fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 8

Chưong VIII

Hippodamus, con của Euryphon, là một công dân của xứ Miletus; ông là người đã phát minh ra nghệ thuật quy hoạch thành phố, và cũng là người đã quy hoạch thành phố Piraeus. Hippodamus là một người kỳ lạ, một người thích được thiên hạ chú ý tới nên có những hành vi lập dị khiến cho người khác nghĩ rằng ông là người màu mè, giả tạo, như tóc thì để dài; quần áo thì may bằng loại vải len rẻ tiền nhưng lại được đính đồ trang sức mắc tiền, và quanh năm ông mặc như vậy, bất kể mùa nóng hay mùa lạnh. Hippodamus, ngoài hoài bão trở thành một học giả về thiên nhiên, cũng là người đầu tiên, dù không phải là một nhà lãnh đạo quốc gia, cũng nghiên cứu về mô hình chính trị.
Nhà nước mà Hippodamus muốn quy hoạch là một nước có mười ngàn dân và được chia làm ba phần: một phần dành cho dân thợ, một phần dành cho nông dân, và phần còn lại dành cho lực lượng võ trang để bảo vệ đất nước. Đất đai cũng được chia làm ba phần: một phần là linh điền dùng để tế tự, công điền dùng để nuôi quân, và tư điền là tài sản của nông dân. Ông cũng chia luật pháp làm ba loại, chứ không có hơn nữa, vì theo ông chỉ có ba loại kiện tụng: ẩu đả, gây thương tích, và án mạng. Cũng vì thế mà Hippodamus chỉ thiết lập có duy nhất một tòa tối cao để tái thẩm những trường hợp tòa dưới đã xét xử không đúng. Thẩm phán của tòa này là những bậc trưởng lão [xứng đáng] được chọn lựa cho nhiệm vụ này. Thêm vào đó ông cũng đề nghị rằng những quyết định của tòa án không nên dùng phương thức các quan tòa dùng những viên sỏi bỏ vào trong một cái bình nếu thấy bị can có tội, mà thay vào đó nên dùng một tấm bảng và viết vào đó là chắc chắn có tội, hoặc để trống, nếu thấy bị can hoàn toàn vô tội. Nhưng nếu quan tòa cảm thấy không thể phán quyết một cách chắc chắn là bị can có tội hay vô tội, thì cũng phải viết như vậy vào tấm bảng. Ông phản đối phương thức hiện hành [dùng những viên sỏi để biểu quyết có tội hay không] vì phương thức này sẽ khiến các quan tòa mắc tội bội thệ, dù họ có bỏ phiếu cách nào đi nữa.[1] Hippodamus còn đưa ra đạo luật tưởng thưởng cho những ai khám phá được những điều gì mang lại lợi ích cho quốc gia; và nhà nước phải nuôi nấng cho con em của tử sĩ, làm như những điều này trước đây chưa từng được áp dụng, nhưng đã thực sự xảy ra tại Athens và các nơi khác. Còn đối với các quan lại, ông đề nghị là để cho toàn dân, nghĩa là do ba giai cấp tôi nhắc tới ở trên, bầu ra người xứng đáng. Các quan lại sau khi được bầu vào các chức vụ có nhiệm vụ chăm lo cho các lợi ích công cộng, quyền lợi của ngoại kiều, và của cô nhi. Đó là tất cả những điểm nổi bật trong cơ cấu chính trị do Hippodamus đề nghị. Ngoài ra không còn điều gì đáng bàn.

