fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Hoa Kỳ Có Thể Học Được Gì Từ Hệ Thống Phúc Lợi Xã Hội Của Singapore

Muốn biết thiết kế phúc lợi có tiêu chuẩn tối thiều được thực hiện thành công ở đâu và như thế nào, ta chỉ cần nhìn về thành-quốc Singapore là đủ.

Donovan Choy

 

Một quan điểm của phái tự do mà ta thường thấy khi nói đến phúc lợi xã hội là vai trò của nhà nước chỉ nên giới hạn trong việc cung cấp một mạng lưới an toàn. Một mạng lưới căn bản như vậy sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội khỏi lâm vào cảnh sa cơ thất thế. Milton Friedman đề xuất một thứ thuế thu nhập âm[1] như một cách khuyến khích người nghèo cố gắng vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Trong một trong những đoạn văn được trích dẫn nhiều nhất (chắc chắn là vì lý do ý thức hệ),  F. A. Hayek cũng đã tán thành một quan điểm như vậy trong The Road to Serfdom (Đường dẫn đến chế độ nông nô):

Không có lý do gì mà một xã hội đã đạt được mức độ giàu có như xã hội chúng ta lại không thể đảm bảo được một hình thức an ninh trước tiên cho mọi người mà không ảnh hưởng đến tự do chung; nghĩa là một mức độ tối thiểu về thức ăn, quần áo và chỗ ở, vừa đủ để duy trì sức khoẻ. Cũng không có bất kỳ lý do gì mà nhà nước lại không nên giúp tổ chức một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện để đối phó với những mối nguy hiểm chung của cuộc sống mà ít người có thể kham nổi.

Rõ ràng là chính sách này phù hợp với triết lý định hướng thị trường tự do: biết rằng sự thịnh vượng của quốc gia sẽ bị chậm lại khi mà các ưu đãi khuyết khích làm việc bị xói mòn bởi một hệ thống phúc lợi dễ dãi. Nhưng đồng thời không có nghĩa là chúng ta áp dụng một cách giáo điều một lô-gíc thuần tuý về hiệu quả kinh tế vào một khoảng trống chính trị. Quan điểm này từ bỏ mọi ảo tưởng về các chính phủ to lớn và hiện đại có thể bãi bỏ bộ máy phúc lợi quan liêu nhà nước cồng kềnh, và nhận ra rằng các vấn đề thực tế trong xã hội như thất nghiệp và vô gia cư có khả năng mang lại các phản ứng ngược cho dân chủ, và dẫn đến các kết quả chống thị trường tồi tệ hơn.

Để xem một tiêu chuẩn tối thiểu về thiết kế phúc lợi được thực hiện thành công ở đâu và như thế nào, chỉ cần nhìn vào thành-quốc Singapore là đủ. Hệ thống phúc lợi của Singapore được coi là một trong những hệ thống thành công nhất theo tiêu chuẩn của các nước thế giới thứ nhất. Dữ liệu của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy chi phí về y tế của chính phủ Singapore trong năm 2015 chỉ bằng 4.3% tổng thu nhập quốc gia (GDP), một phần nhỏ so với các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất khác – như 16.9% ở Mỹ; 11% ở Pháp; 9.9% ở Anh; 10.0% ở Nhật, và 7.1% ở Hàn Quốc – trong khi lại đạt được các kết quả tương đương hay tốt hơn về sức khoẻ như tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp và tuổi thọ dân chúng cao. Trong khi phần lớn các quốc gia ở châu Âu, Bắc Âu, và Bắc Mỹ chi 30-40% GDP cho các chương trình phúc lợi xã hội, Singapore chỉ chi ít hơn phân nửa mà vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế tương tự và một xã hội tương đối không có những vấn đề xã hội.

Chú trọng về Tinh Thần Tự Lực Cánh Sinh

Điều đầu tiên cần biết về hệ thống phúc lợi của Singapore là nước này là nơi khét tiếng là khó có đủ điều kiện để được nhận trợ cấp xã hội theo tiêu chuẩn của phần đông các quốc gia phát triển ở phương Tây. Lập trường của chính phủ Singapore trong việc cung cấp phúc lợi xã hội nằm trong một triết lý về kinh tế gắn chặt với tinh thần tự lực cánh sinh và tự chịu trách nhiệm, nghĩa là các dòng phúc lợi trước tiên nên được lấy từ quỹ tiết kiệm của cá nhân, sau đó lấy từ gia đình và cộng đồng ở địa phương trước khi chuyển sang lấy từ chính phủ. Nói cách khác, nhà nước không nên đóng vai trò một người bảo lãnh cho tất cả mọi thứ, mà chỉ nên là người giúp cuối cùng nếu phải cần đến.

