fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển III

Trước khi đề cập đến các loại chính quyền, chúng ta hãy định nghĩa một cách đúng đắn chữ này, vì nó chưa được giải thích rõ ràng.

Chương 1

Tổng quát về chính quyền

Tôi lưu ý các độc giả rằng phần này phải được đọc một cách kỹ lưỡng, vì tôi không thể giải thích rõ ràng với những ai không muốn chú ý.

Mọi hành vi tự do đều được phát sinh từ sự kết hợp của hai nguyên nhân; một là nguyên nhân tinh thần, hay là ý muốn tạo ra hành động; hai là nguyên nhân vật chất hay là sức mạnh để thực hiện hành động đó. Khi ta muốn đi đến một vật gì thì trước hết ta cần phải có ý muốn đi đến đó, và sau đó là đôi chân đưa ta đến chỗ ấy. Nếu một người bị tê liệt muốn chạy và một người khỏe mạnh không muốn chạy thì cả hai đều đứng nguyên tại chỗ. Cơ cấu chính trị cũng có những động cơ đó; ở đây cũng vậy, ý chí và sức mạnh được phân biệt: ý chí dưới tên là quyền lập pháp và sức mạnh dưói tên quyền hành pháp. Không có sự kết hợp của hai quyền lực đó thì không làm được gì hay cũng không nên làm gì.

Chúng ta đã thấy rằng quyền lập pháp thuộc về dân chúng, và chỉ thuộc về họ mà thôi. Ngược lại, ta đã thấy qua các nguyên tắc đã nói ở trên rằng quyền hành pháp không thể thuộc về một tập thể như cơ quan lập pháp hay Hội Đồng Tối Cao, bởi vì nó bao gồm những hành động cá biệt nằm ngoài phạm vi của luật pháp cũng như của Hội Đồng Tối Cao mà tất cả các việc làm của hai cơ quan này lại phải liên hệ đến luật pháp.

Vậy quyền lực công cộng cần có một cơ quan riêng của mình để kết hợp và thi hành các chỉ thị của ý chí tập thể, để làm sợi dây liên lạc giữa Quốc gia và Hội Đồng Tối Cao, giống như sự kết hợp giữa linh hồn và thân thể của con người. Cơ quan này trong một quốc gia được gọi là một cơ cấu căn bản gọi là Chính Quyền; cơ quan này thường bị lầm lẫn với Hội Đồng Tối Cao mà nó chỉ là kẻ thừa hành.

Vậy thì Chính Quyền là gì? Đó là một cơ cấu trung gian đặt giữa người dân của một quốc gia và Hội Đồng Tối Cao, để bảo đảm sự liên lạc hai chiều, có nhiệm vụ thi hành luật pháp và gìn giữ tự do, trong cả hai lãnh vực dân sự lẫn chính trị.

Các thành viên của cơ cấu này được gọi là quan chức (magistrate) hay là Vua, nghĩa là người cai trị, và toàn thể cơ cấu mang tên là Hoàng Tử. [1] Vậy nên khi có những người cho rằng cái việc mà dân chúng tự đặt mình dưới quyền cai trị của một ông hoàng không phải là một khế ước, thì quả là đúng như vậy. Vì đó giản dị chỉ là một nhiệm vụ, một việc làm trong đó những người cai trị chỉ là viên chức của Hội Đồng Tối Cao, nhân danh cơ cấu này để sử dụng quyền lực mà họ được giao phó. Hội đồng Tối cao có thể giới hạn, thay đổi, hoặc thu hồi quyền lực này tùy theo sở thích; [không thể có việc chuyển nhượng quyền lực từ Hội đồng Tối cao cho chính quyền,] vì sự chuyển nhượng quyền lực như vậy không thích hợp với bản chất của một cơ cấu xã hội, và ngược với mục đích của sự kết hợp.

Vậy thì tôi gọi chính quyền, hay cơ quan hành chánh tối cao là sự sử dụng hợp pháp của quyền hành pháp, và hoàng tử hay quan chức là cơ cấu hay người điều hành cơ cấu hành chánh này.

