(Trích dịch)
Véronique Dudouet
“The practice of violence, like all action, changes the world, but the most probable change is to a more violent world” Hannah Arendt (1969, 80).
1. Giới thiệu1
Lịch sử của thế kỷ 20 đầy dẫy những thí dụ về những cuộc phản kháng bạo động, những thí dụ này cho thấy rằng phản kháng bằng bạo lực chống lại những hệ thống quyền lực bất công, độc tài hay sự thống trị của ngoại bang có khuynh hướng làm gia tăng cường độ bạo lực (thí dụ như những cuộc cách mạng tại Nga và Trung Hoa hay những cuộc chiến giải thực tại Phi châu và Á châu). Nhưng thế kỷ 20 cũng được mô tả bởi những cuộc đấu tranh bất bạo động có tác động mạnh mẽ. Một số những cuộc đấu tranh này được nhiều người biết đến (đấu tranh của Gandhi cho tự do của Ấn-độ, Martin Luther King, Jt với phong trào đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ), trong khi có nhiều cuộc đấu tranh bất bạo động khác hầu như bị công luận và những cơ quan nghiên cứu bỏ quên. Mặc dú sức mạnh của sự phản kháng bất bạo động có vẻ như yếu đuối và không hữu hiệu khi phải đương đầu với quyền lực cực kỳ bất tương xứng, nó đã chứng tỏ được là một khí cụ chiến lược trong tay những cộng đồng bị gạt ra ngoài lề dòng chính dùng để khôi phục lại sự mất cân bằng về cơ cấu xã hội và đòi lại quyền được đối xử công bằng và tự quyết. Một câu hỏi, mà đã chưa được phân tích rộng rãi, và chương này tìm cách giải thích, là trong bối cảnh nào và điều kiện nào sự phản kháng bất bạo động có thể đóng góp vào sự xây dựng những tiến trình chuyển hóa xung đột bền vững và thành công.
Chương này lập luận rằng sự phản kháng bất bạo động nên được xem là một bộ phận không thể thiếu được trong sự chuyển hóa xung đột, cũng như một phương thức khả thi nhằm đạt được hòa bình và công lý song song với những phương thức giải quyết xung đột chú trọng vào đối thoại, giải quyết vấn nạn, và phục hồi lại quan hệ hợp tác. Điều này có tính chất thích đáng đặc biệt trong thời kỳ chuyển tiếp đầu tiên của những cuộc xung đột vẫn tiềm ẩn trong đấu tranh với lực lượng bất tương xứng, như một chiến lược nhằm thụ quyền cho những nhóm khiếu kiện (thiểu số bị đàn áp, hay đa số bị mất quyền lực) có được quyền lực hầu tìm ra những cách thức hữu hiệu và xây dựng để đạt được công lý, nhân quyền và dân chủ mà không cần dùng tới bạo lực.
Những kỹ thuật bất bạo động vẫn thường được những nhóm đấu tranh cho một quyền lợi đặc thù nào đó, như quyền của công đoàn hay chống vũ khí nguyên tử, quyền của người bản địa hay những phong trào cho môi trường, chương này chú trọng vào những chiến dịch có tầm vóc quốc gia thách thức sự đàn áp của chế độ hay sự xâm lược và chiếm đóng của ngoại bang, và đòi hỏi hoặc là quyền tự quyết hay dân quyền như trong những nước đa văn hóa và dân chủ.
Định nghĩa và Giới hạn của bài nghiên cứu này
Mục đích của phần này là định nghĩa một cách chính xác hơn khái niệm về phản kháng bất bạo động (nonviolent resistance, viết tắt là NVR), mục đích của NVR và giới hạn của những thuật ngữ được sử dụng.. Tài liệu này cũng nhằm so sánh những đặc tính chính của NVR với những cách thức chuyển hóa xung đột khác mà nhắm vào thay đổi thái độ và tiến trình giải quyết vấn nạn qua thương thuyết, hòa giải hay đối thoại.
Bất bạo động là phương thức phản kháng bạo lực dưới mọi hình thức
Nguyên tắc căn bản của NVR bao gồm sự tự chế không dùng tới sức mạnh thuộc về vật chất để đạt mục đích, và sự hoàn toàn tham gia vào sự phản kháng áp bức, thống trị và bất kỳ hình thức nào của sự bất công. Do đó, NVR có thể được áp dụng để chống lại cả hình thức bạo lực trực tiếp (thể chất) và bạo lực cơ cấu.
