Lawrence W. Reed
LGT. Lawrence W. Reed, Chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education – FEE) trình bày sự suy thoái của nền Cộng hòa La-mã và đưa ra những lời cảnh báo cho nước Mỹ trong thế kỷ 21.
“Ta có thể rút ra những bài học thật là hữu ích và phong phú từ quá khứ. Những bài học này được đặt trong ánh sáng của sự thật của lịch sử, là những thí dụ của mọi trường hợp có thể xảy ra. Từ đó, ta có thể lựa cho chính ta hay quốc gia của ta điều gì để mô phỏng, và cũng để tránh những điều mà mang mầm họa từ trứng nước và kết quả thảm khốc nó mang lại.” — Sử gia La-mã Livy
Những khoản tiền khổng lồ do chính quyền chi ra để cứu trợ tài chánh. Sự gia tăng đến chóng mặt của nợ công. Sự tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương. Một sự tranh chấp điên loạn của những nhóm lợi ích với vô vàn đòi hỏi công khố phải chi trả. Những quy định nở tung như nấm sau mưa nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp. Những lời kêu gọi đấu tranh giai cấp của những kẻ mị dân. Thuế khóa cao đánh trên sản phẩm. Đạo đức từng được coi là yếu tố quan trọng xây dựng đức tính vững mạnh ngày một suy đồi. Những điều này đang xảy ra trong thế kỷ thứ hai mươi mốt tại Mỹ cũng như đã xảy ra cho La-mã, nhà nước phúc lợi và xấu số, hai ngàn năm trước.
Cả La-mã và Mỹ được sinh ra từ cuộc cách mạng chống lại chế độ quân chủ—Mỹ chống lại Anh quốc và La-mã chống lại dân Etruscan.[1] [Sau cuộc cách mạng] và cảnh giác với sự tập trung quyền lực, cả hai đều lập nên chế độ cộng hòa có cơ chế kiểm soát và cân bằng, phân ngăn quyền lực và bảo vệ một số quyền nhất định, nếu không của tất cả mọi người, thì cũng của một số người. Mặc dù có những khuyết điểm, sự thiết lập chế độ Cộng hòa La-mã vào thế kỷ thứ Sáu trước Công nguyên và sự thành lập chế độ Cộng hòa Mỹ vào thế kỷ 18 sau Công nguyên là đại biểu cho sự tiến bộ vĩ đại nhất về quyền tự do cá nhân trong cả lịch sử của nhân loại.
Lịch sử của Cổ La-mã trải dài một ngàn năm—khoảng 500 năm là chế độ cộng hòa và 500 năm là chế độ đế quốc quý tộc; sự ra đời của Chúa Jesus xảy ra trong những năm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Như sử gia Thomas Madden đã mô tả trong cuốn sách Những Đế quốc của Sự Tín nhiệm (Empires of Trust), xuất bản năm 2008 về sự tương đồng giữa hai nền văn minh La-mã và Mỹ khi La-mã theo chế độ cộng hoà trong nửa thiên niên kỷ đầu tiên. Chúng ta ngày nay có thể rút ra những bài học ứng dụng và những cảnh báo trong thời kỳ đó. Sự chuyên chế của đế quốc La-mã xảy ra sau khi chế độ cộng hoà bị đổ nát—những hệ quả cực kỳ xấu xa của sự suy tàn mục nát, mà nước Mỹ vẫn có thể tránh được.
Bài học lớn nhất của kinh nghiệm La-mã không phải chỉ là sự đặc thù của La-mã đâu. Nó có thể, thực ra, là bài học phổ quát của tất cả lịch sử loài người: Không có dân tộc nào đánh mất đi đức tính mà còn có thể giữ được tự do.
Xã hội La-mã vào thời nền cộng hòa được thành lập về cơ bản là xã hội nông nghiệp, gồm những gia đình nhỏ làm nghề nông và chăn nuôi. Đến thứ kỷ thứ hai trước Công nguyên, những doanh nghiệp tầm vóc lớn bắt đầu xuất hiện. Nước Ý bắt đầu đô thị hóa. Sự phát triển đầy sinh động và cơ hội của nền kinh tế La-mã đã hấp dẫn và gia tăng làn sóng di dân đến từ nhiều miền đất khác. Sự thịnh vượng của La-mã gia tăng nhờ vào không khí của tự do doanh nghiệp, một chính quyền giới hạn, và tôn trọng tài sản tư nhân. Thành phần doanh nhân và thương nhân được quần chúng tôn trọng và bắt chước theo.
