fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 9

Chương IX

Khi quan sát các chính quyền của xứ Lacedaemon (Sparta) và Crete, và thực ra trong tất cả các chính quyền hiện hữu, có hai điểm cần để ý: thứ nhất, khi so sánh với một nhà nước toàn hảo, có bất kỳ một đạo luật nào là xấu hay tốt không; thứ hai, có đạo luật nào tương phản với nguyên tắc và đặc tính của hiến pháp không. Ai cũng công nhận rằng trong một nhà nước được tổ chức tốt, mọi công dân đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải bận tâm đến việc phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Nhưng có điều khó khăn là làm cách nào để bảo đảm là công dân có được thì giờ nhàn rỗi như vậy. Những nông nô xứ Thessaly vẫn thường nổi dậy chống lại chủ nhân, và những nông nô xứ Lacedaemon cũng thường nổi dậy chống lại chủ nhân, vì hoàn cảnh khốn khổ của họ khiến cho họ luôn chờ cơ hội để nổi dậy. Thế nhưng, những điều như vậy lại chưa hề xảy ra với người Crete; có lẽ là vì các lân quốc của Crete, ngay cả khi đánh lẫn nhau, cũng chưa bao giờ liên kết với các phần tử nông nô nổi loạn, họ không muốn khuyến khích nổi loạn vì ngay trong nước họ cũng có nông nô. Trong khi các lân bang của Sparta-Argos, Messenia, hay Arcadia-đều là kẻ thù của nước này. Ở Thessaly cũng thế, cuộc nổi dậy của nông nô xảy ra khi Thessaly đang giao chiến với các lân bang Achae, Magnesia, và Perrhaebi.[1] Hơn thế nữa, nếu không còn sự khó khăn nào khác, thì nguyên việc quản trị nô lệ đã là điều rắc rối rồi; bởi vì, nếu không dùng kỷ luật, thì bọn nô lệ trở thành láo xược và nghĩ rằng chúng cũng giỏi giang như chủ nhân, nhưng nếu đối xử với chúng khắc nghiệt một chút, thì chúng đâm ra căm tức và âm mưu làm phản. Như vậy, thật là rõ ràng khi xảy ra những việc nông nô gây loạn, điều này cho thấy là những nước có nô lệ chưa tìm được bí quyết để cai quản dân cư của mình.

Ngoài ra, phụ nữ Sparta lại được sống một cách phóng túng; điều này làm hỏng ý định của hiến pháp Sparta và đi ngược lại với hạnh phúc của quốc gia. Bởi vì chồng và vợ, mỗi người là một phần của gia đình, cho nên, quốc gia được chia đều ra làm hai phần: đàn ông và đàn bà. Vì vậy, tại những nước mà phụ nữ sống buông thả, phóng túng, thì một nửa nước phải coi như là chẳng có pháp luật gì hết. Và đó chính là điều đã thực sự xảy ra tại Sparta; các nhà lập pháp muốn cả nước trở nên mạnh mẽ và điều độ nên đã áp dụng các luật lệ đó trên đàn ông, nhưng lại quên không chú ý đến phụ nữ, để mặc họ sống xa hoa và phóng túng.

