Chương II
Trong phần thảo luận về các mô hình chính quyền, ta thấy có ba mô hình đúng đắn: quân chủ, quý tộc và chính quyền theo hiến pháp, và ba mô hình hủ bại-bạo chúa, quả đầu, và dân chủ. Ta đã bàn về chế độ quân chủ và quý tộc rồi, bởi lẽ nghiên cứu về một nhà nước toàn hảo thì cũng giống như khi ta bàn về hai chế độ này, tức là những chế độ vừa có nguyên tắc đạo đức và điều kiện vật chất đầy đủ để thiết lập chế độ. Ta cũng đã bàn về sự khác nhau giữa hai chế độ quý tộc và quân chủ và khi nào thì nên thiết lập chế độ quân chủ. Trong phần dưới đây ta sẽ xem xét cái-gọi-là chính quyền theo hiến pháp gồm cả những chế độ đúng đắn và hủ bại như bạo chúa, quả đầu, và dân chủ.
Ta thấy hiển nhiên trong ba chế độ hủ bại thì chế độ nào là tồi tệ nhất, và chế độ nào đỡ hơn một chút. Chế độ tồi tệ nhất chắc chắn phải là một chế độ đã bị hủ bại làm mất đi tính chất cao quý gần như thiêng liêng của nó là chế độ quân chủ. Chế độ quân chủ, không phải chỉ có cái tên, nhưng được tạo nên bởi đức độ cao quý của vị vua sáng lập ra triều đại. Như thế, chế độ bạo chúa phải là chế độ tệ hại nhất; kế đến là chế độ quả đầu thoái hóa từ chế độ quý tộc, và chế độ dân chủ là chế độ tốt hơn hai chế độ vừa kể.
Một tác giả tiền bối[1] đã phân biệt thật rõ ràng sự khác biệt giữa các chế độ này, nhưng dựa trên quan điểm khác với tôi. Ông lập luận rằng tất cả khi mọi thể chế đều tốt (kể cả chế độ quả đầu và các chế độ khác), thì chế độ dân chủ là chế độ xấu nhất (trong các chế độ tốt), nhưng khi mọi chế độ đều xấu hết, thì chế độ dân chủ là chế độ tốt nhất (trong các chế độ xấu). Nhưng ta phải nhận rằng trong trường hợp các chế độ hủ bại, một chế độ quả đầu không thể được xem là tốt hơn một chế độ quả đầu khác, mà chỉ có đỡ xấu xa hơn.
Ta có thể ngừng cuộc thảo luận về vấn đề này tại đây và bắt đầu xét xem thứ nhất, có bao nhiêu loại hiến pháp khác nhau (vì ngay cả dân chủ và quả đầu cũng có nhiều loại khác nhau); thứ hai, loại hiến pháp nào, không kể mô hình lý tưởng, được đa số chấp nhận nhất, và ngoài loại này ra còn có cơ cấu chính trị nào khác mang tính chất quý tộc nhưng được thiết lập khéo léo và được nhiều nước áp dụng; thứ ba, cơ cấu chính trị nào thích hợp nhất cho loại dân nào: ta thấy chế độ dân chủ có thể thích hợp cho một thành phần dân chúng nào đó hơn là chế độ quả đầu, và ngược lại. Thứ tư, ta cũng phải nghiên cứu xem những người muốn thiết lập chế độ này hay chế độ khác dùng những phương cách như thế nào. Và sau cùng, sau khi đã thảo luận rốt ráo vấn đề trên, ta sẽ bàn đến vấn đề then chốt là các chế độ chính trị nói chung, và các loại khác nhau nói riêng, được bảo tồn và bị diệt vong như thế nào, cùng với những nguyên nhân tạo ra các kết quả đó.
[1] Tác giả này chính là Plato, thầy của Aristotle.