fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Kẻ Thù Trong Chính Chúng ta

CHÚNG TA CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GÌN GIỮ MỘT NỀN DÂN CHỦ ĐANG XUỐNG DỐC

James Mattis

Năm 1838, Abraham Lincoln có bài phát biểu trước Young Men’s Lyceum ở Springfield, Illinois. Chủ đề là quyền công dân và việc duy trì các định chế chính trị của Hoa Kỳ. Bối cảnh là mối đe dọa gây ra cho các định chế đó bởi cái tệ hại của chế độ nô lệ. Lincoln cảnh báo rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với quốc gia đến từ bên trong. Tổng thống cho rằng tất cả các đội quân trên thế giới không thể đè bẹp chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể “tự giết mình.”

Ngày nay nhìn xung quanh ta thấy nền chính trị của chúng ta đang làm tê liệt đất nước. Đáng lẽ cần sự tin tưởng thì chúng ta lại nghi ngờ hoặc khinh bỉ, áp đặt lòng giận dữ và cô đơn lên người khác và chính mình. Chúng ta thiêu đốt đối thủ của mình bằng những lời lẽ không có thể  thỏa hiệp được nữa. Chúng ta bác bỏ khả năng rằng người mà chúng ta không đồng ý có thể đúng. Chúng ta nói về những gì chia rẽ chúng ta và ít khi thừa nhận những gì đoàn kết chúng ta. Trong khi đó, các vấn đề cấp bách của quốc gia vẫn tiếp tục tăng lên — chưa được giải quyết và trong hoàn cảnh hiện tại không thể giải quyết được.

Quan điểm tương phản và tiếng nói bất đồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó không phải là vấn đề. Một năm trước, tôi đã từ nhiệm một chức vụ tốt nhất trên thế giới, đó là chức bộ trưởng quốc phòng, vì bất đồng ý về nguyên tắc do khác biệt nghiêm trọng về chính sách với chính quyền — lá thư từ chức của tôi nêu lý do rất rõ rệt. Điều nguy hiểm không phải là mọi người có sự khác biệt nghiêm trọng. Điều nguy hiểm là giọng điệu của sự khác biệt —la lối, miệt thị, tuyệt vọng đau đớn.

Có phải chúng ta không ý thức được hậu quả của sự rạn nứt và mất đoàn kết dân tộc chăng? Chúng ta có muốn để lại một đất nước như vậy cho con cháu chúng ta không? Chúng ta đã dạy họ những nguyên tắc mà công dân của nền dân chủ này phải tuân theo chưa? Bản thân chúng ta có nhớ những nguyên tắc đó không?

ĐÂY LÀ NHỮNG GÌ chúng ta dường như đã quên:

Nước Mỹ không phải là một công trình đã được hoàn tất hay một dự án thất bại mà là một cuộc thử nghiệm đang tiến diễn. Và thử nghiệm đó đã được thiết kế là sẽ không bao giờ kết thúc. Nếu các bộ phận của máy bị hỏng, thì trách nhiệm của công dân là sửa chữa máy — chứ không được vứt máy đi. Những vị lập quốc, với sự đánh giá công tâm về bản chất con người, đã đưa ra một hệ thống hiến pháp đủ mạnh để chịu được căng thẳng lớn và có khả năng sửa đổi sâu sắc để giải quyết bất công. (Tu chính án Thứ Mười Ba, bãi bỏ chế độ nô lệ. Tu chính án Thứ Mười Chín, cho phép phụ nữ có quyền bầu cử.) Quy mô thành tựu của những vị lập quốc lớn lao chưa từng có. Ngoại trừ một số trường hợp nhỏ, một hệ thống dân chủ như của chúng ta trước đây chưa bao giờ được thử nghiệm; các vị sáng lập đã áp dụng nó cho một quốc gia sớm trở thành một nước rộng khắp một lục địa. Tôi nghĩ về khả năng bền bỉ của văn kiện lập quốc của chúng ta khi tôi nhìn thấy công trình vất vả của Vương quốc Anh, cho tới bây giờ vẫn chưa có hiến pháp thành văn. Bài học không phải là chúng ta có thể nghỉ một cách thỏa mãn mà là chúng ta phải tiếp tục tiến hành thử nghiệm.

