khó ăn khó nói về chính trị, mà nó còn đặt thành một nghi vấn đối với khả năng của chính phủ khi lựa chọn một dự án có vẻ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là do nhân viên thiếu khả năng: Solyndra đã trở nên một vụ bê bối bởi vì có chứng cớ cho rằng các viên chức quan trọng trong chính quyền Obama đã không hành động một cách minh bạch và đã bỏ qua những lời cảnh báo mà nếu được nghe theo thì đã không là hao phí tiền của người đóng thuế.

Thí dụ, chỉ có hai ngày trước khi Tổng Thống Obama thăm cơ xưởng Solyndra, một người gây quỹ cho Obama đã viết trong điện thư những quan tâm như sau:

Trong chúng tôi có một số người không được yên tâm về việc Tổng Thống sẽ tới thăm Solyndra. Báo chí đã cho biết là công ty phải sửa lại cái số thu nhập của công ty và càng ngày càng có thêm các thắc mắc bởi vì những kiểm toán viên tài chánh của công ty đã đưa ra một lá thư bày tỏ sự quan tâm về sự điều hành của công ty.[4][Nghĩa là họ cảnh báo có thể công ty sẽ vỡ nợ trong nay mai. – Theo tác giả]… Nhiều người trong số chúng tôi tin rằng cơ cấu về chi phí của công ty sẽ khiến cho công ty khó tồn tại trong dài hạn. Công ty đã tiêu vào vốn với mức độ là 10 triệu đô-la mỗi tháng từ Quý 1 tới Quý 3 căn cứ trên bản kê khai tình hình tài chánh S-1 nộp cho Uỷ ban Chứng khoán, và hơn 20 triệu mỗi tháng bao gồm cả chi tiêu điều hành và chi tiêu vốn. Tất cả những điều này đều là những cờ đỏ báo nguy rất lớn.

Điện thư này được chuyển lên các cấp cao, và có người ở trong số các viên chức của Toà Bạch Ốc đã trả lời trong văn thư nội bộ như sau: “Lẽ dĩ nhiên, nếu công ty đã được tài trợ một cách mạnh mẽ và đầy đủ mà không nhờ đến chúng ta, thì họ đâu có cần sự tài trợ của chính phủ. Do đó, lá thư bày tỏ sự quan tâm về sự điều hành của công ty và về việc Solyndra có thể không đủ điều kiện để đăng ký gây vốn trong thị trường chứng khoán thì tự nó không phải là điều cho tôi phải lo ngại. Nói như vậy, nhưng chúng ta cũng cần phải tìm hiểu để biết
rõ công ty này quả thật có vững chắc hay không.”[5]

Còn có một vấn đề khó khăn trầm trọng hơn về việc thay đổi cơ cấu số tiền bảo đảm cho Solyndra vay trước đây. Sự thay đổi này đã khiến những người đầu tư tư nhân có ưu tiên cao hơn, trong trường hợp mà công ty không trả được nợ. Kết quả là những khoản cho vay của chính phủ, tức là tiền của người đóng thuế, bị đặt vào hàng thứ yếu. Trước khi thay đổi cơ cấu, Trợ lý Bộ Trưởng Tài chánh là Mary Miller đã viết cho Jeffrey D. Zients, là Phó Giám đốc của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB, Office of Management and Budget), cảnh báo ông ấy rằng sự thay đổi như vậy có thể bất hợp pháp. Bà cũng đã khuyên Bộ Năng Lượng nên tham khảo ý kiến với Bộ Tư Pháp trước khi tiếp tục kế hoạch đó. Vào tháng 8 năm 2011 bà Miller viết cho OMB như sau: “Theo chúng tôi được biết thì việc này chưa bao giờ được thực hiện.”

