fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 4

Chương IV

Còn có những tội ác khác mà những tác giả cổ xúy cho cộng đồng chung vợ chung con khó lòng ngăn cản; đó là những tội ác bạo hành, cưỡng hiếp, sát nhân (ngộ sát hay cố sát), cãi cọ, vu cáo nhau. Những tội ác này là những tội ác đáng bị nguyền rủa nếu do người nào đó gây ra cho cha mẹ, anh em hay họ hàng của họ; nhưng nếu gây ra cho người dưng, thì không đến nỗi bị nguyền rủa. Hơn nữa, tội ác càng dễ xảy ra hơn nếu người ta không biết ai là bà con của mình, và khi tội ác đã xảy ra thì những biện pháp trừng phạt theo tập quán (như phạm tội giết cha chẳng hạn) sẽ khó được thi hành, vì can phạm đâu có biết người đó là cha mình! Thêm nữa, lập luận của Socrates cũng lạ lùng thay khi đã biến tất cả con cái thành của chung, lại chỉ cấm những kẻ yêu nhau không được có quan hệ xác thịt, nhưng cho phép tình yêu và những sự thân thiết giữa cha và con trai hay giữa anh em trai (rất dễ dàng xảy ra vì không ai biết mình có bà con với ai). Những quan hệ thân thiết và tình yêu kiểu này nếu được cho phép thì cũng là những hành vi thiếu đứng đắn giữa những người đàn ông lớn tuổi và thanh niên. Thật cũng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi Socrates cấm giao hợp giữa người nam với nhau chỉ vì sự bạo hành gây ra bởi khoái lạc, chứ không phải vì họ có quan hệ gia tộc với nhau.[1]

Cộng đồng vợ chung, con chung này dường như thích hợp cho quần chúng nông dân hơn là cho giai cấp cai trị, vì mối quan hệ vợ chung, con chung sẽ tạo ra sợi dây liên lạc gia đình lỏng lẻo, và do đó sẽ dễ dạy người dân hơn và họ sẽ ít làm loạn hơn. Nói cách khác, kết quả của luật lệ này sẽ trái ngược với những gì mà luật lệ đúng cách sẽ tạo nên, và ý định của Socrates khi tổ chức xã hội có vợ chung con chung sẽ vì đó mà thất bại. Vì ta tin rằng tình liên đới anh em trong một xã hội là vốn quý giá nhất của quốc gia và giúp ngăn ngừa các cuộc nổi dậy. Chính Socrates và tất cả mọi người đều ca ngợi sự đoàn kết của quốc gia là một lý tưởng cần nhắm tới, và sự đoàn kết này chính là kết quả của tình liên đới anh em. Nhưng, sự đoàn kết mà Socrates ca ngợi lại giống như tình yêu của những kẻ yêu nhau được mô tả trong tác phẩm Symposium; trong tác phẩm này, nhân vật Aristophanes kể rằng có hai kẻ yêu nhau quá mức và muốn trở thành một. Kết quả của tình yêu nồng cháy là cả hai cùng biến mất để trở thành một thực thể mới, hay một kẻ phải hủy mình đi để nhập thân vào kẻ kia. Khi mà một quốc gia có vợ chung, con chung, tình yêu gia đình sẽ nhạt nhẽo; người cha không thể đoan quyết ai là con mình, và con cái cũng chẳng biết ai là cha mình. Cũng giống như một chút rượu mùi được pha thêm nước lã sẽ chẳng còn mùi vị gì nữa, trong cộng đồng xã hội kiểu này cũng vậy, cái ý tưởng về mối quan hệ được thiết lập theo kiểu này sẽ biến mất, vì chẳng có lý gì mà kẻ “được gọi là cha” lại phải lo lắng cho đứa trẻ “được gọi là con” hay ngược lại; tình nghĩa anh em cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa hết. Trong hai phẩm chất tạo nên sự kính trọng và mến thương-điều gì đó thuộc về ta và chỉ thuộc về ta thôi-không thể hiện hữu trong một quốc gia tổ chức như vậy.
Thêm nữa, việc hoán chuyển trẻ con ngay khi chúng vừa mới sanh ra từ giai cấp nông dân hay nghệ nhân sang giai cấp cai trị, và từ giai cấp cai trị sang giai cấp bị trị sẽ rất khó thực hiện. Những người có trách nhiệm di chuyển những đứa bé không thể nào không biết là đứa bé nào được giao cho ai. Và như thế, những tội ác đã nói trước đây, như bạo hành, sát nhân, tình yêu phản tự nhiên sẽ xảy ra thường xuyên hơn giữa những kẻ bị đưa xuống giai cấp thấp hơn, hoặc là những kẻ được nâng lên giai cấp cai trị, vì họ không còn coi những người cùng giai cấp trước đây là anh em, cha mẹ nữa, và chẳng còn sợ gì mà không phạm tội vì đâu còn liên hệ huyết thống nữa. Tới đây tưởng đã quá đủ để bàn về cộng đồng có chung vợ, chung con.


[1] Xã hội Hy Lạp thời đó coi quan hệ gia tộc là thánh thiện và mặc nhiên cho phép đồng tính luyến ái giữa người nam lớn tuổi và trai tráng. Quan hệ đồng tính nam thời cổ Hy Lạp được gọi là paideratia (tiếng Anh là pederasty có nghĩa là tình yêu trẻ trai, “boy love.”) Phong tục cổ Hy lạp và đặc biệt tại Athens có điều là người nam lớn tuổi, gọi là erastes, chọn một cậu bé tuổi thiếu niên, được gọi là eromenos, để hướng dẫn, giáo dục, bảo bọc và làm gương cho cậu bé này. Người Hy Lạp cũng có nhiều tục lệ để ngăn cho cậu bé không bị “xâm hại,” và cả hai người đều phải triệt để tôn trọng nhau trong một tình yêu thánh thiện mà người Tây phương thường gọi là platonic relationship. Nhưng không có gì bảo đảm là quan hệ xác thịt không xảy ra giữa erastes và eromenos. Plato trong tác phẩm Luật Pháp, cũng cho rằng quan hệ pederasty là quan hệ trái với tự nhiên.