fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển V

Chương 1

Chúng ta đã luận qua bốn đề mục trong các chương vừa qua. Đề mục kế tiếp là về những nguyên nhân gây ra cách mạng, có bao nhiêu loại, và bản chất của những cuộc cách mạng này. [Ngoài ra,] còn phải xét xem loại chế độ nào thì dễ thoái hóa sang loại nào nhất, và những phương thức bảo tồn các chế độ nói chung và từng loại chế độ nói riêng, và cách thức nào sẽ là cách thức tốt nhất để bảo tồn chế độ.

Đầu tiên ta phải giả thiết rằng trong những mô hình chính quyền đã được thiết lập đều có khát vọng công lý và bình đẳng, dù người ta vẫn chưa đạt được khát vọng này như tôi đã giải thích trước đây. Thí dụ như chế độ dân chủ được xây dựng trên khái niệm là những ai bình đẳng trên bất kỳ một phương diện nào thì cũng bình đẳng trên mọi phương diện: bởi vì mọi người đều có tự do như nhau, nên mọi người phải được tuyệt đối bình đẳng. Chế độ quả đầu dựa trên khái niệm là những ai không bình đẳng về một phương diện nào, thì cũng nhất thiết không bình đẳng trên mọi phương diện, thí dụ như sự bất bình đẳng về tài sản dẫn tới sự bất bình đẳng tuyệt đối. Những người dân chủ nghĩ rằng vì họ bình đẳng cho nên họ phải được bình đẳng trên mọi phương diện; còn những người theo quả đầu lại đòi hỏi hơn nữa cho rằng họ không bình đẳng với những người khác. Cả hai mô hình chính quyền này đều cho rằng chế độ của họ có một nền tảng công lý, nhưng nếu xét trên tiêu chuẩn tuyệt đối thì cả hai đều còn khiếm khuyết, và như vậy cả hai phe, khi mà không được tham gia vào chính sự theo như định kiến của họ, sẽ nổi loạn. Những người tài năng kiệt xuất là những người có lý lẽ vững chắc nhất để nổi loạn (vì chỉ có họ mới thực sự là không bình đẳng với người khác), nhưng những người này lại ít có khuynh hướng nổi loạn nhất. Còn có một loại ưu việt khác do những người cho rằng họ hơn người là vì xuất thân từ danh gia vọng tộc. Như thế, đây chính là cội nguồn của cách mạng, đưa đến hai loại thay đổi chế độ. Loại thứ nhất nhằm thay đổi hiến pháp, tức là thay đổi cơ cấu hiện hữu sang cơ cấu khác, như từ dân chủ sang quả đầu hay từ hai loại này sang chính thể theo hiến pháp hoặc quý tộc hay ngược lại. Loại thứ hai không nhằm thay đổi hiến pháp mà chỉ nhằm nắm những cơ quan chính quyền. Thêm vào đó phe cách mạng trong trường hợp này có thể gia giảm tính chất của chế độ, thí dụ chế độ dân chủ trở nên dân chủ hơn hay kém dân chủ hơn sau cách mạng; tương tự như vậy với các chế độ khác. Hoặc là cách mạng chỉ nhắm tới thay đổi một phần nào của hiến pháp mà tôi, như là lập thêm một cơ quan hay hủy bỏ một cơ quan nào đó: tại Sparta, Lysander âm mưu lật đổ chế độ quân chủ cùng Hội đồng Giám sát. Tại Epidaurus cũng vậy, cách mạng cũng chỉ thay đổi một phần hiến pháp như thay đổi cơ cấu lãnh đạo gồm trưởng các bộ tộc bằng một hội đồng được bổ nhiệm; nhưng cho đến nay, chỉ có quan chức tức là thành viên của giai cấp cai trị, mới phải đi họp khi có cuộc bầu cử bổ nhiệm một chức quan khác. Và cũng tại đây còn có cơ cấu một người lãnh đạo chính quyền thay vì một hội đồng lãnh đạo tập thể; đây cũng là tính cách của chế độ quả đầu. Trong mọi trường hợp và ở mọi nơi, sự bất bình đẳng luôn luôn là nguyên nhân gây ra cách mạng; nhưng nếu sự không đồng đều về quyền lợi được chia theo tỷ lệ, thì sự không đồng đều đó không phải là bất bình đẳng[1]; do đó, một chế độ quân chủ cha truyền con nối chỉ được coi là bất bình đẳng giữa những vương hầu đồng đẳng mà thôi. Dù sao, chính ước muốn được bình đẳng là nguyên nhân gây ra cách mạng.

Nhưng bình đẳng cũng có hai loại, bình đẳng theo số lượng và bình đẳng tỷ lệ theo quyền lợi. Bình đẳng theo số lượng có nghĩa là được đối xử đồng đều về số lượng; còn về bình đẳng theo tỷ lệ, hãy lấy một thí dụ: số thặng dư của 3 đối với 2 thì bằng với số thặng dư của 2 đối với 1, về số lượng; trong khi đó tỷ lệ của số thặng dư của 4 trên 2 cũng bằng với tỷ lệ của 2 trên 1. Như đã trình bày ở trên, người ta đồng ý với nhau trên nguyên tắc về sự công bằng theo tỷ lệ, nhưng khác nhau ở chỗ thực hành, vì một số người cho rằng nếu họ bình đẳng trên bất kỳ một phương diện nào thì cũng bình đẳng trên mọi phương diện, những người khác lại cho rằng chỉ cần không bình đẳng về một phương diện cũng không bình đẳng trên mọi phương diện. Cho nên, có hai mô hình chính quyền chính là dân chủ và quả đầu. Những người xuất thân danh gia vọng tộc và có tài đức cao thì hiếm, nhưng tài sản và số đông người thì lại có nhiều. Khó lòng mà tìm thấy được một trăm người vừa là con nhà gia thế vừa có tài đức trong bất kỳ nước nào, nhưng mà người giàu có trong một nước không phải là hiếm. Như thế, thiết lập một hiến pháp hoàn toàn dựa trên một trong hai khái niệm về bình đẳng không phải là điều hay: có nhiều bằng chứng cho thấy những mô hình chính quyền như vậy khó lòng tồn tại vì chúng khởi đầu bằng một sự sai lầm, và vì thế không thể tránh khỏi một kết quả tai hại. Ta có thể suy ra là nên ứng dụng cả hai khái niệm về bình đẳng; trong một số trường hợp dùng số lượng, trong những trường hợp khác theo tỷ lệ.

Dù sao thì chế độ dân chủ vẫn có vẻ an toàn và ít rủi ro dẫn đến cách mạng hơn là chế độ quả đầu. Trong chế độ quả đầu có hai sự nguy hiểm song song đưa đến cách mạng; đó là sự bất bình đẳng giữa những người trong giai cấp giàu có với nhau và giữa họ với quần chúng. Còn trong chế độ dân chủ thì chỉ có thể có tranh chấp giữa quần chúng với giai cấp trưởng giả, chứ không có một sự tranh chấp nào đáng nói giữa quần chúng với nhau. Ta có thể nhận xét thêm là một chính quyền được thành lập bởi giai cấp trung lưu thì gần với chế độ dân chủ hơn là quả đầu, và là chế độ bền vững nhất trong tất cả những mô hình chính quyền vốn dĩ bất toàn [do con người thiết lập nên].

Chương 2

Để xét xem sự bất mãn và cách mạng xảy ra như thế nào, ta phải, trước hết, xác định được những nguồn gốc và nguyên nhân nói chung ảnh hưởng đến cơ cấu chính trị. Có ba loại và ta sẽ lần lượt điểm qua từng loại: (1) tâm tình của những người làm cách mạng như thế nào? (2) động cơ của những người làm cách mạng là gì? và (3) vì sao mà những xáo trộn và bất đồng chính trị xảy ra?

Nguyên nhân chính và phổ quát nhất dẫn đến tâm tình cách mạng đã được bàn qua; đó chính là ước muốn được bình đẳng khi người ta nghĩ rằng họ bình đẳng với những người khác nhưng lại thua kém những người này, hoặc là ước muốn được hơn người khi nghĩ rằng họ có khả năng cao hơn nhưng lại được hưởng ít hơn hay bằng những người thấp kém hơn họ. Những tâm tình này có thể có căn cứ mà cũng có thể chỉ là những suy nghĩ chủ quan, và đó là những tâm tình gây ra cách mạng. Động cơ làm cách mạng là mong muốn đạt được quyền lợi vật chất và danh vọng, hay là nỗi sợ bị mất danh vọng và quyền lợi khiến họ phải nổi loạn để tránh bị mất mát những điều kể trên.

Ta vừa mới bàn qua những nguyên nhân và lý do mà người ta bị tác động dẫn đến cách mạng tựu trung có thể đếm được là bảy nguyên nhân, còn nếu nhìn theo khía cạnh khác thì có thể hơn bảy. Hai nguyên nhân đã được bàn qua liên quan đến danh vọng và quyền lợi: thứ nhất là mục tiêu để tranh đoạt, thứ hai là để thay đổi hoàn cảnh mà họ nghĩ là bất công khi kẻ khác thủ đắc nhiều hơn họ. Những nguyên nhân khác gồm có: sự ngạo mạn, sợ hãi, bị đè nén quá đáng, bị khinh rẻ, sự gia tăng bất quân bình trong nước, bầu cử gian lận, sơ xuất có cố ý, sơ xuất vô ý về những tiểu tiết, và sự khác biệt về các thành phần dân chúng.

Chương 3

Ta đã thấy rõ sự ngạo mạn và lòng tham của quan chức dẫn đến cách mạng như thế nào. Khi quan chức ngạo mạn và tham lam thì họ phải âm mưu kình chống lẫn nhau và đi ngược lại với nền hiến pháp đã trao cho họ quyền lực để giành lấy những lợi lộc nếu không phải từ người dân thì cũng từ công quỹ. Thêm nữa, ta cũng thấy rõ ràng, danh vọng tác động mạnh mẽ đến con người như thế nào và là một nguyên nhân gây ra nổi loạn. Những kẻ bị mất danh vọng ganh ghét những người có danh vọng và vì thế nổi loạn. Danh vọng chỉ được xem là chính đáng khi đi đôi với tài năng, ngoài ra đều được xem là không chính đáng.

Sự siêu việt cũng là nguyên nhân của cách mạng khi một hay nhiều người có một thế mạnh quá mức so với mọi người trong nước, ngay cả so với quyền lực của nhà nước; đây chính là điều kiện dẫn đến chế độ quân chủ hay quả đầu gia đình trị. Và như thế, tại một số nước như Athens và Argos, những người siêu tuyệt này bị tẩy chay không cho ở trong nước. Nhưng thực ra, trước hết, ngăn ngừa trường hợp như vậy xảy ra — không nên để cho có những người siêu tuyệt như vậy — thì vẫn tốt hơn là để cho xảy ra rồi tìm biện pháp cứu chữa.

Một nguyên nhân nữa của cách mạng là sự sợ hãi. Hoặc là những người làm điều sai quấy và sợ bị hình phạt, hoặc là những người e rằng họ sẽ bị đối xử bất công nên ra tay trước. Vì thế tại Rhodes, những nhà quý tộc âm mưu chống lại nhân dân vì sợ bị nhân dân kiện ra tòa. Sự khinh thường cũng là một nguyên nhân gây ra nổi loạn; thí dụ, trong chế độ quả đầu, những người không được tham gia chính sự là thành phần đa số, họ nổi loạn vì nghĩ rằng họ mạnh hơn. Hay trong chế độ dân chủ, người giàu nổi loạn vì ghét sự mất trật tự và tình trạng hỗn loạn của nhà nước; thí dụ như tại Thebes, sau trận chiến Oenophyta, chính quyền dân chủ bị suy đồi vì điều hành tồi tệ. Tại Megara, sự sụp đổ của chế độ dân chủ do mất trật tự và hỗn loạn gây ra. Tại Syracuse, chế độ dân chủ đã khiến cho người ta chán ghét trước khi Gelo trở thành nhà độc tài, tương tự như thế tại Rhodes, chế độ dân chủ đã bị chán ghét trước khi những nhà quý tộc nổi loạn.

Cách mạng chính trị cũng bắt nguồn từ sự gia tăng bất cân xứng của bất kỳ một phần tử nào trong nước. Vì một cơ thể gồm nhiều phần tử tạo thành và mỗi phần tử khi phát triển cũng phải tương ứng với nhau để giữ được tính cân đối của toàn thể, nếu không cả cơ thể sẽ sụp đổ tỉ như bàn chân dài ra bốn mươi phân mà cơ thể chỉ có hai gang tay. Nếu sự gia tăng bất bình thường, kể cả phẩm cũng như lượng, cứ tiếp tục, thì cơ thể đó sẽ trở thành một thứ gì khác hẳn. Trong một nước cũng vậy, có những phần tử phát triển âm thầm, như số những người nghèo tăng lên quá mức trong chế độ dân chủ hay trong chế độ theo hiến pháp. Nhưng sự gia tăng bất cân xứng này đôi khi chỉ là tình cờ, như tại Tarentum, sau trận chiến với dân Iapygia rất nhiều quý tộc bị sát hại khiến cho chế độ hiến pháp tại đây bị biến thành dân chủ; hoặc như tại Argos, sau khi quân đội xứ này bị quân của Cleomenes xứ Sparta đánh tan thành nhiều mảnh, nên đành phải nhận thêm nông nô (người Perioeci) thành công dân của họ; hoặc tại Athens, sau khi bộ binh bị thua trận liên tục trong cuộc chiến chống lại liên quân Peloponnesia, con số các nhà quý tộc bị giảm sút vì phải bổ sung cho quân đội.[2] Trong chế độ dân chủ, sự gia tăng bất cân xứng cũng là nguyên nhân dẫn đến cách mạng, tuy không nhiều như ở các chế độ khác. Khi giới giàu có gia tăng hay tài sản gia tăng, hình thức chính quyền chuyển sang quả đầu hay gia đình trị. Sự thay đổi thể chế chính trị, đôi khi có thể xảy ra mà không có cách mạng, vì có tranh cãi trong kết quả bầu cử, như tại Heraea (thay vì quan chức được bầu ra, họ lại được lựa chọn bằng bốc thăm vì những cử tri có thói quen là bầu cho những người cùng phe); hay là vì bất cẩn để cho một kẻ bất trung lọt vào hàng lãnh đạo cao nhất, như tại Oreum, khi Heracleodorus vào được vị trí lãnh đạo bèn thay đổi chế độ quả đầu thành chế độ dân chủ và theo hiến pháp.

