fbpx

Luận Cương về Thể chế Liên Bang

Luận cương Liên bang 8

Luận về Hậu quả của sự Tranh chấp giữa các Tiểu bang

(Tiếp theo)

Alexander Hamilton

 

20 tháng 11, 1787

Cùng đồng bào Tiểu bang New York,

Hãy xem đây là một sự thật đã được kiểm chứng, đó là các tiểu bang sẽ bị phân chia, hay một số liên minh mới sẽ được thiết lập sau khi liên hiệp tiểu bang tan rã, những thực thể mới này sẽ phải chịu đựng những thăng trầm của chiến tranh và hòa bình, về tình trạng thân hữu hay thù nghịch như đã được trải nghiệm bởi các nước lân bang không được đoàn kết dưới một chính quyền. Chúng ta hãy thử thực hiện một cuộc điều nghiên chính xác về những hậu quả mà tình trạng đó mang lại.

Chiến tranh giữa các tiểu bang trong giai đoạn đầu của tình trạng chia rẽ đó sẽ đưa đến những thảm trạng lớn hơn là tình trạng chia rẽ xảy ra tại các nước đã có cơ chế quân sự vững chắc từ lâu đời.

Các cơ chế quân sự vững mạnh được xây dựng tại lục địa Âu Châu, dầu có làm tổn hại đến tự do và kinh tế, các cơ chế quân sự đó, tuy thế, cũng khiến cho những mưu đồ xâm lược bất ngờ trở nên khó thực hiện được, và ngăn cản được những tàn phá nhanh chóng thường báo hiệu cho tình trạng dẫn đến chiến tranh.

Việc xây dựng công trình phòng thủ cũng đóng góp vào mục tiêu tương tự. Được bao bọc bởi những dẫy công trình phòng thủ, các nước Âu Châu đã ngăn cản được những mưu đồ tấn công lẫn nhau. Nhiều nước đã phí phạm phương tiện trong những chiến dịch tiêu diệt vài tiền đồn để có thể xâm nhập vào lãnh thổ của kẻ địch. Trở ngại tương tự thường xẩy ra qua nhiều giai đoạn với kết quả là làm tiêu hao sức lực và suy giảm mức độ tấn công của kẻ xâm lược.

Trước đây, một đoàn quân xâm lược có thể tiến vào nội địa của nước lân bang gần như ngay sau khi nước này nhận được tin tức tình báo về cuộc xâm lăng đó. Nhưng ngày nay, một lực lượng quân sự tương đối nhỏ hơn nhưng có kỷ luật cao, chú trọng đến phòng thủ, với sự trợ giúp của các tiền đồn, cũng có khả năng ngăn cản và sau đó bẻ gẫy được những nỗ lực của một lực lượng mạnh hơn.

Lịch sử chiến tranh của phần thế giới này không còn là lịch sử của những nước bị trấn áp và các đế quốc bị lật đổ, mà là lịch sử của những thành phố bị chiếm đóng và được giải phóng, những trận đánh không đưa đến kết quả quyết định nào, những cuộc triệt thoái có lợi hơn những chiến thắng, và những cố gắng vượt bực nhưng không đưa đến thành quả nào.

Tại đất nước này, tình hình sẽ bị đảo ngược hoàn toàn. Sự ganh tỵ giữa các định chế quốc phòng sẽ ngăn chặn các chi tiêu của nhau càng lâu càng tốt. Sự thiếu hụt các hệ thống phòng thủ sẽ khiến cho các vùng biên giới giữa các tiểu bang bị bỏ ngỏ và tạo điều kiện cho những  sự xâm nhập. Những tiểu bang đông dân sẽ dễ dàng lấn chiếm các lân bang ít dân hơn. Các cuộc xâm lược dễ xảy ra dầu cho sẽ khó duy trì. Vì vậy, chiến tranh sẽ trở nên vô định và nhằm mục đích cướp phá. Nạn cướp bóc và phá hoại đi theo sau những toán quân ô hợp. Hậu quả rõ rệt nhất của các chiến công là đem lại tai họa cho cá nhân.

Tình trạng đó không phải là một điều phóng đại, tuy nhiên tôi cũng phải thú nhận rằng tình hình sẽ phải thay đổi.

