fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Cá Tính Là Một Trong Những Yếu Tố Của Phúc lợi

 

Ta vừa thấy các lý do tại sao con người cần phải có tự do để tạo nên những quan điểm của mình và diễn đạt chúng một cách không giới hạn; ta cũng đã thấy rằng, nếu tự do không được thừa nhận, hay nếu ta không tranh đấu, đòi hỏi nó dù bị cấm đoán, thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại cho tâm trí và qua đó ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức tự nhiên của con người. Kế đến, ta hãy xét xem, có phải chính những lý do đó đã quy định rằng, con người phải được tự do hành động dựa theo quan điểm của mình – nghĩa là được tự do áp dụng những quan điểm ấy vào đời sống mà đồng loại không có quyền ngăn cấm, cả về mặt thể chất lẫn đạo đức, miễn là họ chịu trách nhiệm về những hành động đó. Điều kiện cuối cùng này đương nhiên là cần thiết. Không ai giả thiết rằng, hành động phải được tự do như quan điểm. Trái lại, ngay các quan điểm cũng bị kết án khi chúng được đưa ra trong những hoàn cảnh có vẻ như xúi giục một hành động tai hại nào đó. Quan điểm cho rằng, các nhà buôn bán bắp là những kẻ gây đói cho người nghèo, hay tài sản tư hữu là các vật đánh cắp của người khác có thể không bị kết án khi chúng được phổ biến trên báo chí; nhưng các quan điểm đó xứng đáng bị trừng phạt nếu ta phát biểu chúng trước mặt một đám đông giận dữ tụ họp trước một cửa hàng buôn bán ngũ cốc, hay nếu ta cầm những tấm biểu ngữ viết những điều ấy trước đám đông. Bất cứ hành động nào, nếu không có lý do hợp lý mà làm hại đến người khác, thì có thể bị kiểm soát, và trong những trường hợp trầm trọng nhất, thì phải bị kiểm soát – bởi sự bất bình của dư luận – hay nếu cần, bởi một sự can thiệp tích cực của công chúng. Tự do của mỗi cá nhân phải được hạn chế trong giới hạn này: người đó không có quyền làm hại kẻ khác. Và khi ta không làm hại đến kẻ khác và làm những gì chỉ liên hệ đến ta, theo những sở thích và phán đoán của ta, thì những lý lẽ cho rằng quan điểm phải được tự do cũng chứng minh rằng, ta có quyền tự do thực hành các quan điểm của ta mà không sợ bị trừng phạt. Rằng, con người không bao giờ không bị lầm lẫn; rằng, phần lớn các sự thật chỉ là những sự thật nửa vời; rằng, ta không nên mong muốn có sự đồng nhất về quan điểm trừ khi có một sự so sánh toàn diện và tự do nhất với các quan điểm đối kháng; và rằng, sự đa dạng về quan điểm không phải là một điều tai hại mà là một điều tốt đẹp cho đến khi nhân loại có khả năng hơn để chấp nhận tất cả các mặt của sự thật: đó là những nguyên tắc được áp dụng cho các phương thức hành động của con người cũng như cho các quan điểm của họ. Chừng nào mà nhân loại chưa được toàn thiện thì ta có lợi khi có những quan điểm khác nhau; cũng vậy, có những lối sống khác nhau là một việc tốt; ta nên để cho các cá tính khác nhau có nhiều tự do, miễn là không làm hại đến ai; và mỗi người nên có cơ hội để đánh giá các phương thức sống khác nhau khi sẵn sàng làm việc đó. Tóm lại, mỗi cá nhân nên khẳng định con người của mình trong tất cả các lãnh vực không trực tiếp liên hệ đến những người khác. Ở chỗ nào mà phong tục tập quán của người khác quy định lề lối cư xử chứ không phải do chính cá tính của chúng ta, thì ta đã bỏ sót một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên hạnh phúc của con người, và cũng là yếu tố chính, cần thiết cho sự tiến bộ của cá nhân và xã hội.

Khi ta muốn bảo vệ nguyên tắc này, điều khó khăn lớn nhất không phải ở chỗ thẩm định các phương cách dẫn đến mục đích đã được công nhận, nhưng là ở sự hờ hững chung của mọi người đối với chính mục đích đó. Nếu ta xem sự phát triển tự do của cá tính như là một trong những điều thiết yếu cho phúc lợi; nếu ta xem nó không những như là một yếu tố phụ thuộc của tất cả những gì được gọi là văn minh, truyền bá kiến thức, giáo dục và văn hoá mà như là một yếu tố và một điều kiện cần thiết cho tất cả những thứ nói trên, thì không có nguy hiểm rằng sự tự do bị đánh giá thấp, và ta không gặp khó khăn lớn lao khi phân ranh giữa tự do và sự kiểm soát của xã hội. Nhưng sự tai hại là các lối suy nghĩ thông thường hiếm khi nhìn nhận các giá trị về bản chất và tính đặc thù của tính tự phát cá nhân. Đa số dân chúng, thỏa mãn với các phong tục lề thói đang có (bởi họ đã tạo ra chúng như vậy), không hiểu được tại sao các phong tục lề thói ấy lại không đủ tốt cho tất cả mọi người; và ngoài ra, tính tự phát không có trong lý tưởng của phần lớn các nhà cải cách đạo đức và xã hội: họ nhìn tính tự phát ấy với lòng đố kỵ, xem nó như là một chướng ngại gây rắc rối, cản trở việc mọi người chấp nhận những gì mà theo lối suy nghĩ của họ, là những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại. Ở ngoài nước Đức, hiếm có người hiểu được các thuyết mà nhà bác học và chính trị gia Wilhelm von Humboldt dùng làm đề tài cho luận án của ông: “Cứu cánh của con người, cái được đưa ra bởi những đòi hỏi bất diệt và bất biến của lý trí chứ không phải cái được gợi ra bởi những thèm muốn, khát khao nhất thời và mơ hồ, là sự phát triển cao cả nhất và hài hòa nhất của tất cả các năng lực nơi con người nhằm đến một tổng thể toàn vẹn và chặt chẽ;” vậy nên cái mục đích “mà tất cả mọi người phải luôn luôn cố gắng vươn tới – đặc biệt là những người có kỳ vọng gieo ảnh hưởng trên những người khác – là cá tính của năng lực và của sự phát triển.” Muốn đạt đến mục đích đó, ta phải có hai điều kiện: “sự tự do và sự đa dạng về tình huống.” Từ sự kết hợp của hai thứ ấy, nẩy sinh ra “sức mạnh cá nhân và sự đa dạng phong phú,” để rồi hai thứ cuối cùng này phối hợp lại tạo nên “sự sáng tạo độc đáo.”[1]

