Lawrence W. Reed
La Mã, như người ta thường nói, không được xây dựng trong một ngày. Nó cũng không bị hủy hoại trong một ngày, cũng không phải bởi một người. Trong Lời kết của cuốn sách Caesar và Chúa Kitô (1944), nhà sử học Will Durant đã lưu ý rằng, “Một nền văn minh vĩ đại không bị chinh phục từ bên ngoài cho đến khi nó tự hủy diệt từ bên trong. Những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến sự suy tàn của La Mã nằm ở người dân, đạo đức, cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, sự buôn bán thất bát, chế độ chuyên quyền quan liêu, thuế má ngột ngạt, và những cuộc chiến tiêu hao của La Mã.”
Không phải là tôi không đồng ý với tuyên bố của Durant. Tuy nhiên, nếu muốn mô tả, chỉ bằng một từ, lý do tại sao Cộng hòa La Mã cổ đại sụp đổ, tôi sẽ không chọn bất kỳ điều gì mà Durant đề cập ở đây. Tôi sẽ không chọn tham nhũng, cũng không phải bất kỳ nghi phạm thông thường nào khác: chiến tranh, chủ nghĩa xã hội, chế độ nô lệ, nhà nước phúc lợi, lòng đố kỵ, xung đột dân sự, ngoại xâm, xói mòn nhân cách, thuế, quan liêu, chi tiêu hoặc nợ nần. Đó đều là những yếu tố quan trọng nhưng chúng chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân, như tôi đã giải thích trong bài luận năm 2014: “Sự sụp đổ của nền Cộng hòa.”
Hơn bất cứ điều gì khác, sự sụp đổ kéo dài của nền Cộng hòa 500 năm tuổi của La Mã phải được đặt trước ngưỡng cửa của ảnh hưởng có tính chất ăn mòn nhất trong các vấn đề của nhân loại. Đó là chất độc tinh thần có thể xoắn và làm biến dạng ngay cả những người tốt nhất, đàn ông cũng như đàn bà, nếu họ cho phép nó bén rễ trong tâm hồn họ. Tôi muốn nói đến quyền lực — thực thi quyền kiểm soát người khác. Nói một cách đơn giản là việc theo đuổi quyền lực, cho dù cuối cùng người ta có đạt được nó hay không, thì bản thân quyền lực đã là một chất làm người ta say sưa.
Vì hầu hết mọi người không ai muốn người khác kiểm soát mình, nên một người muốn kiểm soát người khác sớm hay muộn phải thuyết phục nạn nhân của mình (nếu ông ta không giết họ trước) rằng sẽ là điều tốt hơn cho họ , nếu hoặc là họ chấp nhận quyền lực hoặc không chống lại nó. Điều đó luôn đòi hỏi sự dối trá và mưu mô và cuối cùng là vũ lực và bạo lực. Tôi càng quan sát cách hành xử của những kẻ tìm kiếm quyền lực — các tập đoàn hiện tại cũng như đám người từ thùng rác lịch sử — tôi càng tin rằng quyền lực là cách chính để cho cái thuần Ác đó tự nó hiển lộ.
Marius và sự tha hoá của quyền lực
Gần đây, nhận thức này của tôi đã được củng cố thêm khi đọc cuốn sách mới của Marc Hyden, Gaius Marius,Sự Hưng Suy của vị Cứu tinh của La Mã. Chủ đề của Hyden, Marius (157 TCN – 86 TCN), được cho là một người tốt trong thời kỳ đầu của ông — một người yêu nước La Mã, một anh hùng quân đội có những cải cách giúp bảo vệ nền Cộng hòa và một công chức siêng năng trong chính phủ cổ đại. Tuy nhiên, khi vươn tới đỉnh cao, tham vọng quyền lực ông ta đã biến thành kẻ thù của chính nền Cộng hòa mà ông từng thề sẽ bảo vệ.
Marius cho phép long ham muốn quyền lực thiêu huỷ linh hồn của mình. [Để miêu tả quyền lực của Marius, xin mượn một cụm từ hùng hồn từ Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Daniel O. Hastings bang Delaware, trong một bối cảnh khác vào năm 1935]: Ông ta sở hữu “nhiều quyền lực hơn bất kỳ người tốt nào nên muốn, và nhiều quyền lực hơn bất kỳ loại người nào khác phải có.” Câu chuyện của Marius là bằng chứng cho nhận xét của Montesquieu rằng “kinh nghiệm thường xuyên cho chúng ta thấy rằng mọi người khi được ban cho quyền lực đều có xu hướng lạm dụng nó và thực hiện quyền uy của mình tới mức tối đa.”