Sự an toàn chống lại các nguy cơ đến từ bên ngoài là động lực lớn nhất, quyết định hướng đi và cách hành xử của quốc gia. Với thời gian, ngay cả lòng tin yêu tự do nhiệt tình nhất cũng phải nhường bước cho những đòi hỏi của nhu cầu an ninh đó. Sự tàn phá đời sống và tài sản vốn là hậu quả của chiến tranh, cũng như thái độ cảnh giác trước những mối đe dọa thường trực của hiểm nguy bạo lực, sẽ bắt buộc các nước yêu chuộng tự do nhất, vì nhu cầu an ninh và yên bình, sẽ phải áp dụng những định chế có khuynh hướng hạn chế các quyền chính trị và dân sự của con người. Để được an toàn hơn, các nước này sẽ chấp nhận một tình trạng thiếu tự do hơn.

Những định chế giới hạn tự do nói trên là các lực lượng quân sự thường trực cùng với những thành tố phụ thuộc vào các cơ chế quân sự đó. Lực lượng quân sự thường trực, như đã nói, không phải được lập ra để chống lại Hiến pháp mới; do đó, có thể suy ra rằng các loại định chế này có thể được thành hình dưới hiến pháp này. [1]

Trong những điều kiện tốt nhất, lối suy diễn nói trên cũng trở nên không đáng tin cậy và có vấn đề. Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng sự hiện hữu của các định chế quân sự là hậu quả không thể tránh được từ sự tan rã của Liên hiệp. Tình trạng chiến tranh triền miên và mối lo sợ thường trực đòi hỏi, cũng như đưa đến, nhu cầu luôn luôn phải chuẩn bị quân sự.

Trước hết, các tiểu bang yếu kém, hay liên hiệp tiểu bang, sẽ đòi hỏi phải thành lập các định chế quân sự để tạo thế quân bình với các tiểu bang lớn mạnh hơn. Họ sẽ phải cố gắng bổ sung cho dân số yếu kém và tình trạng thiếu phương tiện của họ bằng một hệ thống quốc phòng thường trực và hữu hiệu hơn, gồm cả các đạo quân có kỷ luật với các công sự phòng thủ hữu hiệu.

Đồng thời, các tiểu bang đó cũng nhìn thấy nhu cầu phải củng cố ngành hành pháp của họ, và khi làm như vậy, hiến pháp của họ sẽ ngả theo định chế quân chủ. Do bản chất của nó, chiến tranh cũng đưa đến việc củng cố quyền lực của hành pháp lấn áp quyền lực của lập pháp.

Qua việc thực hiện những điều kiện nêu trên, những tiểu bang hay liên hiệp tiểu bang nào thực hiện những điều đó sẽ trở nên hùng mạnh hơn các tiểu bang lân cận. Những tiểu bang tuy nhỏ hay có ít tài nguyện hơn, nhưng lại có các cơ chế nắm quyền vững chắc và các đạo quân mạnh và kỷ luật hơn, nhiều khi sẽ thắng thế các tiểu bang lớn hay nhiều tài nguyên hơn, nhưng lại không có các lợi điểm nói trên.

Lòng kiêu hãnh hay nhu cầu an ninh của các tiểu bang hay liên hiệp tiểu bang lớn hơn sẽ không cho phép họ chịu quy phục lâu dài thế thượng phong nhục nhã và ngược đời của các tiểu bang nhỏ nhưng mạnh hơn họ. Họ sẽ nhanh chóng vận dụng những phương cách tương tự để phục hồi ưu thế đã mất của họ. Và như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến ở khắp nơi sự xuất hiện các thể chế độc tài, vốn là mối họa của Thế Giới Cũ. Ít ra, việc đó sẽ là một tiến trình tự nhiên, và lề lối suy luận của chúng ta sẽ trở nên đúng đắn hơn, tương xứng với sự thích nghi của suy luận đó căn cứ vào tiêu chuẩn được đề ra. Những lý luận trên đây không phải là những suy diễn mơ hồ được rút tỉa từ những khuyết điểm được giả định hay võ đoán từ một bản hiến pháp theo đó toàn bộ quyền hạn đã được trao vào tay người dân, hay các đại diện của họ, hay những người được họ ủy quyền. Ngược lại những suy luận đó là kết luận chính xác được tổng kết từ sự phát triển tự nhiên và tất yếu của đời sống con người.

Người ta có thể hỏi, như một hình thức phản biện các suy luận này, rằng tại sao các đạo quân hùng hậu đã không nổi lên từ những tranh chấp như đã luôn xuất hiện trong những nền cộng hòa Hy Lạp trước đây? Nhiều câu trả lời, cũng mang đặc tính chính đáng như nhau, sẽ được đề xuất để đáp ứng câu hỏi đó. Sự năng động của người dân hiện nay, bị chi phối bởi mưu cầu lợi nhuận và chú trọng đến những phát triển của nông nghiệp và thương mại, đều không thích hợp với một quốc gia quân đội, vốn được coi như là một điều kiện đã từng tìmthấy trong các nền cộng hòa Hy Lạp.

