fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tại sao Phản kháng Dân sự có hiệu quả — Lý luận chiến lược về phản kháng bất bạo động

Tác giả

LGT: Bài viết này là phần trích dịch từ tài liệu nghiêu cứu dài 22 trang của hai tác giả Maria J. Stephan và Erica Chenoweth.

Maria J. Stephan là Giám đốc Các Chương trình Giáo dục (Director of Educational Initiatives) tại Trung tâm Quốc tế về Chống đối Bất bạo động( International Center on Nonviolent Conflict).

Erica Chenoweth là Phó giáo sư Khoa Chính quyền (Assistant Professor of Government) tại Wesleyan University và là Nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (Postdoctoral Fellow) tại Trung tâm Khoa học và Bang giao Quốc tế Belfer (Belfer Center for Science and International Affairs) trong trường John Kennedy về Chính quyền (John F. Kennedy School of Government) trường Đại học Harvard.

***

Trong thời gian vừa qua, các cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu về sự hiệu nghiệm của các phương pháp tranh đấu thường bao hàm giả định là phương pháp hiệu nghiệm nhất để tiến hành đấu tranh chính trị là có bạo động. Trong số các nhà khoa học chính trị, phần lớn có quan điểm là các phong trào chống đối thường lựa chọn các phương pháp bạo động bởi vì các phương pháp đó hiệu nghiệm hơn các chiến lược bất bạo động để đạt được mục đích. Mặc dầu có những giả định như vậy, nhưng từ năm 2000 tới 2006 các tổ chức dân sự  đã thường thành công trong việc chống đối bằng  phương pháp bất bạo động—bao gồm những hình thức như tẩy chay, đình công, biểu tình phản kháng và bất hợp tác có tổ chức — để thách thức chính quyền ngoan cố  và đã đạt được những sự nhân nhượng về chính trị tại Serbia (2000), Madagascar (2002), Georgia (2003), Ukraine (2004 – 05), Lebanon (2005) và Nepal (2006). Sự thành công của các phong trào bất bạo động này — đặc biệt là so với những các cuộc nổi dậy bạo động kéo dài ở trong cùng một nước — khiến cho chúng ta cần tìm hiểu sự kiện này một cách có hệ thống.

Các tài liệu hiện hữu giải thích tại sao các phong trào bất bạo động là những phương tiện hiệu nghiệm để chống đối. Tuy nhiên, có rất ít tài liệu nghiên cứu một cách toàn diện và phân tích tất cả những điều đã quan sát được trong các cuộc chống đối bạo động và bất bạo động để so sánh hai loại chống đối này. Tài liệu khảo cứu này nhằm bổ túc sự thiếu sót đó bằng cách tìm hiểu một cách có hệ thống sự hiệu nghiệm về chiến lược trong các phong trào bạo động và bất bạo động trong những cuộc chống đối giữa chính quyền và các tổ chức ngoài chính quyền, dựa trên những dữ kiện tổng hợp về các phong trào chống đối bạo động hoặc bất bạo động lớn từ năm 1900 đến năm 2006. Để tìm hiểu những cơ chế tạo ra kết quả khác biệt, chúng tôi cũng so sánh các dữ kiện thống kê với các trường hợp nghiên cứu tình huống đã xảy ra, trong đó đã có những giai đoạn bạo động và bất bạo động.

Chúng tôi thấy 53% các phong trào bất bạo động lớn đã thành công so với 26% các phong trào chống đối bạo động. Sự thành công này có hai lý do:

Thứ nhất:  Quyết tâm của các phong trào dùng phương pháp bất bạo động đã tạo ra sự chính danh cho phong trào trong quốc nội và quốc tế và khuyến khích quần chúng tham gia rộng rãi hơn vào cuộc chống đối và đã gia tăng áp lực đối với đối tượng chống đối. Việc công nhận sự thử thách đối trong việc chống đối của các tổ chức, có thể tạo ra sự hỗ trợ bên trong và bên ngoài cho tổ chức và cô lập chế độ là đối tượng của cuộc chống đối và làm suy yếu những nguồn tạo ra thế lực chính trị, kinh tế và ngay cả quân sự của chế độ.

