fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 8

Tôn giáo dân sự

 

Thoạt tiên, con người chỉ có thần thánh chứ không có vua chúa, và chỉ có thần quyền thay vì chính quyền. Dân chúng lý luận như Caligula,[a] và vào thời kỳ đó họ lý luận đúng. Phải mất một thời gian dài cho tư tưởng thay đổi để con người đi đến quyết định chấp nhận cho người đồng loại của mình làm người cai trị, và hy vọng rằng họ sẽ có lợi khi làm như vậy.

Bắt đầu từ sự kiện mỗi xã hội [đã có tổ chức chính trị] tôn sùng một bậc thần thánh, cho nên có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu thần thánh. Hai dân tộc xa lạ nhau và luôn luôn thù nghịch nhau không thể nào cùng công nhận một chúa tể: hai quân đội đang giao chiến với nhau không thể cùng tuân lệnh một vị chỉ huy. Vì vậy, từ sự phân chia ra nhiều quốc gia nẩy ra thuyết nhiều thần thánh, và sự bất khoan dung về thần quyền và về dân sự dĩ nhiên chỉ là một, như sẽ được trình bày sau đây.

Người Hy Lạp nghĩ là họ đã khám phá ra các dân tộc man rợ cũng thờ phượng các thần linh của họ. Điều hoang tưởng này bắt nguồn từ tập quán tự xem mình là chủ tể tự nhiên của các dân tộc này. Nhưng trong thời đại này thật là lố bịch khi các học giả [mất công] phân biệt chân tướng của các vị thần linh của những nước khác nhau, cứ như thể thần Moloch, Saturn và Chronos có thể cùng là một vị, hay thần Baal của dân Phoenician, thần Zeus của dân Hy Lạp và thần Jupiter của dân La Mã cùng là một vị, hay là các thần thánh trong huyền thoại có thể có một điểm chung nào đó, chỉ có tên là khác nhau!

Nếu ta hỏi rằng tại sao trong thời kỳ đa thần giáo, khi mỗi quốc gia có tôn giáo và thần thánh riêng mà lại không có chiến tranh tôn giáo, thì tôi xin trả lời rằng chính vì mỗi quốc gia có sự thờ phụng cũng như có chính quyền riêng rẽ cho nên không có sự phân biệt giữa các thần thánh và luật pháp. Chiến tranh về chính trị cũng là chiến tranh tôn giáo; có thể nói rằng các lãnh địa của các thần thánh cũng được ấn định bởi các biên giới quốc gia. Thần linh của một dân tộc không có quyền hành gì đối với một dân tộc khác. Các vị thần thánh của các dân dị giáo không có lòng ganh ghét; các vị thần này tự phân chia nhau thế giới để cai quản ngay cả Moses và dân Do Thái đôi khi cũng chấp nhận sự kiện đó khi nói về Đức Chúa của Israel. Thật vậy, [dù] dân Do Thái không chấp nhận quyền uy của các vị thần của dân Canaan, một dân tộc bị đày ải và sắp bị tiêu diệt, để họ chiếm lấy đất đai ấy; nhưng ta hãy nhớ cách họ nói đến các vị thần thánh của những dân tộc láng giềng mà họ không được quyền xâm chiếm. Jephthah nói với dân Ammonites rằng: “Những đất đai của thần Chamos đã cho các người, các người không có quyền chính đáng giữ lấy hay sao? Chúng tôi có những quyền như vậy đối với các đất đai mà thần thánh của chúng tôi đã chiến thắng và giành được.”[í]Ở đây tôi nghĩ có sự công nhận rằng các quyền của thần Chamos và của Đức Chúa của dân Do Thái đều cùng một bản chất.

Nhưng khi dân Do Thái trở thành thần dân của các vị vua Babylon, và vì thế cũng là thần dân của Syria, họ cương quyết từ chối không nhìn nhận vị thần thánh nào khác ngoài Đức Chúa của họ, thì sự từ chối đó được xem như là một vụ nổi loạn chống những kẻ đã chinh phục họ, và họ bị khủng bố, ngược đãi như ta đã từng thấy trong lịch sử của họ, một sự kiện chưa từng xảy ra trước khi Cơ-đốc Giáo ra đời.[2]

