Rusell Roberts
Một trong những khó khăn của một nhà kinh tế học là giải thích cho người khác hiểu mình làm cái gì để sinh sống. Người ta hiểu rằng một trong những điều một giáo sư kinh tế học làm là dạy kinh tế học. Nhưng dạy kinh tế học thực sự là dạy cái gì? Phần lớn người ta cho rằng môn kinh tế học có liên quan đến đầu tư và quản trị tài chánh. Có một lần tôi nói với người khách cùng đi trên máy bay là tôi là nhà kinh tế học, bà ta nói, “vậy hả,” chồng của bả cũng mê thị trường chứng khoán. Hmm. Tôi không nói cho bả biết là ngoài sự hiểu biết về những lợi điểm của việc đầu tư vào những quỹ đầu tư hỗ tương đã được liệt kê theo chỉ số, tôi chẳng biết tí gì về thị trường chứng khoán cả.
Bà khách ngồi kế bên tôi, nếu đã đọc Alfred Marshall, thì kiến thức về kinh tế của bả có lẽ sẽ dồi dào hơn. Marshall cho rằng kinh tế học là “môn học về loài người trong những hoạt động bình thường của đời sống.” Môn học này chính là công việc của Marshall, Adam Smith, Friedrich Hayek, và Milton Friedman: Họ tìm hiểu xem con người làm những cái gì và ảnh hưởng của những hành vi này đối với xã hội loài người ra sao.[1]
Nhưng cái định nghĩa về kinh tế mà tôi khoái nhất là một biến thể của định nghĩa của Marshall. Định nghĩa này do một sinh viên của tôi nói lại khi nghe một giáo sư của em giảng: kinh tế học là môn học để làm sao lấy/thu được nhiều nhất từ cuộc đời. Tôi khoái định nghĩa này vì nó đánh trúng ngay tâm điểm của kinh tế học–những lựa chọn mà ta phải quyết định, bởi vì ta không thể có hết những điều ta muốn. Kinh tế học là môn học về những nhu cầu vô hạn và những phương tiện hữu hạn, là môn học về những chọn lựa bị giới hạn. Điều này đúng cho cá nhân và chính quyền, gia đình và quốc gia nữa. Thomas Sowell nói rõ ràng nhất: Không có giải pháp, chỉ có những sự trao đổi. Để có thể thu được nhiều nhất từ cuộc đời, để suy nghĩ như một nhà kinh tế học, bạn phải biết lựa chọn, bỏ vật này để lấy vật khác. Và đó chính là toàn bộ khái niệm về phí tổn của cơ hội.
Chẳng thể nào có một định nghĩa đơn giản hơn. Nếu bạn muốn có một điều gì đó, thì bạn phải từ bỏ một điều khác. Thực ra ý tưởng này tinh tế hơn mới thoạt nhìn. Hãy tìm hiểu thêm chút nữa.
Milton Friedman vẫn thường nói kinh tế học rất đơn giản. Ta chỉ cần nhớ có hai điều rằng nhu cầu có độ dốc đi xuống và không có cái gì là miễn phí cả. Vấn đề khó là áp dụng cả hai ý tưởng đơn giản này. Khi Friedman nói rằng không có cái gì miễn phí, nghĩa là mọi thứ đều có chi phí của nó. Hãy xem một thí dụ về một bữa ăn trưa miễn phí mà Friedman vẫn thường hứng thú chứng minh là không hề có thực. Giả sử tôi mời bạn đi ăn trưa và tôi sẽ đãi bạn bữa ăn đó. Và tôi giữ đúng lời hứa, trả tiền cho bạn đàng hoàng. Như vậy là bạn ăn một bữa ăn miễn phí chứ gì? Nhà kinh tế học bảo: Không phải vậy đâu.
Nhà kinh tế học: Đúng là bạn không phải trả tiền cho bữa ăn hôm nay. Nhưng tôi cũng nghĩ là bạn sẽ đãi lại tôi trong tương lai.
Bạn (người tin là có bữa ăn miễn phí): Nhưng chắc bạn cũng biết tôi không phải là người biết điều. Tôi không có ý định “bánh ít đi, bánh quy lại” đâu, và tôi cương quyết giữ ý định này. Bữa ăn hôm nay là miễn phí.
