fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Người cứu nước Nga thoát khỏi Liên bang Xô-viết

Lawrence Reed & Yuri Maltsev

 Đã đến lúc trả lại đúng vị thế cho một nhân vật quan trọng trong lịch sử nước Nga cận đại—Alexander Nikolaevich Yakovlev. Là một nhân vật hàng đầu trong những năm cuối cùng của chính quyền Xô-viết, Yakovlev khởi đầu sự nghiệp bằng cách tham gia quân đội và trở thành một sĩ quan của Hồng quân và trở thành đảng viên đảng Cộng sản, nhưng cuối cùng lại trở thành một kẻ tận tuỵ và hữu hiệu trong sự chống lại sự bạo ngược của chế độ Xô-viết.

Yakovlev sẽ được người đời nhớ đến là kiến trúc sư chính của “đổi mới” (perestroika) trong những năm cuối thập niên 1980 cùng những hệ quả của nó: vạch trần những lời dối trá và tội ác tàn bạo của chế độ tội phạm Xô-viết và cái chết tất yếu của Cộng hoà Liên bang Xô-viết (USSR). Trong suốt cuộc đời, Yakovlev tự bản chất là người theo chủ nghĩa tự do cổ điển mà phải sống trong một trong những xã hội phi tự do, hẹp hòi, bần tiện, và tập trung nhất trong lịch sử. Ông không hề bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa quốc gia kiểu Nga.

Trong suốt thập niên 1980 đầy xáo trộn, thập niên đỉnh điểm và cuối cùng của Liên Xô, Yakovlev là uỷ viên Bộ Chính trị, nhân vật thứ hai sau Gorbachev, người mà có lẽ chỉ đáng là học trò của ông hơn là lãnh tụ. Với chức vụ trưởng ban tư tưởng, Yakovlev được gọi bằng nhiều tên khác nhau bên cạnh danh hiệu “kiến trúc sư của đổi mới” như “Bố già của Cởi mở (glasnost),” “người giật dây Gorbachev,” “Trưởng ban Phản bội,” “Điệp viên CIA.” “Kẻ chống Xô-viết cuồng loạn,” “Kẻ thù của nhân dân,” và “Satan của tư bản,” tuỳ theo kẻ gọi thuộc phe nào.

Thiếu thời

Yakovlev sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân ở một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Volga gần thành phố cổ Yaroslavl. Cậu bé Alexander quá quen thuộc với sự khổ sở của đời sống Xô-viết trong suốt và sau thời kỳ diệt chủng mang cái tên “tập thể hoá” nông dân. Từ năm 1929 đến 1932, hơn 30 triệu nông dân người Ukraine, Byelorussian, và cả người Nga bị bỏ đói cho tới chết, bị đày đi Siberia, hay bị Stalin, hay những kỹ sư xã hội hoặc lính của y giết ngay tại chỗ.

Yakovlev không bao giờ quên được những hình ảnh đau khổ, lưu đầy, giết chóc, và tra tấn. Nhưng, Yakovlev có làm được gì đâu.

Một tháng sau khi Yakovlev tốt nghiệp trung học, Thế chiến II bắt đầu, và chàng lập tức bị động viên vào Hồng quân. Yakovlev kể lại:

Ngay cả lúc đó, ở lứa tuổi đôi mươi, tôi đã nhận ra rằng tôi chỉ là bia đỡ đạn ngoài tiền tuyến. Tất cả những đồng chí, sĩ quan trẻ của tôi đều nghĩ vậy. Chúng tôi giấu đi thân phận của mình qua những bài hùng ca, qua vẻ ngoài can đảm, qua sự huênh hoang tự lừa dối là sẽ đánh bại quân phát-xít trong nay mai…Và mỗi đêm chúng tôi mơ về mẹ hiền và quê hương.

Yakovlev chịu đựng rất nhiều gian lao khi phục vụ trong quân đội với cấp bậc thiếu uý sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan. Ông bị trọng thương trong trận chiến quân Đức bao vây Leningrad và được giải ngũ năm 1944. Yakovlev thù ghét chiến tranh và những chính quyền gây ra nó. Trong hồi ký, nhan Hoàng Hôn, ông viết, “Ai đưa họ vào chỗ chết? Tại so họ lại bị giết? Vì những tội lỗi gì?…Sự rồ dại của chiến tranh,sự rồ dại của chính quyền, sự điên loạn của những kẻ cai trị—những kẻ sát nhân!”