Ta không nên nói là người La-mã đã trưởng dưỡng một xã hội tự do, mà phải nói là họ đã đưa tự do lên những đỉnh cao mới về nhiều phương diện bằng cách giới hạn quyền lực của nhà nước, dù những khiếm khuyết cũng còn nhiều. Nhưng có điều này là hiển nhiên: Những sự tự do mà họ đạt được trở thành hiện thực và duy trì được hàng bao thế kỷ là nhờ ở những đức tính của người dân mà trên đó tự do được thiết lập; những đức tính đó là lòng can đảm, sự siêng năng, sự độc lập cá nhân, và tự lực.
Những thành tựu đáng nể của La-mã về vệ sinh, giáo dục, ngân hàng, kiến trúc, và thương nghiệp đã được ca tụng như huyền thoại. Thành La-mã còn có cả một thị trường chứng khoán. Với thuế suất và thuế xuất nhập khẩu thấp, tự do mậu dịch và số lượng tài sản tư nhân lớn lao, La-mã đã trở thành trung tâm tài sản của thế giới. Thế nhưng, tất cả những điều này đều biến mất vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên; và khi những điều đó mất đi, thế giới bị rơi vào vực tối và tuyệt vọng, nô lệ và nghèo khó.
Tại sao La-mã bị suy tàn và sụp đổ? La-mã bị sụp đổ vì một sự thay đổi cơ bản trong tư tưởng trong một thành phần của người La-mã—những tư tưởng liên quan chính yếu đến trách nhiệm cá nhân và nguồn gốc của sự thu nhập lợi tức. Trong những ngày đầu của thời hoàng kim, người dân La-mã xem chính họ là nguồn thu nhập lợi tức. Nói như vậy, tôi muốn nói rằng, mỗi cá nhân tự lo lấy cho bản thân mình—những gì anh ta có thể thu nhận được một cách tự nguyện tại thị trường—là nguồn lợi tức chính để sinh sống. La-mã bắt đầu suy tàn khi người dân khám phá ra một nguồn lợi tức khác; đó là rút từ tiến trình chính trị, tức là từ Nhà nước. Nói ngắn gọn, đó là một vấn đề liên quan đến đức tính.
La-mã leo lên đỉnh quang vinh nhờ vào những cột trụ vững chắc của đức tính cá nhân. La-mã bị đắm chìm khi người dân hy sinh đức tính cho những điều kém cao nhã như quyền lực và sự “an ninh” tạm thời và giả trá của cái gọi là “của ban cho” của Nhà nước.
Khi người dân La-mã từ bỏ trách nhiệm cá nhân và sự tự lực, và bắt đầu sử dụng lá phiếu cho lợi ích của mình, dùng chính quyền để lấy tài sản của Ất để trả cho Giáp, cho tay vào móc túi kẻ khác, ganh ghét và thèm muốn tài sản của người khác, và đi vào con đường định mạng tự huỷ. Như cố Tiến sĩ Howard E. Kershner đã nói, “Khi một dân tộc đang tự cai trị trao cho chính quyền cái quyền lực để lấy của người này cho người khác, tiến trình này sẽ không dừng lại cho đến khi mẩu xương cuối cùng của người đóng thuế bị bóc không còn miếng thịt.”
Sự tước đoạt được hợp pháp hoá của nhà nước phúc lợi La-mã chắc chắn là được sự đồng tình của những người muốn làm việc tốt. Nhưng như Henry David Thoreau đã viết, “Nếu tôi biết chắc là có một người đến nhà tôi để làm việc tốt cho tôi, tôi sẽ chạy bán mạng.” Một người khác cũng nói “Con đường xuống địa ngục được trải bằng những ý định tốt.” Không có gì ngoài sự xấu xa có thể đến từ một xã hội dựa trên sự cưỡng bách, chiếm hữu tài sản, và làm giảm giá trị của năng suất.