(a) Đối kháng với bạo lực trực tiếp
Gandhi, người mà tư tưởng và hành động đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của NVR trong thế kỷ 20, đã miêu tả triết lý đạo đức của mình qua một khái niệm tôn giáo gọi là ahimsa, trong tiếng Sanskrit có nghĩa là sự từ bỏ hoàn toàn bạo lực trong tư tưởng cũng như hành động. Bất bạo động thực ra vẫn thường được định nghĩa là sự đối nghịch lại với bạo lực thể chất, tức là loại bạo lực “sử dụng sức mạnh nhắm vào thân thể của kẻ khác, hay cưỡng bách ý chí của kẻ đó, và có thể gây ra thương tích hay chết chóc” (Bond, 1994, 62).
Định nghĩa này tuy thế không có nghĩa là mọi hành động không có bạo lực phải là hành động bất bạo động. Bất bạo động có thể được hiểu là một sự thay thế hành vi bạo động, với ý nghĩa là sự cố ý tự chế không dùng bạo lực trong [những trường hợp] vẫn thường dùng đến bạo lực, trong bối cảnh xung đột gữa hai hay nhiều phe. Một lợi điểm của việc dùng cụm từ phản kháng bất bạo động hơn là dùng từ tổng quát bất bạo động là sự nhấn mạnh vào sự đối kháng với bạo lực một cách có ý thức và tích cực. Danh xưng phản kháng dân sự được sử dụng rộng rãi để chỉ những đặc tính phi-vũ trang, phi-quân sự của những phong trào đấu tranh bất bạo động.
(b) Đối kháng với bạo lực cơ cấu1
Chuyển hóa xung đột tìm cách giải quyết sự thể hiện trực tiếp và quan điểm của những cuộc xung đột, cũng như những nguồn gốc thuộc về cơ cấu sâu xa hơn. Tuy nhiên, những kỹ thuật của phương pháp này không phải luôn luôn áp dụng được cho những tình huống có liên quan đến bạo lực cơ cấu trong trường hợp không có cuộc chiến tranh công khai, những trường hợp này được gọi là “xung đột tiềm ẩn.”
Ngược lại, mục tiêu của NVR, như lịch sử cho thấy chú trọng đến sự can dự trực tiếp đối kháng lại với đàn áp, thống trị và bất cứ hình thái nào của sự bất công. NVR được xem là thích hợp, đặc biệt là trong những tình huống liên quan đến quyền lực bất tương xứng giữa kẻ thống trị và những nhóm bị trị, trong khi những kỹ thuật thuộc phái “hòa giải xung đột sáng tạo” lại thích hợp hơn trong những tranh chấp mà quyền lực giữa hai bên được coi là khá tương xứng.
Bởi vì xung đột được định nghĩa là vấn đề thuộc cơ cấu cho nên cần thay đổi cơ cấu; lý thuyết của NVR được đặt trên căn bản của sự phân tích sâu xa về bối cảnh của cơ cấu đã tổ chức và định chế hóa quan hệ quyền lực, và những mô thức xã hội được dùng để giải thích nguồn gốc và sự duy trì của bất công và độc tài. “Lý thuyết đồng ý” bất bạo động đầu tiên được Etienne La Boetie (1530-1565) đề xướng và sau này được những người chủ trương NVR tại Âu và Mỹ châu phát triển (những người theo đạo Quaker, Thoreau, Tolstoy) lập luận rằng quyền uy của bất kỳ kẻ cầm quyền nào cũng đều dựa trên sự liên tục tự nguyện tuân phục của người dân [chữ in nghie6g của người dịch để nhấn mạnh]. Cho nên, điều tinh túy của NVR dựa trên nguyên tắc người dân lấy lại sự tự nguyện vâng phục qua sự bất hợp tác hay bất tuân dân sự đối với những đạo luật bất công (như tẩy chay, đình công, chống thuế), như vậy chính quyền sẽ không thể tiếp tục hoạt động.
Bất bạo động được xem là Hành động Trực tiếp và Đối kháng
Lý thuyết chuyển hóa xung đột quan niệm xung đột là tác nhân tích cực cho sự thay đổi xã hội. Tuy nhiên, hầu hết những khí cụ mà phái này sử dụng “được đặt trên căn bản của khái niệm về sự vô tư và ngoại giao thầm lặng, và ý tưởng giải quyết xung đột qua một tiến trình đối thoại và giải quyết vấn đề thỏa mãn được cả mọi phe.” Nói cách khác, phái này chú trọng tới việc làm dịu đi sự xung đột hay “xuống thang” sự xung đột.
