Nguyên tắc cấu tạo các loại chính quyền
Để nói lên nguyên nhân tổng quát của các khác biệt trên đây ta phải phân biệt giữa chính quyền và nguyên tắc của nó, như chúng ta đã làm giữa Quốc gia và Hội đồng Tối cao.
Cơ cấu các quan chức có thể gồm nhiều hay ít thành viên. Ta đã thấy rằng quan hệ của Hội đồng Tối cao với thần dân tỷ lệ thuận với dân số, tương tự như vậy, cũng có mối quan hệ như thế giữa chính quyền và các quan chức chính quyền.
Nhưng toàn thể sức mạnh của chính quyền, cũng là sức mạnh của quốc gia thì lại không thay đổi; cho nên khi chính quyền càng sử dụng sức mạnh này lên các thành viên của mình nhiều bao nhiêu, thì chính quyền sẽ còn càng ít sức mạnh để áp đặt lên toàn thể dân chúng.
Vậy thì càng nhiều quan chức chừng nào thì chính quyền càng yếu chừng đó. Vì đây là một nguyên tắc căn bản, nên chúng ta phải cố gắng giải thích rõ ràng.
Trong con người của một quan chức ta có thể phân biệt ba ý chí khác nhau: Thứ nhất, ý chí riêng tư của mỗi cá nhân thiên về lợi ích riêng. Thứ hai, ý chí chung của tất cả các quan chức, hướng về lợi ích của hội đồng hoàng gia (prince) và có thể gọi là ý chí đoàn thể; ý chí này có tính cách tổng quát đối với chính quyền, và riêng rẽ đối với quốc gia mà chính quyền là một thành phần. Thứ ba, ý chí của dân chúng hay là ý chí tối thượng; ý chí này có tính cách tổng quát, đối với quốc gia được xem như là một tổng thể, và đối với chính quyền, được xem như là một phần của tổng thể.
Trong một nền luật pháp hoàn mỹ, ý chí riêng rẽ hay cá thể phải là con số không; ý chí đoàn thể của chính quyền nên chiếm một vị trí thấp; và vì vậy ý chí tổng thể hay tối thượng luôn luôn chiếm ưu thế và phải là cái đích duy nhất cho các ý chí khác.
Thế nhưng, theo luật tự nhiên, các ý chí này khi càng tập trung [vào bản ngã của nó], thì càng hoạt động tích cực hơn. Cho nên ý chí tập thể luôn luôn yếu nhất; ý chí đoàn thể đứng hạng nhì, và ý chí cá nhân đứng đầu: thành thử trong chính quyền, mỗi thành viên trước nhất là chính mình, rồi mới đến là quan chức, và sau hết mới là công dân; trật tự này đi ngược lại với trật tự xã hội đòi hỏi.
Lẽ dĩ nhiên, nếu toàn thể chính quyền nằm trong tay một người, ý chí riêng rẽ và ý chí đoàn thể sẽ được hoàn toàn kết hợp, và như vậy ý chí đoàn thể đạt đến mức độ cao nhất . Nhưng khi mức độ sử dụng sức mạnh tùy thuộc vào mức độ của ý chí, và vì sức mạnh tuyệt đối của chính quyền không thay đổi, thì ta thấy rằng chính quyền năng động nhất là chính quyền do một người cầm quyền.
Ngoài ra, ví dụ chúng ta kết hợp chính quyền với quyền lập pháp, và cùng cho Hội đồng Tối cao đảm nhận thêm vai trò hành pháp, cùng tất cả công dân trở thành những quan chức, thì ý chí của đoàn thể, lẫn lộn với ý chí tập thể, sẽ không hoạt động tích cực hơn ý chí tập thể, và [thế là] nhường lại cho ý chí riêng rẽ [của cá nhân] một sức mạnh chưa từng có. Như vậy, chính quyền, với quyền lực tuyệt đối, sẽ thấy quyền lực này chỉ còn là tương đối và ở mức thấp nhất.
Ta không thể phủ nhận các sự tương quan ấy, và nhiều nhận xét khác cũng đã xác nhận các mối tương quan này. Ví dụ ta thấy rằng mỗi quan chức năng động trong cơ cấu chính quyền của họ hơn mỗi công dân, và như vậy ý chí cá biệt sẽ có nhiều ảnh hưởng trong các hành động của chính quyền hơn là trong các hành động của Hội đồng Tối cao; bởi vì mỗi quan chức gần như luôn luôn đảm nhận một chức vụ nào đó trong Chính quyền, trong khi công dân không đảm nhận một chức vụ nào hết trong Hội đồng Tối cao. Ngoài ra, quốc gia càng lớn rộng thì sức mạnh thực tế của nó càng gia tăng, tuy rằng không theo tỷ lệ thuận với kích thước của nó. Tuy nhiên, nếu quốc gia không thay đổi, số lượng quan chức vẫn có thể gia tăng, dù chính quyền cũng không đạt đến một sức mạnh thực sự lớn hơn bởi vì sức mạnh của chính quyền là sức mạnh không bao giờ thay đổi của quốc gia. Do đó, quyền lực hay hoạt động tương đối của chính quyền có thể giảm đi, trong khi quyền lực hay hoạt động tuyệt đối của nó không gia tăng.
Chắc chắn hơn nữa là mức giải quyết các công việc sẽ chậm chạp hơn nếu càng có nhiều quan chức nhúng tay vào: khi người ta quá thận trọng thì người ta thường bỏ qua vận may và để cơ hội tốt qua đi, [thêm vào đó] bàn luận quá lâu sẽ làm mất luôn những ích lợi của sự bàn luận.
Tôi vừa chứng minh rằng chính quyền trở nên chểnh mảng khi mà số quan chức gia tăng, và trước đây tôi cũng đã chứng minh rằng dân số càng gia tăng thì sức mạnh đàn áp càng lớn. Kết quả là mối liên hệ giữa quan chức và chính quyền phải là tỷ lệ nghịch với mối liên hệ giữa công dân và Hội đồng Tối cao: nghĩa là quốc gia càng lớn thì chính quyền càng phải thu hẹp; rằng số người lãnh đạo phải giảm xuống trong khi dân số gia tăng.
Phải nói thêm rằng ở đây tôi đề cập đến sức mạnh tương đối của chính quyền chứ không nói đến phẩm chất của các hành vi của nó: bởi vì số quan chức càng đông thì ý chí của cơ cấu càng gần ý chí tập thể [nhưng lại không hoạt động hữu hiệu]; trong khi, với một quan chức duy nhất, ý chí cơ cấu chỉ là, như tôi đã nói, một ý chí riêng rẽ [nhưng chính quyền lại hoạt động nhanh lẹ]. Vì thế cái lợi thu thập được bên này sẽ bị mất đi bên kia; và nghệ thuật của nhà làm luật là phải biết làm cách nào để ấn định cái điểm để sức mạnh và ý chí của chính quyền-luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau-gặp nhau ở một tỷ lệ có lợi nhất cho quốc gia.
© Học Viện Công Dân 2007