Luận về Những Nguy cơ Mâu thuẫn giữa các Tiểu bang
Alexander Hamilton
Cùng đồng bào tiểu bang new York:
Ba bài tham luận vừa qua đã được dành để liệt kê những nguy cơ mà chúng ta, nếu còn ở trong tình trạng phân hóa, sẽ phải đối phó với sức mạnh quân sự và âm mưu của ngoại bang. Sau đây, tôi sẽ trình bày những nguy cơ thuộc một loại khác, và, có lẽ, còn đáng sợ hơn nhiều – đó là những nguy cơ đến từ những sự bất đồng giữa chính các Tiểu bang, và từ những xung đột phe nhóm nội bộ. Trong một số trường hợp, những nguy cơ loại này cũng đã từng được tiên liệu; tuy nhiên ta cũng cần phải phân tích và nghiên cứu kỹ càng hơn.
Kẻ nào mà còn có thể nghi ngờ rằng sự phân hóa giữa các tiểu bang, gây nên bởi sự thiếu kết hợp toàn phần hay chỉ từng phần, sẽ không tạo nên các cuộc tranh đấu bạo lực với nhau, thì kẻ đó thật là kẻ suy nghĩ vẩn vơ, không tưởng. Còn cho rằng các tiểu bang không có động cơ để tranh đấu với nhau để lập luận rằng những sự tranh cạnh như vậy không xảy ra, thì cũng đã quên mất rằng bản chất con người là ham muốn danh vọng, sân hận, và tham lam của cải. Còn nếu mà cứ muốn tìm một sự hài hòa liên tục giữa một số các nước độc lập nhưng không có liên hệ gì với nhau, lại cùng ở trên một lãnh thổ, tức là đã coi thường tiến trình không thay đổi trong sinh hoạt của loài người, và thách thức túi khôn của nhân loại đã được tích lũy qua thời gian.
Có rất nhiều lý do gây chiến giữa các quốc gia. Có những lý do đã trở thành gần như là hệ quả tất nhiên của quan hệ giữa một tập thể các đơn vị trong xã hội. Những lý do này gồm có lòng yêu chuộng quyền thế, hay là lòng ham muốn lấn át và thống trị người khác hay lòng ganh ghét quyền lực, hoặc sự khát khao có sự bình đẳng và an ninh. Có nhiều lý do khác với những động lực giới hạn hơn, nhưng cũng có tác dụng tương tự trong phạm vi giới hạn đó. Đó là những tranh chấp và cạnh tranh thương mại giữa các nước với nhau. Cũng còn có những lý do khác, cũng không kém hơn những loại lý do trên, và đều phát xuất từ những động lực cá nhân; từ những mối ràng buộc, thù hận, quyền lợi, hy vọng hay lo sợ của những người lãnh đạo trong những cộng đồng riêng biệt của họ. Những người loại này, dù được vua chúa hay nhân dân tin cậy, đều có cơ hội để lợi dụng lòng tin mà họ đã được trao cho; và giả danh vì lợi ích chung, họ chẳng ngần ngại gì mà chẳng hy sinh sự yên ổn của quốc gia cho lòng tham và tư lợi.
Đó là trường hợp nhà lãnh đạo nổi tiếng Pericles, vì nghe theo sự bất mãn của một kỹ nữ,[1] đã tiêu tốn xương máu và tiền bạc của quốc gia, để tiến đánh và tiêu diệt thị quốc Samoa. Đó cũng là người, vì tự ái bị tổn thương đã tiến đánh Megara,[2] một nước nằm trong lãnh thổ Hy Lạp; đó cũng là người bị cáo buộc đồng lõa với Phidias để ăn chặn số vàng dùng để tạc tượng nữ thần Minerva,[3] và dùng tiền của công quỹ mua chuộc lòng dân, và còn nhiều tội lỗi khác cộng lại. Chính người đó là tác giả của cuộc chiến nổi tiếng và đẫm máu được ghi lại trong sử sách Hy Lạp bằng cái tên Cuộc chiến Peloponnesia, một cuộc chiến dây dưa, lúc thua lúc được và đưa đến kết quả là sự sụp đổ của quốc gia Athena.
