fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Pháp trị và Tự do trong những nền Dân chủ mới nổi: Nhìn qua lăng kính Madison

James A. Dorn

James Dorn là phó chủ tịch học vụ của Viện Cato.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản năm 1989 ở Đông và Trung Âu, và sự sụp đổ của Liên Xô hai năm sau đó, đã làm tăng số lượng các nền dân chủ trên thế giới lên tổng cộng 120 nước. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 85 được xếp vào loại “tự do” theo xếp hạng của Freedom House—một lời nhắc nhở rõ ràng rằng việc tạo ra một xã hội tự do đòi hỏi phải hạn chế [quyền lực] chính quyền. Điều đó lại đòi hỏi phải hạn chế nguyên tắc đa số và bảo vệ quyền sở hữu.

Các nền dân chủ mới nổi có thể học hỏi từ viễn kiến về hiến pháp của James Madison[1]: Điều nguy hiểm là nếu không có chính quyền hợp hiến với quyền lực hạn chế, các nền dân chủ bầu cử (với quyền bầu cử phổ thông) sẽ làm suy yếu cái mà F. A. Hayek gọi là “hiến pháp tự do.” Quyền cá nhân khi đó sẽ mất chỗ đứng trước những lợi ích đặc biệt, và xã hội dân sự sẽ bị suy yếu khi mọi khía cạnh của cuộc sống bị chính trị hóa. Thay vì trở nên ít được chú ý hơn, nhà nước sẽ trở nên hùng mạnh hơn.

Đối với Madison, “Bản chất của chính quyền là quyền lực; và quyền lực, nằm trong tay con người, sẽ có khả năngbị lạm dụng. Câu hỏi cơ bản khiến Madison và các nhà lập hiến khác của Hoa Kỳ quan tâm là làm thế nào để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của chính quyền đồng thời bảo vệ các quyền sống, quyền tự do và tài sản của cá nhân.

Mục tiêu của Madison là tạo ra một nền tảng và cấu trúc chính quyền có thể bảo vệ con người, tài sản và đứng vững trước thử thách của thời gian. Mục tiêu của ông là công lý theo luật tự do.

Madison coi đây là điều hiển nhiên “con người và tài sản là hai chủ thể lớn mà chính quyền phải hành động; và rằng các quyền của con người cũng như quyền sở hữu là đối tượng đượcchính quyền thành lập để bảo vệ.”

Theo quan điểm của Madison, công lý, tự do và tài sản là không thể tách rời. Madison viết: “Chỉ riêng điều đó mới là một chính quyền công bằng, bảo đảm một cách khách quan cho mọi người, những gì thuộc quyền sở hữu của ngưới ấy.” Giống như Hayek, Madison coi công lý là “những quy tắc ứng xử công bằng,” chứ không phải là một sự phân phối lợi tức được phê chuẩn chính thức là đáp ứng một số tiêu chí chủ quan về “công bằng xã hội.”

Madison chấp nhận sự phân biệt của Adam Smith giữa các quyền hoàn hảo và không hoàn hảo, trong đó “các quyền hoàn hảo” gắn liền với sự đồng thuận và công lý giao hoán, trong khi “các quyền không hoàn hảo” gắn liền với vũ lực và công lý phân phối. Các quyền không hoàn hảo, chẳng hạn như “quyền được hưởng phúc lợi,” chỉ là các quyền theo “nghĩa ẩn dụ”: chúng không thể được thực hiện mà không vi phạm quyền sở hữu của một người nào khác.

Công lý đích thực đòi hỏi phải bảo vệ quyền sở hữu chứ không phải cổ võ cho nhà nước phúc lợi. Không ai có quyền bày tỏ sự thông cảm với kẻ khốn khó bằng đồng tiền của người khác.

Madison đồng ý với quan điểm của phái tự do cổ điển về dân chủ, tương ứng vớichính quyền hạn chế quyền lực và pháp trị, thay vì quan điểm tự do hiện đại trong đó chính quyền dân chủ hầu như không bị giới hạn quyền lực. Năm 1837, một năm sau khi Madison qua đời, John O’Sullivan, biên tập viên chính trị của tờ The Democrat Review, đã viết: “Nguyên tắc cơ bản của triết lý dân chủ” là “cung cấp một hệ thống quản lý công bằng [theo nghĩa của trường phái Madison], rồi để lại mọi hoạt động kinh doanh và lợi ích của xã hội cho chính họ, để tự do cạnh tranh và liên kết, nói một cách dễ hiểu là theo nguyên tắc tự nguyện” — tức là “nguyên tắc tự do.”

