fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 11

Chương XI

Người Carthage[1] cũng được xem là có một mô hình chính trị tuyệt hảo, khác hẳn các nước khác về nhiều phương diện, dù trên vài phương diện lại rất giống Sparta. Thực ra, cả ba nước-Sparta, Crete và Carthage-đều gần giống nhau về cơ cấu chính trị, và rất khác biệt với các nước khác. Rất nhiều định chế của Carthage được xem là tuyệt hảo. Điều này được chứng minh bởi sự kiện là thường dân Carthage luôn trung thành với hiến pháp và người Carthage chưa bao giờ có cuộc nổi loạn đáng kể nào, và chưa hề bị cai trị bởi một bạo chúa.

Trong những điểm giống nhau giữa hiến pháp Carthage và Sparta có những điểm sau đây: bữa ăn chung tương tự như của Sparta, quan chức gồm 104 người tương tự như Giám sát viên của Sparta, nhưng khác ở chỗ giám sát viên của Sparta được lựa chọn theo bốc thăm, ai trúng thì được, còn Carthage lựa chọn quan chức theo tài năng, và đây là một sự cải thiện. Carthage cũng có vua và hội đồng trưởng lão tương tự như vua và hội đồng trưởng lão của Sparta. Nhưng vua của Garthage không giống như vua của Sparta, không theo cha truyền con nối trong một dòng họ; vua Carthage có thể được bầu ra từ bất kỳ gia đình nào nổi trội trong giai đoạn đó và theo tài năng chứ không theo tuổi tác-sự kiện này hay hơn Sparta rất nhiều. Vua chúa là những người nắm giữ quyền lực lớn lao, và vì thế, nếu họ là những kẻ chẳng ra gì, thì sẽ gây ra họa hoạn nhiều hơn lợi ích cho dân chúng, như đã xảy ra tại Sparta.
Phần lớn những khuyết điểm hay xa rời các nguyên tắc xây dựng một nhà nước toàn hảo mà hiến pháp Carthage mắc phải, cũng là những điều đã xảy ra cho các mô hình chính quyền ta đã bàn tới. Nhưng đối với Carthage, điều đáng nói là dù hiến pháp được xây dựng theo hình thức quý tộc, nhưng khi thì chính quyền lại đi chệch sang hướng dân chủ, khi khác lại đi theo hướng quả đầu. Khi nhà vua và các trưởng lão cùng nhất trí về một vấn đề nào đó, họ có thể xét xem nên hay không đưa vấn đề đó ra cho toàn dân bàn thảo, nhưng khi mà họ không nhất trí được với nhau, thì nhân dân vẫn có quyền bàn thảo và quyết định các vấn đề đó như thường. [Thêm nữa,] bất cứ vấn đề nào mà nhà vua và trưởng lão đưa ra, quốc dân không những bàn thảo mà còn quyết định các vấn đề đó, và bất cứ ai nếu thích cũng có thể phản đối các quyết định đó như thường. Điều này không được cho phép tại Sparta và Crete.

Mặt khác, Carthage cũng thiên về thể chế quả đầu, khi một ủy ban 5 người, một ủy ban đầy quyền lực, được hình thành bởi sự kết nạp, và có quyền lực chọn lựa hội đồng tối cao gồm 100 người, [không những thế] họ còn được giữ chức vụ lâu hơn các quan chức khác (vì họ thực sự là những nhà cai trị trước và sau khi giữ chức vụ). Còn sự kiện họ không lãnh lương và do dân bầu ra cùng các yếu tố khác như mọi vụ kiện tụng đều do các quan chức phân xử chứ không phải có vụ thì do quan tòa xử, có vụ lại do bồi thẩm xử như ở Sparta, là các đặc tính của chế độ quý tộc.

Hiến pháp Carthage còn rẽ từ quý tộc sang quả đầu, nhất là khi được công luận ủng hộ: bởi vì người dân thường nghĩ là các quan chức phải được lựa chọn không những vì tài đức mà còn vì họ là những người có của cải; họ nghĩ rằng người nghèo không thể cai trị giỏi vì không có thì giờ nhàn rỗi để suy nghĩ (vì còn bận lo sinh kế). Do đó, nếu quan chức được bầu chọn theo tài sản là đặc tính của chế độ quả đầu, và bầu chọn theo tài năng là đặc tính của quý tộc, thì phải có một hình thức thứ ba nữa cho hiến pháp của Carthage, vì tại đây, quan chức, đặc biệt là hàng cao nhất như vua và các đại tướng, được dân bầu ra theo cả tài năng và tài sản.

