fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Luận cương Liên bang 9

Liên bang là một Bảo đảm chống lại Chia rẽ Nội bộ và Nội chiến

Alexander Hamilton

     21 tháng 11, 1787

Cùng đồng bào Tiểu bang New York,

Một liên bang vững bền sẽ ngăn cản những chia rẽ nội bộ và hiểm họa nội chiến, đảm bảo cho nền hòa bình và tự do của các tiểu bang. Đọc lại lịch sử của những nền cộng hòa Hy Lạp và Ý Đại Lợi với những đặc tính hẹp hòi, chúng ta sẽ không khỏi cảm nhận niềm kinh hãi và chán ghét những âm mưu liên tục đã xẩy ra. Những chuỗi nội loạn liên tục đã luôn luôn đặt họ trong tình trạng giằng co giữa những thái cực của độc tài và bạo loạn.

Những thời kỳ yên bình hiếm có, thường chỉ là những những điểm tương phản ngắn hạn trước những trận bão tố tiếp theo sau. Chúng ta thường nuối tiếc những khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi đó, vì nghĩ rằng những cảnh tượng tốt đẹp trước mắt chúng ta sẽ nhanh chóng bị tràn ngập bởi những trận cuồng phong nội loạn và tranh chấp chính trị tiếp theo. Chúng ta sẽ luyến tiếc những giây phút huy hoàng nổi lên từ những đổ vỡ, mặc dầu những giây phút đó có thể hấp dẫn chúng ta với một hào quang ngắn ngủi và mơ hồ, chúng cũng sẽ tự nhắc nhở những khuyết điểm của chính quyền sẽ làm biến đổi phương hướng và làm lu mờ những khả năng đáng được đề cao đó.

Từ những bạo loạn đã phá hủy lịch sử của những nền cộng hòa đó, những người cổ võ cho nền độc tài đã tìm ra những luận cứ, không những để chống lại hình thức tổ chức chính trị cộng hòa, mà còn chống lại chính những nguyên tắc về tự do của con người. Những người này còn than phiền tất cả các thể chế tự do đều đi ngược lại với trật tự xã hội, và họ cũng chống lại những người cổ võ cho những thể chế loại này.

Tuy nhiên, rất may cho nhân loại, trong một vài trường hợp huy hoàng, một số những cơ cấu chính quyền được xây dựng trên căn bản các quyền tự do đã đánh đổ luận cứ ngụy biện của những người đó. Và tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành một nền móng vững chắc để xây dựng những công trình khác, không kém rực rỡ, để trở thành một thí dụ chứng tỏ sự sai lầm của những người này.

Tuy nhiên cũng không thể chối cãi hình ảnh mà những người đó đã dùng để phác họa những nét chính của một nền cộng hòa chỉ là việc sao chép lại những nền cộng hòa Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Nếu không tìm được những mẫu tổ chức tốt đẹp hơn cho hình thức chính quyền cộng hòa thì những người yêu chuộng tự do đã loại bỏ hình thức tổ chức chính quyền này vì không thể bào chữa cho nó được. Thế nhưng, khoa chính trị học, cũng như những ngành khoa học khác, đã tiến bộ rất nhiều. Tính cách hữu hiệu của một số nguyên tắc mà những người đi trước đã không biết hay chỉ biết qua loa, thì nay đã được thấu hiểu thông suốt. Vấn đề chia sẻ quyền hạn thành những ngành tách biệt; việc áp dụng các biện pháp cân bằng và kiểm soát; việc thiết lập những tòa án gồm những thẩm phán hành xử quyền hạn của mình một cách đúng đắn; và việc người dân được đại diện trong ngành lập pháp bởi những đại biểu do chính mình bầu lên qua lá phiếu: tất cả những điều đó là những khám phá mới, hoặc là những nguyên tắc đã được biến cải để tiến đến sự hoàn hảo thích hợp cho sự tiến bộ. Đó là những phương tiện, và là những phương tiện hữu hiệu, có thể giúp cho nền cộng hòa được duy trì, đồng thời giúp giảm thiểu hay loại trừ những khuyết điểm của nó.