Vấn đề còn tệ hại hơn nữa, đó là một cố vấn về chính sách kích thích kinh tế của Bộ Năng Lượng, Steve Spinner – mà công ty luật của vợ của ông ta đại diện cho Solyndra khi nộp đơn này – đã nhiều lần dục để cho quyết định bảo đảm vay lúc trước được chấp thuận. Chẳng hạn Spinner đã gởi điện thư cho một viên chức của OMB vào ngày 28 tháng 8 năm 2009, tức là trước khi được chính thức chấp thuận, và hỏi như sau: “Làm như vậy thì khó cái đếch gì ? Còn đợi gì nữa? Chúng tôi có thể có cái chấp thuận đó nội trong ngày hôm nay được không?”[6]

Sự nghi ngờ có tham nhũng lại có thêm chứng cớ rõ ràng hơn, đó là từ năm 2008 đến năm 2011, Solyndra đã chi gần tới 1.9 triệu để trả cho những người hành nghề vận động hành lang chính trị.[7] Những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng đưa ra những lập luận về việc George Kaiser, một người gây quỹ khá quan trọng cho công cuộc tranh cử của Obama, công ty của ông ta là Argonaut Ventures, đã tham gia vào việc bỏ thêm tiền vào Solyndra (và bây giờ số tiền đó sẽ được coi như ưu tiên hơn số tiền của chính phủ trong trường hợp Solyndra giải thể). Trong những năm 2009 và 2010, Kaiser đã đến Toà Bạch Ốc nhiều lần (và theo những điện thư đã được công bố) để thảo luận về Solyndra, mặc dầu Toà Bạch Ốc đã phủ nhận là vấn đề đó không bao giờ được nêu ra.[8]

Sau hết, khía cạnh mới nhất khi vụ bê bối sắp xẩy ra liên quan đến việc Chính quyền cố gắng yêu cầu Solyndra hoãn lại việc công bố sa thải hơn 200 nhân viên cho tới sau khi có những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2010.[9]

Các khoản nợ cho vay được bảo đảm của chính phủ liên bang không hữu hiệu, ngay cả với những trường hợp coi là thành công

Tuy cố gắng coi Solyndra chỉ là một trường hợp duy nhất không được tốt, nhưng Bộ Năng Lượng đã bảo đảm cho những dự án năng lượng tái sinh khác vay nợ và những dự án đó cũng đã bị thất bại.[10] Tuy nhiên, dù chương trình của Bộ Năng Lượng luôn luôn lựa chọn những dự án tốt – nghĩa là không có những người vay không trả nợ, và do đó người đóng thuế không mất một đồng nào cả – chương trình này cũng đã tạo ra những điều kiện khiến cho việc sử dụng nguồn lực không được hữu hiệu.

Như một viên chức của Toà Bạch Ốc đã mô tả một cách mỉa mai trong một điện thư nói rằng lý do các hãng như Solyndra cần sự hỗ trợ của chính phủ là bởi vì các nhà đầu tư trong
lãnh vực tư cho rằng các món tiền cho vay đó có nhiều rủi ro
. Khi chính phủ bắt đầu tham gia, và trên thực tế, coi như là người cùng ký vay nợ, thì sự kiện này cũng không làm mất đi những sự nghi ngờ nguyên thủy của người đầu tư. Trái lại, nó chỉ khiến cho những người đóng thuế ở trong một thế kẹt, bị thiệt hại nếu có sự gì trục trặc, trong khi đó những người đầu tư tư nhân lại được lợi nếu mọi sự đều tiến triển tốt đẹp. Trường hợp của Solyndra còn rắc rối hơn nữa, bởi vì phần lớn các số tiền cho vay có bảo đảm của chính quyền liên bang lại là số tiền trực tiếp đưa ra từ Ngân Hàng Tài trợ Liên bang, là một bộ phận của Bộ Tài Chánh.[11]

Những khoản nợ do chính quyền bảo đảm không tạo thêm ra những nguồn lực vật chất và tự nó không thúc đẩy các cá nhân tiết kiệm hơn nữa. Do đó, khi chính phủ lại hứa sẽ đầu tư những khoản thiếu hụt cho một món nợ nào đó, mà nếu không có sự bảo đảm đó thì sẽ không xẩy ra, có nghĩa là chính phủ đã rút những tiền vốn hiếm có từ những dự án mà các nhà đầu tư tư nhân đã lựa chọn từ lúc đầu. Trừ phi chúng ta có lý do chính đáng nào đó để tin rằng các nhà chính trị và nhân viên của họ thận trọng hơn với tiền của người đóng thuế – hơn
là những nhà đầu tư tư nhân thận trọng với tiền riêng của họ – thì những vụ cho vay có bảo đảm đó sẽ làm cho đầu tư bị đưa vào các dự án thấp kém hơn.

