fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Thử thách thực sự của một quốc gia xảy ra sau cuộc khủng hoảng

Lawrence W. Reed

Các nhà lãnh đạo giỏi nhất biết khi nào nên và không nên sử dụng quyền lực

 

Có lẽ điều tự nhiên và dễ hiểu đối với hầu hết mọi người là nghĩ rằng những điều như “lãnh đạo” và “tính cách” được rèn giũa và thể hiện rõ rệt khi người lãnh đạo đối phó với khủng hoảng. Ở thời điểm hiện tại, khá rõ ràng rằng những đánh giá về các nhân vật của công chúng đang được định hình bởi cách họ đối phó với đại dịch vi-rút.

Trên khắp thế giới, mọi người nói chung, nếu không muốn nói là hầu hết, chấp nhận mô hình “cường nhân“ (strong man), những người lãnh đạo” chỉ huy, ra lệnh, đóng cửa mọi thứ, đe dọa trừng phạt và bắt người khác phải theo mình, sẽ nhận được sự hoan nghênh; và nếu làm bất cứ điều gì ít hơn đều có nguy cơ bị chỉ trích là “do dự” hoặc “nhu nhược.”

Một cuộc xâm lược chết người, cho dù đó là một quân đội có thể nhìn thấy được hay mầm bệnh cực nhỏ, đều đòi hỏi những biện pháp đặc biệt. [Những biện pháp này], cái nào hợp lý và cái nào không, chắc chắn còn gây tranh cãi và không phải là trọng tâm của tôi ở đây. Tôi mong mỏi đồng bào của mình đánh giá khả năng lãnh đạo và tư cách của người lãnh đạo không chỉ bằng hành động đối phó với khủng hoảng. Nhửng gì xảy ra sau đó mới ng là điều cực kỳ quan trọng.

Thời điểm đẹp nhất trong đời George Washington không phải là trên chiến trường trong Chiến tranh Cách mạng. Ông thua nhiều trận hơn là thắng. Nhiệm kỳ tổng thống của ông cũng chỉ được xem là trung bình, đáng chú ý với một số ít thành tích. Không. Sự vĩ đại của Washington mà ai cũng phải công nhận bắt nguồn từ những thời điểm quan trọng khi ông có thể chọn nắm giữ quyền lực nhưng lại khước từ. Ông ấy là vị Vua mà chúng ta, may mắn thay, không có, người đã nêu gương cho những người tự do trong việc tránh không nắm giữ quyền lực vĩnh viễn.[1]

Viết trong ấn bản ngày 30 tháng 3 của tờ The Telegraph ở London, Tim Stanley đưa ra một luận điểm có liên quan và mạnh mẽ. Cột báo của Stanley có tiêu đề “Đừng hoảng sợ và đừng từ bỏ quyền tự do của bạn.” Stanley cầu xin tất cả chúng ta hãy “duy trì lý trí” và “duy trì cái nhìn toàn diện”:

Thật không công bằng khi chỉ trích mọi ông chủ doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh; việc cảnh sát yêu cầu chúng ta theo dõi những kẻ phá luật là không đúng. Nếu một nhà báo đặt ra nghi ngờ về chiến lược, điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm – họ đang thể hiện quyền bất đồng chính kiến của mình, thường là với sự dũng cảm. Sợ hãi không có lợi cho cuộc tranh luận hợp lý. Chính vào những lúc như thế này, khi buộc phải xem tin tức truyền hình cực kỳ cuồng loạn, bạn mới hiểu được cách một xã hội tự thuyết phục mình tham gia vào một cuộc chiến tranh hoặc một cuộc săn lùng phù thủy.

Và đó là lời cầu xin thứ hai của tôi: chúng ta đừng từ bỏ tự do của mình. Theo một cuộc thăm dò của Telegraph, 86% trong số chúng ta sẵn sàng từ bỏ các quyền tự do dân sự của mình để giúp đánh bại virus corona – và tôi nghĩ ý của họ là (tôi hy vọng như vậy) tạm thời và tự nguyện. Trong trường hợp đó, tôi hoàn toàn đồng ý. Hy sinh bản thân là tốt: tinh thần đúng đắn phải là “Tôi rất vui khi được ở nhà nếu điều đó giúp cứu được nhiều người.” Nhưng không nên là “Tôi sẽ làm theo những gì tôi được bảo vì tôi rất sợ và nhà nước biết rõ nhất.” Nếu đó là cách nghĩ của đa số chúng ta hiện nay thì về lâu dài, chúng ta thực sự sẽ bị tiêu diệt. Một xã hội mà về bản chất không trân trọng tự do, cuối cùng sẽ đánh mất nó.

Tôi nói điều này không phải vì tự ái: ngược lại, tôi thực sự là một ẩn sĩ và có thể sống trong cảnh bị giam cầm như thế này bao lâu tùy ý. Không, tôi lo ngại rằng quyền hạn bắt giữ và giam giữ đã được tăng cường đáng kể; rằng các phiên tòa xét xử mới của bồi thẩm đoàn đã bị đình chỉ; rằng các tù nhân hiện bị buộc phải ở trong phòng giam tới 23 giờ mỗi ngày và bị cấm gặp bạn bè và gia đình; rằng các phiên điều trần của hội đồng tạm tha đã bị hủy bỏ. Có thể tất cả những điều này là cần thiết và chính đáng, nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi về nó và chúng ta phải cảnh giác với những “Đại Ca” (Big Brother). Chúng ta sẵn sàng đi bao xa để bảo vệ quyền con người cũng là một bài kiểm tra bản lĩnh của một quốc gia, cũng quan trọng như chúng ta sẽ làm gì để bảo vệ cuộc sống của con người [nhấn mạnh của tác giả].