Tôi cũng muốn thêm vào ở đây một đóng góp cho sự cải tiến của thể chế chính quyền này, một điểm mà trước đây đã được sử dụng như một luận cứ để chống lại bản hiến pháp mới. Tôi muốn đề cập đến sự nới rộng phạm vi áp dụng của thể chế cộng hòa này, hoặc trong khuôn khổ của một tiểu bang, hay trong phạm vị của một liên hiệp một số tiểu bang. Vấn đề sau sẽ được bàn đến ở đây. Việc nghiên cứu thể chế này khi áp dụng cho một tiểu bang riêng biệt cũng hữu ích và sẽ được bàn đến vào lúc khác.

Sự cần thiết thành lập một liên hiệp các tiểu bang, để loại trừ bè phái và bảo vệ nền an ninh trong phạm vi các tiểu bang, cũng như để chống lại những đe dọa từ phía ngoài, thật ra không phải là một điều mới lạ. Nó đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trong nhiều thời đại khác nhau, cũng như đã được rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị tán thành. Những người chống đối dự thảo hiến pháp mới đã trích dẫn những nhận xét của Montesquieu cho rằng thể chế cộng hòa chỉ thích hợp với những lãnh thổ thu hẹp. Tuy nhiên họ đã không để ý đến những nhận định của học giả này trong những tác phẩm khác. Họ cũng không chú ý đến những hậu quả của nguyên tắc mà họ sẵn sàng cổ võ.

Khi Montesquieu đề nghị áp dụng thể chế cộng hòa cho những nước với lãnh thổ nhỏ, tiêu chuẩn về lãnh thổ của ông thời đó nhỏ hơn phạm vi lãnh thổ của hầu hết các tiểu bang hiện nay. Virginia, Massachusetts, Pennsylvania, New York, North Carolina, và ngay cả Georgia cũng không thể nào dùng làm khuôn mẫu cho những lãnh thổ mà ông đã dùng trong những mô hình cộng hòa do ông đề xướng. Do đó, nếu chúng ta sử dụng ý kiến của ông như một tiêu chuẩn cố định để thảo luận, thì một là chúng ta sẽ rơi vào cạm bẫy của thể chế quân chủ, hai là sẽ phải nghĩ đến việc xé nhỏ lãnh thổ ra thành vô số những vùng đất nhỏ luôn tranh chấp lẫn nhau và trở thành những nước nhỏ chống đối lẫn nhau, đó là cái nôi nuôi dưỡng tranh chấp, và đối tượng khốn khổ cho sự khinh mạn của toàn thế giới. Một số tác giả chống đối bản dự thảo hiến pháp cũng đã nhận ra tình trạng khó xử đó; và đã táo bạo đề nghị việc xé nhỏ các vùng lãnh thổ các tiểu bang lớn như là một giải pháp thích nghi. Một giải pháp điên rồ và tuyệt vọng như vậy sẽ chỉ đưa đến việc gia tăng số lượng chức vụ hành chánh để thỏa mãn tham vọng của những người không có khả năng vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng nhỏ hẹp của những thủ đoạn cá nhân hẹp hòi, và sẽ không thể nào phát huy được sự lớn mạnh và hạnh phúc của toàn dân Hoa Kỳ.

Ở đây chỉ cần nhận xét: quan điểm của Montesquieu chỉ nhấn mạnh đến việc giới hạn diện tích của thành viên lớn nhất trong liên bang. Ông không hề chống lại việc sát nhập những tiểu bang này dưới sự điều hành của một chính quyền liên bang duy nhất. Đó mới là vấn đề chính cần mổ xẻ ở đây.

Montesquieu không những đã không chống lại quan điểm liên hiệp các tiểu bang mà còn minh thị việc liên hiệp các nền cộng hòa như một giải pháp tốt để phát triển phạm vi hoạt động của một chính phủ dân cử, đồng thời kết hợp những ưu điểm của thể chế quân chủ với những ưu điểm của một nền cộng hòa. “Điều rất có thể xẩy ra (theo ông[1]) là nhân loại sẽ phải tiếp tục chịu đựng sự cai trị của một cá nhân, nếu họ không soạn thảo được một hiến pháp trong đó chứa đựng tất cả những lợi điểm của một nền cộng hòa, cùng lúc với những quyền lực của một thể chế quân chủ. Tôi nói đến một thể chế liên hiệp các nền cộng hòa.