Như vậy, mỗi tôn giáo bị ràng buộc chặt chẽ vào luật pháp của quốc gia nên không có cách nào làm cho một dân tộc thay đổi tín ngưỡng, ngoài cách nô lệ hoá dân tộc đó, và không thể có nhà truyền giáo mà chỉ có kẻ đi chinh phục. Và vì luật pháp của kẻ chiến thắng bắt buộc kẻ bại trận phải đổi tôn giáo, nên cần phải có chiến thắng trước khi đưa ra sự thay đổi đó. Thay vì con người đánh nhau cho thần thánh, thì như trong chuyện của Homer các thần thánh đánh nhau cho con người; mỗi người cầu xin thần thánh cho mình chiến thắng, và trả ơn thần thánh bằng cách thiết lập những bàn thờ mới. Trước khi chiếm một thành phố, dân La Mã kêu gọi các thần thánh từ bỏ thành phố đó: và khi dân La Mã cho phép dân Tarentines giữ lại các thần thánh bị lăng nhục của họ, thì dân La Mã xem các thần thánh đó như là những thần dân của các thần thánh La Mã và bị buộc phải thần phục họ. Kẻ bại trận được giữ lại thần thánh của mình cũng như được giữ lại luật pháp vậy. Một vòng hoa chiến thắng tặng cho thần Jupiter ở điện Capitol thường là vật cống duy nhất mà dân La Mã bắt kẻ bại trận phải nộp.

Sau hết, người La Mã đã phổ biến tín ngưỡng và các thần thánh của mình trên đế quốc rộng lớn. Nhiều khi, người La Mã lại cũng thu nhận các dân tộc chiến bại lẫn các thần thánh của họ. Và rồi tất cả các dân tộc sống trong đế quốc mênh mông này, tại bất cứ chỗ nào, thấy mình có cùng vô số thần thánh và tín ngưỡng giống nhau; và đó là lý do tại sao dị giáo trở thành một tôn giáo duy nhất trên toàn thế giới.

Chính trong các hoàn cảnh đó mà Chúa Jesus thiết đặt trên trái đất một vương quốc tinh thần; sự kiện này, vì tách rời hệ thống thần học ra khỏi hệ thống chính trị, làm cho quốc gia không còn thuần nhất nữa và đem đến những sự chia rẽ nội bộ không bao giờ ngưng làm xáo trộn các dân tộc theo Cơ-đốc giáo. Vì ý niệm mới mẻ này về một vương quốc ở bên kia thế giới không bao giờ được các dân vô đạo [không theo Cơ-đốc giáo] chấp nhận, các dân tộc này luôn luôn xem các giáo dân Cơ-đốc giáo như là những kẻ nổi loạn thật sự, những kẻ chỉ giả vờ phục tùng và chỉ chờ cơ hội để trở nên độc lập và tự chủ; và cuối cùng, nhờ lừa đảo, họ đã cướp quyền hành mà họ giả vờ tôn trọng khi còn yếu kém. Đó là ngưyên nhân của những cuộc đàn áp tôn giáo.

Những gì mà dân dị giáo lo sợ đã xảy ra. Và tất cả mọi việc thay đổi: các giáo dân Cơ-đốc giáo trước khiêm tốn nay thay đổi cách nói, và không lâu sau đó, dưới quyền của một vị lãnh tụ bằng xương bằng thịt, người ta thấy cái gọi là vương quốc ở bên kia thế giới trở thành một nền chuyên chế hung bạo nhất trên thế giới này.

Tuy nhiên, vì luôn luôn có một người cai trị và có luật pháp dân sự, sự hiện diện của hai quyền hành và sự xung đột về quyền lực pháp lý làm cho các quốc gia theo Cơ-đốc giáo không thể nào có một chính thể tốt được; và con người không bao giờ tìm ra được lý do chính đáng là mình phải tuân theo vị cầm quyền hay vị giáo sĩ.

