fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

 Nữ hoàng là người tốt nhất của chúng ta

Nữ hoàng là người tốt nhất của chúng ta

Andrew Roberts

 

Sept. 9, 2022 9:40 am ET

LGT: Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị bang hà ngày 8 tháng 9 năm 2022 tại Lâu đài Balmoral, Scotland. Andrew Roberts, bình luận viên hoàng gia của đài NBC viết bài tưởng niệm Nữ hoàng. Bài này được đăng trên báo Wall Street Journal, ngày 9 tháng 9, 2002.

 

Người Anh chúng ta muốn tin rằng chúng ta có các đức tính nghĩa vụ, lễ phép, hài hước và khoan dung tiềm tàng trong DNA của dân tộc chúng ta. Có thể chúng ta có một chút tự lừa dối, và chắc chắn không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó là một nét nổi bật trong huyền thoại tự xác định bản sắc của dân tộc chúng ta.  Tuy nhiên, đối với một người Anh, điều đó thực sự đúng, và trong suốt 70 năm, chúng ta đã biết rằng nhờ những đức tính của nữ hoàng, chúng ta sẽ luôn tự hào về bà ở bất cứ nơi nào đến — và vì thế cũng tự hào về đất nước của chúng ta. Nữ hoàng là một gương mẫu tốt đẹp suốt đời cho hàng triệu người ở Anh, Khối thịnh vượng chung và trên toàn thế giới.

Điều hoàn toàn chắc chắn là — bất cứ điều gì mà những người khác trong gia đình nữ hoàng có thể nói hoặc làm — bà sẽ không bao giờ làm chúng ta bẽ mặt trên thế giới, và luôn luôn thi hành nhiệm vụ của mình với mức độ chuyên nghiệp cao nhất và sự bình tĩnh không lay chuyển. Những đức tính đó khiến Nữ hoàng có quyền lực mềm tương đương với một hàng không mẫu hạm trong quan hệ quốc tế. Mặc dầu, các định chế quốc gia khác của chúng ta có thể khiến chúng ta thất vọng nhiều, nhưng chúng ta luôn biết rằng Nữ hoàng sẽ không bao giờ đi sai một bước hoặc nói một lời khiến chúng ta thấy khó nghe.

Dưới con mắt soi mói của giới truyền thông toàn cầu trong bảy thập kỷ, trực tiếp gặp hàng trăm nghìn người và hiện diện trước hàng triệu người trong các sự kiện công cộng, đi đến hơn một trăm quốc gia trên thế giới, đối phó với những sự cố ngoại giao tế nhị mà ngày nay đã trở thành lịch sử nhưng vào thời điểm đó có thể đã gây ra xung đột, cố vấn cho 15 thủ tướng từ Winston Churchill đến Liz Truss, nữ hoàng biết mình phải làm gì. Cách xử sự đó có vẻ gần như siêu phàm nhưng chắc chắn đó là thành tích tuyệt đối của trình độ chuyên nghiệp. Liệu có nhiều nhà lãnh đạo trong cuộc sống công cộng của chúng ta có được một phần nhỏ vẻ duyên dáng, lôi cuốn của nữ hoàng và, trên tất cả, là cách ứng xử khéo léo của nữ hoàng không.

Nữ hoàng có một kỹ xảo kỳ diệu là gói gọn trong một cụm từ những gì chúng ta nghĩ nhưng hiếm khi diễn đạt thành lời, hoặc ít nhất là hiếm khi có cơ hội để nói với đúng người vào đúng lúc. “Tại sao không ai thấy nó đang đến?” bà hỏi Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh, về vụ Đại Khủng Hoảng năm 2008. “Tại sao lại có người thích làm việc này?” bà hỏi Boris Johnson khi ông ấy trở thành thủ tướng trong cơn sóng gió Brexit. Hơn nữa, bà còn có giác quan thứ sáu, thông cảm những gì nhân dân đang cảm thấy. Khi họ bị thiệt hại về tài chính trong cuộc Đại Sụp đổ, nữ hoàng đã hủy bỏ bữa tiệc sinh nhật của mình tại Ritz. Và tất nhiên bà có tài dùng những câu có ý nghĩa thích hợp. “Đau buồn là cái giá mà chúng ta phải trả cho tình yêu,” bà đã nói sau sự kiện 11/9, diễn tả chính xác những gì mà xã hội phương Tây đang cảm nhận.