Tuy nhiên, dân chúng ít quen biết một thuyết như học thuyết của Von Humboldt, và họ ngạc nhiên khi nhận thấy thuyết này đặt cao giá trị của cá tính; và ta nên thẩm định giá trị của thuyết ấy. Không ai cho rằng, lề lối cư xử là hoàn hảo khi mọi người không làm gì khác ngoài việc cần bắt chước nhau. Cũng không ai cho rằng, sự phán đoán hay cá tính riêng biệt của một người không có giá trị gì cả trong cách sống hay cách lo lắng cho quyền lợi của mình. Mặt khác, thật lố bịch nếu ta cho rằng, con người phải sống như không biết gì hết về thế giới đã có trước khi ta được sinh ra, cũng như cho là kinh nghiệm chưa bao giờ dạy cho ta thấy lối sống này tốt hơn lối sống kia. Không ai chối bỏ rằng, con người phải được dạy dỗ và huấn luyện từ khi còn trẻ để có thể biết và thụ hưởng những kết quả của kinh nghiệm từ nhân loại. Nhưng, khi các khả năng của con người đã trưởng thành, đã chín muồi, thì sự sử dụng kinh nghiệm và sự rút tỉa kinh nghiệm theo cách của mỗi người là một đặc quyền và đặc tính của người đó. Con người phải tự mình phát hiện ra trong kinh nghiệm được truyền lại những gì có thể áp dụng cho hoàn cảnh và cá tính của mình. Những truyền thống và phong tục của người khác, đến một mức nào đó, là chứng cớ của những gì mà kinh nghiệm đã dạy họ, những chứng cớ hiển nhìên đáng được ta tôn trọng. Nhưng trước hết, kinh nghiệm của họ có thể quá hẹp hòi, hay có thể sai lầm vì không hiểu một cách thấu đáo; thứ đến, sự rút tỉa đó có thể đúng nhưng lại không thích hợp với chính ta. Phong tục được tạo ra cho một đời sống và một cá tính bình thường, nhưng con người có thể có những hoàn cảnh và cá tính phi thường. Thứ ba, ngay cả khi phong tục được xem là tốt và thích nghi với một cá nhân, việc thích nghi với phong tục – giản dị chỉ vì là phong tục – không giáo dục con người đó và không làm phát triển những đức tính được xem như là tài năng riêng biệt của một người. Các khả năng của con người về nhận thức, phán đoán, phân tích, sinh hoạt tri thức và ngay cả về mặt đạo đức chỉ được rèn luyện khi có sự lựa chọn. Kẻ nào chỉ hành động thuần theo phong tục thì không làm một sự lựa chọn nào. Người đó không học được lề lối, cách phân biệt xem cái gì là tốt nhất, hay ham muốn cái gì tốt nhất. Sức mạnh tri thức và sức mạnh tinh thần cũng như sức mạnh thể chất chỉ trở nên tốt hơn khi được rèn luyện. Ta không rèn luyện các khả năng của ta khi làm một việc gì hay tin vào một cái gì chỉ vì có những người khác đã làm hay đã tin vào việc đó. Nếu một người chấp nhận một quan điểm mà không có lý lẽ vững chắc thì lý trí của người đó không những không mạnh thêm mà còn suy yếu đi; và nếu các lý do dẫn đến một hành động (hành động này không liên hệ gì đến tình cảm hay quyền lợi của người khác) không thích ứng với các cảm xúc hay cá tính của người đó thì các cảm xúc và cá tính đó sẽ bị trì trệ và mê muội thay vì sôi động và đầy sinh lực.

Kẻ nào để cho thế giới hay phần thế giới của riêng mình lựa chọn kế hoạch đời sống của mình, kẻ đó chỉ cần đến các khả năng bắt chước của loài khỉ. Người nào chính mình lựa chọn lối sống cho mình, ắt sử dụng tất cả các khả năng của mình. Người ấy phải sử dụng óc quan sát để thấy, lý luận và sự phán đoán để dự kiến, hành động để thu lượm dữ kiện cần thiết cho việc quyết định, óc phán đoán để quyết định, một quyết định lớn lao, và một khi đã quyết định thì phải cương quyết và tự chủ để giữ vững quyết định của mình. Người ấy phải có những đức tính đó và phải sử dụng chúng trong lề lối cư xử mà anh ta quy định dựa theo sự phán đoán và các tình cảm riêng biệt của mình. Cũng có thể có người được hướng dẫn đi theo con đường tốt và tránh được những ảnh hưởng xấu mà lại thiếu những đức tính nói trên, nhưng trên bình diện một con người, giá trị tương đối của anh ta là gì? Cái thật sự quan trọng không phải chỉ là con người làm gì, mà người đó là hạng người nào khi làm việc ấy. Trong tất cả các tác phẩm của nhân loại mà đời sống luôn cố gắng làm cho tốt hơn, đẹp hơn, tác phẩm quan trọng nhất chính là con người. Giả sử ta có những máy móc – những con rôbô dưới dạng người – để xây dựng nhà cửa, trồng trọt lúa mì, chiến đấu trên trận mạc, xử những vụ kiện tụng, thiết kế nhà thờ và đọc kinh, thì vẫn là một mất mát lớn lao nếu ta trao đổi các máy móc ấy bằng những con người đang sinh sống trên những vùng đất văn minh nhất của thế giới, vì chúng chỉ là những mẫu người nghèo nàn mà thiên nhiên có thể tạo nên và sẽ tạo nên. Con người không phải là một bộ máy được chế tạo dựa trên một khuôn mẫu và được xếp đặt để chỉ làm một công việc được dự tính; con người là một loài cây cần phải tự tăng trưởng và phát triển trong mọi khía cạnh dựa theo các xu hướng của sức mạnh nội tại, những sức mạnh làm cho nó là một sinh vật.

Ta chắc cũng nên thừa nhận rằng, con người nên sử dụng óc suy xét của mình và tuân theo phong tục một cách thông minhhoặc ngay cả đôi khi né tránh phong tục một cách thông minh, làm như vậy tốt hơn là nhắm mắt theo phong tục một cách mù quáng và máy móc. Cho đến một mức nào đó, người ta cho rằng, trí thông minh là một vật sở hữu riêng của chúng ta; nhưng người ta không sẵn sàng chấp nhận các ham muốn và các thôi thúc bộc phát cũng như vậy; hoặc giả rằng, nếu ta có những thôi thúc riêng tư và mãnh liệt đến thế nào chăng nữa, thì đó không có gì khác hơn là những mối nguy hiểm và những cạm bẫy. Tuy nhiên các ham muốn và thôi thúc là những phần tử của một con người toàn thiện, cũng như các niềm tin và các sự kiềm chế: các thôi thúc mãnh liệt chỉ trở nên nguy hiểm khi chúng không đưọc giữ ở mức cân bằng; khi mà một số mục tiêu và sở thích phát triển một cách mạnh mẽ trong lúc những mục tiêu và sở thích khác, thay vì hoà mình với nhau, thì vẫn ở trong tình trạng yếu kém và ít hoạt động. Không phải vì các ham muốn của con người mạnh mà chúng phát tiết ra một cách xấu xa; đó bởi vì lương tâm của con người yếu kém. Không có sự liên hệ tự nhiên nào giữa các thôi thúc mãnh liệt và lương tâm yếu kém. Sự liên hệ tự nhiên đi theo chiều hướng ngược lại. Nói rằng, những ham muốn và những cảm xúc của một con người mạnh mẽ hơn những ham muốn và những cảm xúc của một người khác có nghĩa rằng, bản chất con người đó thô sơ hơn; và cũng có nghĩa rằng, nếu con người đó có khả năng làm nhiều điều xấu hơn thì cũng có khả năng làm nhiều điều tốt hơn. Những thôi thúc mãnh liệt giản dị chỉ là một cái tên khác của nghị lực. Nghị lực có thể được sử dụng để thực hiện những điều xấu, nhưng một con người đầy nghị lực có thể làm nhiều điều tốt hơn là một con người yếu đuối và bạc nhược. Những con người có nhiều cảm xúc tự nhiên nhất cũng là những con người có khả năng bồi dưỡng cho các cảm xúc của mình trở nên mạnh mẽ nhất. Cũng những tính nhạy cảm mạnh mẽ ấy tạo nên những thôi thúc sinh động và mãnh liệt, nguồn gốc của sự yêu mến đức hạnh và sự tự chủ nghiêm khắc nhất. Chính qua sự bồi dưỡng của hai đức tính đó mà xã hội thi hành bổn phận và bảo vệ quyền lợi của mình, chứ không phải bằng cách loại bỏ các chất liệu tạo nên những anh hùng, bởi vì xã hội không biết cách tạo nên những con người đó. Một con người có cá tính là một con nguời có những ham muốn và những thôi thúc riêng tư của mình: những ham muốn và thôi thúc ấy là những biểu hiện của chính bản chất của người đó vì chúng đã được phát triển và sửa đổi bởi sự trau dồi, tu dưỡng bản thân. Một con người không có những ham muốn, những thôi thúc của riêng mình thì không có cá tính, chẳng khác gì một cái máy chạy hơi nước. Nếu một người nào có những thôi thúc riêng tư mạnh mẽ và một ý chí kiên quyết thì người đó có một cá tính đầy nghị lực. Ai nghĩ rằng, ta không nên khuyến khích sự phát triển các ham muốn và các thôi thúc riêng tư thì đó là có ý cho rằng, xã hội không cần đến những con người có cá tính mạnh mẽ; rằng, xã hội không tốt hơn khi có nhiều người với nhiều cá tính; và rằng, xã hội không kỳ vọng một mức độ trung bình tổng quát cao về nghị lực.