Thứ nhì: trong khi cách chính quyền thường dễ dàng biện minh cho việc dùng bạo động chống lại các phe nổi loạn có võ trang thì việc dùng võ lực của chính quyền để chống lại các phong trào bất bạo động thường có ảnh hưởng bất lợi cho chính quyền. Dân chúng có thể có cảm tình thường nhận xét là những phong trào tranh đấu bạo động có khuynh hướng đòi hỏi quá đáng hay cực đoan mà đối tượng của sự chống đối không thể chấp nhận. Mặt khác dân chúng lại nhận thấy các tổ chức chống đối bất bạo động được coi là kém cực đoan. Do đó các tổ chức này được dân chúng ủng hộ và có thể dễ đòi được sự nhượng bộ trong khi thương lượng.

Những điều chúng tôi tìm thấy đi ngược lại với quan điểm thông thường cho rằng dùng bạo động để chống lại đối phương có thế lực mạnh hơn là phương pháp hiệu nghiệm nhất để thực hiện được các mục tiêu chính trị. Thay vào đó, chúng tôi khẳng định rằng chống đối bất bạo động là một phương thức mạnh khác thay thế cho bạo động chính trị và có thể tạo ra những sự thách thức hữu hiệu đối với đối tượng chống đối dân chủ hoặc không dân chủ, và đôi khi có thể hiệu nghiệm hơn chống đối bạo động.

Bài này được khai triển như sau. Đoạn thứ nhất trình bày lập luận chính của chúng tôi. Đoạn thứ hai đưa ra các dữ kiện và các báo cáo sơ khởi về những chúng tôi tìm thấy trong dữ kiện thực nghiệm. Đoạn thứ  ba chúng tôi đánh giá ba trường hợp nghiên cứu tình huống bao gồm chống đối bất bạo động và bạo động tại Đông Nam Á. Sau đó chúng tôi kết luận và đưa ra một số khuyến cáo về lý thuyết cũng như về chính sách dựa trên những điều đã tìm thấỵ

Hình thức nào công hiệu? Lý luận chiến lược về phản kháng bất bạo động

Phản kháng bất bạo động là một phương pháp dân sự dùng để đấu tranh bằng các phương tiện xã hội, tâm lý, kinh tế và chính trị mà không dùng tới bạo lực. Nó bao gồm những hành động từ chối không làm hay làm những hành động bị ngăm cấm, hoặc phối hợp cả hai cách hành động. Các nhà nghiên cứu đã nhận định hàng trăm phương pháp bất bạo động — trong đó có phản đối một cách tượng trưng, tẩy chay về kinh tế, đình công, bất hợp tác về chính trị và xã hội,và can thiệp vào một cách bất bạo động — mà các tổ chức đã dùng để vận động quần chúng chống đối hoặc ủng hộ những chính sách khác nhau để làm cho đối phương mất tính cách chính danh và khiến cho đối phương bị mất hay bị giới hạn những nguồn quyền lực. Đấu tranh bất bạo động diễn ra ngoài những luồng chính trị truyền thống và khác hẳn với những diễn trình chính trị không bạo động khác như vận động chính trị (lobby), vận động bầu cử và ban hành luật pháp.

