fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Chương III

Nhưng, giả sử rằng việc đạt được mức độ thuần nhất cao nhất sẽ đem lại cái tốt nhất cho quốc gia, thì sự thuần nhất này cũng không chứng minh được là phát xuất từ công thức “Tất cả mọi người đều có thể, cùng một lúc, gọi cái này hay người này là ‘của tôi,’ hay ‘không phải của tôi;'” một công thức mà Socrates cho là thể hiện sự thuần nhất tuyệt hảo trong một quốc gia. Vì từ ngữ “tất cả” là một từ mơ hồ. Nếu nó có nghĩa là mỗi cá nhân nói rằng ‘của tôi và ‘không phải của tôi cùng một một lúc, thì có lẽ kết quả mà Socrates mong muốn có thể đạt được ở một mức độ nào đó; thí dụ mỗi người gọi cùng một đứa trẻ là ‘con của tôi’ và cùng một người phụ nữ là ‘vợ của tôi,’ và ‘tài sản của tôi’ hay tất cả những gì thuộc về người đó. Điều này, tuy nhiên, lại không phải là cách người ta gọi vợ chung, con chung hay tài sản chung; họ sẽ gọi “tất cả” hiểu theo nghĩa tập thể, chứ không thể hiểu theo nghĩa cá thể. Do đó, hiển nhiên có một sự ngụy biện trong từ “tất cả,” hay trong từ “cả,” “chẵn,” hay “lẻ.” Những từ này đều mơ hồ, và ngay cả trong lập luận trừu tượng cũng trở thành một bài tính đố về luận lý. Nếu tất cả mọi người gọi cùng một vật là “của tôi,” hiểu theo nghĩa mỗi người là sở hữu chủ, thì ta có thể chấp nhận được, nhưng điều đó thiếu thực tế; còn nếu hiểu theo nghĩa khác (tài sản tập thể), thì sự thuần nhất này không dẫn đến sự hài hòa.

Chưa hết, đề nghị biến tất cả thành “của chung” còn gặp một khó khăn khác. Đó là, cái gì mà thuộc của chung của nhiều người, thì cái đó lại càng có ít người quan tâm bảo quản. Mọi người đều chỉ lo cho bản thân họ, và hầu như chẳng đếm xỉa gì đến lợi ích chung; còn nếu họ quan tâm đến quyền lợi chung thì cũng chỉ vì đụng chạm đến quyền lợi riêng của họ. Thêm vào đó, con người có khuynh hướng xao lãng nhiệm vụ mà họ nghĩ là sẽ có người khác chu toàn. Đó là điều ta thường thấy trong sinh hoạt gia đình: càng nhiều người thì lại càng ít hiệu quả hơn ít người.[1] Mỗi công dân sẽ có cả ngàn đứa con mà những đứa con này lại không là con của một cá nhân công dân nào hết, và như thế, chúng sẽ bị tất cả bỏ bê.

Thêm vào đó, dựa trên nguyên tắc này, mỗi người khi gọi đứa bé là “con tôi,” dù sau này nó giàu hay nghèo, cũng chỉ là cha của nó theo cái tỷ lệ một phần trên tổng số tất cả công dân. Ngay cả như vậy đi nữa người ta cũng không thể biết chắc là đứa bé có phải là con của mình hay không, vì không ai có thể nói chắc được ai là cha nó, hay là khi sinh nó ra nó có sống được hay không.[2] Nhưng ta thử xét xem đâu là cách tốt hơn; theo cách thứ nhất: mỗi người gọi một đứa bé là “con tôi” chỉ có 1 phần 2000 hay 1 phần 10000, hay là gọi nó là “con tôi” hiểu theo nghĩa thông thường? Hãy xét một thí dụ: cũng cùng một người được một người khác gọi là con, nhưng người khác lại gọi là anh em ruột của tôi hay người đó là bà con, họ hàng với tôi-qua quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân, hay chỉ là đồng bào cùng sống trong một xứ với nhau. Gọi theo đúng quan hệ là anh em bà con với nhau thì phải tốt hơn cách gọi tất cả là con như Plato đề nghị chứ! Ngoài ra cũng không có cách nào tránh được việc anh em, con cái, cha mẹ nhận ra nhau, vì con cái đều mang những nét giống nhau của cha mẹ, và họ sẽ tự động tìm ra mối quan hệ gia tộc với nhau. Các nhà nghiên cứu về địa dư tuyên bố đó là sự thực; họ nói rằng tại Miệt Trên của xứ Libya, nơi phụ nữ được coi như của chung, con cái khi sinh ra được giao cho cha của chúng căn cứ trên sự giống nhau về nhân dạng. Thật thế, có một số phụ nữ, giống như một số động vật cái khác, như lừa cái hay bò cái, có khuynh hướng tự nhiên rất mạnh là đẻ ra con có hình dáng giống như người cha. Con lừa cái xứ Pharsalia, còn được gọi là con lừa Chân Thật, là một thí dụ điển hình, vì đẻ ra lừa con giống hệt như con thú cha.


[1] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Cha chung không ai khóc.”

[2] Theo cách sắp xếp của Plato đề nghị trong Cộng Hòa Luận, những cuộc hôn nhân tạm thời đều được nhà cầm quyền giữ bí mật triệt để. Trẻ con sinh ra được giao cho viên chức chính quyền nuôi dưỡng, nếu đứa bé khỏe mạnh, nếu không thì để cho nó chết [Ghi chú của Barker].