Trong những năm suy tàn của nền cộng hoà La-mã, một gã lưu manh tên Clodius ra ứng cử vào quốc hội. Hắn hối lộ cử tri bằng những lời hứa hẹn là họ sẽ được nhà nước cho hưởng thóc lúa miễn phí, và hắn thắng cử. Từ đó về sau, dân La-mã càng ngày càng thấy rằng bỏ phiếu để kiếm sống còn có lợi nhiều hơn là đi làm.
Những ứng cử viên vào các chức vụ công quyền tiêu rất nhiều tiền để mua chuộc sự ủng hộ của công chúng, xong rồi khi thắng cử tìm cách cướp lại công quỹ để trả nợ cho những lời hứa hẹn với những kẻ đã bỏ phiếu bầu cho họ. Khi nền cộng hoà bị buộc phải nhường chỗ cho chế độ độc tài, những ông hoàng đế kế tiếp nhau xây dựng quyền lực của họ trên những số tiền khổng lồ họ ban phát lại. Vào thời điểm Chúa Jesus sinh ra, gần một phần ba dân thành La-mã nhận tiền trợ cấp của nhà nước.
Sử gia H. J. Haskell mô tả sự xoay chiều bi thảm của những ý tưởng và sự kiện này như sau: “Chưa đến một thế kỷ sau khi nền Cộng hoà mờ dần vào sự chuyên chế của Đế quốc, người dân đã mất tất cả ý niệm về các định chế dân chủ. Khi một hoàng đế sắp chết, Thượng viện thảo luận xem có nên khôi phục lại nền Cộng hoà hay không, nhưng dân chúng vẫn thích sự cai trị phung phí của kẻ độc tài vì y sẽ tiếp tục phát chẩn những phúc lợi cho họ miễn phí. Đám đông quần chúng bên ngoài la ó đòi hỏi chỉ có ‘một nhà cai trị’[2] mà thôi.”
Thật là đáng sợ khi ta thấy một dân tộc mạnh mẽ đến thế mà khi lơ là để cho đức tính bị thoái hoá lại có thể dễ dàng bị mua chuộc bởi nhà nước phúc lợi. Và khi đã tự bán mình cho nồi cháo lú của những chính trị gia, thì không dễ gì để quay lại được nữa.
Nói về hoàng đế Augustus, cai trị từ năm 27 tới 14 trước Công nguyên, người muốn giảm thiểu chương trình tài trợ lúa gạo miễn phí qua một phép thử về tài sản, Sử gia Haskell dẫn trong tiểu sử của Augustus về thời đó như sau: “Ngài đã có ý định huỷ bỏ vĩnh viễn sự phân phối lúa gạo của công cho dân chúng, vì người dân đã bị ỷ lại vào sự trợ giúp này và không chịu cày cấy nữa; nhưng ngài không thể đi xa hơn trong biện pháp này, vì biết rằng phát xuất từ ý định muốn thoả mãn người dân [của những chính trị gia], thì điều này sẽ lại được hồi sinh không vào lúc này thì cũng vào lúc khác.”
Nhằm đối phó với sự khủng hoảng tín dụng và tiền bạc trầm trọng vào năm 33 sau Công nguyên, chính quyền trung ương đã mở rộng tín dụng xuống mức không lấy lãi trên diện rộng. Sự chi tiêu của chính quyền theo sau cuộc khủng hoảng đã tăng vọt lên cao.
Năm 91 sau Công nguyên, chính quyền can thiệp sâu rộng vào nông nghiệp. Hoàng đế Domitian, nhằm giảm mức sản xuất và tăng giá rượu, đã ra lệnh tiêu huỷ hết một nửa số vườn nho trong nước.
Theo gương của thành La-mã , nhiều thành phố khác trong đế quốc cũng mặc sức tiêu xài cho đến khi ngập trong nợ nần. Bắt đầu với Hoàng đế Hadrian đầu thế kỷ thứ Hai, những thành phố mắc nợ đã nhận trợ giúp từ thành La-mã và qua đó đã mất đi sự độc lập về chính trị.
