fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Cuộc đời phi thường của Oprah cho thấy nước Mỹ không có “Chế độ Giai Cấp”

Jon Miltimore & Dan Sanchez

 Cuốn sách mới của Isabel Wilkerson “Chế độ Giai Cấp: Nguồn Gốc những Bất Mãn của Chúng Ta” đang nhận được những đánh giá tích cực. Nhưng những tuyên bố gây tranh cãi của cuốn sách này có thể đứng vững được không? 

Isabel Wilkerson từng đoạt giải Pulitzer.[1] Nhưng tuần này, cô đã nhận được một điều có lẽ còn tốt hơn: một vị trí đặc biệt trong Hội đọc sách của Oprah Winfrey.[2]

“Đây có thể là cuốn sách quan trọng nhất mà tôi từng chọn cho hội sách của tôi,” Oprah nói về cuốn sách mới của Wilkerson, Chế độ Giai Cấp: Nguồn Gốc những Bất Mãn của Chúng Ta.

Sự quan tâm đặc biệt của cô được ghi nhận rộng rãi. Các nhà phê bình không kịp viết các bình luận cho cuốn sách này —Tờ báo New York Times đã cho đăng hai bài bình luận về nó trong vòng chưa đầy một tuần; —Đài NPR[3] cũng vậy —và mọi người đều đồng ý rằng cuốn sách của Wilkerson đang (“ngay lập tức  trở thành một tác phẩm kinh điển”!).

Nhưng, chế độ giai cấp là gì? Một chế độ giai cấp, theo định nghĩa  trong từ điển, là một chế độ phân chia xã hội thành các tầng lớp trên căn bản huyết thống.  Chế độ giai cấp cổ điển như xã hội người Ấn Độ (Hindu) truyền thống, được phân tầng thành các giai cấp khác nhau, từ tầng lớp trên (học giả và tu sĩ – Brahmins)[4] đến một tầng lớp dưới (được gọi là “cùi hủi – untouchables “). Vị trí  của thành viên  của chế độ  giai cấp được xác định bằng huyết thống, con cái của giai cấp nào sẽ ở giai cấp đó , và việc thoát khỏi hay vượt qua chế độ giai cấp  này gần như là không thể được.

Cuốn sách của Wilkerson lập luận (và có lẽ Oprah cũng đồng ý) rằng Nước Mỹ, cái gọi là “vùng đất của cơ hội”, thực sự có một hệ thống  giai cấp, trích dẫn từ sự áp bức chủng tộc  trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này.

Wilkerson, một cựu phóng viên của Times mô tả sinh động nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ Mỹ, một hệ thống mà, “trong một phần tư thiên niên kỷ, biến con người thành tiền tệ, thành những cỗ máy tồn tại chỉ vì lợi nhuận cho chủ nhân của họ… .”

Wilkerson nêu ra một điểm quan trọng. Chế độ nô lệ thực sự là một chế độ giai cấp. Nô lệ Mỹ được sinh ra trong một chế độ nô lệ, và vị trí của họ trong cuộc sống này gần như hoàn toàn được xác định bởi lý lịch là nô lệ trong giai cấp đó.

Độc giả cũng biết về sự tàn bạo được thực hiện dưới thời Jim Crow, bao gồm các ca phẫu thuật man rợ được thực hiện đối với phụ nữ da đen ở Alabama, những phẫu thuật được thực hiện mà không cần gây mê và những ca phẫu thuật não rùng rợn đối với trẻ em da đen, được ghi lại trong tác phẩm ớn lạnh “Medical Apartheid” của Harriet Washington.  Độc giả cũng nên theo dõi sự ngược đãi đối với người Mỹ da đen từ thời thuộc địa thông qua cuộc Thí nghiệm ô nhục Tuskegee.

Luật Jim Crow, được thực hành trên khắp miền Nam và ở một số tiểu bang nằm giữa biên giới hai miền, từ năm 1877 đến năm 1965, cũng là một chế độ giai cấp. Trong giai đoạn này, người Mỹ da đen không được đối xử bình đẳng theo luật pháp và bị đàn áp dựa trên chủng tộc.

