fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 5

Chương V

Kế tiếp, ta hãy xét xem nên quản trị tài sản như thế nào: có nên để cho công dân của một quốc gia lý tưởng sở hữu tài sản riêng rẽ hay tài sản thuộc về của chung của quốc gia? Ta có thể xem xét vấn đề này một cách riêng rẽ không dính tới đề nghị lập một cộng đồng có vợ chung, con chung. Ngay cả giả như rằng vợ và con của ai thuộc về người nấy như phong tục hiện hành, thì liệu đề nghị mọi người cùng chia sẻ tài sản chung có đem lại lợi ích nào chăng? Có ba trường hợp có thể xảy ra: thứ nhất, đất đai canh tác có thể chia ra, nhưng sản phẩm làm ra lại để trong kho chung cho mọi người cùng sử dụng; cách này một vài nước đang áp dụng. Hay là, thứ hai, đất đai canh tác là của chung và mọi người cùng chung sức canh tác, nhưng sản phẩm thu hoạch được lại chia ra cho từng người để tùy nghi sử dụng; cách này là hình thức tài sản chung mà một vài nước man rợ đang áp dụng. Hay là, thứ ba, cả đất đai và sản phẩm đều thuộc về của chung.

Khi người nông dân không phải là chủ nhân của đất đai (trường hợp họ là nông nô hay nô lệ), trường hợp này dễ giải quyết; nhưng khi chính chủ điền cũng là người canh tác, thì vấn đề sở hữu trở nên rắc rối. Nếu họ không chia nhau đồng đều công việc và hoa màu thu hoạch được, thì kẻ làm nhiều mà hưởng ít chắc chắn sẽ phàn nàn những kẻ làm ít mà hưởng nhiều. Thực ra khi con người sống chung với nhau và có quan hệ với nhau, khó khăn luôn luôn xảy ra, nhất là khi con người lại chia sẻ chung tài sản nữa. Thí dụ điển hình là những lữ khách kết đoàn để cùng đi, ngày nào cũng có những cuộc cãi vã về đủ thứ lặt vặt và dễ phật lòng nhau vì những chuyện chẳng đáng vào đâu. Cũng giống như đối với những kẻ hầu hạ dễ làm ta mất lòng vì có quan hệ hàng ngày.

Đó chỉ là một số những điều bất lợi khi tổ chức xã hội cùng có chung tài sản. Cách thức tổ chức hiện nay [tài sản thuộc tư nhân], nếu được phong tục và luật pháp tốt cải thiện, sẽ tốt  hơn nhiều, và có được sự thuận lợi của cả hai hệ thống. Tài sản, hiểu theo một nghĩa, là của chung [của quốc gia], nhưng theo thông lệ, là của riêng tư nhân. Vì vậy, khi mọi người đều có quyền lợi riêng, thì người ta sẽ chẳng phàn nàn kẻ khác, và mọi người đều làm ăn tấn tới vì ai cũng lo cho quyền lợi của họ.

Và bởi vì lòng tốt [chứ không phải vì luật pháp bắt buộc], người ta cho tha nhân được sử dụng tài sản của họ, như tục ngữ có câu: “bạn bè chia sẻ với nhau mọi điều.”  Nguyên tắc này nay vẫn còn được áp dụng tại nhiều nước cho thấy điều này không phải là điều không thể thực hiện được. Tại những nước được cai trị tốt, ta cũng thấy có cách đối đãi như vậy giữa những người dân với nhau, và còn có thể được phát triển thêm lên. Ở những nước này, mỗi người đều có tài sản riêng, nhưng họ để dành ra một phần cho bạn bè sử dụng, và một phần khác cho mọi người cùng sử dụng. Thí dụ như người dân Sparta được dùng nô lệ, lừa, ngựa của người khác như của riêng mình, và nếu trên đường du hành mà có thiếu hụt vật gì thì cứ tự nhiên sử dụng sản vật của người khác trên con đường dó. Hiển nhiên ta thấy rằng tài sản nên là của riêng, nhưng được sử dụng chung, và nhiệm vụ của nhà lập pháp là tạo ra lòng từ thiện trong mỗi công dân để họ sẵn lòng chia sẻ tài sản với người khác.