Chính quyền trung ương cũng nhận luôn trách nhiệm giải trí cho dân chúng. Những gánh xiệc hoa lệ và những cuộc giác đấu song đôi được tổ chức để tiêu khiển cho dân chúng. Một sử gia ước lượng rằng La-mã đã tiêu tốn khoảng 100 triệu mỗi năm cho những thú vui này.
Dưới sự cai trị của Hoàng đế Antonius Pius, từ năm 138 tới 161 sau Công nguyên, bộ máy hành chánh của La-mã đã đi đến một tỷ lệ khổng lồ. Cuối cùng, theo sử gia Albert Trever, “cái hệ thống thuế khoá, trưng dụng, và cưỡng bách lao động được cả một đạo quân thư lại vận hành không mệt mỏi… Những viên chức hành chánh của hoàng đế có mặt khắp nơi để nghiền nát những người trốn thuế.”
Có rất nhiều khoản thuế để người dân trốn tránh. Hoàng đế Nero, theo sử gia La-mã Gaius Suetonius trong cuốn sách “Cuộc đời của những hoàng đế Caesar,”[3] đã xoa tay và tuyên bố rằng, “Hãy đánh thuế và đánh thuế nữa! Để không còn ai sở hữu cái gì nữa!” Thuế khoá cuối cùng tiêu diệt thành phần giàu có trước, rồi đến thành phần trung lưu và giai cấp thấp hơn. Theo sử gia W. G. Hardy, “Những gì mà quân lính hoặc quân man rợ chừa ra, ông hoàng chiếm hữu bằng thuế khoá.’”
Vào cuối thế kỷ thứ ba, Hoàng đế Aurelian tuyên bố rằng người dân có quyền thừa kế tiền trợ cấp của chính phủ. Ông vua này phát chẩn cho dân chúng bánh mì đã làm sẵn (thay vì cho dân bột mì và để họ tự làm) cộng thêm với muối, thịt khô và dầu ô-liu.
La-mã chịu đau khổ vì cái bả thuốc độc của nhà nước phúc lợi, đó là lạm phát. Nhu cầu tiêu xài khủng khiếp của chính quyền và trợ cấp xã hội tạo áp lực khiến cho nhà nước cứ thế mà in tiền. Những đồng bạc của La-mã bị mất giá hết từ đời vua này đến vua nọ để trả cho những chương trình tốn kém. Đồng tiền đi-na được đúc bằng bạc ròng, cho đến năm 300 thì chỉ còn giá trị như một đồng kẽm, chỉ còn 5% là bạc.
Giá cả tăng vọt và tiền tiết kiệm biến mất. Những thương gia bị phỉ báng dù chính quyền tiếp tục tiêu xài hoang phí. Chính sách kiểm soát giá cả lại càng làm cho nền kinh tế tư nhân bị tả tơi và co cụm lại. Đến năm 476 sau Công nguyên, khi quân rợ bên ngoài đã xóa sổ đế quốc trên bản đồ, thì La-mã đã tự kết liễu đời sống đạo đức và kinh tế của mình.
La-mã đầu tiên đã đánh mất đức tính của mình. Và hậu quả của nó là mất luôn cả tự do và cuối cùng là cả nền văn minh.
Tôi kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện cũ mà bạn đọc sẽ thấy sự liên hệ với La-mã trong chốc lát. Câu chuyện này nói về một đàn lợn rừng sống dọc theo bờ sông trong một khu vực hẻo lánh thuộc bang Georgia. Những con lợn rừng rất xấu xí, hung hãn, và độc lập. Chúng đã tồn tại qua nào là nạn lụt, cháy rừng, giá lạnh đông đá, hạn hán, thợ săn, chó săn, và mọi thứ khác. Không ai nghĩ rằng sẽ có thể bắt được chúng.
Ngày kia có một người lạ mặt đến thành phố không xa nơi đàn lợn sinh sống. Khách lạ vào tiệm tạp hóa chính của phố và hỏi ông chủ tiệm, “Đàn lợn rừng đang ở đâu? Tôi muốn bắt chúng.” Ông chủ tiệm phá ra cười, nhưng cũng chỉ đường cho người khách. Người khách lặng lẽ rời tiệm, trên cỗ xe một ngựa kéo, một cây búa rìu, và vài túi bắp (ngô).