Hơn nữa nhiều dân tộc ngay cả ở Âu Châu hay các nước láng giềng đã không thành công trong việc gìn giữ hay tái lập hệ thống cũ: nhưng tinh thần của Cơ-đốc giáo đã thắng thế ở khắp mọi nơi. Có một tôn giáo đã giữ được hoặc khôi phục lại được tính cách độc lập với Hội đồng Tối cao, và không cần có một sự liên hệ nào giữa tôn giáo và nhà nước. Mahomet có một cái nhìn rất sáng suốt, và liên kết hệ thống chính trị của ông ta một cách rất chặt chẽ; chừng nào mà chính quyền do ông thiết lập còn tiếp tục tồn tại dưới quyền của các vua Hồi là những người kế nhiệm ông, thì chính quyền là một khối duy nhất và, trên chiều hướng này, là một chính quyền tốt. Nhưng dân Á Rập đã trở nên thịnh vượng, có học thức, văn minh, buông thả và nhu nhược, và đã bị dân man rợ chinh phục: sự chia rẽ giữa hai quyền lực lại bắt đầu diễn ra; tuy rằng đối với dân theo Hồi giáo sự chia rẽ này ít rõ ràng hơn đối với dân theo Cơ-đốc giáo nhưng sự chia rẽ đó thật sự có, nhất là trong môn phái Ali và trong vài quốc gia, ví dụ Ba-tư, sự chia rẽ này vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Trong thời đại chúng ta đang sống, các vị vua Anh Quốc tự phong cho mình là những người đứng đầu Giáo Hội và các Nga Hoàng cũng vậy: nhưng với chức vụ này họ trở thành những người lãnh đạo hơn là những giáo sĩ; họ không có được cái quyền thay đổi Giáo Hội hơn là quyền duy trì nó: họ không phải là những người làm luật mà chỉ là những người cai trị. Ở bất cứ xứ nào mà giới tu sĩ tạo thành một cơ cấu,[3] thì ở đó họ vừa là người cai trị vừa là người làm luật. Vì vậy [dân ở những xứ đó] có hai quyền lực, hai vì vua, ở Anh Quốc, ở Nga, cũng như ở các chỗ khác.

Trong tất cả các tác giả Cơ-đốc giáo, triết gia Hobbes là người duy nhất đã thấy điều tai hại đó và phương cách để sửa chửa, và đã dám đề nghị phối hợp hai đầu của con chim đại bàng lại,[b] cũng như sự khôi phục xuyên qua sự đoàn kết chính trị; không có sự đoàn kết đó thì không có một quốc gia hay một chính quyền nào có thể được thiết lập một cách hoàn hảo được. Nhưng Hobbes phải thấy rằng cái tinh thần khống chế của Cơ-đốc giáo không thể nào thích ứng với hệ thống do ông đề nghị, và rằng quyền lợi của giới giáo sĩ luôn luôn lớn hơn quyền lợi của quốc gia. Chính ra không phải sự sai lầm và sự ghê gớm trong thuyết chính trị của ông ta đã làm cho thuyết ấy bị ghét bỏ, mà chính là cái đúng và sự thật của nó.[4]

Tôi tin rằng nếu sự nghiên cứu lịch sử được phát sinh từ quan điểm này, người ta sẽ dễ dàng chối bỏ các ý kiến trái ngược của Bayle và của Warburton. Một ngưòi cho rằng tôn giáo không mang lợi ích gì cho cơ cấu chính trị, trong khi người kia cho rằng Cơ-đốc giáo là nguồn ủng hộ mạnh mẽ nhất cho nó. Chúng ta phải chứng minh cho người thứ nhất thấy rằng không có một quốc gia nào có thể được thành lập mà lại không có một nền móng tôn giáo; với người thứ hai, rằng luật của Cơ-đốc giáo, nếu bị suy giảm, sẽ làm hại nhiều hơn là làm lợi cho sự vững mạnh của cơ cấu quốc gia. Để cho rõ ràng hơn, tôi chỉ cần nói chính xác hơn đến những ý niệm quá mơ hồ về tôn giáo liên hệ đến vấn đề này.

Tôn giáo, đối với xã hội, một cách tổng quát cho cả loài người hay một cách riêng rẽ cho mỗi xã hội, có thể được chia ra làm hai loại: tôn giáo của con người và tôn giáo của [công] dân. Tôn giáo thứ nhất không có đền thờ, không có bàn thờ, không có nghi lễ và chỉ được hạn chế trong sự thờ phượng môt vị thần tối cao trong tâm trí và trong những bổn phận vĩnh cửu của đạo lý: đây là tôn giáo thuần túy và giản dị của sách Phúc Âm; đó là một thuyết hữu thần thực sự, cái có thể gọi là luật thiêng liêng của thiên nhiên. Tôn giáo thứ hai được hệ thống hoá chỉ trong một quốc gia và làm cho xứ này có những thần thánh và những thần thành hoàng; tôn giáo này có những giáo lý, nghi lễ và sự thờ cúng bên ngoài do luật pháp quy định; ở ngoài quốc gia theo tôn giáo đó, tất cả thế giới được xem như là ngoại đạo, xa lạ và man rợ; các bổn phận và các quyền của con người chỉ được nới rộng đến các bàn thờ của tôn giáo đó mà thôi. Tôn giáo này là tôn giáo của các dân tộc thời nguyên thủy mà ta có thể coi như một hình thức luật pháp dân sự hoặc luật pháp được quy định thành văn bản.

