fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Chủ nghĩa Quốc gia thực sự là gì và tại sao điều này lại quan trọng?

Chủ nghĩa Quốc gia là ý thức hệ cực kỳ độc hại thứ hai của thế kỷ 20

Alex Nowrasteh

Dường như chủ nghĩa quốc gia, cùng với sự hồi sinh của cụm từ này đang tiến bước trở lại trong những năm gần đây, qua sự kiện tổng thống Trump đắc cử, đến sự gia tăng của những chính đảng theo chủ nghĩa quốc gia mới được thành lập tại Âu châu.

Chủ nghĩa quốc gia là một phong trào chính trị mà trong những năm gần đây đã tạo nên những bước tiến chính yếu [trong những sinh hoạt chính trị]; chủ nghĩa này rao giảng thông điệp hạn chế di dân nhập cư, bảo hộ mậu dịch, và một chính quyền mạnh chú trọng vào sự bảo vệ người dân từ những thiệt hại tưởng tượng. Dù thế, ngoài những chủ trương về chính sách và kiểu thức cai trị, chẳng có một định nghĩa rõ ràng nào về chủ nghĩa quốc gia khi đề tài này đang được thảo luận trên những diễn đàn đại chúng, và hầu như là chẳng có sự phân biệt nào giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa ái quốc.

Giả thuyết cơ bản của tôi là chủ nghĩa quốc gia phải là một điều gì đó cao hơn là cái tư tưởng bộ lạc hiếu chiến thô thiển, nhưng điều này cũng ít có người tìm hiểu xa hơn thế. Những lý do này khiến tôi phải đọc vài ngàn trang về đề tài này — và tôi đã học được kha khá. Dưới đây là vài bài học tôi đã thu thập được và một bảng phân loại các loại chủ nghĩa quốc gia khác nhau.

Chủ nghĩa Ái quốc so với Chủ nghĩa Quốc gia

Điều đầu tiên tôi học được là hầu hết những nghiên cứu về chủ nghĩa quốc gia đều thuộc vào loại tệ. Phần lớn những tác giả viết về đề tài này hoặc là định nghĩa cụm từ này rất sơ sài, hoặc là quá rộng đến nỗi hầu như chẳng có ý nghĩa gì nữa. Tôi ước là tôi có thể trở lại quá khứ và bảo với chính tôi là hãy lược bỏ hàng đống những bài viết hay sách vở về đề tài này. Tệ hơn nữa, nhiều học giả về chủ nghĩa quốc gia, hoặc là những người chống đối, hoặc là những người ủng hộ, và từ những vị trí này họ đã đưa ra những nhận định kỳ quái, như cho rằng đảng Công nhân Quốc Xã Đức không phải là một chính đảng theo chủ nghĩa quốc gia. Điều này khiến cho những người ngoại cuộc không chuyên như tôi khó lòng hiểu được chủ nghĩa quốc gia là cái gì.

Điều thứ hai tôi học được là không có một sự phân chia đơn giản nào giữa chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa quốc gia, nhưng có lẽ sự phân chia của George Orwell được coi là gần gụi nhất khi ông viết:

Không nên nhầm lẫn chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa ái quốc. Cả hai từ này vẫn thường được dùng một cách mơ hồ đến nỗi bất cứ định nghĩa nào cũng dễ bị tấn công, nhưng ta phải vạch ra một sự phân biệt giữa hai từ này, vì nó liên quan đến những tư tưởng đối nghịch nhau. “Chủ nghĩa ái quốc,” theo ý tôi, là sự trung thành với một nơi chốn và nếp sống đặc thù mà người ta tin là điều tốt nhất trên thế giới, nhưng không muốn áp đặt nó lên người khác. Chủ nghĩa ái quốc từ bản chất là phòng thủ cả về phương diện quân sự và văn hoá. Chủ nghĩa quốc gia, ngược lại, không thể tách rời sự khao khát quyền lực. Mục đích không thay đổi của những người theo chủ nghĩa quốc gia là thủ đắc thêm nhiều quyền lực và uy tín, không phải cho họ mà là cho quốc gia hay một đơn vị nào mà họ chọn làm nơi cất giữ căn cước của mình.

Nói một cách khác, chủ nghĩa ái quốc là lòng yêu mến một quốc gia, còn chủ nghĩa quốc gia là lòng yêu mến quốc gia kết hợp với sự ghét bỏ những nước khác, dân tộc khác, hay văn hoá khác. Chủ nghĩa quốc gia còn nới rộng sự ghét bỏ đến ngay cả những đồng bào của mình nhưng khác với mình; đó là lý do tại sao những người theo chủ nghĩa quốc gia ủng hộ những chiến dịch kiến tạo quốc gia của chương trình giáo dục của chính quyền nhằm đồng hoá công dân theo quy phạm do nhà nước ấn định, theo ngôn ngữ của quốc gia, và những phương tiện khác nhằm tạo ra sự đồng dạng về sắc tộc, tôn giáo, hay những lãnh vực khác.

