fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Luận cương 5

Luận về Những Nguy cơ từ Phía các Thế Lực Ngoại Bang

(Tiếp theo)

John Jay

Trong thông điệp đề ngày 1 tháng Bẩy, 1706 gởi Nghị viện Scotland, Nữ hoàng Anne đã đưa ra nhận xét về vai trò quan trọng của sự liên hiệp giữa Anh quốc và Scotland. Những nhận xét này đáng để cho chúng ta lưu tâm. Tôi xin được trích dẫn ở đây một vài đoạn trong bức thông điệp này: “Một nền thống nhất trọn vẹn và toàn hảo sẽ trở thành một nền tảng vững chắc cho hòa bình vĩnh cửu: nó sẽ bảo vệ tín ngưỡng, tự do và tài sản của đồng bào; loại bỏ những hiềm khích giữa quý ngài, cũng như những tranh chấp và mâu thuẫn giữa hai vương quốc chúng ta. Mối liên hiệp đó sẽ gia tăng sức mạnh, tài sản và mậu dịch của quý ngài; và cũng do mối liên hiệp đó, tất cả đảo quốc, được kết hợp lại bằng thiện cảm, và không còn phải lo âu về những khác biệt quyền lợi,  sẽ có đủ khả năng chống trả mọi kẻ thù.” “Trẫm rất mong mỏi quý ngài hãy bình tâm và nhất trí trước vấn đề  trọng đại này, hầu cho nền liên hiệp có thể được thực hiện tốt đẹp, vì đó là phương thức hữu hiệu duy nhất để có thể bảo đảm phúc lợi hiện tại và tương lai của chúng ta, đồng thời, hóa giải được những ý đồ của kẻ thù chúng ta, là những kẻ chắc chắn sẽ lợi dụng cơ hội này để huy động mọi nỗ lực cản trở hay trì hoãn sự liên hiệp giữa chúng ta.”

Trong bài tham luận trước, tôi có nhận định rằng, tình trạng yếu kém và chia rẽ nội bộ sẽ đưa đến những mối nguy cơ từ phía ngoài; và không có điều gì có thể bảo đảm an ninh cho chúng ta bằng một Khối Liên hiệp, sức mạnh, và một chính quyền hữu hiệu giữa chúng ta. Chủ đề này rất rộng lớn và không thể dễ dàng quán triệt được.

Nhìn chung, chúng ta am hiểu lịch sử Vương quốc Anh nhất, và do sự tiếp cận đó, chúng ta đã rút tỉa được từ đó nhiều bài học hữu ích. Chúng ta có thể rút được nhiều kinh nghiệm quý báu mà không phải trả cái giá đắt mà họ đã phải trả. Mặc dầu nhu cầu đoàn kết các dân tộc sống trên cùng một hải đảo để thành lập một quốc gia duy nhất là một điều hiển nhiên, chúng ta đã thấy rằng, trong một thời kỳ lâu dài, họ đã chia rẽ thành ba nước riêng biệt, và hầu như luôn luôn tranh chấp và đánh lẫn nhau. Dầu cho những quyền lợi chung của họ đối với các nước trên lục địa cùng giống nhau, thế nhưng, những chính sách và chủ trương, lề lối hành xử cũng như những hiềm khích của họ vẫn được nuôi dưỡng để khiến cho họ luôn phải đối đầu với nhau, và trong một thời kỳ lâu dài, họ luôn là thù địch và chống phá, thay vì tương trợ và đoàn kết với nhau.

Trong trường hợp người dân Mỹ cũng tự chia ra thành ba hay bốn quốc gia, liệu có tránh được tình trạng tương tự xẩy ra hay không? Hay là những sự hiềm khích tương tự cũng sẽ nổi lên, và cũng sẽ được nuôi dưỡng theo cùng một chiều hướng? Thay vì trở nên “đoàn kết trong thiện cảm” và không còn phải lo âu  về những khác biệt về quyền lợi,” thì sự đố kỵ và lòng tham sẽ dập tắt ngọn lửa của thiện cảm và niềm tin, và những quyền lợi cục bộ của từng liên hiệp tiểu bang riêng rẽ, chứ không còn là quyền lợi chung của toàn dân Mỹ, sẽ trở thành mục tiêu độc nhất của những chủ trương và đường lối của họ. Do đó, cũng giống như những quốc gia  khác có chung biên giới, họ sẽ luôn luôn bị lôi kéo vào nhũng cuộc tranh chấp và chiến tranh, hay là sẽ phải sống trong niềm lo âu thường xuyên về những hiểm họa đó.

