fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Thị Trường Của Tự Do

Thị Trường của Tự Do
Amartya Sen

Liên Hiệp Quốc đang khởi xướng cuộc vận động để giảm thiểu sự nghèo khó bằng cách chỉnh đốn lại nền kinh tế toàn cầu. Giáo sư Amartya Sen, người đoạt giải Nobel Kinh Tế năm 1998, lập luận rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều trên nền tảng dân chủ cũng như trên nền tảng tự do mậu dịch.

Trong bài tiểu luận nhan đề Sự Tiến Bộ của Học Vấn viết từ gần 400 năm trước, Francis Bacon đã lập luận rằng “sự biểu lộ và bày tỏ nghi vấn có công dụng song phương.” Ngoài công dụng hiển nhiên là giúp ta tránh được những “sai sót,” công dụng khác là giúp mở rộng tầm khảo sát. Bacon cho rằng, những vấn đề, “lẽ ra đã có thể bị bỏ sót nếu không có những nghi vấn,” đã được “quan sát tận tường cẩn thận,” chính là do những nghi vấn được trình bày ra.

Cái công dụng thứ hai đó rất quan trọng khi chúng ta ra công tìm hiểu những quan niệm hay phê bình về toàn cầu hóa đang được phổ biến dưới nhiều hình thức. Tôi thiết nghĩ, sự quan trọng của những điều này không phải nằm trong những “luận đề” được trình bày đơn giản trên những khẩu hiệu hay bích chương mà nằm trong những “chủ đề” được đưa ra một cách mạnh mẽ trong các cuộc tranh cãi toàn cầu. Những cuộc biểu tình không phải chỉ xảy ra ở những diễn đàn tài chánh thương mại quốc tế (như ở Seatle, nơi Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới hội họp) mà còn trong những cuộc chống đối dù thiếu tầm cỡ tổ chức hơn nhưng không kém phần quyết liệt ở nhiều thủ đô quốc gia khác, từ Jakarta, Băng Cốc, đến Abidhjan và Mễ Tây Cơ. Những nghi vấn về mối quan hệ kinh tế toàn cầu tiếp tục được đưa ra từ nhiều ngóc ngách của thế giới đủ để minh chứng là những nghi vấn về toàn cầu hóa cũng chính là một hiện tượng toàn cầu. Sự “nghi vấn toàn cầu” này không phải chỉ là những hiện tượng chống đối phát sinh từ những địa phương đơn lẻ.

Tuy nhiên, ý nghĩ của hiện tượng này không phải làm tổn hại khía cạnh kinh tế của nền mậu dịch thế giới hay sự sử dụng rộng rãi của kỹ thuật và khái niệm tài chánh hiện đại. Thật thế, tôi tin chắc chắn là như vậy. Và hơn nữa, những sự tranh luận như thế có thể đóng một vai trò rất hữu ích để mở rộng sự khảo sát của chúng ta về những quan hệ kinh tế và tài chính thế giới và buộc ta phải chú ý đến những vấn đề lẽ ra có thể bị lãng quên. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng từng vấn đề. Những người phản đối chính sách toàn cầu hóa có thể xem đây là chuyện điên rồ mới, nhưng thật ra nó không phải mới mà cũng không là chuyện điên rồ. Nó chỉ làm tăng thêm cường độ cho quá trình tương tác giữa du hành, mậu dịch, di trú và quảng bá kho tàng kiến thức, một quá trình đã định hình cho sự tiến bộ của thế giới qua bao thiên niên kỷ. Điều có thể thấy ngay là có những bằng chứng hẳn hòi là nền kinh tế toàn cầu đã mang sự thịnh vượng đến nhiều vùng khác nhau của quả địa cầu này. Những sự đóng góp về kinh tế và phát triển của một hệ thống hợp nhất toàn cầu là điều khó có thể chối bỏ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận ra sự bất bình đẳng to lớn xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới và rất thường xảy ra trong phạm vi từng quốc gia và chúng ta cần xem xét sự chênh lệch quá hiển nhiên đã khiến cho những sự “nghi vấn toàn cầu” có được góc cạnh chính trị như hiện nay. Điều chúng ta cần không phải là từ khước vai trò tốt đẹp của cơ cấu thị trường trong việc tạo ra nguồn thu nhập và sự thịnh vượng, nhưng chính là sự nhận thức quan trọng là cơ cấu thị trường phải hoạt động trong một thế giới với quá nhiều định chế. Chúng ta cần quyền hành và sự bảo vệ của những hệ thống này, thông qua hoạt động dân chủ, quyền công dân và nhân quyền, hệ thống truyền thông tự do và cởi mở, cơ sở cho nền giáo dục phổ thông và y tế, mạng lưới an toàn kinh tế và, tất nhiên, chuẩn bị cho cả quyền hạn và sự tự do cho phụ nữ, một lãnh vực bị lãng quên chỉ mới vừa giành lại được sự chú ý đáng có.