Chưa hết, cách mạng có thể xảy ra chỉ vì một sơ xuất vô ý về tiểu tiết, như tại Ambracia, muốn được bổ nhiệm, quan chức cần có tiêu chuẩn nho nhỏ về tài sản, nhưng tiêu chuẩn này dần dần được hủy bỏ vì dân Ambraciot nghĩ rằng tiêu chuẩn ít ỏi như vậy cũng không đáng gì hết.

Một nguyên do khác nữa tạo ra cách mạng là sự khác biệt sắc tộc nhất là khi những sắc tộc khác nhau chưa có đủ thì giờ để đồng hóa với nhau, vì sự phát triển của một nước không phải chỉ trong một sớm một chiều, hay vì nhiều sắc dân do ngẫu nhiên mà tụ họp lại với nhau. Như vậy, việc thu nhận sắc dân khác vào một nước, dù ngay từ khi mới lập quốc hay sau đó, chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn đến cách mạng.[3] Thí dụ, người Achaean cùng với người Troezen lập thành nước Sybaris, nhưng khi dân số Achaean gia tăng bèn tìm cách trục xuất người Troezen để chiếm lấy nước Sybaris. Tại Thurii, người Sybarite tranh chấp với những cư dân khác sắc tộc vì cho rằng họ mới là chủ nhân ông của lãnh thổ và đòi có phần nhiều hơn; cuối cùng chính họ bị các sắc dân khác đuổi đi. Tại Byzantium, những người tới sau âm mưu chống lại những người định cư trước nhưng âm mưu bị bại lộ và bị trục xuất; dân cư xứ Antissa sau khi thu nhận những người Chian lại tranh chấp với họ, rồi cũng phải trục xuất những người này; và người Zanclean, sau khi thu nhận người Samian, bị những người này trục xuất khỏi đất nước của họ. Người xứ Apollonia trên bờ biển Hắc Hải, sau khi nhận thêm các dân mới vào thì xảy ra cách mạng; người xứ Syracuse, sau khi trục xuất viên bạo chúa nhận thêm dân ngoại và lính đánh thuê vào làm công dân, khiến cho tranh chấp xảy ra; và người xứ Amphipolis, sau khi nhận sắc dân Chalcidia, bị sắc dân này trục xuất khỏi lãnh thổ.

Trong những chế độ quả đầu, quần chúng nổi loạn vì nghĩ rằng họ bị đối xử bất công, bởi vì, như đã được trình bày trước đây, họ nghĩ rằng họ là những người bình đẳng nhưng lại không được hưởng quyền lợi đồng đều. Còn trong chế độ dân chủ thì giới quý tộc nổi loạn vì họ nghĩ rằng họ cao quý hơn nhưng lại chỉ được hưởng quyền lợi như những người khác.

Thêm nữa, tình trạng lãnh thổ của một nước cũng là nguyên nhân gây ra nổi loạn. Thí dụ, tại Clazomenae, người dân vùng Chytian trong đất liền có mối bất hòa với những người dân sống ngoài hải đảo; và người dân trong đất liền xứ Colophon có sự bất hòa với dân hải cảng Notium; tại Athens cũng vậy, dân ở hải cảng Piraeus thì dân chủ hơn dân sống sâu trong đất liền. Nếu trong chiến tranh một chiến hào dù nhỏ tới đâu cũng có thể chặn được một đạo quân, thì bất cứ một sự khác nhau nào, dù nhỏ tới đâu cũng tạo ra sự phân hóa. Có lẽ sự phân hóa lớn nhất là giữa đức hạnh và tội lỗi, rồi đến sự phân hóa giữa giàu và nghèo, và những sự tương phản lớn nhỏ khác nữa, như sự khác biệt về lãnh thổ như vừa bàn ở đây.

Chương 4

Trong những cuộc cách mạng, những duyên cớ có thể rất nhỏ mọn nhưng lại dính dáng đến những quyền lợi lớn lao. Khi những chuyện lặt vặt dính đến những người lãnh đạo thì lại trở nên quan trọng, như đã xảy ra tại Syracuse chỉ vì chuyện tình cảm giữa hai người lãnh đạo trẻ tuổi. Một trong hai viên tướng có việc vắng nhà và người yêu của viên tướng này bị người kia quyến rũ; để trả thù, viên tướng này tìm cách cám dỗ lại vợ của người kia. Đây là chuyện cá nhân nhưng họ lại kéo cả giai cấp lãnh đạo vào cuộc khiến cho chính quyền bị chia thành hai phe. Bài học ở đây là ta phải cẩn thận ngăn không cho những sự xấu xa xảy ra ngay từ đầu và phải chấm dứt ngay những xung đột giữa những người lãnh đạo. Tất cả những sai lầm khởi đi từ thưở ban đầu — như cách ngôn đã nói: “Khởi đầu tốt thì đã xong nửa việc.” Cho nên, một lầm lỗi từ phần đầu, dù rất nhỏ cũng to lớn như những lầm lỗi trong những phần sau. Nói chung, khi những nhà lãnh đạo tranh chấp với nhau, cả nước cũng bị dính vào như đã xảy ra tại Hesdaea sau Cuộc chiến Ba tư. Duyên cớ là việc chia gia tài giữa hai anh em. Một trong hai người không chịu công bố tài sản do người cha để lại và kho tàng người cha tìm được là bao nhiêu; cho nên, người kia, nghèo hơn, tranh cãi với người anh em của mình và kéo theo những người trong cùng giai cấp với mình vào cuộc. Người kia cũng kéo những người giàu có về phe mình.

Ở Delphi, một chuyện cãi vã về hôn nhân lại là đầu mối của những rắc rối sau này. Chàng rể trên đường đi rước dâu thấy một chuyện gì đó cho là điềm bất tường nên lại quay về không chịu rước dâu. Gia đình cô dâu cảm thấy bị xúc phạm nên tìm cách giấu những châu báu thiêng liêng vào hành lý của chàng rể khi chàng đi tế thần và giết chết chàng rể sau khi đổ cho chàng tội ăn cướp đền thánh. Ở Mytiline cũng vậy, một cuộc tranh giành quyền thừa kế giữa những người con gái cũng dẫn đến những rủi ro và chiến tranh với Athens khiến cho Paches tiến chiếm được Mytiline. Câu chuyện như sau: một nhà trưởng giả tên Timophanes để lại gia tài cho hai người con gái; Dexander, một người dân khác, muốn cưới hai cô gái này cho con trai của mình, nhưng bị từ chối. Vì vậy, Dexander (một nghị viên của Athens) xúi dân Athens can thiệp. Một chuyện tương tự có liên quan đến người thừa kế nữ xảy ra tại Phocis giữa Mnaseas, cha của Mnason và Euthycrates, cha của Onomarchus. Đây là sự khởi đầu của cuộc Thánh Chiến. Một cuộc tranh cãi có liên quan tới hôn nhân cũng là nguyên nhân của sự thay đổi chế độ tại Epidamnus. Một người cha có con gái hứa gả cho một thanh niên. Nhưng cha của thanh niên này là một quan chức và vì một chuyện gì đó bắt phạt cha của cô gái. Cảm thấy bị làm nhục, cha của cô gái mưu toan với những người dân không có quyền bầu cử để lật đổ chính quyền.

Chính quyền cũng có thể thay đổi từ chế độ này sang chế độ khác như từ dân chủ sang quả đầu hay ngược lại hay sang chế độ theo hiến pháp chỉ vì những quan chức, hoặc một thành phần nào của nhà nước được tăng gia quyền lực hay tăm tiếng. Vì lẽ đó ở Athens, Hội đồng Areopagus được nổi danh sau cuộc chiến Ba Tư, muốn xiết chặt lại chính quyền (tiến sang chế độ quả đầu). Nhưng sau đó nhờ vào chiến thắng tại Salamis của thủy quân đưa đến việc thành lập đế quốc Athens do kiểm soát được vùng biển, nên chế độ lại chuyển sang dân chủ vì thủy quân gồm toàn dân bách tính. Tại Argos, thành phần quý tộc, sau khi đã chứng tỏ khả năng chống lại quân Sparta trong trận chiến Mantinea, tìm cách dẹp bỏ chế độ dân chủ. Tại Syracus, những người dân thường mới là tác nhân chính trong chiến thắng chống lại quân Athens, bèn thay đổi chế độ theo hiến pháp thành dân chủ. Tại Chalcis, nhân dân kết hợp với quý tộc giết chế bạo quân Phoxus rồi nắm lấy chính quyền. Tại Ambracia, nhân dân sau khi liên kết với những kẻ âm mưu phản loạn lật đổ được bạo quân Periander và dành lấy chính quyền cho chính họ. Một cách tổng quát, kinh nghiệm dạy cho ta một bài học mà ta phải luôn ghi nhớ; đó là, bất cứ ai—thường dân, quan chức, bộ tộc, hay giai cấp nào—đã giành được chính quyền, đều trở thành cái cớ để gây nên thay đổi chế độ, vì hoặc là bị người khác ganh ghét địa vị mới của mình, hoặc là chính mình cảm thấy không hài lòng với địa vị mới mà còn muốn phần hơn.

Những sự thay đổi chế độ cũng xảy ra khi những phe đối nghịch, như giai cấp giàu và nghèo, có lực lượng tương đương với nhau mà lại không có hay rất ít thành phần trung lưu để làm lệch cán cân. Điều này xảy ra vì nếu một trong hai phe mà mạnh hơn hẳn phe kia,thì phe đối nghịch chẳng dại gì tấn công để chịu thiệt hại. Cũng vì lý do này mà những nhà trí giả không phải là thành phần gây xáo trộn, vì họ luôn luôn là thiểu số. Đó là những nguồn gốc và nguyên nhân của những xáo trộn và thay đổi chế độ mà chế độ nào cũng có thể mắc phải.

Những sự thay đổi chế độ có thể xảy ra bằng hai cách, bằng bạo lực hay bằng âm mưu. Bạo lực có thể được sử dụng hoặc vào thời điểm xảy ra cách mạng hay sau đó. Âm mưu cũng vậy, có hai loại: thứ nhất, người dân bị lừa và đành chấp nhận sự thay đổi chế độ, và sau đó chịu sự áp đặt. Đây là trường hợp Nhóm Bốn Trăm tung tin lừa dối dân chúng tại Athens là vua Ba Tư sẽ tài trợ cho cuộc chiến chống Sparta, và sau đó chiếm giữ chính quyền. Thứ hai là dùng phương pháp thuyết phục để chiêu dụ người dân đi theo, rồi lại tiếp tục hứa hẹn, và cứ như vậy người dân tiếp tục bị kềm giữ mà không phản kháng. Tóm lại, đó là những nguyên nhân gây ra cách mạng và thay đổi chế độ.

Chương 5

Từ những nguyên tắc đã bàn ở trên, sau đây ta sẽ xét từng loại hiến pháp riêng biệt để xem những sự thay đổi chế độ xảy ra như thế nào.

Trong chế độ dân chủ, những sự thay đổi thể chế thường phát sinh từ sự lộng hành của những kẻ mị dân. Những kẻ này hoặc bày đặt ra những tin đồn bất lợi cho cho những người giàu có khiến cho họ phải liên kết lại (đối phó với hiểm nguy chung ngay cả những kẻ thù quyết liệt nhất cũng đoàn kết lại), hoặc là khích động quần chúng chống lại những người giàu có. Có rất nhiều thí dụ chứng minh cho nhận xét này. Tại Cos, chế độ dân chủ bị lật đổ vì những kẻ mị dân nổi lên và giai cấp quý tộc liên kết lại với nhau. Tại Rhodes, những kẻ mị dân đặt ra một hệ thống trả tiền cho người dân đi họp, và để có ngân quỹ trả cho việc này, họ đã không trả cho những thuyền trưởng số tiền họ đã dùng để sửa sang những chiến thuyền. Kết quả là những thuyền trưởng này bị thợ đóng thuyền kiện ra tòa, cho nên đã liên kết lại và lật đổ thể chế dân chủ. Nền dân chủ ở Heraclea (bên bờ Hắc Hải) bị lật đổ ngay sau khi mới được thiết lập vì sự bất công của những kẻ mị dân khiến cho thành phần quý tộc bị trục xuất, nhưng đã liên kết với nhau để trở lại và chấm dứt chế độ dân chủ tại đó. Nền dân chủ tại Megara cũng bị lật đổ tương tự như vậy. Những kẻ mị dân trục xuất thành phần quý tộc ra khỏi nước để chiếm đoạt tài sản của họ; chẳng bao lâu thành phần bị trục xuất trở nên đông đảo, liên kết với nhau và trở lại đánh đuổi những kẻ mị dân và lập nên chế độ quả đầu. Nền dân chủ tại Cyme cũng vậy, bị Thrasymachus lật đổ. Ta thấy trong những nước xảy ra việc thay đổi thể chế từ dân chủ sang quả đầu đều có cùng một đặc tính như nhau; đó là bọn mị dân vì muốn được lòng của nhân dân đã đối xử bất công với giới quý tộc, như chia nhỏ điền sản của họ, làm giảm thu nhập bằng cách bắt họ phải đi công tác lao động công cộng, và vu cáo khiến tài sản của họ có thể bị tịch thu. Những điều này đã khiến giới quý tộc liên kết lại thành lực lượng lật đổ chế độ.

Trước đây, kẻ mị dân cũng là một tướng quân, và từ đó chế độ dân chủ thay đổi thành chế độ độc tài của những bạo chúa. Hầu hết những bạo chúa đều xuất thân là những kẻ mị dân. Ngày nay thì đã khác, nhưng ngày xưa thì như vậy. Lý do là vì ngày xưa chưa có những nhà hùng biện. Còn ngày nay, khi nghệ thuật hùng biện đã phát triển, những người có khẩu tài trở thành những nhà hùng biện và thành những kẻ mị dân dùng ba tấc lưỡi để hướng dẫn dư luận quần chúng, nhưng vì thiếu khả năng quân sự nên họ không thể tiếm đoạt được quyền hành, dù thỉnh thoảng ta cũng thấy vài trường hợp. Ngày xưa ta thấy có nhiều bạo chúa hơn; đó là vì lý do quyền lực thường được tập trung vào một số cá nhân. Thí dụ, tại Miletus, kẻ độc tài nẩy sinh ra từ Hội đồng Lãnh đạo, cơ quan có quyền lực tối cao trên nhiều vấn đề quan trọng. Thêm vào đó, ngày xưa, với lãnh thổ không rộng lớn, người dân thường sống ở nông thôn, chăm lo cày cấy và chẳng quan tâm đến việc gì khác; những người lãnh đạo của họ, nếu có khả năng quân sự, thường nắm lấy cơ hội, thu phục lòng tin của quần chúng bằng cách biểu lộ sự thù ghét đối với thành phần giàu có, và đã thành công trong việc tiếm đoạt quyền hành để trở thành những kẻ độc tài. Ta thấy ở Athens, Peisistratus trở thành kẻ độc tài sau khi lãnh đạo một phe chống lại những người thuộc phe Plain; Theagenes trở thành kẻ độc tài tại Megara sau khi sát hại đàn gia súc của những kẻ giàu có đã cho đi ăn cỏ ngoài lãnh địa của họ. Dionysus, tại Syracuse, trở thành kẻ độc tài sau khi đả đảo Daphnaeus và những người giàu có; hành vi này thu phục được niềm tin của quần chúng.