Vấn đề của sự biến đổi khí hậu

Những người ủng hộ chương trình cho vay có bảo đảm của Bộ Năng Lượng đã trả lời về sự sụp đổ của Solyndra bằng lời nói rằng chương trình này nói chung vẫn là một sự thành công, vì khuyến khích đầu tư vào các dự án về năng lượng tái sinh có lợi cho xã hội, và vì các dự án đó sẽ không thành nếu chỉ trông cậy vào các đầu tư tư nhân mà thôi.[12] Theo những người bênh vực Bộ Năng Lượng, những điều cho là “yếu tố bất lợi phát sinh từ bên ngoài” do sự thay đổi khí hậu có nghĩa là kinh tế thị trường hiện nay có quá nhiều nhà máy điện chạy bằng than, và quá ít nhà máy điện dùng năng lượng gió và mặt trời.

Cho dù chúng ta chấp nhận mọi tiền đề của lập luận đó, lý luận này vẫn không biện minh được việc chính phủ liên bang nhận bảo đảm tiền vay cho các dự án riêng là đúng. Lý do chính là hiển nhiên có thể dẫn tới lạm dụng và tham nhũng, nhất là khi đã xẩy ra vụ bê bối Solyndra. Nếu chúng ta tin rằng các viên chức của chính quyền có khả năng bỏ cả trăm triệu đô-la vào quỹ của các công ty đặc biệt, và quyết định đó chỉ là theo sự hướng dẫn của khoa học, thì sự tin tưởng đó rất là ngây thơ.

Ngay cả khi chúng ta không nói đến vấn đề thực tế là tham nhũng, một nhóm nhỏ “chuyên gia” của chính quyền trên nguyên tắc không có tất cả sự hiểu biết thích hợp để quyết định dự án nào cần có được sự hỗ trợ hữu ích khi yêu cầu chính phủ tài trợ. Hơn nữa, cho dù các công chức biết rằng dự án nào cần được tài trợ hơn là mức độ mà thị trường có thể cho, làm thế nào mà họ quyết định được số tiền vay thích hợp để bảo đảm?

Trường hợp của Solyndra chứng minh điểm sau đây. Dù Bộ trưởng Chu và các cộng tác viên có lý khi nghĩ rằng các nhà sản xuất bảng năng lượng mặt trời là biểu tượng của xu hướng tương lai, các viên chức này, khi ủng hộ Solyndra, đương nhiên đã coi loại bảng năng lượng mặt trời này là hay nhất. [Trên thực tế] công ty bị xụp đổ, một phần vì giá của các bảng năng lượng mặt trời truyền thống làm bằng silicon đã giảm nhanh hơn sự tiên đoán của đa số các chuyên gia phân tích thị trường.

Cho dù chúng ta công nhận tiền đề trong lập luận là cần có chính phủ để điều chỉnh các “yếu tố bất lợi phát sinh từ bên ngoài”, các kinh tế gia có quan tâm đến sự thay đổi khí hậu chỉ nên chủ trương đặt ra một thuế tổng quát đánh vào việc thải chất carbon, hoặc chỉ nên đưa ra một hình thức như hệ thống “cap-and-trade”[13][giới hạn mức tối đa khí thải và cho phép các quốc gia cũng như các công ty và nhà sản xuất mua và bán lại lượng khí thải dưới định mức – ND] . Theo phương pháp này, chính quyền – dù sẽ tiếp tục dựa trên con số thiếu chính xác của các “chuyên gia”- bắt buộc các tư nhân và các hãng chịu phần tốn kém gây ra bởi các hoạt động gây bất lợi cho vấn đề thay đổi khí hậu.

Mặc dù đánh thuế carbon[14] vẫn còn những khó khăn đáng kể, nhưng ít nhất trên lý thuyết thuế đó sẽ đưa đến một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề đe dọa của sự thay đổi khí hậu. Một khi những điều được coi là sự thiếu hoàn chỉnh của thị trường đã được giải quyết, thì các dấu hiệu tiêu chuẩn về lời lỗ của thị trường sẽ làm công việc điều chỉnh mầu nhiệm như đối với các lĩnh vực thông thường khác. Nếu viễn tượng thiệt hại do khí thải carbon gây ra khiến cho cần phải đầu tư nhiều hơn vào thị trường các bảng năng lượng mặt trời thì đánh thuế tương đối cao vào các nhà máy điện dùng than sẽ đương nhiên khiến cho kỹ thuật năng lượng mặt trời có lợi thế hơn. Nếu chính quyền định lượng đúng mức “chi phí xã hội của carbon” và phạt sự dùng carbon một cách thích hợp, thì cũng như một bàn tay vô hình, các lực của thị trường sẽ hướng dẫn các cơ quan kinh doanh và người tiêu dùng đến một kết quả hữu hiệu. Trong trường hợp này, sự can thiệp của chính quyền liên bang trong thị trường cho vay là một điều thừa và phí phạm, cũng như trong trường hợp một thế giới không có sự đe doạ của
sự thay đổi khí hậu.