“Hình thức tổ chức chính quyền này là một thỏa hiệp trong đó nhiều nước nhỏ thỏa thuận trở thành thành viên của một nước lớn hơn mà họ dự định thành lập. Đó là một hình thức kết hợp một số xã hội để lập thành một xã hội mới, có khả năng gia tăng, bằng cách thâu nhận những thành viên mới, cho đến khi đạt được một mức độ quyền lực đủ để bảo vệ được nền an ninh chung cho tập thể mới liên kết.”

“Một nền cộng hòa theo hình thức kể trên, sẽ có đủ khả năng tự vệ chống lại những áp lực từ bên ngoài, và đủ khả năng để tự chống trả lại với những lực phá hủy từ bên trong. Một hình thức tổ chức xã hội như vậy sẽ giúp ngăn chặn được nhiều phiền phức. Nếu một thành viên có khuynh hướng lạm quyền, thì không hội đủ quyền lực và ảnh hưởng trên tất cả các thành viên khác trong liên hiệp. Nếu như một thành viên tạo được quyền lực áp đảo đối với một thành viên thứ hai, thì tất cả các thành viên khác sẽ được báo động. Nếu như quyền lực đó khống chế được một phần, thì phần vẫn còn tự do với những lực lượng độc lập sẽ chống lại những lực lượng đã bị khống chế, và sẽ áp đảo được sự khống chế đó trước khi nó có thể củng cố được quyền uy của nó.

“Nếu có một cuộc nội loạn xẩy ra tại một trong những lãnh thổ thành viên, thì những thành viên khác có thể khống chế cuộc nội loạn đó. Nếu có những lạm dụng xẩy ra tại một trong những thành viên, thì những thành viên khác sẽ cải sửa những lạm dụng trên. Một tiểu bang có thể bị phá hủy một mặt, nhưng vẫn còn tồn tại những mặt khác, liên hiệp có thể bị giải tán, nhưng những thành viên trong liên hiệp vẫn giữ được chủ quyền.

“Vì chính quyền được thành lập do sự kết hợp của nhiều nền cộng hòa nhỏ, nó sẽ được hưởng niềm hạnh phúc của từng nền cộng hòa trong đó; và về an ninh đối ngoại, thì liên hiệp này sẽ hưởng được những lợi điểm như những vương quốc lớn.”

Tôi cho rằng việc trích dẫn những đoạn dài và bổ ích trên đây là một việc làm thích hợp, vì nó chứa đựng những luận điểm rất sáng suốt bênh vực cho Liên bang, và sẽ giúp hóa giải những suy nghĩ sai lầm do việc trích dẫn những đoạn không thích hợp nhưng chỉ cốt đánh lạc hướng người đọc.

Đồng thời, những luận cứ kể trên cũng có mối liên hệ mật thiết với mục tiêu của bài luận văn này, đó là phản ảnh khuynh hướng tự nhiên của một Liên bang là hóa giải những chia rẽ nội bộ và mầm mống nổi loạn.

Một phân biệt, tế nhị hơn là chính xác, đã được nêu lên giữa một liên hiệp các tiểu bang và việc kết hợp các tiểu bang. Đặc tính căn bản của ý niệm đầu tiên là sự giới hạn quyền lực của các thành viên trong phạm vi liên hiệp, mà không đụng đến quyền hạn của từng thành viên riêng biệt. Người ta quan niệm, trên nguyên tắc, hội đồng quốc gia không cần phải lưu tâm đến việc quản lý công việc của từng thành viên. Quyền bỏ phiếu đồng đều giữa các thành viên liên bang được coi như đặc điểm chủ yếu của chính quyền liên bang. Nhìn chung, đó là những quan điểm độc đoán, không được chứng minh bằng nguyên tắc cũng như bằng tiền lệ.