Khiếm khuyết là một phần của bản chất con người. Dưới một khía cạnh , đây là một điều tốt. Sự không hoàn hảo của chúng ta có thể — và nên — đưa chúng ta đến với nhau bằng sự khiêm tốn, thực tế, kiên nhẫn và quyết tâm. Không ai có độc quyền về sự khôn ngoan hoặc không có lỗi. Mọi người đều có lợi khi hiểu các quan điểm của người khác. Đức tính cơ bản của nền dân chủ là sự tin tưởng — không tin tưởng vào thái độ hoặc quan điểm của riêng ai đó, mà là tin tưởng vào khả năng cân nhắc của tập thể để đưa chúng ta tiến lên. Sự tin tưởng đó đang giảm dần. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Pew,  khoảng 2/3 người Mỹ bày tỏ quan điểm rằng sự suy giảm lòng tin — vào chính phủ,  và tin lẫn nhau — đang cản trở khả năng của chúng ta trong việc đương đầu với các vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, sự tin tưởng vẫn chưa biến mất. Sự tin tưởng đó vẫn ràng buộc quân đội, như tôi đã thấy tận mắt ở các môi trường khác nhau như Fallujah và Kandahar, Fort Bragg và Coronado. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, sự tin tưởng đó còn tồn tại giữa các thành viên của Ủy ban Tình báo tại Thượng viện và các thành viên của Ủy ban Lực lượng Vũ trang của cả hai viện trên Đồi Capitol — những ngoại lệ đáng chú ý trong một môi trường độc hại. Niềm tin không phải là một hệ thống thời tiết nào đó mà chúng ta không kiểm soát được. Đó là quyết định về việc tiến hành công việc quốc gia mà mỗi chúng ta đều có quyền thực hiện. Xây dựng lòng tin có nghĩa là lắng nghe người khác chứ không phải là không cho họ phát biểu. Nó cũng có nghĩa là tìm kiếm cách đúng đắn để xác định một vấn đề nhất định — đặt câu hỏi đúng cách để tranh thủ đối phương hơn là khiêu khích họ. Có một nhận xét nổi tiếng được cho là của Einstein: “Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề, thì tôi sẽ dành 55 phút để suy nghĩ về vấn đề đó và năm phút để suy nghĩ về các giải pháp.” Chúng ta thường xác định những thách thức quốc gia to lớn của mình — biến đổi khí hậu, nhập cư, chăm sóc sức khoẻ, súng — theo cách đào sâu hố phân cách giữa các phe đối lập. Thay vào đó, chúng ta nên hỏi nhau: Cái gì có thể có vẻ “tốt hơn”?