Chống đối bất bạo động có tính cách chiến lược khác với chống đối bất bạo động vì nguyên tắc. Bất bạo động vì nguyên tắc dựa trên căn bản tôn giáo hoặc đạo đức, không chấp thuận dùng bạo lực. Tuy có nhiều người theo bất bạo động trên nguyên tắc cũng tham gia vào những sự chống đối bất bạo động (như Gandhi và Martin Luther King Jr.), phần lớn những người tham gia vào các cuộc tranh đấu bất bạo động đều không phải là những người đã theo triết lý bất bạo động. Việc lẫn lộn phong trào tranh đấu bất bạo động với bất bạo động vì nguyên tắc hay chủ nghĩa hòa bình, thụ động hay yếu thế hay những cuộc xuống đường lẻ tẻ đã khiến cho có những quan điểm sai lầm về hiện tượng này. Mặc dầu các người chống đối bất bạo động thường tránh dùng các phương pháp bạo động, nhưng từ ‘hòa bình’ mà người ta thường gắn cho các phong trào bất bạo động đã gây ra ấn tượng sai lầm về bản chất của những phong trào chống đối bất bạo động có tổ chức; đó là những phong trào này cũng tạo ra những xáo trộn xã hội rất cao. Sự chống đối bất bạo động thường đạt được những điều họ đòi hỏi dù phe đối lập (chính quyền) không muốn nhượng bộ,  bằng cách kiểm soát cuộc đấu tranh bằng hình thức bất hợp tác và thách thức rộng lớn.  Cưỡng bách bằng bạo động tạo ra đe dọa về thể chất cho phe đối lập.

Các nhà  nghiên cứu thường cho rằng các phương pháp bạo động để phản kháng là một hình thức cưỡng bách bằng võ lực mạnh nhất có thể bắt buộc phe đối lập phải nhượng bộ và tạo ra những sự thay đổi về chính sách mà họ mong muốn. Chẳng hạn có người đã lập luận rằng khủng bố là một chiến lược hữu hiệu, đặc biệt là khi bắt buộc những chế độ dân chủ phải đưa ra những nhượng bộ về đất đai. Ngược lại Max Abrahams cho thấy rằng những sự thành công của những người khủng bố là rất thấp, chỉ đạt được các mục tiêu về chính trị trong 7% của những lần bạo động. Tuy nhiên Abrahams  cũng kết luận rằng những người chọn khủng bố vì nó còn công hiệu hơn chống đối bất bạo động.

Chúng tôi lập luận rằng phản kháng bất bạo động có thể có những ưu thế chiến lược hơn phản kháng bạo động vì hai lý do:

Thứ nhất:  Đàn áp các phong trào bất bạo động có thể gây kết quả bất lợi. Khi gây ra kết quả bất lợi thì một hành động bất công — thường là sự đàn áp bạo lực — có thể phản lại những người gây ra hành động đó và thường dẫn tới tình trạng cấp dưới không chấp hành mệnh lệnh, thúc đẩy quần chúng chống lại chế độ và quốc tế kết tội chế độ. Những thiệt hại đối nội và đối ngoại của việc đàn áp các phong trào bất bạo động do đó cao hơn những thiệt hại trong việc đàn áp những phong trào chống đối bạo động. Các ảnh hưởng bất lợi sẽ dẫn tới sự thay đổi về trung tâm quyền lực bằng cách gia tăng sự đoàn kết nội bộ của phong trào phản kháng và tạo ra sự bất mãn và mâu thuẫn trong những người ủng hộ phe đối lập, làm gia tăng sự hỗ trợ bên ngoài đối với các phong trào chống đối và làm giảm sự hỗ trợ của bên ngoài đối với chế độ. Động thái này thường xảy ra khi những hành động bạo lực của chế độ không gặp các hành động trả đũa bằng bạo lực của phong trào phản kháng và [nhất là] khi những người bên trong và bên ngoài của cuộc chống đối nhìn thấy rõ như vậy. Những hậu quả trong nước cũng như trên thế giới của việc đàn áp bằng bạo lực những người dân đã công khai tuyên bố rõ ràng quyết tâm theo đuổi con đường bất bạo động có ảnh hưởng bất lợi còn trầm trọng hơn là việc đàn áp những người mà dư luận coi là những “quân khủng bố” hay “quân phiến loạn”.

