fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Lòng dũng cảm của một y tá: Câu chuyện về Edith Cavell

Edith Cavell đã cứu một nghìn binh sĩ Đồng minh từ chiến trường Bỉ thoát khỏi nhà tù của Đức trong Thế Chiến thứ Nhất.

 

Pháp phải đầu hàng Đức Quốc xã vào ngày 22 tháng 6 năm 1940. Một ngày sau, Adolf Hitler  thân hành đi thăm thủ đô Paris đã bị chinh phục, nơi mà ông ta đích thân ra lệnh phá hủy hai đài tưởng niệm các anh hùng trong Thế chiến thứ nhất. Hôm nay — ngày 4 tháng 12 năm 2019 — là kỷ niệm 154 năm ngày sinh của một trong số những người đó, một người phụ nữ đáng được chú ý tên là Edith Cavell.

Câu chuyện của cô là một ví dụ về bi kịch cổ xưa nhưng được lặp đi lặp lại từng phút ở một nơi nào đó trên thế giới: đó là một bi kịch về một cá nhân thực sự tốt đẹp mà cuộc sống bị một chính phủ tồi tệ nào đó bóp chết vì một mục đích vô nghĩa.

Sinh năm 1865 tại Swardeston , Anh quốc, Edith Cavell đã 30 tuổi khi cô chọn y tá là nghề nghiệp cho chính mình . Nguồn cảm hứng đã đến với cô khi cô chăm sóc cho cha cô trong một trận ốm nặng, và nhờ đó ông đã bình phục. Trong quá trình huấn nghiệp,  cô đã làm việc tại một số bệnh viện và sau đó cô đi vòng quanh miền Đông Nam nước Anh để điều trị cho các bệnh nhân tại nhà của họ về các cơn bệnh từ viêm ruột thừa đến ung thư. Một người viết tiểu sử nói rằng cô được nổi tiếng vì có  một thiên phú bẩm sinh là có thể chú ý đến từng chi tiết nhỏ, và có một “tinh thần trách nhiệm cao độ”.

Theo sự nài nỉ của một bác sĩ phẫu thuật ở Brussels, cô đến Bỉ vào năm 1907 và trở thành một nhân tố chủ lực trong việc thành lập trường điều dưỡng đầu tiên của Bỉ. Theo Kathy Warnes của trang web Windows to World History , Cavell đã sớm đào tạo các y tá có nguyện vọng cao cho ba bệnh viện, 24 trường học và 13 trường mẫu giáo ở Bỉ. Cô trở thành người phụ nữ đầu tiên của Viện Berkendael ở Brussels.

“Cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến”

Rồi thì, những phát súng của tháng 8 năm 1914 báo trước sự bắt đầu của Thế chiến thứ nhất. Nó được cho là “cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến tranh,” cuộc xung đột sẽ “làm cho thế giới an toàn cho nền dân chủ.” Tuy nhiên, nó đã được chứng minh là hoàn toàn  trái ngược như vậy. Đó là một trong những cuộc xung đột vô nghĩa và hủy diệt nhất từng được bắt đầu bởi những kẻ ngu ngốc có quyền lực chính trị. Như tôi đã viết trong một bài luận về một anh hùng khác của thời đó, Siegfried Sassoon ,

Hơn một thế kỷ sau khi kết thúc, Thế chiến thứ nhất vẫn là một bí ẩn đối với người dân khắp nơi. Chúng ta học các lớp lịch sử và vẫn hỏi, “mục đích của nó là gì?” hoặc “Điều gì có thể biện minh cho sự tàn sát và tàn phá không thể tưởng tượng được mà nó gây ra?”

Kết quả chính của nó là khiến một phần tư thế kỷ sau đó, thế giới không thể tránh khỏi một vụ tàn phá thậm chí còn nguy hiểm hơn. Có lẽ ít cuộc phiêu lưu nào trong lịch sử có nguồn gốc phi lý, thiệt hại khủng khiếp và phản tác dụng về hậu quả của chúng hơn cuộc phiêu lưu bắt đầu khi một kẻ kỳ quặc, vô danh tiểu tốt thuộc hoàng gia Áo[1] bị ám sát ở Sarajevo vào tháng 6 năm 1914 ….