Hành động khôn ngoan có nghĩa là hành động với tầm nhìn không phải vài tháng hay vài năm mà là nhiều thế hệ. Suy nghĩ ngắn hạn có xu hướng ích kỷ: Tốt hơn hết hãy lấy phần thắng cho mình! Suy nghĩ dài hạn hướng về lý tưởng cao hơn. Ý tưởng của Thomas Jefferson về “quyền hưởng huê lợi” — theo cách nói bóng bẩy của ông — tức là trách nhiệm bảo tồn lớp đất màu mỡ từ chủ đất này đến chủ đất khác — thể hiện nghĩa vụ quản lý và công bằng giữa các thế hệ. Những nhà lập quốc của chúng ta đã suy nghĩ cho nhiều thế kỷ. Suy nghĩ như vậy khiến tránh được những cám dỗ thiển cận (như chuyển gánh nặng nợ quốc gia to lớn cho con cháu của chúng ta) và khuyến khích việc quản lý hiệu quả các vấn đề nan giải. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy phấn khởi từ những cải tiến chậm — những cải tiến đã mang lại cho chúng ta những con đường trải nhựa, trường công lập và điện khí hóa. Khi còn là một cậu bé ở bang Washington tôi nhớ đã có cảm giác tuyệt vời khi thấy những cây cầu thay thế những chuyến phà trên sông Columbia. Tôi nhớ ông tôi đã chỉ cho chúng tôi thấy những đường dây điện mới kéo dài đến vùng nông thôn của bang chúng tôi. Tôi thường nghĩ đến lịch sử lâu dài của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Cam kết ngoại giao ổn định với Moscow trong hơn 5 thập kỷ — được theo đuổi cho đến gần đây — cuối cùng đã giúp chúng ta giảm được khoảng 3/4 kho vũ khí hạt nhân và đảm bảo an ninh tốt hơn. Đây là công thức bí mật, áp dụng cho các thành viên Quốc hội cũng như các nhà hoạt động cộng đồng: Đặt mục tiêu chiến lược và giữ vững mục tiêu đó. Cựu Ngoại trưởng George Shultz, dùng cách nói bóng bẩy của Jefferson theo cách của riêng mình, đã ví nỗ lực này giống như công việc làm vườn: một quá trình vun xới, trồng và làm cỏ liên tục, không ngừng nghỉ.

Giễu cợt, chỉ trích có ác ý là hèn nhát. Tất cả chúng ta đều biết về thói hoài nghi  tiêu cực. Đôi khi, tất cả chúng ta cũng  rơi vào cái bẫy của sự hoài nghi tiêu cực. Nhưng khi nạn hoài nghi tiêu cực tràn lan nó sẽ làm băng hoại xã hội — như nó đã làm băng hoại nước Nga từ lâu và nó cũng đã làm băng hoại trầm trọng xã hội của chúng ta. Hoài nghi tiêu cực làm ta mất tin tưởng vào thực tại. Nó chẳng khác gì một hình thức buông xuôi. Nó làm dấy lên nghi ngờ rằng các thế lực ác độc tiềm ẩn đang hoành hành. Nó cho mọi ngưòi có cảm giác đã trở thành nạn nhân. Nó có thể làm ta yên lòng về mặt tâm lý được một lúc, nhưng nó không giải quyết được gì hết.

Lãnh đạo không có nghĩa là có hiệp sĩ xuất hiện trên lưng ngựa trắng trừ gian diệt bạo. Chúng ta đang tự dối lòng mình nếu nghĩ rằng sẽ có một người giải quyết mọi vấn đề. Trong một chế độ dân chủ, sự lãnh đạo chân chính thường chậm chạp, thầm lặng, có ý tứ, hòa nhã và thường làm cho nản lòng. Tôi sẽ luôn gắn những đức tính này với tướng Colin Powell là người đã dẫn dắt tôi và cũng là người hiểu rằng lãnh đạo cũng có nghĩa là phục vụ. Dwight Eisenhower đã nhận xét nhà lãnh đạo không phải là người hay hò hét  “Đứng lên” hay “Ngồi xuống.” Ông nói lãnh đạo là “nghệ thuật khiến người khác làm điều gì mà bạn muốn làm vì anh ta muốn làm điều đó.” Đó là đường hai chiều. Như  Eisenhower đã nói, một điều mà mọi nhà lãnh đạo cần là “nguồn cảm hứng mà người đó nhận được từ những người mà người đó dẫn dắt.”