Ngược lại, NVR đưa ra những kỹ thuật đấu tranh nhằm tiến hành những cuộc xung đột cần thiết, cho tới khi có kết quả. McCarthy (1990, 110) mô tả ảnh hưởng của những hành động này trong xã hội là sự “mất trật tự sáng tạo,” nghĩa là phóng đại những sự căng thẳng về chính trị và xã hội đang tồn tại, bằng cách tạo ra những phí tổn nhiều hơn cho những kẻ muốn duy trì lợi thế của họ dưới hệ thống hiện hành. Những học giả về bất bạo động lập luận rằng “sự chuyển hóa xung đột có thể cần tới sự thay đổi vị trí của quyền lực, và nó có thể là một dấu hiệu tiến bộ khi sự xung đột tiềm ẩn bước sang giai đoạn đối đầu trực tiếp (Clark 2005, 2; Curl 1971). Vì những lý do này, một vài học giả đã thích sử dụng từ ngữ đấu tranh bất bạo động hay xung đột bất bạo động.2 Tuy nhiên những ảnh hưởng của NVR tác động trên những người thực hành, trên những đối thủ và môi trường xung đột mang tính xây dựng nhiều hơn là những ảnh hưởng của những hoạt động vũ trang. Fisher và những đồng tác giả phân biệt hai loại xung đột: xung đột gia tăng cường độ, và gia tăng xung đột. Xung đột gia tăng cường độ có nghĩa là khiến cho “cuộc đấu tranh tiềm ẩn trở thành cuộc đấu tranh nổi và công khai cho những mục tiêu bất bạo động và có chủ đích. Gia tăng xung đột là “tình huống mà mức độ căng thẳng và bạo lực đang gia tăng.” Hình 1 tóm tắt sự quan hệ giữa những phương pháp khác nhau về sự can thiệp xung đột theo các chiều hướng khác nhau.
Hình 1: Các chiều hướng và Mục đích của Xung đột
Thay đổi phá hoại | Thay đổi xây dựng | |
Xung đột gia tăng cường độ |
Chiến tranh |
Phản kháng bất bạo động |
Xung đột giảm cường độ |
Hòa bình vì bị ép buộc |
Kiến tạo và xây dựng hòa bình |
NVR cũng được mô tả là một dạng thức của hành động trực tiếp, vì bản chất bất quy ước của nó và sự rủi ro bị nhà nước đàn áp. Cái đặc tính chính yếu của hành động trực tiếp là sự đối chọi với những phương thức đã được thiết lập nhằm đòi hỏi thay đổi xã hội và giải quyết xung đột (như qua tòa án, cơ quan lập pháp, vận động hành lang, điều đình, thương thuyết, hay bầu cử). Trong cái khung tư duy này, những kỹ thuật của phái giải quyết xung đột có thể được xem là những “hành động thường xuyên,” theo sau là những cách thức thông thường do xã hội tạo ra để giải quyết xung đột, còn hành động trực tiếp bất bạo động mang tính chất làm xáo trộn trật tự công và là một mối đe dọa căn bản đối với những người muốn bảo vệ nguyên trạng xã hội.
Theo lịch sử, những xung đột bất bạo động có thể được tiến hành bằng nhiều phương thức khác nhau như tranh chấp và/hay hành động trực tiếp. Trong cuốn cẩm nang được coi là khởi nguyên của những nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động, năm 1973, Gene Sharp đã ghi nhận và thu thập 198 hình thức khác nhau về hành động bất bạo động, và được chia làm ba loại theo chức năng chiến lược:
-
Thứ nhất, có sự phản đối bất bạo động và thuyết phục bất bạo động, bao gồm những cử chỉ có tính tượng trưng và những hành động nhằm đưa ra tiếng nói đối kháng hòa bình với một chính sách hay một đạo luật, hay để thuyết phục người khác (trong số những người chống lại với nhóm bất mãn) theo một quan điểm đặc thù nào đó hay hành động, thí dụ, diễn thuyết, đơn thỉnh nguyện, rài truyền đơn, trưng bày cờ, diễn hành hay tổ chức những đêm canh thức.
