fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 2

Chương II

Có rất nhiều khó khăn trong một cộng đồng mà mọi người đều có chung vợ con. Và các lập luận Socrates dùng không chứng minh được nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho sự thành lập một cộng đồng như vậy. Hơn thế nữa, ngay cả khi cộng đồng được xem là phương tiện để đạt tới cứu cánh là thiết lập một nhà nước, thì mô hình này cũng không thực tế, và ta không thấy ông lý giải trong bất kỳ tài liệu nào. Ở đây tôi muốn nhắc tới tiền đề trong lý luận Socrates đưa ra: “một quốc gia càng đồng nhất chừng nào thì càng tốt chừng đó.” Nhưng càng đồng nhất chừng nào thì lại không còn là quốc gia nữa. Sở dĩ như vậy vì bản chất của một quốc gia là đa nguyên, kết hợp bởi nhiều phần tử khác nhau. Để tiến tới đồng nhất thì quốc gia phải trở thành một gia đình, và từ gia đình muốn đồng nhất hơn nữa, thì phải rút lại còn cá nhân. Cho nên, dù ta có thể làm được, ta cũng không nên đạt đến sự đồng nhất như vậy, vì làm như thế tức là  phá hoại quốc gia. Cũng nên nhắc lại một quốc gia không phải chỉ là sự tập họp của nhiều người, mà là sự tập hợp của nhiều người khác nhau [in nghiêng do người dịch để nhấn mạnh], vì sự đồng dạng không tạo thành quốc gia. Một quốc gia không phải là một liên minh quân sự. Liên minh quân sự hữu dụng là nhờ ở số đông ngay cả khi không có sự khác nhau về chất lượng (vì mục đích chính là bảo vệ hỗ tương), cũng như quả cân nặng thì sẽ khiến đòn cân nghiêng nhiều hơn quả cân nhẹ, tương tự như vậy; một quốc gia khác với một bộ lạc [một bộ lạc giống như một liên minh quân sự có thể mạnh hơn vì đông người hơn, với điều kiện là không để cho dân chúng sống tản mác trong các làng mạc, nhưng quy tụ lại theo lối sống của Arcadia];[1] vì các phần tử tạo thành quốc gia là những phần tử khác nhau, như tôi đã bàn trong cuốn Đạo Đức Học, sự thịnh vượng của một quốc gia nhờ ở sự đóng góp của mỗi phần tử cho quốc gia tương đương với những gì mà mỗi phần tử nhận được từ quốc gia.

Nguyên tắc này phải được tôn trọng ngay cả đối với những người tự do và bình đẳng, vì họ không thể cai trị cùng một lúc, mà phải thay nhau mỗi người một năm, hoặc theo một cách sắp xếp nào đó. Kết quả là tất cả đều cai trị; cũng giống như khi người thợ đóng giày và người thợ mộc thay đổi nghề nghiệp với nhau, và người thợ đóng giày hay người thợ mộc không phải luôn luôn theo đuổi nghề nghiệp của mình. Kết quả của nguyên tắc này là mọi người đều cai trị, giống như người thợ đóng giày và thợ mộc đổi nghề cho nhau, và không phải lúc nào cũng cùng con người đó tiếp tục làm thợ mộc hay thợ đóng giày. Và vì như thế tốt hơn cho mọi người nên trong chính trị cũng vậy, nếu có thể được thì những người giữ chức vụ nên tiếp tục giữ nhiệm vụ này. Nhưng nếu điều này không thể thực hiện được vì mọi công dân theo nguyên tắc đều bình đẳng, và nên cùng cai trị một lúc, thì một số nào đó sau thời gian giữ chức vụ nên từ nhiệm để cho số khác lên thay.[2] Và như thế sẽ có một số người cai trị và một số bị cai trị. Tương tự như vậy, ngay cả khi cùng một số người cai trị, họ cũng phải giữ những nhiệm vụ khác nhau. Và như thế đã đủ để chứng minh là một quốc gia, từ bản chất, không thể nào đồng nhất được như một số học giả đề nghị.

Biến tất cả mọi người thành đồng nhất thay vì đem lại phúc lợi cao nhất cho quốc gia lại hóa thành tiêu diệt quốc gia. Còn có một quan điểm khác nữa mà ta cũng có thể dùng để chứng minh rằng cái chính sách quá khích biến mọi người trở nên đồng nhất như nhau không phải là một chính sách hay. Bởi vì gia đình đạt được mức độ tự túc cao hơn cá nhân, và quốc gia đạt được mức độ này cao hơn gia đình; nhưng quốc gia chỉ có thể hiện hữu nếu cộng đồng đủ rộng lớn và đa dạng để đạt tới trình độ tự túc. Do đó, nếu ta theo giả thuyết cho rằng mức độ tự túc càng cao chừng nào càng tốt chừng nấy cho sự tồn tại của một quốc gia, thì quốc gia càng đa nguyên chừng nào càng tốt chừng nấy.


[1] Arcadia là một vùng núi non hẻo lánh thuộc bán đảo Peleponesia ở Hy Lạp. Dân cư ở đây từ thời xa xưa sống bằng nghề chăn nuôi, nhàn hạ. Hiện nay Arcadia là một quận của Hy Lạp.

[2] Nguyên văn của đoạn này hơi khó hiểu, và bản dịch sang tiếng Anh dựa trên sự nhuận sắc của các học giả (ghi chú của Barker).