Đạt được kết quả trên phạm vi quốc gia có nghĩa là tham gia tại địa phương. Quy mô của những thách thức của đất nước dường như rất lớn đến mức chỉ có những giải pháp lớn mới có hy vọng đáp ứng được chúng. Chúng ta từ bỏ những thành công nhỏ thực hiện qua từng giai đoạn —như một cầu thủ bóng chày (baseball) đánh những đường bóng ngắn rồi chạy tới từng căn cứ (base) để tới gôn nhà (home plate) — và hy vọng một nhân vật xuất thế sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách ngoạn mục —như một cầu thủ bóng chày xuất sắc đánh một đường banh đi thật xa để có thể chạy một vòng qua tất cả các căn cứ về tới gôn nhà.  Điều này sai ở hai điểm. Thứ nhất, hiện tượng suy giảm trầm trọng của sự tham gia dân chủ tự nó là một trong những thách thức trọng tâm của chúng ta; nó phản ánh sự mất niềm tin rằng chính quyền thực sự nằm trong tay chúng ta. Chỉ có tham gia mới có thể giải quyết được vấn đề thiếu tham gia. Thứ hai, tác động của việc tham gia tăng dần từ những sự kiện nhỏ. Rosa Parks[1] không bắt đầu bằng việc thách thức tất cả luật Jim Crow [kỳ thị chủng tộc]. Bà ấy bắt đầu bằng cách ngồi trên một chiếc xe buýt địa phương. Các nỗ lực toàn quốc về môi trường, chăm sóc sức khỏe, đường cao tốc, mức lương tối thiểu, an toàn tại nơi làm việc – tất cả đều bắt đầu từ bang này hay bang khác. Washington [D.C] không phải là cả nước Mỹ. Cuộc sống cộng đồng được duy trì tại địa phương, không chỉ qua chính phủ mà còn qua vô số các hiệp hội dân sự thành lập với sự tham gia của người dân bình thường. Tổng thống thường được coi là tiếng nói có quyền lực, nhưng động lực tạo ra thay đổi thường xuất phát từ những người dân thường.

“Mối quan hệ tình cảm” mà Lincoln nói đến là điều tối quan trọng. Có thể đó là sản phẩm phụ của sự thành công của chúng ta với tư cách là một quốc gia mà người Mỹ coi đó là điều hiển nhiên là chúng ta đều có. Các quyền tự do mà chúng ta được hưởng. Những truyền thống mà chúng ta trân trọng. [Kể cả] Óc hài hước quê kệch của chúng ta. Chúng ta cần nhau nhất vào những thời điểm khủng hoảng, và trong lịch sử, chúng ta đã cùng nhau sát cánh vào những thời điểm như vậy — sau Trân Châu Cảng, sau 11/9. Nghịch cảnh của suy thoái kinh tế và chiến tranh thế giới đã là những giai đoạn thử thách quan trọng đối với cả một thế hệ nam cũng như nữ, là những người đã tạo ra và duy trì một thế giới ổn định trong nửa thế kỷ. Ngày nay, chúng ta đang đương đầu với hậu quả của việc xao lãng bị dồn nén và chiến tranh gia tăng giữa các bộ tộc, chứ không phải là một cuộc tấn công bất ngờ. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Con đường chắc chắn nhất dẫn đến thảm họa là cắt đứt những ràng buộc của tình cảm đó.

Các định chế cốt lõi của chúng ta vẫn có giá trị, ngay cả khi tất cả các định chế đều có sai sót. Chúng ta đang sống trong thời đại chống định chế. Số lượng ủng hộ đối với hầu hết mọi tổ chức, ngoại trừ quân đội, đều thấp và còn đang giảm xuống. (John McCain từng nói với tôi rằng những người duy nhất thích Quốc hội là các người trong gia đình của các thành viên và những người làm công ăn lương trong Quốc hội. Vợ của ông là Cindy, quay sang ông ấy và nói đùa rằng, “Đừng có trông cậy vào các thành viên trong gia đình.”) Mặc dầu không hoàn hảo nhưng các định chế là cách tốt nhất để truyền tải những gì tốt đẹp qua thời gian. Nền văn minh mong manh hơn người ta nghĩ; trong suốt cuộc đời binh nghiệp, tôi đã thấy nó bị phá hủy ngay trước mắt mình. Chúng ta cần phải làm cho các định chế tốt hơn và mạnh hơn, chứ không phải phá bỏ chúng. Các cuộc đả kích độc hại, không khoan nhượng vào giới truyền thông, ngành tư pháp, liên đoàn lao động, trường đại học, giáo viên, nhà khoa học, công chức — đối tượng tùy ý lựa chọn — không giúp ích gì cho bất kỳ ai. Khi phá bỏ các định chế, ta phá bỏ giàn giáo mà xã hội được xây dựng. Bỏ mặc các định chế bị xói mòn — như khi chúng ta để hệ thống giáo dục bị xói mòn — cũng tai hại như  tàn phá hệ thống đó.