Năm loại Chủ nghĩa Quốc gia

Điều thứ ba tôi học được là có ít nhất năm loại chủ nghĩa quốc gia. Một cách hiển nhiên, chủ nghĩa quốc gia theo Edmund Burke hay George Washington hẳn là khác với chủ nghĩa quốc gia của Adolf Hitler, nhưng chỉ có nhà Sử học người Mỹ Carlton J.H. Hayes, đã quá cố, chia chủ nghĩa quốc gia trong một bảng phân loại năm phần rất hữu ích.

  1. Chủ nghĩa quốc gia Nhân đạo: thoát thai từ nền triết lý thời Khai Sáng, dưới ảnh hưởng của những nhân vật như Henry Bolingbroke (vua Henry IV của Anh quốc), tư tưởng gia Pháp Jean-Jacques Rousseau, và triết gia Đức Johann Gottfried Herder; những nhân vật này nhấn mạnh vào yếu tố tự trị của mỗi quốc gia theo mô hình chính quyền dân chủ phù hợp với sự đặc thù của mỗi quốc gia, thay vì theo mô hình các đế quốc đa-sắc tộc đang thịnh hành tại Âu châu.

  2. Chủ nghĩa Quốc gia Jacobin: một ý thức hệ quốc gia được chính quyền cách mạng Pháp sử dụng nhằm củng cố quyền lực. Bốn đặc tính của chủ nghĩa Jacobin là (1) sự hoài nghi và không dung thứ cho những bất mãn nội bộ, (2) dựa vào sức mạnh và phe quân nhân để đạt những mục tiêu của chính quyền, (3) sự cuồng nhiệt ủng hộ nhà nước, và (4) sự nhiệt thành truyền giáo để bành trướng quốc gia.

  3. Chủ nghĩa Quốc gia Truyền thống: đây là một sự phản ứng ngắn đối với phái Jacobin; chủ nghĩa này ủng hộ sự duy trì tình trạng trước chiến tranh (status quo ante bellum). Chủ nghĩa này được xem là chủ nghĩa qốc gia bào thủ nhất. Những nhân vật nổi tiếng như Edmund Burke,[1] triết gia Đức Friedrich von Schlegel, và thủ tướng Áo Klemens von Metternich là những người ủng hộ chủ nghĩa quốc gia truyền thống, dù chủ nghĩa này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vì những sự thay đổi văn hoá do cuộc Cách mạng Kỹ nghệ gây ra.

  4. Chủ nghĩa Quốc gia Tự do: là loại chủ nghĩa quốc gia nằm giữa hai loại Jacobin và Truyền thống. Chủ nghĩa Quốc gia Tự do chú trọng vào chủ quyền tuyệt đối của nhà nước nhưng, tuy có vẻ mâu thuẫn, cũng muốn giới hạn quyền lực của chính quyền xen vào tự do cá nhân, qua sự tuyên xưng rằng mục đích của chính quyền là bảo vệ tự do cá nhân và cung cấp lợi ích công. Nếu bạn đã từng học một lớp về kinh tế, [bạn sẽ thấy] lý tưởng của chủ nghĩa quốc gia tự do rất gần với tư tưởng của kinh tế gia về vai trò đúng đắn của nhà nước. Nếu bạn cũng thấy sự căng thẳng giữa chủ quyền tuyệt đối và sự bảo vệ tự do cá nhân, thì bạn sẽ không ngạc nhiên với mô hình chủ nghĩa quốc gia kế tiếp.

  5. Chủ nghĩa Quốc gia Tổng thể: Chủ nghĩa quốc gia loại này đặt quốc gia và nhà nước vào trong đời sống của người dân. Thay vì là một nhà nước cam kết sẽ cung cấp những lợi ích công cho toàn thể công dân, chủ nghĩa quốc gia loại này chú trọng đến sự hy sinh cá nhân cho quyền lợi quốc gia và chính quyền, và thường xuyên đề cao tính huyết thống của dân tộc (gốc Latin của từ nationalism là natio, có nghĩa là bộ lạc, chủng tộc, nhóm sắc tộc, hay giai cấp) và nhắm đến sự bành trướng của nhà nước để bao gồm tất cả những nhóm dân cùng sắc tộc đang sinh sống trên những lãnh thổ khác. Hayes tóm tắt chủ nghĩa quốc gia loại này như sau: đó là một loại chủ nghĩa quốc gia cực kỳ “phản dân chủ và phản cá nhân,” một loại chủ nghĩa đòi hỏi mọi sự trung thành là sự trung thành với quốc gia-nhà nước và với ý thức hệ “kẻ có quyền là đúng.”

Chủ nghĩa Đế quốc, Cách mạng Pháp, và Chủ nghĩa Quốc gia Độc hại

Điều thứ tư tôi học được là chủ nghĩa đế quốc là trình độ cao nhất của chủ nghĩa quốc gia chứ không phải là chủ nghĩa tư bản như Lenin nghĩ, và chủ nghĩa này không thể tách ra khỏi  các loại chủ nghĩa quốc gia Jacobin, Tổng thể, Truyền thống, và có lẽ các loại chủ nghĩa khác. Những người theo chủ nghĩa quốc gia tìm cách để bành trướng quốc gia của họ, và chủ nghĩa đế quốc là một cách để đạt mục đích này. Nhiều người theo chủ nghĩa quốc gia tự do trong thế kỷ 19 đã bành trướng đế quốc thuộc địa, còn những người theo chủ nghĩa quốc gia tổng thể còn đi xa hơn.

