fbpx

Luận Cương về Thể chế Liên Bang

Luận cương 10

Luận cương 10

Liên bang là một bảo đảm chống lại chia rẽ nội bộ và nội chiến

James Madison

 

22 tháng 11, 1787

Cùng đồng bào Tiểu bang New York,

Khả năng hoá giải và kiểm soát bạo lực của phe phái là một trong những lợi điểm của một Liên bang được tổ chức tốt đẹp, và điều này cần phải được giải thích rõ ràng hơn. Những ai cổ võ cho [sự thiết lập] một chính quyền của dân không thể không lo lắng cho đặc tính và số phận của loại chính quyền này khi bản năng tự nhiên có khuynh hướng dẫn đến nguy cơ bạo lực do phe phái gây nên. Do đó, họ không thể không để tâm tìm cách hóa giải nguy cơ đó nhưng không để vi phạm đến những nguyên tắc mà họ cố gắng bảo vệ. Tình trạng bất ổn, thiếu công bằng và rối loạn trong sinh hoạt của các hội đồng nhân dân vẫn thường là căn bệnh hiểm nghèo hủy hoại chính quyền của dân ở khắp mọi nơi. Đây cũng là đề tài tranh cãi mà kẻ thù của tự do thường vận dụng để chống đối hình thức tổ chức chính quyền này.

Những cải tiến đáng giá do Hiến pháp Mỹ thực hiện trên các mô hình chính quyền phổ thông, cả cổ và hiện đại, chắc chắn không thể được ngưỡng mộ quá nhiều; nhưng sẽ là một sự thiên vị không chính đáng, khi cho rằng những cải tiến này không thực sự ngăn chặn được mối nguy hiểm này, như mong muốn và mong đợi.

Những lời than phiền đến từ phía các công dân đức cao đạo trọng, đồng thời cũng là những người yêu chuộng tự do và dân chủ, đều cho rằng chính quyền này quá bất ổn; quyền lợi chung đã không được lưu tâm các phe phái tranh chấp lẫn nhau. Nhiều biện pháp được quyết định không phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng công bằng và quyền lợi của thiểu số, mà ngược lại do sự điều hướng của thế lực áp đảo từ đa số trấn áp dựa trên quyền lợi của họ.

Mặc dầu chúng ta mong rằng những phê phán này thiếu căn cứ, nhưng bằng chứng cụ thể không cho phép chúng ta phủ nhận trong một giới hạn nào đó các lời than phiền này đã phản ảnh sự thật. Chúng ta có thể thành tâm cho rằng một số những khó khăn gặp phải đã bị quy trách sai lầm nơi cách thức vận hành của chính quyền; nhưng đồng thời chúng ta phải nhìn nhận chưa tìm đủ mọi nguyên nhân giải thích cho những khó khăn, đặc biệt là về sự hồ nghi của quần chúng đối với sinh hoạt công cộng và sự báo động vi phạm quyền tư hữu. Cả hai hình thức phản đối nói trên đều được nghe thấy từ cả hai bờ đại dương trên lục địa Hoa Kỳ. Nếu không phải tất cả thì một phần lớn các lời ta thán này đều bắt nguồn từ tình trạng thiếu công bằng và thiếu ổn định trong việc điều hành chính quyền, vốn phát xuất từ nạn chia rẽ và đã làm hoen ố guồng máy hành chính công cộng.

Khi nói đến phe phái, chúng tôi muốn đề cập đến một số công dân dù thiểu số hay đa số đã tập họp lại với nhau theo sự thức đẩy của tham vọng hay quyền lợi phe nhóm nhưng ngược với lợi ích tập thể hay của các công dân khác.

Có hai cách giải quyết tệ nạn chia rẽ: hoặc là loại bỏ nguyên nhân, hoặc là kiểm soát hậu quả.