Trong vài giai đoạn phôi thai của xã hội, các sức mạnh ấy có thể đã phát triển quá mức và xã hội không đủ mạnh để kiềm chế chúng. Có một thời kỳ, yếu tố tự phát cá tính quá nhiều, và nguyên tắc của xã hội phải chật vật đương đầu với chúng. Việc khó khăn vào lúc đó là làm sao cho những con người có thể chất và tinh thần mạnh mẽ tuân theo luật lệ hầu có thể kềm chế các thôi thúc của họ. Cũng giống như trường hợp của các vị Giáo Hoàng khi tranh đấu với các Hoàng Đế; để vượt qua khó khăn, luật pháp và kỷ luật, các Ngài áp đặt sức mạnh của mình trên toàn diện con người với chủ ý muốn kiểm soát toàn bộ đời sống của họ hầu kiềm chế cá tính của họ – một việc mà xã hội chưa có cách nào thực hiện được. Nhưng nay thì xã hội đã thấy được cá tính con người; và mối nguy hiểm đang đe dọa bản chất con người không còn là sự dư dả mà là sự thiếu hụt của các thôi thúc và ý thích cá nhân. Mọi việc đã thay đổi nhiều từ khi những cảm xúc say mê của những người có địa vị cao cả hay có nhiều tài năng cá nhân luôn luôn nổi dậy chống đối với luật lệ và sắc lệnh, và đòi hỏi chúng phải được kềm chế chặt chẽ để cho những người sống chung quanh họ được hưởng chút an toàn. Trong thời đại chúng ta, từ tầng lớp xã hội cao nhất đến tầng lớp xã hội thấp nhất, mọi người đều phải sống dưới con mắt của một chế độ kiểm duyệt thù nghịch và đáng sợ. Không những đối với các việc liên hệ đến kẻ khác mà ngay cả những việc liên quan đến chính cá nhân mình, người ta không bao giờ tự hỏi: “tôi thích cái gì?” hay “cái gì thích hợp với cá tính, với các khuynh hướng của tôi?” hoặc là “cái gì có thể giúp sự tốt đẹp và cao cả nhất ở con người tôi được phát triển và tăng trưởng một cách tự do?” Nhưng trái lại, họ tự hỏi: “cái gì thích hợp cho địa vị của tôi?” Hay là “thường thường, những người ở địa vị và tình trạng tài chánh như tôi sẽ làm gì?”, và tệ hại hơn hết “thường thường, những người có địa vị cao hơn tôi và giàu có hơn tôi sẽ làm gì?”. Tôi không muốn nói rằng, họ lựa chọn cái thông thường thay vì cái gì thích hợp với các sở thích của họ. Họ không bao giờ nghĩ rằng, họ có thể có bất kỳ sở thích nào ngoại trừ những sở thích bình thường. Vậy cho nên trí tuệ của họ bị khuất phục dưới một cái ách; ngay cả khi họ làm một việc gì thích thú, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là một cái gì phù hợp với sở thích của đám đông; họ thích thú được hòa hợp với đám đông; họ chọn lựa những điều mọi người cùng làm; như là người ta tránh né tội ác, họ tránh mọi dị biệt về thị hiếu, mọi lập dị về cách cư xử; do bởi họ không hành động theo bản chất tự nhiên của con người, họ không còn bản chất tự nhiên nào để theo nữa: các khả năng của họ mòn mỏi và khô héo đi; họ không còn khả năng có những mong ước mạnh mẽ hay những sở thích tự phát nữa; và nói chung, họ không còn có những quan điểm hay cảm xúc do chính mình tạo nên hay thực sự riêng rẽ của họ. Bây giờ, đó có phải hay là không phải cái thân phận con người mà ta mong muốn?

Đó là thuyết của Calvin. Theo thuyết này, tội lỗi lớn nhất của loài người là có Ý Chí Riêng Tư. Tất cả những việc tốt mà nhân loại có thể làm được nằm trong sự Vâng Lời. Con người không có sự lựa chọn: ta phải làm như vầy, không có cách nào khác hơn; “cái gì không phải bổn phận là một tội lỗi.” Vì bản chất con người hoàn toàn thối nát, nên kẻ nào không giết bỏ bản chất của mình, kẻ đó không đáng được cứu rỗi. Đối với người nào chấp nhận một thuyết về đời sống như vậy, việc diệt tan mọi tài năng, mọi khả năng, mọi cảm xúc không phải là một việc xấu; con người không cần đến một khả năng nào cả ngoại trừ khả năng hiến dâng mình cho ý muốn của Thiên Chúa; và nếu con người sử dụng những khả năng của mình cho một mục tiêu nào khác việc thi hành ý chí của Ngài một cách có hiệu quả hơn, thì tốt hơn là không nên có khả năng đó. Đấy là thuyết của Calvin; và một số đông những kẻ không cho mình là tín đồ của Calvin đưa ra một nhận định ôn hoà hơn về thuyết ấy: họ giải thích ý muốn của Thiên Chúa một cách ít khắt khe hơn, nói rằng, con người có thể thỏa mãn một số sở thích, nhưng không phải theo phương cách của mình mà phải tuân theo phương cách do một giới thần quyền đưa ra, một phương cách duy nhất dựa theo những điều đuợc áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người.

Dưới hình thức này hay hình thức kia, nay người ta có khuynh hướng thiên về thuyết hẹp hòi trong đời sống và cá tính con người nhỏ nhen, cố chấp. Chắc chắn một số đông người thành thật tin tưởng rằng, nếu có những người bị gò bó, còi cọc, thì đó là vì Tạo Hóa muốn như vậy; việc này cũng như nhiều người cho rằng, cây cối đẹp đẽ hơn nếu ta cắt ngọn của chúng hay tỉa chúng thành hình dáng những con thú thay vì để chúng ở tình trạng tự nhiên. Nhưng nếu có phần nào trong tôn giáo cho ta tin rằng, con người được tạo nên bởi một Đấng Toàn Thiện, thì ta cũng có thể tin rằng Đấng Toàn Thiện đã cho con người những khả năng để được nuôi dưỡng và phát triển thêm chứ không phải để cho ta bứng bỏ và tiêu diệt chúng; và Ngài sẽ vui mừng khi con người tiến thêm một bước đến gần khái niệm lý tưởng đã được gieo rắc nơi họ, mỗi khi họ gia tăng khả năng hiểu biết, khả năng hành động hay khả năng thụ hưởng. Có một mẫu người toàn thiện khác với mẫu người của Calvin: con người không nhận bản chất của mình chỉ để loại bỏ nó. “Sự tự xác nhận theo quan niệm tà giáo” là một trong những yếu tố của con người, cũng như “Sự tự chối bỏ theo quan niệm Cơ Đốc giáo.”[2] Có một lý tưởng Hy Lạp về sự tự phát triển cá nhân, trong đó lý tưởng của Platon và của Cơ Đốc giáo về sự tự quản hòa chung với nó nhưng không thay thế nó. Là một John Knox có thể tốt hơn là một Alcibiades,[3]nhưng là một Pericles[4] thì tốt hơn cả hai nhân vật trên; nhưng, nếu ngày nay ta có một Pericles, chắc chắn ông này không thiếu sót một đức tính nào của John Knox.

