fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Sự Nhiệm màu của Cộng tác

Russell Roberts*

 

Làm sao mà mỗi ngày hàng triệu người này có thể cộng tác với hàng triệu người khác để đem bánh tới tiệm cà phê ở góc đường của quý bạn? Không có một văn phòng nào, không có một cơ quan chính quyền nào, hay một guồng máy trung ương nào làm phát sinh ra những sự giao dịch thương mại. Không ai thấy cả mạng lưới nối kết hệ thống đó.

Một trong những điều hay của khoa  kinh tế là nó cho chúng ta thấy rõ những điểm không nhìn thấy được và bị che dấu. Trong tiểu luận cổ điển của Frederic Bastiat,  What is Seen and What is not seen (Những cái thấy và Những cái không thấy), Bastiat đã phân tích những hậu quả kinh tế của một hành động phá hoại đơn giản, tức là phá vỡ cửa kính. Chúng ta thấy một cái cửa kính bị vỡ. Chúng ta có thể nhìn thấy hay hình dung ra những hậu quả của một cửa kính bị vỡ, tức là người làm cửa kính sẽ có thêm tiền. Nhưng điều khó hình dung hơn là những điều chúng ta không nhìn thấy, đó là các hoạt động kinh tế mà sẽ không xảy ra nếu không phải sửa lại cửa kính.

Thí dụ đơn giản này là một điều nhắc nhở cơ bản là vào bất cứ lúc nào sự lựa chọn của chúng ta đều bị giới hạn bởi tình trạng thiếu tài nguyên. Bastiat đưa ra thí dụ
một cửa sổ bị vỡ để phê bình những đề nghị về chính sách hứa hẹn sẽ thành công nhưng lại thường không để ý tới sự thiếu tài nguyên không thể tránh được sẽ xảy ra bất cứ lúc nào – nghĩa là những tài nguyên đã được dùng vào một việc này thì sẽ không còn có để dùng vào một việc khác.

Nhưng Bastiat có một cái nhìn sâu sắc khác về những điểm có thể thấy và những điểm không thể thấy mà người ta ít nhận được giá trị trong thí dụ về cái cửa sổ bị vỡ của ông. Trong Chương 18 của cuốn sách Các Ngụy biện Kinh tế, Bastiat hỏi tại sao ở thành phố Paris không có một người nào lo sợ đến mất ngủ vì sợ rằng không biết là sáng hôm sau có đủ bánh mì và các thứ khác để mua không:

Trong một dịp đến thăm Paris, tôi tự hỏi: Đây là một trường hợp mà hàng triệu con người sẽ bị chết trong vòng vài ngày nếu những nguồn cung cấp của tất cả mọi loại hàng không được đưa đến đô thị lớn lao này. Không thể tưởng tượng được là cần có biết bao nhiêu hàng hóa đủ mọi loại phải được đưa vào thành phố vào sáng hôm sau để cho những cư dân trong thành phố không bị trải qua nỗi kinh hoàng vì nạn đói, bạo loạn và cướp bóc. Vậy mà tất cả mọi người đều yên tâm ngủ không hề bận tâm lo sợ một chút xíu nào về viễn tượng đáng sợ đó…Thế thì lực quán xuyến và bí mật nào đã chi phối sự điều hoà tuyệt vời của các hoạt động phức tạp như vậy? Ai cũng mặc nhiên tin tưởng vào sự điều hoà đó, tuy rằng sự sung túc và ngay cả cuộc đời của họ tùy thuộc vào đó? Cái lực đó là một nguyên tắc tuyệt đối, đó là nguyên tắc tự do trao đổi.”

 

Hiện  tượng không nhìn thấy này thực ra có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là người ta lấy làm lạ rằng vấn đề phối hợp và cộng tác lớn lao đó có thể giải quyết hàng ngày mà không có người nào phụ trách cả. Có người nào ở một tiệm bánh mì hay ở một chỗ bán báo, hay ở một quầy bán đồ ăn trong một thành phố lớn lại có lúc ngừng lại để thưởng thức cái công tác độc đáo này của nền văn minh không? Người ta không nhận chân được cái giá trị của thành tích đó vì sự cộng tác đó quá hoàn hảo. Hệ thống hoạt động hiệu nghiệm đến nỗi không ai nhận ra là nó đang hoạt động. Chúng ta chẳng bao giờ coi đó là phép mầu, bởi vì ít khi chúng ta thấy hệ thống này bị thất bại. Có bao giờ quý bạn đến tiệm cà-phê nhưng lại thấy không có bánh ăn điểm tâm không? Tiệm thường lúc nào cũng có bánh mới làm với giá rất phải chăng.