Đó cũng là trường hợp của Thomas Wolsey, một hồng y đầy tham vọng và cũng là tể tướng của vua Henry đệ Thất, người đã để cho lòng kiêu ngạo nhắm đến chiếc mão triều thiên,[4] và hy vọng sẽ đạt được ngôi vị huy hoàng này nhờ ở ảnh hưởng của Hoàng đế Charles đệ Ngũ. Để mua lòng các vị vua, Wolsey đã âm mưu đưa Anh quốc vào một cuộc chiến với Pháp, một cuộc chiến hoàn toàn đi ngược lại các chính sách quốc gia, một cuộc chiến đưa đất nước đến nguy cơ mất đi nền độc lập và an ninh, cũng như sự sụp đổ của vương triều mà ông là tể tướng, và cả nền an ninh của Âu châu nói chung. Ta có thể nói không ngoa là nếu có một ông vua nào muốn làm hoàng đế toàn vũ trụ, thì đó chính là Hoàng đế Charles đệ Ngũ, người đã lợi dụng Wolsey làm con cờ cho mình.
Sự cuồng tín của một nữ nhân,[5] sự hờn giận cuả một nữ nhân khác,[6] và những âm mưu của người đàn bà thứ ba[7] đã khiến tình hình chính trị tại phần lớn Âu châu khi loạn khi an đã là đề tài được bàn tới rất nhiều.
Chỉ cần những người có một chút ít hiểu biết hời hợt về lịch sử cũng có thể hình dung được một số trường hợp như trên; và đối với những người chỉ có một chút hiểu biết về bản chất con người thì không cần phải đan cử những thí dụ nào để nhận định về sự hiện hữu của những trường hợp kể trên, cũng như sẽ thấy rằng nó đã từng xẩy ra rất nhiều. Tuy nhiên, mặc dầu vậy, một thí dụ điển hình để chứng minh cho sự phổ cập của những trường hợp này, cũng có thể được đan cử ra tại đây để dẫn chúng cho một trường hợp đã xẩy ra cho chính chúng ta cách đây ít lâu. Nếu Shays[8] đã không trở thành một con nợ tuyệt vọng, thì có lẽ tiểu bang Massachusetts sẽ không bị chìm đắm trong cảnh nội chiến.
Mặc dầu đã cho nhiều bằng chứng về những trường hợp nêu trên, cũng vẫn còn có nhiều tử tưởng gia và nhân vật thủ đoạn còn chủ trương rằng những tiểu bang ở trong tình trạng phân hóa cách biệt với nhau vẫn có thể sống chung với nhau trong một nền hòa bình trường cửu. Ưu điểm của thể chế cộng hòa (theo họ) là khuynh hướng chủ hòa. Những người này cho rằng tinh thần thương mại có khuynh hướng làm dịu bản tính của con người, và có khả năng dập tắt được tính khí nóng nảy của con người-đặc tính thường khêu dậy mồi lửa chiến tranh. Những cộng hòa thương mại, như của chúng ta, sẽ không bao giờ chịu để mình bị lôi cuốn vào trong những cuộc tranh chấp tốn kém giữa chúng ta với nhau. Chúng ta sẽ được cai trị bởi sự thúc đẩy của những quyền lợi hỗ tương, và chúng ta sẽ nuôi dưỡng được một tinh thần hòa hoãn và hòa hợp.
Chúng ta có thể hỏi những nhà tiên tri chính trị đó rằng, có phải quyền lợi đích thực của các quốc gia là nhằm nuôi dưỡng cái tinh thần vô vụ lợi và cao siêu đó không? Nếu đó đích thực là quyền lợi thực sự của họ, thì con người đã có thực sự cố gắng theo đuổi nó hay chưa? Hay là ngược lại, chẳng phải họ đã luôn luôn bị chi phối bởi những đột biến tâm lý, hay những quyền lợi nhất thời nhưng lại có tác động hữu hiệu và mạnh nhất vào bản tính con người, để mà xao lãng những ưu tư về chính sách tổng quát và cao xa, về lợi ích chung hay là về công lý? Xét trên thực tế, có đúng là những nền cộng hòa ít bị lôi kéo vào chiến tranh hơn các nền quân chủ hay không? Chẳng phải là những nền cộng hòa đó cũng do NGƯỜI điều hành như các nền quân chủ hay sao? Chẳng phải là những điều yêu, ghét, những sự cạnh tranh và ham muốn chiếm đoạt một cách bất chính tài sản của kẻ khác cũng đều tác động trên các nước theo thể chế cộng hòa cũng như đối với các ông vua? Chẳng phải là những cuộc hội nghị nhân dân cũng thường bị ảnh hưởng bởi những phút nóng giận, căm thù, ghen tức, suy tính nhỏ nhen, cũng như vô vàn tác phong bạo lực và bất thường khác của con người? Chẳng phải ai cũng biết là quyết định của các hội nghị nhân dân thường bị chi phối bởi một số ít nhân vật mà mọi người đã đặt tin tưởng, và như thế, những người này sẽ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi những ham muốn và quan điểm của chính cá nhân họ? Chẳng phải sinh hoạt thương mại cũng có tác dụng khác hơn là thay đổi mục tiêu chiến tranh? Chẳng phải là lòng ham muốn tiền của cũng có sức thu hút và chi phối ngang tầm với lòng ham muốn quyền lực và danh vọng? Chẳng phải là đã có nhiều cuộc chiến tranh được phát động bằng những mục tiêu thương mại, khi mậu dịch trở thành một hệ thống sinh hoạt giữa các nước, cũng giống như những cuộc chiến đã được phát động trước đó vì lòng tham bành trướng lãnh thổ hay khát vọng cai trị? Chẳng phải tinh thần thương mại, trong nhiều trường hợp, đã làm phát sinh ra thêm nhiều ham muốn nuôi dưỡng tham vọng? Hãy để cho kinh nghiệm, là một kim chỉ nam ít sai lầm nhất soi sáng cho con người, hướng dẫn chúng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.