Trong cùng năm đó ông gia nhập đảng Cộng sản (điều này cần thiết để tiến thân trong thời điểm đó) và trở thành một sinh viên lịch sử tại Học viện Sư phạm Yaroslavl. Ông được trao học bổng cao quý Stalin, nhưng với ông,

Điều càng ngày càng trở nên hiển nhiên là mọi người đều nói láo—cả những kẻ đọc diễn văn lẫn những kẻ ngồi nghe diễn văn đó. Đối với tôi, một gã trai làng, một người lính bỏ bút nghiên ra mặt trận, tất cả những điều này tôi chịu không nổi.

Với chuyên ngành lịch sử, sự thiết tha học hỏi đã giúp Yakovlev gặp được người anh hùng trong suốt cuộc đời mình, đó là Piotr Stolypin (1862-1911), một nhà cải cách theo thị trường tự do và Thủ tướng dưới Chính quyền Sa hoàng. Stolypin bị Dmitry Bogrov, một tên cách mạng xã hội ám sát, nhưng những sự cải cách của ông ta đã tạo ấn tượng sâu sắc trên Yakovlev. Những sự cải cách này nhắm đến sự kiến tạo thành phần nông dân và công dân vững mạnh qua chương trình tư hữu hoá, xây dựng chính quyền nông thôn tự trị được sự tài trợ của chính quyền quốc gia, và huỷ bỏ sự sử dụng và quyền sở hữu đất đai thuộc công xã.

Mặc dù những cải cách này không kéo dài được lâu, nhưng đã tạo ra những kết quả đáng ngạc nhiên. Sản lượng nông nghiệp gia tăng gần như gấp đôi. Năm 1912, nông sản xuất cảng của Nga vượt 30% hơn tổng xuất cảng của Mỹ, Argentina và Canada cộng lại.

“Đánh giá thành quả của Stolypin, Yakovlev nói, “ông đã hiến cả mạng sống cho người nông dân Nga để trở thành chủ đất đai của mình và trở thành chủ xã hội…Nhưng…Họ đã giết ông ta…Tất cả những hy vọng cho một nước Nga tự do và thịnh vượng đã bị gạch bỏ bằng cái chế độ xã hội chủ nghĩa tội phạm vô luân năm 1917. Chúng đã treo cổ, đã bắn giết và đốt phá…Lenin trở nên mê sảng với những hành vi khủng bố…”

Khi tốt nghiệp đại học, Yakovlev, một cựu quân nhân có công trạng, được mời gia nhập ban lãnh đạo đảng uỷ. Vừa có học, lại thông minh và chuyên cần, Yakovlev thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống đảng. Cũng giống như những người chán ghét chế độ cộng sản, Yakovlev cũng phải nói một đàng, làm một đàng, và nghĩ một nẻo khác. Ông nể phục sự can đảm của những nhà bất đồng chính kiến như Solzhenitsyn và Sakharov nhưng ông nhận ra rằng cách duy nhất để triệt tiêu cái chế độ mà sau này ông gọi “chế độ quỷ sứ cực kỳ ác hại” là từ bên trong. Lịch sử đã chứng minh là ông đúng!

Bắc Mỹ và Gặp Gorbachev

Năm 1958, ông được gửi sang học cao học tại đại học Columbia ở New York, cùng đi với ông là Oleg Kalugin, một vị tướng tương lai của KGB và sau này đào thoát sang Mỹ. Những đảng viên cộng sản và phát-xít ngày nay đều tin rằng Yakovlev đã được CIA kết nạp và trở thành điệp viên của Mỹ trong năm 1959 khi theo học tại đây.

Sau khi du học từ Mỹ về, Yakovlev làm biên tập cho nhiều tờ báo đảng; sau này lên tới Trưởng ban Tư tưởng và Tuyên giáo từ 1969-1973. Sau đó ông được bổ nhiệm làm đại sứ Xô-viết tại Canada, vì một số trong ban lãnh đạo phản đối quan điểm chống chủ nghĩa quốc gia của ông và muốn tống ông ra khỏi nước.

