fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 4

Chính quyền dân chủ

 

Người làm luật biết rõ hơn ai hết rằng luật phải được thi hành và giải thích như thế nào. Có lẽ không thể có một hiến pháp nào tốt hơn hiến pháp cho phép kết hợp hai quyền lập pháp và hành pháp vào làm một;[a] nhưng chính sự kiện đó lại làm cho chính quyền không hữu hiệu trong nhiều trường hợp khác, chỉ vì có những việc phải được tách biệt thì lại bị lẫn lộn với nhau, và vì Nhà vua và Hội đồng Tối cao nhập lại thành một nhân vật, nên sẽ lập ra một chính quyền mà không có chính quyền.

Nếu kẻ làm luật lại là kẻ thi hành luật, đó là một điều không tốt; cũng không tốt nếu dân chúng không chú ý đến việc chung mà chỉ quan tâm đến việc riêng. Không có gì nguy hiểm hơn ảnh hưởng của các lợi ích riêng tư trong việc công, và sự lạm dụng luật pháp bởi chính quyền ít tai hại hơn là sự thối nát của người làm luật, sự thối nát này là một hậu quả không thể tránh được khi người làm việc công lại theo đuổi tư lợi. Khi việc này xảy ra, quốc gia bị biến đổi từ trong bản chất nên không thể nào sửa đổi gì được nữa. Một dân chúng mà không bao giờ lạm dụng quyền lực của chính quyền sẽ không bao giờ lạm dụng sự độc lập; một dân tộc mà tự cai trị tốt chính mình, thì sẽ không bao giờ cần có người cai trị.

Nếu ta hiểu từ “dân chủ” theo đúng nghĩa của nó, thì chưa bao giờ có một nền dân chủ thật sự; và cũng sẽ không bao giờ có. Bởi vì điều này trái với luật tự nhiên khi một số đông cai trị và một số ít bị cai trị. Thật là không thể tưởng tượng được rằng dân chúng luôn luôn tập họp lại để dành thì giờ của họ cho việc công, và thật rõ ràng họ không thể tạo ra những ủy ban để thực hiện mục đích ấy mà cơ cấu hành chánh không bị thay đổi.

Thật ra, tôi tin rằng ta có thể đưa ra một nguyên tắc như sau: khi các chức vụ của chính quyền được chia sẻ giữa nhiều cơ quan thì những cơ quan gồm ít người, trước sau gì cũng sẽ chiếm những quyền lực cao nhất, chỉ vì họ ở trong một vị trí có thể giải quyết công việc nhanh chóng, và như thế, quyền lực tự nhiên rơi vào tay họ.

Ngoài ra, một chính quyền như vậy phải bao hàm biết bao nhiêu điều kiện khó khăn! Trưóc hết đó phải là một quốc gia nhỏ, trong đó dân chúng có thể tập hợp lại một cách dễ dàng và mỗi người dân có cơ hội làm quen với nhau; thứ hai, những phong tục tập quán rất giản dị để tránh quá nhiều công việc và gây nên những vấn đề nan giải; sau đó cần có sự bình đẳng rộng rãi trong giai cấp xã hội và tài sản, nếu không thì sự bình đẳng trong quyền lợi và quyền thế sẽ không tồn tại; sau hết, một xã hội có rất ít hay không có sự xa xỉ-vì xa xỉ hoặc là kết quả của sự giàu có, hoặc nó làm cho sự giàu có trở nên cần thiết; sự xa xỉ làm hư hỏng ngay lập tức cả người giàu lẫn người nghèo: người giàu hư vì lo tích lũy tài sản, người nghèo hư vì ham muốn sự giàu sang; xa xỉ làm cho quốc gia vừa trở thành yếu nhược, lại vừa trở nên kiêu căng, đồng thời làm mất hết các công dân của quốc gia, vì một số đã trở thành nô bộc của một số [người giàu có] khác, và làm cho tất cả công dân chạy theo dư luận.

Đó là lý do tại sao một tác giả nổi tiếng[b] đã lấy đức hạnh làm yếu tố căn bản của nền Cộng Hòa; vì tất cả các điều kiện nêu trên đây không thể có được nếu không có đức hạnh. Nhưng vì không đặt ra được những sự khác biệt rõ ràng, nhà tư tưởng vĩ đại này thường thiếu chính xác, và đôi khi khó hiểu, và không thấy rằng, quyền tối thượng ở đâu cũng giống nhau, và đây cũng là một yếu tố căn bản ở mọi quốc gia có cơ cấu vững chắc; thật ra, yếu tố căn bản này, cũng thay đổi ít nhiều tùy theo hình thức mà chính quyền được thiết lập.

Thêm vào đó, không có chính quyền nào lại dễ bị nội chiến và xáo trộn nội bộ như chính quyền dân chủ hay chính quyền do đại chúng lập nên. Chỉ vì trong chính quyền dân chủ luôn luôn có một khuynh hướng mạnh mẽ để đổi sang thể chế khác, và nếu muốn duy trì thể chế dân chủ thì người dân phải luôn cảnh giác và can đảm để duy trì [thể chế chính trị này]. Khác hơn mọi thể chế chính trị, trong thể chể dân chú, người dân phải tự võ trang bằng sức mạnh và lòng trung thành với chế độ, và tự trong thâm tâm, xác tín mỗi ngày bằng lời nói của Bá tước xứ Posen[1] khi nói với Quốc hội Ba-Lan: “Tôi chọn tự do trong nguy hiểm hơn là hòa bình trong nô lệ.”

Nếu có một quốc gia của các vị thần, thì quốc gia đó sẽ được cai trị trong thể chế dân chủ. Một thể chế tuyệt hảo như vậy không thích hợp cho con người.[c]

© Học Viện Công Dân 2007


[1] Bá tước xứ Posen, ông là thân phụ của Vua Ba-Lan và Quận công xứ Lorraine.

[a] Rousseau muốn nói là một chính quyền như vậy sẽ hữu hiệu và nhậm lẹ khi cai trị.

[b] Montesquieu, Tinh Thần Pháp Luật, Quyển 3, Chương 3.

[c] Chế độ dân chủ Rousseau phân tích trong chương này dựa trên mô hình dân chủ trực tiếp của Cổ Hy-Lạp tại Athen. Dĩ nhiên dân chủ trực tiếp chỉ khả thi trong một nước nhỏ, và trong thời đại ngày nay chỉ Thụy Sĩ là nước duy nhất trên thế giới theo thể chế này. Các vấn đề chính trị, luật pháp của Thụy Sĩ được thực hiện qua các cuộc trưng cầu dân ý (referendum). Rousseau tỏ ra rất bi quan về sự khả thi của chế độ dân chủ, như ông viết trong đoạn cuối là chỉ có thần thánh mới thích hợp với dân chủ; tuy nhiên, nan đề của dân chủ khi áp dụng tạic các nước đông dân đã được các nhà lập quốc Hoa Kỳ giải quyết bằng hình thức dân chủ đại biểu (representative democracy) và mô hình này đã tồn tại và phát triển hầu như trên toàn thế giới.