Người tự nguyện vào trại giam Auschwitz
Người hùng đích thực: Witold Pilecki
Lawrence W. Reed
Trong cái nhà xác to lớn chứa đầy những người đang dở sống dở chết — gần đó có người đang khò khè hơi thở cuối cùng; có người đang hấp hối; có người đang cố gắng lết ra khỏi giường để rồi ngã xuống đất; một người khác đang ném tung chăn mền, hoặc đang nói mê sảng gì đó với mẹ của mình, la hét hay chửi rủa ai đó; [trong khi những người khác lại] không chịu ăn, hoặc đòi nước uống, họ đang bị sốt và cố nhảy ra ngoài cửa sổ, cãi nhau với bác sĩ hay đòi hỏi điều gì đó — tôi nằm đó nghĩ rằng tôi vẫn đủ tỉnh táo để hiểu mọi thứ đang diễn ra và bình tĩnh đón nhận những gì sắp đến với tôi.
Đó là vào một ngày được xem là khá tốt tại trại tập trung Auschwitz ô nhục vào năm 1942, theo lời kể của một người mà ta biết là người duy nhất từng tự nguyện trở thành tù nhân ở đó. Tên ông ấy là Witold Pilecki. Câu chuyện của ông là một trong những lời diễn giải tuyệt vời nhất trong lịch sử về sự can đảm phi thường giữa hố sâu của sự bất nhân không đáy.
Những cảm xúc mạnh mẽ đã xiết chặt lấy tôi khi lần đầu tiên tôi biết đến Pilecki và nhìn vào bức ảnh của ông. Tôi nối điên với những chế độ đáng khinh bỉ đã đưa người đàn ông đáng kính này qua một thứ địa ngục không lời nào có thể tả hết được. Lòng tôi tràn ngập sự ngưỡng mộ vì làm thế nào mà ông đã đương đầu được với tất cả [những nỗi đau khổ]. Câu chuyện bạn đang bạn đọc là câu chuyện nói về cả những điều xấu nhất và tốt nhất ở con người.
Ghi nhận Pilecki là một “anh hùng” dường như chưa xứng đáng cho lắm.
Olonets là một thị trấn nhỏ tọa lạc ở phía đông bắc thành phố St. Petersburg nước Nga, cách Ba Lan ngày nay 700 dặm. Đó là nơi Witold Pilecki chào đời năm 1901, tuy vậy gia đình ông không tự nguyệnchọn nơi đó để sinh sống. Bốn thập niên trước, khi nhiều người Ba Lan sống dưới sự chiếm đóng của Nga, chính phủ Sa hoàng ở Moscow đã cưỡng bách gia đình Pileckis đến thị trấn Olonets vì họ tham gia vào một cuộc nổi dậy.
Lần đầu tiên kể từ năm 1795, Ba Lan được khôi phục là một quốc gia độc lập vào lúc kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến, nhưng ngay lập tức Ba Lan bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga do Lenin khởi xướng. Pilecki tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Bolsheviks khi ông mới 17 tuổi, đầu tiên ông chiến đấu ở tuyến đầu sau đó ông ẩn mặt chiến đấu sau lưng kẻ thù. Trong hai năm, ông đã chiến đấu rất gan dạ và đã hai lần được tặng Huân chương Anh Dũng.
Ghi nhận Pilecki là một “anh hùng” dường như chưa xứng đáng.
Trong 18 năm giữa giai đoạn cuối của cuộc chiến Ba Lan-Nga vào năm 1921 và giai đoạn đầu Đệ Nhị Thế Chiến, Pilecki thôi bay nhảy, kết hôn với Maria và có hai con. Ông xây dựng lại và canh tác khu điền trang của gia đình, ông trở thành một hoạ sĩ nghiệp dư, rồi làm việc thiện nguyện cho cộng đồng và các tổ chức từ thiện Kitô giáo. Sau đó, khi đã thụ huấn chương trình đào tạo sĩ quan mở rộng, ông đạt được cấp bậc thiếu úy trong quân đội Ba Lan dự bị. Có lẽ ông nghĩ rằng những ngày chiến đấu quyết tử đã kết thúc.
Hitler và Stalin đã bí mật thỏa hiệp vào tháng 8 năm 1939 để phân chia Ba Lan. Vào ngày 1 tháng 9, Đức quốc xã tấn công Ba Lan từ phía tây, hai tuần sau đó, Liên Xô xâm chiếm từ phía đông. Thế giới lại lâm vào cảnh chiến tranh — và Pilecki cũng chung số phận.
