fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Thành thực và Lòng tin

Cả hai đều tối cần cho sự tương tác có hiệu quả cao của con người và cho sự vận hành kinh tế thuận tiện

WALTER E. WILLIAMS

Vài thập niên trước đây, thỉnh thoảng tôi có dịp đi ăn trưa với cố giáo sư G. Warren Nutter, một kinh tế gia nổi tiếng dạy tại Đại học Virginia. Giáo sư Nutter có chuyên môn thâm hậu về các hệ thống kinh tế đối chiếu, đặc biệt là về hệ thống của Liên Xô trước kia. Dù ông có hiểu biết thâm sâu về lý thuyết kinh tế, Giáo sư Nutter luôn luôn nhấn mạnh rằng thị trường không vận hành trong khoảng chân không và ta sẽ có được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách hành xử của con người nếu ta để ý đến vai trò của những định chế và những lực phi-thị trường khác.

Tại một bữa trưa, thật là bất ngờ và cũng có lẽ muốn chọc cho tôi tranh luận, Giáo sư Nutter nói rằng nếu chúng ta dừng lại để đếm tiền thối mỗi lần mua một món đồ gì đó, thì hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ. Nói như vậy có vẻ hơi quá, nhưng ông đang đưa ra một luận điểm là những định chế như lòng tin và sự chân thực là những điều thiết yếu cho phúc lợi của con người. Sự chân thực và niềm tin không những chỉ là vấn đề thuộc về tư cách hay đạo lý; đó cũng là những điều tối cần cho sự tương tác có hiệu quả của con người và cho sự vận hành trơn tru của kinh tế.

Để hiểu được sự quan trọng của sự chân thực và niềm tin, hãy thử tưởng tượng đời sống hàng ngày của ta sẽ ra sao nếu ta không thể tin được ai hết. Giả sử ta mua một chai thuốc 100 viên fo-lic acid từ một tiệm thuốc tây, có bao nhiêu người trong chúng ta đếm từng chai để bảo đảm là ta thực sự có 100 viên trong lọ thuốc? Ta đi đổ xăng ở cây xăng và đồng hồ ở cây xăng chỉ là ta đã đổ 40 lít. Đã có ai trong chúng ta mất công để xác định xem có thật là ta đã nhận đủ 40 lít hay chỉ 39 lít rưỡi? Ta trả bảy đồng cho nửa ký thịt bò. Có bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách xác định xem là có thật nửa ký hay chỉ có 450 gram?

Rồi thì còn cái vụ “Gửi cho tôi 100 cái diskette và gửi cho tôi hóa đơn sau.” Hay là bạn gọi cho người bán cổ phần chứng khoán là mua cho bạn 50 cổ phần của hãng điện thoại viễn liên AT&T với giá thị trường hiện nay và bạn sẽ thanh toán chi phí trong bảy ngày. Một người bán hàng nói: “Nếu quý vị không hoàn toàn thỏa mãn với món hàng, cứ mang trở lại tiệm và chúng tôi sẽ hoàn lại tiền.” Hay là: “Hãy cắt cỏ cho cái sân của tôi rồi tôi sẽ trả tiền cho anh sau.”[1] Trong hàng triệu triệu giao dịch như thế, chúng xảy ra chỉ đơn giản là vì ta tin lẫn nhau.

Hãy tưởng tượng đến những phí tổn và sự bất tiện mà ta phải chịu nếu người ta, nói chung không lương thiện, và ta chẳng thể tin được một ai. [Lúc đó,] ta sẽ phải khệ nệ mang theo những dụng cụ đo lường để bảo đảm, thí dụ, ta mua đúng 40 lít xăng hay nửa ký thịt bò. Ta sẽ phải chịu thêm gánh nặng chi phí viết những tờ giao kèo thay vì chỉ tin vào lời của người bán hay người mua, và rồi còn chi phí để theo dõi xem những bên liên quan có làm đúng theo giao kèo ngay cả đối với những giao dịch đơn giản nhất. [Thành thử,] ta có thể nói mà không sợ sai rằng bất cứ điều gì làm xói mòn đi niềm tin giữa người với người, sẽ làm gia tăng chi phí giao dịch và khiến cho ta nghèo khó hơn.

