fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Sự độc tài

Tính bất di bất dịch của luật pháp không cho nó thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau; sự kiện này trong vài trường hợp có thể làm cho luật pháp trở nên tai hại, và trong cơn khủng hoảng, có thể làm cho quốc gia suy tàn. Thứ tự và tính chậm chạp của các thủ tục pháp lý đòi hỏi một khoảng thời gian mà nhiều khi hoàn cảnh không cho phép. Có vô số tình huống mà các nhà làm luật không tiên liệu nổi, và biết rằng ta không thể tiên liệu được mọi việc cũng là một phần không thể thiếu được khi tiên liệu.

Vậy nên thật là sai lầm nếu ta muốn làm cho các định chế chính trị mạnh mẽ đến độ ta không thể đình chỉ được hoạt động của chúng. Ngay cả Sparta đôi khi cũng ngưng thi hành luật pháp.

Tuy nhiên, chỉ có những nguy hiểm lớn lao nhất mới cân bằng được mối nguy hiểm làm thay đổi nền trật tự công cộng, và cái quyền thiêng liêng của luật pháp không bao giờ được ngưng thi hành, trừ trường hợp quốc gia đang bị nguy vong. Trong trường hợp hiếm có và hiển nhiên ấy, nền an ninh công cộng sẽ, qua một đạo luật đặc biệt, được ủy thác cho người xứng đáng nhất. Sự ủy thác này có thể được thi hành bằng hai cách tùy theo loại nguy hiểm nào.

Nếu gia tăng hoạt động của chính quyền là một biện pháp vừa đủ để đối phó với tình trạng đó, quyền hành được tập trung vào tay của một hay hai thành viên: trong trường hợp này, không phải là quyền lực của luật pháp bị thay đổi mà chỉ là [thay đổi] thể thức áp dụng luật. Mặt khác, nếu sự nguy hiểm đến độ mà chính cơ chế luật pháp lại là một chướng ngại cho sự bảo tồn luật pháp, thì phải bổ nhiệm một vị lãnh tụ tối cao: ông ta sẽ ngưng áp dụng toàn bộ hệ thống luật pháp và đình chỉ hành động của Hội đồng Tối cao trong một thời gian. Trong trường hợp như vậy, ý chí tập thể thật là rõ ràng, và hiển nhiên rằng ý muốn đầu tiên của dân chúng là mong muốn quốc gia không bị tiêu diệt. Vậy, việc ngưng quyền lập pháp không phải là hủy bỏ quyền này; [trong vai trò này,] người lãnh đạo tối cao này chỉ có thể làm cho luật pháp lặng tiếng chứ không thể nào lên tiếng thay cho luật pháp được; nhà lãnh đạo tối cao trấn áp luật pháp nhưng không [có quyền] thay mặt cho luật pháp. Nhà lãnh đạo tối cao có thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ quyền làm luật.

Phương pháp thứ nhất được Nguyên Lão Thượng Nghị Viện La Mã sử dụng khi, bằng một thể thức được thánh hóa, trao cho các bảo dân quan quyền gìn giữ an ninh của nền Cộng Hoà. Phương pháp thứ hai được sử dụng khi một trong hai bảo dân quan bổ nhiệm một nhà độc tài,[1] một tục lệ mà La Mã du nhập từ Alba.

Trong thời kỳ thứ nhất của nền Cộng Hoà, người ta rất nhiều lần cần đến sự chuyên chế, tại vì quốc gia chưa có một nền móng vững chắc để có thể tự bảo tồn bằng sức mạnh của hiến pháp của mình. Vì vào thời đó con người còn rất trọng đạo lý nên các sự phòng ngừa một nhà độc tài có thể lạm dụng quyền của mình hay là muốn kéo dài thời gian cai trị của mình trở nên không cần thiết. Ngược lại, dường như quyền hành to lớn đó lại trở thành một gánh nặng trên người được giao phó quyền này, và nhà độc tài [được chỉ định] tìm cách từ bỏ quyền ấy càng chóng càng tốt, như thể việc đại diện cho luật pháp là một chức vụ vừa quá rắc rối, vừa quá nguy hiểm.

Vậy thì điều làm tôi chống đối việc sử dụng thiếu thận trọng cái chức vụ tối cao này không phải là sự nguy hiểm của việc nó bị lạm dụng mà là sự việc làm hạ giá trị của nó. Bởi vì chừng nào mà người ta sử dụng nó một cách vô tội vạ trong các cuộc bầu cử, các buổi khánh thành, trong các nghi lễ, thì ta có thể sợ rằng nó không còn đáng được nể sợ nữa khi cần thiết, và sẽ quen xem nó như là một danh hiệu trống rỗng chỉ được dùng trong những lễ nghi vô nghĩa.

