fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Nhuận thưởng rất quan trọng

Russell Roberts

“Chính phủ quyết định trả tiền thưởng cho thuyền trưởng, tính trên đầu mỗi tù nhân còn sống khi xuống khỏi tàu tại Úc.”

Vào cuối thế kỷ 18, nước Anh bắt đầu di chuyển phạm nhân qua Úc châu. Phương tiện di chuyển do tư nhân cung cấp, còn chi phí do chính quyền tài trợ. Trên hành trình, rất nhiều tù nhân chết, do bệnh tật gây ra bởi mất vệ sinh vì quá đông người, do thiếu dinh dưỡng, và do thiếu hay không có thuốc men. Từ năm 1790 đến 1792, đã có 12% tổng số tù nhân mất mạng trong chuyến đi, đây là một thống kê làm phật ý quý vị hảo tâm người Anh, vì họ nghĩ rằng tù nhân bị đày đi Úc không có nghĩa là đi nhận án tử hình. Trên một chiếc tàu nọ có đến 37% hành khách bỏ mạng.

Làm thế nào thuyết phục các thuyền trưởng lo toan chu đáo hơn cho món hàng người của họ?

Ta có thể giảng cho họ nghe về sự tàn nhẫn của cái chết, như những tu sĩ đã làm từ trên bục giảng đạo. Ta có thể tăng tiền tài trợ của chính phủ dựa theo số hành khách mà mỗi thuyền trưởng chuyên chở. Ta có thể nhắc nhở thuyền trưởng phải dùng số tiền này để chăm sóc cho tù nhân. (Một số thuyền trưởng có máu con buôn còn cất giữ lại số thực phẩm và thuốc men dành cho tù nhân, rồi đem bán khi cặp bến tại Úc). Ta có thể nhắc nhở họ chi tiêu dè sẻn hơn hoặc sẽ bêu xấu họ ăn chặn công qũy dùng cho thuyền nhân.

Thế nhưng một phương pháp mới đã được thí nghiệm. Chính phủ sẽ trả thêm tiền nhuận thưởng cho các thuyền trưởng, tính theo đầu mỗi tù nhân còn sống khi xuống khỏi tàu tại Úc.

Sự thay đổi đơn giản này như có phép lạ, mang lại thành công rực rỡ. Số tử vong giảm xuống còn gần như là số không. Năm 1793, trên ba chuyến tàu đầu tiên tới Úc dưới thể chế nhuận thưởng mới, chỉ có duy nhất một người qua đời trong số 322 tù nhân được chuyên chở, một bước tiến rất đáng ngạc nhiên.

Tôi không nghĩ mấy tay thuyền trưởng này trở nên nhân đạo hơn đâu. Họ vẫn tham lam và xấu tính như trước. Tuy nhiên, luật lệ mới là động cơ thúc đẩy họ hành động như người tốt bụng. Với sự thay đổi về tiền nhuận thưởng, quyền lợi của thuyền trưởng nay được gắn liền với quyền lợi của tù nhân. Đột nhiên, một tù nhân sống có giá trị cao hơn một tù nhân chết. Các thuyền trưởng đã đáp ứng lại các nhuận thưởng do chính quyền đưa ra.

Nhuận thưởng rất quan trọng. Ví dụ được biết đến nhiều nhất trong ngành kinh tế là khái niệm về biểu đồ nhu cầu – khi một vật tăng giá, người ta sẽ mua nó ít đi. Khi giá giảm xuống, họ sẽ mua nhiều lên.

Nhiều người không công nhận định luật căn bản này. “Khi xăng lên giá, tôi vẫn mua xăng cơ mà,” họ tự suy bụng mình như vậy, và nhấn mạnh: “Mọi người cần xăng, thành ra ai cũng tiếp tục mua cho dù xăng mắc hơn.”

Có thể bạn vẫn mua khi xăng tăng giá. Tuy nhiên bạn sẽ tìm cách mua ít hơn. Không phải là ngừng mua, mà là mua ít đi.