Nhưng sự thành thật và lòng tin khi được suy rộng ra còn đi xa hơn thế nữa. Tôi sống ở khu ngoại ô Main Line của thành phố Philadelphia. Các hãng giao bưu kiện như FedEx, UPS[2], và các hãng khác vẫn thường để những thùng hàng đựng những món hàng đắt tiền ngay trước thềm cửa nếu không có ai ở nhà để nhận hàng. Một cái siêu thị ở địa phương để qua đêm những cây kiểng, phân bón và những đồ dùng trong nhà hay làm vườn ở ngoài sân cửa tiệm mà chẳng có ai canh chừng kẻ trộm ăn cắp. Vào trong tiệm, người ta thấy bao nhiêu là hàng hóa để ngay trên lối vào mà chẳng có ai trông chừng hết. Ở những khu phố kém về sự chân thực, để của ở ngoài cửa, ở ngoài sân qua đêm, và ở trong lối vào của siêu thị là tự sát về kinh tế. Những công ty giao hàng phải chịu chi phí để giao hàng lần thứ hai, nếu lần thứ nhất không có người nhận, hay là người mua hàng phải đi lãnh hàng về. Nếu siêu thị để hàng hóa ngoài sân, thì họ phải chịu thêm chi phí thu dọn hàng hóa vào trong nhà khi hết giờ bán hàng-nếu họ không dám liều để hàng ngoài sân, ngay từ đầu.

Sự thành thực khi được suy rộng ra ảnh hưởng đến những cửa hàng lớn, như những siêu thị, theo một cách khác nữa mà ta thường không để ý. Một trong những mục đích của người quản lý siêu thị là tối đa hóa tỷ lệ bầy hàng hóa theo từng mét vuông của cửa tiệm. Khi sự trộm cắp còn tương đối thấp, thì người quản lý có thể dùng khoảng đất ngoài sân và lối vào, nghĩa là những khoảng không gian anh ta đã trả tiền, và như thế tăng được tiềm năng lợi nhuận. Cơ hội đó bị mất đi tại những nơi kém lương thiện.

Sự thành thực và lòng tin là một sự thật quan trọng có tính chất sống còn khiến ta phải suy nghĩ lại cách đối xử với sự bất lương và bất khả tín. Những người bất lương tạo ra những mất mát không phải chỉ cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn đến những người khác nữa. Nếu gói hàng bị ăn cắp khi được để trước thềm cửa, thì tất cả chúng ta phải chịu những phí tổn khi công ty giao hàng không giao hàng nếu không có ai ở nhà nhận. Nếu có kẻ cướp những tài xế xe buýt và tài xế taxi, tất cả chúng ta bị buộc phải mang đúng số tiền hay dùng tiền với mệnh giá nhỏ.

Hãy xét đến những ảnh hưởng kinh tế lớn lao mà sự không thành thực và không còn tin ai được mang lại, ta không nên có chút xíu dung thứ nào cho những kẻ vi phạm. May thay, chúng ta sống trong một xã hội mà ta còn có thể, nói chung, tin tưởng và chấp nhận lời hứa của nhau. Đó là tin mừng. Còn tin xấu là mức độ tin tưởng mà ta có hiện nay vẫn chưa bằng mức độ của thời kỳ không xa lắm trong quá khứ, chỉ mới khoảng nửa thế kỷ trước mà thôi.

© Học Viện Công Dân, Feb. 2015

Nguồn: http://fee.org/the_freeman/detail/honesty-and-trust

Walter Edward Williams là một kinh tế gia người Mỹ, nhà giáo dục và bình luận gia. Williams là Giáo sư Xuất sắc về Kinh tế tại trường Kinh tế John M. Olin, thuộc viện Đại học George Mason. Những bài bình luận kinh tế của ông được các tạp chí khác đăng lại. Giáo sư Walter E. Williams theo trường phái Duy Tự do (Libetarian).

 


[1] Ở Mỹ có những công ty hay tư nhân đi cắt cỏ thuê, cứ mỗi hai tuần hoặc một tháng một lần, và chủ nhà trả tiền sau hai tuần hay một tháng.

[2] FedEx và UPS là hai trong số những công ty giao hàng nổi tiếng tại Mỹ và toàn cầu.