Có một tôn giáo thứ ba lạ lùng hơn, ban bố cho con người hai nền luật pháp, hai nhà lãnh tụ và hai quốc gia; tôn giáo này bắt con người tuân theo những bổn phận trái ngược nhau, và làm cho họ không thể nào trung thành với tôn giáo và bổn phận công dân của mình. Đó là tôn giáo của các vị Lạt Ma, của dân Nhật Bổn và của Thiên Chúa giáo La Mã mà ta có thể gọi tôn giáo này là tôn giáo của các giáo sĩ. Nó đưa đến một thứ thần quyền hỗn hợp, chống xã hội, không có tên gọi.

Về khía cạnh chính trị, tất cả ba tôn giáo đó đều có những nhược điểm của chúng. Tôn giáo thứ ba rõ ràng là tệ hại đến nỗi ta không nên phí thì giờ để chứng minh điều đó. Tất cả những điều gì phá hoại sự đoàn kết xã hội đều không có giá trị; tất cả những định chế làm cho con người tự mâu thuẩn với mình đều không có giá trị.

Tôn giáo thứ hai có điều tốt là nó hợp nhất sự thờ cúng thần linh với lòng yêu chuộng luật pháp và khi biến quốc gia trở thành đối tượng của sự sùng bái của các công dân; tôn giáo này dạy cho họ rằng phục vụ quốc gia là phục vụ đấng thần linh bảo hộ quốc gia. Đó là một loại cai trị bằng thần quyền trong đó có thể không có vị giáo chủ mà chỉ có người cai trị, và không có giáo sĩ ngoại trừ các quan chức. Chết vì tổ quốc trở nên tử vì đạo; xâm phạm vào luật pháp là bất kính đối với thần linh; và đưa một tội nhân ra chịu sự nguyền rủa của công chúng là đưa kẻ đó ra hứng chịu sự giận dữ của thần thánh: sacer estod.

Về mặt khác, tôn giáo đó có hại vì nó được xây dựng trên dối trá và sai lầm, và nó lừa dối người ta, làm cho người ta thành nhẹ dạ, mê tín và làm chìm đắm sự thờ phụng thần linh trong những nghi lễ rỗng tuếch. Tôn giáo này lại còn tai hại khi nó trở thành chuyên chế và độc quyền, và làm cho dân chúng trở nên khát máu và cố chấp; vì vậy nó kích thích và dẫn đến sự giết chóc, và xem sự chém giết bất cứ ai không tin nơi thần thánh của mình là một hành vi thiêng liêng. Kết quả là đặt một dân tộc như vậy trong một tình huống chiến tranh tự nhiên với tất cả những dân tộc khác, một việc rất nguy hại cho sự an ninh của chính mình.

Vậy nên chỉ còn lại tôn giáo của con người hay là Cơ-đốc giáo-không phải là Cơ-đốc giáo của ngày nay mà là Cơ-đốc giáo của sách Phúc Âm. Bằng tôn giáo thánh thiện, cao thượng và chân thật ấy, tất cả mọi người là con của một Chúa Trời duy nhất, xem nhau như là anh em, và xã hội đã kết hợp họ lại cho đến khi chết cũng không tan rã.

Nhưng tôn giáo đó không có một sự liên hệ cụ thể nào với cơ cấu chính trị, nên không làm cho luật pháp mạnh thêm chút nào ngoài sức mạnh sẵn có của luật pháp; và vì thế, mà một trong những sợi dây quan trọng ràng buộc một xã hội không còn hiệu lực nữa. Thêm vào đó, thay vì kết chặt tình thương của các công dân với tổ quốc, hậu quả là tôn giáo đó làm cho các công dân xa lánh tổ quốc cũng như xa lánh mọi điều trần tục khác. Tôi không thấy điều gì trái ngược với tinh thần xã hội hơn điều này.

Người ta nói rằng một dân tộc gồm toàn người theo Cơ-đốc giáo chân chính sẽ kết thành một xã hội hoàn hảo mà người ta có thể tưởng tượng được. Tôi chỉ thấy có một khó khăn lớn trong giả thuyết ấy: đó là một xã hội của những Cơ-đốc nhân chân chính chứ không phải là xã hội của loài người.

Tôi nói thêm rằng một xã hội như thế với tất cả sự hoàn hảo của nó sẽ không phải là một xã hội mạnh nhất hay bền vững nhất: sự kiện hiển nhiên là vì quá hoàn hảo nên nó hủy hoại mọi dây liên kết; cái nhược đìểm làm tan vỡ xã hội đó chính là sự hoàn hảo của nó.