Kết luận

Vụ bê bối của Solyndra cho thấy rõ sự dại dột khi dùng phương sách chính trị để đưa ra những quyết định về kinh doanh. Ngay cả khi chủ trương chính phủ phải can thiệp trong vấn đề thay đổi khí hậu là đúng, thì việc chính quyền liên bang cùng ký vay nợ với các công ty đặc biệt vẫn không hợp lý. Thay vào đó, chính quyền nên thiết lập một hình thức phạt chung đối với việc thải khí carbon để các tư nhân nhận biết được các mức độ lời lỗ khi quyết định đầu tư. Trong mọi trường hợp, chương trình cho vay có bảo đảm của Bộ Năng Lượng, về phương diện kinh tế, hoàn toàn không thể biện minh được.

© Học Viện Công Dân 2012

Chuyển ngữ: Song Ngọc

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2012/Murphysolyndra.html

* Robert P. Murphy là Chuyên gia Nghiên cứu Cao Cấp về Kinh Doanh và Kinh Tế tại Viện Nghiên Cứu Pacific, và là một kinh tế gia của Viện Nghiên Cứu Năng Lượng chuyên về ngành kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu. Ông là tác giả cuốn Sách Hướng Dẫn Không Hợp với Chính Trị về Tư Bản (The Politically Incorrect Guide to Capitalism, Regnery, 2007).


[1] Khoản nợ của Vinashin là 86.745,43 tỷ đồng (VN), tương đương gần 4.4 tỷ USD. http://vtc.vn/2-288534/xa-hoi/thanh-tra-cp-vinashin-gay-that-thoat-lon-cho-nha-nuoc.htm 

[2] “1703.” U.S. Department of Energy Loan Programs Office. https://lpo.energy.gov/?page_id=39 (truy cập ngày15 tháng 1 2012.)

[3] President Obama’s remarks can be viewed in “Pr. Obama at Solyndra (1) Solar Power Plant.” Private individual’s YouTube upload made on May 26, 2010. http://www.youtube.com/watch?v=KYiJ-_K9NCo

[4] Khái niệm “going concern” – tạm dịch là “đang tiếp tục hoạt động tốt” – là một thuật ngữ kế toán dựa trên giả định là một công ty sẽ tiếp tục hoạt động như đang làm trong một tương lai tiên đoán được. Trong bảng Cân đối, tài sản được ghi nhận với giá trị cao hơn là khi những tài sản này được dùng thanh toán nợ. Nếu có sự nghi ngờ có mức độ khả tín cao về khả năng công ty tiếp tục hoạt động như thường lệ, trong vòng một năm sau khi bảng Cân đối được công bố, thì người kiểm toán phải thêm vào báo cáo của mình là: “Dù công ty đang liệt kê những tài sản dưới dạng đang tiếp tục hoạt động tốt (going concern), nhưng trong trường hợp phá sản hay phải thanh toán nợ, thì rất nhiều những tài sản của công ty không
còn giá trị như lúc còn tình trạng “going concern.”

[5] Những điện thư này được đăng trên tờ Washington Post, bài “Thời biểu của vụ bê bối Soyndra” tại địa chỉ: http://www.washingtonpost.com/wp-srv/special/politics/solyndra-scandal-timeline/ Thời biểu này ghi sai ngày là 24 tháng Ba, thay vì 24 tháng năm, và tổng thống Obama đến thăm Solyndra vào ngày 26 tháng Ba thay vì 26 tháng Năm.