Hậu quả của điều này là  sự sùng phụng của cải, nhất là khi người công dân lại bị vợ chi phối, một điều rất thường xảy ra trong các dân tộc hiếu võ, ngoại trừ người Celts và một số sắc dân khác công khai chấp nhận đồng tính luyến ái nam.[2] Tác giả các câu chuyện thần thoại đã có lý khi kết hợp Ares và Aphrodite,[3] vì các dân tộc hiếu võ đều có khuynh hướng yêu cả đàn ông lẫn đàn bà. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng nổi bật trong thời hoàng kim của Sparta; hầu như mọi điều trong xứ này đều do phụ nữ quản trị. Nhưng mà liệu có khác gì không giữa việc phụ nữ cai trị và người cai trị lại bị phụ nữ cai trị? Không có gì khác hết, kết quả như nhau. Ngay cả đức tính can đảm, một đức tính không cần thiết trong sinh hoạt thường nhật, nhưng lại rất cần trong thời chiến, thì đức tính này cũng bị ảnh hưởng của phụ nữ Sparta làm hỏng. [Thí dụ như] trong cuộc xâm lăng của Theban vào Sparta, không giống phụ nữ các nước khác, phụ nữ Sparta hoàn toàn vô dụng trong việc ngăn giặc và còn tạo ra nhiều rối rắm hơn là sự tấn công của địch quân. Sự phóng túng của phụ nữ Sparta đã có từ xa xưa và cũng là điều dễ hiểu, vì trong những cuộc chiến tranh của Sparta, đầu tiên là chống lại xứ Argives, rồi sau đó đánh nhau với các xứ Arcadia và Messenia, nam giới phải đi chinh chiến xa nhà lâu ngày và quen với đời sống theo quân kỷ; cho nên, khi hết chiến tranh, họ trở về sẵn sàng sống dưới luật lệ do các nhà lập pháp đặt ra. Phụ nữ Sparta thì không thế, họ sống phóng túng quen rồi, thành thử khi Lycurgus dự định bắt buộc phụ nữ phải tuân theo luật lệ, ông bị chống đối dữ dội và đành bỏ ý định này. Những điều này là nguyên nhân của những điều đã thực sự xảy ra, và khuyết điểm của cơ cấu chính trị Sparta cũng từ đó mà sinh ra. Điều cần để ý ở đây không phải là nêu ra những điểm này để bào chữa cho khuyết điểm của cơ cấu chính trị, mà để xét xem điều gì là đúng và điều gì là sai. Sự phóng túng của phụ nữ [Sparta], như tôi đã trình bày ở trên, không những chỉ tạo ra những sự lộn xộn trong cơ cấu chính trị, mà còn có khuynh hướng làm tăng trưởng lòng tham nơi con người.

Dĩ nhiên khi nhắc đến lòng tham ta cũng phải nhắc đến những chỉ trích về sự bất bình đẳng tài sản. Trong lúc một số người có rất ít tài sản, thì những người khác lại có rất nhiều, như thế điền sản đã bị chuyển sang tay của một thiểu số. Sự kiện này là kết quả trực tiếp của những luật lệ sai lầm; vì, mặc dù nhà lập pháp[4] đã nêu rõ là việc buôn bán tài sản gia truyền là điều xấu xa, đáng khinh bỉ, nhưng mặt khác lại cho phép người dân được quyền cho tài sản hay để di chúc cho người khác. Cả hai cách này đều dẫn đến cùng một kết quả là có đến hai phần năm điền sản của Sparta thuộc quyền sở hữu của phụ nữ. Lý do là vì phong tục cho phụ nữ được thừa hưởng tài sản và nhận số hồi môn kếch xù. Tốt hơn hết là không nên đưa của hồi môn, hoặc là, nếu có phải đưa đi nữa, thì cũng chỉ nho nhỏ hay vừa phải thôi. Theo luật hiện hành thì người cha có quyền gả con gái (được thừa hưởng tài sản) cho bất cứ ai hợp ý mình, và nếu người cha chết trước khi để lại di chúc, người thừa kế được thừa hưởng quyền gả người con gái. Như thế, mặc dù Sparta có khả năng để duy trì 1500 kỵ binh và 30 ngàn bộ binh, nhưng tổng số công dân của Sparta đã xuống dưới mức 1000 người. Kết quả này chứng minh là luật pháp của Sparta nhiều lầm lỗi, và chỉ cần thua một trận thôi thì cũng đủ tiêu vong vì thiếu lính. Có một truyền thống trong đời các vị vua thời cổ, là cho phép người ngoại quốc được nhập tịch thành công dân Sparta, và vì vậy mà Sparta dù có phải chinh chiến lâu dài cũng không thiếu lính; thực ra, đã có lúc dân số lên tới mười ngàn người. Không biết điều này có đúng hay không, nhưng để duy trì dân số, thì tốt hơn vẫn là phân phối tài sản đồng đều. Nhưng khó lòng chỉnh sửa lại sự bất bình đẳng về tài sản vì bị điều luật liên quan đến sinh sản làm trở ngại. Các nhà lập pháp muốn gia tăng dân số càng nhiều càng tốt nên khuyến khích sinh sản; theo một đạo luật là hễ người cha nào có ba người con trai thì được miễn quân dịch, còn có tới bốn con trai, thì được miễn hết mọi nghĩa vụ công dân. Thế nhưng điều hiển nhiên là gia đình càng đông con, thì đất đai chia ra cho các con càng nhỏ lại, và thế là chẳng thể nào tránh được nhiều người sẽ lâm vào cảnh nghèo túng.

