fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Sự xung đột của các tư tưởng kinh tế

Lawrence H. White[1]

Tháng 7/8 năm 2012 – Cuốn 62/ Tập 6

Vào mùa thu năm 1905, tại trường Đại Học Cambridge trang nghiêm của nước Anh, một sinh viên trên bậc đại học tên là John Maynard Keynes[2] bắt đầu học khoá đầu tiên và khoá duy nhất về kinh tế. Ông theo học tám tuần lễ dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi danh Alfred Marshall[3]. Trong mùa hè Keynes đã đọc tác phẩm (xuất bản lần thứ ba) lúc bấy giờ rất thịnh hành là Các Nguyên Tắc về Kinh Tế của Marshall, trong đó có tổng hợp các lý thuyết kinh tế cổ điển và mới, và lúc đó là cuốn sách giáo khoa kinh tế đứng hàng đầu trong thế giới nói tiếng Anh. Chẳng bao lâu, Marshall có những ấn tượng rất tốt về tài năng kinh tế của Keynes. Chính Keynes cũng có ấn tượng rất tốt về mình như vậy. Có lần ông ta nói với một bạn thân là: “Tôi nghĩ rằng tôi khá giỏi về kinh tế,” và nói thêm, “Rất thú vị và rất dễ dàng nắm vững nguyên lý của các vấn đề đó.” Một tuần lễ sau, ông ta viết: “Marshall cứ thúc giục tôi trở thành một kinh tế gia chuyên nghiệp.”

Tại một trại lính của quân đội Áo trên bờ sông Piave thuộc miền Bắc nước Ý, vào những tháng cuối cùng của Thế chiến Thứ Nhất, trong một lúc tạm giao chiến, một thiếu úy trẻ tuổi tên là Friedrich August von Hayek[4] mới có dịp đọc những bài viết đầu tiên về kinh tế (không kể các tờ truyền đơn về xã hội chủ nghĩa mà ông đã đọc khi còn ở đại học), đó là hai quyển sách do một người bạn đồng đội cho mượn. Về sau, ông không hiểu tại sao những cuốn sách như vậy lại “không làm cho ông chán ghét cái môn kinh tế,” bởi vì đó là “những bài viết về kinh tế nghèo nàn nhất không thể tưởng tượng được.” Sau chiến tranh, khi trở về đại học Vienna, người cựu chiến binh trẻ tuổi đó mới thật sự đam mê về kinh tế, khi ông thấy cuốn sách của một giáo sư đã về hưu tên là Carl Menger[5]. Tác phẩm Các nguyên tắc kinh tế của Menger vào năm 1871 đã đồng thời phát động một cuộc cách mạng theo chủ nghĩa biên tế và chủ quan trong lý thuyết kinh tế. Cuộc cách mạng đã cho Marshall những ý tưởng mới trong tác phẩm tổng hợp của ông. Hayek thấy tác phẩm của Menger “rất thú vị và rất hợp ý.”

Keynes và Hayek sẽ giữ những vai trò hàng đầu trong các cuộc xung đột về tư tưởng kinh tế trong cuộc Khủng hoảng Kinh tế Toàn cầu. Các tư tưởng của hai ông đã cung cấp thông tin cho các cuộc tranh luận cơ bản về chính sách kinh tế từ đó đến nay. Đến năm 2010 và 2011 sự cạnh tranh về trí thức của hai người đó còn là đề tài cho hai cuốn video dưới dạng nhạc rap lan tràn trên mạng.