Quan điểm dân chủ đó xung đột với nhà nước phúc lợi và tầm nhìn mở của nó về chính quyền dân chủ. Ngày nay, ở cả các nền dân chủ mới nổi và trưởng thành, nền pháp trị và tự do đã bị hy sinh cho nền chính trị  dựa trên đa số – một mối nguy hiểm mà Madison đã cảnh báo.

Chính quyền công bằng và trật tự tự phát

Madison ủng hộ chính quyền hạn chế quyền lực không chỉ vì ông cho rằng điều đó là công bằng mà còn vì ông nhận ra, cũng như Adam Smith, rằng việc hạn chế quyền lựcchính quyền trong phạm vi bảo vệ con người và tài sản sẽ ngăn ngừa tham nhũng và tạo cơ sở cho sự xuất hiện của trật tự thị trường tự phát và tạo ra của cải.

Madison ủng hộ thương mại tự do và phản đối sự can thiệp củachính quyền vào thị trường. Ông tự gọi mình là “người bạn của một hệ thống thương mại rất tự do” và coi  đó là điều hiển nhiên “rằng những xiềng xích thương mại nói chung là bất công, áp bức và phi chính trị.” Ông nhận ra rằng “tất cả đều được hưởng lợi từ trao đổi, và chính quyền càng ít hạn chế trao đổi thương mại chừng nào, thì tỷ lệ lợi ích cho mỗi bên càng lớn.”

Vào năm 1792, Madison đã viết, “Tự do và trật tự sẽ không bao giờ được an toàn hoàn toàn, cho đến khi hành vi xâm phạm các điều khoản của hiến pháp đối với một trong hai điều đó sẽ bị cảm nhận với mức độ phẫn nộ tương tự như sự phẫn nộ đối với sự xâm phạm các quyền quý giá nhất; cho đến khi mọi công dân đều trở thành Argus để canh chừng.”

Argus, theo thần thoại Hy-lạp, là một người khổng lồ có 100 con mắt và đóng vai trò của người giám hộ–trong trường hợp của Madison, đó là người bảo vệ tự do của chúng ta. Trong một xã hội tự do, công dân phải cảnh giác và có khả năng nhận thấy những sự vi phạm—nghĩa là nhìn thấy từ xa—và dùng lý trí để phân biệt những ngụ ý [sâu xa] của các chính sách khác nhau.

Người dân sẽ bị nất tự do, trừ khi mọi người học cách đánh giá chính sách từ quan điểm hợp hiến hoặc lâu dài, và không chỉ xem xét nó trong bối cảnh hậu hiến pháp của nguyên tắc đa số. Bằng cách có tầm nhìn dài hạn và thực hiện “lý luận đúng đắn,” các cá nhân có nhiều khả năng đồng ý với các giới hạn hiến pháp nhằm tách đời sống kinh tế khỏi chính trị và ngăn chặn hành vi tìm kiếm “tiền thuê” nhằm phân phối lại, thay vì tạo ra của cải. Đó là quan điểm mà James M. Buchanan, người sáng lập trường kinh tế Public Choice, đã hùng hồn phát biểu.

Bài học cho các nền dân chủ mới nổi

Có một số bài học quan trọng mà các nền dân chủ mới nổi có thể học được từ viễn kiến hiến pháp của Madison:

  • Để nền dân chủ thực sự chiếm ưu thế, chính quyền phải có giới hạn và phải công bằng; an ninh con người và tài sản phải được ưu tiên hơn chính trị bầu cử.
  • Để ngăn chặn trục lợi và tham nhũng, tự do kinh tế phải được ưu tiên; mọi người phải chấp nhận một nền pháp trị đối xử bình đẳng với mọi người trước pháp luật và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do hợp đồng.
  • Một trật tự tự do thị trường tự phát sẽ xuất hiện để điều phối hoạt động kinh tế và tạo ra của cải, miễn là chính quyền giảm thiểu vai trò của mình trong nền kinh tế và để người dân được tự do lựa chọn.

Một xã hội tự do không thể cùng tồn tại với một nhà nước tái phân phối—không có “Con đường thứ ba”; mọi người phải luôn cảnh giác để bảo đảm rằng đa số không được vi phạm quyền của thiểu số dưới danh nghĩa công bằng phân phối.

Những bài học đó được học nhanh đến mức nào ở các quốc gia đang thực hiện quá trình chuyển đổi sang dân chủ sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quy mô và phạm vi củachính quyền trong chế độ cũ cũng như thời gian tồn tại của chế độ cũ. Đối với các quốc gia cóchính quyền toàn trị và kế hoạch tập trung trong thời gian dài, quá trình chuyển đổi sang một nhà nước dân chủ tự do với pháp trị và thị trường tự do không thể diễn ra nhanh chóng như ở các quốc gia cóchính quyền nhỏ hơn, có một số kinh nghiệm về thị trường và ký ức về tự do.