Trong nội bộ, các thành viên của một chế độ — bao gồm công chức, lực lượng an ninh và các viên chức tư pháp — có khuynh hướng chuyển sự trung thành về hướng các nhóm phản kháng không bạo động nhiều hơn các nhóm chống đối bạo động.  Thế lực ép buộc của bất cứ một phong trào phản kháng nào [cũng] sẽ được gia tăng khi phong trào đó có khuynh hướng tạo ra sự bất tuân lệnh hay sự đào ngũ của các thành viên trong lực lượng an ninh của đối tượng chống đối.  Những thành viên trong lực lượng an ninh này thường có khuynh hướng suy xét về những ảnh hưởng chính trị và ảnh hưởng cá nhân bất lợi cho họ khi họ dùng võ lực để đàn áp những các người biểu tình không có vũ khí nhiều hơn là những phe phản kháng có vũ trang. Trong số những người trước kia ủng hộ chế độ cũng có thể có sự ly khai, bởi vì họ chưa được trang bị để đối phó với những phong trào phản đối dân sự của quần chúng như đối với các cuộc nổi loạn có võ trang. Sự đàn áp của chế độ cũng có thể tạo ra hậu quả bất lợi bằng cách nó khiến cho sự tham gia của quần chúng chống đối gia tăng. Tích cực vận động được sự gia tăng tương đối lớn hơn của toàn thể dân chúng trong một phong trào bất bạo động có thể tạo ra áp lực lớn hơn và  bền bỉ hơn đối với đối tượng chống đối.  Mặt khác quần chúng có thể xa lánh những cuộc phản loạn bạo động bởi vì những trở ngại về thể chất và đạo đức.

Về đối ngoại, cộng đồng quốc tế có khuynh hướng lên án và chế tài các chính quyền đàn áp các phong trào bất bạo động nhiều hơn là khi các phong trào đó có tính cách bạo động.  Khi các tổ chức phi chính phủ (NGO) có thiện cảm với chính nghĩa thì các phong trào bất bạo động có khuynh hướng được sự trợ giúp. Các sự trợ giúp từ bên ngoài có thể hay không có thể làm gia tăng chính nghĩa của phong trào. Tuy nhiên, về mặt đối ngoại, những sự thiệt hại do đàn áp các phong trào bất bạo động có thể cao, nhất là khi các phong trào đó được sự chú ý của giới truyền thông. Các tác nhân ở bên ngoài có thể vận động được những chế tài chống lại chế độ thường đàn áp những người chống đối  không có võ trang . Ngay cả chống đối có võ trang cũng có thể bị chế tài nhưng ít khi xảy ra. Thay vào đó một vài chính quyền ngoại quốc có thể thực sự giúp đỡ một chính quyền để đàn áp những cuộc chống đối có võ trang. Có những chính quyền ngoại quốc khác có thể giúp đỡ phương tiện vật chất cho những phong trào chống đối có võ trang để cho các phong trào có thế lưc hơn đối với đối tượng chống đối.  Thực vậy, việc các chính quyền yểm trợ cho các cuộc chống đối có bạo động và các tổ chức khủng bố đã là một điều nan giải trong chính sách ngoại giao trong mấy chục năm qua. Chưa thấy rõ ràng là yểm trợ của các chính quyền ngoại quốc cho các nhóm võ trang đã thành công trong việc giúp họ đạt được các mục tiêu chiến lược của họ.

Thứ hai: những phong trào phản kháng bất bạo động hình như có vẻ dễ dẫn tới những các cuộc thương thuyết và mặc cả bởi vì nó không đe dọa mạng sống hay sự an sinh của những người của thành phần thuộc chế độ là đối tượng của sự phản kháng.  Những người ủng hộ chế độ có khuynh hướng thương thuyết với các tổ chức chống đối không chủ trương tàn sát hay làm thương tổn các người đồng chí của họ.