Keynes thẳng tay bác bỏ chủ thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith[6]. Trong đoạn mở đầu của bài thuyết trình năm 1924 xuất bản năm 1926 dưới dạng một tiểu luận, với nhan đề là Sự cáo chung của kinh tế tự do, ông nói: “Thế giới không được trị vì bởi một đấng tối cao khiến cho các quyền lợi tư và quyền lợi của xã hội luôn luôn hợp với nhau. Và thực tế là ở dưới hạ giới này thế giới đó cũng không được điều hành để những quyền lợi đó trùng hợp với nhau. Suy luận từ những nguyên tắc kinh tế cho rằng những quyền lợi cá nhân sáng suốt luôn luôn hành động thuận lợi cho quyền lợi công cộng thì điều đó không đúng.” Một cách rõ ràng Keynes phủ nhận là các lực thị trường phân tán cũng đủ để ấn định khối lượng và sự phân bố về tiết kiệm và đầu tư. Ông nói :” Tôi không nghĩ rằng, trong tình trạng hiện tại, những vấn đề này có thể hoàn toàn giao phó cho sự ngẫu nhiên của các phán đoán của giới tư nhân và theo lợi nhuận tư nhân.” Trong tác phẩm Lý thuyết tổng quát về nhân dụng và tiền lãi và tiền[7] xuất bản năm 1936, Keynes nhấn mạnh quan điểm là không có thể trông cậy vào các lực của thị trường để giao một số lượng đủ lớn về đầu tư một cách nói chung. Cần có phải sự điều phối của một chính quyền sáng suốt.

Keynes là người đứng hàng đầu chủ trương quan điểm rằng chính phủ cần phải kiểm soát nhiều hơn đối với ngành kinh tế. Hayek là người đứng hàng đầu chủ trương quan điểm rằng chính phủ cần phải bớt kiểm soát các lực của thị trường. Cả hai người đều là đại diện rất hữu ích cho hai phe đối lập bởi vì cả hai người đều có ảnh hưởng, chứ không phải bởi vì họ có một lập trường hoàn toàn đối nghịch vào lúc đó. Keynes không muốn hủy bỏ thị trường hoàn toàn như là các nhà tư tưởng cộng sản chủ trương. Keynes dứt khoát bác bỏ chủ nghĩa cộng sản của Nga vì ba lý do: (1) nó “phá hoại tự do và sự an toàn của cuộc sống bình thường;” (2) lý thuyết kinh tế Mác-xít “không những sai lầm về khoa học mà lại còn không có lợi và không thể áp dụng cho thế giới hiện đại” và các tài liệu về chủ nghĩa Mác-xít đều có ” luận điệu khoa trương rẻ tiền;” và (3) nó “đề cao giai cấp vô sản thô lậu và đặt họ lên trên giới tiểu tư sản và giới trí thức.” Nói một cách khác, chủ nghĩa Mác-xít miệt thị những người như Keynes và những người cùng một giai cấp với Keynes. Hayek cũng không muốn hủy bỏ chính quyền hoàn toàn như những nhà tư tưởng về chế độ tư bản vô chính phủ. (Vâng, thực sự là có những người muốn chủ trương một nền kinh tế thị trường không có chính phủ).

Trong phần lớn thế kỷ thứ 20, quan điểm của Keynes về việc chính phủ cần giữ một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế đã rất phổ biến trong các giới hướng dẫn dư luận và do đó vai trò của chính quyền đã gia tăng. Tuy Keynes không chủ trương hoàn toàn kế hoạch bởi nhà nước nhưng ông ủng hộ quan điểm là cần có kế hoạch nhiều hơn. Trong một lá thư gởi cho Hayek, trả lời những sự phê bình của Hayek về vấn đề vai trò nhà nước lập kế hoạch trong tác phẩm Con đường tới chế độ nông nô[8]xuất bản năm 1944 của Hayek, Keynes đã viết: ” Tôi cần phải nói rằng không phải chúng ta không muốn có kế hoạch, hay là có kế hoạch ít hơn, thực ra tôi muốn nói là chúng ta cần phải có kế hoạch nhiều hơn.”