Mặt khác cũng có hai phuơng thức loại trừ những nguyên nhân của tình trạng chia rẽ: một là hủy bỏ tự do vốn cần thiết cho sự chia rẽ, hai là mang đến mỗi công dân lập trường, chính kiến và quyền lợi tương đồng.

Không thể nào nói gì khác hơn là cách thứ nhất còn tệ hại hơn con bệnh. Tự do có thể được ví như không khí đối với lửa vì nếu không có tự do thì nạn chia rẽ sẽ tan biến mất.[1] Mặt khác nếu bãi bỏ tự do, vốn là một điều kiện chủ yếu của đời sống chính trị, chỉ vì nó tạo mầm mống chia rẽ chẳng khác gì loại trừ không khí vốn là điều kiện thiết yếu cho đời sống của muôn loài chỉ vì nó giúp nuôi dưỡng tiềm năng phá hủy của lửa.

Cách thứ hai cũng không thực tiễn ở cùng một mức độ như cách thứ nhất vì thiếu khôn ngoan. Cho đến khi nào óc suy đoán của con người còn đưa đến sai lầm nhưng con người vẫn có tự do suy xét thì vẫn có những ý kiến khác biệt. Cho đến khi nào quan hệ giữa khả năng suy luận và lòng tự ái của con người còn hiện hữu thì lập trường và tham vọng sẽ luôn luôn ảnh hưởng đến nhau. Đặc biệt là tham vọng sẽ chi phối lập trường.

Khả năng đa dạng của con người là nguồn gốc của quyền tư hữu nhưng cũng là trở ngại khó có thể vượt qua được để tiến đến đồng thuận về quyền lợi. Việc bảo vệ những quyền lợi khác nhau là trách nhiệm ưu tiên của chính quyền. Chấp nhận trách nhiệm bảo vệ những khả năng hơn kém khác nhau để thủ đắc tài sản là đưa đến việc sở hữu tài sản ở mức độ nhiều ít khác nhau; theo sau đó là ảnh hưởng của tài sản đối với người sở hữu sẽ đưa đến việc phân chia xã hội ra thành những thành phần lợi ich và phe nhóm khác nhau.

Nguồn gốc chia rẽ trong xã hội đã được cấy vào bản chất con người; chúng ta thấy nó thể hiện trong nhiều sinh hoạt ở mức độ khác nhau theo những trạng huống khác nhau của xã hội dân sự. Đó là thái độ quá khích trong quan điểm khác biệt về tôn giáo, về cơ cấu chính quyền cũng như ở một số lãnh vực khác, kể cả trong phạm vi tư tưởng cũng như hành động. Việc chạy theo các lãnh tụ mang đầy tham vọng để tranh thắng và nắm quyền lực, hay chạy theo những nhân vật nổi tiếng trong các phạm vi khác vốn tạo sự nghiệp bằng cách khai thác tham vọng con người, để rồi từ đó phân chia nhân loại ra thành phe nhóm, thúc đẩy họ chống lại nhau và biến họ thành những thành phần có khuynh hướng chống phá và tranh chấp lẫn nhau thay vì hợp tác vì quyền lợi chung. Khuynh hướng chống phá nhau của con người mạnh đến độ ngay cả khi không có cơ hội chính đáng thì họ sẽ vận dụng những lý lẽ và mâu thuẫn phiến diện, tự tạo để châm ngòi chống phá nhau và khích động những tranh chấp đầy bạo lực. Tuy nhiên nguyên nhân phổ thông và kéo dài nhất đưa đến sự chia rẽ là sự phân chia không đồng đều tài sản giữa con người. Giữa những người có và không có tài sản tạo ra mối khác biệt rõ nét nhất trong xã hội. Giữa chủ nợ và con nợ cũng rơi vào một sự phân biệt tương tự.