Tất cả mọi người đều phải làm bổn phận của mình; dân chúng phải tuân theo pháp luật, người cai trị phải công bằng và trung chính; các quan toà ngay thẳng và liêm khiết; các binh sĩ phải không sợ chết; trong xã hội không có sự kiêu căng và xa hoa. Tất cả những điều ấy đều tốt, nhưng ta hãy nhìn xa hơn nữa.

Cơ-đốc giáo là một tôn giáo hoàn toàn thuộc về tinh thần, chỉ bận tâm đến các điều trên thiên đường; tổ quốc của Cơ-đốc nhân không ở trên trái đất này. Họ có làm bổn phận của họ đấy, nhưng họ làm một cách rất thờ ơ, không lưu ý đến kết quả tốt hay xấu của việc làm của họ. Miễn rằng họ không có điều gì để tự trách mình, họ thờ ơ không cần biết xem mọi việc ở trên đời này trở nên tốt hay xấu. Nếu quốc gia thịnh vượng, họ hầu như không muốn chia sẻ hạnh phúc chung, vì rằng họ không dám tự hào về vinh quang của tổ quốc; nếu quốc gia suy vong, họ cũng cứ ngợi khen bàn tay của Chúa đã trừng phạt trên dân tộc họ.

Muốn giữ cho quốc gia được thái bình và muốn duy trì sự hoà hợp, tất cả công dân không trừ một ai phải là những Cơ-đốc nhân tốt; nếu chẳng may có một người nào kiếm tư lợi hay có một kẻ đạo đức giả, một kẻ như Catalina hay là một Cromwell chẳng hạn, chắc chắn kẻ đó sẽ lợi dụng đức tin của các đồng bào ngoan đạo của mình. Lòng bác ái của Cơ-đốc giáo không cho phép nghĩ xấu về người khác. Khi nào mà kẻ đó bằng mưu mẹo tìm thấy được cách tài tình để đánh lừa họ và đoạt được một phần quyền lực công cộng thì kẻ đó sẽ thiết lập một chức vị ngay. Chúa muốn chúng ta kính trọng kẻ đó: chẳng bao lâu kẻ đó biến thành người nắm quyền lực, và đó là ý Chúa mà chúng ta phải vâng lời hắn. Kẻ cầm quyền đó có lạm dụng quyền thế chăng? Đó là cái roi mà Chúa dùng để phạt con cái mình. Người ta đắn đo ngại ngùng nếu phải đánh đuổi kẻ cướp quyền vì sự yên tĩnh công cộng sẽ bị xáo trộn, bạo lực sẽ được sử dụng và máu sẽ đổ; tất cả các việc đó không thích hợp với sự hiền hoà của Cơ-đốc giáo; và chung quy trong cõi đời khổ ải này, làm con người tự do hay làm nô lệ thì có sao đâu? Việc cốt yếu là được lên Thiên Đàng, và sự nhẫn nhục lại là một phương tiện khác nữa để đạt đến mục đích ấy.

Nếu chiến tranh xảy ra với một quốc gia khác, các công dân sẵn sàng ra trận; không một ai nghĩ đến chạy trốn; họ làm bổn phận của họ nhưng không say mê chiến thắng; họ biết cách chết hơn là biết cách để chiến thắng. Đối với họ sự thắng hay bại, có nghĩa gì đâu? Chúa há chẳng biết rõ hơn họ những gì mà họ cần đến hay sao? Chúng ta hãy thử nghĩ xem một kẻ thù kiêu hãnh, dũng mãnh và hăng say sẽ lợi dụng sự nhẫn nhục của họ như thế nào? Ta hãy cho họ đối diện với những dân tộc hào phóng, đầy lòng khao khát chiến thắng và lòng ái quốc; ta hãy tưởng tượng các cộng hoà theo Cơ-đốc giáo đối đầu với Sparta hay La Mã; các dân ngoan đạo Cơ-đốc giáo sẽ bại trận, bị đè bẹp và bị tiêu diệt trước khi họ có thì giờ hồi tỉnh, hay là họ sẽ được sống sót chỉ vì kẻ thù khinh rẻ họ. Tôi cho rằng lời thề của các binh sĩ của Fabius là một lời thề đầy ý nghĩa: họ không thề chiến thắng hay chết, mà thề sẽ trở về trong chiến thắng và họ đã giữ lời. Cơ-đốc nhân sẽ không bao giờ thề như vậy, vì như vậy họ cho là thách thức Thiên Chúa.