Bị tấn công quá sức chịu đựng, thủ đô Warsaw đã đầu hàng vào ngày 27 tháng 9, tuy vậy cuộc kháng chiến của Ba Lan chưa bao giờ chấm dứt. Pilecki và Jan Włodarkiewicz đã cùng nhau đồng thiết lập Quân đội Ba Lan Bí mật (Tajna Armia Polska) vào đầu tháng 11. Họ và các thành phần khác của một phong trào hoạt động bí mật đang phát triển đã tiến hành nhiều cuộc đột kích chống lại cả lực lượng Phát xít lẫn Xô viết. Tháng 9 năm 1940, Pilecki đưa ra một kế hoạch táo bạo mà về sau mới biết kế hoạch đó xem ra thật không tưởng tượng nổi: ông sắp xếp để bị bắt với hy vọng rằng Đức Quốc xã, thay vì hành quyết ông, họ có thể đưa ông đến trại giam Auschwitz nơi ông có thể thu thập thông tin và hình thành một nhóm kháng chiến từ bên trong trại tù.
Pilecki hình dung, nếu ông sống sót sau vụ bắt giữ, trại giam Auschwitz có khả năng sẽ là nơi mà Đức Quốc xã sẽ giam giữ ông, vì trại giam đó ở gần và nhiều nhà đấu tranh kháng chiến Ba Lan bị giam trong đó. Trại tù này lúc ấy chưa phải là trại tử thần dành cho người Do Thái ở Châu Âu mà không lâu nữa nó sẽ trở thành như thế, tuy thế, có nhiều lời than phiền về những vụ hành quyết và tra tấn tàn bạo mà kháng chiến Ba Lan muốn điều tra để họ có thể thông báo cho thế giới biết.
Vào ngày 19 tháng 9 tại Warsaw, Pilecki hôn chào từ biệt người vợ yêu quý của ông và hai người con nhỏ (cả hai người con vẫn còn sống đến ngày nay). Được trang bị giấy tờ nhận dạng giả mạo và một cái tên mới, ông thản nhiên hòa lẫn vào đám người bị Đức Quốc xã tập trung khoảng 2.000 thường dân. Trải qua hai ngày và một vài lần bị đánh đập sau khi bi tập trung, ông trở thành tù nhân của trại tù Auschwitz mang số tù 4859.
Viktor Frankl, cũng là người sống sót từ trại tù Auschwitz, là tác giả của cuốn sách gây tác động mạnh vào năm 1946, Đi tìm ý nghĩa của con người, ông nhớ đến những con người như Pilecki trong tâm trí khi ông viết:
Trong tình thế mà một người chấp nhận số phận với mọi đau khổ mà số phận bắt phải chịu, thì phương cách mà ông vác lấy thập giá của mình lại ban tặng cho ông thừa cơ hội — trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất — để làm cho ý nghĩa cuộc đời ông sâu sắc hơn nữa. Hoặc là ông giữ được đức tính can đảm, cao quý và vị tha, hoặc là trong cuộc đấu tranh cay đắng để sinh tồn ông có thể quên đi phẩm giá con người biến mỉnh trở thành không khác gì con vật. Đây là lúc để con người nắm lấy hoặc từ bỏ cơ hội để đạt được các giá trị đạo đức mà tình huống khó khăn mang lại. Điều này quyết định xem ông có xứng đáng với sự đau khổ ông gánh chịu hay không.
Được nung nấu bởi sự quyết tâm mà hầu như không bút nào tả xiết, Pilecki đã tận dụng tối đa mọi cơ hội trong 30 tháng bị giam tại trại tù Auschwitz. Mặc dù có những cơn đau dạ dày, sốt thương hàn, viêm phổi, nhiễm chấy rận, lao động muốn gẫy lưng khi vác đá, lạnh và nóng khủng khiếp, chịu đói khát tàn nhẫn dưới bàn tay của các tên cai ngục Đức, ông thành lập một nhóm kháng chiến hoạt động bí mật, Liên hiệp Tổ chức Quân sự (Związek Organizacji Wojskowej, ZOW).Những báo cáo ban đầu của ông về các sự kiện và điều kiện sống trong trại tù Auschwitz đã được lén đưa ra ngoài và đến Anh Quốc vào tháng 11 năm 1940, chỉ hai tháng sau khi ông bắt đầu bị giam. Dùng một máy phát thanh đời 1942 ông và các đồng sự trong tổ chức ZOW có chủ ý chế tạo ra, ông phát đi thông tin thuyết phục các Đồng Minh phương Tây rằng Quốc Xã đã dính líu tới nạn diệt chủng trên quy mô chưa từng có. Cái được gọi là “Báo cáo của Witold” là lời giài thích toàn diện đầu tiên về Holocaust từ một nhân chứng trực tiếp.
