fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Hiệu ứng rắn Hổ Mang: Những bài học về các hậu quả ngoài ý muốn

Con người phản ứng trước mọi quy tắc, quy định và trật tự mà chính phủ áp đặt, và phản ứng của họ có thể dẫn đến kết quả hoàn toàn khác với kết quả mà các nhà lập pháp dự định.

Antony Davies  & James R. Harrigan

 

Mọi quyết định của con người đều có những hậu quả không lường trước, ngoài ý muốn. Thông thường, chúng không quan trọng mà thậm chí còn hài hước. Ví dụ, khi Airbus muốn làm cho máy bay của mình yên lặng hơn để cải thiện trải nghiệm chuyến bay cho hành khách, nhưng họ đã làm cho máy bay A380 của họ yên lặng đến mức hành khách có thể nghe thấy quá rõ, những gì đang xảy ra trong phòng vệ sinh của máy bay! Những hậu quả khác ngoài ý muốn có tác động sâu rộng và đầy kịch tính hơn nhiều. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ là một trường hợp điển hình. Nó đang hiện hữu trong tình trạng hiện tại do một phần không nhỏ vì hai quyết định của chính phủ.

Thứ nhất, nhu cầu kiểm soát tiền lương và giá cả trong Thế chiến II khiến chủ nhân cho thêm bảo hiểm y tế như một lợi ích của nhân viên. Tại sao vậy? Vì trong giai đoạn này, Luật pháp cấm chủ nhân có quyền tăng lương để thu hút nhân viên, vì vậy, họ đề nghị cung cấp bảo hiểm y tế để thu hút nhân viên. Sau đó, vào năm 1951, Quốc hội tuyên bố rằng các phúc lợi bảo hiểm y tế do chủ nhân cung cấp sẽ không được tính là thu nhập bị đóng thuế. Điều này làm cho nhân viên được tăng lương một cách rẻ hơn dưới hình thức tăng trợ cấp bảo hiểm miễn thuế thay vì dưới hình thức tăng lương chịu thuế.

Kết quả là, nhân viên không chỉ nhận được bảo hiểm y tế thông qua chủ nhân của họ (ví dụ, không giống như bảo hiểm xe hơi và nhà của họ), mà những chương trình bảo hiểm đó có xu hướng đầy đủ hơn những gì họ nhận được nếu Quốc hội không cho phép các chủ nhân được hưởng chương trình giảm thuế đặc biệt này. Hai quyết định chính trị này đã giúp tạo ra hệ thống chăm sóc sức khỏe mà chúng ta hiện có, một hệ thống mà gần như mọi người đều đồng ý là đang bị hư hỏng nặng nề.

Không ai từ lúc ban đầu muốn tạo ra một hệ thống dễ bị hư hỏng, cũng như không ai từng bắt đầu một thiết kế làm cho âm thanh trong phòng vệ sinh vang dội hơn bên trong máy bay. Đây là những hậu quả không tính trước. Và bạn có thể nhìn thấy chúng ở khắp nơi khi bạn để tâm đến.

Hậu quả ngoài ý muốn xảy ra thường xuyên đến mức các nhà kinh tế gọi chúng là “Vấn Đề rắn Hổ mang,” theo một trong những ví dụ thú vị nhất.

Rắn Hổ Mang

Hồi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, vùng thủ đô Delhi phải chịu sự gia tăng tràn lan của rắn hổ mang, đó là một vấn nạn rất thật và đang cần một giải pháp cho những hậu quả mà rắn hổ mang đem lại, trong đó có cái chết. Để cắt giảm số lượng rắn hổ mang bò ngổn ngang trong thành phố, chính quyền địa phương đã đặt tiền thưởng để tiêu diệt chúng. Đây dường như là một giải pháp hoàn toàn hợp lý. Số tiền thưởng đủ hậu hĩnh để nhiều người muốn đi săn rắn hổ mang, dẫn đến kết quả  chính xác như mong muốn: Số lượng rắn hổ mang giảm mạnh. Và  sau đó cái kết quả này trở nên thú vị hơn.

Khi số rắn hổ mang giảm hẳn đi và việc tìm thấy rắn hổ mang trong thiên nhiên trở nên khó khăn hơn, mọi người trở thành những nhà kinh doanh. Họ bắt đầu nuôi rắn hổ mang trong nhà của họ, sau đó họ sẽ giết đi để nhận tiền thưởng như trước đây. Điều này dẫn đến một vấn nạn mới: Chính quyền địa phương nhận ra rằng còn rất ít rắn hổ mang sống sót trong thành phố, nhưng họ vẫn trả tiền thưởng ở mức độ tương tự như trước đây.  Cuối cùng, Delhi có một vấn nạn rắn hổ mang còn lớn hơn sau khi tiền thưởng kết thúc so với trước khi nó bắt đầu.