Nói cách khác, các nhà “lãnh đạo” của chúng ta không phải là những người duy nhất bị soi mói. Cách những người còn lại trong chúng ta phản ứng với quyền lực mà họ sử dụng nói lên rất nhiều điều về chính chúng ta.

Thí dụ về Washington khiến ta nhớ đến một thí dụ khác, về nhà hùng biện và chính khách lỗi lạc cổ đại: Marcus Tullius Cicero. Ở đỉnh cao quyền lực của mình với tư cách là Tổng Tài, sau khi dập tắt mối đe dọa chết người đối với nền tự do của La Mã, Cicero đã nhanh chóng trao trả quyền lực cho người dân. Khi nhiệm kỳ một năm của ông kết thúc, Cicero tôn trọng yêu cầu giới hạn nhiệm kỳ và nghỉ hưu. Giống như Cincinnatus của thời trước, Cicero đã hoàn thành công việc và từ quan.

Cicero khao khát cả tự do và sự bình thường. Các quốc gia là tuyệt vời trong phạm vi những việc họ làm là tốt. Một số người nói rằng sự vĩ đại của nước Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã thể hiện ở khả năng tuyệt vời trong việc ném bom kẻ thù thành từng mảnh. Tôi nghĩ, thay vào đó, chúng ta đã chứng tỏ sự vĩ đại của mình khi lui quân lúc nhiệm vụ đã hoàn thành. Chẳng hạn, chúng ta không sáp nhập Nhật Bản hay Tây Âu như Liên Xô đã làm với Đông Âu.

Khi đại dịch cuối cùng đã qua, nhìn lại sự việc sẽ giúp chúng ta hiểu và đánh giá đầy đủ các biện pháp đã được áp dụng. Chắc chắn, một số điều mà những người sợ hãi sẵn sàng chấp nhận trong trường hợp khẩn cấp sẽ được coi là đúng đắn. Các biện pháp khác sẽ bị coi là thiếu thông tin, vội vàng hoặc phản tác dụng. Và có lẽ tiêu chuẩn đáng kể nhất về khả năng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ xuất hiện sau đó.

Điều này thì tôi biết chắc: Tự do quan trọng với tôi đến mức cuộc sống không có nó đơn giản là điều không tưởng. Tôi sẽ không chấp thuận giới hạn vĩnh viễn của tự do vì lợi ích tạm thời. Tôi sẽ đánh giá khả năng lãnh đạo và tính cách của những người nắm quyền bằng cách họ nhanh chóng chấm dứt những biện pháp phiền hà, và không cản đường người dân khi khủng hoảng qua đi. Tôi sẽ phán xét nghiêm khắc nhất những kẻ lợi dụng hoàn cảnh để tôn vinh nhà nước là chủ nhân của chúng ta. Để đạt được mục tiêu đó, tôi mời độc giả suy nghĩ về những châm ngôn và cảnh báo sau:

  • “Mối nguy hiểm thực sự là khi tự do bị gặm nhấm mất dần đi từng phần vì sự tiện lợi.” – Edmund Burke, 1777
  • “Có mối nguy hiểm từ tất cả mọi người. Châm ngôn duy nhất của một chính phủ tự do là không nên tin tưởng bất kỳ người nào có quyền lực để gây nguy hiểm cho tự do công cộng.” – John Adams, 1772
  • “Nếu các ngươi yêu sự giàu có hơn tự do, yêu thích sự yên bình của nô lệ hơn là cuộc đấu tranh sôi nổi về tự do, hãy rời xa chúng tôi, về nhà trong hòa bình. Chúng tôi không hỏi lời khuyên hay vũ khí của bạn. Hãy cúi xuống và liếm bàn tay đã nuôi sống bạn. Hy vọng xiềng xích trên người bạn không quá nặng nề, và mong hậu thế quên rằng các bạn là đồng bào của chúng tôi.” – Samuel Adams, 1776
  • “Sự cần thiết là lời bào chữa cho mọi hành vi xâm phạm quyền tự do của con người. Nó là lý lẽ của bạo chúa; nó là tín điều của nô lệ.” -William Pitt, 1783.
  • “Số phận chung của những kẻ lười biếng là nhìn thấy quyền lợi của mình trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ tích cực. Điều kiện mà Chúa đã trao quyền tự do cho con người là y phải cảnh giác vĩnh viễn; đó là điều kiện mà nếu y vi phạm, sự nô lệ sẽ ngay lập tức là hậu quả của tội ác và hình phạt cho tội lỗi của mình.” – John Philpot Curran, 1790
  • “Những người sẵn sàng từ bỏ quyền tự do thiết yếu, để mua một chút an toàn tạm thời, không xứng đáng được hưởng tự do cũng như an toàn.” – Benjamin Franklin, 1755

Nông Duy Trường chuyển ngữ

©Học Viện Công Dân April 2023

Tác giả: Lawrence W. Reed là Cựu Chủ tịch của Foundation for Economic Education (FEE), đồng thời là thành viên cấp cao của gia đình Humphreys và Đại sứ Ron Manners của FEE.

Nguồn: https://fee.org/articles/a-nation-s-true-test-comes-after-the-crisis/

[1] Đã có giai thoại là Washington được yêu cầu trở thành vua của nước Mỹ, nhưng ông đã từ chối.