Nhà kinh tế học: Không đâu, dù cho bạn không có ý định “trả nợ,” thì cái hành vi “ăn không” của người khác cũng làm bạn xấu hổ chứ. Đó là cái giá bạn trả cho bữa ăn miễn phí.
Bạn: Ồ, bạn không biết tôi là người không biết điều ư. Tôi không có lương tâm gì xất. Cho nên, tôi được một bữa ăn miễn phí.
Nhà kinh tế học: Đâu có miễn phí đâu bạn. Chẳng phải bạn đã phải ngồi nghe tôi nói khi chúng ta đang ăn đấy sao?
Bạn: Nhưng tôi đâu có nghe. Tôi đang mơ mộng về chuyến đi chơi sắp tới. Tôi chỉ làm bộ như đang nghe bạn thôi.
Nhà kinh tế học: Vẫn không miễn phí đâu bạn. Cái phí tổn của bạn khi đi ăn trưa với tôi, dù là do tôi đãi, dù là bạn không có ý định “trả nợ” trong tương lai, ngay cả dù cho bạn làm lơ khi nghe tôi nói chuyện, là một niềm vui nào đó mà bạn sẽ có thay vì đi ăn với tôi. Cái phí tổn đó không nhất thiết phải là tiền bạc hay thì giờ, mà là giá trị hay niềm vui mà bạn sẽ có nếu bạn đi làm việc khác.
Cho nên một trong những nguyên tắc để suy nghĩ như một nhà kinh tế học là luôn luôn nhớ rằng mọi thứ đều có phí tổn. Điều này có lẽ cũng là một lý do mà những nhà kinh tế học có ít bạn hơn người thường. Đôi khi người ta rất vui vẻ với ý tưởng ngây thơ là có cái gì đó miễn phí. Ta thích cái ý tưởng là mua được giá hời. Ta không muốn nghe đến những phí tổn ngầm. Cứ nghĩ đến những cơ hội đã qua, những sự lựa chọn đã để vuột, chỉ khiến cho ta thêm tiếc nuối. Chọn trường đại học này nghĩa là không thể theo học trường kia. Lấy người này nghĩa là không thể lấy người nọ. Chọn món tráng miệng này (thông thường) nghĩa là không thể ăn món khác. Đôi khi người ta chỉ muốn có một miếng bánh ngọt và được ăn trọn miếng bánh đó mà không cần bị nhắc là ăn miếng này thì không được thưởng thức miếng khác còn ngon hơn.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ vì những nhà kinh tế học suốt ngày cứ lải nhải về tổn phí cơ hội, lựa chọn, và đổi chác, cho nên môn kinh tế học bị coi là một môn khoa học ảm đạm. Những bạn đọc thường xuyên của Thư viện Kinh tế và Tự do biết rằng kinh tế học thực tế không phải như vậy. Xem thêm bài “Lịch sử Bí mật của Khoa học Ảm đạm” của David M. Levy và Sandra J. Peart.
Nhưng nếu bạn muốn thu được nhiều nhất từ cuộc đời, bạn phải tính luôn cả tổn phí cơ hội và những chọn lựa khác bạn đã để trôi qua. Thà là lựa chọn cho kỹ rồi chấp nhận kết quả của quyết định của mình còn hơn là nhắm mắt lựa đại để đi đến kết quả tai hại. Sau đây là một vài ứng dụng khái niệm tổn phí cơ hội mà sẽ giúp cho bạn thu đạt được nhiều nhất từ cuộc đời.
Tổn phí thực sự của đại học
Tổn phí thực sự của đại học là gì? Phần hiển nhiên nhất là học phí. Tiền ăn, tiền ở không tính vì ai mà lại không ăn và không cần chỗ ở. Nhưng tổn phí cơ hội gồm có tiền lương bị mất vì phải nghỉ việc để đi học. Đó là một trong những lý do ta đi học đại học khi còn trẻ và chưa có kinh nghiệm đi làm; nếu có, thì tiền lương cũng tương đối thấp nên tổn phí cơ hội cho đại học cũng thấp hơn.
