fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 10

Chương X

Cơ cấu chính trị của Crete cũng gần giống như của Sparta, và ở một vài điểm cũng tốt bằng Sparta, nhưng phần lớn thì kém hơn về phần hình thức. Những bản hiến pháp cũ thường không chi tiết bằng bản hiện nay, và bản hiến pháp của Sparta thường được xem như là bản sao của Crete. Tương truyền, Lycurgus khi thôi không làm phụ chính cho vua Charillus, đã xuất ngoại và sống ở Crete một thời gian dài, vì hai nước có tương quan mật thiết với nhau. Lyctius [một thành phố của Crete] là thuộc địa của Sparta, và những người Sparta khi sang sinh sống ở đó sử dụng luôn hiến pháp đã có sẵn của dân Crete. Ngay cả cho đến bây giờ, người Perioeci, tức là dân Crete đã bị đô hộ, vẫn tuân theo những luật lệ nguyên thủy do Vua Minos[1] ban hành. Đảo quốc này, hình như vì thiên nhiên đặt định, nằm ở một vị trí dễ trở thành thuộc địa của Hy lạp. Chung quanh đảo quốc [về phía đông của Địa trung hải] là những vùng đất đã do người Hy lạp đến cư ngụ; về phía tây thì cũng không cách Peloponnese bao xa, còn về phía đông thì lại gần với Á châu ở vùng Triopium và Rhodes. Như thế, Minos đã chiếm được một đế quốc trên biển, chinh phục một số đảo và chiếm làm thuộc địa một số đảo khác, và cuối cùng [dùng vùng này làm bàn đạp] tiến công Ý đại lợi; Minos chết gần vùng Camicus, vùng đất gần đảo Sicily của Ý đại lợi.

Có nhiều điểm tương đồng giữa hiến pháp của Crete và Sparta. Nếu Sparta có những nông nô gọi là helots, thì Crete có những nông nô Perioeci. Dân cả hai xứ đều có những bữa ăn chung, người Sparta xưa kia gọi là “andria” (thay vì phiditia như ngày nay), và người Crete cũng gọi như vậy. Việc sử dụng từ ngữ như vậy chứng tỏ hệ thống dùng bữa ăn chung bắt nguồn từ Crete. Sự tương đồng giữa hai hiến pháp còn ở cơ cấu Giám Sát Viện mà người Crete gọi là Cosmi, điều khác nhau duy nhất là có 5 giám sát viên ở Sparta, và 10 người ở Crete. Nguyên lão thượng viện cũng tương tự như nhau, người crete gọi là hội đồng nguyên lão. Trước kia Crete cũng có quân chủ, nhưng sau này bị bãi bỏ, và cơ cấu Cosmi kiêm thêm nhiệm vụ lãnh đạo trong chiến tranh. Mọi công dân đều có quyền tham dự quốc dân đại hội (giống như dân Sparta), nhưng chỉ là để phê chuẩn các quyết định của hội đồng trưởng lão và giám sát viện Cosmi.

Bữa ăn chung của dân Crete cũng được tổ chức hay hơn ở Sparta; vì ở Sparta mỗi người đều phải đóng tiền cho phần ăn tiêu chuẩn của mình, và nếu mà không có đủ phương tiện để đóng tiền ăn, thì, theo luật, sẽ bị mất quyền công dân. Còn ở Crete thì bữa ăn chung đúng nghĩa là ăn chung hơn. Tất cả hoa màu, gia súc nuôi trên đất công, cùng với những tô tức do nông nô Perioeci trả cho chủ điền được chia làm ba phần: một phần là đồ tế lễ thần linh, một phần cho công quỹ, và một phần cho các bữa ăn chung. Vì thế mà đàn ông, đàn bà và con trẻ đều được hưởng sự hỗ trợ từ của công. Nhà lập pháp của Crete còn nhiều cách thức khôn khéo để giúp dân chúng giữ được chừng mực trong ăn uống, đó cũng là cách để giúp cho đất nước; tương tự như vậy, ông cũng khuyến khích vợ chồng không nên ở chung với nhau để tránh tình trạng có quá nhiều con cái, và cho phép đàn ông có quan hệ đồng tính với nhau – điều này tốt hay xấu, tôi sẽ có dịp bàn tới vào lúc khác. Nhưng bữa ăn chung của người Crete rõ ràng là được tổ chức tốt hơn ở Sparta.