Quyền lợi về nhà đất, về cơ sở sản xuất, trong hoạt động thương vụ, tài chính, cũng như vô số các quyền lợi nhỏ hơn sẽ tăng trưởng theo nhip phát triển của các quốc gia văn minh, và sẽ phân chia xã hội ra những thành phần khác nhau, mỗi thành phần được khích động bởi quan điểm và cảm xúc khác nhau. Vấn đề quy định những quyền lợi khác biệt và chống đối nhau thuộc về trách nhiệm của nhà làm luật, và bao hàm tinh thần phe nhóm và bè phái cần thiết cho sự vận hành bình thường của chính quyền.

Không ai được phép trở thành quan toà phân xử cho chính mình vì quyền lợi sẽ làm cho sự phán đoán bị thiên vị, và chắc chắn sẽ làm hư hoại lòng chính trực. Tương tự như vậy nhưng còn quan trọng hơn nhiều, một nhóm người sẽ không thể vừa làm thẩm phán vừa là bên liên hệ trong một vụ tranh tụng. Mặt khác, những đạo luật quan trọng nhất là gì nếu không phải là những quyết định tài phán không chỉ chi phối quyền lợi của vài cá nhân mà cả tập thể quần chúng rộng lớn? Khối người làm luật là ai nếu không phải là những người bênh vực và cổ võ cho quan điểm mà họ đề xướng? Đối với một đạo luật liên quan đến các khoản nợ cá nhân, đó là vấn đề mà một bên liên hệ trong đó là chủ nợ và bên đối nghịch là con nợ. Công lý phải cầm cán cân giữa hai bên. Tuy vậy hai bên liên hệ sẽ phải tự mình đóng vai người phân xử, và bên đông hơn, hay nói cách khác, phe mạnh nhất sẽ có triển vọng thắng thế. Có nên khuyến khích nhóm sản xuất nội địa bằng cách hạn chế hoạt động của nhóm sản xuất nước ngoài, và ở mức độ nào? Câu trả lời sẽ khác nhau giữa giới chủ và thợ thuyền vì cả hai bên sẽ không dựa vào công lý và lợi ích công cộng để trả lời.

Việc ấn định tỷ lệ thuế khóa trên những loại tài sản khác nhau có lẽ là quyết định đòi hỏi thái độ công bằng triệt để. Tuy nhiên, không có một loại quyết định nào khác lại tạo nhiều cơ hội và cám dỗ hơn để cho thành phần nắm quyền chà đạp lên công lý trong khi làm luật. Bất cứ một xu nào thu được của thiểu số sẽ là một xu mà phe nhóm họ sẽ có thể tiết kiệm được trong túi của họ. Thật không tưởng khi cho rằng những chính trị gia sáng suốt sẽ có khả năng điều tiết các quyền lợi đối chọi nhau để quyền lợi phục vụ cho công cộng vì những chính trị gia sáng suốt không phải lúc nào cũng cầm quyền. Vả lại không phải lúc nào cũng thực hiện được việc điều tiết nói trên mà không lưu ý đến những hậu quả xa gần. Nỗ lực điều tiết khó có thể vượt qua được sự vận động của phe nhóm nhằm bảo vệ quyền lợi của họ chống lại quyền lợi của tập thể hay của một phe nhóm khác.

Ngụ ý rõ rệt nhất ở đây là nếu không thể loại bỏ được nguyên nhân thì giải pháp còn lại là tìm biện pháp kiểm soát hậu quả của sự chia rẽ. Nếu một phe nhóm không thành đa số, giải pháp sẽ là nguyên tắc cộng hòa trong đó đa số đánh bại được những ý đồ xấu bằng lá phiếu. Thiểu số có thể gây trở ngại cho nền hành chánh, có thể tạo xáo trộn trong xã hội, nhưng sẽ không thể nào thi hành và che giấu được những thủ đoạn tệ hại của họ dưới những hình thức hợp hiến. Nhưng khi một phe nhóm nắm đa số, hình thức chính quyền dân cử sẽ cho phép họ hy sinh lợi ích công cộng và của các thành phần khác để phục vụ cho tham vọng và quyền lợi của họ.