Lợi tức từ đầu tư
Những nhà kinh tế học thực sự hiểu biết về thị trường chứng khoán. Nếu bạn bảo tôi là bạn có một quá trình đầu tư rất ngon lành, tôi sẽ hỏi bạn là ngon lành so với cái gì? Một người quản lý quỹ đầu tư hỗ tương mang lại lợi nhuận 12% cho thân chủ của mình được xem là ngon lành. Nhưng quỹ hỗ tương theo chỉ số của S&P 500 lại được lời hơn 15%. Nếu rủi ro của cả hai bên giống nhau, thì người quản lý quỹ đầu tư của bạn đã bị lợi tức âm là 3% rồi. Tương tự như thế, giữ tiền mặt trong nhà có nghĩa là mất đi cơ hội để đầu tư. Tổn phí cơ hội của giữ tiền mặt là lợi tức có thể thu được qua ngả đầu tư.
Mua nhà và sửa nhà
Những chuyên viên buôn bán nhà (địa ốc) thích nói với bạn mua nhà là một sự đầu tư tốt lắm, vì giá nhà thì tăng lên và bạn lại được ở trong căn nhà của mình nữa. Đôi khi cả hai câu nói đó đều đúng hết. Nhưng sự lên giá của căn nhà vẫn chưa đủ để cho việc mua nhà trở thành một sự đầu tư tốt (cũng giống như lý do mua một căn nhà thiệt bự để nếu khi giá nhà tăng lên thì lại càng tốt hơn vì căn nhà to hơn). Chủ nhân những căn nhà vẫn thường khoái chí khi bán được căn nhà cao giá hơn khi họ mua. Khi đo đếm lợi tức thu hoạch được, ít khi nào họ trừ ra những chi phí trực tiếp bằng tiền, nào là tiền sửa chữa, đóng thuế, lệ phí của luật sư, của chuyên viên địa ốc và của những cơ quan chính quyền nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp được một người chủ nhà ở Boston hay Washington hay Los Angeles tính đến những cơ hội đầu tư đã trôi qua chỉ vì tiền đã được dùng để đặt cọc mua nhà và trả tiền nhà hàng tháng cho đến khi trả dứt nợ.
Tương tự như vậy, những chuyên viên địa ốc (và nhà thầu) thích nói với bạn là sửa lại căn bếp là một ý tưởng hay vì bạn sẽ thu lại được số tiền ấy khi bạn bán được căn nhà giá cao hơn là khi chưa sửa bếp. Cho nên, coi như bạn sửa bếp miễn phí! Còn trong khi chờ bán nhà bạn được xài một căn bếp rộng rãi thoải mái. Lập luận này cũng đúng thôi chừng nào mà bạn thấy rằng sử dụng một nhà bếp rộng rãi cũng sướng bằng số tiền bạn đã bỏ ra để sắm nào là mặt bàn đá hoa cương, tủ chén bát, trong khi bạn có thể dùng số tiền đó vào việc khác.
Một khía cạnh khác của việc mua nhà và tổn phí cơ hội cũng khá rắc rối. Giả sử là căn nhà của bạn lên giá. Bạn có thể bán căn nhà này và dọn sang một căn nhà nhỏ hơn ở một khu phố khác. Nhưng bạn lại quyết định ở căn nhà này. Khi giá nhà của bạn tăng lên nghĩa là bạn sẽ bị tốn kém nhiều hơn nếu cứ tiếp tục ở trong căn nhà đó. Thực ra, đó là một chỉ dấu cho thấy tình trạng tài chính của bạn khá hơn–tài sản bạn làm chủ tăng lên nếu giá nhà giữ ở mức tăng trưởng như vậy. Tổn phí cơ hội khác với điều ta thường nghĩ là tổn phí, dưới dạng tiền bạc. Tổn phí cơ hội giúp ta quyết định theo lý trí. Nhưng một sự gia tăng tổn phí cơ hội không nhất thiết có nghĩa là tình trạng tài chánh của bạn bị xấu đi.
Những phí tổn chìm và những phí tổn quá khứ
Tổn phí cơ hội là một khái niệm thuộc về tương lai. Nếu chiếc xe của tôi bị hư và tôi đem đi sửa, và nó lại bị hư nữa, thì cái quyết định có sửa lần thứ hai hay không hoàn toàn không ăn nhập gì với phí tổn sửa xe lần thứ nhất (phí tổn đã mất và chìm rồi). Suy nghĩ rằng tôi phải sửa xe lần thứ hai bởi vì tôi đã bỏ nhiều tiền thêm vào chiếc xe rồi là một suy nghĩ không hợp lý. Tôi đã tốn tiền sửa xe lần thứ nhất rồi. Bây giờ tôi chỉ nên suy nghĩ xem là lần sửa thứ hai này có đáng giá hay không mà thôi.
