fbpx

Luận Cương về Thể chế Liên Bang

Luận cương 11

Luận cương 11

Lợi Điểm của Liên Bang trong Giao thương và Lực lượng Hải quân

Alexander Hamilton

Cùng Đồng bào Tiểu bang New York:

Tầm quan trọng của Liên Bang, về phương diện thương mại, là một trong số những điểm mà có rất ít tranh cãi, và, trên thực tế, đã đưa đến sự đồng thuận rộng rãi trong số những người am hiểu vấn đề này. Điều này áp dụng trong cả trường hợp giao thương với các nước ngoài, lẫn trường hợp giao thương giữa các tiểu bang với nhau.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng đặc tính mạo hiểm của nền giao thương Hoa Kỳ đã khiến cho nhiều cường quốc hải quân Âu Châu lo ngại. Họ sợ rằng chúng ta có thể xâm lấn vào lãnh vực hoạt động hàng hải thương thuyền của họ, vốn là trợ lực và căn bản cho thế lực hải quân của họ. Những cường quốc có thuộc địa tại Bắc Mỹ quan ngại về tiềm năng tương lai của quốc gia chúng ta. Họ tiên liệu những nguy cơ mà các tiểu bang kế cận của chúng ta sẽ đem đến cho các lãnh thổ thuộc địa của họ ở Bắc Mỹ, do sự kiện chúng ta có đầy đủ phương tiện để trở thành một cường quốc hải quân hùng mạnh.

Những suy nghị như vậy sẽ khiến cho họ tìm cách chia rẽ chúng ta, cũng như ngăn cản chúng ta tích cực phát triển một ngành ngoại thương với các tầu thuyền của chúng ta. Chính sách đó sẽ giúp họ thực hiện được ba mục tiêu là ngăn cản chúng ta tác động vào ngành hàng hải của họ, giúp họ tiếp tục nắm giữ độc quyền trong lãnh vực hàng hải, và cắt cánh chúng ta để không cho phép chúng ta vượt lên một địa vị vĩ đại nguy hại đối với họ. Nếu những nỗ lực đó không tỏ ra thiếu thực tế, chúng ta có thể truy nguồn chính sách ngăn cấm ngành thương mại hàng hải của chúng ta đến tận cửa ngõ của các bộ phủ liên hệ của Âu Châu.

Nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta có thể chống lại những chính sách tỏ ra thiếu thân thiện đối với chúng ta ở trên nhiều phương diện. Những luật lệ ngăn chặn được thiết lập trên lãnh thổ của tất cả các tiểu bang sẽ giúp chúng ta ép buộc các nước ngoài phải cạnh tranh với nhau để có thể giao thương với chúng ta. Thể thức này sẽ không tỏ ra thiếu thực tế đối với những nước chuyên về hoạt động kỹ nghệ, để có thể đánh giá được đúng tầm quan trọng của một thị trường trên ba triệu người – và vẫn tiếp tục bành trướng – với đa số dân chúng đã và vẫn sẽ tiếp tục tập trung hoạt động vào nông nghiệp. Hơn nữa, họ cũng có thể thấy rằng hoạt động ngoại thương và ngành hàng hải thương thuyền của họ sẽ rất khác biệt nếu một nước khác có thể sử dụng các đội thương thuyền trong việc vận chuyển hàng hóa đi và đến Bắc Mỹ, thay vì phải nhờ cậy vào những thương thuyền của chính họ.

Hãy đặt giả thuyết rằng chúng ta có một chính phủ tại Bắc Mỹ có khả năng loại trừ các thương thuyền của Anh Quốc (mà hiện nay chúng ta không có một hiệp ước mậu dịch nào với họ) ra khỏi tất cả các bến cảng của chúng ta; thử hỏi sự kiện đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách của họ? Liệu chúng ta có thể thành công trong việc thương lượng được những điều kiện giao thương có lợi nhất cho chúng ta trên những lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ hay không?