Lý thuyết “quan sát hành động để suy ra bản chất”[1] cho thấy lý do tại sao các phong trào bất bạo động có thể hấp dẫn hơn đối với quần chúng và có tính cách thuyết phục hơn đối với các người ủng hộ chế độ. Nguyên tắc này cho rằng một người có thể xét đoán về cách cần phải đối phó với đối phương của họ căn cứ vào những hành động của chính đối phương đó. Điều này có lợi cho sự phản kháng bất bạo động ở hai điểm.

Điểm thứ nhất, sự ủng hộ của công chúng là điều tối quan trọng cho bất cứ một sự chống đối nào. Nhưng công chúng cũng coi các phong trào bất bạo động là có ít nguy hiểm về thể chất hơn là các phong trào bạo động. Các phong trào bất bạo động hình như có khuynh hướng dẫn tới thương thuyết nhiều hơn là phong trào bạo động dù các phong trào bất bạo động đó có gây ra xáo trộn nhiều hay ít. Đối diện với sự đàn áp của chính quyền, công chúng có vẻ không ủng hộ những phong trào bạo động mà cũng có tính cách đàn áp như của chính quyền hay coi rẻ tính mạng của những người dân. Nếu có một đường lối khác đáng tin tưởng hơn thì công chúng có khuynh hướng ủng hộ một phong trào bất bạo động.

Điểm thứ hai, khi những người chống đối bằng bạo động đe dọa tính mạng của các thành viên của chế độ và của lực lượng an ninh thì hình thức chống đối này này sẽ làm giảm bớt khả năng có sự thay đổi về thái độ trung thành đối với chế độ. Abrahms thấy rằng các nhóm khủng bố nhắm vào dân sự mất hậu thuẫn của quần chúng nhiều hơn so với những nhóm chỉ giới hạn mục tiêu của họ vào quân đội hay cảnh sát. Đầu hàng hay đào ngũ để theo một phong trào bạo động có nhiều rủi ro hơn, bởi vì phong trào đó có thể giết hoặc tra tấn người của chế độ đầu hàng hay đào ngũ  và chế độ cũng có thể nghiêm trị những người từ bỏ chế độ. Vì các phương pháp bất bạo động rõ ràng không hại tới thân thể của các thành phần của lực lượng an ninh hay của thành phần công chức của chế độ nên các thành viên của chế độ có khuynh hướng có thể chuyển sự trung thành của họ hướng về các phong trào bất bạo động nhiều hơn là những phong trào bạo động. Khi chế độ không còn có thể trông vào sự hợp tác của các lực lượng an ninh hay các tổ chức khác cần thiết cho sự kiểm soát của chế độ thì khả năng nắm quyền lực của chế độ cũng yếu đi.

Lẽ dĩ nhiên việc các chế độ đàn áp các lực lượng chống đối võ trang cũng có thể có những hậu quả bất lợi.  Sự đối xử tàn nhẫn của lực lượng quân sự của nước Anh đối với các thành phần chống đối tại Bắc Ái-nhĩ-lan đã tạo ra những lợi điểm chiến lược dài hạn cho Quân đội Cộng Hòa Lâm thời của Ái-nhĩ-lan bằng cách là gia tăng số người ủng hộ cho phong trào đó. Tuy nhiên, lập luận của chúng tôi là những sự bất lợi [đối với chính quyền] đàn áp các phong trào bạo động hiếm hơn là [khi đàn áp] các phong trào bất bạo động. Mặc dù có những bất lợi nhất thời, các phong trào bất bạo động trong dài hạn có thể có nhiều điểm lợi hơn phong trào bạo động khi bị chế độ đàn áp.

Tổng hợp các sự thiệt hại đối nội và đối ngoại do các cuộc đàn áp liên tục có thể bắt buộc chính quyền phải thương lượng với các chiến dịch bất bạo động nhiều hơn là chiến dịch bạo động. Tiếp theo đây chúng tôi sẽ kiểm nghiệm những nhận định này.