Hãy nhớ những lời đó khi chúng ta theo dõi hàng dài những người Anh và thần dân của nữ hoàng đến từ 15 quốc gia trên toàn cầu vào tuần tới, trải dài từ linh cữu của nữ hoàng ở Điện Westminster. Tôi chắc rằng người xếp hàng sẽ kéo dài từ sông Thames đến tận khu tài chính của Thành phố London ở phía đông thủ đô, để bày tỏ lòng kính trọng trước linh cữu. Họ sẽ đến từ bốn vương quốc và từ khắp nơi trên thế giới; họ sẽ kiên nhẫn xếp hàng chờ trong rất nhiều giờ; họ sẽ kiên trì chịu đựng mưa và gió lạnh suốt đêm; họ sẽ chen vai thích cánh với các cảnh sát viên và luôn vui vẻ; họ sẽ mang theo con cháu của họ để một ngày nào đó chúng có thể nói với con cháu của chúng là chúng đã viếng linh cữu Nữ hoàng Nhân Từ Elizabeth Đệ Nhị.

Ai cũng hiểu tại sao Nữ hoàng quyết định bổ nhiệm Liz Truss làm thủ tướng bằng một cuộc gọi qua Zoom. Nữ hoàng đã không thể tham dự Braemar Highland Games và sức khỏe không được tốt và, theo hiến pháp, không nhất thiết phải có một cuộc họp mặt trực tiếp. Như bây giờ chúng ta đã biết—và có lẽ chính nữ hoàng cũng linh cảm—là mình chỉ còn sống được hai ngày nữa. Nhưng bất cứ ai cho rằng nữ hoàng coi sự thoải mái cá nhân của mình trước những gì mà nữ hoàng coi là nhiệm vụ thì họ không hiểu bản tính của Nữ hoàng, người cuối cùng của Thế hệ vĩ đại nhất. Khi Nữ hoàng bị bắn sáu phát súng khi đi xe dọc theo đại lộ Mall để dự lễ Thượng Kỳ vào năm 1981, bà không biết hung thủ đã dùng đạn giả, nhưng nữ hoàng vẫn thản nhiên tiếp tục cuộc diễu hành. Đó là dũng khí mà chúng ta đương nhiên cho rằng nữ hoàng phải có.

Trong suốt 70 năm qua nước Anh đã trải qua một số thời điểm cực kỳ khó khăn vì nó đã biến đổi theo hầu hết mọi cách có thể hình dung được. Cuộc khủng hoảng Suez, chỉ bốn năm sau khi Nữ hoàng lên ngôi, buộc chúng ta phải đối mặt với sự tan rã của đế chế lớn nhất trong lịch sử thế giới chỉ trong khoảng một thập kỷ, nhưng chúng ta chưa bao giờ đáp lại sự nhục nhã của đế quốc như Pháp đã làm ở Algeria, chứ đừng nói đến cách thức Putin đang làm ở Ukraine. Những năm 1970 chứng kiến ​​nguy cơ nghiêm trọng của tình trạng nước Anh rơi vào vị trí cường quốc hạng ba, và liều thuốc đắng mà Margaret Thatcher áp dụng để đảo ngược tình thế đó vào những năm 1980 đã dẫn đến các cuộc đình công và bạo loạn, nhưng đã ngăn chặn được tình trạng sa sút hơn. Rất may là bây giờ người Anh đã qua khỏi vấn đề hận thù chủng tộc, nhưng chúng ta cũng không bao giờ quên rằng tình trạng đó đôi khi đã gây ra bất ổn dân sự. Việc hầu hết các thế lực  chánh trị không chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã gây nhiễm độc cho nền chính trị Anh trong nửa thập kỷ. Lịch sử của nước Anh kể từ năm 1952 không hề thuận buồm xuôi gió.

Tuy nhiên, người ta biết rằng ở đỉnh cao của hệ thống chính trị của chúng ta, cấu trúc hiến pháp của chúng ta, lực lượng vũ trang của chúng ta, Khối thịnh vượng chung, hệ thống luật pháp của chúng ta và tín ngưỡng quốc gia của chúng ta đã có một người phụ nữ có đạo đức tuyệt vời. Hơn nữa người dó chỉ còn giới hạn sự tham gia chính trị của bà trong vai trò cố vấn, khuyến khích và cảnh báo nhưng không bao giờ tham gia vào chính trị đảng phái. Thế mà nữ hoàng đã tạo một ảnh hưởng tích cực đáng kể đến đời sống của chúng ta. Liz Truss đã không ngoa khi nói rằng Nữ hoàng là “tảng đá mà nước Anh hiện đại được xây dựng trên đó”.