-
Thứ hai, bất hợp tác về kinh tế hay chính trị nhằm hạn chế hay từ chối một số quan hệ vốn có sẵn, như sinh viên nghỉ học, công nhân đình công, tẩy chay tiêu thụ hay chính trị, bất tuân dân sự trước những luật ban hành bất hợp pháp, hay cắt đứt quan hệ ngoại giao.
-
Thứ ba, sự can thiệp bất bạo động gồm có những sự cản trở vật chất để thay đổi một tình huống nào đó—hoặc là tiêu cực (gây rối loạn những quan hệ xã hội đã có từ trước) hay tích cực (qua những hành động sáng tạo tạo ra những quan hệ xã hội tự trị mới); thí dụ, tọa kháng, xâm lấn bất bạo động và chiếm đóng,3 đình công tuyệt thực, và lập ra những quan hệ xã hội và định chế thay thế như hệ thống giáo dục ngầm, thị trường ngầm hay chính quyền song song.
Sự phát triển của lý thuyết và thực nghiệm từ năm 1945
Lý thuyết và thực hành của phản kháng bất bạo động đã phát triển song song với nhau, và phần này trình bày cả những chủ đề nghiên cứu lẫn sự gia tăng của những chiến dịch NVR kể từ năm 1945 và sự lớn mạnh của những tổ chức cung cấp các khóa huấn luyện cho những nhà hoạt động bất bạo động hay tham gia vào sự can thiệp xung đột vượt quá biên giới một nước trong tinh thần bất bạo động.
Sự phát triển về khái niệm: Bất bạo động theo nguyên tắc và bất bạo động theo thực tiễn
Nói chung, về phương diện lý thuyết bất bạo động ta có thể chia làm hai phái. Cái tên “bất bạo động theo ngyên tắc” được dùng để chỉ phương thức mà những người theo phái này dùng NVR cho những lý do tôn giáo, đạo đức hay triết lý, hay nói một cách khác là do niềm tin hơn là do tính thiết thực. Bạo lực bị lên án vì nó gây ra sự đau khổ không cần thiết, làm giảm nhân tính và tàn bạo đối với cả nạn nhân và người thi hành, và chỉ đem lại giải pháp ngắn hạn.
Những phần tử chính yếu của bất bạo động theo nguyên tắc được Gandhi hình thành một cách rõ ràng, và sâu xa hơn trong tài liệu của người thông dịch của ông. Gandhi chế tác ra từ “satyagraha” để mô tả lý thuyết về can thiệp xung đột mà có thể chứa đựng trong triết lý đạo đức của ông. Từ này gồm có hai thành tố từ tiếng Gujarati: Satya (chân lý) và Agraha (vững chắc), và vẫn thường được dịch sang Anh ngữ là ‘sức mạnh của chân lý’ (truth-force). Dù từ satyagraha ngày nay được sử dụng để chỉ tất cả loại hình chống đối chính trị hay xã hội mà không dùng tới bạo lực, nghĩa nguyên thủy của nó bao trùm nhiều hơn là một kỹ thuật đơn giản của hành động chống lại sự bất công chính trị và xã hội.
Gandhi tin tưởng vào sự thống nhất giữa cứu cánh và phương tiện, và nhiệt tình tin rằng bất bạo động tự nó là một mục đích, là con đường duy nhất để sống trong chân lý. Do đó, sự thành công của bất kỳ chiến dịch satyagraha không nên được đo lường bằng những tiêu chuẩn khách quan, tỷ như mức độ tự do chính trị và xã hội mà những nhà hoạt động đạt được, mà thay vào đó là sự chú trọng vào những phần tử tâm linh, ngay cả những phần tử hiện sinh, như sự tìm kiếm chân lý và tự-thể hiện (self-realization). Những phương thức cận đại của bất bạo động theo nguyên tắc đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa lý thuyết của Gandhi và những mục đích tích hợp của sự chuyển hóa xung đột với lập luận rằng satyagraha tạo ra một kỹ thuật để tiến hành xung đột mà cũng đồng thời đấu tranh chống lại bất công, giải quyết sự bất đồng ý, và đưa ra những giải pháp thỏa mãn được các phe.
