fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Publius Rutilius Rufus: ‘Người Trung thực Cuối cùng của Đế chế La-mã’

Lawrence Reed

Diogenes bị trục xuất khỏi Sinope, quê hương ông, vì làm mất giá đồng tiền của thành phố (Sinope ngày nay là trung tâm phía trung bắc Thổ Nhĩ Kỳ). Ông đã chọn cách đi ăn xin trên đường phố Corinth và Athens; không nhà cửa, Diogenes sống trong một chiếc thùng rượu và từ khước mọi của cải. Người ta thường kể rằng ông cầm một cây đèn đi khắp phố, tìm kiếm một người lương thiện trong vô vọng. Ông thường đối đầu với mọi người bằng những cử chỉ bằng tay chê bai, trong đó có cử chỉ liên quan đến ngón giữa.[1] Ông được coi là người sáng lập trường phái triết học Hy Lạp cổ đại được gọi là Chủ nghĩa hoài nghi. Ở tuổi 80, ông qua đời cùng năm với Alexander Đại đế (323 trước Công nguyên).

Diogenes là một “quái kiệt,” hẳn như vậy, nhưng ta cũng vẫn có thể cảm kích cái ý tưởng đi tìm người trung thực (cả đàn ông lẫn đàn bà) của ông. Trong thời đại của chúng ta, điều đó có lẽ còn khó hơn. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup cho thấy những chuyên gia được cho là có tính trung thực cao (y tá, bác sĩ, và dược sĩ) đã trượt dốc trước con mắt của công chúng về sự trung thực.. Một cuộc thăm dò khác năm 2021 còn làm ta thêm lo âu khi đa số dân Mỹ tin rằng sự thật chỉ có tính chủ quan và không có sự tuyệt đối về đạo đức. Điều này cho thấy có một số rất nhiều người không thể phân biệt giữa người lương thiện và kẻ bất lương.

Trước khi tiếp tục, cho phép tôi thú nhận. Tôi là một trong những người ngày ngày nghĩ về Đế chế La Mã mỗi ngày. Nó nói lên rất nhiều điều với chúng ta qua nhiều thế kỷ. Đây là một đoạn trích.

Trong những thập niên cuối cùng của Công hoà La-mã, khi những quyền tự do bị sụp đổ và sự độc tài của những đế chế tiếp theo từ từ xuất hiện, sự trung thực và lương thiện bị suy tàn cùng với mỗi thế hệ tiếp nối—một điềm gở mà chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ ngày nay. Một trong những bài học của kinh nghiệm La-mã là điều này: tự do rốt cục không thể thích hợp với sự thờ ơ với sự thật đang lan tràn trong xã hội. Một xã hội của những kẻ dối trá không chống nổi tên bạo chúa, kẻ mang lại “trật tự” cho sự hỗn loạn và hủ nát của xã hội đó.

Trong cuốn sách mà tôi đặc biệt giới thiệu, Cuộc đời của những người khắc kỷ: Nghệ thuật sống từ Zeno đến Marcus Aurelius, các tác giả Ryan Holiday và Stephen Hanselman kể cho chúng ta nghe về một người tên là Publius Rutilius Rufus (158 B.C.-78 B.C.). Họ coi ông là “người trung thực cuối cùng” của nền Cộng hòa đang hấp hối. Mặc dù mô tả đó chắc chắn chứa đựng nhiều cường điệu để nhấn mạnh một điểm, nhưng tính trung thực đặc biệt của Rufus thực sự đáng chú ý vào thời của ông vì nó không còn là quy tắc trong thời đại suy đồi. Như Mark Twain đã lưu ý nhiều thế kỷ sau, “một người trung thực trong chính trị sẽ tỏa sáng hơn những gì ông làm ở nơi khác”.

Rufus, cậu-cố của Julius Caesar (chị gái ông là Rutilia là bà ngoại của Caesar), đã xây dựng một sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội La Mã. Những người dưới quyền chỉ huy của ông được biết đến là “những người được huấn luyện tốt nhất, kỷ luật nhất và dũng cảm nhất” trong quân đoàn. Ông nhận được sự tôn trọng to lớn nhờ những đức tính Khắc kỷ của mình—lòng dũng cảm, sự tiết độ, trí tuệ và công lý. Vào năm 105 trước Công nguyên, ông giữ chức vụ chính trị cao nhất ở Cộng hòa, chức tổng tài. Ông là người liêm khiết, điều đó có nghĩa là ông là mục tiêu của những kẻ không liêm khiết.

Việc chính phủ thuê các nhà thầu tư nhân để thu thuế đã trở thành một thông lệ ở thời kỳ cuối Cộng hòa. Những “công bộc” này thường tống tiền nạn nhân của họ nhiều hơn số tiền thuế cần thiết vì đó là cách hợp đồng được soạn thảo. Chính phủ không quan tâm đến việc công bộc sẽ giữ gì cho riêng mình nếu họ có được doanh thu như mong đợi. Khi Rufus cố gắng ngăn chặn những bất công mà sự sắp xếp này tạo ra, công chức và các đồng minh của họ trong Thượng viện La Mã đã phản công. Họ tạo ra một phiên tòa giả mạo với một bản án đã được ấn định trước và buộc tội Rufus về cái tội mà chính họ đã phạm: tống tiền và tham nhũng.