Nhưng tôi đã lầm khi nói đến một nền Cộng hoà Cơ-đốc giáo; cả hai từ này hoàn toàn tách biệt nhau và không thể gom lại thành một. Cơ-đốc giáo chỉ giảng dạy về sự quy phục và sự lệ thuộc. Tinh thần của tôn giáo này thuận lợi cho sự chuyên chế đến mức luôn luôn bị thể chế này lợi dụng. Những Cơ-đốc nhân chân chính sinh ra để làm nô lệ; họ biết vậy nhưng chẳng hề lưu ý đến việc đó: đời sống ngắn ngủi này không đáng kể dưới mắt của họ.

Người ta sẽ nói với tôi rằng binh sĩ theo Cơ-đốc giáo rất giỏi. Tôi phủ nhận điều này. Hãy cho tôi một ví dụ. Về phần tôi, tôi không biết một binh sĩ Cơ-đốc giáo nào cả. Người ta sẽ nói với tôi về các cuộc viễn chinh của các Thập Tự Quân. Tôi không tranh luận về giá trị của các Thập Tự Quân. Tôi chỉ trả lời rằng chính ra họ không phải là những binh sĩ theo Cơ-đốc giáo mà là những binh sĩ của các giáo sĩ, là những công dân của giáo hội. Họ chiến đấu cho tổ quốc tinh thần mà giáo hội đã biến thành thế tục, bằng cách này hay cách khác. Nếu ta hiểu cho đến ngọn nguồn, sự kiện này bắt nguồn từ dị giáo: vì sách Phúc Âm không tạo ra một tôn giáo riêng rẽ cho một quốc gia, nên đối với Cơ-đốc nhân không thể có cái gọi là thánh chiến.

Dưới thời các vị vua theo dị giáo, các binh sĩ Cơ-đốc giáo rất can đảm; tác giả Cơ-đốc giáo nào cũng xác nhận điều này và tôi tin đó là sự thật; đó là một cách để kích thích binh sĩ chống lại quân dị giáo. Khi mà các vị vua đó theo Cơ-đốc giáo thì sự ganh đua này không còn cần nữa và, khi thập tự giá thay chỗ cho con đại bàng thì sự dũng cảm của binh sĩ La Mã cũng hoàn toàn biến mất.

Nhưng ngoài những nhận xét về chính trị, chúng ta hãy kiểm lại xem “quyền” là gì để từ đó đặt ra những nguyên tắc cho điều quan trọng này. Cái quyền mà khế ước xã hội trao cho Hội đồng Tối cao đối với thần dân không thể vượt qua giới hạn của công ích.[5] Như vậy, các thần dân chỉ phải chịu trách nhiệm với Hội Đồng Tối Cao về ý kiến của họ, khi ý kiến đó liên hệ đến cộng đồng. Điều quan trọng đối với cộng đồng là mỗi công dân phải theo một tôn giáo để buộc họ phải yêu mến các nghĩa vụ của mình; nhưng các giáo điều của tôn giáo đó chỉ được quốc gia và dân chúng quan tâm đến khi nó có liên hệ đến luân lý và các bổn phận mà kẻ theo tôn giáo đó cam kết thực hiện đầy đủ đối với người khác. Ngoài ra, mỗi người có thể có những ý kiến riêng tư mà Hội đồng Tối cao không cần biết đến bởi vì Hội đồng Tối cao không có quyền hành gì đối với thế giới bên kia; số phận của các thần dân trong đời sau ra sao cũng không phải là mối lo của Hội Đồng Tối Cao, miễn hồ họ là những công dân tốt trong cõi đời hiện tại .

Cho nên cần phải có một sự tuyên xưng vào các niềm tin dân sự do Hội Đồng Tối Cao quy định các điều lệ, không hẳn như các giáo điều tôn giáo nhưng là một thứ lương tâm xã hội mà một công dân tốt hay một thần dân trung thành phải có.[6] Tuy không bắt buộc ai cũng phải tin vào tôn giáo dân sự đó, nhưng ai không tin có thể bị trục xuất ra khỏi quốc gia, không phải vì vô thần mà vì chống xã hội, vì không thật lòng yêu chuộng luật pháp và công lý, và vì khi cần thiết không hy sinh mạng sống cho bổn phận. Nếu người nào, sau khi đã công khai chấp nhận các giáo điều ấy mà có thái độ không tin tưởng vào các điều ấy thì ta hãy buộc tội tử hình kẻ đó: kẻ đó đã phạm một tội tệ hại nhất, tội đã nói dối trưóc pháp luật.