Khi tìm hiểu phản ứng của người ta đối với động cơ lên giá, ta sẽ  thấy nhiều cách đương đầu mới mẻ, thay vì phải ngừng tiêu thụ một cách ngang xương. Nếu xăng đắt hơn, người ta sẽ đổi sang đi chung xe, hoặc lái với vận tốc chậm lại, hoặc dồn vài việc vào cùng một chuyến đi. Đến khi xăng tiếp tục tăng giá và người ta tin rằng giá sẽ giữ như thế trong một thời gian dài, có người sẽ mua xe tiêu thụ ít xăng hơn, dọn nhà đến gần nơi làm việc, hay đình hoãn hoặc bỏ hẳn ý định mua chiếc du thuyền vì sẽ tốn 400 đô mỗi lần đong đầy thùng xăng, với giá 3 đô một ga-lông (đơn vị đo lường của Mỹ gần bằng 4 lít).

Không phải ai cũng làm những việc này. Có người chẳng làm gì cả. Nhưng tác động toàn thể của sự tăng giá xăng là khiến người ta bớt mua xăng.

Và khi một vật rẻ đi mà  không có khác biệt nào ngoài giá cả, ta sẽ muốn mua nhiều vật ấy hơn.

Nhuận thưởng khiến ta hành động. Cách thức đáp ứng có khi rất sáng tạo. Trong thời kỳ siêu lạm phát tại Chí-Lợi, đã xảy ra trường hợp các thương gia buôn bánh mì không thể kiếm lời vì chính phủ đã chỉ định giá bán bánh mì quá thấp – giá bán tối đa thấp hơn giá thành.

Thoạt tiên, có dự đoán rằng bánh mì sẽ biến mất trong các cửa hàng. Thế nhưng dự đoán trên đã xem thường tài khéo léo của thợ làm bánh mì khi họ đáp ứng động cơ kiếm lời. Đáp ứng đầu tiên là họ giảm khối lượng của ổ bánh mì cho tới khi giá thành thấp hơn giá bán chỉ định. Chính quyền sau đó lại chỉ định cân lượng tối thiểu của một ổ bánh. Người làm bánh xoay ra bán bột bánh sống (bột bánh chưa nướng), như thế ổ bánh sẽ cân nặng hơn mức tối thiểu. Khi lạm phát nâng cao, bán bột bánh sống theo chỉ tiêu cũng không thể kiếm lời. Lúc ấy, nhóm thợ lại nghĩ ra bán bột bánh ngâm trong bịch nước để vẫn đạt được cân nặng tối thiểu.

Nghĩ đến kinh tế là ta thường nghĩ đến tiền, tuy nhiên có những động cơ không dính líu đến tiền mà vẫn có ảnh hưởng quan trọng ngang với tiền trong cách hành xử của ta, chẳng hạn như thì giờ cũng là một yếu tố quan trọng trong mọi hành động .

Giả sử bạn rất thích nhạc Beatles. Báo chí loan tin là nhờ vào phép lạ, ban nhạc Beatles được sum họp và sẽ trình diễn buổi nhạc hội tạm biệt lần chót vào tháng tới. Cả bốn thành viên ban Beatles sẽ xuất hiện tại một rạp hát ấm cúng gần nhà bạn. Bạn sướng như điên cho đến khi nghe tin rằng đây là một buổi nhạc hội miễn phí nhưng sẽ chỉ có 250  chỗ ngồi xem và số vé này sẽ được phân phát theo diện ai đến trước thì được. Buổi trình diễn này thực ra đâu có miễn phí mà sẽ rất tốn kém cho bạn. Nếu muốn tham dự, bạn phải tạm dọn đến ở đâu đó gần trước cửa rạp hát trong tháng này. Nếu không, làm sao bạn lọt vào số 250 người đầu tiên được. Lại còn có thể nguy hiểm nữa chứ. Khi giá hàng rẻ, lại không đủ số cung cấp cho số người muốn mua, người ta thường không xếp hàng trật tự chờ đến phiên đâu mà sẽ đạp lên nhau để giành giật vé!!