Yakovlev làm đại sứ tại Canada tới 10 năm. Năm 1983, Mikhail Gorbachev, lúc đó là uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách nông nghiệp, đi tham quan Canada để tìm những kỹ thuật tân tiến cho nông nghiệp. Gorbachev tìm những bài học mà ông ta có thể đem về áp dụng tại Liên Xô. Trong cuộc thăm viếng 1983, Yakovlev, lúc đầu rất thận trọng, bắt đầu thảo luận với Gorbachev về viễn cảnh tự do hoá Liên Xô. Trong một cuộc phỏng vấn những năm về sau, Yakovlev nhớ lại:

Thoạt tiên chúng tôi chỉ dám vờn nhau và trao đổi những chuyện vô thưởng vô phạt. Và rồi, phải nói là lịch sử đã tạo ra cơ hội mà chúng tôi không biết. Chúng tôi gặp nhau rất thường xuyên vì cùng là khách của Bộ trưởng Nông nghiệp Eugene Whelan của Canada…Chúng tôi thường có những cuộc tản bộ trong nông trại của Bộ trưởng Whelan, một hôm, thình lình chúng tôi cảm thấy có sự thôi thúc và thổ lộ với nhau. Tôi, vì một lý do nào đó tôi cũng không biết nữa, tung hê những sự cẩn trọng theo gió cuốn và bắt đầu nói với Gorbachev về những điều mà tôi cho là đại ngu xuẩn trong lãnh vực ngoại giao, nhất là về hoả tiễn SS-20 đang được bố trí tại Âu châu, và nhiều điều khác nữa. Gorbachev cũng thế. Chúng tôi hoàn toàn thẳng thắn với nhau. Ông ta nói thẳng với tôi về những vấn nạn nội bộ của nước Nga. Ông nói rằng dưới những điều kiện của sự độc tài và thiếu vắng tự do, đất nước sẽ bị diệt vong. Trong buổi nói chuyện dài ba tiếng đồng hồ ấy, chúng tôi thật là tâm đầu ý hợp, thổ lộ hết với nhau, và hầu như đồng ý với nhau về tất thảy mọi điều.

Một tháng sau chuyến viếng thăm Canada, Gorbachev yêu cầu Bộ Chính trị triệu hồi Yakovlev về Moscow và bổ nhiệm ông làm Giám đốc Viện Bang giao Quốc tế và Kinh tế Thế giới (MGIMO) trực thuộc Học viện Khoa học Moscow. MGIMO hiện nay vẫn là một học viện uy tín về hậu đại học và nghiên cứu khoa học xã hội tại Moscow. Đa số sinh viên tại đây là con cái của thành phần lãnh đạo.

Sự khởi đầu của đoạn kết của Liên bang Xô-viết

Tổng Bí thư đảng lúc bấy giờ là Konsstantin Chernenko, một ông già lụ khụ, đi không nổi phải có người đỡ. Ngay trong hàng ngũ những tay bảo thủ cũng phải công nhận là cần có một người trẻ hơn để cứu chế độ cộng sản. Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư trong đại hội ngày 11 tháng ba, 1985, chỉ ba giờ sau khi Chernenko chết. Ở tuổi 54, Gorbachev là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị.

Biến cố này mở đầu cho một chuỗi những hệ quả không tiên đoán được. Gorbachev nhanh chóng bổ nhiệm Yakovlev vào những vị trí quan trọng trong đảng. Năm 1987, Yakovlev trở thành uỷ viên chính thức của Bộ Chính trị, đặc trách tư tưởng, nhân vật thứ hai trong hệ thống lãnh đạo. Được Gorbachev phê chuẩn, Yakovlev bắt đầu chương trình “Đổi mới”, cải tổ cái “Đế quốc Ác quỷ” thành một đống gạch vụn chỉ vẻn vẹn không quá 5 năm. Hồi tưởng lại giai đoạn đó, Yakovlev viết: “Liên Xô thua cuộc Chiến tranh Lạnh…Sự chiến thắng của cuộc Chiến tranh Lạnh là chiến thắng chung của chúng ta. Nó là bước đột phá cho nước Nga tiến vào cộng đồng các nước văn minh…”

Qua chính sách “cởi mở” (glasnost), Yakovlev khuyến khích truyền thông tự do. Ngay lập tức, truyền thông [được] tự do đã phơi bày lịch sử Xô-viết là một chuỗi những tội ác và dối trá kinh khiếp. Chính Yakovlev đã tiết lộ những chi tiết đã bị bưng bít về Hiệp ước Molotov-Ribbentrop[1] năm 1939. Hiệp ước này mở đường cho Xô-viết xâm lăng Poland và sáp nhập các nước Estonia, Latvia và Lithuania thuộc vùng Baltic vào lãnh thổ nước Nga. Sự bạch hoá này đã khiến cho sự chiếm đóng các nước Baltic trở thành bất hợp pháp.