Phương tiện thâu lợi nhuận, vốn đã được gia tăng với sự gia tăng của khối lượng vàng bạc và các kỹ thuật công nghệ, khoa học tài chính, đều được coi như kết quả của cuộc sống hiện đại, kết hợp với tập quán của các quốc gia, tất cả các sự kiện nói trên đã tạo thành một cuộc cách mạng trong hệ thống chiến tranh, và đã làm cho các đạo quân có kỷ luật, tách biệt với khối đông quần chúng, trở thành người đồng hành không thể tách rời của các cuộc tranh chấp thường xuyên.

Cũng còn có sự khác biệt rộng lớn, giữa một bên là các thể chế quân sự của một nước ít khi bị đối diện với tình trạng chiến tranh, và bên kia là một quân đội trong một quốc gia luôn luôn phải đối phó với, và luôn luôn lo sợ, những cuộc tranh chấp bạo lực đó. Chính quyền của các quốc gia loại nhất, nếu muốn, cũng có thể nêu ra một lý do xác đáng để duy trì những đạo quân hùng hậu tương đương với các đạo quân mà các quốc gia loại sau cần phải duy trì vì nhu cầu. Những đạo quân trong trường hợp thứ nhất, sẽ ít khi và có thể là không bao giờ, được huy động để đối phó với một cuộc chiến tranh, và người dân trong đó sẽ không bao giờ phải chịu sự trấn áp của quân đội. Luật lệ sẽ không bao giờ bị sửa đổi để đối phó với những nhu cầu quân sự. Guồng máy dân sựsẽ luôn luôn vững mạnh, không hề bị lũng đoạn hoặc bị trấn áp bởi những nguyên tắc hay sự khuynh loát của các chính thể quân sự.

Thể chế quân sự tại các nước nhỏ khiến cho các định chế dân sự tại các nước này trở nên vững mạnh, và người dân trong đó thường không có khuynh hướng lệ thuộc vào sức mạnh quân sự che chở, hay lệ thuộc vào sự trấn áp của các lực lượng quân sự đó. Họ không tỏ ra ưa chuộng hay sợ sệt sức mạnh quân sự. Họ chỉ nhìn tập thể quân đội như là một nhu cầu cần thiết và sẵn sàng đối phó với áp lực từ phía quân đội, vì họ quan niệm tập thể này có thể vận dụng để đe dọa quyền lợi của họ. Trong những trường hợp nói trên, quân đội có thể giúp ích cho giới nắm quyền một công cụ để hóa giải áp lực từ một thành phần chống đối nhỏ, một tập thể nổi loạn nhỏ hay một cuộc xâm lăng nhỏ, tuy nhiên quân đội đó sẽ không đủ khả năng để đối phó với một cuộc tấn công của đại bộ phận quần chúng.

Đối với một quốc gia ở trong tình huống luôn luôn phải chống chỏi với những nguy cơ bị tấn công, tình trạng ngược lại sẽ xẩy ra. Mối đe dọa thường xuyên trên sẽ đòi hỏi chính quyền phải luôn sẵn sàng để đối phó với những biến cố đó, và quân đội của họ phải đủ quân số ngay lập tức đểchống xâm lăng. Sự cần thiết phải trông chờ vào sự bảo vệ của quân đội sẽ làm gia tăng uy thế của quân đội, và vị thế của người dân sẽ phải suy yếu đi ởmức độ tương xứng. Vị thế của quân đội sẽ cao hơn vị thế người dân. Quyền lợi của cư dân trong các lãnh thổ luôn luôn có chiến tranh, nhất địnhsẽ bị xâm phạm , và điều đó khiến cho họ sẽ bớt ý thức về những quyền hạn của chính mình; và dần dần, người dân sẽ phải nhân diện binh sĩ không những chỉ là người bảo vệ họ, mà còn thấy rằng binh sĩ là cấp trên của họ. Sự chuyển tiếp từ thái độ đầu tiên qua việc công nhận người lính như là bậc thầy của họ không quá khó khăn và xa vời. Một khi chuyện đóxẩy ra thì sẽ rất khó thuyết phục người dân lấy đủ nghị lực để chống trả sự lạm quyền của quân đội.