Tôi đưa ra vài ví dụ nhỏ. Đầu tiên, một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu không loại bỏ sự cần thiết của một nền dân chủ và những quyền tự do công dân và chính trị. Những quyền này không những chỉ cho con người quyền tự do sinh sống theo sở thích cá nhân (mà không bị điều khiển bởi ai) mà chúng còn cho con người cơ hội lên tiếng đòi hỏi những khi quyền lợi của họ bị bỏ quên. Nạn đói không bao giờ xảy ra ở những nước dân chủ có tự do báo chí và bầu cử định kỳ (dù là những nước nghèo) chính là một bằng chứng cơ bản cho mối quan hệ đó. Điều này cũng không làm cho ta ngạc nhiên khi thấy các đòi hỏi dân chủ, quyền công dân và chính trị đã trở nên mạnh mẽ hơn ở Đông Á và Đông Nam Á khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 phát triển và lan tràn.

Khả năng bảo vệ của nền dân chủ đặc biệt cần đến khi một quốc gia đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Dĩ nhiên, không có mâu thuẩn cơ bản giữa sự toàn cầu hóa kinh tế và sự bồi dưỡng nền dân chủ. Nhưng những tổ chức tư bản thế giới vẫn bày tỏ sự thiên vị rõ rệt đến những nền chuyên chế có trật tự hơn là những chuyện chính trị rắc rối liên quan đến những chính quyền dân chủ hay đến vấn đề nhân quyền. Chỉ thừa nhận suông thôi cũng không đủ–như nhiều người biện hộ cho sự tin cậy căn bản vào thị trường thường làm–là những tổ chức phi thị trường có thể là [những định chế] quan trọng; chúng ta cần làm sao cho những cơ quan tổ chức đó đủ mạnh và có thể cung cấp cho cơ cấu thị trường một cách hợp lý và thỏa đáng.

Đề tài thứ hai là khả năng của dân chúng tham gia vào kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng to tát bởi những cơ cấu xã hội cho sự giáo dục, y tế, tiểu-tín dụng, cải cách đất đai và những chính sách công cộng khác. Hơn nữa, sự chia sẻ những lợi tức của nền kinh tế thị trường cũng tùy thuộc vào những tổ chức xã hội. Điều đó cũng đúng cho những nước giàu có.

Hãy xem xét những nhóm dân ở tầng lớp thiếu ưu đãi trong nước Mỹ, như người dân Mỹ gốc Phi Châu. Ngay cả những người Mỹ da đen thường thì vẫn khá giả hơn người dân ở những quốc gia đang phát triển trên phương diện mức thu nhập trung bình, nhưng trên phương diện khả năng tồn tại tới tuổi trưởng thành, họ vẫn thua xa dân chúng ở những nước chậm tiến, ngay cả ở vài vùng quan trọng của Trung Hoa và Ấn Độ. Bên cạnh những cuộc xung đột của dân chúng, vấn đề thiếu hệ thống y tế toàn quốc, sự suy nhược của hệ thống giáo dục nội đô và những hạ tầng cơ sở xã hội khác cũng ảnh hưởng tới những vấn đề đó. Sự phát triển kinh tế chưa từng thấy của nước Mỹ cũng không thể giải quyết được những nan đề này.

Điều thứ ba, bằng chứng hiển nhiên về sự gia tăng quyền của phụ nữ trong học đường, cơ hội nghề nghiệp đã có những ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống mọi người, kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Nó làm giảm thiểu số tử vong của trẻ em, giảm những hiểm họa sức khỏe cho người lớn từ vấn đề hài nhi sinh thiếu trọng lượng. Nó tăng cường phạm vi và hiệu quả của những cuộc thảo luận, nó ảnh hưởng đến vấn đề điều hòa tốc độ sinh sản hơn cả sự phát triển kinh tế. Chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của nó trong việc giảm thiểu tốc độ sinh sản ở Bangladesh xuống phân nửa trong vòng không đầy hai thập niên, và thật vậy, dù nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn còn tốc độ sinh sản cao, những vùng khác với mức quân bình giới tính hơn có tốc độ sinh sản thấp hơn Mỹ và Anh quốc. Những tổ chức xã hội hoạt động về quân bình giới tính quả đã tạo ra ảnh hưởng to tát thật đáng ngạc nhiên.