Nhưng ta phải nhận ra rằng, khi đi chệch hướng từ quý tộc sang quả đầu, nhà lập pháp đã phạm phải một sai lầm. Không có gì lại tuyệt đối cần thiết đối với thành phần thượng lưu, cả khi còn tại chức, lẫn khi thôi việc, cho bằng có được thì giờ nhàn tản và không phải làm những việc [để sinh sống] không xứng với địa vị của họ. Đó là việc mà nhà lập pháp phải lưu ý đầu tiên. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là dù của cải là điều cần thiết để bảo đảm cho các quan chức có thì giờ nhàn rỗi, nhưng đó cũng lại là điều xấu xa nếu để cho những kẻ có tiền có thể mua những chức vụ cao cấp nhất, như vua hay đại tướng. Điều luật cho phép điều này xảy ra sẽ khiến cho tiền của được coi trọng hơn đức hạnh, và khiến cho cả nước trở thành tham lợi. Bởi vì, khi những người đứng đầu quốc gia xem trọng điều gì, thì người dân sẽ lấy đó làm gương để bắt chước, và nếu tài đức không phải là điều được coi trọng bậc nhất, thì thể chế quý tộc sẽ không thành hình được.  Ngoài ra, những kẻ dùng tiền của để mua địa vị, chắc chắn sẽ tìm cách để kiếm lại lời; vì khi người nghèo và trung thực còn muốn kiếm lợi, thì thật là khó tin nếu những kẻ xấu xa và lại tốn kém tiền của để mua chức vụ lại không [lợi dụng chức vụ] để kiếm lời. Như thế, ta nên kết luận rằng chỉ những người tài đức nhất mới xứng đáng là người cai trị. Và nếu nhà lập pháp không quan tâm đến việc bảo vệ những người tài không bị nghèo khó (khi nghỉ việc quan), thì ít nhất cũng phải cung cấp cho họ đủ ăn, đủ mặc (không bận tâm về sinh kế) khi tại chức.

[Thêm vào đó,] hiến pháp Carthage còn một khuyết điểm nhưng lại rất thịnh hành là để cho một người giữ nhiều chức vụ cùng một lúc; đây là một khuyết điểm vì bất cứ việc nào cũng vậy, chỉ được thực hiện tốt bởi một người mà thôi. Nhà lập pháp phải để ý đến việc này và không thể bổ nhiệm một người vừa làm nhạc sĩ thổi sáo vừa làm thợ đóng giày. Như thế, nếu đất nước rộng lớn, thì phương cách phân phối các chức vụ cho nhiều người sẽ phù hợp với hiến pháp và nguyên tắc dân chủ hơn. Vì như tôi đã nói, sự sắp đặt như vậy sẽ công bình hơn đối với tất cả mọi người, và bất cứ hành vi nào được lập đi lập lại thành thói quen sẽ được thực hiện tốt hơn và mau chóng hơn. Ta có bằng chứng về việc này trong phạm vi quân sự và hải quân; trong hai lãnh vực này bổn phận chỉ huy và phục tùng được áp dụng toàn bộ từ trên xuống dưới.

Chính quyền Carthage theo chính thể quả đầu, nhưng họ thực sự tránh được những điều xấu xa của thể chế này bằng cách gởi từng đợt dân chúng sang định cư tại các thuộc địa. Chính sách này xem ra là một phương thuốc tuyệt hảo và là một cách giúp cho đất nước được ổn định.[2] Nhưng chính sách này chỉ là một sự ngẫu nhiên mà có chứ không do ý định của nhà lập pháp, và nhà lập pháp phải có những biện pháp tiên liệu phòng ngừa khi dân chúng bất mãn nổi dậy chứ không thể cứ dựa vào ngẫu nhiên mà được. Một khi bạo loạn đã xảy ra thì khó mà vãn hồi lại được trật tự bằng pháp luật.

Đó là đặc tính đáng ca ngợi của cơ cấu chính trị Sparta, Crete và Carthage.


[1] Carthage là một thị-quốc nằm trên bờ biển Bắc Phi, nay thuộc Tunisia. Carthage, theo truyền thuyết La Mã được nữ hoàng Dido thành lập năm 814 BC. Vì nằm giữa vùng tranh chấp của các đế quốc Syracuse (nay là xứ Sicilia) và La Mã, Carthage nhiều lần bị xâm chiếm và cuối cùng bị người La Mã tiêu diệt vào năm 146 BC.

[2] Chính sách đưa dân sinh sống tại thuộc địa giúp cho tài sản được phân phối rộng rãi trong quần chúng, và do đó giữ cho xã hội được ổn định.