Marius không phải là người đầu tiên trong lịch sử, cũng không phải là người cuối cùng, đi từ tốt thành xấu đến không thể cứu vãn vì lời nguyền của quyền lực. Maximilien Robespierre là một người khác. Robespierre khởi đầu là một nhà cải cách thời Khai sáng, người ủng hộ quyền tự do và phản đối án tử hình. Trên đường đến đỉnh cao quyền lực trong cuộc Cách mạng Pháp những năm 1790, ông ta đã triệt tiêu quyền tự do, đưa ra tác phẩm “Khủng bố” nổi tiếng và ra lệnh dùng máy chém hàng nghìn người. Trước khi mất đi cái đầu của mình chính vì cái máy chém đó, ông ấy đã mất trí, thậm chí còn tạo ra một tôn giáo mới mà ông ấy gọi là “Giáo phái của Đấng Tối cao” với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm của nó.
Hyden theo dõi những năm tháng hình thành của Marius, xuất thân trong một gia đình bình dân ở nông thôn, lối sống khắc khổ và không có tiền sử tổ tiên tham gia vào chính trị. Marius nếm trải quyền lực đầu tiên khi được thăng cấp trong quân đội, được hỗ trợ bởi cấp trên, những người nhận thấy những kỹ năng đáng ngưỡng mộ, khả năng lãnh đạo và sự ngưỡng mộ của những thuộc cấp của mình. Tại một thời điểm nào đó, người ta cảm nhận được rằng lời nguyền sức mạnh đã bắt đầu xuất hiện và bắt đầu lấn át bản chất tốt đẹp hơn của ông ta. Marius, dù có ý thức hay không, quyết định một chút quyền lực là không đủ và quyền lực bắt nguồn từ sự đồng ý tự nguyện gần như không gợi cảm bằng sức mạnh đến từ việc dẫm lên người khác. Để đặt mình cho quyền lực cao hơn bao giờ hết, ông ta đã phản bội những người bạn đáng tin cậy và phớt lờ luật pháp và truyền thống La Mã.
Và thế là xong nền Cộng hoà
Trong bức tranh lớn hơn, sự đi lên của Marius phản ánh những phát triển đáng lo ngại trong thế kỷ cuối của nền Cộng hòa mà ông ta sống. Hyden ghi nhận,
Chính quyền không còn [đại diện cho] một cách tiếp cận tối giản để bảo vệ các quyền cơ bản nhất của công dân mặc dù vẫn tôn vinh những đức tính lâu đời của họ. Chính quyền trở thành một cơ chế để đạt được vinh quang, sự giàu có và phúc lợi cá nhân, luôn phải trả giá bằng những người đóng thuế, những người bị chinh phục hoặc những người lính lê dương chăm chỉ. Thường dân, tầng lớp quý tộc và bản thân nhà nước dần dần bị tha hóa hoàn toàn. Giai cấp vô sản ngày càng đòi hỏi những khoản phát chẩn ngày càng lớn.
Hiến pháp của Cộng hòa, giống như của nước Anh ngày nay, là một bản bất thành văn nhưng bắt nguồn từ nhiều thế kỷ theo phong tục, tiền lệ và sự chấp nhận của dân chúng. Một trong những điều khoản của nó là giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí cao nhất, đó là quan chấp chính tối cao. Một nhiệm kỳ duy nhất được coi là đủ cho bất kỳ người nào, ít nhất là trong khoảng thời gian mười năm, để tránh sự tập trung quyền lực có thể làm suy yếu các quyền tự do mà Hiến pháp đã bảo đảm. Marius đã tự nói cho mình (và cả Thượng viện La Mã) tin rằng ông ta là người không thể thiếu được của La Mã. Ông đã “phục vụ” sáu nhiệm kỳ với tư cách là quan chấp chính tối cao, dù không phải tất cả đều liên tiếp, và qua đời mười bảy ngày sau lần chấp chính thứ bảy, một chuyện chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, một người bắt đầu sự nghiệp công của mình với tư cách là người bảo vệ nền Cộng hòa, cuối cùng đã góp phần to lớn vào việc đẩy nó trượt dài sang chế độ chuyên chế. Chưa đầy một thế kỷ sau khi Augustus trở thành Hoàng đế trọn đời giữa đống đổ nát của nơi từng có lẽ là xã hội tự do nhất trên hành tinh, đối với những người khôn ngoan và suy ngẫm rằng Marius là chìa khóa trong số những người thực sự bảo đảm cho cái chết của Cộng hòa La Mã. Quyền lực và sự trớ trêu thường là những kẻ đồng mưu.