Nhà sử học Tom Holland trong cuốn sách “Rubicon: Những năm cuối cùng của Cộng hòa La-mã ” viết rằng bản án của Rufus là “vụ bê bối khét tiếng nhất trong lịch sử luật pháp La-mã ” và “một bài học khách quan về mức độ nguy hiểm của việc đề cao các giá trị cổ xưa trước lòng tham như dã thú của quan chức tham nhũng.” Hoàn toàn không có bằng chứng và lời khai đáng tin cậy nào ngược lại, những người tố cáo cho rằng Rufus đã tống tiền Smyrna nằm trong một tỉnh của La-mã ở Châu Á (nay là miền tây Thổ Nhĩ Kỳ).

Một nhà sử học khác, Mike Duncan, ghi nhận, “Những cáo buộc thật lố bịch vì Rutilius [Rufus] là một hình mẫu về tính trung thực và sau này được Cicero coi là hình mẫu hoàn hảo của một quan chức La Mã.”

Để trừng phạt cho cái tội nguỵ tạo này, Rufus bị đày đi lưu vong nhưng để tôn trọng công trạng trước đây của ông, tòa án đã cho ông quyền lựa chọn nơi ông sẽ đến. Ông đã chọn Smyrna, nơi ông bị buộc tội và trở thành nạn nhân. Khi đến đó, ông được tôn vinh là người đã cố gắng chấm dứt chính những hành vi mà ông đã bị kết án oan. Ryan Holiday và Stephen Hanselman mô tả những gì đã xảy ra với Rufus là “một trò lừa rất cũ”:

Buộc tội người lương thiện bằng những điều hoàn toàn trái ngược với những gì họ đang làm, về tội lỗi mà chính mình đang làm. Sử dụng danh tiếng của họ để chống lại họ. Làm đục nước. Hãy vấy bẩn danh tiếng họ bằng những lời dối trá. Hãy đuổi họ ra khỏi thị trấn bằng cách buộc họ phải tuân theo một tiêu chuẩn mà nếu được áp dụng như nhau sẽ có nghĩa là những lợi ích tham nhũng đã bám rễ sẽ không bao giờ tồn tại…Smyrna, biết ơn những cải cách và sự trung thực tuyệt đối của người đã từng cai trị họ, đã chào đón [Rufus] với vòng tay rộng mở.…Cicero sẽ đến thăm nơi đó vào năm 78 trước Công nguyên. và gọi ông là “mẫu mực của đức hạnh,của danh dự theo truyền thống, và của trí tuệ.”

Khoảng mười tám thế kỷ sau, George Washington viết: “Tôi hy vọng mình sẽ có đủ sự cương quyết và đức độ để duy trì danh hiệu mà ai cũng ham muốn; đó là tính cách của một người trung thực.” Publius Rutilius Rufus thể hiện tâm tình đó một cách đầy tự hào. Ông đã xây dựng lại cuộc sống và tài sản của mình, tận hưởng địa vị nổi tiếng ở Smyrna và không bao giờ quay trở lại La-mã. Rufus không bao giờ làm tổn hại đến tính chính trực của mình hoặc trở nên cay đắng. Lương tâm của ông rất trong sáng và quan trọng hơn nhiều so với sự phán xét mang tính chất bịa đặt. Như Holiday và Hanselman nhận xét, “Ông  đã nhìn vào bản thân và sự thối nát xung quanh mình và quyết định rằng bất kể những người chung quanh nói hay làm gì, nhiệm vụ của ông là trở nên tốt.”

Đây thực chất là công việc của chúng ta ngày nay – trở nên “tốt” trong một thế giới ngày càng thiếu trung thực. Hãy là tấm gương mà người khác cần và phải noi theo để được chuộc lỗi. Hãy trung thực với những gì bạn biết là đúng, cho dù nó có thể bị đám đông thù địch khó chịu đến đâu. Cuối cùng, hãy đi đến bất kỳ phần thưởng nào đang chờ đợi bạn với tư thế ngẩng cao đầu, như một người phục vụ những lý tưởng cao cả bằng cách luôn giữ mình cao thượng. Không một cá nhân có lòng tự trọng, tự quyết và tự do nào lại muốn tấm bia mộ của mình ghi dòng chữ “Ông ấy biết điều gì là đúng nhưng vì lợi ích mà ông ta đã không làm.”

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân Oct 2023

Tác giả: Lawrence W. Reed là Cựu Chủ tịch của FEE trong 11 năm )2008-2019).

Nguồn: https://fee.org/articles/publius-rutilius-rufus-romes-last-honest-man/

 

Đối với người Mỹ, c Cử chỉ đưa ngón tay giữa lên là một câu chửi thề “Đ.M.”