Những loại chính thể này thường hoạt động với những đặc điểm nói trên, vì thế có thể cho rằng đó là những đặc tính cá biệt cho những loại chính thể nói trên. Tuy nhiên cũng đã có nhiều ngoại lệ trong thực tế, và sự kiện đó cho thấy vẫn chưa có một nguyên lý chung nào để giải thích thỏa đáng vấn đề này. Tuy nhiên cuộc nghiên cứu này sẽ cho thấy, trong những trường hợp nguyên tắc do phía chống đối bản dự thảo hiến pháp đề xướng được áp dụng, thì luôn luôn đưa đến những sự xáo trộn không cứu vãn được và trở thành nguyên do của sự thiếu hiệu quả trong chính quyền.

Định nghĩa của một liên hiệp các nền cộng hòa có lẽ chỉ là một “tập hợp các xã hội” hay là sự tập hợp của hai hay nhiều tiểu bang vào thành một quốc gia. Quy mô, biến cải và đối tượng của một chính quyền liên bang chỉ là những vần đề được quyết đoán. Điều căn bản là những tổ chức chính quyền của từng thành viên cá biệt không bị hủy bỏ, để có thể giải quyết những vấn đề nội bộ của từng địa phương, thể theo nhu cầu hiến định. Điều cốt yếu là những quyền hạn này phải được đặt tùy thuộc vào quyền hạn tổng quát của thể chế liên bang. Như vậy những chính thể này, trên lý thuyết và trên thực tế, vẫn còn được gọi là một liên hiệp các tiểu bang hay là một liên bang.

Dự thảo hiến pháp không đề nghị bãi bỏ các chính quyền tiểu bang, mà chỉ đề nghị đặt những tổ chức này trong khuôn khổ hiến định của chính quyền quốc gia, qua việc chấp thuận cho họ quyền được đại diện trực tiếp trong Thượng Viện, cũng như cho phép chính quyền địa phương duy trì một số quyền hạn riêng biệt và quan trọng của chủ quyền. Trong một phạm vi rộng lớn, những điểm này phù hợp với quan điểm về một chính quyền liên bang.

Trong trường hợp liên hiệp của các nền cộng hòa tại Lycia, gồm 23 thành-quốc hay cộng hòa, những cộng hòa lớn nhất có ba phiếu trong hội đồng liên hiệp, những cộng hòa cỡ trung có hai phiếu và các cộng hòa nhỏ nhất chỉ có một phiếu. Hội đồng liên hiệp có quyền bổ nhiệm thẩm phán và các giới chức chính quyền tại các đô thị liên hệ. Sự kiện này là một sự can thiệp rõ rệt nhất vào những vấn đề hành chánh nội bộ của các cộng hòa; vì việc bổ nhiệm các giới chức loại này tiêu biểu cho vị thế chủ quyền phải dành cho các chính quyền đại phương. Tuy nhiên, khi đề cập đến tổ chức liên hiệp này, Montesquieu đã viết, “Nếu tôi phải đề cử một mô hình về một chính thể liên hiệp cộng hòa hoàn hảo, thì phải nói đến liên hiệp Lycia.” Vì thế chúng ta có thể nhận thấy sự phân biệt chúng ta cố gắng đòi hỏi trong bản dự thảo hiến pháp đã không có trong phép suy luận của vị học giả có trí tuệ khai sáng này [Montesquieu]; và vì thế chúng ta bắt buộc phải kết luận rằng những đòi hỏi đó là những cải tiến mới mẻ cho một lý thuyết sai lầm.[2]

Publius.

© Học Viện Công Dân May 2019

[1] Spirit of Law, vol. i., book ix., chap. i

[2] Mặc dù Hamilton trích dẫn Montesquieu để chứng minh cho lập luận của mình, Hamilton cũng không tránh được phải phê bình nhà tư tưởng Montesquieu khi ông ta cho rằng Cộng hoà Lycia là một chính thể hoàn hảo [ghi chú: HVCD]