Trong quá khứ, những câu hỏi này đã đón nhận được đáp ứng hợp lý, tuy không thể nói là vững chắc hay thuận lợi. Nhiều người nói rằng việc thiết đặt những luật lệ ngăn chặn sẽ không đạt được những thay đổi trong phương thức giao thương của Anh Quốc, bởi vì lúc đó người Anh sẽ giao thương với chúng ta qua trung gian của người Hà Lan, và người Hà Lan sẽ mua hàng hóa của người Anh và chuyên chở và phân phối các hàng hóa này trên thị trường của chúng ta. Tuy vậy, khi họ mất quyền chuyên chở những hàng hòa của họ, ngành hàng hải Anh quốc sẽ bị tổn thương rất nặng. Phải chăng khi đó người Hà Lan sẽ nắm được những mối lợi đầu tiên để đổi lại với những rủi ro mà họ phải gánh chịu? Phải chăng những phí tổn chuyên chở mà người Anh sẽ phải gánh chịu sẽ cắt giảm phần lợi nhuận của họ? Phải chăng thể thức buôn bán vòng vo đó sẽ khuyến khích sự cạnh tranh từ phía các nước khác, bằng cách làm gia tăng giá cả các mặt hàng của Anh Quốc trên thị trường của chúng ta, và bằng cách chuyển giao cho các nước khác việc quản lý một ngành hoạt động thương mại trước đây vẫn làm lợi cho Anh Quốc?

Một nhận xét chín chắn về câu trả lời đối với các câu hỏi trên đây sẽ cho thấy những điểm bất lợi đối với Anh Quốc nếu bị rơi vào trong những trường hợp nói trên. Nếu thêm vào đó sự kiện là Anh Quốc vốn đã quen thuộc với sinh hoạt giao thương với Bắc Mỹ, cũng như tầm quan trọng của Quần đảo West Indies đối với Anh Quốc, thì Anh Quốc sẽ tỏ ra uyển chuyển hơn trong việc thích nghi thể thức giao thương hiện tại của họ, và sẽ để cho chúng ta có thể tham gia buôn bán tại các thị trường của các quần đảo đó và chia sẻ những lợi nhuận từ những hoạt động giao thương nói trên.

Điểm thắng của chúng ta đối với Anh Quốc, mà chúng ta sẽ khó có thể thực hiện nếu chúng ta không đáp ứng với một số nhượng bộ và đặc miễn tương xứng cho Anh Quốc trên thị trường của chúng ta, sẽ tác động đến lề lối ứng xử của những quốc gia khác, vì họ không muốn bị loại trừ ra khỏi thị trường của chúng ta.

Việc thiết lập một lực lượng hải quân liên bang sẽ ảnh hưởng thêm vào lề lối hành xử của các quốc gia Âu Châu trong việc buôn bán với chúng ta. Nếu Liên bang tiếp tục được điều hành bởi một chính quyền hữu hiệu, thì trong một tương lai gần, Liên bang có thể có đủ tiềm năng để thiết lập một lực lượng hải quân mạnh. Lực lượng hải quân của chúng ta có thể sẽ không cạnh tranh được với các cường quốc hải quân, tuy nhiên cũng sẽ có thể có khả năng tạo được áp lực thay đổi cuộc diện, nếu đứng về một phía giao tranh trong một cuộc xung đột giữa hai thế lực.

Lực lượng hải quân của chúng ta sẽ tạo được một ảnh hưởng nhất định trong các hoạt động thương mại tại vùng Quần đảo West Indies. Một vài đơn vị hải quân, được tăng phái cho một bên tranh chấp, cũng có thể có một ảnh hưởng quyết định đến một chiến dịch đã làm tê liệt những hoạt động thương mại, vốn vô cùng quan trọng đối với nhiều người. Trong trường hợp này, vị thế của chúng ta sẽ có tầm ảnh hưởng quyết định. Nếu thêm vào việc thực hiện những cuộc hành quân trong vùng West Indies, chúng ta lại cộng thêm việc bảo đảm những nguồn tiếp liệu từ phía chúng ta, thì chúng ta sẽ nắm được cơ hội để thương lượng những điều kiện giao thương thuận lợi cho chúng ta. Tình hữu nghị của chúng ta, cũng như thái độ trung lập của chúng ta sẽ có giá trị đối với các nước khác. Nếu duy trì Liên bang, chúng ta có hy vọng trở thành người trọng tài trong các vụ tranh chấp của Âu Châu tại Bắc Mỹ. Chúng ta sẽ có thể làm nghiêng cán cân trong các vụ cạnh tranh thương mại của Âu Châu tại đây theo một chiều hướng có lợi cho chúng ta.