Các quan chức thành phố đã làm một điều hợp lý:  Hủy bỏ tiền thưởng.  Đáp lại, những người nuôi rắn hổ mang trong nhà của họ cũng làm một điều hợp lý: Họ thả tất cả những con rắn hổ mang vô giá trị của họ trở lại đường phố. Ai lại muốn một ngôi nhà đầy rắn hổ mang chứ?

Cuối cùng, Delhi có một vấn nạn rắn hổ mang lớn hơn sau khi tiền thưởng kết thúc so với trước khi tiền thưởng bắt đầu.  Hậu quả không lường trước của kế hoạch diệt rắn hổ mang là sự gia tăng số lượng rắn hổ mang trên đường phố.  Trường hợp này đã trở thành ví dụ điển hình –  khi mọi nỗ lực để giải quyết một vấn đề cuối cùng  đã làm trầm trọng thêm chính vấn đề mà các nhà lập pháp dự định sẽ khắc phục.

Ô nhiễm không khí

Tất nhiên, hiệu ứng rắn hổ mang kể trên không phải là trường hợp đặc biệt. Điều tương tự cũng xảy ra vào cuối những năm 1980 ở Mexico City, vào thời điểm đó không khí nơi này bị ô nhiễm trầm trọng từ  các ô tô do 18 triệu cư dân điều khiển. Chính quyền thành phố đã phản ứng bằng luật Hoy No Circula, một luật được đặt ra để giảm ô nhiễm không khí bằng cách loại bỏ 20 phần trăm ô tô (được xác định bởi các chữ số cuối cùng của biển số xe) ra khỏi các con đường mỗi ngày trong mùa đông khi ô nhiễm không khí ở mức tồi tệ nhất. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, việc loại bỏ những ô tô đó khỏi đường phố không cải thiện chất lượng không khí ở Mexico City. Trên thực tế, luật này làm cho nó tồi tệ hơn.

Sau khi tìm hiểu sâu xa hơn, nhu cầu của người dân không thay đổi do một nghị định đơn giản của chính phủ. Cư dân của Mexico City cũng muốn không khí tốt hơn cho thành phố của họ, nhưng họ cũng cần phải đi làm và đi học. Họ phản ứng với lệnh cấm trên bằng những cách mà các nhà hành pháp không thể ngờ  được và không tiên đoán trước.

Một số người đi chung xe hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng, đó là mục đích của luật này. Tuy nhiên, một số người đã đi taxi, và taxi trung bình vào thời điểm đó đã gây ra nhiều ô nhiễm hơn so với chiếc xe trung bình. Một nhóm người khác lại phá hoại ý định của luật này một cách vô tình hơn. Họ đã mua những chiếc xe thứ hai, tất nhiên đi kèm với các biển số khác nhau, và lái những chiếc xe đó vào ngày họ bị cấm lái chiếc xe thông thường của họ. Họ đã mua loại xe nào? Những chiếc xe chạy rẻ nhất mà họ có thể tìm thấy, những chiếc xe này còn gây ô nhiễm vào thành phố với tốc độ cao hơn nhiều so với những chiếc xe họ không được phép lái. Người dân đã thả rắn hổ mang ra đường, ngoại trừ lần này rắn hổ mang là ô tô.

Hậu quả ngoài ý muốn xảy ra khắp mọi nơi

Những ví dụ về hậu quả ngoài ý muốn trên không phải là ngoại lệ. Hậu quả ngoài ý muốn phát sinh mỗi khi một cơ quan có thẩm quyền áp đặt ý chí của mình lên mọi người. Luật về dây thắt lưng an toàn và túi khí xe an toàn (airbag) làm cho người đi bộ hoặc người đi xe đạp trở nên kém an toàn hơn vì nó làm cho người lái xe cảm thấy an toàn hơn và vì vậy họ trở nên ít thận trọng hơn. Luật cho vay “payday,” nhằm bảo vệ người vay có thu nhập thấp khỏi chịu lãi suất cho vay cao, lại khiến người vay có thu nhập thấp phải vay tốn kém hơn bằng cách buộc họ vào các lựa chọn khác thậm chí còn đắt hơn.

Những yêu cầu buộc các công ty công bố số tiền lương họ trả cho các Tổng Giám Đốc (CEO) của họ nhằm khuyến khích các cổ đông giảm lương cho CEO đưa đến kết quả là các CEO bị trả lương thấp hơn, [cho nên họ] yêu cầu được trả nhiều tiền hơn. Luật “Bất Quá Tam,” nhằm giảm tội phạm, lại làm tăng tử vong của cảnh sát vì các tội phạm đã bị phạt hai lần có một động lực lớn hơn để trốn tránh hoặc thậm chí chống lại cảnh sát. Đạo luật “Người Mỹ Bị Khuyết Tật” (Americans With Disabilities Act  hay ADA) cung cấp cho chủ nhân một động lực để đối xử  bất công với người khuyết tật bằng cách không thuê họ ngay từ đầu để tránh các phúc lợi từ luật ADA này. Các yêu cầu thợ điện phải có bằng hành nghề lại làm tăng tỷ lệ thương tích vì việc thiếu thợ điện có bằng hành nghề đã gián tiếp khuyến khích chủ nhà tự sửa chửa điện.