Đế quốc Anh ít khi bị rơi vào tình trạng kể trên. Nhờ vị thế cô lập của lãnh thổ và một lực lượng hải quân hùng mạnh giúp chống lại các cuộc ngoại xâm đã khiến Vương quốc Anh không cần phải xây dựng một đạo quân nội địa hùng mạnh để bảo vệ bờ cõi. Họ chỉ cần duy trì một lực lượng vệ binh đủ sức để ngăn cản các lực lượng xâm chiếm trong khi chờ đợi việc huy động lực lượng quân đội. Chính sách quốc gia cho đến dư luận quần chúng đều không chấp nhận sự hiện diện của một đạo quân nội địa hùng mạnh. Từ lâu, Vương Quốc Anh đã không phải chịu những hậu quả của các cuộc xâm lăng. Trong một phạm vi rộng lớn, vị thế hải đảo của lãnh thổ Vương Quốc Anh đã đóng góp vào việc bảo vệ tình trạng tự do mà nước này đã được hưởng cho đến ngày nay, mặc dầu vẫn phải đương dầu với tình trạng mua quan bán tước và tham nhũng trong chính quyền. Nếu ngược lại, lãnh thổ của Vương Quốc Anh nằm trên lục địa, địa thế đó bó buộc Vương Quốc Anh phải phát triển lực lượng quân sự nội địa ngang tầm với các quốc gia khác tại Âu Châu, như các nước khác, sẽ có nhiều triển vọng cho đến ngày này, Vương Quốc Anh đã là nạn nhân một cá nhân thâu tóm quyền lực tột đỉnh.

Điều có thể xẩy ra, tuy không dễ dàng, là đảo quốc này sẽ bị trói buộc bởi nguyên do khác, nhưng không thể nào có thể bị nô lệ hóa bởi một lực lượng quân đội giới hạn thường được duy trì trên lãnh thổ Vương Quốc này.

Nếu chúng ta đủ khôn ngoan để bảo vệ liên hiệp của chúng ta, chúng ta cũng có thể hưởng được những lợi điểm tương tự như trong vị thế một đảo quốc. Âu Châu rất xa chúng ta. Những thuộc địa của Âu Châu gần chúng ta vẫn tiếp tục duy trì vị thế yếu kém so với chúng ta và như thế sẽ khó có thể gây rối cho chúng ta. Việc duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh sẽ không cần thiết để bạo vệ nền an ninh của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta chia rẽ, hay các thành phần kết thành liên hiệp tiếp tục ở trong vị thế tách biệt, hay rơi vào tình trạng có nhiều khả năng xẩy ra nhất là hợp thành vài ba nhóm liên hiệp nhỏ, thì lúc đó, chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng ta sẽ phải gánh chịu những thảm họa tương tự như các cường quốc Âu Châu – nền tự do của chúng ta sẽ trở thành con mồi của chính các thế lực quân sự mà chúng ta thành lập để bảo vệ chúng ta chống lại những tham vọng và ganh tỵ giữa chúng ta với nhau.

Trên đây không phải là những ý tưởng phiến diện hay vô ích, mà rất xác đáng và được thận trọng cân nhắc. Nó cần được suy xét một cách đúng đắn và thận trọng bởi những người cẩn trọng và thành thật thuộc bất cứ đảng nào. Nếu tất cả những cá nhân đó dành thời gian để thận trọng và chín chắn suy nghĩ một cách bình tâm về tầm quan trọng của ý tưởng đáng lưu tâm này, nếu họ để tâm cân nhắc các lợi ích của ý tưởng đó, và truy tìm tất cả các hậu quả của nó, thì họ sẽ không ngần ngại loại bỏ những đắn đo nhỏ nhoi chống đối bản Hiếp Pháp, nếu ý tưởng đó bị bác bỏ thì sẽ đưa đến triển vọng chấm dứt nền liên hiệp.

Những bóng ma bay bổng trước các trí tưởng tượng bệnh hoạn của một vài kẻ chống đối bản Hiến Pháp sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho viễn tượng các hình thức đe dọa cụ thể, chắc chắn và nguy hại hơn.

Publius.

[1] Phản luận này sẽ được phân tích cặn kẽ hơn trong phạm vi của nó, và sẽ được chứng minh rằng sự đề phòng đó là hữu lý nhất đối với vấn đề này đã được trù liệu, trong bất cứ một bản hiến pháp nào được thiết lập tại Hoa Kỳ từ trước đến nay. Những hiến pháp trước đó không chứa đựng bất cứ một biện pháp phòng ngừa nào đối với vấn đề này. (Ghi chú của tác giả).