Nếu ngược lại, chúng ta chia rẽ, thì chúng ta sẽ thấy rằng sự đối nghịch giữa các tiểu bang sẽ làm cho các đơn vị riêng rẽ này chống phá lẫn nhau, và sẽ cản trở những lợi điểm thiên nhiên của chúng ta. Hoạt động ngoại thương phân tán của chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc xung đột giữa các quốc gia tranh chấp với nhau. Những quốc gia này sẽ không có lý do gì để lo ngại chúng ta, vì thế sẽ không phải lo ngại hay thương tiếc gì mà không tìm cách tước đoạt những tài sản của chúng ta, nếu có cơ hội. Những quyền  lợi của sự trung lập chỉ có thể được bảo đảm nếu được bảo vệ bằng sức mạnh. Một quốc gia quá yếu kém sẽ phải từ bỏ cả quyền đứng trung lập.

Một quốc gia có chính quyền trung ương mạnh sẵn sàng tập trung sức mạnh và tài nguyên của mình vào việc bảo vệ những lợi ích chung, sẽ hóa giải được những liên minh Âu Châu nhắm vào việc hạn chế sự bành trướng của chúng ta. Sức mạnh đó nhiều khi còn có thể loại trừ được động lực đằng sau những hình thức liên minh đó, vì sẽ làm cho những nỗ lực này khó thành công. Những sinh hoạt thương mại năng động, sự bành trướng của ngành vận chuyển hàng hải và một lực lượng hải quân lớn mạnh sẽ là những hệ quả của nhu cầu vật chất và tinh thần. Chúng ta có thể đánh bại được những âm mưu nhỏ mọn của các chính trị gia nhỏ nhen trong những nỗ lực kiểm soát hay thay đổi hướng tiến tất yếu của thiên nhiên.

Nếu chúng ta chia rẽ, những liên minh của Âu Châu có thể thành hình và thành công trong các toan tính của họ. Những thế lực hải quân hùng mạnh lúc đó sẽ có thể lợi dụng tình trạng yếu kém của chúng ta để định đoạt những điều kiện sống còn của chúng ta. Vì quyền lợi chung của họ là tiếp tục đóng vai những người vận chuyển hàng hóa cho chúng ta, cũng như ngăn cản chúng ta trở thành những người vận chuyển hàng hóa của họ, chắc chắn họ sẽ liên minh lại với nhau để phá ngành hàng hải của chúng ta và đặt chúng ta vào vị thế phải chịu đựng một tình trạng giao thương thụ động. Chúng ta sẽ bị ép buộc trong tình trạng phải chấp nhận những giá cả đầu tiên cho các hàng hóa của chúng ta, và để cho các nguồn lợi nhuận thương mại của chúng ta phải bị tước đoạt và chẩy vào túi những kẻ thù và những kẻ áp bức. Tinh thần sáng tạo và khả năng ngoại thương của các thương gia và hàng hải Mỹ quốc, vốn là một nguồn tài nguyên vô tận của quốc gia, sẽ trở thành cằn cỗi và tan biến, và khi đó, sự nghèo khó và tủi nhục sẽ lan tràn trên một đất nước mà đáng lẽ ra, với sự khôn ngoan của người dân, đã có thể trở thành một đối tượng của sự ngưỡng mộ và một gương sáng cho thế giới.

Liên bang có những quyền lợi sáng chói trong lãnh vực giao thương, mà có thể được coi như những quyền hạn của Liên bang — tôi muốn đề cập đến hoạt động ngư nghiệp, giao thông tại vùng các hồ phía Tây và trên sông Mississippi. Nếu Liên bang bị giải thể thì sẽ đưa đến những câu hỏi về khả năng tồn tại của những lãnh vực nói trên. Khi đó, những đối tác nước ngoài có thế lực hơn chúng ta sẽ giải quyết vấn đề theo chiều hướng bất lợi cho ta.

Chúng ta không cần phải bàn thêm về những dự tính của Spain đối với sông Mississippi. Pháp và Anh Quốc đều nghĩ rằng hoạt động ngư nghiệp của chúng ta vô cùng quan trọng cho ngành vận chuyển hàng hải của họ. Dĩ nhiên là họ sẽ không ngồi yên trước khả năng của chúng ta để chế ngự ngành hoạt động quan trọng này, và vận dụng ngành hoạt động này để có thể cạnh tranh với họ bằng giá cả ngay tại những thị trường của họ. Sự kiện họ muốn loại trừ đối thủ đáng ngại trong các hoạt động này là một điều dễ hiểu.

