fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 7

Tòa Kiểm duyệt

Cũng giống như ý chí tập thể được công bố qua luật pháp, sự phán xét của công chúng được công bố qua tòa kiểm duyệt: công luận là một hình thức luật pháp được người phụ trách kiểm duyệt thi hành; và cũng như người cai trị, người phụ trách kiểm duyệt chỉ áp dụng luật pháp vào những trường hợp đặc thù mà thôi.

Toà kiểm duyệt không phải là trọng tài của công luận; nó chỉ là người nói lên tiếng nói của công luận mà thôi, và khi nó rời xa vai trò này, thì các quyết định của nó đều vô giá trị và không có hiệu quả.

Thật là vô ích khi muốn phân biệt đạo đức của một quốc gia với đạo đức của dân chúng nước đó; [vì] cả hai đều bắt nguồn từ một nguyên tắc chung, và trộn lẫn vào với nhau. Trong tất cả mọi dân tộc trên trái đất, không phải là thiên nhiên nhưng chính là dư luận đã khiến họ chọn lấy những gì được xem là thú vui. Hãy chỉnh sửa dư luận của con người, và đạo đức của họ sẽ tự thanh lọc lấy. Con người luôn luôn thích những điều tốt đẹp hay cái gì mà họ nghĩ là tốt đẹp; nhưng ngưòi ta phạm sai lầm khi phán đoán điều gì là tốt đẹp. Cho nên phải chỉnh sửa lại sự phán đoán đó. Xét đoán về đạo đức chính là xét đoán xem điều gì được tôn trọng; và xét đoán xem điều gì được tôn trọng thì hãy xem công luận nào đã được coi như là luật pháp.

Công luận của một dân tộc xuất phát từ hiến pháp của dân tộc đó; tuy rằng luật pháp không quy định đạo đức, nhưng chính sự lập pháp sanh ra đạo đức. Khi sự lập pháp yếu kém thì đạo đức thoái hóa; và trong những trường hợp như vậy, sự phán xét của các người phụ trách kiểm duyệt cũng không làm được gì hơn những gì mà luật pháp đã thất bại.

Từ việc đó, ta có thể suy ra rằng sự kiểm duyệt có thể có ích lợi cho sự gìn giữ đạo đức, nhưng không bao giờ có thể phục hồi đuợc nó. Hãy bổ nhiệm những người phụ trách kiểm duyệt khi luật pháp còn mạnh; khi luật pháp đã mất hiệu lực, mọi hy vọng đều biến mất; không một quyền lực hợp pháp nào có thể giữ lại sức mạnh của mình khi mà luật pháp đã mất đi quyền lực của chính nó.

Sự kiểm duyệt duy trì đạo đức bằng cách ngăn ngừa công luận không trở nên đồi bại, bằng cách gìn giữ sự ngay thẳng của nó qua những áp dụng [luật pháp một cách] khôn ngoan, và đôi khi ngay cả bằng cách chấn chỉnh công luận khi nó chưa thành hình. [Như] sự sử dụng các người phụ tá trong các cuộc đấu gươm – một hình thức đấu tranh được thịnh hành quá mức ở nước Pháp – đã bị loại bỏ vì các chữ sau đây trong một sắc chỉ của nhà vua: “Còn về phần những kẻ hèn nhát đã gọi đến người phụ tá.” Lời phán đoán này đi trước sự phán đoán của dân chúng và đã tức khắc trở thành công luận [rằng những kẻ khi đấu gươm mà nhờ đến phụ tá là những kẻ hèn nhát]. Nhưng khi các sắc lệnh xuất phát từ cùng một nguồn gốc cho rằng đấu gươm là một hành vi hèn nhát – điều này rất đúng – nhưng vì dư luận quần chúng đã quen với cách thức đấu gươm để giải quyết mâu thuẫn, thì công chúng không thèm để ý đến sắc lệnh này nữa.

Tôi đã nói ở một chỗ khác rằng vì dư luận công cộng không chịu một sự bó buộc nào,[1] nên không cần có sự hiện diện của dư luận trong toà án được thiết lập để đại diện nó. Ta không thể nào không kính phục sự khéo léo của dân La Mã và của dân Lacedaemonians trong việc sử dụng phương cách ấy, một phương cách mà chúng ta, các dân tộc hiện đại, đã làm mất hoàn toàn.

Xưa kia có một người xấu trình bày một ý kiến tốt cho Hội Đồng thành phố Sparta. Các Bảo dân quan (Ephores) không đếm xỉa gì đến người này và cho một công dân đức hạnh khác đưa ra ý kiến đó. Biết bao vinh hạnh cho người này và biết bao nhục nhã cho người kia, và không có một lời khen hay một lời chê bai cho bất cứ ai! Vài người say rượu từ Samos[2] làm ô uế toà án của các Bảo dân quan: ngày hôm sau, một sắc lệnh cho phép dân Samians được làm như thế. Một sự trừng phạt thật sự có thể là không quá nghiêm khắc hơn là một sự bỏ qua như thế.[a] Khi mà Sparta quyết định rằng cái gì đúng hay sai thì Hy Lạp không chống lại các phán quyết đó.


[í] Trong phần này tôi chỉ lưu ý đến một đề mục mà tôi đã đề cập đến một cách dài dòng trong bức thư của tôi gởi cho ông D’Alambert.

[2] Họ là người của một hòn đảo khác. Nhưng sự tế nhị của tiếng Pháp cấm không cho phép tôi nói tên thật của đảo ấy trong trường hợp này.

[a] Điều này tạo nên một công luận là dân chúng thuộc đảo Samos là những kẻ kém văn minh, phóng uế nơi công cộng.