Chương V
Vẫn còn một vấn đề nữa về công dân, đó là, nếu những công dân thực thụ là những người được tham chính, thế còn những người thợ máy thì sao? Nếu ta coi những người thợ máy-những người vốn dĩ không được tham chính-là công dân, thì không phải công dân nào cũng có được khả năng cai trị và bị trị. Nhưng nếu những giai cấp thấp hơn không được xem là công dân, thì họ ở chỗ nào trong quốc gia đây? Họ không phải là ngoại kiều thường trú, cũng chẳng phải là người ngoại quốc. Không coi thợ máy là công dân không phải là một lập luận vô lý, vì chẳng phải thành phần nô lệ và những nô lệ được trả tự do không được bao gồm trong các giai cấp hay sao? Thêm nữa, ta cũng không thể xem tất cả những phần tử cần thiết cho sự hiện hữu và tồn tại của quốc gia là công dân; thí dụ như trẻ con không thể được xem là công dân tương đương như người lớn. Trẻ con chỉ là công dân trong một chừng mực nhất định nào đó mà thôi. Thật vậy, vào thời cổ, tại một số nước, giai cấp thợ thuyền thường là nô lệ hay ngoại kiều, và hiện nay cũng vậy. Một nhà nước được xây dựng theo mô hình hoàn hảo nhất sẽ không nhận giai cấp này làm công dân; nhưng, nếu họ được coi là công dân, thì định nghĩa của ta về đức tính công dân sẽ không áp dụng được cho mọi công dân hay những người tự do, mà chỉ áp dụng cho những ai không phải làm những việc lao động chân tay. Những người thuộc loại cần thiết cho sự tồn tại của xã hội có hai loại; đó là những nô lệ phục vụ cho nhu cầu của chủ nhân, còn thợ máy và người lao động khác phục vụ cho cả cộng đồng. Nếu ta tiếp tục suy tư theo chiều hướng này thì vị trí xã hội của những người này sẽ được giải thích rõ ràng; thực ra những điều cần thiết đã được trình bày hết cả rồi.
Vì chính quyền có nhiều dạng khác nhau, cho nên cũng phải có nhiều loại công dân khác nhau, nhất là những công dân không thuộc thành phần cai trị. Dưới một thể chế chính trị nào đó thì thợ thuyền và thành phần lao động chân tay được xem là công dân, nhưng dưới một thể chế khác thì lại không được, thí dụ như trong chế độ quý tộc, bởi vì đó là một chế độ mà các chức vụ và danh vọng được dành cho những phần tử ưu tú có đức, có tài mà đời sống vất vả của những người thợ hoặc lao động chân tay khiến cho họ không thể nào rèn luyện được đức độ và tài năng cai trị. Trong các chế độ quả đầu, tiêu chuẩn chọn lựa quan chức là phải có của cải, cho nên, giới lao động chân tay không thể nào được xem là công dân, nhưng giới thợ thuyền thì lại có thể được vì thực ra đa số bọn họ là những người giàu có. Tại Thebes có một đạo luật chỉ cho phép những ai đã nghỉ không còn làm ăn buôn bán được mười năm mới được tham chính. Còn tại những nước khác, luật lệ lại cứu xét trường hợp nhận ngoại kiều vào làm công dân; như tại một số nước dân chủ, một người chỉ cần có mẹ là công dân cũng được xem là công dân; tại một số nước khác, ngay cả con ngoại hôn cũng được xem là công dân. Khi dân số bị suy giảm, luật lệ về công dân còn được nới lỏng hơn nữa. Nhưng khi dân số gia tăng trở lại, thì trước hết con cái của cha-nô lệ hay mẹ-nô lệ bị loại ra, rồi đến trường hợp chỉ có mẹ là công dân (cha là ngoại kiều), và cuối cùng là quyền công dân chỉ dành cho những ai có cả cha mẹ là công dân. Như thế, ta thấy có nhiều loại công dân; và công dân, hiểu theo nghĩa cao nhất của nó là những ai được tham chính. Hãy thử so sánh với vần thơ của Homer “như một ngoại nhân chẳng được dự phần vào chính sự,” thì ta thấy tư cách của kẻ nào bị loại ra không được tham chính cũng chẳng khác gì của một ngoại kiều. [Một người có thể bị từ khước tư cách công dân vì một lý do chính đáng nào đó,] nhưng nếu nguyên do dùng để từ khước quyền công dân của một người bị che đậy, thì đó chẳng qua chỉ là thủ đoạn của giới quý tộc dùng để đánh lừa đồng bào của họ mà thôi.
Còn về câu hỏi liệu đức tính của một người tốt và của một công dân tốt có tương đồng với nhau hay không, thì những dẫn chứng ta đã đưa ra đủ để chứng minh rằng tại một số nước, người tốt và công dân tốt là một, còn ở một số nước khác thì không hẳn như vậy. Khi ta nói giống nhau, không có nghĩa là mọi công dân đều là người tốt mà chỉ có những người lãnh đạo quốc gia là có cả hai đức tính tốt mà thôi.