Không thể coi hoạt động thương mại này như là một phần quyền lợi nhỏ. Tất cả các tiểu bang có sông ngòi đều cần phải tham gia có lợi vào lãnh vực hoạt động này ở những mức độ khác nhau, và trong trường hợp nhận được những vốn đầu tư vào ngành ngoại thương, chắc chắn họ sẽ không thể không tham gia. Như là một môi trường để đào tạo những người đi biển, một khi mà Liên bang Hoa Kỳ phát triển được ngành vận chuyển đường thủy của mình giữa các tiểu bang, hoạt động ngư nghiệp sẽ trở thành một nguồn lợi nhuận lớn cho tất cả. Lúc đó, việc thành lập một lực lượng hải quân là một điều không thể thiếu.

Đối với một mực tiêu có tính cách quốc gia như là việc thành lập một lực lượng hải quân, sự đoàn kết sẽ đem lại nhiều lợi điểm. Bất cứ một định chế nào cũng sẽ bành trướng và phát triển tùy theo số lượng và tầm vóc những phương tiện được dành vào công việc thành lập và yểm trợ nỗ lực đó. Một lực lượng hải quân cho Liên bang Hoa Kỳ, vì nó vận dụng phương tiện của tất cả các tiểu bang, sẽ trở thành một mục tiêu dễ thực hiện hơn là những nỗ lực thành lập lực lượng hải quân cho từng tiểu bang hay từng những nhóm liên hiệp tiểu bang, khi chỉ có thể vận dụng được phượng tiện của từng đơn vị riêng rẽ.

Thật vậy, mỗi địa phương trong một liên hiệp Bắc Mỹ đều có những phương tiện khác nhau để đóng góp vào nỗ lực này. Những tiểu bang phía Cực Nam sẽ cung cấp những loại tài nguyên đặc biệt như – nhựa, keo, dầu pha sơn. Những loại gỗ tại địa phương này cũng chắc và bền hơn để dùng trong việc đóng tầu. Sự khác biệt về độ bền của các tầu đóng bằng loại gỗ sản xuất tại các tiểu bang phía Nam sẽ góp một phần đáng kể vào sức mạnh của lực lượng hải quân cũng như đóng góp vào sức mạnh của nền kinh tế chúng ta. Một vài tiểu bang miền Nam và miền Trung có rất nhiều quặng sắt, với chất lượng tốt hơn nơi khác. Các tiểu bang phía Bắc sẽ cung cấp số lượng thủy thủ cần thiết. Nhu cầu có một lực lượng hải quân đủ mạnh để bảo vệ hoạt động ngoại thương không cần phải được giải thích thêm, cũng như sự quan trọng của một hoạt động ngoại thương để nuôi dưỡng cho lực lượng hải quân.

Những sự giao tiếp thượng mại không hạn chế giữa các tiểu bang với nhau sẽ giúp củng cố hoạt động mậu dịch của từng tiểu bang và sự trao đổi hàng hóa giữa các tiểu bang, không những để đáp ứng các nhu cầu địa phương mà còn làm gia tăng những trao đổi ngoại thương với các nước. Ở khắp nơi, những trào lưu thương mại sẽ được nuôi dưỡng và tăng trưởng do hoạt động trao đổi hàng hóa tự do tại khắp nơi.

Các loại mặt hàng do các tiểu bang sản xuất sẽ gia tăng do sự đa dạng hóa trong tầm hoạt động của các hãng xưởng chế tạo. Khi một loại mặt hàng bị thất bại do mất mùa hay thiếu năng suất, có thể nhận được sự tiếp cứu của một loại mặt hàng khác từ một tiểu bang khác. Tính cách đa dạng của các mặt hàng xuất cảng, cũng quan trọng ngang như là giá trị của món hàng đó, và sẽ cùng đóng góp vào các hoạt động ngoại thương.

Do tình trạng cạnh tranh cũng như những dao động của thị trường, nếu chúng ta có nhiều mặt hàng với giá cả cố định thì sẽ có thể đòi được nhiều điều kiện thuận lợi hơn là nếu chỉ có một số ít mặt hàng với cùng một trị giá.