Venezuela

Nhưng có lẽ trò chơi “Đập đầu chuột” (Whack-a-mole)  khủng khiếp của Venezuela là minh họa rõ nhất cho phạm vi của các vấn đề có thể phát sinh từ những hậu quả ngoài ý muốn. Venezuela bắt đầu với việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ năm 1976. Mục đích của chính phủ là giữ lợi nhuận dầu mỏ trong nước. Và đó là kết quả được diễn ra – trong một thời gian.

Nhưng sau khi chính phủ tiếp quản ngành công nghiệp trước kia thuộc tư nhân, động cơ lợi nhuận để duy trì vốn vật chất[1] bị mất, và vì thế vốn vật chất bị suy giảm. Sự suy thoái này diễn ra trong hơn một thập kỷ hoặc lâu hơn trong thầm lặng, và trong giai đoạn này –  chủ nghĩa xã hội của Venezuela có vẻ như đang hoạt động một cách “ngon lành” – không giống như mọi nơi khác chủ nghĩa xã hội đã được thử nghiệm. Nhưng sau khi vốn vật chất của ngành công nghiệp dầu mỏ bị hư hỏng, sản lượng dầu bị suy giảm. Thật trùng hợp, chính trong khoảng thời gian này, giá dầu cũng giảm – một thực tế những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội chỉ ra là thủ phạm thực sự. Hậu quả cuối cùng ngoài ý muốn của việc Venezuela quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của mình là một chế độ nô lệ.

Đó là sự thật– miễn lạm bàn – vì không có quốc gia sản xuất dầu nào khác phải chịu đựng những gì Venezuela phải chịu đựng.

Khi doanh thu dầu mỏ và sản xuất giảm mạnh, chính phủ Venezuela đã hành động theo cách chính phủ nào cũng làm khi doanh thu biến mất. Họ vay mượn và đánh thuế càng nhiều càng tốt, và sau đó họ bắt đầu in tiền. Việc in tiền dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn là sự lạm phát, sau đó giá cả tăng cao đến mức mọi người không còn đủ khả năng mua thực phẩm. Để đối phó với hậu quả ngoài ý muốn này, chính phủ đã áp đặt kiểm soát giá đối với thực phẩm. Nhưng điều này lại tạo ra một hậu quả ngoài ý muốn mới,  đó là nông dân không còn đủ khả năng để trồng trọt [vì giá bán thấp hơn giá làm ra thực phẩm]. Và vì vậy, nông dân ngừng trồng thực phẩm. Cuối cùng, chính phủ buộc người dân phải làm việc trong các nông trại để đảm bảo sản xuất thực phẩm.

Hậu quả cuối cùng ngoài ý muốn của việc Venezuela quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của mình là một chế độ nô lệ.

Bài Học Kết

Những hậu quả trên không có nghĩa là đừng có làm luật nữa. Nó chỉ có nghĩa là các nhà lập pháp nên nhận thức sâu sắc rằng mọi hành động của mình đều có cả hậu quả trong dự định và ngoài ý muốn.  Người ta phản ứng với mọi quy tắc, quy định và trật tự mà chính phủ áp đặt, và phản ứng của họ dẫn đến kết quả có thể hoàn toàn khác so với kết quả mà các nhà lập pháp dự định. Vì vậy, nếu có một nơi cho pháp luật được thịnh hành, nơi đó nên là một nơi phải được thực hành với sự thận trọng và sự khiêm tốn vô biên (chữ in nghiêng của người dịch để nhấn mạnh). Đáng buồn thay, đây là những đức tính mà ta khó tìm thấy ở những người trở thành những nhà lập pháp, đó là lý do tại sao ta vẫn dễ tìm thấy các ví dụ như vấn nạn rắn hổ mang.

Nguyễn Quốc Chính chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân February, 2021

Tác giả

  • Tiến sĩ Antony Davies là Thành viên xuất sắc thuộc Viện Milton Friedman tại FEE, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Duquesne và đồng tổ chức podcast, Words &Numbers.
  • James R. Harrigan là Giám đốc điều hành của Trung tâm Triết học Tự do tại Đại học Arizona và Thành viên xuất sắc thuộc Viện F.A. Hayek tại FEE. Ông cũng là người đồng tổ chức podcast Words &Numbers.

Nguồn: https://fee.org/articles/the-cobra-effect-lessons-in-unintended-consequences/

[1] Vốn vật chất (physical capital) bao gồm các vật hữu hình do con người tạo ra mà một công ty mua hoặc đầu tư và sử dụng để sản xuất hàng hóa: máy móc, xưởng máy, nhà kho, xe cộ, máy vi tính, v.v…