Một trong những hình thức tổ chức phúc lợi quan trọng nhất ở Singapore là các nhóm cộng đồng tự lực do nhà nước hướng dẫn được hình thành dựa theo sắc tộc. Các nhóm này được thành lập để giúp giải quyết vấn đề giảm nghèo cho những người dân có thu nhập thấp nhất bằng cách giúp họ qua các chương trình giáo dục phổ thông khác nhau để cải thiện khả năng về kinh tế của họ. Chương trình phúc lợi này bắt đầu trong cộng đồng người Mã Lai vào năm 1981 và được coi là thành công vào cuối thập kỷ đó đến nỗi chính phủ dần dần mở rộng nó để thành lập các tổ chức tự lực tương tự cho các nhóm “kém hiệu quả” của các sắc tộc khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Á-Âu.[2]

Sự tham gia của chính phủ Singapore vào các nhóm cộng đồng này chỉ giới hạn trong việc giám sát các quy định chung. Không giống như các nhà nước phúc lợi điển hình, quỹ dành cho các tổ chức phúc lợi này không được chuyển một cách máy móc từ quỹ đóng thuế của người dân vào một bộ máy quan liêu ngày càng tăng. Thay vào đó, nguồn tài trợ đến từ một hỗn hợp các chương trình của chính phủ rút ra một khoản tiền từ một đến hai đô la từ tài khoản tiết kiệm chính phủ của mỗi công dân (nói cách khác là huy động vốn cộng đồng–crowdfunding), cũng như đến các tổ chức từ thiện tùy ý từ cộng đồng chung được chính phủ khuyến khích.

Quan trọng nhất là các quy trình có liên quan đến việc phân bổ phúc lợi cho các thành viên có thu nhập thấp được để dành cho các nhà lãnh đạo cộng đồng làm. Hình thức phúc lợi tư nhân hóa này, nơi mà việc ra các quyết định quan trọng được thực hiện ở cấp độ phi tập trung (decentralized) đã được chứng minh là một hình thức phúc lợi có hiệu quả kinh tế hơn.

Triết lý tự lực cánh sinh và chịu trách nhiệm này không chỉ nổi bật trong lãnh vực phúc lợi xã hội mà còn được nhân rộng ra trong cách tiếp cận của chính phủ Singappore đối với các lãnh vực khác như tiết kiệm hưu trí, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở. Ví dụ, chính sách ưu tiên của nhà nước về việc đảm bảo các cá nhân có đủ nguồn lực trong những lúc cần thiết là bằng cách sử dụng Quỹ Tiết kiệm Trung Ương (Central Provident Fund),[3] một tài khoản tiết kiệm do chính phủ bắt buộc, mà một phần tiền lương hàng tháng của cá nhân được khấu trừ và gửi vào đó. Các quỹ này chỉ có thể được sử dụng cho các chi phí về y tế, bảo hiểm, mua nhà, hoặc nghỉ hưu, phản ánh cách chính phủ khuyến khích tinh thần tự lực cánh sinh “tự giúp mình trước khi nhờ người khác giúp đỡ.”

Bằng cách buộc người dân Singapore tiết kiệm, phúc lợi ở Singapore theo truyền thống từ trước đến giờ đã được nội tâm hóa trước hết cho cá nhân và cho cấp gia đình và cơ sở. Điều này tạo thành điểm then chốt trong chính sách xã hội “Nhiều Bàn Tay Giúp Đỡ” của chính phủ, nơi mà vai trò của gia đình và các cộng đồng liên quan trực tiếp trong việc cung cấp phúc lợi được coi trọng hơn so với các chương trình do chính phủ tài trợ. Một hình thức từ thiện tư nhân hóa như vậy không phải là mới hay lạ chưa từng có, vì rất nhiều nghiên cứu cho thấy các xã hội hỗ trợ lẫn nhau đã có từ trước ở các quốc gia phúc lợi hiện đại ở Hoa Kỳ thế kỷ 20 và Vương quốc Anh thế kỷ 19 .