Cơ cấu chính trị của Sparta còn một khuyết điểm nữa; tôi muốn nói đến cơ quan Giám Sát Viện. Đây là một cơ quan có quyền lực cao nhất, nhưng Giám sát viên lại do toàn dân bầu ra trong đám thứ dân, cho nên các chức vụ này dễ rơi vào tay của những người nghèo túng, và những người nghèo thì lại dễ bị hối lộ. Điều tệ hại này đã thường xảy ra trong quá khứ, và gần đây nhất là sự việc liên quan đến người Andrian, một số Giám sát viên đã ăn hối lộ để làm cho quốc gia suy vong. Quyền lực của Giám Sát Viện quá lớn lao và độc đoán đến nỗi các vị vua còn phải tìm cách lấy lòng họ. Kết quả là quyền lực của hai cơ cấu này khiến cho cơ cấu chính trị bị suy đồi từ chế độ quý tộc biến sang dân chủ. [Dù sao] Giám Sát Viện cũng có vai trò giữ cho cơ cấu chính trị được tồn tại, vì thứ dân cảm thấy hài lòng khi thấy họ được dự phần vào cơ quan cao nhất nước; sự kiện này dù là do ý định của nhà lập pháp hay vì tình cờ mà quyết định như vậy, cũng có lợi cho đất nước. Một cơ cấu chính trị muốn được tồn tại, thì mọi thành phần dân chúng đều phải có ý thức và ý chí bảo vệ nó. Đối với Sparta điều này ta thấy hiển nhiên, trước hết là hai ông vua[5] muốn bảo vệ ngai vàng của họ, vì họ được hưởng mọi vinh dự, thứ đến là quý tộc vì họ được đại diện trong Nguyên lão Thượng viện (một hình thức tưởng thưởng cho tài năng và đức hạnh), và sau cùng là thứ dân, vì mọi người dân đều có thể được bầu vào Giám Sát Viện. Việc bầu giám sát viên từ trong đám thứ dân là một việc hoàn toàn đúng, nhưng không nên được thực hành theo cung cách hiện tại, vì cung cách này quá ấu trĩ.[6] Thêm nữa, các giám sát viên là những thứ dân, lại có quyền quyết định những việc hệ trọng, cho nên họ không nên tùy tiện quyết định theo ý riêng [như đang làm hiện nay], mà phải căn cứ vào các luật lệ đã được thành văn bản. Chưa hết, giám sát viên còn tùy tiện trong lối sống không phù hợp với tinh thần của hiến pháp. Họ có tự do muốn sống phóng túng như thế nào thì làm thế ấy, trong khi người dân thì lại bị luật lệ nghiêm khắc ràng buộc đến nỗi phải lén lút tìm cách thỏa mãn nhục dục.