Điều thứ năm tôi học được là có sự liên kết giữa cuộc Cách mạng Pháp và sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia. Hầu hết những tác giả, đặc biệt là những người bảo thủ, đều đánh giá thấp cuộc Cách mạng Pháp, coi đó là một cơn điên của tả-phái Jacobin đã quét sạch những định chế và truyền thống coi trọng lý trí. Những điều này là một phần của Cách mạng Pháp và kết quả hỗn loạn theo sau. Nhưng nó thật sự là cuộc cách mạng theo chủ nghĩa quốc gia và là một phong trào được mài giũa lại từ khái niệm “thờ phụng quốc gia” của những chế độ cổ nhằm làm giảm bớt chi phí quân dịch trong thế kỷ 17 và 18. Thật là thú vị khi thấy những người bảo thủ hiện đại một mặt chỉ trích Cách mạng Pháp, mặt khác lại ôm chầm lấy mô hình giông giống với chủ nghĩa quốc gia Jacobin khi đang ve vãn chủ nghĩa dân tuý.

Điều thứ sáu tôi học được là chủ nghĩa quốc gia chính là cái ý thức hệ chính trị độc hại thứ hai sau chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20. Nhà khoa học chính trị đã quá cố, RJ Rummel, ước lượng con số người bị giết bởi những chính quyền khác nhau qua các thời đại, cho thấy các chính quyền cộng sản đã giết khoảng 150 triệu người. Chủ nghĩa quốc gia giết khoảng 92 triệu người. Con số 92 triệu người này gồm có những người bị Chủ nghĩa quốc gia Tàu, Chủ nghĩa quốc gia Nhật, Chủ nghĩa quốc gia Thổ-nhĩ-kỳ, và bởi Chủ nghĩa quốc gia Âu châu trong thời đại thực dân giết. Tôi không tính đến những cuộc thảm sát gây ra bởi người Nga thời tiền-cộng sản, người Mễ, và Pakistan, vì vẻ ngoài của những cuộc giết chóc này không mang nhiều màu sắc quốc gia hơn những chế độ khác.

Những người bảo thủ và tự do vẫn thường chỉ trích lớn tiếng, và đúng về cái di sản sát nhân của ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ là lúc chúng ta cùng bắt đầu chỉ trích những người theo chủ nghĩa quốc gia về cái di sản tàn bạo của ý thức hệ tuy “không xấu bằng nhưng vẫn ác hại không kém” chủ nghĩa cộng sản.

Một số người theo chủ nghĩa quốc gia như Thierry Baudet[2] đang tìm cách tái định nghĩa chủ nghĩa quốc gia một cách ngớ ngẩn như nói rằng những người theo chủ nghĩa quốc gia không thể là những người theo chủ nghĩa đế quốc. Lập luận này, nếu đúng, có nghĩa là cái thời đại của chủ nghĩa quốc gia Âu châu không thể bắt đầu cho đến khoảng năm 1997, khi sự giải thực đã gần hoàn tất. Dù sao, cái di sản tàn bạo đối với con người của những chính quyền theo chủ nghĩa quốc gia là điều mà những nhà tư tưởng quốc gia nghiêm túc phải đối diện, thay vì tìm cách đánh tráo định nghĩa như những người cộng sản làm khi họ tuyên bố rằng Liên Xô không thực sự là nhà nước cộng sản, ngõ hầu biện minh cho tội ác của họ.

Chủ nghĩa quốc gia là một ý thức hệ có tính chất tương đối và đơn giản nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn với hàng triệu cử tri và nhiều chính quyền. Tính chất thích nghi của chủ nghĩa quốc gia với những điều kiện địa phương giúp cho nó tăng trưởng, nhất là khi được một chính quyền có ý định bành trướng quyền lực ở trong nước và trên trường quốc tế sử dụng. Nó là một ý thức hệ hấp dẫn cho những nhà lãnh đạo chính trị, vì nó cung cấp một sự biện minh, có sẵn và được nhiều người tin, nhằm gia tăng quyền lực chính trị hầu Khôi phục lại Quốc gia Vĩ đại.

————

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, December 2018

Tác giả: Alex Nowrasteh là chuyên gia phân tích chính sách di dân thuộc Trung tâm Tự do và Thịnh vượng của Viện Cato.

Nguồn: https://fee.org/articles/what-nationalism-really-is-and-why-it-matters/


[1] Edmund Burke, chính trị gia và nhà tư tưởng lỗi lạc người Irish.

[2] Thierry Baudet là một tác giả, nhà báo, chính trị gia người Đức, sáng lập viên đảng Diễn đàn Dân chủ, chống lại chủ nghĩa đa văn hoá, và vận động cho sự “hồi sinh” của ý thức hệ quốc gia-nhà nước. Ý thức hệ này được thể hiện qua cuốn sách Sự quan trọng của biên giới.