Nhưng, phải chăng sự tồn tại của các cấu trúc giai cấp trong vài vùng của nước Mỹ trong suốt lịch sử của họ có nghĩa là nước Mỹ nói chung có một chế độ giai cấp và “giấc mơ Mỹ” về sự thành công trong xã hội chỉ là một huyền thoại thôi sao?

Nếu thật vậy, sẽ rất khó để giải thích về cuộc đời của chính Oprah.

Từ Áo bao bố tời đến Giàu sang

Oprah (CQ) Gail Winfrey sinh ra ở Kosciusko, Mississippi năm 1954, mẹ của cô là một người hầu, sinh ra cô khi còn là thiếu nữ không có chồng. Ngay cả theo tiêu chuẩn của miền Nam nghèo khó thời đó, những năm đầu đời của Oprah rất thiếu thốn. Những người viết tiểu sử của cô mô tả cô sống với bà ngoại và mặc quần áo may bằng vải bao bố, khiến cô có biệt danh là “Cô gái áo bao bố.” Cô không có gì ngoài vài con gián làm bạn và một con búp bê làm từ cùi bắp.

Cuộc sống vẫn không được cải thiện khi Oprah chuyển đến Milwaukee sau một thời gian ở Tennessee. Cô đã bị hãm hiếp khi mới chín tuổi bởi một người anh em họ và sau đó bởi một người chú, dẫn đến việc sảy thai ở tuổi mười bốn.

Khi còn là một thiếu nữ, Oprah từng nổi loạn, nhưng cuộc sống của cô đã được cải thiện khi cô trở về Tennessee vào cuối những năm 1960 để sống với người đàn ông mà cô nhận ra là cha mình, Vernon Winfrey — một thợ mỏ than đã chuyển nghề thành thợ cắt tóc tại Nashville và có vợ là Zelma. Sự học của Oprah được cải thiện từ đó; các bạn cùng lớp của cô đã bình chọn cô là Cô gái Nổi tiếng Nhất của lớp, và cô đã giành chiến thắng trong một cuộc thi hùng biện và kết quả đó đã cho cô một học bổng vào trường Đại học của tiểu bang Tennessee vào năm 1971.

Đại học đã mang đến những trải nghiệm và cơ hội mới. Cô nhanh chóng tìm được việc làm trong lãnh vực phát thanh và truyền hình, và năm 1976, cô chuyển đến Baltimore, nơi cô được tuyển cho chương trình truyền hình “People Are Talking.” Các đài truyền hình khác công nhận sự đóng góp của cô, và cuối cùng cô đã được đài truyền hình Chicago tuyển và được trọn quyền điều khiển chương trình buổi sáng do chính cô phụ trách.

Chúng ta đều biết phần còn lại của câu chuyện: Oprah trở thành người hướng dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất ở Mỹ và ngày nay sở hữu mạng lưới riêng của chính mình. Tài sản của cô ngày nay khoảng 2,6 tỷ đô la.

Trên đây là một câu chuyện có thật của một người nghèo rách trở thành giàu có (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), và đó là một phần của một tựa đề lớn hơn không chỉ bắt đầu hoặc kết thúc với Oprah Winfrey.

Sarah Breedlove, biệt danh Madam Walker, sinh ra ở Louisiana năm 1867, hai năm sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Bà là một phụ nữ da đen trong thời đại Victoria, làm công nhân cho một tiệm giặt quần áo và là một góa phụ khi chỉ mười sáu tuổi.  Tuy nhiên, bà đã trở thành một doanh nhân thành công và là triệu phú người Mỹ gốc Châu Phi đầu tiên.

Nước Mỹ tràn ngập những câu chuyện như vậy và có một lịch sử không thể phủ nhận về sự thành đạt về kinh tế. Nó bao gồm Oprah, Madam Walker, và vô số dân tộc thiểu số và người Mỹ khác từ mọi tầng lớp của xã hội.

Chủ nghĩa Tư bản triệt hạ Chế độ Giai cấp như thế nào

Những câu chuyện như thế này cho chúng ta biết gì về giai cấp và chế độ giai cấp ở Mỹ?