Tự do chết như thế này đây
Quá nhiều lần trong lịch sử để đếm, đây là cách tự do bị mất. Những kẻ xấu có quyền lực luôn ẩn nấp trong số những người có ý định tốt, kẻ xấu lợi dụng sự cả tin và ngây thơ của kẻ tốt để thúc đẩy chương trình nghị sự của chính họ. Đây là cách mà các Hiến pháp bị cản trở. Các tài liệu từng được thiết lập để ràng buộc và hạn chế những kẻ mưu cầu quyền lực bị rơi rụng từng cái môt, khi đối mặt với một loạt các “dịp đặc biệt”: các trường hợp khẩn cấp có thực hoặc tưởng tượng, lợi ích ngắn hạn, sự lôi cuốn của vinh quang hoặc sự thiếu kiên nhẫn đối với cái tâm thức “Hãy làm gì đó ngay bây giờ.” Những kẻ có quyền lực thích nó khi quần chúng cho phép họ thao túng những điều này. Hyden mô tả con dốc trơn trượt trong ngày của Marius:
Hiến pháp của Cộng hòa cũng ngày càng bị phớt lờ, bẻ cong và bị vượt qua cho đến khi nó có vẻ mang tính gợi ý hơn là pháp trị. Tổ tiên của Cộng hòa đã thận trọng thiết lập các hình thức hiến pháp và giới hạn quyền lực vì lý do chính đáng, nhưng người dân dường như háo hức bỏ qua tầm nhìn xa của người sáng lập vì sự thuận tiện thiển cận. Ở La Mã, người ta phát hiện ra rằng khi một chính trị gia bẻ cong chế độ pháp trị của quốc gia vì lợi ích cá nhân, các chính khách khác ngày càng noi theo tấm gương mù. Sau đó, luật pháp ngày càng biến thái, và mỗi hành động thường biến thái hơn so với luật trước đó. Chu kỳ tiếp tục, và kết quả thật tàn khốc khi La Mã đấu tranh để tồn tại như một nước cộng hòa còn sống.
Marius, Hyden báo cáo, “cai trị công bằng trong phần lớn sự nghiệp lừng lẫy của mình, nhưng đến cuối cuộc đời dài đằng đẵng của mình, ông ta không sử dụng được thủ tục pháp lý nào vì ông ta kết án tử hình nhiều người không vì lý do gì khác ngoài việc họ xúc phạm ông ta hoặc ủng hộ Sulla ,kẻ thù của ông ta.” Nghe có vẻ giống như một bản diễn lại đơn điệu của rất nhiều chính trị gia của nhà nước phúc lợi ngày nay, ông ta đã hối lộ cử tri bằng tiền “công” để củng cố quyền lực của mình. Ông ta “liên tục thiết lập quan hệ đối tác với các chính trị gia vô đạo đức để đạt được mục đích mong muốn của mình.” Và ông ta đã từ bỏ lối sống khắc khổ từng có của mình “cho một trong những thứ xa hoa lộng lẫy và đôi khi, dường như phô trương sự giàu có và danh dự to lớn của mình.”
“Sự thật đáng buồn,” Hyden lưu ý, là con người hiếm khi trở nên có đạo đức hơn một khi họ có được quyền lực. Với nhưng trường hợp ngoại lệ hiếm hoi nhất, đó có thể là sự thật lâu dài nhất trong lịch sử.
Tôi để nó cho độc giả quan tâm tìm hiểu thêm từ cuốn sách hấp dẫn này của Hyden về La Mã. Khi bạn đọc nó, hãy coi nó hơn câu chuyện của một đời cổ đại. Hãy coi nó như một sự giải thíchvề quyền lực. Nhà sử học La Mã Tacitus biết rõ ông ấy đang nói về điều gì khi viết vào năm 117 sau Công Nguyên, “Sự ham muốn quyền lực là đam mê nóng bỏng nhất trong tất cả các đam mê.”
Nông Duy Trường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân October 2022
Tác giả: Lawrence W. Reed là Cựu Chủ tịch của FEE (2008-2019)
Nguồn: https://fee.org/articles/the-lust-for-power-led-to-rome-s-decline-and-fall/