Khía cạnh thứ hai của hiện tượng không nhìn thấy này là nếu có người nào tình cờ thấy hệ thống không có người quản lý này hoạt động một cách rất hữu hiệu thì người đó sẽ không biết giải thích tại sao nó lại hoạt động như vậy được. Làm sao mà mỗi ngày hàng triệu người này có thể cộng tác với hàng triệu người khác để đem bánh tới tiệm cà phê ở góc đường của quý bạn ? Không có một văn phòng nào, không có một cơ quan chính quyền nào, hay một guồng máy trung ương nào làm phát sinh ra những sự giao dịch thương mại. Không ai thấy cả mạng lưới nối kết hệ thống đó.

Trong tiểu luận này, tôi muốn trình bầy một vài nỗ lực các nhà kinh tế đã thực hiện, để làm sáng tỏ cái trật tự đã phát sinh, không ai điều hợp mà cũng không ai nhận ra; cái trật tự đó hàng ngày tạo ra tiền tài cho cuộc sống chúng ta, nhưng ai cũng cho đó là sự thường tình không có gì đáng để ý.

Bastiat không phải là người đầu tiên đã nêu ra sự nhiệm mầu về cộng tác. Nói cho cùng thì sự cộng tác trong diễn trình đó đã được thúc đẩy bởi sự chuyên môn hoá lao động và sự phân công lao động. Do đó, không phải là điều ngạc nhiên khi thấy Adam Smith bắt đầu cuốn The Weakth of Nations (Tài sản của Quốc gia) bằng một cuộc thảo luận về sự phân công và những khả năng sinh ra tài sản nhờ sự phân công đó. Smith cũng nhắc người đọc suy nghiệm về sự nhiệm mầu của việc chuyên môn hoá, phân công lao động và sự cộng tác vô hình của hàng ngàn người để làm ra một cái áo len (đoạn văn của Smith ở trong Quyển I, Chương Ibắt đầu từ đoạn 11, nói tới điều đó).

Hãy xem sự tiện nghi của một người thợ rất là bình thường, hay của một người thợ công nhật trong một nước văn minh và phồn thịnh. Ta sẽ thấy một số lớn không thể kể hết được những người mà công việc làm của họ đã đóng góp, dù là một phần rất nhỏ, vào việc cung cấp sự tiện nghi cho người thợ. Thí dụ cái áo len mà người lao công mặc. Nó có vẻ thô sơ và không đẹp, nhưng nó là một sản phẩm của một sự hợp tác lao động của một số lớn những người lao động khác. Từ người chăn cừu, người phân loại len, người trải len, người đóng kiện len, người nhuộm len, người kéo sợi len, người dệt len, người chuẩn bị len thành quần áo, cũng như người tỉa lông cừu, và biết bao nhiêu người khác, tất cả đều đã góp công lao của mình để hoàn tất một sản phẩm bình thường như vậy. Biết bao nhiêu người buôn bán, người khuân vác, cũng đã được dùng trong việc tải những vật liệu từ một số những người lao động này tới những người khác, thường ở trong những vùng rất xa nhau ở trong một nước.

 

Henry George, nếu được bạn đọc thời nay biết đến, được coi là một người cổ võ cho việc đánh thuế đất thay vì đánh thuế các nhập lượng, và là một người phổ biến rất hay khái niệm về sự cộng tác vô hình này. Trong tác phẩm Bảo vệ hay Tự do mậu dịch, ông viết về một gia đình ở nông thôn chuẩn bị nấu bữa ăn gồm có bánh mì, cá và trà bên cạnh ngọn lửa reo vui:

Người khẩn hoang chặt cây. Nhưng nguyên cái việc sản xuất ra củi cũng bao gồm nhiều việc khác nữa. Nếu chỉ chặt cây không thôi thì cây sẽ nằm ngay ở chỗ mà nó bị chặt xuống. Công sức kéo gỗ cũng là một phần ở trong công việc sản xuất, chẳng khác gì công chặt cây xuống. Cũng như vậy, cuộc hành trình đến và rời nhà máy xay bột cũng cần thiết cho việc sản xuất bột như việc trồng và thu hoạch lúa mì. Để cho có cá, thì cậu bé phải đi ra hồ bắt cá và mang cá về nhà. Và để có nước trong ấm thì không những chỉ cần có một cô gái ra suối lấy nước về mà còn cần cả việc đào một cái hố để múc nước lên, và việc làm một cái sô để xách nước về. [đoạn. VII.2]