Những sự thay đổi chế độ cũng xảy ra từ những mô hình dân chủ cổ xưa cho đến những mô hình mới nhất ngày nay. Khi mà những chức vụ được dân bầu ra mà lại không cần có tiêu chuẩn tài sản đi kèm, thì những kẻ muốn làm quan dùng đến xảo thuật mị dân và âm mưu để cuối cùng đứng trên luật pháp. Một phương thức tương đối hữu hiệu để chữa trị căn bệnh này là chia phiếu bầu cho những bộ tộc khác nhau thay phiên đầu phiếu, chứ không phải toàn dân đều đi bầu quan chức

Đó là những nguyên nhân chính gây ra những thay đổi chế độ trong chế độ dân chủ.

Chương 6

Có hai nguyên nhân rõ rệt gây ra thay đổi thể chế trong chế độ quả đầu: thứ nhất, khi nhà cầm quyền đàn áp dân chúng, thì lúc đó bất kỳ ai tỏ ra có khả năng cũng được người dân tin tưởng [để thay đổi chế độ], nhất là khi người đó lại là một thành viên của chính phủ, thí dụ như Lygdamis tại Naxos, đã lật đổ chế độ quả đầu và trở thành kẻ độc tài. Nhưng ta cũng có thể  phân loại thêm những sự thay đổi chế độ phát xuất từ bên ngoài giai cấp cai trị. Có khi, trong trường hợp chính quyền do một thiểu số độc quyền, thì cách mạng có thể bị khích động bởi những người giàu có, nhưng bị thiểu số độc quyền gạt ra, như đã từng xảy ra tại Massalia và Istros và Heraclea, và các nước khác. Những kẻ không được dự phần vào chính sự gây ra rối loạn cho đến khi những người anh và em được phép tham gia (vì ở một số nước cha con, anh em, không được cùng tham chính). Tại Massalia chế độ quả đầu trở nên giống như chế độ theo hiến pháp, như tại Istros thì lại trở thành chế độ dân chủ, còn tại Heraclea thì chế độ quả đầu từ một thiểu số được nới rộng cho đến 600 thành viên. Tại Cnido cũng thế, chế độ quả đầu thay đổi một cách đáng kể. Tại đây sự thay đổi bắt đầu từ trong nội bộ quý tộc, vì chỉ một thiểu số được nắm quyền. Tại đây luật quy định là cha con không được cùng tham chính, và nếu có nhiều anh em, thì chỉ người anh trưởng mới được tham chính mà thôi. Trước sự tranh chấp này, quần chúng lợi dụng thời cơ, chọn một trong những nhà quý tộc làm thủ lãnh, tấn công và chế ngự thành phần lãnh đạo quả đầu vốn dĩ đã bị chia rẽ và sự chia rẽ nào cũng là nguyên nhân của sự suy nhược. Nước Erythrae cũng vậy, thời xưa được tộc Basilidae cai trị rất tốt đẹp, nhưng dần dần người dân cảm thấy bất mãn vì sự nhỏ nhen của tập đoàn cai trị nên đã thay đổi thể chế.

Thứ hai, một trong những nguyên nhân nội tại dẫn đến thay đổi thể chế quả đầu là sự tranh chấp cá nhân trong thành phần cai trị khiến cho họ phải dùng đến mưu mô mị dân. Kẻ mị dân quả đầu gồm có hai loại: loại thứ nhất là chơi trò mị dân ngay trong nội bộ quả đầu (dù chế độ quả đầu chỉ gồm một thiểu số cai trị, cũng vẫn có kẻ mị dân trong số đó, như tại Athens, phe của Charicles thắng thế nhờ ve vãn được phe Ba Mươi; và trong thời kỳ Nhóm Bốn Trăm, Phrynichus nắm được quyền nhờ ve vãn được phe này. Loại thứ hai là những kẻ quả đầu chơi trò mị dân với quần chúng. Đây là trường hợp tại Larissa, khi những người thay vì phải bảo hộ những công dân lại tìm cách thống trị toàn dân, vì họ được lên nắm quyền do toàn dân bầu lên. Đó là số phận của tất cả những chế độ quả đầu mà quan chức được bầu lên, như tại Abydos, không phải từ chính giai cấp của họ, mà do toàn dân hay do quân đội bầu ra, dù những quan chức này phải hội đủ điều kiện tài chánh, hay phải là hội viên của một tổ chức chính trị. Thêm nữa, những rắc rối tương tự cũng xảy ra trong trường hợp tòa án lại gồm những người không thuộc về giai cấp cai trị, thì những chính trị gia quả đầu lại dùng thủ đoạn mị dân để thay đổi hiến pháp, như đã xảy ra tại Heraclea (nằm bên bờ Hắc Hải). Chế độ quả đầu thay đổi khi thành viên của chính quyền, [vốn đã thiểu số], muốn giới hạn thêm nữa giới cầm quyền. Điều này khiến cho những người (cũng trong giới thiểu số) đòi hỏi quyền bình đẳng tham gia phải kéo nhân dân vào cuộc tranh chấp. Thay đổi trong chế độ quả đầu cũng xảy ra khi những người trong thành phần cai trị phung phí tài sản cho cuộc sống xa hoa, vì muốn tạo ra thay đổi bằng cách tự đưa mình lên làm nhà độc tài, hay đưa người khác lên như trường hợp Hipparimus đưa Dionysius lên làm nhà độc tài tại Syracuse, và tại Amphipolis, Cleotimus đưa những di dân Chalcis vào định cư, rồi khích động cho họ làm loạn chống lại người giàu có. Cũng cùng lý do đó, tại Aegina, người có nhiệm vụ thương thuyết với Chares (tướng của Athens) lại muốn mượn tay viên tướng này để đưa mình lên làm nhà độc tài cùa Aegina. Cũng có khi một phe trong nhóm quả đầu trực tiếp thay đổi thể chế chính trị, thí dụ bằng cách biển thủ công quỹ, như tại Apollonia, và bị chống đối đưa đến thay đổi thể chế. Nhưng, nếu chế độ quả đầu mà thống nhất được với nhau, thì chế độ này không dễ gì bị triệt tiêu vì nội bộ xào xáo. Thí dụ như tại Pharsalus, những người cầm quyền chỉ gồm một số nhỏ, nhưng họ cai trị một nước lớn, vì biết đoàn kết với nhau.

Chế độ quả đầu cũng bị lật đổ khi ngay trong nội bộ lại có một thành phần thiểu số khác, nghĩa là khi cơ cấu quyền lực gồm một số ít người và không phải ai thuộc giới quả đầu cũng được chia sẻ quyền hành. Thí dụ tại Elis, bộ phận lãnh đạo là một nghị viện nhỏ, chỉ gồm 90 người thuộc một số gia tộc mà thôi và những người này nắm quyền trọn đời giống như những bậc trưởng lão của Sparta, cho nên rất ít người lọt được vào cơ cấu này.

Chế độ quả đầu cũng dễ bị thay đổi chế độ trong chiến tranh cũng như hòa bình; trong chiến tranh là vì không thể đặt lòng tin vào nhân dân, chính trị gia quả đầu buộc phải mướn lính đánh thuê, và viên tướng chỉ huy của đạo quân này thường [tiếm luôn quyền] và trở thành nhà độc tài, như Timophanes đã làm tại Corinth; hay trong trường hợp có nhiều tướng lãnh, thì họ cấu kết với nhau để trở thành tập đoàn độc tài. Đôi khi, vì e sợ mối nguy hiểm này, những nhà lãnh đạo quả đầu đành phải cho phép quần chúng tham gia vào chính quyền vì chế độ phải cần đến họ. Còn trong thời bình, vì nghi kỵ lẫn nhau, cả hai phe đều phó thác an ninh quốc gia cho quân đánh thuê và giải quyết những tranh chấp giữa hai phe qua một trọng tài trung lập, nhưng rồi cả hai phe lại bị người này cai trị. Chuyện này đã xảy ra tại Larisa trong chính quyền của Simos, thuộc dòng dõi Aleuad, và tại Abydos khi Iphiades được mời làm trọng tài giữa hai phe rồi chiếm luôn quyền hành. Những sự thay đổi chế độ cũng xảy ra do hôn nhân hoặc kiện tụng đưa đến việc lật đổ một trong những nhóm quả đầu. Tôi đã bàn về những việc xích mích do hôn nhân gây ra rồi; còn một vụ nữa xảy ra khi Diagoras lật đổ tập đoàn hiệp sĩ tại Eretria vì bị xúc phạm trong một cuộc hôn nhân. Một sự thay đổi chế độ khác tại Heraclea và một vụ khác nữa tại Thebes, cả hai vụ liên quan đến quyết định của tòa án liên quan đến tội ngoại tình; trong cả hai vụ, quyết định của tòa án là quyết định đúng và công bằng, nhưng khi thi hành lại thiên vị về một phe, vì phe đối nghịch đã đem Eurytion (tại Heraclea) và Archias (tại Thebes) ra đóng gông giữa chợ để thị chúng. Rất nhiều chế độ quả đầu đã bị tiêu diệt chỉ vì một số thành viên của giai cấp thống trị trở nên bất mãn vì cách thức cai trị hà khắc của giai cấp thống trị, như trường hợp tại Cnidus và Chios.

Sự thay đổi cơ cấu chính trị trong chế độ theo hiến pháp và trong những chế độ quả đầu dùng tiêu chuẩn tài chánh để giới hạn sự tham chính của công dân vẫn thường xảy ra một cách ngẫu nhiên. Tiêu chuẩn [tài sản]để tham chính được đặt ra từ lúc đầu là vì hoàn cảnh của lúc đó, trong chế độ quả đầu chỉ gồm một số ít, còn trong chế độ hiến pháp gồm cả giai cấp trung lưu. Nhưng sau một thời gian đời sống trở nên sung túc, một phần nhở vào không có chiến tranh, hay nhờ vào vận may, những tiêu chuẩn tài chánh không còn đáng kể nữa và ai cũng có thể hội đủ điều kiện để ứng cử vào mọi chức vụ. Việc này xảy ra đôi khi tiệm tiến và khó nhận ra, nhưng cũng có lúc rất nhanh chóng. Đó là những nguyên nhân gây ra thay đổi chính thể trong chế độ quả đầu.

Nói chung, cả chế độ quả đầu lẫn dân chủ, cũng có lúc thay đổi chính thể nhưng không theo mô thức đối nghịch (thí dụ quả đầu biến sang dân chủ hay ngược lại), nhưng theo những dạng khác nhau của cùng một loại; nghĩa là, từ một chế độ được cai trị theo luật định biến sang một chế độ được cai trị tùy hứng của nhà cầm quyền, hay theo chiều ngược lại.

Chương 7

Trong chế độ quý tộc, sự thay đổi chế độ  xảy ra khi chỉ có một số nhỏ được tham chính; đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chế độ quả đầu, vì thực ra chế độ quý tộc cũng là một hình thức của chế độ quả đầu—chính quyền của một thiểu số—nhưng hai thành phần “thiểu số” này khác nhau và hay bị lẫn lộn. Những sự thay đổi chế độ rất dễ xảy ra, và sẽ phải xảy ra, khi quần chúng có tinh thần cao và cảm thấy họ cũng giỏi bằng những người lãnh đạo. Vì vậy, tại Sparta những người được gọi là Partheniae, tức là những người con ngoại hôn của công dân Sparta, nổi loạn đòi được đối xử công bằng như những công dân khác, nhưng âm mưu bị bại lộ và họ bị đầy đi chinh phục thuộc địa Tarentum. Một nguyên nhân nữa là khi những nhân sĩ tài đức tương đương với nhà cai trị nhưng lại bị đối xử tệ bạc, như trường hợp Lysander bị những vị vua của Sparta bạc đãi, hay khi một dũng sĩ bị loại ra không được hưởng danh vị của nhà nước, như dũng sĩ Cinadon chống lại triều đại của Agesilaus tại Sparta, hay khi một số phần tử trong giai cấp cai trị trở nên quá nghèo, còn số khác thì lại quá giàu cũng tại Sparta, trong thời xảy ra cuộc chiến Messenia. Thi sĩ Tyrtaeus, trong bài thơ “Pháp Trị” đã nói lên điều này: những người bị chiến tranh làm thiệt hại tài sản muốn được nhà nước phân phối lại đất đai. Chưa hết, còn trường hợp những người vì tham vọng muốn đạt được chức vị cao hơn như viên tướng Pausanias tại Sparta, hay Hanno tại Carthage.

Chế độ hiến pháp trị và quý tộc vẫn thường bị lật đổ vì đi lệch khỏi nguyên tắc công chính của hiến pháp; nguyên nhân của sự sụp đổ của chế độ hiến pháp trị là sự kết hợp không hài hòa giữa hai phần tử dân chủ và quả đầu (người nghèo và người giàu); trong trường hợp chế độ quý tộc, gồm có ba thành phần: dân chủ, quả đầu và tài năng, nhưng hai thành phần đầu tiên vẫn đóng vai trò quan trọng hơn và cũng là thành phần chính yếu mà chế độ quý tộc muốn kết hợp. Cả hai chế độ đều muốn kết hợp hai thành phần này nhưng theo cách thức khác nhau, và vì vậy chế độ hiến pháp trị ít ổn định hơn chế độ quý tộc. Nếu sự kết hợp thiên về quả đầu, ta sẽ có chế độ quý tộc, còn nếu nghiêng về dân chủ thì sẽ thành chế độ hiến pháp trị. Chế độ hiến pháp trị được xem là an toàn hơn vì con số càng lớn hơn thì sức mạnh lại càng nhiều hơn, và khi người ta được đối xử đồng đều thì người ta dễ hài lòng hơn. Còn những người giàu, nếu hiến pháp cho họ thêm quyền hành, thì họ dễ trở thành cao ngạo và tham lam hơn. Một cách tổng quát, nếu hiến pháp nghiêng về phía nào thì sẽ thay đổi chế độ theo hướng đó. Nhưng tiến trình này cũng có thể bị đảo ngược, quý tộc cũng có thể trở thành dân chủ. Điều này xảy ra khi người nghèo, khi họ nghĩ rằng họ bị bạc đãi, sẽ thay đổi chính thể theo hướng đối nghịch. Tương tự như thế, chế độ hiến pháp trị cũng có thể bị thay đổi sang quả đầu. Chỉ có một nguyên tắc giữ cho chế độ được ổn định là bình đẳng dựa theo tỷ lệ và tài năng, và người nào cũng được hưởng theo công sức và tài năng của họ.