Sự Phi Tập Trung Phúc Lợi

Có một bài học quan trọng được rút từ Singapore. Thành công của cách tiếp cận phúc lợi của chính phủ Singapore bắt nguồn từ thiết kế phi tập trung xoay quanh các cộng đồng ở cấp cơ sở. Cách tiếp cận này đã hoạt động tốt vì về cơ bản nó khắc phục được các vấn đề kiến thức quan trọng mà các chương trình phúc lợi phải giải quyết.

Nên nhớ rằng vấn đề giảm nghèo chỉ là: giảm bớt. Làm dịu bớt sự khó khăn kinh tếtạm thời hoàn toàn khác với mục tiêu giúp người nghèo thoát khỏi nghèo khó. Phúc lợi có hiệu quả phải làm điều đầu tiên (dịu bớt khó khăn kinhtế ) trước đã, nhưng không khuyến khích sự phụt huộc hoặc phá hủy động lực làm việc của gười nghèo. Ngay cả khi nghèo đói là một vấn đềtập thể đối với một “xã h ội,” kiến thức cần thiết để giải quyết các trường hợp nghèo đói cá nhân không bao giờ tập trung trong một nhà nước. Ngược lại,kiến thức đó được phân tánrộng rãi và sẽ khác nhau hoàn toàn giữa các nền vănhóa, tôngiáo, cộng đồng, nghề nghiệp và cá nhân khác nhau.

Nguyên nhân nghèo đói trong xã hội có thể bắt nguồn từ việc tồn tại dai dẵng các cách cư xử về văn hóa, về các thói quen cá nhân, hoặc các vấn đề thể chế khác ở địa phương. Các kiến thức và ưu đãi như vậy hiếm khi có sẵn ở các cơ quan phúc lợi ở cách xa của chính phủ. Thật dễ khi giao nhiệm vụ cung cấp phúc lợi cho một thực thể trừu tượng mà chúng ta gọi là “chính phủ.” Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều khi mà các quan chức nhà nước phải phân bố một cách hiệu quả các phúc lợi đến từ tiền thuế đóng góp của dân chúng, mà thí dụ là hàng nghìn tỷ đô la đã bị lãng phí không giúp được người nghèo, hoặc các chi phí khổng lồ bị lãng phí trong việc điều hành hệ thống phúc lợi ở Hoa Kỳ.

Các chương trình phúc lợi hiệu quả được quản lý ở cấp độ tư nhân và phi tập trung (decentralized) thì được trang bị tốt hơn với các kiến thức cần thiết để đối phó với môi trường hiện tại. Khi việc ban hành các quyết định đuợc phân cấp (decentralized), thì cách đánh giá về hoàn cảnh và cuộc sống riêng của mỗi cá nhân cũng tốt hơn, và nhờ đó việc chống lại những kẻ muốn lợi dụng hệ thống phúc lợi cũng hiệu quả hơn. Mô hình cung cấp phúc lợi kết hợp giữa công và tư của Singapore cung cấp những bài học hữu ích cho những người tin rằng có thể dễ dàng thiết kế các chương trình phúc lợi toàn diện để xóa nghèo trong vòng một tích tắc. Không thể chối cãi rằng những quan điểm đơn giản như vậy bắt nguồn từ các thiện ý. Tuy nhiên vấn đề giảm nghèo sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều thông qua cách tiếp cận dựa trên thị trường, chấp nhận sự giới hạn về nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, như là Singapore đã cho thấy qua cách tiếp cận phi tập trung của họ.

Phong Thanh Dương chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân May 14, 2021

Tác giả: Donovan Choy là nghiên cứu sinh tại Học viện CERVO và là thành viên Trung tâm Adam Smith, Singapore.

Nguồn: https://fee.org/articles/what-america-could-learn-from-singapores-social-welfare-system/

[1] Thuế Thu nhập âm (negative income tax) do Kinh tế gia Milton Friedman (Nobel Kinh tế 1976) đề xướng như sau: nếu người dân có lợi tức thu nhập thấp hơn mức được chinh phủ ấn định, thì không những không phải đóng thuế lợi tức, mà còn được nhà nước “bù” cho chỗ thiếu, căn cứ trên số người trong hộ gia đình. Đây là một hình thức trợ cấp xã hội bằng tiền mặt, thay vì bằng các hình thức khác như foodstamp, v.v… Đề nghị thuế thu nhập âm chưa được áp dụng tại Mỹ.

[2] Eurasian (Á-Âu) là những người con lai có cha mẹ gốc Âu và Á.

[3] CPF https://www.guidemesingapore.com/business-guides/immigration/citizenship/singapore-citizenship—benefits-and-drawbacks