Thêm nữa, người ta sẽ cảm thấy vui sướng hơn khi làm chủ một vật gì đó, vì tự yêu mình là bản chất tự nhiên của con người, mặc dù lòng ích kỷ cần phải được kềm chế vì đó không còn là tự yêu mình nữa mà là quá sức tự yêu mình, như ta vẫn thường coi khinh kẻ bần tiện yêu tiền (không phải ta khinh rẻ sự yêu tiền, mà ta khinh kẻ coi đồng tiền quá lớn). Hơn nữa, khi ta làm điều gì tốt hoặc phục vụ cho bạn bè của ta, khách khứa của ta, hay cho đồng loại, ta cảm thấy vui sướng, nhưng ta chỉ có thể làm được như vậy nếu ta có tài sản riêng mà thôi. Tuy nhiên, những điều vui sướng vừa kể [xuất phát từ sự thỏa mãn bản năng tự nhiên là tự yêu mình, và bản năng tự nhiên giúp đỡ người khác] sẽ bị triệt tiêu trong một nước mà mọi thứ đều là của chung (cộng sản), hai đức tính khác cũng bị triệt tiêu theo trong một quốc gia như vậy. Đức tính thứ nhất là lòng tự chủ trong quan hệ tình dục (đây là một giá trị đạo đức cấm ta không được thèm muốn vợ của người khác), và thứ hai là sự hào phóng trong việc sử dụng tài sản. Chẳng có ai, trong một nước mà mọi tài sản đều là của chung, lại có thể trở thành hào phóng được, vì ta chỉ có thể hào phóng bằng tài sản của riêng ta mà thôi.

Những luật lệ có bề ngoài nhân hậu như vậy rất dễ khiến cho người dân nghe theo và tin tưởng rằng nhờ ở một đặc tính kỳ diệu nào đó mà con người đều trở nên bạn hữu với nhau, nhất là khi thấy rằng ai cũng ta thán về những xấu xa đang xảy ra trong quốc gia như kiện tụng vì bội ước, tranh chấp vì dối trá, nịnh bợ kẻ giàu có, những xấu xa xảy ra vì con người có quyền tư hữu. Những điều xấu xa này, tuy thế, không phải do quyền tư hữu gây ra, mà do một nguyên nhân khác-bản chất xấu xa của con người. Thật ra, ta thấy trong số những người có chung tài sản, họ còn tranh chấp nhau nhiều hơn những người giữ tài sản riêng tư, mặc dù [ta vẫn thường nghĩ sai là] không có nhiều người như vậy khi so sánh với con số lớn những người có tài sản riêng tư.

Thêm vào đó, ta cần phải cân nhắc không những là người dân sẽ tránh được những điều xấu xa mà còn những ích lợi họ sẽ bị mất đi nếu theo tài sản công hữu. Đời sống theo kiểu này hoàn toàn không thực tế và bất khả thực hiện. Sự sai lầm của Socrates, ta có thể thấy được, nằm ở khái niệm thống nhất, mà ông đã dùng làm tiền đề lý luận. Thống nhất, dĩ nhiên, cần phải có trong cả gia đình và quốc gia, nhưng ở một vài lãnh vực nào đó thôi, vì đến một lúc khi đạt được sự thống nhất cao độ, lúc đó sẽ chẳng còn quốc gia nữa, hay là nếu còn cái gọi là quốc gia, thì cũng chỉ là một quốc gia yếu kém. Cũng giống như khi sự hòa âm đã biến thành đồng âm và âm nhạc rút lại chỉ còn một điệu theo nhịp đập của bàn chân. Nhà nước, như tôi đã trình bày, là một thực thể đa dạng, và chỉ nên được thống nhất thành một cộng đồng bằng giáo dục; và tôi thấy thật là lạ khi người đã tạo ra một hệ thống giáo dục mà ông ta nghĩ rằng sẽ làm cho đất nước được tốt lành, đức hạnh, lại muốn cải thiện người dân bằng những quy định kiểu này [công hữu, cộng sản], chứ không phải bằng triết học hay phong tục hay luật pháp, như luật pháp hiện hành tại Sparta và Crete ấn định là tài sản riêng được trích ra để nấu ăn chung.
Hãy nhớ rằng ta không nên xem thường kinh nghiệm của các đời trước; trải qua bao năm tháng, những điều này, nếu thực sự tốt đẹp, thì người ta phải biết rồi. Vì hầu như mọi điều đã được con người khám phá ra, tuy là đôi khi chưa được hệ thống hóa, hay là người ta đã biết rồi, nhưng chưa sử dụng được.