Những điều tôi vừa trình bày đã xảy ra tại Thurii. Lúc đầu, tiêu chuẩn tài sản ấn định cho những người ra ứng cử được đặt cao nhưng sau được giảm xuống, và con số quan chức cũng được tăng lên. Thành phần quý tộc nhờ thần thế đã mua được rất nhiều đất đai, vì chế độ có khuynh hướng nghiêng về quả đầu, đã khiến người dân bất mãn phải nổi lên,và nhở dày dạn chiến chinh đã đè bẹp được quân vệ binh của phe quả đầu và buộc họ phải trả lại đất đai. Chế độ quý tộc đã thay đổi thành dân chủ.

Thêm nữa, vì tất cả những chính quyền quý tộc đều có khuynh hướng nghiêng sang quả đầu, những nhà quý tộc do đó cũng có khuynh hướng tóm thâu thêm quyền lực và tài sản; thí dụ như tại Sparta, tài sản dần dà được chuyển vào tay một thiểu số, và thành phần quý tộc hầu như muốn làm gì thì làm, muốn lấy ai thì lấy. Cũng chính vì thế mà nước Locri (thuộc miền nam nước Ý ngày nay) đã bị suy sụp vì cuộc hôn nhân của một người con gái nước này với Dyonysius thuộc xứ Syracuse. Điều này không thể xảy ra tại một nước dân chủ hay một chế độ quý tộc được tổ chức đúng đắn và cân bằng.

Tôi đã nhận xét rằng trong tất cả mọi nước, đôi khi sự thay đổi thể chế có thể xảy ra chỉ vì những điều lặt vặt. Trong chế độ quý tộc điều này lại còn đúng hơn nữa, vì những thay đổi này diễn ra từ từ, khó lòng nhận thấy. Người dân, thoạt đầu, bỏ đi một phần của hiến pháp, và chính quyền cứ từ từ thay đổi thêm những điều quan trọng hơn mỗi ngày một chút cho đến khi toàn bộ cơ chế của nhà nước bị thay đổi. Tại Thurii có một đạo luật cho phép những tướng lãnh chỉ được nắm quyền lần thứ hai sau một thời hạn là 5 năm. Một số sĩ quan trẻ có khả năng và được lòng của binh lính đã xem thường những quan chức và nghĩ rằng họ có thể chiến thắng dễ dàng nên muốn hủy bỏ đạo luật này hầu cho tướng lãnh của họ có thể được nắm quyền suốt đời. Những viên chức chịu trách nhiệm về vấn đề này, còn được gọi là Hội đồng Ủy viên, lúc đầu muốn chống lại, nhưng sau lại đồng ý vì nghĩ rằng nếu chấp nhận thay đổi đạo luật này, thì sau này sẽ không có những đòi hỏi thay đổi hiến pháp nữa. Nhưng rồi hết thay đổi này tiếp nối thay đổi khác mà họ chỉ còn có thể chống đối trong vô vọng; và rồi nhà nước chuyển sang tay những kẻ cách mạng, sau đó thiết lập nên chế độ quả đầu cha truyền con nối.

Mọi hiến pháp đều bị lật đổ hoặc từ trong nội bộ xảy ra, hoặc do từ ngoài ảnh hưởng vào. Trường hợp sau xảy ra khi có một nước ở gần lại có quyền lợi đối nghịch, hay ở xa nhưng lại mạnh hơn. Điều này xảy ra trong thời Athens và Sparta là đế quốc. Người Athens đi tới đâu cũng đàn áp những chế độ quả đầu, còn người Sparta thì lại đàn áp những chế độ dân chủ.

Tới đây ta đã bàn hết những nguyên nhân chính gây ra thay đổi chế độ và sự chia rẽ trong những quốc gia.

Chương 8

Trong chương này ta sẽ xét xem có những phương thức nào bảo vệ được hiến pháp một cách tổng quát và trong những trường hợp riêng biệt. Điều ta thấy hiển nhiên là nếu ta biết được những nguyên nhân làm tiêu hủy cơ cấu chính trị, thì ta cũng biết những nguyên nhân bảo vệ những cơ cấu này, vì những gì đối nghịch với nhau sẽ tạo ra những phản ứng ngược lại, cũng như sự tiêu hủy tương phản với bảo tồn.

Trong tất cả những chính quyền được thiết lập hài hòa giữa những thành phần dân chúng thì không có điều nào cần phải gìn giữ triệt để hơn là tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là về những vấn đề nhỏ nhặt; vì những điều tưởng là vụn vặt sẽ âm thầm len lỏi vào và cuối cùng làm sụp đổ cả quốc gia, giống như sự tích lũy liên tục những chi tiêu nho nhỏ sẽ làm sụp đổ cả sản nghiệp lớn. Những chi tiêu không xảy ra một lúc, và vì thế không bị để ý; trí óc ta đã bị lừa như một điều ngụy biện đã nói rằng “nếu mỗi phần tử là phần nhỏ, thì tất cả cũng nhỏ.” Điều này chỉ đúng trên một phương diện, nhưng sai trên phương diện khác, vì cái tổng thể và cái “tất cả” không nhỏ, dù được tạo thành bởi nhiều phần tử nhỏ.

Trước hết, ta phải đề phòng và ngăn ngừa sự khởi đầu của thay đổi, và thứ hai, ta không nên ỷ lại vào những biện pháp chính trị mà tôi đã nói đến, những biện pháp được sáng chế ra để đánh lừa quần chúng, vì kinh nghiệm cho ta thấy đó là những biện pháp vô dụng. Hơn thế nữa, ta ghi nhận rằng những chế độ quả đầu cũng như dân chủ có thể tồn tại được, không phải nhờ vào sự ổn định cố hữu ở trong chính những mô thức chính quyền đó, mà bởi vì những người cầm quyền đã có quan hệ tốt với cả những người dân không có quyền bầu cử và giai cấp cai trị, họ đối xử tử tế với những người không được tham dự vào chính quyền và trọng dụng những người lãnh đạo của giới này, đồng thời không xúc phạm đến danh dự của những kẻ có tham vọng và giới bình dân cũng được đối xử đúng đắn về tiền bạc. Không những thế họ đối xử với những người cùng giai cấp và giới bình dân trong tinh thần bình đẳng. Sự bình đẳng mà những người cổ võ cho dân chủ muốn xây dựng cho quảng đại quần chúng là một điều không những công bằng mà còn có lợi cho những người đồng đẳng. Cho nên, nếu giai cấp cầm quyền đông đảo, thì rất nhiều định chế dân chủ sẽ trở nên hữu hiệu; thí dụ như việc giới hạn nhiệm kỳ trong 6 tháng để cho tất cả những người đồng đẳng có cơ hội tham chính. Thực ra, những người bình đẳng hay đồng đẳng khi là một số đông thì đã trở thành một hình thức dân chủ, và vì vậy những kẻ mị dân dễ nổi lên trong số những người này, như tôi đã nói trong các chương trên. Nhiệm kỳ cầm quyền ngắn ngủi sẽ khiến cho chế độ quả đầu hay quý tộc không thể rơi vào tay một dòng họ; thêm nữa, nhiệm kỳ ngắn ngủi khiến cho bất cứ ai cũng khó lòng gây nên sự thiệt hại lớn lao, trong khi đó nhiệm kỳ lâu dài sẽ tạo nên những kẻ độc tài trong chế độ quả đầu và chế độ dân chủ. Những kẻ có tham vọng trở thành độc tài là những người quan trọng trong một nước, dù đó là quả đầu hay dân chủ. Trong chế độ dân chủ, đó là những kẻ mị dân và trong chế độ quả đầu là thành viên của những thế gia vọng tộc, hay là những kẻ nắm trọng quyền trong một thời gian dài.

Hiến pháp được bảo tồn khi những kẻ phá hoại ở xa, nhưng đôi khi cũng vì họ ở gần, vì mối nguy hiểm cận kề khiến cho người ta phải canh giữ hiến pháp cẩn thận hơn. Vì thế những nhà lãnh đạo mà thực sự quan tâm đến sự tồn vong của hiến pháp nên tạo ra những sự khiếp sợ và đưa những mối nguy hiểm từ xa đến gần để khiến cho nhân dân luôn luôn cảnh giác như những người lính gác đêm, không bao giờ lơ là nhiệm vụ. Một nhà lãnh đạo như vậy cũng phải nỗ lực kiềm chế những cuộc tranh chấp giữa các nhà quý tộc bằng luật pháp, và ngăn chặn ngay từ đầu không để cho những nhà quý tộc khác mắc vào những cuộc tranh chấp. Thường dân không thể phân biệt được sự khởi đầu của “cái ác,” chỉ có nhà lãnh đạo chân chính mới phân biệt được điều này.

Còn đối với sự thay đổi do từ chính trong chế độ cả quả đầu và chế độ hiến pháp trị gây ra như thay đổi về tiêu chuẩn tài sản để tham chính, thì dù số lượng tài sản đòi hỏi không thay đổi, nhưng số người có đủ số lượng tài sản đó lại gia tăng khiến cho có nhiều người đủ tiêu chuẩn tài sản để tham chính hơn và sẽ đưa đến thay đổi về hiến pháp. Để ngăn ngừa việc này, ta nên so sánh tổng sản lượng năm nay với năm trước theo định kỳ mỗi năm nếu dân số được kiểm tra hàng năm, và trong những nước lớn thì mỗi 3 hay 5 năm. Nếu tổng sản lượng năm nay nhiều hơn hoặc thấp hơn gấp bội so với năm trước, thì luật pháp nên có điều khoản để cho phép điều chỉnh tiêu chuẩn tài sản cho thích hợp. Nếu không làm điều này, khi tổng sản lượng giảm xuống, thì số người có đủ tiêu chuẩn sẽ ít đi; do đó, chế độ hiến pháp trị sẽ chuyển sang quả đầu, và chế độ quả đầu sẽ biến thành gia đình trị. Ngược lại, chế độ hiến pháp trị sẽ biến thành dân chủ, và quả đầu sẽ trở thành hiến pháp trị hoặc dân chủ.

Sau đây là một nguyên tắc dùng cho chế độ dân chủ, quả đầu và mọi loại chế độ khác. Đó là không để cho bất cứ một công dân nào có sự gia tăng bất cân xứng với những người khác; nghĩa là nên có những tưởng thưởng vừa phải cho một cá nhân trong một thời gian dài hơn là trao tặng những phần thưởng lớn lao và danh vọng tột bực trong một thời gian ngắn. Con người rất dễ bị hư hỏng; không phải ai cũng chống lại được sự hư hỏng do giàu sang mang lại.[4] Nhưng nếu nguyên tắc này không được áp dụng, thì những công danh được trao tặng ngay một lúc nên được thu hồi từ từ. Thêm nữa cũng nên có điều luật ngăn ngừa bất cứ ai có quá nhiều quyền lực, dù từ phe nhóm hay tiền bạc mang lại. Nếu có những ai như vậy, thì kẻ đó phải bị tống xuất ra khỏi nước.

Vì những tư tưởng thay đổi thể chế cũngxuất phát từ đời sống riêng của những cá nhân, cho nên cũng nên có một vị quan để ý tới những ai mà lối sống không hòa hợp với chính thể, thí dụ như sống trong chế độ dân chủ lại có hành vi không dân chủ, hay trong chế độ quả đầu lại khác với cách sống của quả đầu. Tương tự như vậy bất cứ một sự gia tăng tài sản trong bất kỳ thành phần trong nước cũng phải được để ý cẩn thận. Phương cách hay nhất để trị căn bệnh này là giao quyền cai trị cho phần tử đối lập; những cặp đối lập gồm có: thiểu số tài đức và đa số bình dân hay hai phần tử giàu và nghèo. Một phương cách khác là kết hợp người giàu và nghèo thành một cơ cấu, hay là gia tăng phần tử trung lưu. Một chính sách như vậy sẽ chấm dứt được sự phân hóa do bất bình đẳng gây ra.

Nhưng trên hết, tất cả mọi nước nên được cai trị và điều hành bởi luật pháp để cho quan chức không thể lợi dụng chức quyền mà kiếm tiền. Trong chế độ quả đầu cần có những biện pháp đặc biệt để phòng chống tai họa này. Bởi vì người dân sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi không được tham gia vào chính sự—thực ra họ còn thích được như thế vì có thì giờ thư thả lo cho việc riêng của họ—nhưng họ sẽ nổi giận khi nghĩ rằng nhà cầm quyền đang ăn cắp của công. Điều này khiến cho họ nổi giận gấp đôi vì vừa bị sỉ nhục vừa bị mất quyền lợi. Nếu chức quyền không mang lại tư lợi, thì chỉ có điều kiện này mới kết hợp được hai chế độ quả đầu và dân chủ, vì cả hai thành phần quý tộc và quần chúng đều được thỏa mãn: dân chủ thỏa mãn vì ai cũng có quyền được tham chính, và quý tộc thỏa mãn vì sẽ được nắm chức vụ trong chính quyền. Điều này chỉ có thể xảy ra khi việc lợi dụng chức quyền để thủ đắc tư lợi bị cấm chỉ. Người nghèo sẽ không muốn tham chính nếu họ không có được lợi lộc gì và thay vào đó lo cho việc riêng còn ích lợi hơn; người giàu, vì không cần tiền từ công quỹ, sẽ đảm nhiệm những chức vụ trong chính quyền. Như thế người nghèo sẽ tiếp tục công việc của họ để làm giàu, còn phe quý tộc thì không sợ bị cai trị bởi giai cấp thấp kém hơn. Để tránh nạn biển thủ công quỹ, những quan chức thôi làm việc phải bàn giao công quỹ lại trước sự chứng kiến của toàn thể dân chúng, và ngân quỹ đã được kiểm kê sẽ được giao cho những gia tộc, hay khu phố khác nhau gìn giữ. Thêm vào đó, luật pháp nên có điều khoản vinh danh những quan chức thanh liêm. Một mặt, trong chế độ dân chủ, không nên đụng đến người giàu; không những tài sản của họ không sợ bị tịch thu và phân chia ra, mà cả những nguồn lợi tức của họ cũng vậy, phải được bảo đảm, vì điều này đã xảy ra tại một vài nước. Ngoài ra cũng nên ngăn cản những người giàu, ngay cả khi họ cam đoan là không sử dụng những dịch vụ công cộng vừa phù phiếm vừa tốn kém, như là các buổi nhạc hội, rước đuốc, vân vân. Mặt khác, trong chế độ quả đầu, nên thận trọng để ý đến kẻ nghèo, và những chức vụ nào có bổng lộc cao nên giao cho họ. Còn nếu người giàu có nào mà khinh khi làm nhục họ, thì kẻ đó phải bị phạt nặng hơn là đối với lẫn nhau. Luật pháp cũng nên quy định là điền sản chỉ nên được truyền lại cho con cái chứ không nên qua di chúc trao cho người khác, và mỗi người con chỉ được nhận một phần thừa kế mà thôi. Làm như vậy thì điền sản sẽ được bình quân và người nghèo có cơ hội trở nên giàu có. Còn đối với những vấn đề không phải là tài sản, như danh vọng chẳng hạn, thì cả hai chế độ dân chủ và quả đầu nên để cho những người bị thiệt thòi (như người giàu trong chế độ dân chủ và người nghèo trong chế độ quả đầu) được bình đẳng hay có phần hơn, ngoại trừ những chức vụ chính của nhà nước. Những chức vụ chính yếu của nhà nước phải thuộc những người có đầy  đủ quyền hiến định.