[6] Stephens, Joe and Carol D. Leonnig, “Thỏa thuận về khoản nợ cho Solyndra: Cảnh báo về tính cách pháp lý từ trong nội bộ chính phủ Obama.” Washington Post,
Oct. 7, 2011. http://www.washingtonpost.com/politics/solyndra-obama-and-rahm-emanuel-pushed-to-spotlight-energy-company/2011/10/07/gIQACDqSTL_story.html

[7] McArdle, John, “Solyndra Spent Liberally to Woo Lawmakers Until the End, Records Show.”
New York Times, Sept. 16, 2011. Online at http://www.nytimes.com/gwire/2011/09/16/16greenwire-solyndra-spent-liberally-to-woo-lawmakers-unti-81006.html

[8] Daly, Matthew, “George Kaiser, Obama Donor, Discussed Solyndra Loan With White House,
Emails Show.” Huffington Post, Nov. 9, 2011. Online at http://www.huffingtonpost.com/2011/11/09/george-kaiser-solyndra_n_1084568.html

[9] Snyder, Jim, “Obama Aides Discussed Solyndra Layoffs Before 2010 U.S. Election,”
Bloomberg Businessweek, Jan. 15, 2012. Online at http://www.businessweek.com/news/2012-01-18/obama-aides-discussed-solyndra-layoffs-before-2010-u-s-election.html

[10] For example, Beacon Power, which developed energy storage systems, filed for bankruptcy after receiving a $43 million loan guarantee. Murphy, Robert P., “Beacon
Power: Another DOE Loan Bites the Dust.” Institute for Energy Research, Nov. 4,
2011. Online at http://www.instituteforenergyresearch.org/2011/11/04/beacon-power-another-doe-loan-bites-the-dust/
In addition, A123 Systems, a manufacturer of electric vehicle batteries, went belly up after receiving a $249 million grant from the DOE, while the manufacturer of a plug-in car that used A123 as a supplier received a $529 million loan guarantee. Murphy, Robert P., “DOE’s Renewables Failures: They Keep Going and Going and Going…” Institute for Energy Research, Dec. 5, 2011.
Online at http://www.instituteforenergyresearch.org/2011/12/05/doe%E2%80%99s-renewables-failures-they-keep-going-and-going-and-going%E2%80%A6/

[11]Vekshin, Alison, “Treasury Department’s Watchdog Probes Federal Bank Role in Solyndra’s Loan.” Bloomberg, Sept. 14, 2011. Online at http://www.bloomberg.com/news/2011-09-14/treasury-department-s-watchdog-probes-federal-bank-role-in-solyndra-s-loan.html

[12] The “unmitigated success” remark is from Center for American Progress fellow Richard Caperton, in the short video embedded at a September 16, 2011 Climate Progress blog post
titled, “A Post-Solyndra Video Primer on How Loan Guarantees Work,” http://thinkprogress.org/romm/2011/09/16/321226/video-primer-on-how-loan-guarantees-work/?mobile=nc In the video, Caperton goes on to say, “These [clean energy] technologies need support because they need to bridge the so-called ‘valley of death.’ That is, they’re not start-up companies that get venture capital, and they’re not companies with a very mature technology that get debt financing from traditional Wall Street banks.” In the text of the blog post (as opposed to the video embedded in it), author Stephen Lacey criticizes the apparent hypocrisy of Michigan Republican Fred Upton, who heads the committee investigating Solyndra. According to Lacey “no nuclear facility would get built in this country if it weren’t for loan guarantees and government-backed insurance. Yet Upton is one of the biggest supporters of nuclear in Congress. By comparison, even though the loan guarantee program is extremely important for helping the largest and most innovative renewable energy facilities get built, there’s still plenty of activity taking place in that sector without the program.”

[13] Hệ thống “cap and trade” là cách thức dùng cơ chế thị trường để giảm thiểu ô nhiễm. Thí dụ: Căn cứ theo tổng số định mức khí thải tối đa được ấn định, chính phủ sẽ cấp giấy phép ấn định mức khí thải tối đa cho từng cơ quan hay công ty. Cơ quan hay công ty nào có mức khí thải ít hơn định mức có thể bán mức dư đó cho cơ quan hay công ty nào có mức khí thải cao hơn mức quy định [Ghi chú của người dịch]

[14] Murphy, Robert P., “Rolling the DICE: Nordhaus’ Dubious Case for a Carbon Tax.”
Independent Review, vol. 14, no. 2., Fall 2009, pp. 197-217. Online at http://www.independent.org/pdf/tir/tir_14_02_03_murphy.pdf