Nếu ta có thể thấy được tận mắt tiến trình xây dựng một cơ cấu chính trị như Socrates đề nghị, có lẽ vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ thêm. Vì nhà lập pháp hoàn toàn không thể tạo nên một quốc gia mà không phân phối và chia cư dân của mình thành những giai cấp theo dòng họ hoặc bộ tộc, hay hội đoàn cùng ăn chung với nhau. Nhưng điều luật này lại cấm không cho giai cấp cầm quyền làm ruộng, một sự ngăn cấm mà người Sparta đã thử thực hiện rồi.[1]

Nhưng thực ra, Socrates đã không nói cũng như khó mà quyết định vai trò của thành phần nào trong cộng đồng là vai trò chủ chốt. Những công dân không thuộc giai cấp lãnh đạo là thành phần đa số, và ngay cả trong đa số này [một số vấn đề then chốt] vẫn chưa xác định được: Liệu nông dân cũng phải có tài sản chung hay là mỗi người có tài sản riêng của mình? Liệu vợ và con họ là của chung hay của riêng? Nếu, giống như giới lãnh đạo, họ cùng có chung mọi tài sản, thì họ có khác gì giới lãnh đạo đâu và sẽ được lợi gì khi phải chịu sự lãnh đạo này? Hay là dựa trên nguyên tắc nào mà họ phải chịu sự cai trị của giới lãnh đạo, trừ phi giới này sử dụng chính sách khôn khéo của dân đảo Crete: nô lệ cũng được hưởng mọi quyền lợi như chủ nhân, ngoại trừ quyền được học tập thể dục và quyền mang vũ khí.[2] Mặt khác, nếu, những giai cấp thấp, về phương diện tài sản và hôn nhân cũng sở hữu riêng như dân chúng các nước khác, thì đất nước sẽ được tổ chức theo mô hình nào? Chẳng phải là sẽ có hai nước trong một quốc gia và mỗi nước lại chống đối lẫn nhau hay sao? Socrates biến giai cấp cai trị thành quân đội chiếm đóng, còn người nông dân, người thợ, và các thành phần còn lại mới là công dân thật sự. Nhưng ngay cả khi quốc gia được tổ chức như vậy, tất cả những sự kiện cáo, tranh cãi, và những điều xấu xa mà Socrates khẳng định là hiện hữu trong những nước khác [không theo mô thức do ông đề nghị], cũng sẽ hiện hữu như vậy trong đất nước kiểu này. Socrates thật sự đã nói rằng, khi người dân được giáo dục tốt, thì nhà nước sẽ chẳng cần nhiều luật lệ, như luật điều hành quốc gia hay thị trường; nhưng ông lại giới hạn giáo dục chỉ dành cho giai cấp lãnh đạo. Chưa hết, ông lại cho phép nông dân được tư hữu tài sản với điều kiện là họ phải nộp một phần thu hoạch cho giai cấp lãnh đạo. Trong trường hợp này, nông dân còn khó cai trị và trở nên kiêu căng hơn là những kẻ nô lệ hoặc nông nô. Và rồi những giai cấp thấp hơn có sống trong cộng đồng chung vợ chung con một cách bình đẳng như giai cấp lãnh đạo hay không, cùng những  câu hỏi tương tự như là giáo dục, mô hình chính quyền, luật lệ dành cho giai cấp thấp sẽ như thế nào, không thấy Socrates bàn tới; điều ta thấy không những vừa khó tìm được câu trả lời, vừa rất hệ trọng là câu hỏi: giai cấp nông dân sẽ được tổ chức như thế nào nếu vẫn muốn giữ nguyên đời sống cộng sản của giai cấp cai trị.