Còn trà thì được trồng tại Trung Quốc, rồi được gánh tới một làng ở ven sông, bán cho một người lái buôn Trung Quốc, và người đó chuyển bằng thuyền tới một hải cảng đã nhượng cho ngoại quốc. Tại hải cảng này, sau khi đã đóng gói để vận tải bằng đường biển, trà được bán cho các đại diện của một công ty Mỹ nào đó, và sau đó được gửi bằng tàu thủy tới San Francisco. Từ San Francisco, trà được chuyển bằng xe lửa và cũng sang quyền sở hữu của người khác, vào tay của một người buôn sỉ tại Chicago. Người buôn sỉ này lại bán cho một người khác, và trà được đưa tới một cửa tiệm của một người ở trong một làng.Người chủ tiệm này sẽ giữ lại trà đó cho tới khi người khẩn hoang lập nghiệp có thể mua được trà với số lượng mà ông ta muốn, cũng giống như nước ở trong suối được giữ trong một cái hố để được lấy khi cần thiết.

 

Điểm mà George[1] muốn đưa ra không phải chỉ là sự nhiệm mầu của tất cả sự cộng tác vô hình này mà là sự quan trọng của tất cả các công đoạn từ lúc sản xuất đến tiêu thụ, để cho chúng ta có thể hưởng được những sản phẩm chúng ta làm ra. Chúng ta có thể cho rằng những người phân phối, những người buôn bán và những người vận chuyển không quan trọng bằng người thợ làm bánh mì, nhưng người thợ làm bánh cũng không thể làm được bánh mì nếu không có người đưa bột đến và nếu không có người xây cất lò, vv….

Đối với một độc giả ngày nay, có lẽ thí dụ hay nhất về sự nhiệm mầu của sự cộng tác là bài tuyệt vời có tựa là Tôi là cái Bút chì của Leonard Read. Mượn lời nói của cái bút chì đã được nhân cách hoá, Read nói rằng không có một người nào có thể tự nhận là đã làm ra được cái bút chì. Read viết như sau:

Có người nào muốn thách thức lời nói trước đây của tôi là không có một người nào trên trái đất này biết làm ra tôi được không ?

Thực ra, có hàng triệu người đã đóng góp vào việc làm ra tôi, mà trong số hàng triệu người đó mỗi người chỉ biết tới một vài người thôi. Lẽ dĩ nhiên, quý bạn có thể nói rằng tôi đã nói quá trớn khi liên hệ người hái cà phê tại vùng Brazil xa xôi và những người làm thực phẩm với việc tạo ra tôi, tức là cây bút chì. Quý bạn cho đó là quan điểm cực đoan, nhưng tôi vẫn giữ vững lời tuyên bố của tôi. Trong số hàng triệu người này không có một người duy nhất nào, kể cả người chủ tịch công ty làm bút chì, mà không đóng góp dù chỉ một phần rất nhỏ vào trong cách thức làm bút chì. Nói về cách thức làm bút chì thì sự khác biệt duy nhất giữa một người thợ khai thác than chì tại Tích Lan và một người khai thác gỗ tại Oregon chỉ là sự khác nhau về cách làm thôi. Không thể không có người thợ mỏ cũng như người khai thác gỗ. Họ cũng cần thiết chẳng khác gì chuyên viên hoá học tại sở sản xuất, hay là những người làm việc ở những mỏ dầu, bởi vì paraffin là một phó sản của dầu hoả.

 

Read nhấn mạnh khía cạnh không phối hợp của sự phối hợp tuyệt vời này.

Còn một sự kiện làm cho ta ngạc nhiên hơn, đó là không có một khối óc chỉ đạo nào hết, không có một người nào ra chỉ thị hay bắt buộc làm vô số các hoạt động này để tạo ra tôi. Không tìm thấy bất cứ dấu vết của một người nào có vai trò như vậy. Thay vào đó chúng ta thấy có một Bàn tay Vô hình đang hướng dẫn.

 

Vâng, quả thực đó là một điều mầu nhiệm khi có những chiếc bánh bagel đang chờ đợi chúng ta trong quán cà phê. Vâng, quả thực đó là một điều mầu nhiệm khi có những bút chì ở trong nhiều tiệm đang đợi chúng ta ở những chỗ mà chúng ta ghé qua để mua những thứ khác nữa. Có rất nhiều áo len, rất nhiều trà, và ngạc nhiên hơn nữa, có nhiều xe hơi, máy điện toán và máy truyền hình, và các sản phẩm khác phức tạp hơn nhiều. Nhưng yếu tố gì đã duy trì được sự cộng tác khiến cho các sản phẩm đó có thể được hàng triệu người không quen biết nhau họp lại, làm việc cần cù mà không biết rằng họ đang cộng tác với nhau?”

