fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 5

Chương V

Nhưng liệu có ai mà trời sinh ra đã là nô lệ và số kiếp nô lệ lại thích hợp và chính đáng cho y không, hay nô lệ là một sự vi phạm luật thiên nhiên?

Trả lời câu hỏi này chẳng có gì khó khăn dù dựa trên lý luận hoặc sự kiện. Sự việc có kẻ sinh ra để cai trị và kẻ sinh ra để bị trị là một sự việc không những cần thiết mà còn mang lại lợi ích nữa; có những kẻ từ khi lọt lòng mẹ đã được lựa ra để cai trị và những kẻ khác bị trị.

Người cai trị và kẻ phục tùng cũng có nhiều hạng (và những kẻ phục tùng thuộc loại khá hơn thì luật lệ cai trị cũng khá hơn-thí dụ như luật dùng để trị người phải khá hơn luật dùng để trị thú, cũng như khi gặp người thợ giỏi hơn thì công việc cũng được hoàn tất hay hơn, cũng vì lý do đó khi nói có người cai trị và kẻ bị trị cũng giống như có một công việc đang được thi hành); vì trong tất cả mọi điều mà tạo nên một tổng thể phức hợp gồm nhiều phần tử, dù liên tục [như trong cơ thể của một người] hay gián đoạn [như quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ], ta đều có thể phân biệt chủ thể và vật phụ thuộc một cách rõ ràng. Tính đối ngẫu[1] giữa chủ thể và thuộc thể hiện hữu không chỉ trong mọi sinh vật bởi vì đặc tính này phát xuất từ bản chất của vũ trụ; ngay cả trong những vật không có sự sống cũng bị chi phối bởi một nguyên lý nào đó, như trong âm nhạc chẳng hạn. Nhưng ta lại đi xa khỏi đề tài rồi. Hãy trở lại với các sinh vật, là những vật có hồn và xác: trong hai thứ này có cái do tự nhiên mà trở thành chủ thể, và cái kia là thuộc thể. Nhưng rồi ta lại phải tìm xem ý định của thiên nhiên trong những điều giữ được tính chất tự nhiên, chứ không phải trong những điều mà tính chất tự nhiên đã bị hư hỏng. Và như vậy, ta phải nghiên cứu một con người mà giữ được cả thể xác lẫn linh hồn trong trạng thái tuyệt hảo nhất, vì chỉ trong một người như vậy ta mới thực sự thấy được liên hệ thật sự giữa hồn và xác [nghĩa là tinh thần luôn điều khiển thể xác]; dù rằng [ta cũng thấy có] những kẻ vì bản chất xấu xa hay vì hoàn cảnh xấu đã để thể xác cai quản linh hồn. Trong tất cả mọi sinh vật đều có hai quyền lực chi phối; phần hồn luôn cai trị phần xác bằng quyền lực của một chủ nhân độc đoán, còn phần [lý] trí cai quản các sự ham muốn bằng quyền lực của một nhà cai trị theo luật lệ. Và [như thế] ta thấy hiển nhiên là khi hồn điều khiển xác và trí điều khiển nhiệt tình, thì điều đó thuận theo tự nhiên và ích lợi cho thân thể; làm ngược lại luôn luôn đưa đến tổn thương. Điều này cũng đúng trong quan hệ giữa loài vật với con người, vì những con thú được thuần hóa có bản chất tự nhiên tốt hơn hoang thú, và tất cả mọi loài thú đã được người thuần hóa có đời sống tốt đẹp hơn loài hoang thú vì sinh mạng chúng được bảo tồn. Tôi xin nhắc lại, giống đực, về bản chất tự nhiên khỏe hơn giống cái, và do vậy, giống đực làm chủ, còn giống cái phục tùng. Nguyên tắc tổng quát này đúng cho cả nhân loại.

Thế nên, ở những nơi mà có sự khác biệt rõ rệt như giữa hồn và xác, hay giữa người và thú (như trường hợp của những kẻ mà khả năng chỉ là làm những việc chân tay), thì những kẻ ở đẳng cấp thấp tự nhiên phải là nô lệ. Có chủ nhân cai trị là lợi ích cho chúng cũng như cho những loài hạ đẳng khác. Vì thế, một kẻ mang bản chất nô lệ nếu y có thể bị biến thành (và đó cũng là nguyên do tại sao y thực sự trở thành) tài sản của kẻ khác, cũng tương tự như kẻ cố gắng suy luận để hiểu kẻ khác nhưng tự mình lại không có khả năng [suy luận] này, thì bản chất cũng là nô lệ mà thôi. Thiên nhiên cũng tạo nên sự khác biệt giữa thể chất của người tự do và nô lệ, những kẻ thể chất khỏe mạnh thích hợp cho những việc lao động hạ tiện, và những người cao quý dù thể chất không đủ khỏe mạnh để làm những công việc nhọc nhằn, nhưng lại hữu dụng cho đời sống chính trị trong nghệ thuật điều hành quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hòa bình. Nhưng đôi khi điều trái ngược cũng thường xảy ra-những kẻ nô lệ lại mang thể chất của người tự do hay những người có tinh thần của người tự do nhưng thể chất lại là của kẻ nô lệ. Và như thế, ta phải kết luận rằng, nếu con người khác nhau chỉ qua thể chất bên ngoài (cũng như hình dáng của thần thánh khác với con người), thì ta phải đồng ý rằng giai cấp thấp kém hơn phải là nô lệ của giai cấp cao quý hơn.  Và nếu nguyên tắc này đúng (về thể chất), thì cũng đúng về phương diện tinh thần, dù sự khác biệt về tinh thần khó thấy hơn là sự khác biệt về thể chất. [Tóm lại,] nếu có người do bẩm sinh là người tự do, thì cũng có người do bẩm sinh là nô lệ; và đối với những kẻ này thì việc trở thành nô lệ vừa tốt vừa có lợi cho chính họ.


[1] Tiếng Anh: duality