Vào cuối thời Cộng Hoà, dân La Mã trở nên thận trọng hơn, và thay vì sử dụng nền chuyên chế một cách quá rộng rãi, thì bây giờ họ lại kiềm chế sự sử dụng nó một cách quá mức. Ta dễ dàng thấy rằng sự lo sợ của họ là vô căn cứ, rằng sự yếu kém của kinh đô La Mã che chở nó chống lại các quan chức đang sống trong đó; rằng một nhà độc tài, trong vài trường hợp, có thể bảo vệ tự do công cộng nhưng không bao giờ có thể làm hại đến nó; và rằng các xiềng xích trói buộc La Mã không phải phát xuất ngay tại Roma mà từ trong quân đội. Sự chống cự yếu ớt của Marius với Sulla, và của Pompey chống Caesar cho ta thấy rõ rằng ta có thể chờ đợi được gì ở các chức quyền tại chỗ để chống với quyền lực đến từ bên ngoài.

Sự nhận thức sai lầm này dẫn dân La Mã đến việc phạm nhiều lỗi lầm lớn; ví dụ như là sự thất bại trong việc bổ nhiệm một nhà độc tài trong vụ âm mưu Catalina. Bởi vì sự việc này chỉ ảnh hưởng đến La Mã và một thành phố nào đó ở Ý, nhà độc tài, với quyền lực vô hạn được luật pháp ủy thác cho, có thể dẹp tan dễ dàng vụ âm mưu đó; nhưng vụ âm mưu này chỉ được dẹp tan bởi một sự phối hợp của may mắn mà sự thận trọng của con người không thể ngờ đến.

Thay vì bổ nhiệm một nhà độc tài, Nguyên Lão Thượng Nghị Viện trao trọn quyền hành cho các bảo dân quan; Cicero (một trong những bảo dân quan) vì muốn hành động cho có hiệu quả, đã bị bắt buộc vượt quá quyền hạn của mình trên một điều quan trọng nào đó; và nếu, trong niềm vui đầu tiên, việc làm của ông ta được hoan hô, thì sau đó ông ta bị trách cứ vì máu của dân chúng đã đổ trong vụ vi phạm luật pháp này.[a] [Nếu Cicero đã được bổ nhiệm làm một nhà độc tài,] ta không thể trách cứ một nhà độc tài vì việc xảy ra như vậy. Nhưng tài hùng biện của các bảo dân quan đã thắng; tuy rằng là dân La Mã, ông ta thích vinh quang cá nhân hơn là yêu tổ quốc, và thay vì tìm kiếm một cách hợp pháp nhất và an toàn nhất để cứu quốc gia, ông ta lại muốn đoạt hết vinh quang trong việc này.[2] Vì vậy Cicero được tôn vinh một cách chính đáng như là người giải phóng La Mã nhưng cũng lại bị trừng phạt một cách chính đáng vì đã vi phạm luật pháp. Sự triệu hồi ông ta có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì chắc chắn đấy chỉ là một hành vi tha tội.

Dù sự tin cậy quan trọng này được giao phó bằng cách nào chăng nữa việc quan trọng là thời gian ấn định phải rất ngắn và không thể gia hạn. Trong các cuộc khủng hoảng dẫn đến sự chấp nhận một nhà độc tài, quốc gia hoặc là bị tiêu diệt hoặc là được cứu; và qua giai đoạn khẩn cấp, nhà độc tài trở nên hoặc chuyên chế hoặc không còn cần thiết nữa. Tại La Mã, các nhà độc tài chỉ được phép cầm quyền trong thời gian 6 tháng, một số đông từ chức trước khi hết hạn. Nếu thời gian dài hơn, họ có thể bị cám dỗ kéo dài nó hơn nữa như là các Thập Quan Viên đã làm khi được giao quyền trong một năm. Nhà độc tài chỉ có thì giờ làm công việc mà ông ta được giao phó, và không có thì giờ để nghĩ đến các công việc lâu dài hơn.

© Học Viện Công Dân 2007

 


[1] Sự bổ nhiệm này được thực hiện một cách bí mật vào ban đêm thể như là người ta xấu hổ khi đặt một con người lên trên pháp luật.

[2] Đây là việc mà ông ta không chắc chắn được nếu ông ta đề nghị bỏ phiếu cho một nhà độc tài, ông ta không dám tự đề nghị mình, và cũng không chắc chắn các đồng nghiệp của ông sẽ bỏ phiếu cho ông.

[a] Hành quyết phạm nhân mà không đưa ra xét xử theo luật pháp.