Trong guồng máy chính quyền có những sức mạnh trung gian mà do mối liên hệ của chúng đã tạo nên một tương quan giữa tổng thể với tổng thể, nghĩa là giữa Hội Đồng Tối Cao với Quốc Gia. Mối tương quan giữa hai tổng thể này cũng giống như mối quan hệ giữa hai số hạng đầu và cuối của một cấp số nhân, và chính quyền chính là số trung bình nhân của cấp số này. Chính quyền nhận từ Hội Đồng Tối Cao những mệnh lệnh để truyền xuống cho dân chúng; và để cho quốc gia có được một sự thăng bằng tốt thì phải có sự cân bằng giữa tích số của các quyền lực của chính quyền với tích số của các quyền lực của công dân, những người vừa là thành viên của Hội Đồng Tối Cao lại vừa là người dân. Hơn nữa ta không thể thay đổi một số hạng nào trong ba số hạng này mà không phá hủy ngay tức khắc sự quân bình. Nếu Hội Đồng Tối Cao muốn cai trị hay Quan Chức muốn làm luật, hay là nếu người dân từ chối không muốn tuân hành thì hỗn loạn sẽ thay chỗ cho ổn định, sức mạnh và ý chí không hoạt động một cách hoà hợp nữa, và quốc gia sẽ tan rã và rơi vào chế độ chuyên quyền hay hỗn loạn.

Sau hết, vì chỉ có một trung bình nhân cho mỗi sự tương quan, nên cũng chỉ có một chính quyền tốt cho một quốc gia. Nhưng vì nhiều biến cố có thể xảy ra cho mối quan hệ giữa một dân tộc, nên không những nhiều chính quyền khác nhau có thể mang đến những thành quả tốt đẹp cho nhiều dân tộc khác nhau, mà họ còn có thể thực hiện những việc tốt cho một dân tộc ở nhiều thời điểm khác nhau.

Để có được một ý niệm rõ ràng hơn về các quan hệ giữa hai biến số đó, tôi lấy thí dụ một số dân chúng để làm tiêu biểu.

Giả sử quốc gia có 10,000 công dân. Hội Đồng Tối Cao chỉ được xem như là một tập thể, nhưng mỗi người riêng rẽ với tư cách là một công dân thì được xem như là một cá nhân; như vậy tỷ lệ giữa Hội Đồng Tối Cao đối với một công dân là mười ngàn trên một; nghĩa là mỗi phần tử của Hội Đồng Tối Cao chỉ được một phần mười ngàn của quyền lực của quốc gia tuy rằng người này hoàn toàn ở dưới quyền kiểm soát của Hội Đồng. Nếu dân số là một trăm ngàn thì tình trạng của mỗi công dân không thay đổi gì cả vì mọi người cùng bình đẳng trước luật pháp[mỗi công dân vẫn có cùng một tỷ lệ quyền lực đối với Hội đồng Tối cao]; trong khi đó quyền đầu phiếu của anh ta bị hạ xuống [từ một phần mười ngàn xuống] một phần trăm ngàn lần, và như vậy kém hơn mười lần so với trường hợp thứ nhất. Như vậy thì người công dân luôn luôn là một phần tử, trong khi tỷ lệ quyền lực giữa Hội Đồng Tối Cao và công dân lại tăng lên theo với số lượng gia tăng của công dân. Kết quả là quốc gia càng lớn thì sự tự do càng giảm đi.

Khi tôi nói rằng mối quan hệ gia tăng, tôi muốn nói rằng nó càng trở nên không bình đẳng. Vậy sự quan hệ càng lớn theo nghĩa toán học thì sự quan hệ càng ít trong nghĩa thông thường của nó. Trong nghĩa thứ nhất, sự tương quan được so với số lượng theo một phân số; trong nghĩa thứ hai, sự tương quan được so với đặc tính dựa trên các điểm tương tự.