Con người không trở nên cao cả và đẹp đẽ hơn bằng cách làm tiêu hao tất cả những gì có tính cách cá nhân trong con người của mình, nhưng bằng cách nuôi dưỡng và phát triển chúng trong những giới hạn ấn định bởi quyền lợi và lợi ích của những người khác; và cũng như những tác phẩm biểu hiện cá tính của người làm ra nó, đời sống con người cũng như vậy mà trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn, sinh động hơn, và có khả năng cung cấp nhiều chất liệu nuôi dưỡng những tư tưởng và cảm xúc cao cả; nó lại còn củng cố mối liên lạc giữa các cá nhân và nòi giống, và làm gia tăng giá trị của sự ràng buộc này đối với nòi giống. Song song với sự phát triển cá tính của mình, con người tự nhận thấy mình có giá trị cho chính mình hơn, và như vậy cũng tăng giá trị đối với những người khác. Lúc ấy, ta cảm thấy đời sống trọn vẹn hơn; và khi những cá nhân có nhiều sức sống hơn, thì kết quả là cái khối tập hợp những cá nhân ấy cũng có nhiều sức sống hơn. Ta không thể tránh được việc kiềm chế các cá nhân mạnh mẽ để họ không vi phạm đến quyền lợi của người khác; nhưng, trong việc này, ta có thể có nhiều sự đền bù, ngay cả trong khía cạnh phát triển con người. Khi một cá nhân mất đi những phương tiện để tự phát triển vì đã phải từ chối việc thỏa mãn các sở thích có thể làm nguy hại kẻ khác, bù lại, cá nhân ấy có thể đạt được các phương tiện mất đi từ sự phát triển của người khác. Và chính cá nhân ấy đã tìm thấy một sự đền bù trong việc đó, bởi vì sự kiềm chế lòng ích kỷ đã cùng lúc giúp cho sự phát triển tốt đẹp của khía cạnh xã hội trong bản chất con người. Khi ta bị bắt buộc tuân theo những luật lệ khắc khe của công lý vì lợi ích của kẻ khác, thì việc này giúp cho sự phát triển các cảm xúc và khả năng nhằm phục vụ lợi ích tha nhân. Nhưng nếu sự kiềm chế đó được thực hiện không phải vì lợi ích của người khác mà chỉ để tránh cho họ khỏi bị bất mãn, thì ta không gây được một sự phát triển tốt đẹp nào mà trái lại, ta sẽ tạo ra khả năng chống đối với sự kiềm chế. Và nếu ta chấp nhận sự kiềm chế đó, thì kết quả là ta sẽ có một con người với cá tính mòn mỏi, bệ rạc. Để cho mỗi con người có cơ hội sống theo bản chất tự nhiên của mình thì mỗi người phải được sống theo lối sống riêng biệt cuả họ. Thời đại nào đã để cho con người được sống như vậy thì thời đại đó đáng được hậu thế ghi nhớ. Ngay cả các chế độ độc tài chuyên chế cũng không gây ra những hậu quả tai hại nhất chừng nào mà Cá Tính của con người còn hiện diện; và tất cả những gì đàn áp Cá Tính là một sự độc tài, dù cho nó mang tên gì đi nữa, dù nó rêu rao là thi hành ý muốn của Thiên Chúa hay là các huấn lệnh của con người.

Sau khi đã nói rằng, Cá Tính và sự phát triển là một, và rằng, chỉ có sự nuôi dưỡng Cá Tính mới tạo nên, hay có thể tạo nên con người có phát triển tốt, tôi thấy có thể chấm dứt cuộc tranh luận nơi đây; thật vậy, vì còn gì để nói hay để nói tốt hơn về bất cứ tình trạng nào của con người ngoài việc giúp họ tiến gần đến mức độ toàn thiện nhất? Hoặc còn gì tệ hại hơn khi có chướng ngại vật ngăn chận sự tiến bộ? Tuy nhiên, chắc chắn là những suy nghĩ này không đủ để thuyết phục những ai cần phải được thuyết phục nhất; và ngoài ra, cũng cần phải cho thấy rằng, những con người phát triển có thể đem một số lợi ích cho những người kém phát triển. Và ta phải vạch rõ cho những kẻ không muốn có tự do và không màng đến tự do rằng, họ có thể được tưởng thưởng khi họ để cho những người khác sử dụng tự do mà không gặp trở ngại nào.

Trước hết, tôi muốn gợi ý cho những người ấy biết rằng, họ có thể học hỏi một cái gì đó ở những người yêu mến tự do. Ta không thể chối cãi rằng, tính cách độc đáo là một yếu tố quý giá trong công việc của nhân loại. Ta luôn luôn cần đến những con người độc đáo, không những để khám phá ra những sự thật mới mà còn chỉ cho chúng ta biết những sự thật bây giờ không còn là sự thật nữa; những con người ấy còn bắt tay vào việc thực hiện những lề lối mới, và họ là những mẫu mực nêu gương cho một cách cư xử minh bạch hơn, một khiếu thẩm mỹ, một ý thức tốt đẹp hơn trong đời sống. Sự kiện này không thể bị phản bác bởi bất cứ kẻ nào không tin tưởng rằng, thế giới đã đạt đến một mức toàn thiện trong tất cả mọi phương cách và lề lối thực hành. Thật ra, không phải bất cứ ai cũng có thể tiếp tay làm việc này: chỉ có một số ít người, so với toàn thể nhân loại, đã thử làm những việc có khả năng cải thiện các lề lối thực hành sẵn có, nếu những người khác chấp thuận việc làm ấy. Nhưng, những con người hiếm có ấy là tinh hoa của xã hội; không có họ thì đời sống sẽ trở thành ao tù nước đọng.Chẳng những họ là những con người đã đưa ra những gì tốt ta chưa được biết từ trước đến nay, mà lại còn là những người giữ gìn những cái tốt sẵn có. Nếu không còn gì mới mẻ để làm nữa thì không còn cần đến trí tuệ con người nữa hay sao? Có lý do nào mà những người làm việc theo lề lối cũ lại quên, không biết tại sao họ làm như vậy hay là làm như con vật chứ không phải như những con người? Trong những sự tin tưởng và lề lối thực hành, có một khuynh hướng lớn lao muốn thoái hoá trở thành máy móc; và nếu không có sự xuất hiện liên tục của một số người mà bản tính độc đáo luôn luôn hiện hữu đã ngăn trở không cho các sự tin tưởng và lề lối thực hành ấy rơi vào lối mòn cũ, thì một sự kiện như vậy sẽ không thể nào đứng vững được trước một cú sốc nhỏ nhất gây ra bởi một cái gì thật sự sống động, và không có lý do gì mà nền văn minh lại không bị tiêu diệt như đã xảy ra với Đế quốc Byzantine.[5]Sự thật, những thiên tài luôn luôn là thiểu số; nhưng muốn có họ, ta cần giữ gìn miếng đất, để trên đó, họ nẩy nở; thiên tài chỉ có thể sinh sống thoải mái trong một bầu không khí tự do. Các thiên tài, theo định nghĩa của từ này (ex vi termini), mang tính cách cá nhân nhiều hơn ai hết; và vì vậy, họ khó có thể bị ép vào một cái khuôn mà không bị thương tích – cái khuôn mà xã hội dành cho các thành viên của mình để những người này khỏi phải tốn công tự tạo cho mình một cá tính riêng biệt. Nếu vì nhút nhát mà các thiên tài đồng ý để bị ép vào một trong những cái khuôn ấy và để cho phần bị ép vào khuôn héo mòn đi, thì xã hội sẽ không được hưởng gì từ các thiên tài này. Nhưng ngược lại, nếu họ có cá tính mạnh mẽ và bẻ gảy xiềng xích trói buộc mình, họ sẽ trở thành một tấm bia cho xã hội chỉ trích. Lúc đó, xã hội, vì đã thất bại trong mục đích biến các thiên tài thành những con người tầm thường, sẽ trỏ ngón tay vào họ và gọi họ là những “tên man rợ,” là“những tên thất thường,” hay là nhiều tên khác nữa. Việc này cũng như có người than phiền rằng, nước sông Niagara không chảy êm đềm như nước giữa hai bên bờ con kênh tại Hà Lan.

Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiên tài và về sự cần thiết để cho nó tự do phát triển trong tư tưởng lẫn trong đời sống. Tôi biết rằng, không phải ai cũng phản đối việc này trên mặt lý thuyết; nhưng thật ra, trên thực tế, gần như hầu hết dân chúng có một thái độ hờ hững. Người ta cho rằng, thiên tài là cái gì tốt khi nó giúp cho một người làm một bài thơ nóng bỏng hoặc vẽ một bức tranh. Thiên tài, theo đúng nghĩa, là một sự đặc biệt trong tư tưởng và hành động, dù không ai nói rằng, việc đó không đáng được chiêm ngưỡng; nhưng, trong thâm tâm những người ấy, hầu hết họ cho rằng, ta chẳng cần đến thiên tài.Không may, quan niệm này quá tự nhiên để làm cho người ta thắc mắc. Nếu có cái gì mà những đầu óc bình thường thấy không cần đến, thì đó là tính cách độc đáo; và thật ra, làm sao mà họ thấy được điều ấy? Nếu họ có thể thấy được, thì đâu còn là tính cách độc đáo nữa. Việc thứ nhất mà tính cách độc đáo có thể giúp đỡ họ là nó giúp họ mở mắt ra: chỉ sau đó, họ mới có cơ hội để trở nên độc đáo. Nhưng, trong khi chờ đợi, họ phải nhớ rằng, không có việc gì mà không có người phải đi tiên phong, và rằng, tất cả những gì tốt đẹp hiện có là kết quả của tính cách độc đáo; vậy, họ cũng nên có một chút khiêm nhường để tin rằng, tính cách độc đáo còn có rất nhiều việc để hoàn thành và để nhận thức rằng, họ càng ít cảm thấy cần đến tính cách độc đáo, thì nó lại càng cần thiết cho họ.

Thật ra, dù ta tỏ cách thán phục bằng lối nào chăng nữa đối với tính cách ưu việt của trí tuệ – ưu việt thật hay giả – khuynh hướng chung trên thế giới là trả lại sự tầm thường về ưu thế tổ tiên trong nhân loại. Trong lịch sử thời cổ, thời kỳ Trung Cổ và trên một mức độ ít hơn trong thời gian chuyển tiếp từ thời kỳ Phong Kiến đến nay, cá nhân con người tự nó là một sức mạnh; và nếu một cá nhân có nhiều tài ba hay một địa vị cao cả trong xã hội, người đó có một quyền lực rất lớn. Nay thì cá nhân bị chìm đắm trong đám đông. Trong lãnh vực chính trị, thật nhàm tai khi ta nói rằng, hiện nay, quan điểm của quần chúng điều khiển thế giới. Sức mạnh duy nhất đáng được nói đến là sức mạnh của quần chúng và của chính phủ khi tự cho mình là đại diện cho các khuynh hướng và bản năng của quần chúng. Sự việc này cũng đúng trong các quan hệ về đạo đức và xã hội của đời sống cá nhân cũng như trong các quan hệ giữa quần chúng. Có sự khác biệt trong những đám người tạo nên quan điểm quần chúng: ở Mỹ, đó là toàn thể dân da trắng; ở Anh, chủ yếu là giới trung lưu. Nhưng ta có thể nói, họ luôn luôn là một khối người tầm thường. Nhưng có một cái gì rất mới mẻ: đám đông không xây dựng quan điểm của họ từ các chức sắc của Giáo hội hay của Quốc gia, từ những người lãnh đạo nổi tiếng hay từ sách vở. Suy nghĩ của họ được tạo nên bởi những con người giống như họ; những người này nói với họ hay nhân danh họ qua trung gian của báo chí, trong những lúc hứng khởi. Tôi không than phiền gì về tất cả những việc đó. Tôi không khẳng định có một cái gì tốt hơn để thích hợp với mức tầm thường hiện nay của trí tuệ con người. Nhưng việc này không ngăn cản sự kiện một chính phủ của đám đông tầm thường là một chính phủ tầm thường. Chưa bao giờ một chính phủ của một nền dân chủ hay một chính phủ gồm nhiều nhà quý tộc đã vượt qua hay có thể vượt qua mức tầm thường trong hành động chính trị, quan điểm, tài năng và phong thái trí tuệ, nếu đám đông quần chúng có quyền tối thượng không để cho họ được hướng dẫn bởi những lời khuyên nhủ hay ảnh hường của Một Người hay của Một Số Ít người có nhiều tài năng và kiến thức hơn. Sự khởi đầu của tất cả những gì khôn ngoan và cao quý bắt nguồn và phải bắt nguồn từ nhiều cá nhân, thường thường từ một cá nhân vào lúc đầu. Một người bình thường cảm thấy được vinh dự, vinh quang khi anh ta có khả năng theo sự dìu dắt ấy; khi anh ta cảm nhận được cái gì là khôn ngoan và cao quý, và để cho mình được dẫn dắt tới chỗ đó với một thái độ cảnh gíác. Tôi không tán thành việc “tôn thờ một anh hùng,” vỗ tay hoan hô một người hùng có thiên tài dùng sức mạnh đoạt quyền cai trị thế giới và cưỡng bách mọi người tuân theo mệnh lệnh của mình. Tất cả những gì mà một người như vậy đòi hỏi là người đó được tự do để chỉ con đường phải đi cho người khác. Cái quyền lực bắt buộc mọi người đi theo con đường ấy không những mâu thuẩn với tinh thần tự do và sự phát triển của nhân loại mà còn là một yếu tố làm hư hỏng chính người hùng ấy. Tuy nhiên, khi mà quan điểm của khối người bình thường trở thành một sức mạnh trấn áp, sự cân bằng và điều chỉnh tình trạng này đến từ tính cách cá nhân càng ngày càng mạnh của các nhà tư tưởng nổi tiếng. Chính trong các trường hợp rất đặc biệt này, thay vì đàn áp các cá nhân xuất chúng, ta nên khuyến khích họ hành động khác với đám đông. Trước kia, ta không thấy có lợi ích nào khi họ hành động khác hơn cách trên, trừ phi họ muốn làm tốt hơn. Ngày nay, hành động không hùa theo đám đông, sự từ chối không cúi đầu trước tục lệ là một việc làm ích lợi. Chính vì sự chuyên chế của quan điểm lên đến mức mà nó xem sự lập dị như là một điều sỉ nhục, để phá vỡ sự chuyên chế này, toàn thể dân chúng nên trở thành lập dị. Bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu ta có nhiều sự lập dị, thì ta có nhiều cá tính mạnh mẽ, và số lượng lập dị của một xã hội thường có tỷ lệ cân xứng với số lượng thiên tài, sức mạnh và tinh thần can đảm. Ngày nay quá ít người dám tỏ ra lập dị và đó là mối nguy hiểm của thời đại.