Nếu Gandhi là triết gia của bất bạo động, thì Gene Sharp là người đại diện cho phương thức thực tiễn, chiến lược, hay kỹ thuật đấu tranh cho NVR; đó là lý do tại sao Gene Sharp thường được gọi là Clausewitz4 của đấu tranh bất bạo động. Sharp biện minh cho sự sử dụng phản kháng dân sự trên cơ sở chiến lược như “một sự đáp trả với vấn nạn làm thế nào để hoạt động một cách hữu hiệu trong chính trị, nhất là để nắm quyền lực một cách hữu hiệu.” Theo trường phái thực tiễn của hành động bất bạo động, những chứng cớ thực nghiệm cho thấy trong hầu hết những trường hợp NVR được ghi nhận trong lịch sử cận đại, những người tham gia đấu tranh không phải vì được thôi thúc bởi niềm tin theo nguyên tắc để tránh đổ máu, mà họ chọn chiến lược này vì muốn đánh bại một đối thủ bằng phương tiện hữu hiệu nhất và ít tổn thất nhất, hay vì họ không có lựa chọn nào khác, vì không có một giải pháp quân sự nào khả dĩ có thể thực hiện được.
Phương thức này thật ra có nhiều điểm tương đồng với những nghiên cứu chiến lược của những lý luận gia hơn là đối với trường phái chuyển hóa xung đột, và phương thức này đã được mô tả là “chiến tranh bằng những phương tiện khác” hay “tương đương về chức năng của chiến tranh bất tương xứng (tức là du kích chiến), điểm khác nhau duy nhất là sự vắng bóng của bạo lực thể chất về phía những nhà hoạt động phi-vũ trang. Phương thức này bao gồm tiến hành những “trận chiến,” đòi hỏi những chiến thuật và chiến lược khôn ngoan, sử dụng nhiều “vũ khí” và đòi hỏi những “chiến binh” có can đảm, kỷ luật và hy sinh. Không có chỗ cho giải quyết vấn đề trong hành động bất bạo động thực tiễn, phương thức này tổng hợp nguyên tắc thực tế về sự bất tương hợp giữa những quyền lợi của hai phe, và định nghĩa xung đột là cuộc đấu tranh thắng-thua để giành ưu thế kiểm soát.
Phương thức này khởi phát từ những bài luận văn của các nhà học giả trẻ trong thời kỳ chiến tranh và hậu Thế chiến Hai (như Clarence Case, Adam Roberts) và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến công trình của Sharp và các đồng sự, những người thành lập Chương trình Ủng hộ Bất bạo động tại Đại học Harvard cũng như tại Viện Albert Einstein tại Boston. Những viện nghiên cứu này đã tìm cách nối kết quan hệ với những cộng đồng quân sự, chiến lược, và chính trị để nhờ hỗ trợ, và thực ra, một trong những huấn luyện viên hàng đầu, Robert Helvey, là cựu đại tá trong lục quân Hoa Kỷ
Từ thập niên 1990, chương trình nghiên cứu thực tiễn mới được phát triển và tập trung vào cách thức làm thế nào để cải thiện lợi thế biên duyên5 của những cuộc đấu tranh bất bạo động bằng cách sử dụng những kiến thức đã có từ trước và hoạch định cẩn thận những chiến thuật và chiến lược hay bằng những nghiên cứu bằng thống kê học; những điều này đã thu thập được một con số đích xác về những điều kiện giúp cho sự thành công của những cuộc nổi dậy phi-vũ trang được thuận lợi, cùng với những điểm yếu của đấu tranh bất bạo động.
Schock (2005) ghi nhận có một khuynh hướng chung trong số những nhà nghiên cứu chiến lược của NVR là họ quá chú trọng đến vai trò của tổ chức trong việc đòi hỏi thay đổi chính trị. Nói một cách khác, họ chú trọng chính đến những yếu tố tổ chức nội bộ đưa đến sự hữu hiệu đối lại với những điều kiện bên ngoài mà những nhà đấu tranh hoạt động. Những biến số vẫn thường được viện dẫn đến gồm có mức độ vận động [quần chúng] tham gia, sự nối kết xã hội và thống nhất của phong trào, mức độ hợp pháp và sự ủng hộ của quần chúng cho phong trào, phạm vi của những chiến thuật và phương thức được lựa chọn, sự hiện hữu của thành phần lãnh đạo hữu hiệu, và mức độ kỷ luật [khi thi hành] bất bạo động. Một cách đặc thù, phần lớn những tài liệu nghiên cứu lập luận rằng khi những kỹ thuật bất bạo động được pha trộn với những chiến thuật bạo lực, thì sức mạnh và sự hữu hiệu của sự phản kháng bị suy giảm.