Các giáo điều của tôn giáo dân sự cần phải ít, giản dị và viết thành văn một cách chính xác, không cần được giải thích hoặc bình luận thêm. Những giáo điều tích cực cần có là sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa toàn năng, toàn trí và nhân lành, ban niềm hạnh phúc cho kẻ xứng đáng, trừng phạt kẻ phạm tội, công nhận sự thiêng liêng của khế ước xã hội và của luật pháp. Về các giáo điều tiêu cực, tôi chỉ hạn chế vào một điều: đó là không chấp nhận tính không khoan dung, một đặc điểm của các tôn giáo mà ta đã loại bỏ.

Theo tôi những ai phân biệt sự không khoan dung giữa dân sự và tôn giáo là sai lầm. Hai điều đó không thể tách rời nhau. Ta không thể sống yên ổn với những kẻ mà ta cho là bị phạm tội phải sa địa ngục; yêu thương những kẻ đó, những kẻ đã bị Chúa trừng phạt, là ghét bỏ Chúa: ta nhất định phải cứu rỗi họ, hoặc phải làm cho họ đau khổ. Bất cứ ở nơi nào mà có sự không khoan dung tôn giáo hiện diện thì nơi đó chắc chắn sẽ có những hậu quả về dân sự;[7] và khi mà những hậu quả đó xảy ra thì Hội đồng Tối cao không còn là Hội đồng Tối cao nữa, ngay cả trong thế tục. Từ đó các giáo sĩ mới là những người cai trị thật sự, các vị vua chúa chỉ là những quan chức của họ.

Hiện nay, không còn hay không thể có một tôn giáo quốc gia độc quyền nữa; ta phải khoan dung đối với tất cả các tôn giáo nào có lòng bao dung các tôn giáo khác, miễn là các giáo điều của họ không mâu thuẫn với những bổn phận của công dân. Nhưng nếu kẻ nào dám nói rằng “ngoài giáo hội thì không có sự cứu vớt linh hồn,” thì ta phải đuổi kẻ đó ra khỏi nước, trừ phi Nhà nước là Nhà thờ, và người cai trị là đức giáo hoàng. Một giáo điều như vậy chỉ tốt cho một nhà nước giáo quyền, trong bất cứ một loại chính quyền nào khác điều đó là một tai họa. Lý do biện minh cho sự cải đạo sang Công giáo La Mã của vua Henri đệ Tứ, cũng chính là lý do mà tất cả những người lương thiện phải từ bỏ, nhất là những người lãnh đạo biết suy xét. [c]

© Học Viện Công Dân 2007

 

Ghi chú:

 

[a] Caligula là biệt danh của vị hoàng đế lừng danh của cổ La Mã, Gaius Julius Caesar Germanicus. Caligula là người đưa tôn giáo vào chính trị và khi xuất hiện trước công chúng thường ăn mặc như những vị thần chẳng hạn như Hercules, Mercury hay Aopllo. Caligula cũng lập đền thờ chính mình để dân chúng đến thờ phượng như một vị thần. Phế tích của đền thờ này hiện còn ở La Mã.

[b] Chim đại bàng hai đầu là biểu tượng của Đế quốc La Mã ở phương đông, còn gọi là Đế quốc Byzantine, bao gồm các vùng lãnh thổ nói tiếng Hy Lạp, có trung tâm là thủ phủ Constantinople (thủ đô Istanbul của Thổ nhĩ kỳ ngày nay). Hai đầu của con đại bàng đại diện cho thế quyền và giáo quyền của vị đại đế La Mã. Một ý nghĩa khác nữa của đại bàng hai đầu là sự thống trị của đại đế La Mã trên cả đông và tây phương. Ngày nay một số nước ở Đông Âu và Nga còn dùng biểu tượng này trong quốc huy của họ.

[c] Vua Henri đệ Tứ của Pháp vốn theo đạo Tin Lành, nhưng trên đường tranh thủ ngai vàng, Henri dựa vào thế lực Công giáo La Mã nên cải sang đạo này. Henri lý giải là làm như vậy để phục vụ quốc gia tốt hơn, nhưng thực ra là để tranh thủ nhân tâm của đa số dân chúng Pháp vốn theo Công giáo La Mã.


[1] “Các người không xem mình như là có quyền đối với những gì mà thần thánh của các người có ư?” (Gudges, 11:24). Tôi không biết sức mạnh của bản tiếng Do Thái, nhưng tôi nhận thấy rằng trong bản dịch của Cha De Carrieres trong cuốn “Vulgate,” Jephthah thực sự nhìn nhận quyền của vị thần Chamos, và người dịch tiếng Pháp đã làm cho nhẹ bớt sự xác nhận này bằng cách thêm các chữ “theo các người” mà bản tiếng La Tinh không có.