Các nước Sparta, Athens, Rome, và Carthage đều là những nước cộng hòa; hai trong số đó, Athens và Carthage, chuyên về thương mại. Tuy vậy, chẳng phải hai nước đó cũng vẫn phải dự phần vào một số cuộc chiến tranh, cả tấn công cũng như phòng thủ, nhiều bằng số lượng với những cuộc chiến do các nước quân chủ lân bang gây ra trong cùng một khoảng thời gian hay sao? Sparta chỉ khá hơn một doanh trại được tổ chức có quy củ một chút, còn Rome thì không bao giờ thỏa mãn với những cuộc chém giết và xâm lăng.
Đối với Carthage thì, mặc dầu là một cộng hòa thương mại, cũng đã phát động một cuộc chiến xâm lược để kết cuộc đi đến diệt vong trong cuộc chiến này. Hannibal[9] cũng đã chỉ huy đoàn quân viễn chinh đến trung tâm nước Italy, cũng như đến ngưỡng cửa của Rome, trước khi bị Scipio,[10] đánh tan ngay tại lãnh thổ Carthage và chiếm lĩnh nước này.
Venice, trong thời sau, cũng đã dự vào nhiều cuộc chiến tranh vì tham vọng, cho đến khi trở thành đối tượng của những quốc gia khác tại vùng Italy, khi Giáo Hoàng Julius II huy động được đủ phương tiện để thiết lập một liên minh cường đại,[11] và đánh tan được tham vọng của nước cộng hòa hiếu chiến đó.
Những tỉnh thành Hà Lan,[12] cho đến khi bị chìm đắm dưới gánh nặng thuế khóa và nợ nần, cũng đã tích cực góp mặt vào trong những cuộc chiến tranh trong khu vục Âu Châu. Những lãnh thổ này đã tích cực cạnh tranh với Anh quốc để chiếm quyền bá chủ đại dương, đồng thời cũng là một trong số những đối thủ kỳ cựu và triệt để nhất của Hoàng đế Louis XIV.
Trong chính quyền Anh quốc, những người đại diện dân hợp thành một nhánh trong ngành lập pháp quốc gia. Từ lâu, sinh hoạt thương mại là một trong những hoạt động chính yếu của nước này. Ít quốc gia nào đã có thể được coi là tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh bằng nước Anh. Trong nhiều trường hợp, những cuộc chiến tranh do nước này tham gia, thường đều do dân chúng khai chiến.
Có thể nói rằng những cuộc chiến tranh do dân chúng khởi động cũng nhiều bằng số lượng những cuộc chiến tranh do các vị quốc vương khai chiến. Những lời kêu gọi của quần chúng cũng như những lời thúc giục của những người đại diện của họ, trong nhiều trường hợp, đã lôi kéo và giữ chân các vị quân vương trong vòng chiến, ngoài ý muốn của họ, và đôi khi còn ngoài phạm vi quyền lợi thực sự của đất nước. Cuộc tranh đua vị thế đáng ghi nhớ giữa hai triều đình Austria và Bourbon, đã khiến cho Âu Châu bị chìm trong khói lửa trong một thời gian dài, mọi người đều biết là những ác cảm của người Anh đối với người Pháp, cộng thêm với mưu đồ danh vọng, hay đúng hơn là sự tham lam của cải của một lãnh tụ được sủng ái,[13] đã khiến cuộc chiến kéo dài quá thời gian cần thiết của một chính sách hợp lý, và cũng đã đi ngược lại với quan điểm của triều đình trong một thời gian dài.