Có nhiều mặt hàng được nhiều người ưa chuộng trong một thời kỳ, và trở nên ế ẩm trong những thời ký khác; tuy nhiên nếu có nhiều loại mặt hàng khác nhau thì khó có thể xẩy ra trường hợp tất cả các loại hàng đó có thể trở nên ế ẩm vào cùng một thời điểm, và vì vậy cho nên công việc buôn bán của người thương gia sẽ không bị trì trệ hay bế tắc. Thương nhân biết nắm thời cơ sẽ nhận thấy ngay lợi điểm của những nhận xét trên đây, và sẽ biết rằng nền thương mại của Liên bang Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nên thương mại của mười ba tiểu bang riêng biệt hay của những liên hiệp rời rạc.

Có lẽ nhiều người cũng có thể tranh cãi rằng, dù cho các tiểu bang có kết hợp hay riêng rẽ, thì cũng vẫn có những trao đổi với nhau với cùng một mục đích. Tuy nhiên như vậy thì hoạt động thương mại sẽ bị giới hạn, gián đoạn và thu hẹp vì nhiều lý do như đã được đế cập đến trong những bài tham luận này. Sự kết hợp những quyền lợi thương mại và chính trị chỉ có thể bắt nguồn từ một sự kết hợp chính quyền.

Cũng còn nhiều luận cứ nổi bật và hấp dẫn khác. Tuy nhiên những luận điểm này sẽ dẫn chúng ta quá sâu vào trong tương lai và sẽ đặt ra những vấn đề không tiện thảo luận qua những bài báo. Tôi chỉ muốn vắn tắt nhận xét rằng trường hợp của chúng ta mời gọi và những quyền lợi của chúng ta khuyến khích chúng ta nhắm đến một vị thế hàng đầu cho Hoa Kỳ. Về chính trị và địa dư, thế giới có thể được chia ra làm bốn khu vực với những nhóm quyền lợi khác biệt. Điều bất lợi cho ba khu vực kia là, khu vực Âu Châu, bằng cách vận dụng súng đạn hay bằng các cuộc thương lượng, qua sức mạnh hay thủ đoạn, đã nối dài được sự kiểm soát của mình trên cả ba khu vực còn lại ở những mức độ khác nhau. Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu đều đã lần lượt phải chịu đựng nền đô hộ của Âu Châu. Ưu thế mà Âu Châu đã giữ được trong một thời gian dài đã cám dỗ Âu Châu tự cho mình là Bá Chủ Hoàn Cầu, và coi phần nhân loại còn lại như là đã được tạo lên để làm lợi cho họ.

Nhiều người được xưng tụng như là các bậc triết gia sâu sắc, bằng những tuyên bố trực tiếp, đã gán cho người dân Âu Châu một vị thế ưu việt, cũng như đã khẳng định rằng loài vật, cùng với con người, đã thoái hóa trên lục địa Mỹ Châu – và ngay cả loài chó cũng không còn sủa sau một thời gian hít thở không khí của chúng ta.[*] Thực tế đã hỗ trợ cho những luận cứ kiêu căng đó trong một thời gian quá lâu. Trách nhiệm của chúng ta là phải khôi phục lại danh dự cho loài người, và dậy cho những người anh em kiêu kỳ đó một bài học khiêm nhường. Liên bang sẽ cho phép chúng ta làm công việc đó. Sự chia rẽ sẽ tạo thêm một nạn nhân cho những chiến thắng của họ.

Người dân Mỹ Châu hãy từ chối vai trò công cụ cho sự lớn mạnh của Âu Châu! Hãy để cho mười ba tiểu bang, đoàn kết trong một Liên bang bất khả phân và vũng chắc, đồng lòng với nhau trong nỗ lực xây dựng một thể chế vĩ đại cho Bắc Mỹ, với đủ năng lực kiểm soát thế lực và ảnh hưởng xuyên Đại Tây Dương, và đủ khả năng đặt để những điều kiện cho những sự giao tiếp giữa cựu và tân thế giới!

  PUBLIUS.

 

[*] Recherches philosophiques sur les Americains (Nghiên cứu triết lý về người dân Mỹ Châu)