Vai trò của những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch bất bạo động gần đây đã được những học giả, chuyên về tổng hợp lý thuyết về phong trào xã hội với sự nghiên cứu về NVR, tái xác nhận (như McAdam/Tarrow; Schock), và cũng được những nhà tổ chức Hội nghị Oxford về “phản kháng dân sự và quyền lực chính trị công nhận. Những biến số ngoại tại này gồm có phương thức kiểm soát và đàn áp của chế độ, mức độ ủng hộ tích cực của quyền lực từ nước ngoài, khoảng cách xã hội giữa những phe đối nghịch, mức độ trung thành trong bộ máy chính quyền và lực lượng an ninh, hoặc trong bối cảnh địa-chính trị rộng lớn hơn.
Mặc dù có những sự khác biệt và căng thẳng trong lý thuyết của phái Gandhi và phái Sharp, nhưng dường như lập luận của hai phái không loại trừ nhau mà là bổ sung cho nhau.
Thí dụ, những phương thức chính như là bất hợp tác hay bất tuân dân sự đều được cả hai phái ủng hộ, và chung cục, trong thực hành, “phái thực tiễn và phái Gandhi thống nhất với nhau trong hầu hết mọi tình huống.” Gandhi và King sử dụng cả hai loại lập luận trong những chiến dịch bất tuân dân sự mà được xem là đưa cả hai đến một mức độ tín nhiệm được gia tăng và sự đảo ngược cân bằng quyền lực một cách hữu hiệu. Cụm từ phản kháng dân sự phải được hiểu là sự kết hợp của cả hai phái, một sự kết hợp mang tính chất bổ sung cho nhau qua việc định hình một khung lý luận để không những hướng dẫn nỗ lực của quần chúng chống lại bạo lực cơ cấu một cách hữu hiệu, mà còn làm việc này theo cách thức có thể dẫn đến sự giải quyết thỏa đáng căn nguyên của xung đột.
Sự phát triển về phương diện thực hành: Sự nổi dậy của Quyền lực Quần chúng
Những chiến dịch bất bạo động trên khắp thế giới
Hành động bất bạo động không phải là sự phát minh của thế kỷ 20; đã có những tài liệu lưu trữ cho thấy những kỹ thuật này đã được sử dụng từ xa xưa, bắt đầu từ sự bất tuân dân sự của những người theo đạo Cơ-đốc và Do-thái chống lại Đế quốc La-mã. Tuy nhiên, NVR chỉ xuất hiện như một phương pháp chiến lược có ý thức của hành động chính trị tập thể khi Gandhi đưa ra chiến dịch satyagraha ở Nam Phi (1906-1014) và Ấn-độ (1919-1948). Những phương pháp của Gandhi đã được mô phỏng và cải cách cho thích hợp với bối cảnh của những nước khác nhau, và đã đạt được thành công trên thế giới qua sự biểu hiện đầy năng suất của “quyền lực quần chúng” trên tất cả châu lục. Trong những năm gần đây, những sự đấu tranh bất bạo động đã được sự chú ý của toàn cầu nhờ có những cuộc “cách mạng màu” xảy ra ở Đông và Đông Nam Âu châu và Trung Á, nơi có những cuộc đại biểu tình xảy ra chống gian lận bầu cử, dẫn đến việc từ chức hay lật đổ những người lãnh đạo bị xem là tham nhũng hay độc tài. Những biến cố này nối bước nhau, và bị ảnh hưởng nặng nề của hiệu ứng “tràn bờ” hay “phỏng theo,” như các chiến lược gia đã áp dụng trong cuộc cách mạng hòa bình tại Serbia năm 1999; cuộc cách mạng này được mô phỏng vài năm sau đó tại Georgia, Ukraine, Kyrgyzstan, Belarus và Lebanon. Trước đó, những chiến dịch của Gandhi tại Nam Phi và Ấn-độ đã tạo hứng khởi cho những nhà hoạt động da đen cho phong trào dân quyền tại Mỹ, và những cuộc phản đối đòi hỏi dân chủ tại Chile bị ảnh hưởng bởi cuộn phim Gandhi và những công nhân Ba-lan trong phong trào Đoàn kết (Solidarity). Sự phát triển những kỹ thuật truyền thông mới đã làm tăng tốc những động thái này vì đã góp phần truyền bá thông tin và truyền thông trực tiếp giữa những người tranh đấu trong nước cũng như ở những nước lân cận.