Những cuộc chiến tranh giữa hai nước nói trên, trong một phạm vi rộng lớn, đã phát xuất từ những toan tính về thương mại – ước muốn vượt trội đối phương, hay nỗi lo sợ bị đối phương vượt qua trong những lãnh vực sinh hoạt thương mại cụ thể nào đó, hay là để cho họ đạt được ưu thế trong nền thương mại hay ngành hàng hải nói chung. Và đôi khi là từ những ước muốn sai trái là giao thương bất chính với những nước đã có quan hệ với nước kia.
Ngoại trừ hai cuộc chiến, cuộc chiến cuối cùng giữa Anh và Tây ban nha xảy ra là vì thương nhân Anh đã bí mật tìm cách giao thương với các đối tượng của Tây ban nha. Cách thức làm ăn bất chính và không thể bào chữa được như thế đã khiến người Tây ban nha phản ứng cực kỳ khắc nghiệt đối với người Anh, nhưng không phải vì thế mà những hành vi này của Tây ban nha được coi là chính đáng, vì chúng vượt quá giới hạn trả đũa đến độ bị coi như tàn ác, vô nhân đạo. Nhiều người Anh bị bắt tại bờ biển Tây ban nha bị bắt đi đào mỏ ở Potosi, và rồi vì những bất mãn của người Tây ban nha mỗi lúc một gia tăng, những người Anh có tội và vô tội đều bị đối xử tàn tệ như nhau. Thương nhân người Anh bắt đầu ta thán chính quyền Tây ban nha và ngọn lửa bạo động được thổi bùng lên, lan vào tòa nhà quốc hội và từ đó chuyển sang bộ ngoại giao và bộ chiến tranh. Lời kêu gọi chiến tranh được cổ xúy và chấp thuận. Kết quả là chiến tranh bùng nổ và làm sụp đổ mọi liên minh đã mất công gây dựng trong hai mươi năm trước với một ước vọng lạc quan là đem lại lợi ích cho mọi phía.
Căn cứ vào phần tóm lược những sự kiện xẩy ra tại một số nước ngoài, phần lớn là những sự kiện có nhiều nét tương đồng với chúng ta nhất, như vậy, làm sao chúng ta có thể có được một lý do nào để tin tưởng rằng chúng ta có khả năng tạo được sự an bình và hòa hoãn giữa những thành phần của liên hiệp hiện hữu, nếu các tiểu bang bị phân hóa? Bộ ta chưa thấy đủ những điều ngụy biện và thậm xưng của những tư tưởng vô bổ đã khiến ta tin vào những hứa hẹn hão huyền là ta sẽ không mắc phải những điều bất toàn, khiếm khuyết và xấu xa vốn tiềm ẩn trong mọi xã hội? Chẳng phải bây giờ là lúc ta phải tỉnh thức từ giấc mơ đầy gian dối về một thời đại hoàng kim để chấp nhận một nguyên lý thực tiễn làm căn bản cho các hoạt động chính trị mà ta, cũng như những người dân khác trên quả đất này, vẫn còn xa lắm mới đạt tới được một thể chế đầy hạnh phúc do đức hạnh và sự khôn ngoan toàn hảo mang lại, hay sao?
Hãy để cho tình trạng khủng hoảng về niềm hãnh diện quốc gia và những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải do sự hiện diện của một chính quyền lỏng lẻo và không hiệu lực, trở thành những điều soi sáng chúng ta. Hãy để cho cuộc nổi loạn tại một phần lãnh thổ tiểu bang North Carolina, những diễn biến bạo lực tai Pennsylvania, cũng như những cuộc nổi loạn tại Massachusetts hiện nay soi sáng chúng ta!