Trước hết, nếu nước Mỹ hoàn toàn thiên về chế độ giai cấp, thì sự thành công của Winfrey sẽ là chuyện không tưởng; vì luật pháp và phong tục sẽ hạn chế nghiêm ngặt cơ hội của cô và nhốt chặt cô trong hoàn cảnh cô được sinh ra và lớn lên. Thay vào đó, từ một thời thơ ấu nghèo đói và bị lạm dụng, cô đã vươn lên đến đỉnh cao của xã hội: từ một “cô gái áo bố tời” đến một tỷ phú được yêu mến nhất thế giới.

Thứ hai, mức độ thành công của Winfrey có thể không thể thực hiện được, nếu không có việc bãi bỏ chế độ nô lệ trước khi cô được sinh ra, và việc bãi bỏ Jim Crow khi cô còn trẻ. Vì vậy, việc phá hủy các cấu trúc giai cấp chủng tộc thực sự là một dự án quan trọng và đầy anh hùng tính, một phần quan trọng của câu chuyện đáng kể về nước Mỹ.

Thứ ba, sự thăng tiến xã hội của Winfrey sẽ là không thể nếu không có một trong những lực lượng chống giai cấp mạnh nhất trong lịch sử nhân loại: chủ nghĩa tư bản.

Một khái niệm như vậy nghe có vẻ giả tạo đối với những người, như Dự án 1619, một liên kết của chủ nghĩa tư bản với áp bức chủng tộc (và áp bức nói chung). Nhưng cả lịch sử và kinh tế đều cho thấy thị trường tự do thực sự chống giai cấp và chống phân biệt chủng tộc.

Thông qua sự kiên trì, đồng cảm và tài năng ứng dụng, Winfrey đã có thể kết nối với khán giả trong suốt sự nghiệp của mình với tư cách là người hướng dẫn chương trình. Nói cách khác, cô cung cấp cho họ một dịch vụ mà họ đánh giá cao. Khi khán giả của cô ngày càng đông đảo và yêu mến chương trình của cô hơn, các dịch vụ của Winfrey trở nên có giá trị hơn đối với các nhà quảng cáo và đài truyền hình, kết quả là cơ hội và thu nhập của cô cũng tăng lên.

Đối với tất cả những gì chúng ta biết, một số nhà quảng cáo và đài truyền hình đó có thể đã có phân biệt chủng tộc. Nhưng nếu họ để cho sự cố chấp [về chủng tộc] của họ vượt quá động cơ lợi nhuận của họ, họ có thể đã mất các dịch vụ sinh lợi của Winfrey cho các đối thủ cạnh tranh không phân biệt chủng tộc.

Và sau khi Winfrey trở thành một chủ nhân, ảnh hưởng của cô đối với khán giả càng tăng thêm, và cô đã chứng tỏ mình không chỉ là một tài năng vượt đẳng cấp của thế giới màn ảnh, mà còn là một doanh nhân vượt đẳng cấp của thế giới.

Như sự nghiệp của Winfrey đã chứng minh, thị trường tôn trọng nhân tài, và do đó chống giai cấp. Điều quan trọng nhất là giá trị bạn có thể cung cấp cho công chúng, không phải lý lịch hay giai cấp bạn được sinh ra. Bạn càng cung cấp nhiều giá trị, bạn càng có thể leo cao lên nấc thang của sự thành công và bạn càng được trao quyền để tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Giấc mơ Mỹ  có thể đạt được

Thật vậy,lịch sử cho thấy chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi chủ nghĩa giai cấp theo phong cách Châu Âu cũ bắt đầu tan rã. Trong thời phong kiến, vị trí của bạn trong cuộc sống được xác định nhiều nhất bởi giai cấp của bạn: cho dù bạn là quý tộc, nông nô, thành viên một phường nghề, v.v. Nhưng những người ủng hộ tự do và bình đẳng theo luật pháp (lúc đó được gọi là “tự do cổ điển”) dần dần loại bỏ hệ thống đặc quyền và hạn chế đó.  Chủ nghĩa tự  do cổ điển đã giải phóng các cá nhân để họ có thể theo đuổi cơ hội bất cứ nơi nào nó dẫn đến, cho dù là doanh nhân hay là công nhân tự do. Động tính của kinh tế và xã hội này đã giải phóng tiềm năng sản xuất của nhân loại và mở đường cho một thăng hoa chưa từng có cho đời sống.