Tuy thế, đấu tranh bất bạo động không phải lúc nào cũng thành công, vì một số phong trào bị chính quyền đàn áp tàn bạo và không tạo được sự thay đổi xã hội-chính trị nào đáng kể (như Hungary 1956, Czechoslovakia 1968, Thiên An Môn 1989 và những chiến dịch ở Tây-tạng và Miến-điện). Có những chiến dịch chỉ thành công có một phần, như phong trào intifada thứ nhất của Palestine, hay phong trào dân quyền của Mỹ, dù đã chấm dứt sự phân cách sắc tộc ở miền Nam nhưng vẫn không thay đổi sự kỳ thị xã hội và kinh tế.
Cuối cùng, có rất ít chiến dịch bất bạo động tuân thủ hoàn toàn với kỷ luật bất bạo động. Trong hầu hết trường hợp, NVR đã được sử dụng với những mức độ khác nhau khi kết hợp với những phương thức cổ điển trong đấu tranh bất tương xứng. Thí dụ, ở Miến-điện (1988 và 2007), Chile (1983-89), Philippines (1986 và 2001) và Nepal (1990 và 2006), phản kháng bất bạo động và vũ trang diễn ra tiếp nối nhau. Đặc biệt là ở Nam Phi chiến lược bạo lực của Nghị hội Quốc gia Phi châu (ANC) được xem là một phần và bổ sung cho cuộc đấu tranh được tiến hành phần lớn qua phương pháp bất bạo động trong những thành phố. Thêm nữa, cũng có một mô hình chung trong số nhiều chiến dịch bất bạo động quay sang dùng những chiến thuật bạo động khi NVR có vẻ không thể thành công. Đó là trường hợp của Palestine cũng như ở Kosovo, nơi mà chiến dịch phản kháng dân sự chính trong suốt cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 bị xói mòn vì sự nổi dậy của Quân đội Giải phóng Kosovo; điều này dẫn đến sự thay đổi chính sách của chính quyền Nam-tư (Yugoslavia) và cộng đồng quốc tế.
Nông Duy Trường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân February 2018
Nguồn: The Berghof Handbook II. Opladen/Framington Hills: Barbara Budrich Publishers. Online at www.berghof-handbook.net.
1 Bạo lực cơ cấu (structural violence) là hình thức bạo lực gây ra bởi cơ cấu xã hội hay định chế xã hội, thí dụ kỳ thị giới tính, bạo lực về sắc tộc. Bạo lực văn hóa, tức là một bộ phận của văn hóa, được dùng để biện minh cho những bạo lực cơ cấu.
2 Cụm từ “phản kháng thụ động” mà những nhà đấu tranh thời trước và những lý thuyết gia về phong trào bất bạo động (như Tolstoy) đã bị Gandhi từ khước vì nó không phản ảnh đúng nghĩa sự táo bạo và liều lĩnh của hành động này của những nhà đấu tranh bất bạo động. Vì phản kháng dân sự thuộc về hành động, nên ta đừng đồng hóa nó với chủ nghĩa hòa bình, tức là một nguyên tắc đạo lý không nhất thiết phải liên quan tới hành động chính trị. Như George Lakey ghi nhận, “hầu hết những người theo chủ nghĩa hòa bình không thực hành phản kháng bất bạo động, và hầu hết những người thực hành phản kháng bất bạo động không phải là những người theo chủ nghĩa hòa bình.”
3 Thí dụ như trường hợp sinh viên Hong Kong chiếm đóng khu thương mại quốc tế trong cuộc “Cách mạng Dù, 2014.”
4 Clausewitz là một danh tướng và chiến lược gia của nước nước Phổ, đã trước tác cuốn binh pháp On War.
5 Tiện ích cận biên (marginal uitility) là một khái niệm của kinh tế học có nghĩa là người tiêu thụ có tiện ích gì thêm nếu mua thêm một đơn vị hàng hóa. Thí dụ có hai người, A và B. A có 4 chai nước và B có 50 chai nước. Nếu A mua thêm một chai nước thì tổng số nước của A gia tăng 25%, còn nếu B mua thêm một chai nước thì “tiện ích” của B chỉ tăng tỷ lệ tổng số nước lên 2%. [Người dich].