Vấn đề bảo vệ lợi ích công cộng cũng như quyền tư hữu chống lại nguy cơ từ phe nhóm đồng thời cũng để bảo vệ tinh thần và hình thức của chính quyền dân cử sẽ là đề tài trong cuộc thảo luận của chúng ta. Cho tôi được thêm ở đây một nguyện vọng lớn là tìm cách cứu vãn chính quyền dân cử khỏi rơi vào những chỉ trích nặng nề trong quá trình hoạt động mà nó đã phải trải qua trước đây, hầu có thể khuyến khich nhân loại áp dụng nó trong tương lại.

Làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó? Dĩ nhiên chỉ có thể dùng một trong hai phương thức. Một là ngăn cản những tham vọng tiêu cực và quyền lợi của một đa số, hay là ngăn cản phe nhóm đa số để không thực hiện những biện pháp áp chế thiểu số.

Chúng ta đều biết rằng khó có thể trông cậy vào các nguyên tắc luân lý và đạo đức để kềm chế đa số một khi họ gom cả ý muốn và cơ hội. Luân lý không ngăn cản được bất công và bạo lực cá nhân, ảnh hưởng của những giá trị này sẽ sút giảm theo tỷ lệ ngược với số lượng người liên hệ. Nói cách khác, ảnh hưởng của luân lý suy giảm khi nhu cầu vận dụng nó gia tăng.

Từ quan niệm trên có thể kết luận rằng dân chủ trực tiếp, theo nghĩa một xã hội it công dân tập họp lại để trực tiếp quản lý chính quyền, sẽ không thể nào giải quyết được những hậu quả tồi tệ của nạn chia rẽ. Trong nền dân chủ trực tiếp đó thì tham vọng hay quyền lợi chung hầu như thế nào cũng được ấp ủ bởi đa số trong tập thể. Và cũng không có cách nào để kiểm soát đa số không chèn ép thiểu số hay những cá nhân ngoan cố. Vì lẽ đó cho dân chủ trực tiếp sẽ luôn là môi trường đầy xáo trộn và tranh chấp. Thể chế như vậy không thể nào thích hợp với an ninh cá nhân hay quyền tư hữu. Sự tồn tại của thể chế dân chủ loại này thường ngắn ngủi và cái chết của nó thường rất thảm khốc. Những chính trị gia lý thuyết cổ võ cho loại thể chế này lầm tưởng rằng một khi con người tạo được sự bình đẳng tuyệt đối về chính trị thì tài sản, quan điểm cũng như tham vọng của họ cũng sẽ được san bằng.

Thể chế cộng hòa được hiểu theo nghĩa của một nền dân chủ theo đại biểu mang nhiều triển vọng và hứa hẹn đem đến giải pháp mà chúng ta muốn tìm kiếm. Hãy xem xét những điểm khác biệt giữa nền cộng hòa và giải pháp dân chủ trực tiếp. Chúng ta sẽ hiểu được bản chất của nền cộng hòa và mức độ hữu hiệu của nó trong mô hình Liên bang.

Hai điểm khác biệt lớn nhất giữa thể chế dân chủ trực tiếp và nền cộng hòa gồm: trước hết, trong một chính quyền cộng hòa, toàn thể dân chúng bầu ra một số nhỏ những giới chức dân cử đại diện cho họ; thứ hai, nền cộng hòa bao trùm một dân số và lãnh thổ rộng lớn.