Những kẻ lạc quan cổ võ mạnh mẽ cho việc thiết lập ba hay bốn liên hiệp tiểu bang không thể đưa ra một luận cứ hợp lý nào để chứng tỏ rằng họ sẽ luôn luôn quân bình được lực lượng giữa các liên hiệp tiểu bang này. Và ngay trong giả thiết là họ có thể đạt được tình trạng quân bình lực lượng đó trong buổi đầu, làm sao có thể có được một phương án do con người tạo ra khả dĩ bảo đảm được tình trạng quân bình lực lượng đó  tiếp tục được duy trì? Không kể đến những yếu tố địa phương thường có khuynh hướng thúc đẩy sự phát triển sức mạnh tại một nơi, trong khi lại ngăn cản sự tăng trưởng tại nơi khác, chúng ta cần phải lưu tâm đến trường hợp mà tác động của những nỗ lực quản lý tốt cộng với những chính sách hữu hiệu, sẽ có triển vọng nâng một chính quyền vượt trội lên trên các chính quyền khác, và kết quả hiển nhiên là sẽ phá vỡ cái thế quân bình lực lượng giữa các liên hiệp tiểu bang. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không thể giả định là tất cả các liên hiệp tiểu bang này sẽ có thể đạt được cùng một mức độ thành công bằng nhau trong việc khai triển và thực hiện những chính sách tốt, với cùng một tinh thần cẩn trọng, và với cùng một tầm viễn kiến bằng nhau trong nhiều năm liên tiếp.

Đến khi mà tình trạng mất cân bằng đó xẩy ra, mà chắc chắn là thể nào nó cũng sẽ xẩy ra, bất kể là vì một nguyên cớ nào, để đưa đến sự kiện một trong những liên hiệp tiểu bang này vượt trội trên hẳn những liên hiệp khác về ưu thế chính trị, thì lúc đó, những liên hiệp tiểu bang khác sẽ phải dòm ngó trong nỗi đố kỵ và lo sợ. Tâm trạng đó sẽ thúc đẩy họ tìm cách ngăn chặn, nếu không nói là cổ võ cho việc [áp dụng] tất cả những gì có thể hầu làm giảm được sự quan trọng của liên bang nổi bật đó; đồng thời kềm chế không để cho liên bang đó có được những biện pháp nhằm mục đích phát triển, hay để bảo đảm sự thịnh vượng của nó. Liên bang nổi trội này, chẳng bao lâu, sẽ nhận ra những khuynh hướng thiếu thiện cảm nói trên. Từ đó, nó sẽ mất dần tin tưởng vào thiện ý của những lân bang, hơn nữa, nó cũng có thể bắt đầu nuôi dưỡng mối hiềm khích đối với những lân bang: Nghi ngờ nuôi dưỡng sự nghi ngờ, và không có gì tiêu hủy thiện chí và cách cư xử tử tế nhanh chóng cho bằng những ganh ghét hay những sự đổ lỗi thiếu ngay thẳng, dù những điều này có được nói thẳng ra hay ám chỉ cũng vậy.

Nhìn chung, miền Bắc là vùng vững mạnh, và do một số điều kiện thuận lợi tại địa phương, có nhiều triển vọng là những liên hiệp tiểu bang được hình thành tại vùng cực bắc, trong một thời điểm không xa lắm, sẽ trở nên vững mạnh hơn những liên hiệp tiểu bang khác. Một khi tình trạng đó xẩy ra, những liên hiệp phía Nam sẽ nhanh chóng nuôi dưỡng những ý tưởng và cảm xúc về những liên hiệp miền Bắc, tương tự như những ý tưởng và cảm xúc của các tỉnh thuộc miền Nam Âu Châu đã từng nuôi dưỡng đối với những Tổ Ong miền Bắc Âu Châu trước đây. Cũng không hẳn là một suy nghĩ hồ đồ nếu chúng ta dự đoán rằng những đàn ong miền Bắc cũng sẽ nuôi dưỡng ý đồ chiếm đoạt mật ong tại những cánh đồng bát ngát phì nhiêu và chan hòa không khí ấm dịu của những lãnh thổ láng giềng phương Nam.