Chưa hết, hội đồng trưởng lão (thượng viện) không phải là không có khuyết điểm. Mặc dù trưởng lão là những người có tài năng và được huấn luyện kỹ càng về các đức tính nam nhi, nên về phương diện này phải công nhận là có lợi cho quốc gia. Nhưng quy luật cho những trưởng lão này tại chức đến mãn đời là một điều cần phải bàn lại, vì trí óc cũng già đi theo thể chất. Và khi mà ngay cả nhà lập pháp cũng không thể tin được phương thức mà những trưởng lão đã được huấn luyện, thì đó là điều nguy hiểm. Nhiều nguyên lão đã mang tiếng là nhận hối lộ và mang tội thiên vị trong các vấn đề công cộng. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của họ, chứ không phải như hiện nay [dù gì đi nữa vẫn được tại chức cho đến mãn đời]. Nhưng (cũng có người lập luận), tất cả mọi viên chức đều chịu sự giám sát của Giám Sát Viên. Đúng thế. Nhưng đó là một đặc quyền quá lớn so với khả năng của họ, và tôi chủ trương rằng việc kiểm soát phải được thực hiện theo kiểu khác. Hơn nữa cách bầu cử trưởng lão cũng ấu trĩ vì theo luật hiện hành là những ai muốn được bầu thì phải ra ứng cử, trong khi những người thực sự tài đức phải được bổ nhiệm, dù có muốn làm hay không. Ở đây cũng như trong những phần khác của hiến pháp, hiển nhiên nhà lập pháp cho thấy ý định của mình là muốn công dân phải có lòng khát khao danh vọng và chức vụ, và ấn định đó là một tiêu chuẩn mà một trưởng lão cần phải có, vì chẳng có ai tự ra ứng cử nếu không muốn có danh vọng. Tuy nhiên, tham danh và tham lợi, hơn bất cứ nhiệt tình nào khác của con người, chính là động lực đưa đến tội ác.

Việc thiết lập các vị vua có lợi cho nhà nước hay không, tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác; nhưng các vị vua nên được lựa chọn theo tư cách và đời sống cá nhân thay vì cách thức hiện hành.[7] Nhà lập pháp hiển nhiên biết rằng không thể bắt các ông vua này trở thành người tốt được và rất nghi ngờ đức hạnh của họ. Vì lý do đó mà dân Sparta thường cấu kết với kẻ thù của nhà vua tại các sứ quán ở nước ngoài, và việc mà hai vua thường tranh cãi nhau lại được xem là một biện pháp bảo vệ an toàn cho nền chính trị.

Còn chính sách tạo nên những bữa ăn chung, còn được gọi là “phiditia,” cũng không được điều hành tốt. Phí tổn cho những bữa ăn này nên được công quỹ đài thọ như ở Crete, nhưng ở Sparta thì mỗi người phải mang phần của mình đóng góp vào bữa ăn chung, việc này tạo ra khó khăn cho những người nghèo khó; cho nên, ý định tạo nên một định chế bình đẳng và phổ thông cho mọi người của nhà lập pháp hóa ra lại đưa đến phản tác dụng. Vì những người nghèo khó hầu như không thể tham dự vào các bữa ăn này, và theo tục lệ cổ truyền, những ai không góp phần vào bữa chung sẽ mất quyền giữ quốc tịch.