Hệ quả của khác biệt thứ nhất là một mặt thanh lọc và bành trướng các quan điểm của quần chúng qua trung gian một số người được chọn lọc để sự khôn ngoan của những người này có thể nhận định đâu là quyền lợi đích thực của quốc gia, cũng như để cho lòng ái quốc và yêu chuông công lý ít ra giúp họ không hy sinh quyền lợi của tổ quốc vì những quyền lợi nhất thời và riêng rẽ. Trong môi trường luật pháp như vậy rất có thể tiếng nói của quần chúng do các vị đại diện người dân phản ảnh sẽ phù hợp với lợi ích công cộng hơn là khi nó được đề xuất bằng chính người dân khi họ tập hợp lại với nhau để làm việc đó. Mặt khác hậu quả ngược cũng có thễ xẩy ra. Những người có tư tưởng chia rẽ, mang nặng thành kiến địa phương hay âm mưu đen tối cũng có thể đùng thủ đoạn trước hết mua phiếu rồi sau đó phản lại quyền lợi của người dân. Câu hỏi được đặt ra là giữa hai nền cộng hòa một nhỏ một lớn, thể chế nào sẽ thuận lợi hơn cho việc tuyển chọn những người xứng đáng nhất để bảo vệ quyền lợi của quần chúng. Nền cộng hòa lớn có thể thực hiện được điều đó vì hai lý do hiển nhiên:

Trước hết nền cộng hòa dù nhỏ đi nữa vẫn phải có một số đại diện đủ túc số để chống lại những âm mưu của thiểu số. Mặt khác trong một nền cộng hòa rộng lớn, số người đại diện cũng cần được giới hạn để có thể ngăn cản được tình trạng xáo trộn khi có quả đông đại diện. Do đó trong cả hai trường hợp tỷ lệ đại diện sẽ khác nhau, và nền cộng hòa nhỏ sẽ có số người đại diện ở một tỷ lệ cao hơn. Nếu hai tỷ lệ đó được ấn định tương đương với khối lượng quần chúng thì nền cộng hòa lớn sẽ đưa đến một sự lựa chọn rộng rãi hơn, rồi từ đó có thêm triển vọng để chọn được người xứng đáng.

Trong nền cộng hòa lớn mỗi đại diện dân cử sẽ do một khối lượng cử tri đông đảo chọn lựa, cho nên sẽ khó khăn hơn cho những ứng cử viên không xứng đáng có thể thành công trong việc thực hiện những xảo thuật bầu cử thường được vận dụng trong các cuộc tranh cử. Hơn nữa, việc bỏ phiếu của người dân sẽ được tự do hơn, và người dân có nhiều khả năng tập trung lá phiếu của mình vào những người xứng đáng nhất với các đức tính đã được xác định cụ thể.

Cần phải thừa nhận trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác sẽ có nhiều bất tiện. Việc gia tăng số lượng cử tri sẽ khiến cho người đại diện ít cơ hội làm quen với địa phương và với những vấn đề địa phương. Nếu giới hạn khối lượng cử tri thì sẽ đặt các đại diện dân cử vào tình trạng không nắm vũng được những vấn đề rộng lớn tầm cỡ quốc gia. Bản Hiến Pháp Liên bang đã tạo được một thế dung hòa, và những vấn đề quốc gia được trao trách nhiệm cho quốc hội liên bang trong khi vấn đề địa phương được ủy nhiệm cho các quốc hội tiểu bang.

Một điểm khác biệt nữa giữa nền dân chủ và chính thể cộng hòa là nền cộng hòa có thể bao trùm khối lượng công dân và lãnh thổ rộng lớn. Tình trạng đó sẽ làm cho những sự chia rẽ phe nhóm khó xẩy ra hơn. Xã hội càng nhỏ thì ít nhóm quyền lợi cạnh tranh với nhau, cũng như nhiều cơ hội để cho một số người tập hợp thành đa số. Nếu số người này ở trong một lãnh thổ giới hạn thì sẽ càng dễ để cho họ hội tụ lại với nhau và thực hiện những kế hoạch áp chế.