Một trong những nỗ lực sâu sắc để làm rõ diễn trình đó là bài viết của Hayek vào năm 1945, đăng trong tạp chí American Economic Review với tựa đề là Việc Sử dụng Kiến thức trong Xã hội. Hayek không chỉ đưa ra sự nhiệm mầu trong việc cung cấp bút chì, bánh mì, áo và truyền hình. Hayek còn muốn các độc giả thấy một điều nhiệm mầu hơn và vô hình nữa. Đó là đám đông những người cộng tác không có phối hợp với nhau để sản xuất phản ứng ra sao khi có sự khan hiếm hay có sự thay đổi từ bên ngoài.

Hayek muốn làm sáng tỏ sự cộng tác tuyệt vời của những điều hiểu biết phân tán phải đáp ứng như thế nào mỗi khi cần điều chỉnh với tình trạng khan hiếm. Câu trả lời của Hayek-giống như điều Bastiat đã trình bầy về lợi ích cá nhân và sự trao đổi, và cũng giống như Bàn tay Vô hình mà Read đã nêu ra-là do hệ thống giá cả, và Hayek đã nói chi tiết hơn về hệ thống này.

Cũng có người muốn cho rằng Hayek đã nói tới đề tài mà ngày nay người ta gọi là luật cung cầu. Nhưng đáng tiếc là các sinh viên ngày nay được giảng dạy rằng luật cung cầu cần phải có cạnh tranh hoàn toàn và hiểu biết hoàn toàn. Điều này khiến cho các sinh viên coi cung và cầu chỉ là một quan điểm hoàn toàn lý thuyết, không thể áp dụng vào thế giới thực tiễn, ngoại trừ trong một vài trường hợp khó hiểu như lúa mì.

Nhưng Hayek có một quan điểm hoàn toàn khác hẳn về diễn trình đó. Hayek cho rằng diễn trình đó không hoàn hảo nhưng hữu hiệu.

Lẽ dĩ nhiên, những sự thích ứng này không bao giờ “hoàn hảo” theo nghĩa các nhà kinh tế đã mô tả khi phân tích tình trạng quân bằng của kinh tế. Nhưng tôi e rằng khi phân tích một cách lý thuyết các vấn đề chúng ta có thói quen là phải giả định rằng mọi người phải có những kiến thức ít nhiều hoàn hảo. Giả định đó đã khiến cho chúng ta không nhìn thấy sự vận hành của cơ cấu giá cả, và đã khiến ta áp dụng những tiêu chuẩn sai lầm trong vấn đề đánh giá sự hữu hiệu của cơ cấu giá cả. Điều nhiệm mầu là khi một nguyên liệu nào đó bị khan hiếm thì không có ai cần phải ra lệnh — có lẽ ngoài một số người rất nhỏ — không ai cần biết nguyên nhân của sự khan hiếm, thì hàng chục ngàn người không ai nhận biết được dù có điều tra cả mấy tháng, đều được thúc dục để dè sẻn hơn khi dùng vật liệu hay sản phẩm đó, tức là họ đang làm trong chiều hướng đúng. Nguyên sự kiện này đã là một sự mầu nhiệm, dù rằng trong một thế giới luôn luôn thay đổi, không phải người nào cũng tính toán đúng để giữ cho tỷ số lợi nhuận của họ được duy trì ổn định ở mức “bình thường.”

Tôi đã cố ý dùng từ “nhiệm mầu” để làm thức tỉnh người đọc ra khỏi tình trạng tự mãn, thường coi việc vận hành của hệ thống đó là một điều đương nhiên. Tôi tin tưởng rằng nếu đó là kết quả của một sự tính toán cố ý của con người, và nếu những người được hướng dẫn bởi sự thay đổi về giá cả hiểu rằng quyết định của họ sẽ có những ý nghĩa xa hơn mục đích nhất thời của họ, thì cơ chế này phải được vinh danh là một trong những thành tích lớn lao của khối óc con người. Nhưng cơ chế này lại có tới hai điều không may mắn. Đó là: nó không phải là sản phẩm của sự tính toán của con người, và những người được hướng dẫn bởi nó cũng không biết tại sao họ phải làm như họ đã làm.