“Trò chơi mà tôi hiện đang chơi ở Auschwitz rất nguy hiểm”, sau này Pilecki viết. “Câu này không thực sự chuyển tải được sự thật; Trên thực tế, tôi đã đi xa hơn những gì dân chúng trong thế giới thực [ở bên ngoài] cho là nguy hiểm.” Câu nói đó quá nhẹ nhàng. Ông bị bao vây bởi một nhóm cai tù gồm 7.000 binh lính SS của Quốc xã, mỗi người trong số họ đều có quyền sinh sát trên mỗi tù nhân. Đó là một địa ngục trần gian – một nơi không có một quy tắc đạo đức nào được áp dụng.
Bạn có tự hỏi tại sao bạn chưa bao giờ nghe nói về người đàn ông này trước đây?
Hơn hai triệu người đã chết trong trại Auschwitz. Mỗi ngày có 8.000 người bị giết bằng hơi ngạt Zyklon-B, một số khác chết vì đói, vì lao động cưỡng bách, bệnh tật, hoặc chết vì bị mang ra làm vật thí nghiệm cho cái rất ghê tởm mang tên gọi là Thử nghiệm “y học.” Người ta có thể nhìn thấy khói từ những lò đốt xác chết tỏa ra và ngửi thấy mùi khét cách đó hàng nhiều dặm. Pilecki đã nhìn thấy khói, đã viết về điều đó, đã phát sóng tin tức về điều ông chứng kiến, và thậm chí còn chuẩn bị cho một cuộc tổng nổi dậy của các tù nhân chống lại chính sách ác độc đó — tất cả xảy ra ngay trước mặt những kẻ bắt ông.
Vào mùa xuân 1943, người Đức biết rõ rằng có một mạng lưới kháng chiến lan tỏa trong trại tù Auschwitz. Nhiều thành viên ZOW đã bị phát hiện và bị hành quyết, nhưng danh tính Pilecki là người cầm đầu vẫn chưa được phát hiện. Sau đó, vào đêm Chủ nhật Phục Sinh năm 1943, Pilecki đã hoàn thành một điều mà chỉ có 143 người khác trong lịch sử trại giam Auschwitzcó thể làm được. Ông đã trốn thoát, mang theo những tài liệu làm chứng cớ cho sự tàn bạo tại Auschwitz mà ông và hai tù nhân khác đã đánh cắp từ người Đức.
Nếu đây là phần cuối của câu chuyện, Witold Pilecki sẽ là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Đệ Nhị Thế chiến. Thế nhưng, thật không thể tin nổi, vẫn còn nhiều điều để nói — và mọi thứ đều tuyệt vời như những gì bạn đã đọc cho đến lúc này.
Để tránh bị phát hiện, Pilecki tìm đường lẩn đi từ trại giam Auschwitz cho đến Thủ đô Warsaw, một cuộc hành trình dài khoảng 200 dặm. Ở đó, ông đã tái thiết lập mối quan hệ với tổ chức bí mật kịp thời để đảm nhận vai trò chỉ huy trong Cuộc nổi dậy ở Warsaw, cuộc tấn công quân sự lớn nhất được thực hiện bởi phong trào kháng chiến của châu Âu trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Trong 63 ngày, cuộc chiến ác liệt xảy ra ở thủ đô Ba Lan. Không ai đến để giải cứu những người Ba Lan can đảm — thậm chí không một ai trong quân đội Xô Viết, họ đã dừng tiến quân ngay phía đông thành phố và theo dõi vụ tàn sát như đám kên kên chờ chực ở trên đầu. Warsaw đã bị phá hủy, cuộc nổi dậy bị dập tắt, và Pilecki thấy mình bị đưa vào một trại tù binh của Đức trong những tháng còn lại của cuộc chiến. Nếu Đức quốc xã nhận ra ông là ai, việc hành quyết ông ngay tức thì chắc chắn sẽ được thi hành nhanh chóng.
Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế nữa.
Việc đầu hàng của Đức vào Tháng Năm năm 1945 đã dẫn đến việc phóng thích ngay các tù nhân. Đối với Pilecki nói riêng, việc đó chỉ là thời gian nghỉ ngơi ngắn khỏi phải đấu tranh và bị giam cầm. Đóng quân tại Ý thuộc một đơn vị của Đệ nhị Quân Đoàn Ba Lan, ông đã viết một bản mô tả cá nhân về thời gian ông bị giam tại trại Auschwitz. Nhưng khi mùa hè chuyển sang mùa thu, rõ ràng là Liên Xô đã không có ý định rời khỏi Ba Lan.
Tháng 10 năm 1945, Pilecki chấp nhận một nhiệm vụ bí mật khác — trở lại Ba Lan và thu thập bằng chứng về những vụ tàn bạo của Liên Xô đang gia tăng. Công việc ông làm lần này, đã bị chế độ bù nhìn theo Liên Xô đánh dấu ông là kẻ thù của nhà nước.
Tháng 5 năm 1947 — hai năm sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng — ”vỏ bọc” của Witold Pilecki đã bị lộ. Ông bị bắt và bị tra tấn trong nhiều tháng trước khi bị đưa ra xử tại một phiên tòa “dỏm” gọi là phiên tòa xử công khai vào Tháng 5 năm 1948. Ông bị buộc tội gián điệp và bị kết án tử hình.
Những lời cuối cùng của ông trước khi ông bị hành hình vào ngày 25 tháng 5 là “Ba Lan tự do muôn năm!” Lúc ấy ông mới 47 tuổi.
Bạn có tự hỏi tại sao bạn chưa bao giờ nghe nói về người đàn ông này trước đây?
Qua nhiều thập niên, thông tin về Pilecki đã được giấu kín bởi các nhà lãnh đạo thời hậu chiến, chế độ do Liên Xô sắp đặt. Họ không thể kể lại chi tiết những hoạt động chống Đức Quốc xã của ông mà không kể hết câu chuyện về hoạt động chống cộng của ông. Những năm gần đây, ủng hộ việc phát hành các tư liệu được phân loại hoặc trước đây bị cấm, người ta thấy có cả những báo cáo của riêng của Pilecki trọn bộ trong các tư liệu đó, hành động mạo hiểm siêu phàm của ông cuối cùng đã được dân chúng biết đến trên toàn thế giới.
(Trong bài viết này, nhà sản xuất phim người Mỹ David Aaron Gray đang làm một bộ phim về cuộc đời của Pilecki, dự kiến sẽ được phát hành vào năm 2016.)
Jarek Garlinski, tác giả và dịch giả người Ba Lan, trong phần giới thiệu trong cuốn Tù nhân tự nguyện trại giam Auschwitz:Can đảm Phi thường, ông tóm tắt nhân vật lạ thường về Witold Pilecki như sau:
Được thừa hưởng khả năng phục hồi thể chất nhanh chóng với tính can đảm tuyệt vời, ông đã biểu lộ sự nhanh trí xuất sắc, sự phán đoán cẩn trọng trong những tình huống nguy hiểm, và hoàn toàn không nghĩ đến mình. Trong khi đó hầu hết các tù nhân trong trại giam Auschwitz nếu không bị hình phạt chết ngay thì hiếm có ai còn sống sót, ông có đủ lực lượng hùng hậu với quyết tâm dấn thân giúp đỡ người khác xây dựng một tổ chức kháng chiến bí mật trong trại tù. Không chỉ vậy, ông luôn giữ cho đầu óc sáng suốt và nhận ra mình cần phải làm gì để có thể sống sót.
Garlinski viết tiếp, những báo cáo của Pilecki từ trại tử thần có giá trị tối cần thiết dành cho mục đích tình báo. Những báo cáo đó là biểu tượng cho “ngọn hải đăng hy vọng” — chứng minh rằng “ngay cả giữa cái tàn ác và suy đồi, vẫn có những con người giữ được các đức tính quan trọng nhất: trung thực, lòng thương cảm, và can đảm”.
Michelle Phạm chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, Nov 2017
Nguồn: https://fee.org/articles/he-volunteered-to-go-to-auschwitz/