Chương 9

Có ba tiêu chuẩn mà những người nắm giữ chức vụ cao nhất phải có: (1) trung thành với cơ cấu chính trị đã được thiết lập (với hiến pháp); (2) có khả năng cao để điều hành chính quyền; và (3) có đạo đức cá nhân và tôn trọng công lý tương hợp với từng loại chính quyền. [Điều này cần thiết] vì trong mỗi loại chính quyền, quan niệm về công lý khác nhau, cho nên phẩm chất về công lý cũng phải khác nhau. Tuy nhiên, có một vấn đề là nếu không có ai hội đủ cả ba tiêu chuẩn này thì làm sao chọn được người lãnh đạo? Giả sử giữa hai người, một ông tướng giỏi nhưng lại là người xấu, không đạo đức và không tôn trọng hiến pháp, còn một người khác thì trung thành với hiến pháp và là người tôn trọng công lý, thì ta nên chọn ai? Khi chọn lựa ta nên để ý hai điểm: những tiêu chuẩn hiếm có và những tiêu chuẩn thông thường. Như thế, trong sự lựa chọn một ông tướng để chỉ huy, ta nên chú trọng đến khả năng quân sự hơn là đến tư cách đạo đức, chỉ vì ít người có khả năng quân sự, nhưng lại có nhiều người đạo đức. Nhưng nếu ta chọn người để điều hành những cơ quan có liên hệ đến niềm tin của quần chúng như ngân khố chẳng hạn, thì lại phải nên chọn người đức hạnh, vì những chức vụ như vậy đòi hỏi người có đức hạnh cao hơn bình thường, còn kiến thức cần thiết để đảm đương chức vụ thì ai cũng có.

Lại còn một vấn đề nữa. Nếu một người có khả năng chính trị và trung thành với hiến pháp, thì người đó có cần phải là người đạo đức không? Chẳng phải là hai tiêu chuẩn kia đã giúp cho người đó thực hành mọi việc vì công ích sao? Nhưng ta cũng thấy là có nhiều người có cả hai tiêu chuẩn kia, nhưng vẫn thất bại trong việc tự kiềm chế những ham muốn thuộc về quyền lợi cá nhân, cho nên, cũng rất có thể họ sẽ thất bại trong việc phục vụ công ích.

Một cách tổng quát, ta có thể cho rằng một hiến pháp được bảo tồn là nhờ ở sự tôn trọng tất cả mọi luật lệ của người dân, và nguyên tắc quan trọng nhất đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là số người trung thành với hiến pháp phải mạnh và đông hơn số người bất trung. Ta cũng không nên quên tính trung dung mà ngày nay đã bị lãng quên trong những thể chế bị hư hoại, chỉ vì có nhiều phương sách có vẻ dân chủ nhưng thực ra là làm sụp đổ chế độ dân chủ, và nhiều phương sách có vẻ quả đầu nhưng lại làm cho chế độ này bị tiêu diệt. [Đó là vì có] những người nghĩ rằng đảng phái hay phe nhóm của họ nắm giữ chân lý đạo đức nên có những hành động và biện pháp đi đến cực đoan; họ không biết rằng sự mất cân đối sẽ làm cho nhà nước bị suy sụp. Một cái mũi có thể không được thẳng dọc dừa như lý tưởng và có thể bị cong hay tẹt, nhưng so với khuôn mặt cũng vẫn còn coi được; nhưng nếu cái mũi đó bị cong quá lố hay bị tẹt quá mức, thì sự cân đối sẽ mất, cái mũi đó sẽ không còn giống cái mũi nữa. Điều này đúng với mọi bộ phận của cơ thể con người. Định luật cân đối cũng được áp dụng trong một nước. Chế độ quả đầu hay dân chủ, dù đã bị chệch hướng không còn là một chế độ lý tưởng nữa, nhưng cũng vẫn có thể còn là một chế độ tương đối tốt. Nhưng nếu những nguyên tắc của chế độ bị đẩy tới cực đoan thì chế độ đó sẽ bị sụp đổ. Vì thế nhà lãnh đạo và nhà lập pháp cần biết những phương thức nào bảo vệ và những phương thức nào sẽ làm suy sụp chế độ. Cả hai loại chế độ này không thể tồn tại hay tiếp tục tồn tại nếu không bao gồm được cả hai thành phần giàu và nghèo. Nếu biện pháp quân bình tài sản được thực hiện, thì nhà nước phải thay đổi chế độ; đó là vì khi luật pháp đi quá trớn khiến một trong hai thành phần của quốc gia bị tiêu diệt, thì hiến pháp cũng bị tiêu diệt theo.[5]

Có một sai lầm chung cho cả hai chế độ quả đầu và dân chủ. Trong chế độ dân chủ, những kẻ mị dân, khi quần chúng đứng trên luật pháp,[6] luôn luôn chia đôi đất nước bằng cách tấn công vào giới giàu có, dù rằng họ luôn miệng nói rằng bảo vệ quyền lợi của giai cấp giàu có. Tương tự như vậy, trong chế độ quả đầu, những người quả đầu lại tuyên bố lo cho quyền lợi của dân nghèo, lẽ ra họ phải tuyên thệ ngược lại. Có những nước kẻ mị dân thề thốt rằng “ta sẽ là kẻ thù của quần chúng và sẽ làm mọi điều gây tai họa cho quần chúng,” nhưng thật ra họ phải nói ngược lại và trong lời thề nên có câu sau đây: “ta sẽ không làm điều gì gây hại cho nhân dân.”

Nhưng trong tất cả những điều mà sẽ giúp cho chế độ được bền vững nhất là giáo dục  dân chúng về thể chế chính trị nhưng ngày nay nguyên tắc này hầu như bị quên lãng. Những luật lệ tốt đẹp nhất, dù được mọi công dân chấp nhận, cũng sẽ chẳng đi tới đâu nếu những người trẻ không được giáo dục và huấn luyện để thấm nhuần tinh thần hiến pháp của chế độ, tùy theo dân chủ hay quả đầu. Sự rèn luyện tâm trí cho cả quốc gia cũng cần thiết như sự rèn luyện cho mỗi người, vì trong một nước cũng có tình trạng thiếu kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, được giáo dục theo tinh thần của hiến pháp không có nghĩa là làm những việc mà những người dân chủ hay quả đầu tán thưởng, mà là những hành động sẽ bảo đảm được sự tồn tại của chế độ. Thế nhưng ngày nay, trong xã hội của chúng ta con cái của giai cấp cai trị trong chế độ quả đầu lại sống trong nhung lụa, còn con cái của người nghèo phải làm lụng vất vả, cho nên họ có khuynh hướng và khả năng tạo ra thay đổi chế độ. Còn trong những chế độ dân chủ cực đoan lại nẩy ra một ý tưởng sai lầm về tự do tương phản với quyền lợi thực sự của quốc gia. Có hai nguyên tắc chính của chế độ dân chủ là chính quyền của đa số và tự do cá nhân. Người ta nghĩ rằng công lý tương đương với bình đẳng, và sự bình đẳng tức là sự tối thượng của ý muốn của đa số. Còn tự do là mỗi cá nhân tha hồ làm những gì mình muốn. Trong những chế độ dân chủ kiểu này, người ta tha hồ sống theo ý thích của mình, hay nói như Euripides, “sống theo sự hoang tưởng” của mình. Nhưng đó là một điều sai lầm lớn lao, người ta không nên nghĩ rằng sống dưới sự cai trị của hiến pháp là nô lệ, nhưng đó chính là được sự bảo vệ của luật pháp.

Ta đã bàn, một cách tổng quát, về những nguyên do dẫn đến thay đổi chế độ và sụp đổ của nhà nước cũng như cách thức bảo tồn và duy trì hiến pháp.

Chương 10

Chúng ta còn phải bàn về quân chủ cùng những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ và cách thức bảo tồn chế độ này.[7] Những điều ta đã bàn ở trên liên quan đến chế độ hiến pháp trị cũng đúng trong chế độ quân chủ và chế độ độc tài. Vì chế độ quân chủ về bản chất là chế độ quý tộc, và chế độ độc tài là sự kết hợp của chế độ quả đầu và dân chủ dưới dạng cực đoan nhất; cho nên, chế độ độc tài là chế độ gây ra nhiều tai hại nhất cho dân chúng vì được tạo nên bởi hai loại chính quyền xấu xa và có cả những sai lầm và bại hoại của cả hai. Hai loại chế độ quân chủ tương phản với nhau từ bản chất. Việc một người được đề cử lên làm vua là cách thức những giai cấp khá giả hơn dùng để cai trị dân nghèo. Vị vua được đề cử lên từ trong chính giai cấp của họ vì chính nhà vua hay dòng dõi của nhà vua vượt trổi hơn người về tài năng và đức hạnh. Còn nhà độc tài được quần chúng chọn ra để làm người bảo hộ cho họ không bị giai cấp quý tộc làm phương hại. Lịch sử đã chứng minh là hầu như tất cả mọi nhà độc tài đều là những kẻ mị dân được lòng của quần chúng vì tấn công giai cấp quý tộc. Đó chính là cách thức những kẻ độc tài lên nắm quyền khi quốc gia phát triển nhân số. Những cách thức khác xuất phát từ tham vọng của những ông vua muốn vượt quá giới hạn quyền lực đã được thừa hưởng và trở thành nhà độc tài. Lại còn những kẻ là quan chức cao cấp tiếm quyền để trở thành độc tài, vì vào thời cổ những quan chức chính quyền hay chức sắc tôn giáo đều có nhiệm kỳ rất dài. Sau cùng là trường hợp trong chế độ quả đầu vẫn có tập quán trao cho một cá nhân quyền lực cao nhất. Trong tất cả những trường hợp vừa nêu, một người có tham vọng—nhà vua hay quan chức cao cấp, nếu muốn sẽ trở thành một kẻ độc tài một cách dễ dàng vì đã nắm sẵn quyền lực trong tay. Do đó, Pheidon tại xứ Argos và rất nhiều những người khác, đầu tiên là vua nhưng rồi lại trở thành độc tài; trong khi Phalaris và những nhà độc tài xứ Ion khởi đầu là những quan chức cao cấp tiếm quyền, và Panaetius xứ Leontini, Cypselus xứ Corinth, Peisistratus tại Athens, Dionysius tại Syracuse, và những kẻ khác đều là những kẻ mị dân trở thành độc tài.

Chế độ quân chủ, như ta đã thấy, mang bản chất quý tộc, và cũng giống như quý tộc, được đặt căn bản trên tài năng của cá nhân hay của dòng họ, hay trên quyền và lợi đã được phong thưởng. Những cá nhân được hưởng vinh dự này đều là những người đã mang lại lợi ích cho quốc gia; đó là những người như Codrus đã giúp cho dân tộc tránh khỏi nạn bị bắt làm nô lệ trong chiến tranh, như Cyrus đã mang lại tự do cho xứ sở, hay đã giành được thêm lãnh thổ cho quốc gia như những vị vua của Sparta, Macedonia, và những vị vua dòng Molossoi của xứ Epirus. Một người được tôn xưng là vua để bảo vệ người giàu có không bị đối xử bất công, và bảo vệ quần chúng không bị đàn áp và lăng nhục. Trong khi đó, nhà độc tài, như ta vẫn thường thấy, không quan tâm đến bất cứ quyền lợi nào của quần chúng, ngoại trừ những điều gì đưa đến lợi ích cá nhân. Mục đích của kẻ độc tài là sự khoái lạc của chính hắn, còn mục đích của nhà vua là danh dự. Vì thế, nhà vua và kẻ độc tài khác nhau về sự ham muốn. Kẻ độc tài khao khát giàu có, còn nhà vua khao khát danh vọng. Những người lính bảo vệ cho nhà vua là công dân, còn của kẻ độc tài là những tên lính đánh thuê.

Một sự thật hiển nhiên là chế độ độc tài bao gồm tất cả những cái xấu xa của chế độ dân chủ và quả đầu. Cũng giống như chế độ quả đầu, cứu cánh của chế độ độc tài là tích lũy của cải (nhà độc tài chỉ có thể nhờ tài sản mà duy trì được quân bảo vệ và nếp sống xa hoa của mình). Cả hai chế độ này đều không tin tưởng quần chúng, cho nên, không cho phép nhân dân được vũ trang. Cả hai chế độ cùng đàn áp quần chúng và xua đuổi họ ra khỏi thành phố và phân tán họ về nông thôn. Những nhà độc tài còn dùng phương cách của chế độ dân chủ là gây chiến với thành phần quý tộc và tiêu diệt họ ngấm ngầm hay công khai, hay trục xuất họ khỏi quốc gia vì họ cản trở con đường tiếm quyền của kẻ độc tài. Thực ra, thành phần quý tộc cũng không hẳn là trở lực, mà cũng là những kẻ đồng phạm của kẻ độc tài, vì chính họ cũng muốn trở thành người cai trị hay không thích bị cai trị. Như thế ta hiểu được tại sao Periander lại khuyên Thrasybulus là nên cắt cho bằng ngọn những cây bắp nào mọc cao hơn những cây khác, tức là đuổi những người nào trổi vượt hơn số đông. Tóm lại, như tôi đã trình bày cặn kẽ, sự thay đổi chế độ nào cũng khởi đầu giống nhau, từ chế độ quân chủ cho đến chế độ theo hiến pháp; thần dân tấn công giai cấp lãnh đạo vì hoặc là khinh ghét hoặc là sợ hãi hoặc là vì bị đối xử bất công. Trong những sự bất công thì hành vi xúc phạm đến phẩm giá và chiếm đoạt tài sản là những nguyên nhân thường đưa đến sự nổi loạn nhất.