Thêm nữa, nếu Socrates muốn có một cộng đồng có vợ chung, con chung, nhưng tài sản lại riêng tư, thì khi đàn ông lo việc đồng áng, ai sẽ lo việc gia đình? Và ai sẽ làm việc đó nếu giai cấp nông dân vừa có vợ con chung, vừa có chung tài sản? Chưa hết, thật là kỳ lạ khi Socrates lập luận rằng đàn ông cũng như đàn bà sẽ cùng làm việc ngoài đồng áng, theo như sinh hoạt của loài vật, [lập luận này không ổn] vì loài vật không phải lo việc nội trợ. Chính quyền cũng vậy, nếu được thiết lập theo cách của Socrates, tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm, vì ông để cho cùng một số người luôn luôn ở vai trò cai trị. Và nếu điều này vẫn thường là nguyên nhân tạo ra bất ổn trong giới hạ lưu, thì trong giới thượng lưu sẽ còn tạo ra bất ổn tới đâu? Lý do mà Socrates muốn chỉ một số người nào đó cai trị mà thôi là một điều theo ông rất hiển nhiên, vì Thượng đế khi tạo nên con người luôn luôn theo một tỷ lệ nhất định như “Thượng đế trộn vàng trong một số người, bạc trong một số người khác từ khi họ được sinh ra, và trộn đồng và sắt trong những kẻ mà trời định làm thợ hoặc làm nghề nông.” Thêm một lần nữa Socrates lại tước bỏ quyền hưởng hạnh phúc bằng nhau của giới cai trị (hạnh phúc vì  được có tư sản), khi cho rằng người cai trị phải nhắm tới hạnh phúc của cả nước. Nhưng một tổng thể không thể nào sung sướng được trừ khi tất cả, hoặc đa số, hoặc phần lớn các phần tử tạo thành tổng thể được sung sướng. Phẩm chất của hạnh phúc, trên phương diện này, không thể so sánh được với sự bình đẳng dựa trên đa số. Phẩm chất của sự bằng nhau có thể xảy ra trong một tổng thể mà không cần phải hiện diện trong từng phần tử, nhưng phẩm chất của hạnh phúc không giống như vậy. Và nếu người cai trị không sung sướng, thì ai là kẻ được sung sướng? Chắc chắn không phải là giới thợ thuyền hoặc dân thường. Ta có thể kết luận là nền Cộng Hòa mà Socrates trình bày chứa đựng tất cả những khó khăn này và những khó khăn khác không kém phần nghiêm trọng.


[1] Giai cấp cầm quyền tại Sparta làm chủ ruộng nương, nhưng để cho nô lệ canh tác, khác với thể thức Socrates đề nghị là giai cấp cầm quyền không làm chủ ruộng đất, và nông dân – vừa làm chủ đất vừa canh tác đất đai – không phải là nô lệ (Ghi chú của Ernest Bakker).

[2] Thể dục được người cổ Hy Lạp coi là một trong những môn học cần thiết để huấn luyện trẻ con thành người tự do: được đào luyện không những về trí dục mà còn thể dục. Plato trong Cộng Hòa Luận (quyển 3) coi thể dục là môn học không thể thiếu được và chỉ dành cho người tự do mà thôi.