Kiểm nghiệm lý thuyết

Ronald Francisco và những tác giả khác đã thấy sự đàn áp của chế độ sẽ gây ra kết quả bất lợi và giúp cho sự vận động quần chúng gia tăng còn các nhà nghiên cứu khác thấy có những ảnh hưởng khác nhau của sự đàn áp đối với sự vận động quần chúng. Chấp nhận sự đàn áp của chính phủ có thể tùy thuộc vào sự kiện là phong trào phản kháng là bất bạo động hay bạo động. Động thái này được phản ảnh trong giả thuyết 1.

Giả thuyết 1: Việc chính quyền muốn dùng bạo động có thể sẽ gia tăng khả năng thành công cho các phong trào bất bạo động nhưng lại tạo bất lợi cho những phong trào bạo động.

Thách thức hay không tuân lệnh [cấp trên] là những hành động khác thường đối với thành viên của lực lượng an ninh. Có đào ngũ trong hàng ngũ quân đội cho thấy chính quyền không còn có được sự hợp tác và tuân lệnh của một lực lượng quan trọng để ủng hộ cho chế độ. Phản kháng bất bạo động có thể tạo ra thay đổi về lòng trung thành trong lực lượng an ninh của đối tượng chống đối trong khi đó các cuộc chống đối có võ trang lại có khuynh hướng khiến cho lực lượng an ninh trong chính quyền siết chặt hàng ngũ để chống lại lực lượng nổi loạn. Giả thuyết 2 tóm lược dự đoán này.

Giả thuyết 2: Phản kháng bất bạo động tương đối có ưu thế hơn so với chống đối bạo động vì nó làm lung lạc lòng trung thành của lực lượng an ninh đối với chế độ.

Thêm vào đó, khi nhận được cảm tình và khi chính danh đã gia tăng thì phong trào bất bạo động bị đàn áp bằng võ lực thường có sự ủng hộ của các tác nhân bên ngoài. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, chúng tôi không kể ra hết các hình thức trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên như người ta thường biết thì các hành động chế tài hướng vào các chế độ đàn áp có khuynh hướng giúp cho các phong trào bất bạo động. Giả thuyết 3 dự đoán rằng các phong trào bất bạo động thường nhận được các sự ủng hộ từ bên ngoài.

Giả thuyết 3: Các sự chế tài của quốc tế và sự ủng hộ công khai của các quốc gia cho phong trào khiến cho bất bạo động có ưu thế hơn bạo động.

Sau hết sự ủng hộ của bên ngoài đối với chế độ thường bất lợi đối với những phong trào chống đối bạo động vì những phong trào này bị coi là những lực lượng chống chế độ nhưng chưa có chính danh. Chế độ bị chống đối cũng có thể nhận được sự viện trợ của đồng minh để chống lại các phong trào phản kháng bất bạo động. Chúng tôi cho rằng các động thái này có thể làm giảm sự thành công của phong trào bởi vì có sự bất cân xứng về các tài nguyên do chính quyền nhận được so với phong trào bất bạo động. Giả thuyết 4 tóm lược lại yếu tố này.

Giả thuyết thứ 4: sự trợ giúp từ bên ngoài đối với  chính quyền đang bị chống đối sẽ khiến cho các phong trào bạo động cũng như bất bạo động ở vào thế trạng bất lợi.

THIẾT KẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU[2].

Công trình nghiên cứu của chúng tôi có ba mục đích:

  1. Xác định xem phản kháng bất bạo động hay bạo động có thành tích tốt hơn trong việc thực hiện các mục tiêu do phong trào đặt ra;
  2. Xem những biến số nào quan trọng trong việc đóng góp vào thành quả của phong trào;
  3. Xác định xem cơ cấu tổ chức có ảnh tới sự thành công hay thất bại của phong trào bất bạo động không.

Với mục đích đó chúng tôi đã tạo ra một loạt dữ kiện gọi là Thành quả của Tranh đấu Bất Bạo đông và Bạo động (Nonviolent and Violent Conflict Outcomes, NAVCO) gồm tổng hợp các dữ kiện của 323 phong trào bạo động và bất bạo động từ năm 1900 cho tới năm 2006.