Khi mối quan hệ giữa ý chí cá nhân và ý chí tập thể, nghĩa là giữa đạo đức và luật pháp, càng ít chừng nào, thì sức mạnh đàn áp của chính quyền lại càng tăng lên chừng ấy. Do đó, để chính quyền làm tốt nhiệm vụ của mình thì quyền lực cần phải được gia tăng khi dân số càng tăng.

Mặt khác, vì sự lớn mạnh của quốc gia làm cho các người cầm quyền có nhiều cơ hội dễ bị cám dỗ và có phương tiện để lạm dụng quyền thế, [cho nên nếu] chính quyền cần có nhiều sức mạnh để kiểm soát dân chúng bao nhiêu, thì Hội Đồng Tối Cao cần có quyền lực lớn hơn để kiểm soát chính quyền bấy nhiêu. Tôi không muốn nói đến sức mạnh tuyệt đối, nhưng là sức mạnh tương xứng của các thành phần khác nhau trong quốc gia.

Ta có thể suy ra từ mối quan hệ kép này, mối quan hệ được tính bằng tỷ lệ giữa Hội Đồng Tối Cao, chính quyền, và dân chúng không phải là một ý tưởng tùy tiện mà là một hệ quả cần thiết cho bản chất của một cơ cấu chính trị. Thêm nữa, nếu một trong hai biên số, ví dụ như là dân chúng–đuợc xem như là thần dân–không biến đổi và được tượng trưng bằng một đơn vị thống nhất, thì mỗi lần tỷ lệ kép gia tăng hay giảm thì tỷ lệ đơn cũng tăng hay giảm và thay đổi theo. Từ việc này, ta thấy rằng không thể có một chính quyền duy nhất và tuyệt đối, nhưng có nhiều thể chế chính quyền khác nhau tùy theo sự rộng lớn của quốc gia.

Để giễu cợt lối phân tích này, ai cũng có thể nói rằng, theo lý luận của tôi, muốn tìm ra số trung bình nhân để từ đó xây dựng chính quyền, thì cứ việc lấy căn số của tổng số dân là xong. [Những người ấy phải biết là] tôi chỉ mượn các con số làm thí dụ tạm thời mà thôi, và những mối quan hệ tôi đang nói ở đây không chỉ thuần túy đo lường được bằng dân số, nhưng một cách tổng quát hơn, bằng số lượng của hành động, tức là sự kết hợp của vô số nguyên do; để cho ngắn gọn, tôi đã mượn ngôn ngữ của toán học, nhưng tôi cũng dư biết là toán học không thể dùng để đo lường đạo đức

Chính quyền là hình ảnh thu hẹp của cơ cấu chính trị và nằm trong cơ cấu này. Chính quyền là một nhân vật nhân tạo được trang bị một số năng lực, mang tính năng động như Hội Đồng Tối Cao và thụ động như Quốc Gia, và có thể được phân ra thành nhiều quan hệ tương tự. Việc này đương nhiên tạo ra một tỷ lệ mới, và trong tỷ lệ mới đó lại có một tỷ lệ khác nữa, cứ thế mà tiến hành theo sự sắp xếp của các cơ quan chính quyền cho đến khi ta đạt đến một số trung bình không còn có thể chia được nữa, nghĩa là đến một thủ lãnh duy nhất hay một quan chức tối cao; và cũng như trong dãy số của cấp số nhân, người này có thể được xem như là số đơn vị nằm giữa các số lẻ và số nguyên..

Chúng ta không nên tự làm cho mình bối rối với các thuật ngữ này, ta chỉ nên xem chính quyền như là một cơ cấu mới nằm trong quốc gia, khác biệt với dân chúng và Hội Đồng Tối Cao, và là một cơ quan trung gian.