Có lần người ta hỏi Yogi Berra (cầu thủ baseball nổi tiếng) về một nhà hàng đắt khách, ông đáp với câu trả lời nổi tiếng, “Chỗ đó đông quá, không ai tới nữa.” Tựa như mọi câu nói trứ danh khác củaYogi, câu nói ấy thoạt nghe thấy vô lý nhưng xét kỹ thì lại bộc lộ một chân lý. Ông ấy muốn nói rằng nhà hàng đó đông khách quá, cho nên nếu người khách nào có ít thời giờ hoặc muốn tìm nơi yên lặng, họ sẽ chọn đi quán khác. Hoặc nói tóm lại, “Nơi đó đông quá, chẳng có ai đến đó nữa.” Thật ra, Yogi có thể muốn nói ngược lại – nơi đó đông quá, bạn phải thuộc giới thượng lưu, có tiếng tăm mới có thể vào cửa -vì chủ nhà hàng ngăn chận tầng lớp hạ lưu đi vào.

Như vậy tiền không phải là động cơ duy nhất. Bỏ thêm thời giờ vào danh sách các động cơ, nhuận thưởng cũng chưa đủ. Người ta còn coi trọng uy tín, danh vọng và lương tâm, cũng như  sự vinh quang, lòng yêu nước và tình yêu thương. Tất cả những thứ này đều có thể là nhuận thưởng.

Khi một kinh tế gia nói rằng nhuận thưởng rất quan trọng, người không học kinh tế có thể chỉ hiểu là các hoạt động của con người ta là để đáp ứng một giá cả nào đó. Thế nhưng, điều chính yếu mà nhà kinh tế muốn nói là: nếu tất cả mọi động cơ khác được giữ nguyên – chẳng hạn danh thơm hay tiếng xấu, sự vẻ vang hay bẽ mặt – trong khi động cơ tiền tài được nâng cao, thì người ta sẽ ham hành động nhiều hơn. Giảm giá trị tiền bạc trong khi vẫn giữ nguyên các động cơ phi-tiền bạc, sẽ khiến người ta ít muốn hành động đi.

Các kinh tế gia thường chú trọng vào những nhuận thưởng tiền bạc vì họ đo lường được hiệu quả và thay đổi chúng dễ dàng hơn so với các nhuận thưởng phi-tiền bạc. Có người phát biểu rằng khi tiền lương ngành bác sĩ tăng lên, sẽ có nhiều người muốn trở thành bác sĩ hơn. Câu này bị hiểu lầm rằng người ta thích học làm bác sĩ chỉ vì sẽ được nhiều tiền. Thật ra, câu nói chỉ đưa ý rằng khi tiền lương tăng lên trong khi các yếu tố khác (không phải là tiền) không thay đổi, ngành y sĩ trở nên quyến rũ hơn các chuyên khoa khác. Nếu ta có thể đo lường hoặc phát huy các ưu điểm phi-tiền bạc của ngành y sĩ, thì các yếu tố ấy cũng quan trọng ngang với yếu tố tiền bạc.

Sự khác biệt giữa những nhuận thưởng có dính tới tiền và những nhuận thưởng phi-tiền tài có thể được minh họa bằng sự khan hiếm của những quả thận cho những bệnh nhân cần ghép thận. Tại Hoa Kỳ, mua và bán thận là bất hợp pháp. Hiện nay, nguồn cung cấp thận dựa trên lòng hảo tâm. Mỗi năm, có hàng ngàn người cam lòng hiến thận của mình cho người thân hoặc người dưng mặc dù có thể nguy hiểm đến tính mạng. Có người hiến thận khi họ qua đời. Thiện ý này được thúc đẩy từ ước muốn giúp đỡ kẻ khác, và đó là một động cơ rất mạnh mẽ. Nhưng động cơ đó không đủ mạnh để tạo cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm có hàng ngàn người qua đời trong khi đang chờ đợi ghép thận.