Khái niệm “phí tổn chìm” không dính dáng gì với phí tổn đã chi trong quá khứ. Cái giá mà người mua nhà trả cho căn nhà của mình 20 năm về trước không có ảnh hưởng gì đến giá cả ngoài thị trường ngày hôm nay. Than phiền rằng người bán nhà đã tính giá quá mắc so với giá họ mua ngày xưa không ăn thua gì hết, vì bạn sẽ khó kiếm được người bán nhà mà bạn nghĩ là có một cái giá phải chăng đối với bạn. Ngược lại, nếu bạn giải thích cho người mua là, dù giá cả của thị trường nhà đất hiện đang bị rớt, mà bạn vẫn đòi giá cao vì ngày xưa bạn mua với giá cao, thì rõ ràng là bạn sẽ khó lòng mà bán được căn nhà của bạn. Giá cả thị trường không ăn thua gì đến quá khứ.
Trong khi đó, phí tổn thay thế có liên hệ đến phí tổn quá khứ. Giả sử có người cho bạn một bức tranh của Van Gogh làm quà cưới. Vài năm sau, trong một bữa tiệc tại nhà bạn, một người khách hơi say sưa, chệnh choạng thế nào mà lại làm rách bức tranh của bạn. Người khách này không thể bảo với bạn là “bỏ đi tám” và không đền, vì bức tranh là một món quà, bạn đâu có bỏ tiền ra mua đâu.
Tự túc hay nhờ vả?
Có lẽ ứng dụng quan trọng nhất của tổn phí cơ hội là quyết định có nên tự mình làm lấy hay mướn người làm cho mình. Tự mình làm lấy thường rẻ hơn và lại vui nữa. Nhưng phí tổn của việc tự làm lấy là giá trị của những việc khác bạn có thể làm trong khoảng thời gian đó. Những việc khác có thể là đi làm thêm một việc bán-thời gian hay làm công việc tư vấn kiếm thêm tiền; nghĩa là bạn đã bỏ qua một số tiền. Cho nên, tự làm lấy có thể sẽ tốn phí hơn về phương diện tiền bạc. Nhưng những phí tổn không-phải-là-tiền có thể còn cao hơn là phí tổn tài chánh. Thí dụ thời giờ bạn dùng để tự sơn lại căn nhà bạn có thể dùng để chơi với vợ con hay đi làm việc thiện nguyện.
Nói cho cùng, bất cứ những gì mà đưa tới tình trạng tự túc là con đường dẫn đến nghèo đói. Một người thích tự-túc có thể tự thay nhớt xe của mình, tự làm bánh, tự làm kệ sách. Nhưng người đó không thể tự làm ra những vật dụng bằng sắt thép hay vẽ kiểu xe hơi của mình. Người đó không thể tự trồng lấy lúa, hay tự mình gặt hái. Người đó không thể tự mình đốn cây, xẻ gỗ làm ván để đóng tủ sách. Và ngay cả khi có thể làm như vậy, thì người ấy vẫn phải mua cái cưa.
Qua sự chuyên môn hóa những kỹ năng rất nhỏ rồi bán những kỹ năng này ngoài thị trường và nhờ vào kỹ năng đã được chuyên môn hóa từ những cá nhân khác, ta đã tạo nên cái gọi là “sự chuyên môn.” Chúng ta nhờ vào sự chuyên môn vì cái giá của tự túc quá cao.
Trong tất cả những giới hạn mà chúng ta gặp phải, sự giới hạn của 24 giờ một ngày và một đời sống hữu hạn là những giới hạn ta không thể thoát được. Tận hưởng cuộc đời nghĩa là biết sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan. Sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan nghĩa là ta phải hiểu và áp dụng được tổn phí cơ hội.
© Học Viện Công Dân 2011
* Russell Roberts là giáo sư Kinh tế học tại Đại học George Mason và là Viện sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông cũng là Chủ bút của Tạp chí Thư viện Kinh tế và Tự do và EconTalk.
Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2007/Robertsopportunitycost.html
[1] Adam Smith (1723-1790), người Scotland; Alfred Marshall (1842-1924), người Anh; Friedrich Hayek (1899-1992), người Áo; Milton Friedman (1912-2006), người Mỹ. Đây là những nhà kinh tế học hàng đầu của thế giới.