Tôi đã đến các trường học nói chuyện với học sinh. Tôi không chỉ lo lắng về việc cắt giảm ngân sách và bất bình đẳng về kinh phí mà còn về nội dung lớp học. Không có sự hiểu biết đúng đắn về quốc gia của chúng ta. Học sinh hiểu rõ về những sai sót và thiếu sót của chúng ta. Nhưng họ không hiểu về những lý tưởng cao đẹp hơn của chúng ta, những đóng góp cụ thể của chúng ta, những khát vọng cách mạng của chúng ta. Họ rời trường học mà không hiểu gì về những nguyên tắc cơ bản mà tôi đã nêu ra. Và họ  cũng không đánh giá cao về việc một người có suy nghĩ và sáng suốt cũng có thể là người — và thực sự phải là — một người yêu nước.

MỖI THẾ HỆ kể từ sau cuộc Cách mạng đã bổ sung vào di sản của những nhà lập quốc trong nhiệm vụ bất tận để làm cho liên bang được  “hoàn hảo hơn.” Và mọi thế hệ đều có trách nhiệm truyền lại các quyền tự do của chúng ta, và những nguồn lực để đảm bảo và nâng cao các quyền đó cho thế hệ mai sau. Trong vài tháng qua, tôi đã đi khắp mọi nơi trên đất nước, tôi biết rằng người Mỹ nói chung tốt hơn — tử tế hơn, chu đáo hơn, nghiêm túc hơn — so với giới lãnh đạo chính trị của chúng ta.

Nhưng chúng ta có thực sự làm nhiệm vụ của mình  cho các thế hệ tương lai không? Đối với quá nhiều người, e pluribus unum[2] [hợp chúng vi nhất] chỉ là một cụm từ tiếng La tinh trên những đồng tiền trong tay của họ — chứ không phải là một khái niệm có giá trị đạo đức mạnh mẽ. Xây dựng đất nước là công việc khó khăn. Trong một nền dân chủ, đó là công việc cao cả mà tất cả chúng ta phải làm.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, April 2021

JAMES MATTIS, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã phục vụ hơn bốn thập kỷ với tư cách là sĩ quan bộ binh Thủy quân Lục chiến. Ông là  đồng tác giả với Bing West, của  tác phẩm Call Sign Chaos.

Nguồn: The Enemy Within: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2019/12/james-mattis-the-enemy-within/600781/

Số tháng 12 năm 2019

[1] Rosa Parks (1913—2005) giúp phát động phong trào quyền công dân tại Hoa Kỳ khi bà từ chối nhường chỗ cho một ngưòi đàn ông da trắng trên chuyến xe buýt tại Montgomery, Alabama năm 1955. Hành động này đã khiến cho các người lãnh đạo trong cộng đồng người da đen phát động phong trào Tẩy chay Xe Buýt Montgomery. Phong trào này sau đó đã khiến cho các luật Jim Crow kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ bị hủy bỏ.

 

[2] Out of many, one (phương châm của Hoa Kỳ) E pluribus unum (Latin nghĩa là “Từ rất nhiều, chúng ta là một” (“Một từ nhiều”) — phương châm truyền thống của Hoa Kỳ.