Kinh tế chính trị tại Mỹ trong Thời Đại Tiến Bộ

Các tư tưởng kinh tế ủng hộ sự gia tăng của vai trò chính quyền trong nền kinh tế không phải chỉ bắt đầu từ Keynes. Thực ra, không phải là chỉ tới thế kỷ thứ hai mươi những tư tưởng này mới xuất hiện. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín chẳng hạn, Huê Kỳ bước vào một thời kỳ có thay đổi ý thức hệ chuyển sang chiều hướng chính quyền có vai trò tích cực hơn, thời kỳ này bây giờ được gọi là Thời Kỳ Tiến Bộ. Có nhiều nhà kinh tế đã giữ những vai trò quan trọng trong phong trào ý thức hệ và chính trị này, và đưa ra các lập luận cũng như cổ võ cho các dự luật để gia tăng vai trò của chính quyền liên bang trong nền kinh tế, từ những đạo luật như Đạo luật Chống Độc Quyền Sherman năm1890, Đạo luật Thực Phẩm và Dược Liệu Sạch năm 1906 và Đạo luật Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang năm 1913.

Vào cuối những năm 1870 và 1880 các nhà kinh tế Mỹ trẻ tuổi sau khi theo học cấp trên Đại Học từ Đức về, đã mang theo những ý tưởng và phương thức làm việc mà họ khai triển thành những trường phái tư tưởng gọi là Trường phái Kinh tế Định chế. Vào năm 1885 một nhà kinh tế 31 tuổi Richard T. Ely[9] của Đại Học Johns Hopkins University đứng đầu một nhóm các nhà kinh tế này và lập ra Hiệp Hội Kinh Tế Hoa Kỳ (American Economic Association). Hiệp Hội đã nhanh chóng trở nên và hiện nay vẫn còn là tổ chức đứng hàng đầu gồm các nhà kinh tế. Trong số các nhiệm vụ đầu tiên của tổ chức này là nhằm tập hợp các kinh tế gia chống lại các tư tưởng tự do kinh tế. Trong bản Công bố Nguyên Tắc đầu tiên của tổ chức, Hiệp Hội này xác nhận là “nhà nước là một cơ quan cung cấp những sự trợ giúp tích cực và vai trò đó là một trong những điều kiện không thể thiếu trong sự tiến bộ của nhân loại.”

Ely và những người đồng hướngg tự coi mình là những người trong “trường phái mới” bất đồng chính kiến với kinh tế cổ điển và tân cổ điển và với trường thuyết tự do cạnh tranh. Ely mô tả những người trong môn phái mới là những người tìm sự thật về khoa học; và những sự tìm tòi về lịch sử của họ đã cho thấy những lợi ích của việc lập các công đoàn và việc đình công. Họ tìm thấy trong chủ nghĩa xã hội “những sự thật quan trọng và rất hữu ích mà đáng tiếc là tới lúc đó vẫn chưa được chú ý tới,” và họ đã “lật đổ nhiều giáo điều theo môn phái chính thống vẫn được ưa chuộng” về tài chánh . Kết quả là lúc bấy giờ có nhiều “nhà kinh tế chính trị giảng dạy những chủ thuyết khác với các lý thuyết mà trước đó đã được những thành phần có ảnh hưởng trong xã hội chấp nhận.” Ely rõ ràng gắn bó trường phái mới ở Mỹ với những điều giảng dạy của các nhà lịch sử kinh tế Đức.