Cứ tám người Anh thì có một người phục vụ ở mặt trận phía Đồng Minh trong Thế chiến thứ nhất đã chết trong chiến hào hoặc trong những tử địa khủng khiếp ngăn cách họ. Thương vong — những người bị thương và những người thiệt mạng — tổng cộng là 56%.

Mặc dù đây là cuộc chiến đầu tiên mà bệnh tật cướp đi sinh mạng của ít người hơn những người tham chiến, nhưng điều đó có thể không phải là do những tiến bộ của y học cũng như độ chính xác tàn nhẫn của súng máy và đạn pháo cũng như sự bế tắc vô tận, đầy bạo lực của chiến tranh chiến hào.[2]

Khi Đức chiếm đóng Bỉ vào mùa thu năm 1914, quân đội của Kaiser cho phép Cavell, một công dân của một nước kẻ thù (Anh), ở lại phụ trách Viện của cô ấy nhưng họ vẫn để mắt trông chừng khi cô điều trị cho các chiến binh của cả hai bên trong bệnh viện. và  tại trường đào tạo các y tá.

Giúp những người lính trốn thoát

Ai có thể bắt lỗi Cavell nếu cô muốn chọn trốn lánh chiến tranh để về quê nhà ở Anh? Một minh chứng cho lòng dũng cảm của mình, cô ấy không chỉ ở lại, cô ấy còn tham gia lực lượng Kháng chiến Bỉ theo lời mời đầu tiên. Nhiệm vụ mới của cô là giải cứu những người lính Đồng Minh bị tách khỏi đơn vị của họ. Trong Im lặng trong Thời của cái  Ác: Cuộc chiến dũng cảm của Edith Cavell , Jack Batten viết rằng trong chín tháng tới, cô

đã che chở cho những người lính trốn thoát trong bệnh viện của cô, sử dụng mọi thủ đoạn để ngăn những người Đức nghi ngờ phát hiện ra họ. Cô đã giúp sắp xếp một con đường bí mật đến nước trung lập Hà Lan và trở về Anh với rủi ro cá nhân lớn, tạo điều kiện cho binh lính thuộc mọi cấp bậc vượt qua phòng tuyến của Đức. Sử dụng viện như một phần của một lối thoát phức tạp của Đồng minh, Edith Cavell chịu trách nhiệm về việc một nghìn binh sĩ cuối cùng cũng tìm được đường về nhà.

Cuốn tiểu sử năm 2015 của Catherine Butcher, Edith Cavell: Faith Before the Firing Squad , báo cáo rằng Brussels vào thời điểm đó có khoảng 6.000 gián điệp Đức. Có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các hoạt động của Cavell bị phanh phui. Hơn một lần, cô ấy đã thoát khỏi vòng vây bắt trong gang tấc. Butcher viết,

Edith luôn đề phòng, sẵn sàng ứng phó nếu mật thám đến khám xét bệnh viện. Cô đã giấu Charlie Scott, một người lính sinh ra ở Norfolk, trong một cái thùng vào một đêm khi quân Đức mở cuộc truy lùng bất ngờ. Khi anh đã vào trong thùng, cô úp táo lên trên người anh để anh không bị phát hiện.

Sự nghi ngờ của Đức đã dẫn đến việc Cavell bị bắt vào ngày 3 tháng 8 năm 1915. Bị buộc tội phản quốc, cô bị đưa ra tòa, bị kết tội và bị kết án tử hình bằng cách xử bắn.

Không sợ hãi và không căm thù

Trong số các ghi chú mà cô  đã viết khi bị giam giữ có một lá thư ngày 14 tháng 9 cho một nhóm y tá, cảm ơn họ vì những bông hoa mà họ đã gửi đến nhà tù. Cô kết thúc nó bằng những dòng chữ sau:

Trong mọi trường hợp , người ta có thể học được những bài học mới về cuộc sống, và nếu bạn ở vị trí của tôi, bạn sẽ nhận ra quyền tự do quý giá như thế nào và chắc chắn sẽ cam kết không bao giờ lạm dụng nó. Để trở thành một y tá giỏi, người ta phải có rất nhiều sự kiên nhẫn; ở nơi đây, ta học để có được phẩm chất đó, tôi đảm bảo với bạn như vậy.