Tôi đã nói rằng, việc quan trọng là phải để cho những sự việc không tầm thường có một mức tự do càng lớn càng tốt. Mục đích là để cho ta, đến một lúc nào đó, nhận thấy được sự việc nào có thể trở thành tục lệ. Nhưng sự độc lập trong hành động và sự xem thường tục lệ nên được khuyến khích để chúng tạo cơ hội khám phá những phương cách hành động tốt hơn và những tục lệ đáng theo hơn để cho mọi người chấp nhận chúng. Cũng không phải chỉ có những người với trí tuệ cao mới được hưởng một đời sống như họ mong muốn. Không có lý do nào bắt buộc đời sống con người phải rập theo một khuôn mẫu duy nhất hay một số ít khuôn mẫu nào đó. Nếu một người có chút ít khôn ngoan và kinh nghiệm, phương cách anh ta xếp đặt lối sống của mình là phương cách tốt nhất; không phải tự nó tốt nhất, nhưng vì đó là phương cách riêng của anh ta. Con người không phải là con cừu; và ngay cả cừu cũng không thể giống nhau đến mức độ không thể phân biệt được con này với con kia. Một người không thể kiếm ra một cái áo hay một đôi giày vừa đúng kích thước của mình, trừ khi phải đặt làm, hay may, hoặc có một nhà kho đầy ắp để chọn lựa; tìm ra một đời sống thích hợp cho một con người dễ dàng hơn là tìm kiếm một cái áo, hay là giữa người này với người khác sự cấu tạo về thể chất và trí tuệ, có ít khác biệt hơn là hình dạng của bàn chân? Phải chăng vì con người không có cùng những sở thích, cho nên ta không thể uốn nắn họ theo cùng một khuôn mẫu?Nhưng có bao nhiêu người thì có bao nhiêu điều kiện cho sự phát triển tinh thần. Tất cả các loài thảo mộc không thể cùng sống trong một bầu không khí và cùng một khí hậu; cũng giống như vậy, tất cả mọi con người cũng không thể cùng sống mạnh khoẻ trong một môi trường đạo đức.Những điều giúp một người đạt đến bản chất cao cả có thể là những chướng ngại vật cho kẻ khác. Cùng một lối sống, đối với người này là một nguồn kích thích lành mạnh giúp họ giữ năng lực hoạt động và thụ hưởng ở mức tốt đẹp nhất, nhưng đối với người kia lại là một gánh nặng gây bối rối, làm ngưng trệ hay đè bẹp mọi đời sống nội tại. Con người có nhiều nguồn gốc khác biệt về lạc thú, về cảm xúc đau khổ, về việc nhận thức hậu quả của những tác dụng thể chất và tinh thần, cho nên trừ phi không có một sự khác biệt tương ứng trong các lối sống, họ không bao giờ đạt được hạnh phúc, cũng như không bao giờ vươn đến mức phát triển trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ mà bản chất họ có khả năng đạt đến được. Vậy, tại sao lòng khoan dung lại chỉ được mở rộng trong phạm vi tình cảm của quần chúng, vào các sở thích và các lối sống mà đám đông bắt buộc phải tuân theo? Trừ phi trong một số tu viện, không có nơi nào mà sự đa dạng của sở thích lại không được nhìn nhận; một con người có thể thích hay không thích chèo thuyền, hút xì-gà, chơi nhạc, chơi thể thao, chơi cờ, chơi bài hay học tập mà không sợ bị khiển trách, bởi vì cả những kẻ ủng hộ lẫn những kẻ chống đối quá đông đảo để có thể bị đàn áp. Nhưng những người phái nam – tệ hơn nữa, đối với những người phái nữ – có thể bị trách mắng giống như đã vi phạm một tội nặng về mặt đạo đức khi bị tố cáo là “làm những việc mà không ai làm” hay là “không làm những việc mà mọi người làm.” Một con người phải có một tước hiệu hay một chức vụ nào đó hầu gợi nên sự trọng vọng của quần chúng mới có thể làm gì mình muốn mà không bị xem thường. Tôi lập lại, làm như vậy một chút thôi, vì người nào đi quá đà có thể gánh một hậu quả tai hại hơn là bị chửi rủa: người đó có thể bị đưa ra một hội đồng giám định xem có bị mất trí hay không và tài sản bị tịch thu giao cho gia đình quản trị.[6]

Có một điểm đặc biệt trong khuynh hướng hiện tại của dư luận quần chúng: đó là làm cho dư luận ấy không có lòng khoan dung đối với mọi sự tỏ bày rõ rệt cá tính. Con người trung bình không những ôn hòa về trí tuệ mà còn ôn hoà trong xu hướng: họ không có những sở thích hay những mong ước đủ mạnh mẽ để thúc đẩy họ làm một việc gì khác biệt; và như vậy, họ không thể hiểu được những người có hành động khác họ, và họ đặt những người ấy vào hạng những kẻ điên rồ, quá khích mà họ quen thói khinh miệt. Bây giờ, cộng thêm vào sự kiện thông thường đó, ta hãy giả sử có một phong trào lớn mạnh nhằm cải thiện đạo đức, và ta sẽ thấy rõ việc ta mong muốn. Ngày nay, một phong trào như vậy đã bắt đầu thành hình; người ta đã thực hiện nhiều việc để gia tăng mức phải chăng trong lề lối cư xử và khuyên bảo nên xa lánh mọi sự quá đáng; và một tinh thần nhân ái lan rộng ra; tinh thần này dường như kiếm được một môi trường phát triển thuận lợi nơi sự cải thiện về nền đạo đức và sự thận trọng giữa đồng bào chúng ta. Những khuynh hướng ấy của thời đại giúp con người có nhiều thiện ý hơn lúc trước, nhằm đưa ra những lề lối cư xử thông thường và thúc đẩy mọi người tuân theo một tiêu chuẩn được chấp nhận. Và tiêu chuẩn này – được tỏ bày ra hay được hiểu ngầm – là ta không nên ham muốn điều gì một cách quá mạnh mẽ. Lý tưởng về cá tính là không nên có một cá tính quá mạnh mẽ; cũng như việc bó chân một phụ nữ Trung Hoa, lý tưởng này chèn ép những phần nổi bật của bản chất con người, và nó có khuynh hướng làm cho người ấy rõ ràng khác biệt với những người bình thường khác.

Như vẫn xảy ra, các lý tưởng thường hay loại bỏ phân nửa những gì mà ta mong muốn; tiêu chuẩn hiện nay của sự tán thành chỉ đưa ra một sự bắt chước vụng về của nửa kia. Thay vì những nghị lực lớn lao do một lý trí mãnh liệt hướng dẫn, do những xúc cảm mạnh mẽ, do một ý chí sinh động kiểm soát, kết quả là những cảm xúc và những nghị lực yếu ớt có thể đi theo những đòi hỏi từ bên ngoải với một ý chí và lý trí thiếu mạnh mẽ. Nay thì bất cứ trên một quy mô rộng lớn nào, các cá tính đầy nghị lực đã thuộc về quá khứ. Ngày nay, trên đất nước chúng ta, không còn chỗ nào để bày tỏ nghị lực ngoại trừ lãnh vực kinh doanh; những nghị lực này có thể xem là rất lớn lao. Những nghị lực ít ỏi còn sót lại được xử dụng trong một thú tiêu khiển nào đó, có thể có lợi ích như trong công việc từ thiện, nhưng luôn luôn chỉ cho một việc gì đó, thường thường không quan trọng. Sự vĩ đại của Anh quốc nay nằm trong tay tập thể; là những cá nhân nhỏ bé, chúng ta chỉ có khả năng làm nên việc lớn vì chúng ta có thói quen tập hợp lại; và sự kiện này đủ làm cho những nhà từ thiện về đạo đức và tôn giáo hài lòng. Nhưng chính những con người với một tầm vóc khác, đã xây dựng nên một Anh quốc như hiện nay, và chúng ta cần đến những con người có một tầm vóc khác nữa để ngăn cản sự suy sụp của nó.