Khi Lithuania tiến hành đòi độc lập khỏi Liên Xô vào tháng Giêng 1991, Gorbachev hỏi Yakovlev nền đối phó với Lithuania như thế nào. “Nên nổ súng không?” Gorbachev hỏi. Yakovlev trả lời, “Chỉ cần có một người lính Xô-viết bắn một phát đạn vào đám đông không vũ trang, thì quyền lực của Xô-viết coi như chấm dứt.”

Đã có đạn bay và xe tăng: 14 thường dân bị giết và 702 người bị thương. Và Liên Xô sụp đổ trong cùng năm đó. Giữa thời gian này, Yakovlev từ chức khỏi Bộ Chính trị và ra khỏi đảng Cộng sản.

Tiếng nói Chỉ trích chế độ Cộng sản cho đến khi chết

Sau những năm dài hoạt động dẫn đến cái chết của Liên Xô vào tháng 12, 1991, Yakovlev trở thành Tổng uỷ viên Uỷ ban Phục hồi cho những nạn nhân bị đàn áp chính trị dưới chính phủ của tổng thống Boris Yeltsin. Trong cương vị này, ông đã phơi bày bộ mặt của chế độ Xô-viết là một chế độ tội phạm và diệt chủng. Ông gọi đó là một hình thức của chủ nghĩa phát-xít và đúc kết thành hồ sơ những chính sách giết người hàng loạt từ khởi đầu cho đến khi chế độ cộng sản kết thúc.

Chính Yakovlev là người đã dẫn Gorbachev tới con đường giải phóng cho những nước bị Liên Xô bắt làm nô lệ trong Liên bang Xô-viết. Năm 2000, Yakovlev trưng bày những chứng cớ không thể phủ nhận cho thấy nhà ngoại giao Thuỵ điển Raoul Wallenberg đã bị bắn chết tại Lubyanka, tổng hành dinh của mật vụ Xô-viết vào năm 1947. Ông Wallenberg đã cứu thoát hàng ngàn người Do thái tại Hungray vào cuối Thế chiến II nhưng bị mất tích một cách bí ẩn sau khi Hungary bị Liên Xô xâm chiếm.

Trong những năm cuối đời Yakovlev thành lập và lãnh đạo Tổ chức Dân chủ Quốc tế. Ông cổ võ cho sự phơi bày toàn bộ những tội ác của chủ nghĩa cộng sản và chỉ trích tổng thống Putin về những giới hạn của tự do ngôn luận và kinh tế.

Yakovlev mất ngày 18 tháng Mười, 2005 tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi. “Ông đã có những đóng góp vĩ đại cho tiến trình dân chủ và chuyển hoá đất nước,” Gorbachev đã phát biểu trong điếu văn đưa tiễn Yakovlev, và nói thêm “Chúng tôi luôn tranh luận với nhau nhưng luôn luôn hiểu rõ nhau.”

Nông Duy Trường  chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân September 2019

Yuri N. Maltsev

Giáo sư Yuri Maltsev tốt nghiệp Cử nhân và Cao học tại Đại học Moscow, và Tiến sĩ về Kinh tế Lao động tại Học viện Nghiên cứu Lao động Moscow, Nga. Trước khi đào thoát sang Mỹ năm 1989, ông là thành viên cao cấp trong Ban nghiên cứu kinh tế Xô-viết cho chính sách đổi mới của Chủ tịch Gorbachev.

Lawrence W. Reed

Lawrence W. Reed is president of the Foundation for Economic Education and author of Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction and Excuse Me, Professor: Challenging the Myths of ProgressivismFollow on Twitter and Like on Facebook.

Lawrence W. Reed là chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế và tác giả của tác phẩm Những Anh hùng Thực sự: Những câu chuyện có thật và khó tin về Sự Can đảm, Đức tính, và Niềm tin. Reed cũng là cựu chủ tịch của FEE (Foundation for Economic Education).

Nguồn: https://fee.org/articles/the-man-who-saved-russia-from-the-soviet-union/

[1] Hiệp ước Molotov-Ribbentrop là hiệp ước bất tương xâm giữa Xô-viết và Đức, đồng thời cũng ngầm chia vùng ảnh hưởng giữa các nước Poland, Finland, Lithuania, Estonia, và Latvia. Hiệp ước ký ngày 23 tháng Tám, 1939, thì ngày 1 tháng Chín, Đức xâm lấn Poland. Ngày 17 tháng Chín, Stalin cũng xâm lấn Poland và chiếm đóng các nước nêu trên.