Điều đầu tiên tôi không đồng ý với những đề nghị của Hippodamus là sự phân chia công dân thành ba loại, gồm có thợ thuyền, nông dân, và chiến sĩ; tất cả đều có tiếng nói trong chính quyền. Nhưng người nông dân không được quyền mang vũ khí, người thợ thì vừa không được mang vũ khí vừa không có đất đai, và như vậy thì họ có khác gì hơn là nô lệ của giai cấp quân nhân đâu. Cho nên bảo rằng họ đều được dự phần vào chính sự chỉ là chuyện bất khả thi, vì các tướng lãnh và những người bảo hộ cho dân cùng hầu như tất cả các quan lại đều xuất thân từ giai cấp được mang vũ khí. Chưa hết, nếu hai giai cấp này không được dự phần vào chính sự, thì làm sao mà họ có thể trở thành những công dân trung thành cho được? Người ta thường nói rằng những người được mang vũ khí là những người tài giỏi hơn các giai cấp khác và như vậy nhất thiết phải là giai cấp cai trị. Nhưng điều này chỉ dễ xảy ra khi họ có đông người hơn các giai cấp khác; ngay cả khi điều này xảy ra thì tại sao các giai cấp khác phải dự phần vào chính sự, hay là có quyền bổ nhiệm các quan chức? Thêm nữa, những người nông dân có ích lợi gì cho quốc gia? Thợ thuyền luôn luôn cần thiết trong mọi nước và họ có thể sinh sống bằng nghề của họ, và cả những người nông dân nữa, nếu họ cung cấp lương thực cho thành phần chiến sĩ, và cả hai giai cấp này có thể tham gia một phần nào vào chính sự. Nhưng theo cơ cấu của Hippodamus thì nông dân là những người sở hữu tư điền và canh tác cho tư lợi. Chưa hết, còn phần công điền dành cho giai cấp quân nhân, ai sẽ là người canh tác đất đai này? Nếu quân nhân đi làm ruộng thì có khác gì nông dân đâu, dù chính quyền có thể ban luật để phân biệt. Còn nữa, nếu những người canh tác số công điền này không phải là nông dân và cũng không phải là quân nhân, thì ta lại có giai cấp thứ tư, một giai cấp không có chỗ đứng trong quốc gia và cũng chẳng dự phần vào việc gì hết. Hoặc là giai cấp nông dân vừa làm ruộng của nhà vừa làm ruộng công; trong trường hợp này họ sẽ gặp khó khăn để sản xuất đủ dùng cho gia đình mình và cho gia đình của người quân nhân họ phải nuôi. Đã thế thì còn chia đất làm ba loại để làm gì vì người nông dân có thể vừa canh tác để nuôi sống chính gia đình mình và gia đình người lính trên cùng một mảnh đất! Phân chia theo kiểu này thật là rối rắm.
Luật lệ mà ông đề nghị liên quan đến các quan tòa cũng có nhiều rắc rối. Khi có một vụ kiện đơn giản được trình tòa, theo phương thức Hippodamus đề nghị, thì quan tòa phải phân biệt ai đúng ai sai và như vậy trở thành trọng tài. Khi phân xử, các trọng tài dù có thể có nhiều người nhưng họ vẫn có thể thảo luận với nhau để đưa ra một quyết định chung để phân biệt [ai đúng ai sai]. Nhưng trong tòa án xét xử theo luật pháp thì điều này không thể làm được, vì thực ra, các nhà lập pháp đã đưa ra các đạo luật không cho phép các quan tòa hội ý với nhau. Như thế chẳng phải là tạo nên các sự rối rắm ư nếu quan tòa nghĩ rằng thiệt hại [cho nguyên đơn] phải được bồi thường, nhưng không nhiều như nguyên đơn đòi hỏi? Thí dụ nguyên đơn đòi bồi thường hai chục đồng minae, và quan tòa chỉ cho phép có mười đồng minae (hay nói một cách tổng quát, nguyên đơn đòi nhiều, nhưng quan tòa chỉ cho phép ít), trong khi đó, một vị quan tòa khác cho năm dồng, người khác lại chỉ cho bốn. Như thế thì số tiền bồi thường thiệt hại bị chia năm xẻ bảy; rồi số tiền bồi thường được quyết định như thế nào đây? Chưa hết, chẳng ai có thể khẳng định rằng những quan tòa bỏ phiếu hoàn toàn có tội hay hoàn toàn vô tội là phạm tội bội thệ, vì phán quyết tha bổng của quan tòa không có nghĩa là bị can vô tội và không bồi thường gì hết, mà phán quyết này chỉ có nghĩa là bị can không phải bồi thường 20 đồng minae. Vị quan tòa chỉ phạm tội bội thệ khi nghĩ rằng bị can không đáng bị phạt hai mươi đồng minae mà vẫn tuyên án như vậy.