Sự kiện nhiều nhà kinh tế trước năm 1930 đã đưa ra các lập luận chống lại tự do kinh doanh và ủng hộ những chủ trương của phe Tiến bộ có thể là điều ngạc nhiên đối với những người cho rằng các nhà kinh tế chuyên môn hầu như luôn luôn ủng hộ quan điểm thị trường tự do, hay ít ra là họ đã chủ trương như vậy cho đến khi có Keynes. Một điều may mắn — hay không may mắn — là sự chuyên tâm của các kinh tế gia vào chủ thuyết tự do kinh doanh đã bị nhấn mạnh quá mức, đối với các nhà kinh tế trước cuộc khủng hoảng kinh tế và đối với các nhà kinh tế ngày nay. Chính Keynes cũng nhấn mạnh quá mức quan điểm của các nhà kinh tế trước thời ông và ngay cả nhà báo kiêm nhà kinh tế được giải Nobel năm 2009 là Paul Krugman cũng nghĩ như vậy khi ông viết vào năm 2007 rằng: “Cho tới khi John Maynard Keynes xuất bản cuốn Lý thuyết Tổng quát về Nhân dụng, Tiền lời và Tiền năm 1936 thì khoa kinh tế — ít ra là trong thế giới nói tiếng Anh — hoàn toàn bị chi phối bởi phe chính thống chủ trương thị trường tự do. Đôi khi cũng có những tư tưởng bất đồng nhưng các tư tưởng đó đều bị dẹp đi..”

Thực vậy, có một số lớn các nhà kinh tế nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Anh đã chủ trương những tư tưởng dị biệt với tư tưởng thị trường tự do trong năm sáu chục năm trước năm 1936. Nhưng họ cũng không bị gạt bỏ ra ngoài lề của ngành kinh tế, và tư tưởng của họ không phải lúc nào cũng bị bác bỏ. (Nói cho đúng thì ngành kinh tế luôn luôn gạt sang bên lề những người nghiệp dư bất đồng chính kiến, nhưng lý do là họ là vì [họ bị coi là] những người nghiệp dư chứ không phải là vì quan điểm về chính sách của họ). Ely và các người chủ trương chủ nghĩa định chế của Mỹ là những người nổi tiếng về kinh tế. Fred Taylor[10] trong buổi diễn văn với tư cách là Chủ tịch Hiệp Hội Kinh Tế Mỹ năm 1928 đã đưa ra một đề nghị với tựa đề là Hướng Dẫn Sản Xuất trong một Nhà nước theo Chủ nghĩa Xã hội. Và ngay cả các nhà lý thuyết gia cổ điển đứng hàng đầu như Henry Sidgwick[11], Alfred Marshall và Arthur Pigou[12] tại Đại Học Cambridge hay Irving Fisher[13] tại Đại Học Yale cũng không bị gạt ra ngoài lề hoặc bị bác bỏ khi họ chỉ trích chế độ tự do kinh doanh. Trong một diễn văn năm 1907 Marshall nói rằng: “Nói chung các nhà kinh tế mong có sự gia tăng trong các vai trò của nhà nước để cải thiện xã hội.” Trong khi đó, cũng vào năm đó Fisher cũng cảm thấy hài lòng là “sự thay đổi từ môn phái hoàn toàn tự do của các nhà kinh tế cổ điển chuyển sang các lý thuyết hiện đại về sự điều hoà của chính phủ và sự kiểm soát về xã hội” đã diễn ra trong nhiều thập niên trước đó.

Cuộc xung đột tiếp diễn giữa các tư tưởng kinh tế không những phản ảnh sự khác biệt sâu xa về triết lý đối với giá trị của tự do của cá nhân mà nó cũng phản ảnh những sự khác biệt lý thuyết về những giá trị tương đối giữa thị trường tự do và sự điều hướng của chính quyền đối với nền kinh tế. Một thị trường cạnh tranh hướng dẫn bởi những lực về lời lỗ hoàn toàn không thiên vị có hữu hiệu hơn là một sự điều khiển và kiểm soát của chính quyền trong việc điều hướng đầu tư để cho phát triển mạnh hơn không ? Nhận thức then chốt của khoa kinh tế học là sự đóng góp lớn nhất để tìm hiểu cái thế giới của xã hội để tránh những chính sách có hại. Nhận thức đó cho rằng, với những điều kiện thuận lợi như quyền tư hữu, cai trị bằng luật pháp và tự do gia nhập thị trường, thì một trật tự kinh tế sẽ xuất hiện mà không cần cơ quan trung ương đưa ra. Và cái trật tự kinh tế đó thật sự phục vụ cho mục đích tối hậu của các thành phần tham gia. Theo sự phân tích và câu nổi tiếng của Adam Smith thì các người đầu tư đều được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình để khiến cho sự theo đuổi lợi ích cá nhân của họ hợp với việc góp phần vào sự phồn vinh của kinh tế nói chung, mặc dầu họ không có ý định như vậy. Từ đó đến nay, ý tưởng này của Smith đã được xác nhận và được khai triển bởi rất nhiều các nhà kinh tế. Mặc dầu ý tưởng đó đã bị thách thức bởi những người khác nhưng nó vẫn luôn luôn được chứng minh bằng những kinh nghiệm có được trong một trăm năm vừa qua.