Ở bất cứ chỗ nào, sự chuyên chế của phong tục tập quán là một trở ngại cho tiến bộ của nhân loại, bởi vì nó không ngừng chống đối khuynh hướng dẫn đến cái tốt hơn sự thông thường; và tùy theo trường hợp, người ta gọi khuynh hướng ấy là tinh thần tự do, tinh thần tiến bộ, hay tinh thần cải tiến. Tinh thần cải tiến không luôn luôn hẳn là tinh thần tự do, vì nó có thể áp đặt tiến bộ trên những người không muốn chấp nhận nó; và tinh thần tự do, khi nó chống lại áp lực nói trên, có thể liên kết tại chỗ một cách tạm thời với những kẻ chống đối tiến bộ; nhưng nguồn gốc duy nhất không bao giờ cạn và lâu bền của tiến bộ là tự do, bởi vì nhờ tự do mà có bao nhiêu cá nhân thì ta có thể có bấy nhiêu trung tâm độc lập của tiến bộ. Tuy nhiên, nguyên tắc luôn luôn tăng trưởng của tiến bộ dưới hai trạng thái: hoặc yêu chuộng tự do hoặc yêu chuộng tiến bộ; chúng luôn luôn chống đối với sự thống trị của Phong Tục, vì ít nhất nó cũng bao hàm sự giải phóng chống sự áp bức; và sự đấu tranh giữa hai trạng thái là điều thích thú nhất trong lịch sử nhân loại. Nói đúng ra, một phần lớn thế giới không có lịch sử vì hoàn toàn bị chế ngự bởi Phong Tục. Đấy là trường hợp của trọn vùng Đông Á. Ở đó, Phong Tục, trong tất cả mọi sự việc, là quyền quyết định tối thượng; người ta phải hiểu rằng, Công Lý và luật lệ phải tuân theo Phong Tục; và ngoại trừ vài ba bạo chúa say sưa quyền lực, không một ai dám chống lại Phong Tục cả. Và chúng ta đã thấy kết quả của sự việc đó. Các quốc gia vùng Đông Á thời xưa đã có những nét độc đáo của họ. Các quốc gia ấy không phải tự nhiên mà trở nên đông đảo dân cư, thông thái và sành sõi trong nhiều ngành của nghệ thuật sống; họ đã tự tạo ra những thứ đó, và vào thời kỳ ấy, các quốc gia này đã là những quốc gia phú cường nhất trên thế giới. Nhưng nay thì các quốc gia ấy đã như thế nào? Họ bị những bộ lạc thống trị: tổ tiên của các bộ lạc ấy đi lang thang trong rừng, trong khi tổ tiên của dân các quốc gia nói trên sống trong những dinh thự rực rỡ, những đền đài tráng lệ; các bộ lạc ấy đã phát triển vì phong tục tập quán đã chia sẻ quyền lực với tự do và tiến bộ. Dường như một dân tộc có thể tiến bộ trong một thời gian rồi ngưng lại: sự ngưng lại này xảy ra vào lúc nào? Khi mà dân tộc đó không còn cá tính nữa. Nếu một sự biến đổi như vậy xảy ra trong một quốc gia ở Châu Âu, thì nó sẽ xảy ra dưới một dạng khác: sự chuyên chế của phong tục tập quán đe dọa các quốc gia ấy không hẳn tạo ra một sự bất động. Sự chuyên chế ấy ngăn cản sự lập dị, nhưng không loại bỏ sự thay đổi, với điều kiện là tất cả đều phải cùng nhau thay đổi. Chúng ta đã từ bỏ các bộ áo quần xưa của cha ông chúng ta; mỗi con người chúng ta vẫn phải ăn mặc giống như những người khác, nhưng thời trang có thể thay đổi một hay hai lần trong năm. Vậy nên chúng ta thận trọng khi có thể thay đổi: chúng ta thay đổi vì thích thay đổi, chứ không phải vì một ý niệm nào về vẻ đẹp hay tiện lợi; vì cái ý niệm về vẻ đẹp và tiến bộ không được mọi người trên thế giới chấp nhận cùng một lúc nào đó và cũng không bị tất cả mọi người cùng gạt bỏ nó vào một lúc khác. Nhưng chúng ta thích tiến bộ cũng như thích thay đổi; chúng ta liên tục có những phát minh mới trong các vật dụng cơ khí, và chúng ta giữ chúng cho đến khi chúng được thay thế bởi những vật tốt hơn; chúng ta mong muốn có những cải tiến về chính trị, về giáo dục và ngay cả về đạo đức, tuy rằng, trong lãnh vực đạo đức, quan niệm cải tiến của chúng ta phần lớn là muốn thuyết phục hay muốn bắt buộc người khác phải trở nên tốt như chúng ta. Chúng ta không chống đối tiến bộ; ngược lại, chúng ta tự khen mình là một dân tộc tiến bộ nhất từ trước đến nay. Điều mà chúng ta chống đối là tính cách cá nhân. Chúng ta nghĩ rằng, thật là kỳ diệu nếu chúng ta làm cho mọi người đều giống như nhau; nhưng chúng ta quên rằng, cái làm cho chúng ta chú ý trước tiên là sự khác biệt giữa người này và người khác; hoặc là sự bất hoàn chỉnh của người này, hoặc là tính ưu việt của người kia, hoặc là khả năng tạo ra một con người mới tốt hơn cả hai bằng cách phối hợp hai con người trên lại với nhau. Trường hợp Trung Hoa là một lời cảnh cáo cho chúng ta: Trung Hoa là một quốc gia đầy tài ba, và trên vài phương diện, rất thông thái nhờ may mắn sớm có được những tập quán tốt; đó là nhờ công lao của một số người được các học giả châu Âu trong một số giới hạn, gắn cho các danh hiệu là những hiền nhân và hiền triết. Các vị này đã thành công xuất sắc trong việc làm cho những lời giảng dạy của họ thấm nhuần vào trí óc của mọi người trong cộng đồng, cũng như bảo đảm rằng, những người học hỏi được nhiều nhất sẽ đảm nhiệm những chức vụ đầy danh dự và quyền thế. Chắc chắn là một dân tộc tạo ra phong cách ấy đã tìm thấy bí mật làm cho nhân loại tiến bộ, và đáng lẽ phải đứng hàng đầu trên con đuờng tiến bộ của thế giới. Nhưng ngược lại, Trung Hoa đã dậm chân tại chỗ; từ mấy ngàn năm nay, họ vẫn y như chúng ta đã thấy họ trước kia; và nếu họ có chút tiến bộ nào, đó là nhờ vào sự giúp đỡ của người ngoại quốc. Họ đã thành công ngoài tưởng tượng trong việc mà những nhà từ thiện Anh quốc đang thực hiện một cách say sưa: biến tất cả mọi người dân trong nước giống như nhau; tất cả đều suy nghĩ và cư xử cùng theo những châm ngôn và luật lệ giống nhau; và chúng ta đã thấy thành quả. Trạng thái của quan điểm quần chúng hiện đại, trong một dạng vô tổ chức, là những hệ thống giáo dục và chính trị của Trung quốc dưới một dạng có tổ chức; và trừ phi tính cách cá nhân thành công trong việc chống lại sự đàn áp của phong tục tập quán, thì Châu Âu, dù với quá khứ cao quý và với tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, có khuynh hướng sẽ trở thành một Trung quốc khác.