[2] Các bằng chứng mới nhất cho thấy rằng trận chiến tranh Phocian mà được gọi là thánh chiến không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Mục tiêu của nó là trừng phạt những hành động xúc phạm thần thánh chứ không phải chinh phục những kẻ ngoại đạo.

[3] Ta nên lưu ý rằng giới giáo sĩ tìm thấy sự liên kết không phải trong các buổi họp chính thức mà ở trong lễ ban thánh thể của các giáo hội. Lễ ban thánh thể và sự rút phép thông công là khế ước xã hội của giới giáo sĩ, một khế ước luôn luôn làm cho họ thành những ông chủ của dân chúng và vua chúa. Tất cả các giáo sĩ thông công với nhau đều cùng là những công dân thân hữu (fellow-citizens), dù họ đến từ hai đầu trái đất. Sự phát minh này là một kiệt tác của tài lãnh đạo chính trị: không có một sự việc như vậy giữa các giáo sĩ dị giáo; họ chưa bao giờ họp thành một tổ chức đoàn thể tôn giáo.

[4] Ví dụ như hãy đọc thư của Grothius gởi cho người anh của mình (April 11, 1643) về những gì mà ông ta công nhận hay trách cứ trong cuốn sách (De Cive). Thật ra, thì với lòng lượng thứ dường như ông ta đã tha thứ cho tác giả qua cái tốt nhân danh cái xấu; nhưng không phải mọi người đều có lòng vị tha như vậy.

[5] Hầu tước d’Argenson nói: “Trong nền cộng hoà mọi người hoàn toàn tự do làm cái gì mà không hại đến người khác.” Đấy là một sự hạn chế không thể thay đổi; ngưòi ta không thể nào nói đúng hơn thế được. Tôi không thể tự từ chối niềm vui thích khi trích dẫn từ bản viết tay ít được biết đến này để vinh danh một người danh tiếng và đáng kính. Ông ta đã giữ, ngay cả khi làm bộ trưởng, một con tim của một công dân chân chính, những quan điểm đúng đắn và lành mạnh về sự cai trị quốc gia của ông.

[6] Khi bào chữa cho Catiline, Caesar đã cố gắng thiết đặt một giáo điều về cái chết của linh hồn: để bác bỏ điều này Cato và Cicero không màng đến luận bàn. Họ chỉ cần cho thấy rằng Caesar ăn nói như một công dân xấu và đã đưa ra một chủ nghĩa có thể gây ra một hậu quả tai hại cho quốc gia. Thật ra, đây không phải là một vấn đề về thần học mà là một vấn đề mà Nguyên Lão Thượng Nghị Viện La Mã phải xét xử.

[7] Ví dụ như hôn nhân, một khế ước dân sự có những hậu quả dân sự; không có các hậu quả đó xã hội không thể tồn tại được. Hãy giả sử rằng trong một nước kia, hàng giáo sĩ đạt đến mức được độc quyền cho phép kết hôn, một quyền mà bất kỳ loại tôn giáo cố chấp nào cũng từ từ tìm cách chiếm lấy; rõ ràng rằng bằng cách thiết đặt quyền của Giáo Hội trở thành tối thượng trong vấn đề này, nó sẽ triệt tiêu quyền của người cai trị, và ông ta không còn có những thần dân nào khác ngoại trừ những người mà hàng giáo sĩ cho phép. Khi có quyền kết hợp hay không kết hợp người này với người khác tùy theo họ chấp nhận chủ thuyết này hay chủ thuyết khác, tùy theo họ công nhận hay chối bỏ công thức này hay công thức khác, tùy theo họ mộ đạo nhiều hay ít, thì giáo hội, với sự thận trọng hay sự kiên quyết sẽ quyết định về tất cả mọi sự thừa kế, mọi chức vụ và mọi công dân và ngay cả về quốc gia; lúc đó quốc gia có còn tồn tại được không, vì chỉ còn có những đứa con ngoài hôn thú? Nhưng người ta sẽ nói rằng sẽ có những vụ chống án vì có sự lạm dụng, có những trát toà và những sắc lệnh; rằng các tài sản thế tục có thể bị tịch thu. Thật là đáng buồn! Giới giáo sĩ, nếu có chút ít khôn ngoan – tôi không nói là sự can đảm – sẽ không để ý đến và để cho mọi sự diễn ra; họ sẽ yên lặng cho phép có những vụ chống án, những trát tòa, những sắc lệnh, những vụ tịch thu, và cuối cùng họ vẫn là những ông chủ. Tôi nghĩ rằng từ bỏ một phần không phải là một sự hy sinh lớn lao khi người ta chắc chắn chiếm được tất cả.