Bài viết này được trích từ Lời nói đầu và Chương 1của tác phẩm Sự Xung đột của các Tư tưởng về Kinh tế: Các Tranh luận lớn về Chính sách và các Sự Thử nghiệm của một Trăm năm qua, của Lawrence H. White (The Clash of Economic Ideas: The Great Policy Debates and Experiments of the Last Hundred Years, by Lawrence H. White. Copyright © 2012 Lawrence White). Bản quyền năm 2012 của Lawrence White. Được The Freeman in lại với sự chấp
thuận của Nhà Xuất bản Đại Học Cambridge.

Song Ngọc

© Học Viện Công Dân 2013

Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/features/the-clash-of-economic-ideas/


[1] Lawrence H. White là giáo sư kinh tế học tại đại học George Mason University và là chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm Mercatus Center.

[2] John Maynard Keynes, (1883 – 1946): nhà kinh tế người Anh. Các tư tưởng kinh tế của ông đẵ ảnh hưởng sâu xa tới lý thuyết cũng như hoạt động và chính sách kinh tế của khoa kinh tế vĩ mô hiện đại.

[3] Alfred Marshall (1842 – 1924): một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn trong khoa kinh tế học. Tác phẩm Principles of Economics (1890) [Nguyên tắc Kinh tế] là cuốn sách giáo khoa thông dụng nhất tại nước Anh trong nhiều năm.

[4] Friedrich August Hayek (1899 – 1992), thường được biết là F. A. Hayek, kinh tế gia và triết gia nổi tiếng về tư tưởng bênh vực chủ nghĩa tự do cổ điển.

[5] Carl Menger (1840 – 1921) sáng lập ra môn phái Kinh tế Áo (Austrian School of economics), nổi tiếng về việc đóng góp vào thuyế lợi ích biên tế (marginal utility)

[6] Adam Smith (1723-1790) kinh tế gia, tác giả cuốn “Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân của tài sản các quốc gia” (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations ‘1776)., gọi tắt là The Wealth of Nations. Ông được coi là “cha đẻ của khoa kinh tế hiện đại”.

[7] The General Theory of Employment, Interest, and Money (1936)

[8] The Road to Serfdom (1944)

[9] Richard Theodore Ely (1854-1943), kinh tế gia Hoa kỳ, lãnh đạo Phong trào Tiến bộ đòi chính quyền phải can thiệp để xóa bỏ các bất công trong chế độ tư
bản.

[10] Fred Manville Taylor ( 1855- 1932), là kinh tế gia Mỹ, nổi tiếng về đóng góp vào chủ nghĩa xã hội thị trường.

[11] Henry Sidgwick (1838 – 1900), triết gia và kinh tế gia , thuộc trường phái lợi ích có nhiều ảnh hưởng trong khoa kinh tế học.

[12] Arthur Cecil Pigou (1877 – 1959), kinh tế gia người Anh, có những đóng góp quan trọng trong ngành kinh tế phúc lợi (welfare economics).

[13] Irving Fisher (1867 – 1947), kinh tế gia người Mỹ, một trong số những nhà kinh tế tân cổ điển đầu tiên.