Cho đến nay, cái gì đã giúp Châu Âu thoát khỏi số mệnh đó? Cái gì đã giúp cộng đồng các quốc gia Châu Âu tiếp tục đi trên con đường tiến bộ thay vì là một phần bất động của nhân loại? Chắc chắn không phải do những tài năng ưu tú của các quốc gia đó, bởi vì ở chỗ nào mà các tài năng ấy hiện diện, chúng là những kết quả chứ không phải là những nguyên nhân; sự tiến bộ đã xảy ra vì sự đa dạng của cá tính và của nền văn hoá. Ở Châu Âu, các cá nhân, các giai cấp, các quốc gia rất khác biệt nhau: họ mở ra một số lớn con đường rất đa dạng, và mỗi con đường dẫn đến một cái gì quý giá; và tuy rằng, ở mỗi thời kỳ, những con người đi trên những con đường ấy đã có khi không tỏ ra khoan dung với nhau, và rằng, mỗi người có khuynh hướng bắt buộc tất cả những người khác phải đi theo con đường của mình, những cố gắng để ngăn trở sự phát triển không có một kết quả dài lâu. Và dần dần, dầu muốn hay không, mỗi người rút cục phải chấp nhận những cái tốt mà người khác đem đến. Theo nhận xét của tôi, sự phát triển liên tục và đa dạng của Châu Âu là do nơi vô số các con đường ấy. Nhưng nay thì Châu Âu đã bắt đầu mất cái lợi thế đó. Rõ ràng là nó đang tiến về phía lý tưởng của Trung quốc: đó là muốn làm cho tất cả mọi người phải giống nhau. De Tocqueville, trong tác phẩm quan trọng cuối cùng của ông, đã lưu ý rằng, người Pháp ngày nay càng có nhiều điểm giống nhau hơn là giữa người Pháp của thế hệ trước. Lời nhận xét này còn đúng hơn nữa đối với người Anh. Trong một đoạn đã được nêu ra trước đây, ông Wilhelm von Humboldt đưa ra hai điều kiện cho sự phát triển của nhân loại, hai điều kiện cần thiết để làm cho con người khác biệt nhau: đó là sự tự do và sự đa dạng của các hoàn cảnh. Sự đa dạng của các hoàn cảnh dần dần biến mất tại Anh quốc. Những hoàn cảnh bao quanh các giai cấp và các cá nhân khác nhau, tạo nên cá tính của họ, đã càng ngày càng trở nên giống nhau. Trước kia, những tầng lớp xã hội khác nhau, những hàng xóm láng giềng khác nhau, những nghề nghiệp khác nhau sống trong những thế giới khác nhau; nay, trong một phạm vi rộng lớn, ta có thể nói rằng, tất cả đều sống chung trong cùng một thế giới. Ngày nay, họ cùng đọc những sách vở, báo chí giống nhau; cùng nghe về những vấn đề giống nhau; cùng đi đến những chỗ giống nhau; các niềm hy vọng và các nỗi lo sợ của họ có cùng những nguồn gốc; họ có cùng những thứ quyền lợi, những loại tự do; và có cùng những phương tiện để đòi hỏi chúng. Nay, các khác biệt giữa những địa vị trong xã hội, dù có lớn đến đâu chăng nữa, cũng không bằng những sự khác biệt đã biến mất đi. Và sự đồng hoá cứ tiếp tục như vậy. Tất cả những thay đổi về chính trị đã đẩy mạnh sự đồng hoá ấy vì chúng có khuynh hướng nâng cao các giai cấp ở hạ tầng lên và hạ thấp các giai cấp thượng tầng xuống. Mọi sự phát triển về giáo dục khuyến khích sự thay đổi ấy: giáo dục tập hợp con người bởi những ảnh hường chung và mở cho họ con đường đi đến kho tàng tổng quát của các dữ kiện và của tình cảm. Sự tiến bộ của phương tiện giao thông đẩy mạnh sự đồng hoá bằng cách giúp cho dân chúng sống trong các nước xa xôi có được những liên hệ cá nhân và giúp gia tăng việc thay đổi chỗ ở dễ dàng và nhanh chóng hơn. Sự gia tăng của nền thương mãi và của kỹ nghệ còn khuyến khích sự đồng hoá nhiều hơn nữa vì chúng phổ biến rộng rãi các lợi ích của tiện nghi đời sống, và mở rộng con đường tranh đua cho mọi hoài bão, ngay cả những hoài bão cao cả nhất; và như vậy, sự ham muốn thăng tiến không còn là đặc quyền của một giai cấp nào mà là của mọi giai cấp. Một phương cách hữu hiệu hơn để đồng hoá là hoàn tất tính cách ưu việt của dư luận quần chúng trong Quốc gia, ở Anh quốc cũng như các xứ tự do khác. Khi mà các địa vị cao trọng trong xã hội bị san bằng (những địa vị này cho phép những người đứng sau chúng xem thường quan điểm của quần chúng), khi mà ngay cả ý tưởng chống đối với ý chí của quần chúng (khi quần chúng thật sự có ý chí đó) bây giờ trong xã hội không còn sự ủng hộ nào nữa cho sự khác biệt, không còn một quyền lực độc lập nào để che chở cho những quan điểm và những khuynh hướng trái ngược với quan điểm và khuynh hướng của quần chúng dù chính quyền lực ấy chống đối với uy thế của đám đông.

Sự kết hợp của tất cả các nguyên nhân ấy tạo nên một khối ảnh hưởng thù nghịch với Cá Tính; khối này lớn đến nỗi ta không dễ gì thấy được làm sao Cá Tính giữ được chỗ đứng của mình. Việc này càng ngày càng trở nên khó khăn, trừ khi những người thông minh trong quần chúng biết cảm nhận được giá trị của nó; họ phải thấy rằng, có những khác biệt là một việc tốt, ngay cả khi những khác biệt ấy không đem đến những cải tiến tốt đẹp hơn, ngay cả khi họ thấy các khác biệt ấy có thể dẫn đến một sự thoái hoá. Nếu ta đòi hỏi phải có Cá Tính, thì nay là lúc phải xúc tiến việc đòi hỏi ấy, bởi vì sự đồng hoá chưa chấm dứt. Chính trong những giai đoạn phôi thai mà ta có thể phản ứng hữu hiệu chống lại mọi sự xâm phạm. Nếu ta chờ đợi cho đến khi đời sống bị giảm xuống chỉ còn gần như một lối sống đồng dạng để chống cự, thì tất cả những gì đi trệch với lối sống ấy sẽ bị xem như đồi bại, vô đạo đức, ngay cả quái dị và trái thiên nhiên. Nhân loại sẽ mau chóng mất đi khả năng nhận thức được sự đa dạng khi mà họ mất đi thói quen thấy nó bẵng đi một quãng thời gian nào đó.

 

[1] “The Sphere and Duties of Government from the German of Baron Wilhelm von Humboldt,” pp 11-13, (Phạm Vi và Những Bổn Phận của Chính Phủ, theo nguyên tác tiếng Đức của Nam tước Wilhelm von Humboldt). (Ghi chú của Mill).

[2]Tiểu luận của Sterling (ghi chú của Mill).

[3]Alcibiades (450-404 BC) nổi tiếng là một chính trị gia, nhà hùng biện và là một tướng lãnh tại Athens dưới thời chiến tranh Peloponnesia. (ND).

[4]Pericles (495-429 BC) là một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của Hy-lạp trong thời kỳ hoàng kim. Ảnh hưởng của Pericles trên thành quốc Athens lớn lao đến nỗi Thucydides, một sử gia hàng đầu của Hy-lạp đã ghi lại rằng “Ông là công dân hạng nhất của Athens.” (ND).

[5]Đế quốc Byzantine là phần kéo dài về phía đông của Đế quốc La-mã từ thời Hậu kỳ thượng cổ đến thời Trung cổ. Thủ đô của Đế quốc Byzantine là Contantinople, ngày nay là Istanbul của Thổ-nhĩ-kỳ. Khi Đế quốc La-mã bị sụp đổ, Byzantine còn tồn tại thêm 1000 năm nữa mới bị Đế quốc Ottoman thôn tính vào năm 1453. (ND).

[6]Trong những năm gần đây, có một cái gì đó đáng khinh bỉ và đáng sợ trong các loại chứng cớ, theo đó, một người bị luật pháp quy định là không thể quản lý công việc của mình; và sau khi chết đi, các sự xếp đặt của người ấy về tài sản của mình có thể bị bác bỏ. Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời sống của người ấy bị bươi móc; và theo nhận thức của những kẻ dốt nhất trong những kẻ dốt, nếu có một việc gì khác với sự thông thường, thì việc ấy sẽ được trưng ra trước bồi thẩm đoàn để chứng minh rằng người ấy bị điên rồ; và việc đưa ra những chứng cớ như vậy đã nhiều lần thành công. Các thành viên của bồi thẩm đoàn thì ít thô tục và đỡ dốt nát hơn các nhân chứng. Các quan toà thì thiếu hiểu biết về bản chất của con người và của đời sống, đã liên tục gây ngạc nhiên cho chúng ta về những luật gia Anh quốc, và nhiều khi còn giúp bồi thẩm đoàn vi phạm những lầm lẫn. Những phiên toà như vậy cho ta thấy rõ những nhận thức và những quan điểm của người dân thường đối với tự do của con người. Thay vì thẩm định tính cách cá nhân, thay vì tôn trọng quyền của mỗi người được hành động theo phán đoán và ý thích của mình, các quan toà và bồi thẩm đoàn không nhận thấy rằng, một người có trí óc lành mạnh phải có những quyền ấy. Trước kia, khi một người vô đạo bị kết án lên giàn hoả thiêu, những người có từ tâm khuyến cáo nên nhốt họ vào nhà thương điên; ngày nay, ta sẽ không ngạc nhiên thấy người vô đạo bị thiêu và những người thi hành bản án ấy vỗ tay hoan nghênh: thay vì ngược đãi bởi lý do tôn giáo, họ cho rằng, họ đã cư xử một cách nhân từ bác ái; và trong lòng họ đã thỏa mãn vì thấy những người bị kết tội đã lãnh đủ những gì mà họ đáng hứng nhận (ghi chú của Mill).