Luật pháp Sparta về chức vụ đô đốc hải quân cũng từng bị chỉ trích, mà chỉ trích thì cũng phải thôi, vì điều luật đó là nguồn gốc của bất đồng, chia rẽ.  Hai ông vua là thống chế quân đội cho đến chết, cho nên lập nên đô đốc hải quân cũng như là lập nên một vị vua khác.
Điều mà Plato phê phán nhà lập pháp trong Luật Pháp cũng là những phê phán chính đáng. Toàn bộ cơ cấu chính trị của Sparta chỉ xiển dương một đức tính duy nhất; đó là đức tính của quân nhân – đức tính cần thiết để chiến thắng trong chiến tranh. Khi chiến tranh tiếp diễn, đức tính này giúp quân đội duy trì sức mạnh, nhưng khi đã tạo nên được đế quốc rồi, thì họ lại thất bại trong hòa bình vì không biết làm gì hết vì cả cuộc đời chỉ được huấn luyện để đánh nhau. Còn một lầm lỗi nữa, cũng lớn lao không kém; đó là, dù họ nhận thức đúng đắn là những điều tốt đẹp mà người ta mong muốn, như là hạnh phúc, danh vọng, hay những điều tương tự, chỉ đạt được bằng điều thiện và đức hạnh, nhưng họ lại lầm lẫn rằng những điều tốt đẹp mà họ mong muốn đó lại là những điều cao cả hơn đức hạnh.
Thêm một điểm nữa: tiền thuế nhà nước thu được đã bị quản trị quá tồi. Ngân khố không còn tiền bạc vì nhà nước phải lo chiến phí, nhưng người dân lại không muốn đóng thuế. Tiền thuế đóng cho nhà nước là thuế đánh trên điền sản, và dù đa số công dân Sparta là chủ điền, họ chẳng buồn quan tâm xem những người khác đóng thuế như thế nào. Kết quả mà nhà lập pháp định làm đã bị đảo ngược lại: làm cho nhà nước nghèo đi và người dân thêm tham lam.

Đến đây đã đủ cho những nhận xét của chúng ta về cơ cấu chính trị và những khuyết điểm chính
của Sparta.


[1] Perrhaebi là một tiểu quốc ở phía bắc Thessaly và luôn bị Thessaly kiểm soát.

[2] Phụ nữ Sparta có một vai trò rất đặc biệt. Họ được đối xử hầu như là bình đẳng với nam giới. Các bé gái được đi học như con trai (dù thời gian đi học có ngắn hơn con trai). Vì bản chất hiếu võ, đàn ông Sparta phải đi lính cho đến năm 31 tuổi, và phải ở trong trại lính; cho nên, việc nhà được các bà quán xuyến. Gia đình giàu hay nghèo là kết quả của tài quản trị của các bà nội trợ. Sự kiện này dẫn đến tình trạng các đấng nam nhi lại bị lệ thuộc vào vợ, từ chuyện gia đình cho đến quốc sự. Chính điều này khiến cho Aristotle lên án vai trò của phụ nữ trong chính trị Sparta. (theo tài liệu của Helen P. Schrader: http://elysiumgates.com/~helena/Women.html ).

[3] Ares (đọc theo tiếng Anh là ‘a: riz) là Thần Chiến tranh trong thần thoại Hy lạp, thường được mô tả là có tính khí nóng nảy, thất thường. Thần thoại La mã gọi Thần Chiến tranh là Mars. Aphrodite (đọc theo tiếng Anh: \a-frə-dai-ti\) là nữ thần tình yêu, tương đương với thần Vệ Nữ trong thần thoại La mã (Venus). Trong trường ca Iliad của Homer, Ares đã nhận lời của Athens để giúp phe Alchean chống lại phe Trojan, nhưng Aphrodite lại thuyết phục được Ares qua bên phía Trojans.

[4] Ám chỉ Lycurgus, còn được biết tới qua các tên Herodotus, Xenophon, và Plutarch, là nhà lập pháp của Sparta; tương truyền Lycurgus là hậu duệ đời thứ 11 của thần Hercules.

[5]  Cơ cấu chính trị của Sparta gồm có 2 ông vua cùng trị vì, nguyên lão thượng viện, giám sát viện, và quốc hội. Nguyên lão thượng viện gồm 28 người từ 60 tuổi trở lên do quốc hội bầu ra và tại chức cho đến mãn đời. Nhiệm vụ của Viện Nguyên lão là xét xử về tư pháp và phê chuẩn các điều luật của quốc hội. Quốc hội gồm tất cả nam công dân từ 30 tuổi trở lên.

[6] Aristotle không giải thích thêm phương pháp bầu cử giám sát viên ấu trĩ như thế nào.

[7] Nền quân chủ của Sparta có hai vua đồng trị vì, hai vua này là dòng dõi của hai họ Agiads và Eurypontids, tương truyền là hậu duệ của cặp song sinh Eurythenes và Procles, con cháu của thần Hercules.