Hai tháng sau người khách trở lại, vào tiệm tạp hóa và nhờ thêm người đem đàn lợn ra. Ông ta bảo rằng đã quây được đàn lợn trong một cái chuồng ở trong rừng. Dân phố ngạc nhiên lắm và từ nhiều nơi xa xôi cũng tìm đến nghe người khách kể chuyện bắt lợn rừng.
“Việc đầu tiên tôi làm,” người khách kể, “là dùng cây búa rìu dọn một khoảng đất trống trong rừng, rồi tôi đặt một ít bắp ở giữa khu đất. Lúc đầu chẳng có con lợn nào mò ra ăn bắp hết. Rồi thì sau vài ngày, những con lợn con bắt đầu tò mò tìm ra, đớp vài trái bắp, rồi chạy vào rừng. Rồi những con lợn già hơn cũng bắt chước theo, ắt hẳn chúng nghĩ rằng nếu mình không ăn thì con khác cũng ăn. Chẳng bao lâu cả đàn lợn đều ra ăn bắp tôi rải sẵn. Chúng chẳng cần phải tìm củ, rễ gì làm thức ăn nữa.”
“Vào lúc đó,” người khách kể tiếp, “tôi bắt đầu dựng hàng rào chung quanh khu đất, mỗi ngày một cao hơn. Đến đúng lúc, tôi làm một cái cửa sập, chỉ có chui vào mà không chui ra được. Dĩ nhiên khi chúng bị sập bẫy, chúng kêu réo inh ỏi. Tôi có thể bẫy bất cứ con vật nào trên trái đất nếu tôi có thể làm chúng bị hủ hóa khi dựa vào tôi để nhận trợ cấp!”
Tôi nhắc lại một lần nữa để nhấn mạnh: Không có dân tộc nào khi đã đánh mất đức tính mà còn có thể giữ được tự do.
Nông Duy Trường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân – ICEVN, April 2019
Lawrence W. Reed là Chủ tịch của Foundation for Economic Education (FEE) từ năm 2008. Trước khi trở thành chủ tịch của FEE, Reed đã phục vụ trong 20 năm trong cương vị chủ tịch của Trung tâm Chính sách Công Mackinac tại Midland, Michigan. Reed cũng giảng dạy môn kinh tế học toàn thời gian từ 1077-1984 tại Đại học Northwood bang Michigan, và là trưỡng khoa Kinh tế tại đây từ 1982-1984.
Nguồn: https://fee.org/media/14973/fee-arewerome.pdf
[1] Etruria là một lãnh thổ nằm ở miền trung nước Ý, vùng Tuscany bây giờ. Dân Etruria còn được gọi là Etruscan, chiếm lĩnh toàn nước Ý và cai trị dân La-mã vào khoảng năm 500 trước Công nguyên.
[2] Chế độ Cộng hoà La-mã được cai trị bởi Viện Nguyên lão (Senate), gồm một số (từ 300 – 500) những công dân lớn tuổi, có tài sản và vai vế trong xã hội (nay ta thường gọi là nhân sĩ). Viện Nguyên lão bầu ra hai Chấp chính viên tối cao là Tổng Chưởng quan để lãnh đạo nền cộng hoà và để phòng ngừa trường hợp độc tài cá nhân. Thành viên Viện Nguyên lão phục vụ suốt đời. Lưỡng đầu hành pháp được thành lập nhằm tránh sự độc quyền và để phân ngăn quyền lực. Khi có chiến tranh, Viện Nguyên lão sẽ bổ nhiệm một tướng lãnh làm Tổng Chưởng quan tạm thời để đối phó với tình trạng khẩn cấp. Sau khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp, hệ thống lưỡng đầu lại được khôi phục.
[3] De Vitae Caesarum (Tiểu sử của 12 hoàng đế Caesar) gồm có tiểu sử của hoàng đế Julius Caesar và 11 vị hoàng
đế đầu tiên của Đế quốc La-mã .