Trong quá trình những cuộc phân chia lãnh thổ và liên hiệp tiểu bang tương tự trong lịch sử, cũng đã có nhiều thí dụ cho thấy rằng việc phân chia lãnh thổ nước Mỹ ra thành nhiều liên hiệp tiểu bang sẽ không làm cho những đơn vị lãnh thổ này trở thành những nước láng giềng thân thiện, mà chỉ trở thành những nước có chung biên giới. Họ sẽ không tin tưởng và thân thiện với nhau. Ngược lại, họ sẽ trở thành đối tượng của lòng nghi kỵ, mâu thuẫn và đánh phá lẫn nhau. Tóm lại, sự phân chia này sẽ đặt chúng ta vào đúng trạng thái mà chắc chắn nhiều quốc gia mong muốn chúng ta rơi vào, có nghĩa là chỉ đáng sợ đối với nhau mà thôi.

Từ những suy luận trên, có thể thấy rằng, thật là một suy nghĩ sai lầm, cho những ai trông đợi vào sự hợp lực giữa các liên hiệp tiểu bang này để tổ chức thành những liên minh quân sự, với mục tiêu phòng thủ hay chiến đấu, có khả năng đương đầu với các lực lượng thù địch ngoại bang.

Có bao giờ những nước biệt lập phát xuất từ sự phân hóa của Anh và Tây ban nha đã có thể tụ hợp lại với nhau để chống lại một kẻ thù ngoại bang đâu? Những liên hiệp tiểu bang được đề xuất ra sẽ trở thành những quốc gia riêng biệt. Mỗi đơn vị lãnh thổ này sẽ thiết lập giao thương với ngoại bang do quy định của những hiệp ước riêng biệt; và do sự khác biệt giữa những loại sản phẩm và hàng hóa tùy theo nhu cầu của những thị trường khác nhau, những điểu khoản của từng hiệp ước cũng sẽ khác nhau. Sự khác biệt trong những yêu cầu thương mại riêng rẽ sẽ phát sinh ra những quyền lợi khác nhau, cũng như quan hệ và mối giao hảo khác nhau với các nước ngoài. Do đó, rất có thể là một nước ngoài kết ước với một liên hiệp tiểu bang phía Nam có thể tuyên chiến với một nước ngoài hiện là bạn hàng của một liên hiệp tiểu bang phía Bắc, đang muốn cố gắng duy trì và bảo vệ nền hòa bình và mối giao hảo với nước đó. Trong trường hợp đó, sẽ khó có thể kết hợp được một liên minh đi ngược lại với những quyền lợi trước mắt, và dù cho có thiết lập được điều này chăng nữa, cũng khó có thể thực hiện được những điều đã cam kết với đầy đủ thiện chí.

Nói cho đúng hơn, cũng giống như trong trường hợp đã từng xẩy ra tại Âu Châu, điều có nhiều triển vọng xẩy ra hơn cả là những nước láng giềng sẽ hành động theo sự thúc đẩy của quyền lợi đối chọi và những tình cảm bất thân thiện, và thường sẽ tự đặt mình vào những  phe đối địch. Xét về khoảng cách địa lý giữa chúng ta và Âu Châu, điều bình thường là những liên hiệp tiểu bang này sẽ đương nhiên chú tâm đến những mối đe dọa từ các lãnh thổ lân bang nhiều hơn là những mối đe dọa đến từ những nước quá xa cách. Vì vậy, các liên hiệp tiểu bang này sẽ chú trọng đến việc thiết lập những liên minh với các nước ở xa để ngăn chặn những hiểm họa đến từ các lân bang, thay vì đi tìm kiếm những liên minh giữa các liên hiệp tiểu bang với nhau để phòng thủ chống lại những mối đe dọa từ phía những nước ở xa. Và chúng ta cũng không nên quên rằng, ở đây, việc tiếp đón các hạm đội ngoại bang đến các cảng của chúng ta, và để cho các đạo quân nước ngoài vào lãnh thổ chúng ta, dễ thực hiện hơn là việc thuyết phục hay ép buộc chúng rời khỏi lãnh thổ của chúng ta. Đế quốc La Mã và những đế quốc khác đã thực hiện được biết bao nhiêu cuộc xâm chiếm lãnh thổ dưới danh nghĩa là đồng minh quân sự, và không thiếu chi cách họ đã bày ra dưới danh nghĩa đồng minh để tiến chiếm những nước mà họ viện cớ là để bảo vệ.

Như vậy, hãy để cho những người vô tư suy xét xem, liệu việc phân chia nước Mỹ ra thành một số lãnh thổ có chủ quyền có thể bảo vệ được chúng ta chống lại những hành động xâm lược và sự can thiệp không chính đáng của những lực lượng ngoại bang hay không.