 

Một trong những ưu điểm trong phần trình bày của Hayek-mặc dầu cách hành văn không hấp dẫn so với các thí dụ tôi đã đưa ra đây  là nó nhấn mạnh làm cách nào mà sự cộng tác vô hình đã giải quyết được vấn đề cốt lõi của trật tự kinh tế hiện nay.[2] Làm cách nào mà bạn có thể quyết định xã hội cần bao nhiêu cái bánh, bao nhiêu cái bút chì hay bao nhiêu cái xe hơi? Cách trả lời câu hỏi này thay đổi như thế nào theo hoàn cảnh và kiến thức? Tôi muốn dùng điều này để bước sang một thí dụ về sự cộng tác vô hình đang diễn ra hiện nay.

Trong vòng năm hay mười năm tới, sẽ có hàng trăm triệu người Trung Quốc rời bỏ vùng nông thôn để ra thành thị. Cuộc di cư vĩ đại này sẽ đòi hỏi hàng triệu sự thích nghi để bảo đảm cho cuộc sống của chúng ta tại Hoa Kỳ không bị rối loạn. Tất cả những người cư dân thành thị mới này ở Trung Quốc sẽ dùng nhiều bút chì hơn, uống nhiều cà phê hơn, mua nhiều xe đạp hơn, mua nhiều xe hơi hơn,v.v. Vậy thì có đủ những thứ đó cho những người sống ở ngoài Trung Quốc không? Chắc chắn là sự di dân này sẽ tạo ra những rối loạn rất lớn. Nhưng mà ta có cần phải lo lắng về điều đó không ? Chúng ta cần phải làm những gì để phòng ngừa khiến cho việc chuyển tiếp này được êm thắm ?

Tuy nhiên, cũng giống như những người dân Paris trong ví dụ của Bastiat, chúng ta quả thực cũng không lo lắng đến mất ngủ về những sự thay đổi này. Sự chuyển tiếp sẽ không được quản lý bởi một tiểu ban Quốc Hội, hay một ủy ban chấp hành của Tổng Thống được thành lập để tránh sự khủng hoảng. Sự chuyển tiếp này sẽ được điều khiển bởi hệ thống giá cả mà chúng ta không hề hay biết gì cả. Một phần của sự tin tưởng của tôi là do phân tích của Hayek về cách hoạt động ra sao của thị trường. Nhưng phần lớn sự tin tưởng của tôi là do những chứng cớ đã có được trong vòng hai mươi năm qua, khi một trăm triệu người Trung Quốc đã chuyển từ nông thôn ra thành thị, như chúng ta đã dự trù trong tương lai. Đây là một sự di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng tôi chắc là các bạn đã không để ý tới. Thế giới chung quanh ta đã không thay đổi gì mấy. Các người Trung Quốc đã không mua hết tất cả các xe đạp hay các gỗ làm bút chì, hay mua hết tất cả cà phê đã xay để làm cà phê. Bằng một cách nào đó, hệ thống kinh tế của chúng ta đã giữ cho sự chuyển tiếp này hữu hiệu đến nỗi phần lớn chúng ta không biết nó đã xảy ra.

Những sự thay đổi như vậy lúc nào cũng xảy ra. Hệ thống giá cả, đi đôi với lợi nhuận mà chúng ta cho người sản xuất kiếm được khi đáp ứng một cách có hiệu quả đối với giá cả, đã giúp cho cuộc sống kinh tế của chúng ta được ổn định hơn khi đối diện với những sự thay đổi. Các nhà giảng dạy về kinh tế, trong đó có tác giả bài này, cần tìm cách làm sáng tỏ những hoạt động vô hình của hệ thống tuyệt vời đó. Hệ thống này thường được gọi là hệ thống cạnh tranh. Nhưng nói cho cùng, đó là một hệ thống cộng tác. Không có ai nghĩ ra hệ thống đó. Tự nó hoạt động, không có ai điều khiển. Mầu nhiệm ở chỗ đó.

© Học Viện Công Dân 2013

 

* Russell Roberts là giáo sư kinh tế tại Đại Học George Mason và là Chủ biên của trang mạng Library of Economics and Liberty (Thư Viện Kinh Tế và Tự Do). Ông đang viết cuốn sách về nguyên nhân làm sao sự xuất hiện của trật tự và cộng tác không có kế hoạch tạo nên sự phồn vinh và mức sống tại Hoa Kỳ.

 

Song Ngọc chuyển ngữ

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2005/Robertsmarvel.html