Bảng xếp hạng của Freedom House về dân chủ hóa và tự do hóa kinh tế đối với các nước cựu cộng sản, tính đến tháng 6 năm 1999, cho thấy gần như tất cả các quốc gia hậu Sô Viết, hay các Quốc gia Mới Độc lập, tụt hậu đáng kể so với các quốc gia Đông và Trung Âu đã từng có kinh nghiệm trước đây về một chính sách dân chủ hóa và tự do hóa kinh tế, trật tự chính trị và kinh tế tự do.

Các kết quả tương tự cũng được áp dụng cho bảng xếp hạng của Freedom House về việc tuân thủ pháp trị và mức độ tham nhũng. Các quốc gia cựu cộng sản đã trải qua nền pháp trị trước Thế chiến thứ hai và tôn trọng quyền tư hữu—như Hungary, Ba Lan và Slovenia—đã đạt được tiến bộ nhanh hơn trong việc hướng tới nhà nước pháp trị và giảm tham nhũng trong quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản dân chủ hơn các nước như Nga và Ukraine.

Việc Nga đang đạt được tiến bộ chậm chạp như vậy không có gì đáng ngạc nhiên; cần có thời gian để thay đổi suy nghĩ sau bao nhiêu năm dưới ách độc tài toàn trị. Như Alexander Tsypko, giáo sư triết học tại Đại học Tổng hợp Moscow, đã viết trên Tạp chí Cato năm 1991, ngay trước khi Liên Xô sụp đổ: “Thật khó – rất khó – thừa nhận rằng cuộc sống và công việc của bạn đang bị phí phạm một cách vô nghĩa và rằng các bạn đang sống trong một xã hội giả dối, phi tự nhiên, đang đưa đất nước của các bạn đi vào ngõ cụt của lịch sử.”

Tương lai của chính quyền hạn chế ở các nền dân chủ mới nổi sẽ phụ thuộc vào việc tuân thủ pháp trị và công lý theo nghĩa Madison. Người dân và các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ về phạm vi phù hợp của chính quyền và nhận ra sự nguy hiểm của quyền bầu cử phổ thông khi không có giới hạn hiệu quả đối với phạm vi của chính quyền. Câu hỏi cơ bản của Madison vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, cụ thể là: Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ quyền cá nhân trước những lợi ích đa số vi phạm quyền tư hữu?

Tóm lại, các nền dân chủ mới nổi cần xem xét tác động lâu dài của các quy tắc thay thế, chứ không chỉ xem xét các lựa chọn chính sách ngắn hạn để phân phối lại lợi tức và của cải. Họ cần nuôi dưỡng đặc tính của luật pháp và tự do. Hơn nữa, họ cần nhận ra rằng sự thay đổi sẽ mất nhiều thời gian và không có “Con đường thứ ba” khả thi. Cuối cùng, tự do chính trị đòi hỏi phải có tự do kinh tế và ngược lại. Để bảo vệ cả hai cần có chính quyền hạn chế.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với tương lai củachính quyền hạn chế là đưa Trung Quốc hướng tới nhà nước pháp trị và tự do. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên chú ý đến lời khuyên của Jixuan Hu, người gần đây đã viết:

Bằng cách thiết lập một nhóm ràng buộc tối thiểu và để khả năng sáng tạo của con người được tự do hoạt động, chúng ta có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn mà không cần phải thiết kế chi tiết. Đó không phải là một ý tưởng mới, đó là ý tưởng về luật, ý tưởng về hiến pháp chính quyền hợp hiến thực sự là một giải pháp thay thế khả thi cho giấc mơ về một xã hội được thiết kế hoàn hảo. . . . Ý tưởng là áp dụng nguyên tắc tự tổ chức.

Lịch sử đã chứng minh rằng Madison đúng và Marx đã sai. Tương lai của tự do và dân chủ vẫn phụ thuộc vào viễn kiến của Madison về chính quyền hạn chế. Chúng ta hãy nghiêm chào “Vĩ nhân Nhỏ bé Madison.”[2] Một người có thể tạo ra sự khác biệt lớn!

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, 21 Dec 2023

Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/the-rule-of-law-and-freedom-in-emerging-democracies-a-madisonian-perspective#ixzz2NMDSZmK2

 

[1] James Madison được coi là “cha đẻ” của hiến páp Hoa Kỳ. Sau này Madion trở thành tổng thống đời thứ tư của Hoa Kỳ.

[2] So với người Mỹ thì James Madison là người nhỏ con, chỉ cao có 1.62 m (5 feet 4 inch). Nhưng ông đúng là một vĩ nhân của dân tộc Mỹ.