Nếu ta muốn tăng số thận dành cho những bệnh nhân yếu thận, ta gặp trường hợp giống y như trường hợp của tù nhân bị đầy đi Úc và nhóm thuyền trưởng dữ dằn. Ta cần nâng cao nhuận thưởng thúc đẩy hiến thận. Ta có thể hô hào dân chúng hiến thận của họ như đăng thêm quảng cáo và tuyên truyền về niềm vui qua hành động từ thiện. Thế nhưng, cho phép dân chúng buôn bán thận một cách hợp pháp sẽ có hiệu quả cao hơn là đi van xin.

Vai trò của nhuận thưởng rất quan trọng trong cách cư xử của một cá nhân đối với của cải của mình so với của cải của người khác hoặc của cộng đồng. Người ta sẽ thay nhớt xe của mình chứ không thay nhớt cho xe đi mướn. Hồi xưa tại Liên Xô, ruộng của tư nhân thu hoạch nhiều hơn ruộng của hợp tác xã.

Mùa đông đầu tiên sau khi định cư tại Plymouth, những người di dân Mỹ làm ruộng theo kiểu hợp tác xã, thế nhưng sau vụ thu hoạch tệ hại năm đầu, họ chuyển sang hệ thống dựa trên nhuận thưởng trực tiếp thay vì thay vì kêu gọi người ta tự giác, nếu không làm đồng đều thì lương tâm áy náy. Thống đốc Bradford tóm tắt tình hình trong nhật ký như sau:

Thế là giao cho mỗi gia đình một thửa đất, lớn nhỏ tùy theo số người trong nhà, cho phép họ quản lý (nhưng không có điều khoản dùng làm gia tài) và sắp xếp tất cả thanh thiếu niên vào các gia đình. Thành quả rất tốt, vì tất cả mọi người chăm lo làm việc, lượng trồng cấy bắp cao hơn so với bất cứ phương pháp nào khác mà Thống đốc hoặc người khác nghĩ ra được, lại giúp ông bớt phiền não, và mang đến lợi ích khá hơn nhiều. Những phụ nữ nay vui vẻ đi ra đồng áng, mang theo lũ trẻ khi trồng bắp, chứ trước kia họ viện cớ yếu sức và không biết cách làm và nếu  bị ép làm thì sẽ than trách là bị ức bách, ngược đãi.

 

 

 

Không những ai nấy chăm chỉ làm việc – ngay cả ý tưởng thèm gặt bắp còn non của hợp tác xã cũng tan biến (gặt bắp non là một tệ nạn tương tự như việc săn bắn trộm động vật hoang dã).

Nhuận thưởng thật quan trọng. Những phần thưởng cụ thể, dưới dạng tài chính hay tương đương — chẳng hạn như bắp tại Plymouth — có uy lực rất lớn. Nếu chỉ chú tâm vào nhuận thưởng tài chính, ta sẽ tạo nên con người hám lợi, một loại lính đánh thuê có thể làm bất cứ việc gì khi được trả đúng giá. Tôi từng nói với học sinh trong lớp rằng tôi sẵn sàng để họ mua điểm “A” với cái giá là tổng sản lượng của nước Pháp. Tôi đặt giá thật cao để hiểu rằng coi như là giá bất tận. Nhưng thú thật, tôi muốn tin rằng không ai mua điểm được, cho dù tiền hối lộ to tát đến mấy.

Thế nhưng, dẫu tôi giữ vững được danh dự và tư cách khi đối diện số tiền hối lộ đồ sộ, tôi có thể tưởng tượng ra có vật đổi chác khác không dính đến tiền mà vẫn khiến tôi gác bỏ cả danh dự của mình. Nếu vì cứu nguy mạng sống đàn con của tôi, tôi nghĩ mình sẵn sàng bán điểm hoặc làm chuyện bất lương cho dù số tiền nhận được ít hơn tổng sản lượng Pháp quốc nhiều. Có lẽ, khi đã xác định đúng đắn mọi lợi hại phi-tài chính, thì chắc ai cũng có một cái giá nào đó.

© Học Viện Công Dân 2010


Russell Roberts là giáo sư Kinh Tế Học tại Đại Học George Mason, kiêm Chủ Bút nhóm Library of Economics and Liberty.

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2006/Robertsincentives.html