Vinh danh những người có công khám phá ra điều gì đó có lợi cho nhà nước là một đề nghị nghe rất hay nhưng rỗng tuếch và không thể nào biến thành luật được; luật lệ như vậy sẽ chỉ gây nên xáo trộn chính trị vì sẽ có những kẻ chỉ điểm tố cáo những người có tư tưởng cải cách là âm mưu làm loạn. Câu hỏi này lại liên quan đến một vấn đề khác. Xưa nay ta vẫn nghi ngờ rằng thay đổi luật lệ của một nước có mang lại lợi ích hay không, ngay cả bằng một đạo luật tốt hơn. Hãy xét xem, nếu những thay đổi không mang lại lợi ích, ta khó có thể tán thành đề nghị của Hippodamus, bởi vì, người ta có thể dùng danh nghĩa làm lợi cho quốc gia để đưa ra những thay đổi có hại cho luật pháp hoặc cho cơ cấu chính trị. Nhưng vì ta đang bàn đến vấn đề này, có lẽ ta cũng nên đi sâu vào chi tiết thêm một chút. Bởi vì cũng có những ý kiến khác nhau rằng đôi khi cũng cần có những sự thay đổi, như trong các loại nghệ thuật hoặc khoa học khác có những sự thay đổi mang lại lợi ích, thí dụ như trong ngành y khoa hoặc thể dục, có những thay đổi khác hẳn cách sử dụng theo truyền thống. Và nếu chính trị cũng là một nghệ thuật, thì tương tự như vậy, sự thay đổi cũng cần thiết trong chính trị. Thực tế đã chứng minh là thay đổi các phong tục đơn sơ và man rợ thời cổ là một sự cải thiện, thí dụ như tục lệ người Hy Lạp thời cổ đi đâu cũng đeo theo vũ khí và mua vợ của nhau. Những tục lệ cổ còn truyền lại cho chúng ta cũng khá vô lý, như tại Cumae có một đạo luật về sát nhân, theo đó nếu kẻ tố cáo tìm đủ số nhân chứng trong vòng họ hàng của hắn, thì kẻ bị cáo bị coi như là phạm tội sát nhân. Còn nữa, con người nói chung mong muốn điều tốt chứ không phải chỉ làm theo những gì ông cha đã làm. Nhưng những người tiền sử, dù là con người từ thuở sơ nguyên hay sống sót sau thiên tai, ta có thể nghĩ rằng họ cũng không khôn ngoan hơn những người bình thường hay những kẻ ngớ ngẩn trong chúng ta ngày nay (cứ xem những truyền thống của người thái sơ thì rõ); cho nên, thật là khôi hài nếu ta cứ theo những tục lệ này. Ngay cả đối với luật lệ đã được viết xuống thành văn, cũng không có nghĩa là chúng không thể thay đổi được. Chính trị, cũng giống như khoa học, chẳng ai có thể viết xuống một cách chính xác mọi điều. Pháp lệnh phải mang tính tổng quát, nhưng hành động thì lại phải cụ thể. Do đó, ta suy ra rằng đôi khi và trong một số trường hợp chắc chắn, luật pháp có thể được sửa đổi; nhưng nếu ta nhìn vấn đề dưới góc cạnh khác, thì ta cần phải thận trọng. Vì thói quen thay đổi luật lệ dễ dàng là một điều xấu, và khi mà những lợi ích do sự thay đổi này đem lại tương đối nhỏ, thì một số những khuyết điểm của nhà cầm quyền hay nhà lập pháp nên được để yên. Lý do là vì những lợi ích mà người dân có được qua sửa đổi nho nhỏ như vậy không sánh được với những mất mát sẽ xảy ra vì người dân lúc đó đã có thói quen bất phục tùng. Thật là sai lầm khi so sánh sự thay đổi trong nghệ thuật với sự thay đổi trong luật pháp; sự thay đổi trong luật pháp khác xa với thay đổi trong nghệ thuật. Luật pháp không có quyền lực nào để bắt buộc người dân phục tùng ngoại trừ quyền lực của tập quán, vốn dĩ đòi hỏi thời gian, cho nên giai đoạn chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới làm suy yếu quyền lực của luật pháp. Ngay cả khi ta đồng ý rằng cần phải sửa đổi luật pháp, có phải tất cả mọi đạo luật, trong mọi cơ cấu chính trị đều phải được thay đổi hay chăng? Và có phải là hễ ai thích thì cũng thay đổi được luật hay chỉ có một số người nào đó [có quyền thay đổi] thôi? Đây là những câu hỏi quan trọng, cho nên ta dành phần thảo luận này vào dịp khác thích hợp hơn.


[1] Các quan tòa thề là sẽ đưa ra phán quyết khi đã biết chắc chắn 100% là bị cáo có tội hay không. Nhưng trong trường hợp quan tòa không chắc chắn mà vẫn phải bỏ phiếu hoặc là có tội hoặc là vô tội, thì theo Hippodamus đó là sự bội thệ.