fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Chương VI

Sau khi đã xác định được các câu hỏi này, bước kế tiếp ta phải xét xem có một hay có nhiều hình thức chính quyền, và nếu mà có nhiều loại thì đó là những hình thức nào, có bao nhiêu loại và chúng khác nhau ra làm sao.

Một hiến pháp là sự sắp xếp cơ cấu quan chức trong một nước, nhất là cơ cấu [có quyền lực] cao nhất. Chính quyền có uy quyền tối thượng trong cả nước, và hiến pháp thực ra chính là chính quyền. Thí dụ, trong chế độ dân chủ, người dân là tối thượng, nhưng trong chế độ quả đầu, chỉ có một thiểu số là tối thượng; như thế, ta nói rằng hai hình thái chính quyền kể trên khác nhau, và cũng tương tự như vậy cho các trường hợp khác.

Trước hết, hãy xét xem mục đích của nhà nước là gì, và xã hội loài người đã được vận hành theo bao nhiêu hình thái chính quyền khác nhau. Như đã nói trước đây trong phần đầu của luận cương này, khi ta thảo luận về sự quản trị hộ gia đình và sự cai trị của người chủ gia đình, ta thấy con người là một sinh vật chính trị. Và do đó, người ta, dù khi không cần đến sự giúp đỡ của kẻ khác, vẫn mong muốn được sống quần tụ và gắn kết lại với nhau bởi những lợi ích chung mà khi sống với nhau trong một cộng đồng ai cũng được hưởng. Điều này chắc chắn là mục đích chính của cả cá nhân cũng như nhà nước. Thêm vào đó, cũng đơn giản chỉ vì sự sống thôi (trong đó con người có được những yếu tố cao nhã khi mà những điều xấu xa được cân bằng với những điều tốt đẹp của sự sống chung) mà con người tụ hội lại với nhau trong một cộng đồng chính trị. Và ta cũng thấy người ta sẵn sàng chịu đựng những đau khổ lớn lao chỉ để được sống còn, điều này cho thấy đời sống tự nó có sẵn những điều ngọt ngào và hạnh phúc.

Phân biệt các loại quyền uy không phải là một điều khó khăn vì ta đã thường định nghĩa các loại này trong những cuộc bàn luận công cộng. Uy quyền của người chủ đối với nô bộc, dù bản chất của chủ và tớ trong thực tế có cùng quyền lợi, vẫn được người chủ thi hành nhắm đến quyền lợi của mình là chính, nhưng nô bộc cũng được hưởng lợi theo, vì nếu mà nô bộc không còn nữa thì uy quyền của chủ nhân cũng mất theo. Còn quyền uy của người chủ gia đình mà ta vẫn thường gọi là quản trị gia đình, trước hết được thực thi nhắm đến quyền lợi của vợ và con hay vì quyền lợi của cả chủ gia đình lẫn vợ con, nhưng bản chất của uy quyền này vẫn là lo cho vợ và con trước, cũng giống như trong trường hợp thầy thuốc, huấn luyện viên thể dục, hay các ngành nghề khác là những nghề mang lại lợi ích cho người thực hiện một cách ngẫu nhiên.[1] Bởi vì không có lý do gì mà huấn luyện viên lại không chính mình tập luyện, và người lái thuyền lại không phải là một thành viên của thủy thủ đoàn. Huấn luyện viên và người lái thuyền quan tâm đến phúc lợi của những người mà họ có thẩm quyền, nhưng vì họ cũng là một thành viên trong số đó, cho nên họ cũng được hưởng quyền lợi do thẩm quyền của họ mang lại. Tương tự như vậy trong chính trị: khi một nhà nước được thiết lập trên nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, thì họ coi việc luân phiên giữ chức vụ trong chính quyền là việc làm tự nhiên và đúng đắn. Trước đây, ai cũng xem đó là một bổn phận tự nhiên khi thay nhau tham gia chính sự, vì khi mình nắm quyền và lo cho phúc lợi của người khác, thì khi họ nắm quyền cũng lo lại cho mình như vậy. Nhưng ngày nay không còn như thế nữa vì những lợi lộc do chức vụ mang lại, người ta cứ muốn ngồi mãi trên chiếc ghế quyền lực. Ta có thể ví những kẻ cai trị đó như những kẻ bệnh hoạn mà chiếc ghế quyền lực là phương thuốc giữ cho họ được khỏe mạnh. Và như thế thì đương nhiên họ phải tranh giành quyền chức. Kết luận của ta thật là rõ ràng: những chính quyền nào mà quan tâm đến phúc lợi chung của mọi người là những chính quyền được thiết lập đúng theo công lý, hiểu theo nghĩa nghiêm nhặt nhất, và đó là những chính quyền đúng đắn; còn những loại chính quyền nào mà chỉ lo cho quyền lợi của kẻ cai trị là những loại chính quyền đầy rẫy khuyết điểm và bại hoại, chính quyền của bạo quân và thần dân, [tương phản với] nhà nước là một cộng đồng của những người tự do.


[1] Quyền uy của người thầy thuốc đối với con bệnh là để chữa cho bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng khi “làm lợi” cho bệnh nhân, người thầy thuốc cũng được hưởng lợi cho chính mình qua tiền công chữa bệnh. Tương tự như vậy đối với các ngành nghề khác.