Cho đến nay chúng ta đã nhận định qua khuynh hướng chung của nhân loại dựa trên học thuyết của những kẻ muốn ru ngủ chúng ta về nguy cơ bất hòa và tranh chấp giữa các nước với nhau. Nhưng trong trường hợp các tiểu bang chúng ta bị phân hóa, thì những trải nghiệm thực tế về sự tiến bộ của xã hội đã trở thành một định đề trong chính trị: đó là sự gần gũi về lãnh thổ biến các quốc gia trở thành kẻ thù tự nhiên của nhau. Một nhà tư tưởng khôn ngoan đã diễn tả điều này rõ ràng như sau: “Những quốc gia lân bang đương nhiên là những kẻ thù của nhau, trừ phi sự yếu kém chung buộc họ phải liên kết thành một Cộng hòa Liên hiệp, hoặc cơ cấu chính trị của họ ngăn cho những khác biệt giữa các nước do gần gũi nhau tạo ra bất hòa, và dập tắt nỗi ganh ghét ngấm ngầm khiến cho mọi nước có khuynh hướng bành trướng và xâm lấn lân bang.”[14] Câu nói này, cùng một lúc, chỉ cho ta thấy đâu là Nguyên ủy của Tai họa và đề ra Giải pháp Chữa trị.
[1] Xem “Cuộc đời và sự nghiệp của Pericles” của Plutarch. Pericles (495-329 B,C,) cai trị Athens trong thời kỳ huy hoàng của nước này, cũng là người đã đưa dân chủ đến với dân thường, và thiết lập nên đế quốc Athens qua các thuộc địa chiếm được trên toàn cõi Hy Lạp. Năm 440 B.C., Pericles dẹp tan cuộc nổi loạn trên đảo Samos, quê hương của người Samian. Người kỹ nữ đó là Aspasia rất được Pericles yêu mến và chiều chuộng nên có ảnh hưởng rất lớn trong các việc quân quốc. Plutarch là sử gia nổi tiếng của Hy Lạp (46-120 A.D.), cũng là tác giả cuốn “Cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lừng danh Hy Lạp và La Mã.” (chú thích của người dịch).
[2] Sách đã dẫn. Megara là một nước nhỏ luôn bị các nước lớn xâm lăng, nhất là Athens.
[3] Sách đã dẫn. Phidias bị nghi ngờ rằng đã đánh cấp một số vàng công quỹ, với sự đồng lõa của Pericles, để dùng vào việc làm đẹp bức tượng của nữ thần Minerva. Phidias là một điêu khắc gia nổi tiếng, làm quan tới chức bộ trưởng bộ nghệ thuật, và là người chịu trách nhiệm xây dựng điện Parthenon thờ nữ thần Athena tại Acropolis (nay còn di tích tại Athens), cùng các tượng thần khác. Phidias cũng được coi là người sáng lập ra trường phái nghệ thuật cổ điển của Hy Lạp (chú thích của người dịch).
[4] Vương miện của Giáo Hoàng.
[5] Madame de Maintenon.
[6] Duchess of Marlborough.
[7] Madame de Pompadour.
[8] Daniel Shays (1740-1825) một nông dân tại tiểu bang Massachusetts, cùng một số nông dân khác vì sưu cao thuế nặng nên phải mang công mắc nợ, nổi lên vũ trang chống lại tòa án để bảo vệ cho điền sản của họ đang bị xiết nợ. Cuộc nổi loạn này bị quân đội tiểu bang dẹp tan khi đoàn nông dân định tiến đánh kho đạn của Liên bang tại Springfield. Tuy nhiên, cuộc nổi loạn này cho thấy chính quyền liên hiệp không đủ khả năng để đối phó với các cuộc nổi loạn hầu đem lại sự đoàn kết quốc gia, và cũng là lý do để nhóm Federalists kêu gọi phải tổ chức một chính quyền trung ương vững mạnh (chú thích của người dịch).
[9] Hannibal là đại tướng của Carthage (247-183 B.C.) đã dẫn 100 ngàn quân vượt qua dãy núi Alps để tiến vào Ý đánh đế quốc La Mã. Khởi đầu Hannibal thắng rất nhiều trận, nhưng cuối cùng vẫn bị quân La Mã đánh bại.
[10] Scipio là đại tướng La Mã (236-183 B.C.)
[11] Liên Minh Cambray, quy tụ Hoàng đế, Hoàng đế nước Pháp, Vua Aragon, cùng với hầu hết các quận chúa trong vùng Italy thời đó.
[12] Hà Lan (Holland) là vùng đất phía tây của nước Netherlands ngày nay, cho đến thế kỷ 17, Hà Lan gồm hai tỉnh (bắc và nam Hà Lan) nằm dọc theo duyên hải của Netherlands, và mãi đến giữa thế kỷ 19 mới được thống nhất trong nước Netherlands.
[13] Quận Công Marlborough
[14] Xem “Principes des Négotiations” của Abbé de Mably