Mục đích của những kẻ âm mưu chống lại chế độ quân chủ, dù đó là nhà độc tài[8] hay vương thất cũng giống như mục đích của những kẻ âm mưu chống lại những chế độ khác. Những bậc quân vương có tài sản và danh vọng lớn lao và đó là những điều mơ ước của toàn thể nhân loại. Những mưu toan chống lại nhà vua có khi chỉ nhằm vào địa vị, có khi lại nhằm vào cá nhân của nhà vua. Khi động cơ nổi loạn là sự bị lăng nhục, lúc đó tính mạng của nhà vua khó lòng được bảo đảm. Bất kỳ một sự lăng nhục nào (có rất nhiều sự lăng nhục) cũng có thể làm cho người ta nổi giận, và khi giận dữ, người ta thường hành động để trả thù chứ không vì tham vọng. Thí dụ như Harmodius âm mưu chống lại Peisistratidae vì nhà vua đã công khai làm nhục em gái của Harmodius.[9] Cho nên Harmodius âm mưu thí vua để rửa nhục cho gia đình và Aristogeiton cũng tham gia vì là bạn của Harmodius. Một âm mưu chống lại Periander, nhà độc tài xứ Ambracia, vì trong lúc yến tiệc với một sủng thần nam giới đã bỡn cợt và làm nhục gã này. Philip, một nhà độc tài khác, cũng bị Pausanias tấn công vì để cho gã này bị Attalus và bạn lăng nhục. Vua Amyntas đệ nhị cũng bị Derdas sát hại vì đã khoe khoang là có quan hệ tình dục với Derdas. Evagoras, vua xứ Cyprus, bị một tên hoạn quan sát hại để trả mối thù bị làm nhục vì vợ của y bị con trai của Evagoras cuỗm mất. Rất nhiều những âm mưu bắt nguồn từ những hành vi đáng khinh bỉ của người lãnh đạo đối với thần dân của mình. Thí dụ như vụ Crataeas tấn công vua Archelaus. Crataeas luôn luôn có ác cảm với Archelaus, cho nên, khi nhà vua thất hứa không gả một trong hai cô con gái cho mình mà lại gả cô chị cho vua xứ Elymeia và cô em cho Amyntas với hy vọng là Amyntas sẽ không gây rắc rối với con trai của nhà vua với Cleopatra—Crataeas dùng việc này làm nguyên cớ để đánh Archelaus, dù rằng một chuyện nhỏ hơn thế cũng đủ làm động cơ tạo phản, vì nguyên do chính là mối ác cảm có sẵn đối với nhà vua. Và cũng từ một động cơ tương tự Hellonocrates của xứ Larissa đồng mưu với Crataeas để đánh lại vua Archelaus, tình nhân của mình, vì Archelaus đã không làm tròn lời hứa đưa mình lên làm vua xứ Larissa vì mối quan hệ giữa hai người không phải vì tình yêu mà vì quyền lực. Pytho và Heracleides xứ Aenos cũng vậy, giết Cotys để trả thù cho cha, và Adamas nổi lên chống lại Cotys để trả thù cho việc bị nhà vua ngược đãi tình dục khi còn là thiếu niên.[10]

Nhiều người khác đã giết những quan chức của nhà nước và hoàng thân vì cảm thấy bị những người này lăng nhục. Vì thế, tại Mytilene, Megacles cùng bạn bè tấn công và giết chết những kẻ cầm quyền thuộc dòng họ Penthilidae, vì họ đánh đập nhân dân nơi công cộng. Một thời gian sau, Smerdis, người bị nhà độc tài Penthilus đánh đập và chia rẽ vợ con, đã giết chết nhà vua này. Trong một âm mưu chống lại Archelaus, Decamnichus đã khích động những kẻ thích khách và chỉ huy nhóm này tấn công Archelaus. Tất cả chỉ vì nhà vua đã để cho Decamnichus bị thi sĩ Euripides dùng trượng đánh nơi công cộng vì đã dám chê hơi thở của Euripides không được thơm tho. Còn nhiều thí dụ khác cho thấy mưu toan thí vua đã xảy ra vì những lý do tương tự.

Sự sợ hãi cũng là một động cơ khác khiến người ta âm mưu tạo phản trong cả chế độ quân chủ lẫn những chế độ khác. Artapanes âm mưu tạo phản và hành thích Xerxes,[11] vì sợ nhà vua xử phạt về tội đã xử giảo Darius mà không có lệnh của vua, dù trong một buổi tiệc nhà vua đã ban lời tha tội, nhưng Artapanes vẫn sợ nhà vua sẽ quên mất lời tha tội.

Một động cơ khác nữa là sự khinh bỉ và coi thường, như trường hợp của Sardanapalus, vua xứ Assyria bị giết vì người ta thấy ông ngồi chải len, đan áo với phụ nữ. Chuyện này do người ta kể lại, không biết đúng hay sai, nhưng nếu không đúng trong trường hợp này, thì cũng đúng trong trường hợp khác. Dion tấn công Dionysius đệ Nhị, vua xứ Syracuse, vì khinh bỉ nhà vua lúc nào cũng say sưa và thấy rằng nhà vua bị chính thần dân khinh ghét. Ngay cả những người bạn của nhà độc tài cũng sẽ có khi tấn công ông ta vì khinh bỉ; sự ỷ lại vào thuộc hạ sẽ khiến cho họ nảy sinh lòng khinh miệt vì họ nghĩ rằng nhà độc tài sẽ chẳng bao giờ để ý đến điều gì hết.Ngoài ra, triển vọng thành công trong âm mưu thí vua cũng là một động cơ giống như sự khinh miệt. Những kẻ âm mưu dám nổi loạn và không quản đến hiểm nguy vì họ nghĩ rằng đã nắm được sức mạnh trong tay. Cho nên, những ông tướng trong quân đội thường tấn công những nhà vua của mình. Thí dụ như Cyrus tấn công nhà vua Astyages vì khinh thường lối sống xa hoa và sự nhu nhược của nhà vua. Seuthes, một tướng quân người xứ Thrace đã âm mưu chống lại vua Amadocus cũng vì những lý do tương tự.

Cũng có khi người ta bị khích động làm loạn vì nhiều lý do, như Mithridates mưu toan làm phản lại phó vương Ariobarzanes một phần vì xem thường vị phó vương này, phần khác vì lòng tham của cải.

Những kẻ có bản tính cương cường lại được nắm quyền quân sự cao là những kẻ rất dễ nổi lòng tạo phản khi thấy có cơ hội thành công, vì quyền lực làm gia tăng dũng khí cho nên sự kết hợp hai điều này lại sẽ làm cho những ông tướng có hy vọng thành công trong việc tạo phản một cách dễ dàng.

Còn những âm mưu do danh vọng thúc đẩy lại xảy ra theo một cách khác với những điều ta mới bàn. Có những người sẽ không bao giờ liều mạng với một niềm hy vọng là sẽ thủ đắc được của cải hay chức vụ dù những điều đó có lớn lao đến đâu, nhưng họ lại sẵn sàng hành thích nhà vua, vì đó là một hành vi táo tợn khiến cho họ được nổi danh khắp thế giới. Những kẻ này không thèm muốn một vương quốc, mà thèm muốn danh vọng. Tuy nhiên, cũng hiếm khi có những người như vậy, vì những ai mưu toan thí vua cũng phải chấp nhận cái chết nếu thất bại. Kẻ đó phải có cái tâm quyết tử của Dion, người dám tấn công Dyonysius chỉ với một ít quân sĩ đi theo: “Ta đã quyết chí rồi, bất kể kết quả thế nào ta cũng mãn nguyện, ngay cả phải gục chết khi vừa đổ bộ.” Đó là một quyết tâm không phải ai cũng có.

Những chế độ độc tài, giống như những loại chính thể khác, cũng bị một chính quyền ngoại bang mạnh hơn và có chế độ đối nghịch tấn công và tiêu diệt. Sự kiện này thật hiển nhiên, vì hai chế độ đối nghịch với nhau; và tất cả mọi người, nếu thấy có thể làm được điều họ muốn, thì họ sẽ làm liền. [Có hai nguyên nhân, thứ nhất,] theo nguyên tắc “thợ ghét thợ” của Hesiod,[12] chế độ dân chủ là chế độ phản diện của chế độ độc tài, vì cả hai rất giống nhau: dân chủ đi đến cực đoan trở thành độc tài; còn chế độ quân chủ và quý tộc xung đột với độc tài là vì đối nghịch về tinh thần.[13] Đó là lý do tại sao xứ Sparta, theo quân chủ, lại đàn áp hầu như toàn thể các chế độ độc tài, và xứ Syracuse dưới chế độ quý tộc cũng hành động tương tự trong thời thịnh trị của mình.

Chế độ độc tài cũng bị tiêu diệt vì nội họa, khi chính trong gia tộc của nhà độc tài chia rẽ, như trường hợp của Gelo và gần đây nhất là trường hợp của Dionysius. Trong trường hợp Gelo, Thrasybulus là anh của vua Gelo và Hiero, người kế vị Gelo. Khi Hiero qua đời, Thrasybulus lại nịnh hót con của Gelo, người kế vị Hiero và dụ dỗ vị hoàng tử này vào con đường hưởng lạc và thao túng quyền hành. Thân nhân của Gelo bèn tìm cách diệt trừ Thrasybulus hòng cứu lấy nhà độc tài, nhưng thấy thời cơ thuận tiện cũng chiếm lấy quyền hành và trục xuất tất cả ra khỏi nước. Trong trường hợp Dionysius thì Dion, cũng là họ hàng với nhà vua, tấn công và trục xuất nhà vua ra khỏi nước, và trở thành nhà độc tài kế tiếp, nhưng sau đó cũng bị ám sát chết.

Có hai động lực chính khiến cho những nhà độc tài bị lật đổ: sự khinh miệt và lòng oán ghét. Lòng dân oán ghét nhà độc tài là một điều ắt phải xảy ra, và sự khinh bỉ mới thường là nguyên nhân dẫn đến sự lật đổ. Ta thấy những nhà độc tài sau khi chiếm được quyền hành giữ vững được quyền thống trị, nhưng con cháu họ thừa kế không được lâu vì cuộc sống trong nhung lụa khiến họ trở nên hèn yếu và tạo ra nhiều cơ hội cho những người tạo phản. Sự giận dữ cũng bao hàm trong lòng oán ghét và dễ đưa đến tạo phản hơn. Sự giận dữ khiến người ta tấn công hung hãn hơn vì lúc đó họ không còn tuân theo lý trí nữa. Không có gì làm cho ta dễ nổi giận hơn là khi bị lăng nhục. Đây cũng là nguyên do đưa đến sự sụp đổ của dòng họ Peisistratidae và những nhà độc tài khác. Người ta khi oán ghét vẫn còn có lý trí, nhưng cơn giận thường đi đôi với sự tổn thương tâm lý, và sự tổn thương tâm lý khiến người ta không còn suy nghĩ gì được nữa.

Tóm lại, những nguyên do đưa đến sự sụp đổ của chế độ quả đầu và chế độ dân chủ cực đoan cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chế độ độc tài. Thực ra những chế độ trên khi đi đến cực đoan cũng chỉ là chế độ gồm có nhiều nhà độc tài mà thôi. Chế độ quân chủ là chế độ ít bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân từ bên ngoài tác động vào, cho nên, tồn tại lâu dài; chế độ này sụp đổ thường vì nội họa hơn là ngoại xâm. Sự diệt vong của chế độ quân chủ xảy ra theo một trong hai cách; thứ nhất là khi chính trong hoàng gia tranh giành quyền lực với nhau, và thứ hai là khi nhà vua muốn cai trị theo phong cách của một nhà độc tài, áp dụng quyền lực của mình trái với luật pháp. Chế độ quân chủ ngày nay không còn nữa, những chế độ nào tự cho là quân chủ thì hoặc là chế độ cá nhân cai trị hay độc tài mà thôi. Chế độ quân chủ là chế độ mà sự cai trị của nhà vua được sự ưng thuận của nhân dân và nhà vua là người quyết định tối cao trên tất cả những vấn đề quan trọng; nhưng ngày nay chế độ quân chủ đã trở thành lỗi thời vì người ta đã dần dần trở nên bình đẳng hơn, và không có ai được coi là có tài năng siêu tuyệt hơn người khác để xứng đáng hưởng những vinh dự của ngai vàng. Cho nên, người ta sẽ không còn chấp nhận một chế độ như vậy nữa. Và những kẻ nào mà chiếm lấy quyền lực bằng sức mạnh hay mưu toan thì tức khắc sẽ bị xem là độc tài. Trong chế độ quân chủ cha truyền con nối, một nguyên do khác đưa đến sự sụp đổ là những ông vua sẽ bị nhân dân khinh thường, vì dù không nắm quyền chuyên chế của nhà độc tài mà chỉ có danh vị hoàng gia thôi, thì nhà vua cũng đủ làm cho nhân dân bất mãn. Việc lật đổ những ông vua như vậy là một việc dễ dàng, vì nhà vua sẽ không còn được coi là vua nữa khi nhân dân đã hết thần phục. Nhà độc tài, trái lại, có thể duy trì chế độ lâu dài dù dân có thích hay không thích.

Sự suy sụp của chế độ quân chủ là do những nguyên do vừa trình bày và những nguyên do tương tự.

Chương 11

Ta có thể nói một cách tổng quát, hai chế độ quân chủ và độc tài được duy trì bởi những nguyên nhân đối nghịch với những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của chế độ. Hãy xét từng loại chế độ, khởi đầu là chế độ quân chủ. Chế độ quân chủ được duy trì nhờ vào sự giới hạn quyền lực của nhà vua. Quyền lực của nhà vua càng bị giới hạn chừng nào, thì quyền lực càng giữ được nguyên vẹn; bởi vì như vậy thì sự cai trị của nhà vua sẽ ôn hòa và sẽ không bị thần dân ganh ghét. Đó là lý do tại sao triều đình của vua người Molossian đã tồn tại được lâu dài. Tương tự như vậy triều đình Sparta cũng tồn tại lâu dài vì quyền lực được chia cho hai ông vua cùng trị vì, rồi sau đó còn bị Theopompus (một trong hai vị vua) giới hạn hơn nữa qua sự thiết lập Giám sát viện. Hành động này giảm đi quyền lực của nhà vua, nhưng lại lập nên một căn bản lâu dài cho địa vị của nhà vua, và như thế là tăng thêm chứ không phải giảm đi quyền lực của nhà vua. Chuyện kể rằng khi hoàng hậu hỏi nhà vua là ngài có thấy xấu hổ khi truyền ngôi lại cho con trai mà lại có ít quyền lực hơn khi ngài thừa hường từ vua cha không? Nhà vua trả lời, “Không, vì những quyền lực ta trao lại sẽ tồn tại lâu dài hơn.”