Giữa hai cơ cấu này [quốc gia và chính quyền] có một sự khác biệt quan trọng, quốc gia tự mình hiện hữu, trong khi chính quyền do Hội Đồng Tối Cao tạo nên. Vậy nên ý chí thống trị của vị quân vương [người đứng đầu chính quyền] phải nên là ý chí tập thể hay là luật pháp chứ không được hơn hay kém; sức mạnh của ông ta chỉ là sức mạnh của công chúng được tập trung trong tay mình, và ngay khi nhà vua muốn đưa ra một hành động độc đoán và độc lập gì thì nút dây buộc tất cả tổng thể sẽ bắt đầu lỏng đi. Sau nữa, nếu xảy ra việc hoàng triều muốn có một ý chí riêng tư, năng động hơn ý chí của Hội Đồng Tối Cao, và sử dụng sức mạnh công cộng nằm trong tay mình để áp đặt ý chí ấy thì sẽ sinh ra hai Hội Đồng Tối Cao, một cái hợp theo luật pháp (de jure) và một theo thực tế [nhưng không hợp pháp] (de facto). Như vậy, sự liên kết xã hội sẽ biến mất ngay tức khắc, và cơ cấu chính trị sẽ bị tan rã.

Tuy nhiên, để cho cơ cấu chính quyền được hiện hữu, có một đời sống thực sự, khác biệt với cơ cấu quốc gia, và để cho các thành viên chính quyền có thể hoạt động phối hợp với nhau và thực hiện được mục đích của mình, thì cơ cấu chính quyền đó phải có một cá tính riêng biệt, một ý thức chung cho các thành viên, và một sức mạnh, cùng với một ý chí riêng biệt nhằm bảo tồn sự hiện hữu của chính mình. Sự hiện hữu riêng biệt này bao gồm quốc hội, hội đồng, quyền lực, quyền suy tính và quyết định, quyền hạn, chức vị và ngoài những đặc ân chỉ thuộc riêng cho hoàng triều, còn có những điều làm cho chức vụ quan viên được tôn kính, tương ứng với trách nhiệm nặng nề của họ. Điều khó khăn nằm ở chỗ làm thế nào để sắp xếp cơ cấu phụ này trong cơ cấu chung mà không làm hỏng cấu trúc chung khi nó tự xác định tư thế của mình, và [để cho nó] luôn luôn phân biệt được đâu là quyền lực riêng để tự bảo vệ và đâu là quyền lực công dùng để bảo vệ quốc gia. Nói ngắn gọn là [chính quyền phải] luôn luôn sẵn sàng hy sinh chính mình cho nhân dân và không bao giờ hy sinh nhân dân cho chính quyền.

Ngoài ra, tuy cơ cấu nhân tạo của chính quyền là thành quả của một cơ cấu nhân tạo khác, và tuy nó có một cuộc sống vay mượn và phụ thuộc, nhưng việc đó không ngăn cản nó hành động với ít nhiều sức mạnh và kịp thời, và có một tình trạng sức khỏe mạnh hay yếu. Sau cùng, tuy không trực tiếp xa rời mục đích mà theo đó nó đã được tạo ra, nó có thể đi chệch xa mục đích đó ít hay nhiều, tùy theo thể chế tạo ra nó.

Chính từ tất cả các khác biệt đó nảy sinh ra các quan hệ khác nhau và cần thiết giữa chính quyền và quốc gia, [và cũng đồng thời]tương ứng với các quan hệ đặc thù hoặc ngẫu nhiên mà vì đó làm cho quốc gia bị thay đổi. Nhiều khi một chính quyền tốt nhất lại trở thành một chính quyền xấu xa nhất nếu các quan hệ giữa chính quyền và nhà nước không được điều chỉnh để đáp ứng với các khiếm khuyết của cơ cấu chính trị từ đó nó sinh ra.

© Học Viện Công Dân 2007


[1] Vì vậy mà ở Venice (Ý) người ta gọi Hội Đồng (College) là Hoàng Tử Tối Cao (Most Serence Prince), ngay cả khi vị Chủ Tịch (Doge) không có mặt. (Đây là những thuật ngữ Rousseau sử dụng và khá lạ với chúng ta ngày nay).