Gia tăng tầm cỡ sẽ làm cho số lượng các phe nhóm và quyền lợi cũng gia tăng theo. Từ đó sẽ khó có khả năng để họ tập họp thành đa số với động lực chung là xâm phạm quyền lợi của các công dân khác. Ngay như nếu có một động lực chung đi nữa cũng khó có thể khiến cho những người trong tập hợp đa số đó nhận diện được sức mạnh chung của mình để có thể hành động đồng bộ.

Điều có thể nhận xét là một khi người ta ý thức được có những ý đồ thiếu công bằng nhằm vào mục tiêu bất chính, những phương thức liên lạc với nhau thường luôn bị giới hạn bởi lòng nghi kỵ giữa những người cần phải đồng thuận với nhau. Càng đông càng dễ sinh ngờ vực lẫn nhau.

Từ những lý do trên đây ta có thể thấy rõ rằng lợi điểm của nền cộng hòa so với thể chế dân chủ là khả năng kềm chế ảnh hưởng của tình trạng phe nhóm; lợi nhiều hơn ở những nền cộng hòa rộng lớn so với nền cộng hòa nhỏ, hiệu quả cũng dễ đạt hơn trong Liên bang hơn là trong phạm vi hạn hẹp của từng tiểu bang.

Liệu lợi thế đó có phải là kết quả của việc tuyển chọn những người đại diện dân cử sáng xuốt và đức độ để có thể đứng ở trên những hiềm khích địa phương và những mưu đồ thiếu công bằng? Điều không thể chối cãi được là đại diện trong Liên bang thường sẽ có những đức tính nói trên. Có phải đó là do sự hiện hữu của nhiều đảng phái để tránh trường hợp một đảng có thể lấn át và áp chế những thành phần còn lại? Sự gia tăng các đảng phái trong phạm vi Liên bang có làm gia tăng sự bảo đảm đó không? Có phải nền cộng hòa lớn vững chắc hơn vì lẽ có nhiều trở lực để chống lại việc thi hành những ý đố thầm kín của một đa số bất công hay không? Một lần nữa, tầm cỡ lớn của Liên bang mang lại lợi điểm rõ rệt .

Thành phần chia rẽ có thể nhóm lên ngọn lửa phân hóa trong phạm vi từng tiểu bang nhưng không thể nào bành trướng ngọn lửa đó thành một cuộc xung đột rộng lớn bao gồm tất cả các tiểu bang khác. Một giáo phái nguy hiểm có thể biến thể thành phe phái chính trị trong phạm vi của một phần liên bang. Tuy nhiên sự đa dạng của các giáo phái khác trên toàn khắp đất nước sẽ bảo đảm cho các hội đồng quốc gia không bị ảnh hưởng bởi mối nguy cơ do giáo phái kia đem tới. Một nỗ lực điên rồ in tiền giấy nhằm trả các món nợ công trái, nhằm dẫn đến việc phân chia tài sản, hay nhằm bất cứ một kế hoạch bất lương hay không thích hợp nào khác, sẽ ít có khả năng lan tràn trên khắp Liên bang thay vì chỉ bị giới hạn trong phạm vi một tiểu bang nào đó. Giống như một căn bệnh chỉ có khả năng bộc phát ra trong phạm vi của một huyện hay một quận nào đó thay vì lan tràn ra trên toàn tiểu bang.

Như thế, trong tầm cỡ và cơ cấu tổ chức của một Liên bang, chúng ta đã tìm thấy mô hình cộng hòa để giải quyết một trong những chứng bệnh thông thường nhất trong thể chế dân chủ. Và trong niềm vui mừng và tự hào được sống trong nền cộng hòa, chúng ta phải có lòng nhiệt thành trong việc trân trọng tinh thần và ủng hộ tính cách của những người [theo thể chế] Liên bang.

PUBLIUS.

Nguyễn Quốc Cường chuyển ngữ

[1] Tác giả ám chỉ tự do có những ý kiến khác biệt và những ý kiến khác biệt dẫn đến chia rẽ. [ghi chú của HVCD]