Nhưng về khía cạnh khác, định chế Giám sát viện Cosmi của Crete lại tệ hơn Giám sát viện Ephor của người Sparta. Cũng giống như ở Sparta, giám sát viên do dân bầu ra và cũng không có tiêu chuẩn về khả năng nào được đề ra, nhưng ở Crete, khuyết điểm này không có được lợi thế chính trị như ở Sparta. Ở Sparta mọi người dân đều có tư cách được bầu vào Giám sát viện, vì vậy mọi người [đều cảm thấy là] mình có được dự phần vào việc nước, và như thế muốn gìn giữ hiến pháp được lâu dài. Còn ở Crete thì khác, giám sát viên được bầu ra từ một số gia đình mà thôi, chứ không phải cho tất cả mọi người, và các trưởng lão lại được bầu ra từ những cựu giám sát viên.

Hội đồng Nguyên lão của Crete cũng mắc những khuyết điểm như của Sparta. Sự kiện giữ chức vụ trọn đời và không bị chế tài [vì xét đoán sai lầm], cộng với quyền được tùy nghi xét xử theo ý riêng và không cần đếm xiả gì đến văn bản luật lệ, là điều nguy hiểm. Không thể viện lẽ rằng dù toàn thể dân chúng không được tham gia vào việc chọn lựa trưởng lão mà vẫn không bất mãn để cho rằng đó là một định chế tốt. Thực ra, điều khác biệt giữa Giám sát viện Cosmi và Ephor nằm ở chỗ Crete là một hòn đảo nên chẳng có lợi lộc gì và giám sát viên cũng không có cơ hội để tham nhũng.

Phương thuốc mà họ dùng để chữa điều xấu xa của cơ cấu chính trị này là một phương thuốc lạ lùng, thích hợp cho cơ cấu quả đầu hơn là cho một nhà nước theo hiến pháp. Vì các giám sát viên thường bị những người đồng viện hoặc dân thường âm mưu trục xuất ra khỏi Giám Sát Viện, và được phép từ chức trước khi mãn nhiệm. Chắc chắn rằng những việc như vậy tốt nhất vẫn là do luật pháp ấn định hơn là do ý định của con người. Tệ hơn cả là sự kiện cho phép Giám Sát Viện bị đình chỉ công tác, một phương thúc mà các nhà quý tộc thường sử dụng khi không chịu tuân phục theo quyết định của công lý. Điều này cho thấy chính quyền của Crete dù có những đặc tính của một nhà nước theo hiến pháp, thực ra là một chế độ quả đầu.

Những nhà quý tộc cũng có thói quen bầu ra người đầu đàn; họ tụ họp thành bè phái gồm dân thường và những bạn bè của họ, rồi tranh cãi lẫn nhau. Trong những lúc tranh cãi như vậy chẳng phải là nhà nước bị tiêu vong và xã hội bị phân rã? Một nước bị lâm vào cảnh nguy hiểm khi những kẻ nào muốn đánh đều có thể tấn công. Nhưng, như tôi đã nói rồi, đảo Crete được an ninh hoàn toàn nhờ vào địa thế của nó: khoảng cách giữa Crete đến các nước khác cũng giống như dân Sparta có luật cấm không cho người lạ vào trong nước; và người Crete cũng không bị ngoại bang đô hộ. Đó cũng là lý do tại sao nông nô Perioeci của Crete chấp nhận số phận của họ, trong khi nông nô Helot của Sparta lại thường hay nổi loạn. Nhưng sau này khi quân ngoại bang xâm lược tìm được cách tiến vào hòn đảo, thì những nhược điểm của cơ cấu chính trị Crete bị bộc lộ hoàn toàn. Tới đây, ta bàn cũng đã đủ về hiến pháp của Crete.


[1] Theo thần thoại Hy lạp, Minos là con của Zeus (chúa tể các thần linh) và nữ thần Europa. Sau khi chết Minos trở thành phán quan của Địa ngục (Hades).