Phân chia các loại chính quyền
Trong phần trước ta đã thấy tại sao ta phân biệt các loại hay hình thức của chính phủ theo số lượng các thành viên; trong phần này ta sẽ thấy cách phân loại này được thực hiện như thế nào.
Trước hết, Hội đồng Tối cao có thể giao nhiệm vụ điều hành chính quyền cho toàn thể dân chúng, hay là cho đa số dân chúng để cho số dân chúng làm quan chức nhiều hơn số dân chúng làm thường dân. Loại chính quyền này gọi là dân chủ.
Hay là ta có thể giới hạn con số viên chức chính quyền trong một số ít người để số thường dân nhìều hơn số quan chức: hình thức này được gọi là chính quyền quý tộc.[a]
Sau hết, tất cả chính phủ được tập trung trong tay chỉ một quan chức được tất cả mọi người giao quyền cho ông ta. Loại này thông thường nhất và được gọi là quân chủ hay chính quyền hoàng gia.
Ta nên nhận thấy rằng tất cả các loại chính quyền nói trên, hay ít nhất là hai loại đầu tiên, có thể được thành lập toàn phần hay bán phần, vì chính quyền dân chủ có thể bao gồm toàn thể dân chúng, hay có thể bị hạn chế chỉ cho một nửa dân số. Chính quyền quý tộc cũng có thể bị hạn chế từ một nửa dân chúng đến một số lượng nhỏ nhất. Ngay cả nền quân chủ cũng có thể bị phân chia. Sparta luôn luôn có hai vì vua đúng như hiến pháp quy định; và Đế quốc La Mã đã có tám vì vua trong một lúc mà ta không thể nói rằng đế quốc ấy bị chia rẽ. Cho nên có một điểm rõ ràng là các dạng chính quyền có những khoảng trùng lập với nhau theo ba hình thức kể trên, [và dù chính quyền chỉ có ba loại], nhưng cũng có thể có rất nhiều dạng khác nhau, nhiều bằng số công dân của họ.
Hơn vậy nữa, ngay một loại chính quyền cũng có thể được phân chia ra làm nhiều thành phần, thành phần này cai trị theo một cách này, thành phần kia theo một cách khác Sự phối hợp của ba loại chính quyền có thể đưa đến kết quả là có rất nhiều loại hỗn hợp, mà mỗi loại được nhân lên từ ba loại chính quyền căn bản.
Từ xưa đến nay, luôn luôn có những tranh luận xem loại chính quyền nào là tốt nhất, mà quên rằng loại chính quyền có thể tốt trong trường hợp này nhưng lại tệ hại trong trường hợp khác.
Trong những quốc gia khác nhau, nếu một chính quyền mà số quan chức tối cao tỷ lệ nghịch với số công dân, thì chính quyền đó sẽ thích hợp với loại chính quyền dân chủ, như vậy chính quyền dân chủ thường thường thích hợp với các nước nhỏ; chính quyền quý tộc thích hợp với các nước trung bình; và chính quyền quân chủ với các nước lớn. Luật lệ này được suy ra từ nguyên lý đã nói ở trên. Nhưng ta không thể nào đếm hết được các trường hợp ngoại lệ.
© Học Viện Công Dân 2007
[a] Chúng ta thường dùng “aristocracy” để chỉ thành phần quý tộc trong xã hội, nhưng từ này còn có nghĩa là thành phần ưu tú trong xã hội. Có lẽ theo thời gian, thành phần ưu tú chia nhau nắm quyền lãnh đạo xã hội và trở thành giai cấp quý tộc. Giai cấp quý tộc cũng mang tính chất cha truyền con nối, và được sự công nhận của hoàng gia (HVCD).