John Kenneth Galbraith cũng đã nhấn mạnh một điều quan trọng có tương quan tới vấn đề trên. Vai trò của những tổ chức xã hội phải được đánh giá trên “sức trung hòa” tương tác giữa những tổ chức đó với nhau. Sự bất đối xứng trong khả năng ở một lãnh vực này có thể được điều chỉnh bởi sự phối trí lại các thế lực trong lãnh vực khác. Sự phân bố quyền hành trên thế giới liên quan mật thiết với số lượng đông đảo của những tổ chức trên. Điều này cũng áp dụng vào cơ quan căn bản của mậu dịch và tài chính thế giới, như Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, vân vân. Chúng ta cũng nên kiểm điểm lại việc cân bằng quyền lực trong việc quản trị những cơ quan tổ chức khác nhau đã tạo nên kiến trúc toàn cầu.

Cấu trúc của những cơ quan tổ chức hiện nay phần lớn tạo dựng nên từ thập niên 40, trên căn bản những sự hiểu biết về nhu cầu kinh tế thế giới được biện giải trong Hội Nghị Bretton Woods[1] khi Thế Chiến thứ 2 vừa tàn. Đương nhiên, thế giới thời thập niên 40 thì khác hẳn với ngày nay khi phần lớn Á châu và Phi châu còn bị chủ nghĩa thực dân kiểu này hay kiểu khác và khi mà sức chịu đựng bất an và nghèo khó còn lớn hơn ngày nay nhiều (ngay cả phương Tây cũng chỉ vừa thoát ra cuộc suy thoái to lớn và một cuộc chiến tranh tàn khốc) và khi mà sự hiểu biết về triển vọng to tát toàn cầu của nền dân chủ, sự phát triển kinh tế và nhân quyền trên thế giới còn quá ít ỏi.

Ngay cả trong phạm vi kiến trúc toàn cầu hiện tại, những chính sách trọng yếu được sử dụng bởi những cơ quan tổ chức chính yếu có thể có tầm ảnh hưởng lớn lao. Thí dụ như sự thay đổi mới đây của Ngân Hàng Thế Giới (dưới sự lãnh đạo của James Wolfensohn) trong vấn đề [ấn định] mức độ ưu tiên giữa các chính sách, khi sự an ninh về kinh tế và phát triển xã hội đóng vai trò to lớn hơn, đã có tầm ảnh hưởng không thể nghi ngờ. Những cơ quan tổ chức hiện hành có thể trình bày những “nghi vấn toàn cầu” một cách đầy đủ hơn và Liên Hiệp Quốc có thể đóng một vai trò lớn trong việc hướng sự chú ý của thế giới về những mối quan tâm này.

Thật ra cũng không khó lắm khi gạt bỏ rất nhiều những chỉ trích về toàn cầu hóa trong thời gian gần đây, và điều đó cũng đúng thôi vì những điều đáng bị bác bỏ phải bị bác bỏ. Nhưng có điều căn bản ta cần nhận ra là dù kinh tế toàn cầu có đóng góp to lớn vào sự thịnh vượng của thế giới, ta cũng cùng lúc phải dối đầu với sự bất bình đẳng rất rõ ràng và sâu rộng giữa các nước với nhau và ngay cả trong từng nước nữa. Cuộc tranh luận thực sự về toàn cầu hóa, rốt cuộc lại, không phải về sự hữu hiệu của thị trường, cũng không phải về sự quan trọng của kỹ thuật tiên tiến. Cuộc tranh luận này, lẽ ra, phải là về sự bất bình đẳng quyền lực, một sự bất bình đẳng đang xảy ra trên thế giới một cách khốc liệt hơn so với thời kỳ vừa chấm dứt Đệ nhị Thế chiến.

Ta cũng không thể, xin mượn lời của Francis Bacon, để cho những nghi vấn to lớn này cứ “trôi qua một cách nhẹ nhàng mà không làm gì hết.” Thế giới trong thời Breton Woods không phải là thế giới hôm nay.

© Học Viện Công Dân 2007

Giáo Sư Amartya Sen dạy tại Đại học Master of Trinity, Cambridge; đoạt giải Nobel về Kinh Tế năm 1998.

Nguồn:

http://observer.guardian.co.uk/comment/story/0,,336125,00.html#article_continue


[1] Hệ thống Bretton Woods là hệ thống quản trị tài chính và thương mại quốc tế do 44 nước Đồng Minh cùng ký kết tại Bretton Woods, New Hampshire trong Hội nghị về Tiền tệ và Tài chính của Liên Hiệp Quốc vào tháng 7, 1944. Điểm quan trọng nhất trong các thỏa thuận tại Bretton Woods là các nước hội viên đồng ý duy trì tỷ giá hối đoái cố định trên kim bản-vị, với sai biệt tối đa là 1%. Cũng tại Bretton Woods hai định chế quốc tế được thành lập là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Quốc tế (IBRD); ngân hàng này sau trở thành Ngân hàng Thế giới (World Bank). Đến năm 1971, Hoa Kỳ chấm dứt việc dùng kim bản-vị cho đồng đô-la và thả nổi giá trị đô-la trên thị trường hối đoái; các nước khác trên thế giới cũng làm theo như vậy.