Tại phiên tòa sau đó, công tố viên chỉ đặt ra một tá câu hỏi. Ngay từ lần đầu tiên, cô đã trả lời trung thực và mạnh dạn. Đúng vậy, cô đã giúp hàng trăm người trốn thoát và cô tự hào về điều đó. Khi được hỏi liệu cô ấy có nhận ra điều mình đang làm là “thiệt thòi cho nước Đức” hay không, cô  dũng cảm trả lời rằng mối quan tâm của cô ấy là “giúp những người đã tìm tôi để được giúp đỡ đến biên giới; một khi đi vượt qua, họ đã được tự do.”

Vào rạng sáng ngày 12 tháng 10, ở tuổi 49, cô đã “đón nhận số phận của mình một cách kiên cường và không có một chút sợ hãi”.

Cô ấy đã nói với cha tuyên úy của mình vào đêm hôm trước, “Đứng như tôi nhìn về Chúa và sự vĩnh cửu, tôi nhận ra rằng lòng yêu nước là chưa đủ. Tôi không được hận thù hay cay đắng với bất cứ ai.” Đó sẽ là một mệnh lệnh khó khăn đối với bất kỳ người phàm nào trong hoàn cảnh tương tự, nhưng Cavell là một người phụ nữ có đức tin và sự tự tin sâu sắc.

Vào thời điểm đó, việc tiết lộ về vụ hành quyết Cavell đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Cô được xem như một liệt sĩ dũng cảm, một anh hùng hiền lành giữa sự tàn phá của chiến tranh dã man. Người Anh và người Bỉ đã tập kết lại sau danh nghĩa của cô ấy và thề sẽ giữ cho ký ức của cô ấy tồn tại. Năm 1939, một bộ phim về cô với sự tham gia của Anna Neagle và George Sanders đã xuất hiện trên toàn thế giới. Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao chỉ một năm sau, Hitler lại tìm cách xóa cô khỏi lịch sử bằng cách phá hủy tượng đài của cô.

Tuy nhiên, ngày nay, Edith Cavell được tưởng nhớ theo nhiều cách và nhiều nơi — tại quê hương của cô ở Anh và cũng như ở Âu châu.  Cá nhân tôi yêu thích bức tượng tuyệt đẹp của cô ấy bên cạnh Nhà thờ St. Martin’s-in-the-Field ở Quảng trường Trafalgar của London. Chiếc giá đỡ được trang trí bằng tên của cô ấy và những lời cô ấy đã nói với cha tuyên úy của mình và hình ảnh của cô ấy, một phụ nữ cao 1m6 gầy gò, tóc nâu và mắt xám này đứng thật cao trên đường phố.

Đặt mạng sống của chính mình trên làn ranh bất chấp quyền lực trần thế — đặc biệt là để bảo vệ cuộc sống và quyền tự do của người khác — là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Tôi biết ơn về điều đó và hy vọng rằng nếu có khi nào tôi thấy mình trong hoàn cảnh tương tự như trường hợp của Edith Cavell vào năm 1915, tôi có thể thu thập được một nửa can đảm mà cô ấy đã làm.

Nguyễn Quốc Chính chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, November 2021

Tác giả: Lawrence W. Reed là Nguyên Chủ tịch, Thành viên Cấp cao của Gia đình Humphreys, và Ron Manners Đại sứ cho Tự do Toàn cầu tại Quỹ Giáo dục Kinh tế (FEE).

Ông cũng là tác giả của Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction and Excuse Me, Giáo sư: Thách thức những huyền thoại của chủ nghĩa tiến bộ .

Nguồn: https://fee.org/articles/the-courage-of-a-nurse-the-story-of-edith-cavell/?utm_campaign=FEE%20Weekly&utm_source=hs_email&utm_medium=email&utm_content=80436815&_hsenc=p2ANqtz-8YeS3u0vZBqhP7mMscvCe1GEfE8PFREZpqGjft-1I8d47B-E35r4txmIDOT8CZSViAHGOQKKdX9uQD9SuJR4Oiowp__A&_hsmi = 80436815

[1] Đó là Hoàng tử Franz Ferdinand của Hoàng gia Áo.

[2] Chiến tranh chiến hào (trench warfare) là hình thái chiến tranh khi binh sĩ của hai phe tham chiến chiến đầu và cố thủ từ những hệ thống chiến hào chạy dài từ Biển Bắc, sang Bỉ và Pháp.