Còn những chế độ độc tài lại được duy trì bằng hai cách đối nghịch nhau. Một là phương thức cổ truyền mà đa số những nhà độc tài thường áp dụng. Khi bàn về những phương kế này thì Periander người xứ Corinth vẫn được xem là bậc thầy, và những mưu chước tương tự có thể đã học được từ người Ba Tư về cách thức cai trị của họ. Những mưu chước này đã được bàn qua trước đây; để bảo vệ chế độ tài càng lâu càng tốt, thì nhà độc tài nên san bằng ngọn những ai vượt trội hơn người khác, giết hết những người có chí khí, cấm không cho hội họp, ăn chung, dạy học, và phải canh chừng bất cứ những hành vi nào có thể khiến người dân trở nên can đảm hay tự tin hơn. Thêm nữa nhà độc tài còn phải cấm luôn cả những buổi văn nghệ hay thảo luận văn chương, và phải dùng mọi cách để người dân không được quen biết nhau (vì sự quen biết sẽ dẫn đến tin tưởng lẫn nhau). Ngoài ra, nhà độc tài còn phải buộc tất cả mọi người sống trong thành thị phải xuất hiện giữa nơi công cộng gần nơi cổng thành. Làm như thế để lúc nào cũng biết được dân chúng đang làm gì [và tạo nên một ảnh hưởng tâm lý] là nếu người dân luôn luôn bị đè nén, thì họ sẽ quen nhịn nhục. Nói cách khác, nhà độc tài nên áp dụng những mưu chước như thế hay những cách thức của người Ba Tư hay của những quân man rợ khác, vì đó là những phương thức có cùng tác dụng duy trì chế độ độc tài. Nhà độc tài cũng cần phải biết mỗi thần dân của mình nói hay làm gì, và phải sử dụng những tên chỉ điểm, giống như những nữ điệp viên tại Syracuse, hay những kẻ dò la mà nhà độc tài Hiero thường phái tới những nơi hội họp. Chính vì sự sợ hãi những tên chỉ điểm mà người dân không dám nói lên những suy nghĩ thực sự của họ, và nếu họ có nói ra, thì nhà độc tài cũng biết ngay. Một mưu chước nữa của nhà độc tài là tạo ra mâu thuẫn và nghi ngờ lẫn nhau trong nhân dân, bạn bè nghi kỵ nhau, quần chúng bất mãn với quý tộc, và những kẻ giàu có cũng tranh chấp lẫn nhau. Thêm vào đó, nhà độc tài cần phải bần cùng hóa nhân dân khiến cho dân vì phải lo kiếm sống mà không còn thì giờ âm mưu nổi loạn nữa. Công trình xây cất Kim tự tháp Ai cập là một thí dụ của của chính sách này; một thí dụ khác là dâng hiến những của lễ xa hoa cho thần thánh như nhà độc tài Cypselus đã làm, hay như Peisistratidae cho xây đền thờ Zeus, hay như Polycrates cho xây những đài tưởng niệm tráng lệ tại Samos. Những công trình này đều có mục đích làm cho quần chúng nghèo đi và khiến cho họ không còn thì giờ suy nghĩ việc gì nữa. Còn một phương thức nữa mà những nhà độc tài thường làm là tăng thêm nhiều mức thuế, như Dionysus đã làm tại Syracuse là tạo ra một mức thuế mà trong năm năm, nhân dân phải nộp hết toàn bộ tài sản của họ cho công quỹ. Nhà độc tài cũng là những kẻ hay gây chiến tranh để khiến cho thần dân bị bận tâm và luôn luôn cần đến một người lãnh đạo. Trong khi quyền lực của nhà vua được duy trì nhờ ở những người bạn, ngược lại, nhà độc tài lại ngờ vực ngay cả những bạn bè của mình, vì họ biết rằng mọi người đều muốn lật đổ họ, vì chính những người bạn này là những kẻ có đủ lực để tạo ra đảo chánh.

Chưa hết, nhà độc tài cũng áp dụng những mưu chước quỷ quyệt thường được sử dụng trong những chế độ dân chủ cực đoan. Thí dụ như cho phụ nữ có quyền lực trong gia đình để họ báo cáo về hành vi của người chồng và cho phép nô lệ được quyền báo cáo chủ. Lý do là vì nô lệ và phụ nữ không âm mưu chống lại nhà độc tài mà lại còn ủng hộ chế độ độc tài và chế độ dân chủ—họ được sống sung sướng hơn dưới hai chế độ này. Vì người ta có khuynh hướng làm hài lòng bậc quân vương, cho nên, trong cả chế độ quân chủ lẫn độc tài, những kẻ nịnh hót thường được giữ chức vụ cao; còn trong chế độ dân chủ, đó chính là những kẻ mị dân, và nhà độc tài chỉ thích những kẻ xu nịnh khúm núm ở chung quanh

Cho nên, những nhà độc tài luôn luôn ưa thích những người xấu, vì họ thích được nịnh hót, ngược lại không có người nào có tinh thần của một người tự do lại hạ mình xuống nịnh hót người khác. Những người tốt có thể làm bạn với họ, nhưng chắc chắn không bao giờ nịnh hót. Thêm vào đó, những người xấu lại hữu dụng cho những mục đích xấu, như tục ngữ thường nói “dĩ độc trị độc.” Tính cách của kẻ độc tài là không ưa bất cứ ai có sự độc lập và nhân phẩm; y chỉ muốn mình là người duy nhất có những phẩm chất đó, và những ai tỏ ra mình là người có tư cách và độc lập thì họ đã xâm phạm vào đặc quyền và trở thành kẻ thù của nhà độc tài. Một đặc tính khác nữa của nhà độc tài là ưa thích ngoại kiều hơn là thần dân của mình và thích giao dịch với họ. Thần dân bị họ coi là kẻ thù, còn ngoại kiều thì không có gì tranh chấp với họ hết.

Đó là những điều nhà độc tài cần ghi nhớ và những mưu chước cần dùng để duy trì quyền lực; đối với nhà độc tài, không có thủ đoạn xấu xa nào y không dám làm. Những điều ta đã bàn có thể tóm lại thành ba điểm chính ứng với ba mục tiêu của nhà độc tài. Đó là (1) làm mất phẩm giá của thần dân, vì những người có ý chí thấp kém thì sẽ chẳng dám âm mưu chống lại ai; (2) tạo ra sự nghi kỵ giữa đám thần dân với nhau, vì chẳng ai dám lật đổ nhà độc tài cho đến khi người dân bắt đầu có được sự tin tưởng lẫn nhau; đó cũng là lý do tại sao nhà độc tài phải luôn tìm cách đàn áp những người tốt vì không những không thể cai trị họ một cách độc đoán, mà còn vì họ luôn trung thành với nhau; (3) nhà độc tài muốn cho thần dân của mình không có khả năng hành động, bởi vì chẳng có ai lại đi làm một việc bất khả thi. Nếu họ bất lực thì họ sẽ không nghĩ đến cách lật đổ nhà độc tài. Đó là ba điểm chính tạo nên chính sách của nhà độc tài. Ta có thể suy từ đó ra như sau: (1) tạo nghi kỵ giữa quần chúng; (2) tước đoạt khả năng hành động; (3) hạ thấp phẩm giá của thần dân.

Đây là một trong hai phương pháp qua đó các chế độ độc tài được duy trì, và phương pháp thứ hai hầu như lại theo một nguyên tắc trái ngược hẳn với phương pháp thứ nhất. Ta có thể hiểu được phương pháp này bằng cách so sánh với những nguyên do dẫn dến sự sụp đổ của chế độ quân chủ. Vì một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này là sự biến thể chế độ quân chủ thành độc tài, cho nên, để duy trì chế độ, nhà độc tài nên cai trị như thể đó là một chế độ quân chủ. Nhưng nhà độc tài phải cẩn thận và phải giữ đủ quyền lực cai trị thần dân dù họ có muốn hay không. Nếu bỏ mất quyền lực này thì chế độ độc tài cũng tiêu vong. Nhưng dù phải giữ quyền lực để làm căn bản, trên những phương diện khác nhà độc tài phải tỏ ra có phong thái của một vị vua.[14] Trước hết, nhà độc tài phải làm bộ như là quan tâm đến công quỹ và không phí phạm của công vào những món quà xa xỉ khiến quần chúng phải bất bình khi thấy mồ hôi nước mắt của họ bị tước đoạt và phung phí cho những tì thiếp hay giao thương với ngoại quốc. Nhà độc tài nên công bố cho nhân dân biết con số chi thu của công quỹ (một phương cách mà nhiều nhà độc tài đã áp dụng)[15] để cho nhân dân thấy mình là người chăm lo cho dân chứ không phải là nhà độc tài; làm như vậy nhà độc tài cũng không sợ bị thâm hụt ngân sách vì quyền lực vẫn còn nắm chắc trong tay. Chính sách này còn có nhiều lợi điểm khi nhà độc tài phải xuất ngoại và để lại một ngân khố bị thiếu hơn là dư; lý do là vì một ngân khố vơi sẽ ít khi làm cho các quan coi ngân khố ở trong nước nổi lòng tạo phản. Và nhà độc tài khi xuất chinh có nhiều lý do để sợ các quan trông coi tài chánh ở nhà tạo phản hơn là sợ nhân dân vốn thường tháp tùng nhà độc tài đi chinh chiến. Thứ hai, nhà độc tài nên tỏ ra rằng mình có thâu thuế hay bắt dân chúng làm sưu dịch là chỉ vì lợi ích chung của cả nước, hay để dành cho ngân sách chiến tranh, và luôn luôn tỏ ra mình là người bảo hộ của dân và những tài sản đó là của nhân dân. Nhà độc tài nên tỏ ra uy nghiêm chứ đừng hà khắc và khiến cho dân khi gặp mặt phải tôn kính thay vì sợ hãi. Dù sao, đối với một nhà độc tài thật khó mà khiến cho dân tôn kính khi chính y không tạo được lòng kính trọng của nhân dân; cho nên, nếu nhà độc tài không có vẻ uy nghi hay các đức tính khác, thì tối thiểu cũng phải tỏ ra có phong cách một tướng quân lẫm liệt. Nhà độc tài và những quan lại phải tránh không được xâm phạm tiết hạnh của thần dân, trai cũng như gái.[16] Phụ nữ trong gia đình của nhà độc tài cũng phải giữ ý trong quan hệ với những phụ nữ khác. Sự xấc láo của phụ nữ đã làm sụp đổ nhiều chế độ độc tài. Còn về việc hưởng thụ, nhà độc tài nên tránh không như những nhà độc tài ta thấy hiện nay là say sưa và hưởng lạc từ sáng đến tối khiến cho dân chúng ganh ghét. Trong việc hưởng thụ, nhà độc tài phải tỏ ra điều độ có chừng mực, còn nếu không thì cũng không phơi bày những thói xấu cho dân chúng biết. Một nhà độc tài mà lúc nào cũng say sưa và ngầy ngật thì chẳng sớm thì muộn cũng bị khinh bỉ và lật đổ.

Cách hành xử của nhà độc tài cũng vậy, phải ngược lại với hầu hết những cách cư xử của nhà độc tài ta đã bàn trước đây. Nhà độc tài phải lo tô điểm và cải tiến quốc gia, như thể mình không phải là nhà độc tài mà là người bảo hộ quốc gia. Thêm nữa, nhà độc tài cũng phải tỏ ra là một người phục vụ Thượng đế một cách nhiệt thành; vì nếu người dân nghĩ rằng người cầm quyền là một người có niềm tin và kính phục Thượng đế, thì họ sẽ cảm thấy an tâm hơn và không sợ bị nhà cầm quyền đối xử bất công, và như thế sẽ ít có khuynh hướng làm phản hơn, nhất là khi họ nghĩ rằng nhà cầm quyền được Thượng đế phù trợ. Nhưng nhà độc tài cũng phải cẩn thận đừng để cho người dân nghĩ rằng mình là kẻ hồ đồ mê tín dị đoan. Nhà độc tài cũng phải đề cao những người có tài và tạo cho họ cảm tưởng rằng chỉ có dưới chế độ của mình họ mới được hưởng danh vọng như vậy, chứ còn dưới chế độ dân chủ thì họ sẽ không được hưởng danh vọng như vậy. Nhà độc tài phải tự thân hành ban phát danh vọng, nhưng khi trừng phạt thì nên để cho tòa án hay viên chức chánh quyền thi hành. Cũng giống như trong trường hợp những chế độ quân chủ, nhà độc tài không nên ban phát danh vọng cao cả cho riêng một cá nhân nào mà nên cho nhiều người cùng một lúc, vì những người này sẽ tự động canh chừng lẫn nhau. Còn nếu mà phải khen thưởng một cá nhân nào thật là xuất sắc, thì người đó không nên là người có tinh thần táo bạo, vì tính chất táo bạo rất khó bị kềm chế để không đi chệch hướng. Và nếu phải thu hồi quyền lực của ai, thì việc này nên làm từ tốn, chứ đừng tước hết quyền lực ngay một lúc. Nhà độc tài còn phải tự chế không làm những hành vi trắng trợn sỉ nhục người khác, một cách cụ thể là những hành vi phóng đãng đối với người trẻ, và phải đặc biệt thận trọng đối với những người trọng danh dự. Nếu những kẻ yêu tiền bị xúc phạm khi của cải của họ bị ảnh hưởng, thì những người trọng danh dự sẽ bị xúc phạm khi danh dự bị tổn thương. Cho nên, nhà độc tài không bao giờ phạm vào những hành vi vừa nêu mà nên tỏ ra là một người cha sửa đổi chứ không chà đạp con dân và trong quan hệ với giới trẻ phải tỏ ra đó là tình thương mến chứ không phải lạm dụng quyền lực. Một cách tổng quát, đối với những trường hợp người dân bị xúc phạm, nhà độc tài phải biểu lộ sự quan tâm bằng sự đền bù danh dự nhiều hơn.