Việc thành lập nước Mỹ là một thành quả do dự án tự do cổ điển đó tạo nên. Nhưng bi thảm thay, những nhà lập quốc này đã không đồng lòng. Khi họ thiết kế một hiến pháp mới để bác bỏ hệ thống giai cấp cũ, họ đã làm vẩn đục nó bằng cách không loại bỏ cấu trúc giai cấp ghê tởm của chế độ nô lệ tồn tại trong các thuộc địa trong hơn một thế kỷ rưỡi.

Nhưng đó chỉ là một yếu tố không phù hợp, cũng như cấu trúc đẳng cấp Jim Crow theo sau nó. Và việc huỷ bỏ cả hai yếu tố này đã  hoàn tất dự án chống giai cấp của chủ nghĩa tự do cổ điển, tư tưởng đã sinh ra cả nước Mỹ và chủ nghĩa tư bản.

Như chính cuộc đời của Oprah Winfrey đã chứng minh, Giấc mơ Mỹ không phải chỉ là huyền thoại. Nó cũng chưa bao giờ được nhận là hoàn hảo. Nước Mỹ cũng không phải là một “chế độ giai cấp,” mặc dầu sự thành đạt về xã hội, bị cản trở bởi các hạn chế pháp lý, vẫn cần phải được bãi bỏ.

Để cho giấc mơ Mỹ  phi giai cấp gần với hiện thực hơn, chúng ta phải nhận ra rằng, trái ngược với những người theo chủ nghĩa Mác cố gắng thuyết phục chúng ta theo con đường của họ, “Chủ nghĩa  Mỹ,” chủ nghĩa tự do cổ điển, và chủ nghĩa tư bản là những đồng minh tự nhiên của chúng ta trong cuộc chiến chống áp bức chủng tộc.

Sách nhập môn về kinh tế học của Henry Hazlitt vẫn phù hợp hơn bao giờ hết.

Nguyễn Quốc Chính chuyển ngữ

 © Học Viện Công Dân, June 2021

Tác giả:

Jonathan Miltimore là Phó Tổng biên tập của FEE.org.

Bài viết / báo cáo của ông đã là chủ đề của các bài báo trên tạp chí TIME, The Wall Street Journal, CNN, Forbes, Fox News và Star Tribune.Newsweek, The Washington Times, MSN.com, The Washington Examiner, The Daily Caller, The Federalist, the Epoch Times.

Dan Sanchez là Giám đốc Nội dung tại Quỹ Giáo dục Kinh tế (FEE) và Tổng biên tập của FEE.org.

Nguồn: https://fee.org/articles/oprah-s-extraordinary-life-shows-america-is-no-caste-system/

[1] Giải thưởng Pulitzer do Đại học Columbia tuyển lựa và trao hàng năm cho những những thành tựu xuất sắc về báo chí, văn chương, và âm nhạc. Quỹ Pulitzer do Joseph Pulitzer, một tài phiệt báo chí thành lập năm 1917 với số tiền là 500 ngàn USD. Hiện nay có 14 giải về báo chí, 6 giải về văn chương, và 1 giải về âm nhạc.

[2] Hội đọc sách Oprah Winfrey (Oprah Book club) được thành lập năm 1996 do Oprah tuyển lựa và giới thiệu sách, thường là tiểu thuyết, với khán giả của chương trình truyền hình của cô vào mội tháng. Cho đến năm 2021, Hội Sách Oprah đã giới thiệu 70 cuốn sách.

[3] NPR: National Public Radio.

[4] Chế độ giai cấp (caste) của Ấn độ gồm có 5 giai cấp từ cao nhất xuống thấp nhất (1) Brahmin (Bà-la-môn): tu sĩ, học giả, trí thức; (2) Kshatryia (Chiến binh); (3) Vaishyia (thương gia, địa chủ); (4) Sudra (bình dân, nông dân, thợ thuyền); (5) Dalit (cùng đinh, không ai đụng đến).