Chúng tôi định nghĩa một phong trào phản kháng là một loạt các chiến thuật rõ rệt, liên tục để theo đuổi một mục đích chính trị. Một phong trào có thể kéo dài từ nhiều ngày cho tới nhiều năm. Phong trào có lãnh đạo rõ rệt, thường có tên và khác với những cuộc nổi loạn lẻ tẻ hay nổi loạn tự phát của quần chúng. Thường thì một phong trào có khởi điểm và điểm kết thúc và cũng có những sự kiện rõ rệt suốt trong lịch sử của phong trào. Sự lựa chọn của chúng tôi đối với các phong trào và sự ấn định điểm bắt đầu và điểm kết thúc của phong trào dựa trên những mẫu từ nhiều nguồn khác nhau đã được đa số công nhận.

Xác định một phong trào là “bất bạo động” hay “bạo động” là một việc khó khăn. Trong nhiều trường hợp, cả phong trào bạo động và bất bạo động đều diễn ra cùng một lúc trong số những tổ chức cạnh tranh với nhau. Có phong trào dùng cả phương pháp bất bạo động lẫn bạo động trong quá trình tồn tại của phong trào như tổ chức Quốc đại Phi châu (African National Congress) tại Nam Phi. Xác định một phong trào là bất bạo động hay bạo động là đơn giản hóa tình trạng phức tạp của các phương pháp phản kháng.

Để đáp ứng với những khó khăn này, chúng tôi đặt ra một vài tiêu chuẩn để phân loại tính chất của các cuộc phản kháng. Trước hết chúng tôi xem tất cả các tài liệu về các phong trào chống đối bất bạo động và các phong trào xã hội. Chúng tôi so sánh và đối chiếu những dữ kiện này từ nhiều nguồn, từ những tự điển bách khoa, từ những tài liệu nghiên tình huống các trường hợp và các thư mục về chống đối dân sự của các tác giả như April Carter, Howard Clark và Michael Randle. Sau hết chúng tôi luân chuyển các trường hợp đó tới các chuyên gia về chống đối bất bạo động và yêu cầu họ cân nhắc xem những trường hợp đó có thể được đánh giá, phân loại là các trường hợp chống đối bất bạo động lớn hay không và đồng thời cũng hỏi ý kiến của họ xem có những phong trào lớn nào đã không được liệt kê ra. Khi có những trường hợp mới do các chuyên gia đề nghị thêm chúng tôi cũng dùng phương pháp đối chiếu như vậy để xác định lại. Những dữ kiện này bao gồm các phong trào chống đối chính phần lớn hay hoàn toàn bất bạo động. Các phong trào có nhiều hành động bạo lực được phân loại là bạo động. Dữ kiện về các phong trào bạo động phần lớn lấy từ dữ kiện Liên quan tới Chiến tranh (Correlates of War, COW) cập nhật năm 2004 của Kristian Gleditsch và danh sách của Kalev Sepp về các chiến dịch chống nổi loạn để lấy thông tin về các cuộc xung đột sau năm 2002.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân July 2017

 

[1]Lý thuyết “quan sát hành động để suy ra bản chất” (Correspondent Inference Theory). Thí dụ: Một người lựa một trong hai việc làm có các điều kiện chỗ làm và tiền lương giống nhau. Nếu người đó chọn việc làm ít lương hơn, ta có thể suy diễn là người đó không đặt nặng vấn đề tiền bạc. [ND]

 

[2] Xin xem phần mô tả chi tiết về thiết kế và phương pháp nghiên cứu trong bản tiếng Anh:“ Why Civil Resistance Works – The Strategic Logic of Nonviolent Conflict” của tác giả Maria J. Stephan và Erica Chenoweth tại link này  http://belfercenter.ksg.harvard.edu/files/IS3301_pp007-044_Stephan_Chenoweth.pdf