Đối với những kẻ mưu toan ám sát, đó là những kẻ nguy hiểm nhất và cần phải bị canh chừng rất cẩn thận, vì đó là những kẻ sẵn sàng liều mạng. Cho nên, nhà độc tài cần phải đặc biệt chú ý đến những người nghĩ rằng chính họ hay người thân của họ bị lăng nhục, vì những người do xúc cảm mà tấn công người khác thường không còn lý gì đến sinh mạng nữa. Heracleitus đã nói: “Khó lòng chống lại cơn nóng giận, vì người ta đã sẵn sàng liều mạng.”

Còn trong một nước mà có hai giai cấp giàu và nghèo, nhà độc tài nên tỏ ra cho cả hai biết rằng họ đều được bảo vệ và không để cho bên nào làm hại bên nào. Còn nếu bên nào mạnh hơn thì nhà độc tài nên sát nhập vào lực lượng của mình. Làm như vậy nhà độc tài không cần phải giải phóng nô lệ hay tước khí giới của công dân. Bất kể là bên nào khi được sát nhập vào lực lượng có sẵn đều khiến cho lực lượng của nhà độc tài trở nên mạnh mẽ hơn.

Tới đây ta đã có đủ chi tiết để hình dung ra chính sách chung của một nhà độc tài. Nhà độc tài phải biểu lộ cho thần dân thấy mình là người bảo hộ và là một nhà vua chứ không phải là nhà độc tài. Nhà độc tài không nên chiếm hữu tài sản của thần dân, phải tỏ ra là người ôn hòa, chừng mực và có cuộc sống không quá xa hoa, phải tranh thủ thành phần quý tộc bằng tình thân thiện và quần chúng bằng những lời ngọt ngào phủ dụ. Làm như vậy thì nhà độc tài sẽ cai trị dễ dàng hơn và cao quý hơn vì thần dân là những người dân tốt hơn vì không bị đàn áp, và chính nhà độc tài không trở thành đối tượng bị căm ghét và không cần phải sợ hãi gì nữa. Quyền lực của nhà độc tài, do đó, sẽ tồn tại lâu hơn. Tính tình của nhà độc tài sẽ trở nên tốt lành, hoặc không tốt hẳn thì cũng không xấu hẳn.

Chương 12

Thế nhưng không có một mô hình chính quyền nào mà lại tồn tại ngắn ngủi như chế độ quả đầu và độc tài. Chế độ độc tài do Orthagoras và các con cháu cai trị kéo dài được một trăm năm. Lý do là dòng họ Orthagoras cai trị vừa phải, không có những chính sách hà khắc quá và phần lớn là theo những luật lệ đã được ban hành. Nhà độc tài Cleithenes thì lại được thần dân  tôn trọng nhờ vào tài quân sự. Nếu ta có thể tin được những tài liệu còn để lại, thì Cleithenes còn trao tặng huân chương cho người trọng tài khi quyết định là ông ta đã thua trong một cuộc thi đua, và người ta còn truyền rằng bức tượng người ngồi giữa quảng trường Sicyon có dáng vẻ của người trọng tài này. Một truyện tương tự là nhà độc tài Peisistratus xứ Athens thỉnh thoảng cũng bị Viện Lập pháp Athens gọi ra chất vấn.

Nếu tính về thời gian tồn tại lâu dài, thì sau chế độ Orthagoras là chế độ của Cypselidae, xứ Corinth; chế độ này tồn tại được bảy mươi ba năm và sáu tháng: Cypseles cai trị được ba mươi năm, Periander được bốn mươi năm rưỡi, và  Sammetichus (con của Gorgus) được ba năm. Sự liên tục của chế độ này cũng từ những nguyên do tương tự như đã bàn ở trên: Cypselus là một nhà lãnh đạo được lòng dân đến nỗi trong suốt thời gian cai trị không cần dùng đến quân thị vệ; còn Periander, dù là một nhà độc tài, nhưng cũng là một quân nhân tài ba. Kế đến là chế độ của Peisistratidae tại Athens; nhưng chế độ này không được liên tục. Peisistratidae bị nhân dân trục xuất hai lần, thành ra trong ba mươi ba năm, ông ta trị vì chỉ được mười bảy năm và con trai nối nghiệp được mười tám năm——tổng cộng là ba mươi lăm năm. Trong số những nhà độc tài khác mà tồn tại lâu dài, thì phải kể đến Hiero và Gelo ở xứ Syracuse. Tuy thế, các chế độ này cũng chỉ được tổng cộng mười tám năm. Gelo cai trị trong bảy năm và chết vào năm thứ tám; Hiero cai trị được mười năm, và Thrasybulus bị lật đổ sau mười tháng cai trị. Thực ra, các chế độ độc tài thường chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Tôi đã điểm qua hầu hết những nguyên nhân mà những chế độ theo hiến pháp và quân chủ được duy trì hay bị hủy diệt.

Trong Cộng Hòa Luận của Plato, Socrates bàn về những sự thay đổi chế độ, nhưng không được sâu sắc cho lắm, vì ông không nhắc gì đến nguyên nhân gây ra sự thay đổi có ảnh hưởng đến cái nhà nước đầu tiên, tức là nhà nước toàn hảo. Ông chỉ nói rằng nguyên nhân của những thay đổi là vì không có gì trên đời tồn tại vĩnh viễn, và mọi điều đều thay đổi theo một chu kỳ nhất định; thêm vào đó, nguồn gốc của sự thay đổi này bao gồm trong những con số “3, 4 và 5” tạo thành một cấp số hài hòa.[17] Socrates cho rằng thiên nhiên cũng có lúc sản sinh ra những người xấu không thể giáo hóa được, và về điều này thì ta thấy cũng đúng vì thực sự có những người không thể nào giáo hóa được để trở thành người tốt.[18] Nhưng ông không giải thích tại sao đó chỉ là nguyên nhân gây ra thay đổi cho nhà nước hoàn hảo mà không xảy ra cho mọi mô hình nhà nước khác, hay bất cứ điều gì hiện hữu? Còn nữa, nếu theo lập luận là thời gian làm thay đổi mọi sự, thì chẳng lẽ những sự việc không khởi đầu cùng lúc như nhau, phải thay đổi cùng một lúc? Thí dụ, nếu có vật gì đó được tạo ra trong ngày trước khi chu kỳ thời gian hoàn tất, thì vật đó có phải thay đổi cùng với những vật được tạo ra trước khi nó hiện hữu không? Thêm nữa, tại sao mô hình nhà nước hoàn hảo lại phải chuyển đổi thành mô hình nhà nước Sparta? Chính quyền thường thay đổi sang mô hình đối nghịch với nó chứ không sang mô hình tương tự. Lập luận này cũng có thể áp dụng cho những thay đổi mà Socrates nhắc tới, như chế độ Sparta chuyển sang quả đầu, rồi từ quả đầu chuyển sang dân chủ, rồi từ dân chủ sang chế độ độc tài. Nhưng thực ra những sự thay đổi chính thể lại theo chiều hướng ngược lại; chế độ dân chủ dễ bị thay đổi thành quả đầu hơn là thành quân chủ. Ngoài ra, Socrates không hề bàn tới việc chế độ độc tài có dễ bị thay đổi hay không, và nếu có thì nguyên nhân là gì và thay đổi sang mô hình nào. Lý do là vì ông không giải thích được. Theo lập luận của Socrates thì sau khi chuyển biến sang chế độ độc tài, thì nhà nước đó sẽ phải chuyển biến để trở lại tình trạng hoàn hảo lúc ban đầu để hoàn tất một chu kỳ. Nhưng trong thực tế thì một chế độ độc tài thường thay đổi thành một chế độ độc tài khác, như chế độ tại Scyon đổi từ chế độ độc tài của Myron sang chế độ độc tài của Cleithenes; hay sang chế độ quả đầu như nhà độc tài Antileon đã làm ở Chalcis; hay sang chế độ dân chủ như gia đình Gelo đã làm tại Syracus; hay sang chế độ quý tộc như ở Carthage, hay nhà độc tài Charilaus đã làm ở Sparta. Thông thường chế độ quả đầu thay đổi thành độc tài như hầu hết các chế độ quả đầu thời cổ tại Sicily, thí dụ như chế độ quả đầu tại Leontini đổi thành chế độ độc tài của Panaetius; như chế độ quả đầu tại Gela biến thành chế độ độc tài của Cleander, và tại Rhegium biến thành chế độ độc tài của Anaxilaus. Điều này cũng xảy ra cho nhiều nước khác. Đây cũng là điều kỳ lạ trong lập luận của Socrates khi cho rằng một nước biến sang quả đầu chỉ vì giai cấp cai trị trở thành những kẻ yêu tiền, chứ không phải vì những người giàu có cho rằng đó là điều bất công khi cho những người nghèo khó được tham dự vào chính quyền như họ. Hơn nữa, trong nhiều chế độ quả đầu có những luật lệ cấm những việc làm mang lại lợi tức. Nhưng tại Carthage, một chế độ dân chủ, thì lại không cấm đoán điều này; và cho đến ngày nay, người Carthage chưa làm cách mạng bao giờ hết. Một điều lạ nữa là Socrates lại cho rằng chế độ quả đầu gồm có hai nước, một của người giàu và một của người nghèo. Chẳng phải đây là điều mà nước nào cũng có, vì có nước nào mà người dân ai cũng giàu có (hay nghèo), hay tốt như nhau? Một người dân không cần phải trở nên nghèo hơn ngày hôm trước, nhưng một chế độ quả đầu có thể thay đổi thành dân chủ nếu người nghèo trong chế độ này trở thành đa số; và chế độ dân chủ có thể trở thành quả đầu nếu những người giàu có trở thành đa số và năng động hơn thành phần còn lại. Chưa hết, dù những nguyên nhân gây ra thay đổi chế độ thì nhiều không đếm xuể, nhưng Socrates chỉ điểm qua một điều, đó là người dân trở nên nghèo vì phung phí tài sản và mang nợ, như thể tất cả những người dân, hay đa số người dân đều là những người giàu có từ thuở ban đầu. Điều này không đúng, mặc dầu có thể đúng với những người lãnh đạo khi họ bị mất hết tài sản thì rất dễ làm “cách mạng.” Nhưng với đa số dân chúng thì không đúng là họ sẽ thay đổi chế độ thành dân chủ mà có thể thay đổi thành bất cứ mô hình chính quyền nào khác. Nói cách khác, nếu người ta bị tước đoạt danh dự, bị xâm phạm, làm nhục, thì người ta sẽ làm cách mạng và thay đổi chế độ, dù cho họ không có phung phí tài sản theo kiểu tự do quá trớn như Socrates đã lập luận.

Tóm lại, mặc dù có nhiều loại chế độ quả đầu và dân chủ, Socrates chỉ bàn đến một mô hình thay đổi chế độ mà thôi.

 

 

[1] Aristotle cho rằng sự bình đẳng đúng nghĩa là sự bình đẳng theo tỷ lệ; thí dụ lương của một kỹ sư thì cao hơn lương của một công nhân.

[2] Nghĩa vụ quân sự chỉ dành cho công dân tại Athens.

[3] Aristotle đưa ra hai thí dụ liên quan đến những nước được thành lập bởi những sắc dân khác nhau. Những thí dụ sau là trường hợp những nước đã được thiết lập nhận thêm các sắc dân khác vào sau.

[4] Người quân tử vẫn thường được răn là phải cố giữ cho được: “Uy vũ bất năng khuất, Bần tiện bất năng di, và Phú quý bất năng dâm” (Mạnh Tử — thiên Đằng Văn Công hạ).

[5] Dưới thời Aristotle, chế độ quả đầu là chế độ do người giàu cầm quyền, còn chế độ dân chủ do người nghèo cầm quyền; cho nên, nếu không còn người giàu hay nghèo, thì chế độ quả đầu hay dân chủ không còn có nghĩa nữa.

[6] Quần chúng lúc này lấy số đông để áp đặt ý muốn của mình mà không còn đếm xỉa gì đến luật pháp nữa.

[7] Chế độ quân chủ (chính quyền một người), theo Aristotle, bao gồm cả chế độ do nhà vua cai trị hay chế độ độc tài cá nhân.

[8] Nhà độc tài (tyrant) theo tiếng Hy lạp là tyrannos, thời Aristotle dùng để chỉ người lên nắm quyền một cách bất hợp pháp bằng bạo lực, chứ chưa hẳn nhà độc tài đã là kẻ tàn ác.

[9] Em gái của Harmodius được nhà vua Peisistratidae mời dâng lễ vật trong một kỳ tế lễ thần linh, nhưng khi nghi lễ diễn ra thì nhà vua lại đuổi cô gái này ra vì cho rằng cô không còn là một trinh nữ. Đây là một điều sỉ nhục lớn lao cho cả gia đình Harmodius.

[10] Đoạn này Aristotle mô tả những sự nổi loạn liên quan đến tình dục đồng tính liên quan đến cung đình.

[11] Xerxes là đại đế của đế quốc Ba Tư, trị vì từ 485-465 trước Tây lịch. Ataphanes là chỉ huy của Ngự lâm quân.

[12] Hesiod là một thi sĩ nổi tiếng của Hy lạp trong khoảng năm thứ 700 trước Tây lịch. Nguyên tắc này có thể diễn nôm “hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ.”

[13] Theo thuật ngữ ngày nay đó là “xung đột vì ý thức hệ.”

[14] Trong đoạn này Aristotle đưa ra những “thuật làm nhà độc tài” mà Machiavelli sau này đã dẫn trong quyển “Quân Vương” vào thế kỷ 16.

[15] Dưới chế độ độc tài, ngân quỹ chỉ luôn luôn thiếu chứ không thể có dư, nhưng khi chi thu được tuyên bố công khai, người dân sẽ có cảm tưởng là nhà độc tài là người chính trực (Người dịch).

[16] Người Hy lạp thời cổ chấp nhận đồng tính luyến ái (Người dịch).

[17] Có lẽ Socrates ám chỉ định lý Pythagore (một tam giác vuông có chiều dài của ba cạnh là 3, 4, và 5): 32 + 42 = 52.

[18] Plato và những người theo trường phái triết lý của ông, như Pythagore, tin rằng vũ trụ được điều hành bởi một sự kỳ bí của toán học, và khuyến cáo rằng những nhà lãnh đạo của nhà nước hoàn hảo phải chú trọng đến việc phối hợp hôn nhân để cho sự truyền giống được bảo đảm tốt, phù hợp với quy luật của toán học chi phối cả vũ trụ thiên nhiên và con người (theo ghi chú của Barker).