 

Mặc dù là một người bảo thủ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, như nhiều người trong lứa tuổi 90, Nữ hoàng luôn giữ gương mẫu trong cách bà không bao giờ can thiệp vào chính trị, và lời tuyên bố của Ngài Keir Starmer cho thấy rằng Đảng Lao động ngưỡng mộ bà cũng không kém đảng Bảo thủ. Ở một đất nước đang bị xáo trộn bởi chính trị đảng phái cực đoan, khi người Anh đối mặt với tương lai hậu Covid và lạm phát gia tăng, lòng ngưỡng mộ dành cho nữ hoàng là một trong số ít những yếu tố đã gắn kết giới lãnh đạo của các đảng trong quốc hội. Bây giờ ngay cả yếu tố đó cũng không còn nữa.

 

Hơn một thế kỷ đã tách biệt ngày ra đời của thủ tướng đầu tiên của Nữ hoàng, Winston Churchill và thủ tướng cuối cùng của bà, Liz Truss. Điều phi thường hơn nữa, 96 năm cuộc đời của bà dài bằng 39% thời gian của Hoa Kỳ tồn tại với cương vị  là một quốc gia độc lập. Cảm tình của Nữ Hoàng đối với Hoa Kỳ — kỳ nghỉ ẩn danh duy nhất của nữ hoàng được thực hiện ở Kentucky — là yếu tố giữ cho mối quan hệ đồng minh quan trọng nhất của chúng ta—Mối quan hệ Đặc biệt—luôn tươi đẹp và sâu đậm. Chúng ta chỉ mới bắt đầu ghi nhận những cách chúng ta cảm thấy thiếu nữ hoàng trên cả sân khấu quốc tế và trong nước.

Chế độ quân chủ hàng thiên niên kỷ là một cuốn sách gồm nhiều chương. Một chương dài và vinh quang khác thường đã khép lại, và một chương mới đang mở ra. Nếu nước Anh ngày nay có vẻ như bị lạc lõng, dĩ nhiên là vừa buồn bã nhưng cũng vừa e ngại, thì đó là bởi vì Vua Charles III gần như không thể nào thay thế được uy tín lớn lao của bậc tiền nhiệm. Tuy nhiên, nhà vua đã chờ đợi 70 năm trong 73 năm tuổi nhận trách nhiệm này và do đó nhà vua đã sẵn sàng đảm nhiệm. Có một cái gì đó có tính chất vô cùng tâm linh là vai trò này lại được đảm nhận trong thời gian chịu tang. Các chính trị gia nắm quyền cảm thấy như thể họ đã trúng số; các quốc vương lên ngôi trong hoàn cảnh đau buồn trước cái chết của phụ mẫu họ. Kế vị vào thời điểm suy tư ảm đạm chứ không phải lúc chiến thắng hào hứng là một xếp đặt tuyệt vời của chế độ quân chủ lập hiến.

Với tư cách là một quốc gia, chúng ta đã khiến Nữ hoàng làm những điều mà chúng ta không bao giờ nghĩ là chính mình làm. Chúng ta cho rằng nữ hoàng phải làm phận sự của mình ở tuổi 96 — còn chúng ta nghỉ hưu ở tuổi 65 — và tiếp tục làm nhiệm vụ đó đến hai ngày trước khi qua đời. Chúng ta cho rằng nữ hoàng phải mời những kẻ độc tài khát máu đến ở trong nhà mình, bởi vì các lợi ích chính sách đối ngoại của nước Anh đòi hỏi phải làm điều đó. Chúng ta cho rằng nữ hoàng 86 tuổi phải đứng trên một chiếc thuyền ở sông Thames trong cơn mưa lạnh giá trong lễ mừng 60 năm lên ngôi, vẫy tay chào hàng giờ. Chúng ta muốn nữ hoàng bắt tay một cựu tay súng IRA, người đã chấp thuận vụ sát hại cậu của hoàng tế[1]. Chúng ta muốn nữ hoàng cười duyên dáng và bắt tay thân mật, mặc dầu nữ hoàng có thể cảm thấy trong lòng những tổn thương quá lớn của gia đình mình mà cả thế giới đều biết.

Nữ hoàng đã làm được tất cả, và suốt trong 70 năm bà chưa một lần phàn nàn. Nữ hoàng là người tốt nhất của chúng ta.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân September 2002

Tác giả: Andrew Roberts là tác giả của tác phẩm mới nhất “The Last King of America: The Misunderstood Reign of George III” [Vị vua cuối cùng của nước Mỹ: Triều đại bị hiểu lầm của George III] và là nhà bình luận về hoàng gia cho NBC News.

Nguồn: https://www.wsj.com/articles/she-was-the-best-of-us-11662730856?st=

[1] Lord Mountbatten (cậu của Duke of Edinburgh) bị lực lượng võ trang IRA của phong trào đòi tự quyết cho Ireland sát hại ngày 27 tháng 8 năm 1979 [ND]